Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (11)


Xem mục lục

 

Theo tantrayana, pratimoksa được phân thành ba loại ngoài, trong, và bí mật, tuần tự tương đương với ba con đường hinayana, mahayana và vajrayana. Nhưng mục tiêu của cả ba tâm nguyện pratimoksa này là để điều phục tâm và để giải thoát khỏi các hoặc. Tuy nhiên cách thức thực hành giữa ba tâm nguyện có khác nhau. Pratimoksa của Hinayana được gọi là con đường thoát ly. Như chúng ta đã nói trước đó, theo hệt hống Theravada, chúng ta không nên để cho các hoặc khởi dậy và không nên để cho các hành động của thân, khẩu, và ý chạy theo các hoặc ấy. Sở dĩ chúng ta làm các nghiệp thân khẩu bất thiện cũng do các phiền não tham, sân, si, mạn, tật, thúc đẩy. Ngay niệm đầu tiên hoặc khởi lên trong tâm, chúng ta phải dừng nó lại, và phải ngưng các nghiệp thân khẩu bất thiện phát động theo sau đó.

Trong trường hợp mahayana hay Bồ tát nguyện, hoặc cũng cần phải đoạn, song lại theo một cách khác. Nghĩa là, thay vì bị loại bỏ, các hoặc được chuyển hóa qua sự thực hành từ bi. Năng lực từ bi tăng trưởng dần dần cho đến khi nó trở thành rộng lớn và thâm sâu, tức là khi chúng ta trở thành một bồ tát. Bồ tát chuyển hóa không phải chỉ các phiền não của riêng mình, mà còn của tất cả các hữu tình nữa. Với sự chuyển hóa các phiền não như thế, mọi hoặc tự động được đoạn trừ cho dù vài hành vi của một bồ tát có vẻ như phạm giới nếu như một người bên ngoài nhìn vào, chẳng hạn như sát sinh hay dâm dục. Tuy nhiên, ở bên trong, tâm nguyện thúc đẩy các hành động ấy lại là vì để lợi ích cho tất cả các chúng sinh.

Đoạn hoặc cũng là con đường Đạo trong tâm nguyện vajrayana. Khi người ta ở trong trạng thái thiền định (dhyana), người ta thấy ra được các hoặc khởi lên trong tâm mình và đồng thời giải thoát mình ra khỏi nó. Điều này được gọi là shar drol theo Tạng ngữ, theo đó các hoặc khởi lên và cùng lúc được giải thoát.

Chúng ta cần phải tu tập cả ba cấp tâm nguyện (pratimoksa, mahayana và vajrayana) cùng một lúc. Chúng ta phải tu luật nghi bên ngoài thuộc pratimoksa theo đó chúng ta có được tâm nguyện giải thoát cho chính mình thôi động. Kế đến phải tu tập luật nghi bên trong của mahayana và phải chấp nhận hạnh của bồ tát. Sau cùng, theo luật nghi của vajrayana, chúng ta vẫn phải tu quán theo các tâm nguyện pratimoksa và mahayana, nhưng khi chúng ta chứng được thực tướng của các pháp rồi, thì lúc đó chúng ta sẽ tu tập thiền định theo yidam. Đây là ba pháp tâm nguyện. Người gương mẫu trong việc trì giữ các tâm nguyện này chính là Milarepa, bề ngoài ngài không có vẻ gì là một vị tăng thọ giới qua các y áo của thầy tu và theo các oai nghi của Vinaya (Luật nghi). Tuy nhiên, bên trong tâm ngài thanh tịnh hết mọi thứ hoặc, và vì thế nên tại sao ngài lại là một hành giả hoàn hảo. Milarepa nói : "Tôi không biết gì về Vinaya, nhưng điều phục tâm mình chính là Vinaya".

Theo pratimoksa, có ba loại phạm giới : khinh tội, trung tội, và trọng tội. Phạm các giới trọng là điều không đuợc làm. Còn phạm các giới nhẹ là do chúng ta bị chi phối bởi các nghiệp ác đã làm từ các kiếp trước. Cho dù chúng ta có thể phạm các tội nhẹ này, chúng ta không nên để chúng tích tụ thêm nhiều. Mà cần phải thanh tịnh hay sám hối chúng theo cách thức sojong (bố tát, posadha). Chữ so của Tạng ngữ có nghĩa là "sửa" hay "chữa" và chữ jong có nghĩa là "từ bỏ" hay "thanh tịnh". Trong lễ sojong này, mọi người được hỏi là mình có nhận ra được các lỗi lầm mà mình đã phạm hay không và rồi mình phải hứa là không được lập lại lỗi lầm ấy nữa trong tương lai. Cách thức này giúp cho chúng ta giữ tâm nguyện giới của mình được đúng đắn.

Sau khi nhận ra lỗi mình, chúng ta có thể áp dụng bốn lực đối trị. Thứ nhất là lực chuyển ngược hay hối quá, tức biết ra các lỗi lầm mình đã phạm và rất là chán ghét chúng. Và rồi chúng ta có thể xả bỏ hết mọi thứ bất thiện ấy. Thứ hai là lực ra sức chữa trị, tức khi đã biết các pháp chữa trị các hành động bất thiện kia rồi, thì áp dụng chúng một cách tinh cần và không gián đoạn. Thứ ba là lực nương tựa, tức nương tựa vào Tam Bảo, với đức Phật là người chỉ đường, Pháp là con đường tu tập, và Tăng là các đồng bạn trên con đường ấy. Thứ tư là lực quyết tâm không làm lại lỗi lầm ấy trong tương lai nữa. Hai pháp đối trị quan trọng nhất là lực hối quá và quyết tâm không tái tạo nghiệp ấy nữa.

Nếu chúng ta phạm một lỗi lầm lần đầu, chúng ta phải quyết tâm không tái phạm nữa; nhưng nếu chúng ta phạm lỗi ấy lần thứ hai, chúng ta lại phải quyết tâm không phạm nó nữa và cứ vậy. Bằng cách cứ quyết tâm không tái tạo lỗi lầm mỗi lần chúng ta phạm một nghiệp bất thiện, tâm chúng ta sẽ trở nên mạnh ra để không phạm lần nữa, và bằng cách ấy các phiền não sẽ lắng dịu. Lễ sojong được thực hành cốt là để như vậy. Nhưng thanh tịnh không có nghĩa là chúng ta trước hết phạm một lỗi và sau đó thanh tịnh nó. Mà nó có nghĩa là bằng năng lực của hối quá chúng ta sám hối lỗi mình và bằng năng lực đối trị chúng ta dứt khoát không đọa vào năng lực của phiền não để sau đó lại tái phạm lỗi lầm ấy nữa. Một khi không bị các ác bất thiện pháp và các hoặc chi phối nữa, tâm chúng ta trở nên an tĩnh.

Hỏi : Tôi không rõ theo mahayana chuyển hóa các hoặc có nghĩa là gì ?

Rinpoche : Các hoặc như tham, sân, và si khởi lên là do nơi ái thủ chính mình, ái thủ cái "Tôi". Khi thực hành con đường bồ tát, thay vì ái thủ chính mình, chúng ta ái thủ các người khác vì chúng ta đã quyết tâm làm lợi ích cho các hữu tình khác, và chính nhờ đó, chúng ta có thể chuyển hóa được mọi hoặc. Chúng ta yêu thích và giữ lấy cái "Tôi" của mình và chỉ tìm cách làm lợi cho mình mà thôi từ vô thủy kiếp đến nay. Thái độ ấy đã chẳng có lợi cho chúng ta mà cũng chẳng lợi cho người khác, mà lại chính là nguyên nhân làm chúng ta luân chuyển không cùng trong luân hồi (samsara) đau khổ. Biết được các lỗi lầm của sự ái thủ chính mình như thế, chúng ta có thể thay đổi đối tượng của ái thủ. Thay vì yêu mình, chúng ta chuyển nó thành yêu người, và thế là chúng ta có được từ, bi và bodhicitta (bồ đề tâm). Bằng cách ấy, chúng ta không tập trung vào các hoặc, chúng ta không phán đoán các phiền não là ác, là bất thiện, hoặc là sai lầm. Đó là lý do tại sao chúng được chuyển hóa một cách tự nhiên.

Nếu chúng ta yêu chính mình và coi mình là quan trọng, thì sân khuể sẽ khởi lên khi chúng ta có ý tưởng là ai đó làm hại mình, hay ngay cả đến các người như cha mẹ hay bạn bè của mình mà đi giúp kẻ thù của mình. Thế nên cơn sân hận ấy nổi lên là dựa trên sự đánh giá bản ngã. Nhưng nếu chúng ta thay đổi thái độ và quan tâm đến sự lợi lạc cho các hữu tình, thì các hoặc sẽ tự nhiên chuyển hóa bởi vì chúng ta không còn coi mình là quan trọng nhất nữa.

Hỏi : Chúng ta bắt đầu từ hinayana bảo rằng, "Đừng làm các điều ấy, các điều ấy là ác" và kế đến là mahayana nói rằng, "Hãy làm các điều này, các điều này là tốt". Vậy, có phải chăng vajrayana là cách duy nhất để dẹp hết mọi lậu hoặc một cách cứu cánh ?

Rinpoche : Thực ra, cả ba thừa đều có cách làm cho chúng ta giải thoát khỏi các hoặc, nhưng pháp môn vajrayana thì mau lẹ hơn và mạnh mẽ hơn.

Hỏi : Theo như tôi hiểu, ba trong bốn pháp đối trị đều nằm trong lễ bố tát (sojong).

Rinpoche : Thực ra, chỉ có hai trong bốn pháp đối trị là bao gồm trong lễ bố tát. Đó là năng lực nương tựa, theo đó chúng ta phát lộ trước chư tăng và năng lực quyết tâm không làm lại việc lỗi lầm ấy nữa trong tương lai. Hai năng lực kia không bao gồm trong lễ bố tát, mà được thực hành trong mọi lúc.

Hỏi : Hình như rằng lực đối trị đầu tiên, lực hối quá, cũng được gồm vào luôn, bởi vì vị thuyết giới sẽ hỏi : "Ông có thấy các lỗi lầm của ông là sai quấy không ?" và chúng ta phải nói : "Vâng, tôi thấy đó là những gì sai quấy", và chấp nhận những gì mình đã làm. Thế nên tôi thấy hình như cái lực đầu tiên cũng được gồm luôn trong buổi lễ.

Rinpoche : Thực ra chúng ta có cái lực đầu tiên đó ở trong mình trước khi hành lễ bố tát. Trong khi làm lễ chúng ta được hỏi là có lỗi hay không. Dầu có đến bốn cách đối trị, nhưng chỉ có hai là gồm luôn trong lễ bố tát, hai pháp kia phải được thực hành suốt mọi thời.

Hỏi : Rinpoche, trong pratimoksa của hinayana, ngài nói đến các hoặc khởi lên và vài ý nghĩa về việc điều phục các hoặc ấy. Điều phục dầu sao cũng ám chỉ là hoặc không thực sự bị tiêu trừ, nhưng chỉ được đẩy đi, thế nên nó thực ra vẫn còn có mặt trong chúng ta.

Rinpoche : Không có chỗ nào cho phiền não trú ở trong tâm được. Phục hoặc có nghĩa là chúng ta không để cho hoặc khởi lên trong tâm mình. Santideva cho một thí dụ về việc ấy như sau. Nếu chúng ta ra sức diệt kẻ địch, thì kẻ địch ấy sẽ đi đến một nơi khác, và khi hắn đủ mạnh để trả thù, hắn sẽ trở lại trả hận. Nhưng hoặc rất là yếu; chúng không có chỗ nào để đi hết, và cũng không có chỗ để trở lại. Một khi chúng bị loại trừ rồi, chúng không thể trở lại nữa.

Hỏi : Rinpoche nói rằng phạm các giới khinh là do nơi nghiệp của các đời trước. Rinpoche có thể vui lòng cho các thí dụ về việc phạm các giới trung tội và trọng tội, và có phải chăng chúng cũng đều do nghiệp của các đời trước ?

Rinpoche : Có hai điều cần phải lìa xa: các nghiệp ác và các chướng nạn. Nếu các nghiệp thân, khẩu, và ý của chúng ta làm hại các hữu tình khác, dù trực tiếp hay gián tiếp, các nghiệp này là các nghiệp ác bất thiện. Các nghiệp này chẳng có liên quan gì với karma đời trước hay tập khí đời trước, mà đúng hơn chúng có liên hệ với các ý muốn hiện tại. Khởi lên một ý muốn sát hay trộm là chỉ tùy theo chính mình và chúng ta có công năng để ngưng mình lại không cho làm các hành động ấy.

Các chướng ngại, vốn thuộc về tâm, cũng không hề do nơi karma, mà do nơi các thói quen của chúng ta. Từ vô thủy đến nay, tất cả chúng ta quen thói các phiền não tham, sân, và si. Có người thì tham mạnh, có người sân mạnh, và có người thì si mạnh, tùy theo họ quen thói các phiền não ấy nhiều ít thế nào. Các thói quen này cần phải được lìa bỏ. Có hai chữ mà hầu như là đồng nghĩa với nhau trong Tạng ngữ. Đó là chữ gom (viết theo Tạng ngữ là sgom) có nghĩa là tu tập hay thiền định, và chữ khom (viết là goms) có nghĩa là các thói quen tập khí. Khi chúng ta tu tập hết sức tinh cần và sự tu tập của chúng ta có lực, thì đó là gom, tức thiền định. Khi chúng ta không hết lòng tu tập, không ra sức tu tập, thì nó trở thành khom, tức chỉ là một thói quen. Vì thế để lìa xa các chướng ngại, chúng ta phải thay thế khom bằng gom.

Về ba cấp độ phạm giới thì phạm giới khinh đôi khi chưa chín thành ác nghiệp nhưng sau đó có thể trở thành chủng tử của ác nghiệp. Chẳng hạn, vài vị tu sĩ không mặc y dưới, sham thab cho đàng hoàng. Vào lúc ấy, nó không phải là một ác nghiệp, nhưng nó có thể từ từ chín dần thành một ác nghiệp thực sự.

Hỏi : Trong sự tu tập "hậu thiền định" theo vajrayana, thì tự lìa hoặc là luật nghi nào ?

Rinpoche : Chúng ta cần phải có hai pháp niệm và quán trong hậu thiền định. Chữ Tây tạng tương đương với chữ "hậu" (post) này của tiếng Anh là je thop. Âm je có nghĩa là chúng ta đem cái bản thể của sự tu tập ấy vào trong mình và không để đánh mất nó đi.

Sự tu tập trong vajrayana nhấn mạnh vào trong tâm hơn là luật nghi bên ngoài. Như Milarepa có nói : "Điều phục tâm mình chính là Vinaya (Luật nghi)". Để điều phục tâm mình, chúng ta phải tu tập thiền định và để có một sự tu tập mạnh mẽ chúng ta phải có niệm và quán.

Hỏi : Ngài có thể nói đôi chút về các chướng ngại bí mật được không ?

Rinpoche : Trước đây, nhiều dịch giả đã dịch chữ sang của Tạng ngữ là "bí mật" thế nên vajrayana được dịch là "mantrayana bí mật". Nhưng dịch thế không được đúng lắm. Con đường tắt đưa chúng ta đến chỗ mình muốn đến được gọi là sang lam, có nghĩa là "một lối tắt" hay "một con đường nhanh hơn". Vì thế sang ngụ ý nói cho lối thoát chính yếu của vấn đề. Ví dụ như, nếu chúng ta muốn bật đèn, chúng ta phải đi bật nó lên, chúng ta không thể cứ loay hoay với bóng đèn mà bật đèn được. Vì vậy cách chính yếu để làm sao đèn được bật lên được gọi là sang theo Tạng ngữ. Khi sang được dịch ra Anh ngữ là "bí mật" (secret), nó gây ra nhiều bối rối. Lấy thí dụ khác như chiếc xe hơi, bộ máy là chìa khóa chính, là phần quan trọng nhất. Nếu chúng ta muốn lái xe hay muốn dừng lại hay muốn bất cứ gì, thì đều phải làm qua máy. Thế nên bộ máy xe chính là sang pa.

Xem mục lục