CHƯƠNG 15
GIẢI THÍCH: MƯỜI PHƯƠNG CHƯ BỒ-TÁT ĐẾN
KINH: Khi ấy, qua khỏi thế giới chư Phật nhiều như cát sông Hằng ở phương đông, ở bên cùng tận của thế giới kia, có thế giới tên là Đa Bảo, Phật hiệu là Bảo Tích, hiện nay đang vì các Bồ-tát Ma-ha-tát thuyết Bát-nhã Ba-la-mật.
LUẬN: Hỏi: Như Phật đã nói hết thảy thế giới là vô lượng vô biên, sao đây lại nói ở bên cùng tận của thế giới kia? Ở bên cùng tận tức là rơi vào tướng hữu biên. Nếu thế giới hữu biên, thì chúng sanh cũng phải hữu tận? Vì sao? Vì mỗi đức Phật độ hết vô lượng vô số chúng sanh vào Vô dư Niết-bàn, không còn chúng sanh mới cho nên phải tận?
Đáp: Kinh Phật tuy có nói thế giới là vô lượng, đó là phương tiện nói, chứ không phải thật giáo. Như thật không có thần mà vì phương tiện nên nói có thần. Trong mười bốn nạn ấy, dù nói thế giới là hữu biên hay vô biên, đều là tà kiến.[1] Nếu vô biên thì Phật không thể có Nhất thiết trí, vì sao? Vì trí tuệ biết cùng khắp không vật gì không biết, mới gọi là nhất thiết trí. Nếu thế giới là vô biên, thì Phật có thể biết không hết. Nếu thế giới là hữu biên, thời bị lỗi như trước đã nói. Cả hai đều là tà kiến, vì sao? Vì nương vô biên để phá
[1] T. 2: Tạp a-hàm kinh (Saṃyuktāgama-雜阿含經), quyển 34, tr. 247c14-248a15; T. 1: Trung a-hàm kinh (Madhyamāgama-中阿含經), quyển 60, tr. 803c8-804a21; T. 2: Biệt dịch tạp a-hàm kinh (別譯雜阿含經), quyển 11, tr. 447b19-c16.
* Trang 354 *
hữu biên. Thế giới Đa Bảo (Prabhūtaratna) này chẳng phải là ở tận cùng của hết thảy thế giới, mà là ở bên tận cùng các chúng sanh có nhân duyên được độ của đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Giống như ở bên tận cùng của một nước, thì không nói là ở bên tận cùng của châu Diêm-phù-đề. Nếu thế giới là vô biên, thì Phật không phải là người biết tất cả. Điều này như đã đáp trong đoạn nói về ý nghĩa Phật ở trên kia. Cho nên, nên biết trí Phật là vô lượng, giống như cái hộp lớn nên nắp cũng lớn.
Hỏi: Thế giới tên Đa Bảo (Prabhūtaratna). Bảo có hai thứ là Tài bảo (Vasuratna) và Pháp bảo (Dharmaratna). Vì thứ bảo nào nhiều mà gọi là thế giới bảo?
Đáp: Hai thứ đều có. Lại có nhiều Bồ-tát quán chiếu các báu về pháp tánh v.v...(nói báu này là của đại Bồ-tát có được, dùng làm mũ báu, ở trong mũ đều thấy chư Phật và liễu đạt tất cả pháp tánh), vì nhiều nên gọi là Đa Bảo. Trong nước ấy có Phật hiệu là Bảo Tích, là vì tập hợp các pháp bảo Năm căn, Năm lực, Bảy giác chi, Tám chánh đạo vô lậu, nên gọi là Bảo Tích.
Hỏi: Nếu vậy, hết thảy Phật nên gọi là Bảo Tích-ratna-rāśi; vì sao chỉ gọi đức Phật kia là Bảo Tích?
Đáp: Tuy hết thảy chư Phật đều có thứ báu đó, nhưng chỉ đức Phật kia lấy báu đó làm danh hiệu, như Di-lặc tên là Từ-thị... Chư Phật tuy có lòng từ, nhưng chỉ Di-lặc lấy từ làm danh hiệu.
Lại nữa, như khi Phật Bảo Hoa sanh ra, khắp trên thân đều có các thứ hoa sắc sáng chói nên gọi là Thái tử Bảo Hoa. Như khi Phật Nhiên Đăng (Dīpaṃkara Buddha) sanh ra, khắp bên thân sáng như
* Trang 355 *
đèn nên gọi là Thái tử Nhiên Đăng, khi thành Phật cũng gọi là Nhiên Đăng (tên cũ là Đỉnh Quang Phật). Phật Bảo Tích (Ratna-rāśi) cũng như vậy, có thể khi vừa mới sanh cũng có nhiều bảo vật sanh ra, hoặc từ đất sanh, hoặc từ trời mưa các thứ hoa báu tập hợp, nên gọi là Bảo Tích.
Hỏi: Chỉ có một đức Phật Thích-ca Mâu-ni-(Śākyamuni), không có mười phương Phật, vì sao? Đức Phật Thích-ca Mâu-ni có oai lực vô lượng, thần thông vô lượng, có thể độ hết thảy chúng sanh, không còn có Phật khác. Như nói: A-nan nhất tâm suy nghĩ rằng: “Quá khứ các đức Phật Bảo Hoa, Nhiên Đăng v.v... đều sanh vào đời tốt đẹp, thọ mạng rất lâu, mới có thể độ tất cả chúng sanh, còn nay đức Phật Thích-ca Mâu-ni (Śākyamuni) sanh vào đời ác, thọ mạng ngắn ngủi, chắc không thể nào độ tất cả đệ tử ư?” Vì có tâm nghi ngại như vậy nên Phật liền biết điều mà tâm A-nan đang suy nghĩ cho nên ngay khi mặt trời mọc, Phật nhập vào Nhật xuất tam muội. Bấy giờ tất cả lỗ chân lông trên thân Phật xuất ra các ánh sáng, cũng như quanh mặt trời xuất ra ánh sáng. Ánh sáng ấy chiếu khắp cõi Diêm-phù-đề. Khắp rồi chiếu đến bốn thiên hạ, chiếu bốn thiên hạ khắp rồi, chiếu đến ba ngàn đại thiên thế giới. Chiếu ba ngàn đại thiên thế giới khắp rồi, chiếu đến mười phương vô lượng thế giới. Khi ấy từ bên rốn của Thế Tôn xuất ra các Hoa sen báu, như kệ nói:
“Cọng lưu ly sáng xanh,
Ngàn cánh sắc hoàng kim,
Kim-cương làm đài hoa,
* Trang 356 *
Hổ phách trang nghiêm hoa.
Mềm mại không cong thô,
Nó cao hơn mười trượng,
Cọng Lưu-ly xanh biếc,
Dựng ở giữa rốn Phật.
Cánh nó rộng mà dài,
Sắc đẹp giữa bạch quang,
Vô lượng báu trang nghiêm,
Hoa ấy có ngàn cánh.
Sắc hoa đẹp như vậy,
Từ rốn Phật sanh ra,
Trên bốn đài hoa ấy,
Tòa báu ánh mặt trời.
Mỗi mỗi các tòa báu,
Mỗi tòa có Phật ngồi,
Như núi vàng bốn chóp,
Sáng chói đồng như một.
Từ giữa rốn bốn Phật,
Đều hiện vào sen đẹp,
Trên cọng có tòa báu,
Mỗi tòa đều có Phật.
Từ giữa rốn Phật ấy,
Triển chuyển hiện hoa báu,
Mỗi hoa đều có tòa
* Trang 357 *
Mỗi tòa đều có Phật.
Triển chuyển hóa như vậy,
Cho đến trời Tịnh-cư,
Nếu muốn biết gần xa,
Hãy lấy ví dụ nói:
Một viên đá vuông lớn,
Cao rộng như núi lớn,
Từ trên thả rơi xuống,
Đi thẳng không chi ngại.
Vạn tám ngàn ba trăm,
Tám mươi ba năm ròng,
Số năm lâu như vậy,
Nó mới thấu đến đất.
Ở giữa hai khoảng ấy,
Đầy đủ có hóa Phật,
Ánh sáng Ngài lớn thịnh,
Hơn mặt trời mặt trăng.
Có Phật thân ra nước,
Cũng có thân ra lửa,
Hoặc hiện đi kinh hành,
Có khi ngồi tĩnh mặc.
Có Phật đi khất thực,
Để phước cho chúng sanh,
Hoặc là thuyết kinh pháp,
* Trang 358 *
Có khi phóng ánh sáng.
Hoặc đến ba đường ác,
Địa ngục băng, tối, lửa,
Hòa khí trừ giá rét,
Ánh sáng chiếu ngục tối.
Chỗ nóng cho gió mát
Tùy việc cứu khổ nó
An ổn không họa nạn
Độ thoát bằng pháp lạc.”
Các thứ phương tiện như vậy, một lúc có thể độ liền mười phương vô lượng chúng sanh. Độ chúng sanh rồi, trở lại vào bổn xứ ở giữa rốn Phật.
Bấy giờ, Thế Tôn từ Nhật xuất tam muội dậy, hỏi A-nan rằng: “Ông thấy sức thần thông của tam muội này không?” A-nan bạch Phật: “Bạch Thế Tôn, con đã thấy.” Lại bạch Phật rằng: “Nếu Phật trụ thế thì đệ tử được độ trong một ngày, có thể đầy đủ hư không, huống gì trụ thế hơn tám mươi năm!.”Vì vậy nên nói “Một đức Phật có công đức và thần lực vô lượng, hiện tại hóa độ mười phương, không có Phật khác.”
Lại nữa, như Phật nói: “Nữ nhân không được làm Chuyển luân Thánh vương, không được làm Đế-thích thiên, Ma vương, Phạm vương, không được làm Phật,[1] không được có hai Chuyển luân Thánh vương cùng cai trị một chỗ, mười phương Thế Tôn cũng không có hai Phật cùng xuất hiện một đời.” Lại, Phật nói: “Phật nói không hư dối, một đời không có
[1] T. 1: Trung a-hàm kinh (Madhyamāgama-中阿含經), quyển 28, Cù di đàm kinh (瞿彌曇經), tr. 607b10-15; Trung bộ kinh III, kinh số 115: kinh đa giới (Bahudhātuka sutta).
* Trang 359 *
hai Phật,[1] một pháp khó gặp nhất đó là Phật Thế Tôn;[2] vô lượng ức kiếp, lâu lâu mới có một. Trong 91 kiếp, ba kiếp có Phật. Kiếp thứ 91 trước hiền kiếp, ban đầu có Phật hiệu là Tỳ-bà-thi (Tàu dịch là Chủng-chủng-kiến). Trong kiếp thứ 31 có hai đức Phật, một hiệu là Thi-khí (Tàu dịch Đại), một hiệu là Tỳ-thứ-bà-phụ (Tỳ-xá-phù - Tàu dịch Nhất thiết chủng). Trong Hiền kiếp có bốn đức Phật: Một hiệu là Ca-la-cưu-xan-đà (Câu-lưu-tôn), hai hiệu là Ca-na-già Mâu-ni (Câu-na- hàm Mâu-ni - Tàu dịch Kim Tiên Nhân), ba hiệu là Ca-diếp, bốn hiệu là Thích-ca Mâu-ni. Ngoài ra các kiếp khác không có Phật, rất đáng thương xót!” Nếu có mười phương Phật, cớ sao nói “các kiếp khác không có Phật, rất đáng thương xót?”[3]
Đáp: Tuy đức Phật Thích-ca có thần lực vô lượng, hay biến hóa làm Phật ở mười phương để thuyết pháp, phóng ánh sáng độ chúng sanh, cũng không thể độ hết chúng sanh, vì bị rơi vào hữu biên, thời không còn có Phật ở vị lai vậy. Nhưng vì chúng sanh không tận, cho nên còn có các đức Phật khác.
Lại nữa, ông nói Phật tự thuyết nữ nhân không được làm năm việc. Hai Chuyển luân Thánh vương không được đồng thời xuất hiện. Phật cũng như vậy, cùng trong một đời không có hai Phật. Ông không hiểu nghĩa này. Phật có hai nghĩa, có nghĩa để hiểu, có nghĩa sâu xa khó hiểu. Như khi Phật sắp vào Niết-bàn, nói với các Tỳ-kheo: “Từ nay, nên nương theo pháp, không nên nương theo người; nên nương theo nghĩa, không nên nương theo ngữ; nên nương theo trí, không nên nương theo thức; nên nương theo kinh liễu nghĩa,
[1] T. 1: Trung a-hàm kinh (Madhyamāgama-中阿含經), quyển 47, Đa giới kinh (多界經), tr. 723.
[2] T. 1: Trường a-hàm kinh (Dīrghāgama-長阿含經), quyển 4, Du hành kinh (遊行經), tr. 26b14-16.
[3] T. 1: Trường a-hàm kinh (長阿含經), quyển 1, đại bản kinh (大本經), tr. 1c19-2a; Thất phật kinh (七佛經), tr. 150a17-24; T. 2: Tăng nhất a-hàm kinh (增壹阿含經), quyển 45, tr. 790a27-b13.
* Trang 360 *
không nên nương theo chưa liễu nghĩa.”[1]
Nương theo pháp là, pháp có mười hai loại, nên nương theo pháp ấy, không nên nương theo người.
Nương nghĩa là, trong nghĩa không có sự tranh cãi về tốt xấu, tội phúc, hư thật. Ngữ là để được nghĩa, nghĩa không phải ngữ. Như người lấy ngón tay chỉ mặt trăng để bảo cho người mê muội, nhưng người mê muội lại thấy ngón tay mà không thấy mặt trăng. Người kia lại nói với nó rằng: Ta lấy ngón chỉ mặt trăng, là để cho ngươi biết mặt trăng, sao ngươi lại thấy ngón tay mà không thấy mặt trăng? Đây cũng như thế. Ngữ để chỉ nghĩa, nghĩa không phải là ngữ, vì vậy, không nên nương theo ngữ.
Nương theo trí là, trí hay so lường phân biệt thiện ác, còn thức thì thường tìm vui, không vào được đạo chánh, cho nên nói không nên nương theo thức.
Nương theo kinh liễu nghĩa là, trong các người có Nhất thiết trí, thì Phật là bậc nhất. Trong tất cả các kinh thơ, thì Phật pháp là bậc nhất. Trong tất cả chúng, thì chúng Tỳ-kheo Tăng là bậc nhất. Bố thí được phước lớn, giữ giới được sanh thiên, như vậy v.v... là kinh liễu nghĩa. Như nói Pháp sư thuyết pháp có năm điều lợi: Một là phước lớn, hai là được người ưa mến, ba là đoan chánh, bốn là danh tiếng, năm là sau được Niết-bàn, ấy là kinh chưa liễu nghĩa. Vì sao chưa liễu? Vì bố thí được phước lớn, ấy là rõ ràng dễ hiểu, còn thuyết pháp thì không có tài vật mà nói là được phước, được phước đây là người thuyết pháp. Dùng nhiều cách tán thán sự
[1] Tứ y (catvāri pratisaraṇāni): 1. Nương theo pháp, không nên nương theo người (dharma-pratisaraṇena bhavitavyaṃna pudgala-pratisaraṇena), 2. Nương theo kinh liễu nghĩa, không nên nương theo kinh bất liễu nghĩa (nītārtha-sūtra-pratisaraṇena bhavitavyaṃ na neyārtha-sūtra-pratisaraṇena), 3. Nương theo nghĩa, không nương theo ngữ (artha -pratisaraṇena bhavitavyaṃna vyañjana-pratisaraṇena), 4. Nương theo trí, không nương theo thức (jñāna-pratisaraṇena bhavitavyaṃna vijñāna-pratisaraṇena); Tham khảo T. 11: Đại bảo tích kinh (Ratnakūṭa-sūtra-大寶積經), quyển 82, Úc già trưởng giả hội (郁伽長者會), tr. 478a9-12; T. 12: Đại bát niết bàn kinh (Mahā-parinirvāṇa sūtra-大般涅槃經), quyển 6, tr. 401b25-402c10; T. 13: Đại phương đẳng đại tập kinh (Mahāvaipulya-mahāsaṃnipāta-sūtra-大方等大集經), quyển 29, Vô tận ý bồ tát phẩm (Akṣayamati-bodhisattva-無盡意菩薩品), tr. 205c11; T. 13: Tự tại vương bồ tát kinh (自在王菩薩經), quyển thượng, tr. 926c13-927b13; T. 30: Du già sư địa luận (Yogācāra-bhūmi-śāstra-瑜伽師地論), quyển 11, tr. 332b7-29; quyển 45, tr. 539a8-28; T. 31: Hiển dương thánh giáo luận (顯揚聖教論), quyển 2, tr. 490c5-17; T. 32: Thành thật luận (Satyasiddhi-śāstra-成實論), quyển 2, tr. 250a29-b19.
* Trang 361 *
bố thí để phá lòng xan tham của người, cũng trừ lòng xan tham của mình, cho nên nói là chưa liễu.[1] Đây phần nhiều dẫn những lời phương tiện trong kinh, chứ không phải thật nghĩa. Trong kinh ấy tuy Phật nói đời không có hai Phật cùng xuất hiện, mà không nói trong tất cả mười phương thế giới (không có hai Phật). Tuy nói đời không có hai Chuyển luân Thánh vương, mà cũng không phải nói trong tất cả mười phương ba ngàn đại thiên thế giới không có, mà chỉ nói trong thế giới bốn thiên hạ không có hai Chuyển luân Thánh vương. Do tạo phước thanh tịnh nên một mình làm vua một thế giới, không có các oán địch. Nếu có hai vua thì không gọi là thanh tịnh. Tuy Phật không có tâm tật đố, nhưng vì hạnh nghiệp đời đời thanh tịnh nên cũng không có hai Phật xuất hiện trong một thế giới.
Trăm ức núi Tu-di, trăm ức mặt trời mặt trăng, gọi là Tam thiên đại thiên thế giới. Như vậy mười phương hằng hà sa Tam thiên đại thiên thế giới, gọi là một Phật thế giới, trong đó không còn có các Phật khác, thật chỉ có một Phật Thích-ca Mâu-ni. Trong một Phật thế giới ấy thường hóa làm các Phật, các pháp môn, các thân hình, các nhân duyên, các phương tiện để độ chúng sanh. Như vậy nên trong kinh Đa Trì nói: “Trong một đời một thế giới không có hai Phật mà không nói mười phương không có Phật.”[2]
Lại nữa, như ông nói: “Một việc khó gặp, đó là Phật Thế Tôn. Lại nói trong chín mươi mốt kiếp, ba kiếp có Phật; các kiếp khác không có Phật, rất đáng thương xót.” Phật vì
[1] Liễu nghĩa bất liễu nghĩa: T. 11: Đại bảo tích kinh (Ratnakūṭa-sūtra-大寶積經), quyển 39, Bồ tát tạng hội-như lai bất tư nghì tánh phẩm (菩薩藏會-如來不思議性品), tr. 228a17-25, quyển 52, Bồ tát tạng hội-bát-nhã ba-la-mật đa phẩm (菩薩藏會-般若波羅蜜多品), tr. 304b7-c5; T. 13: Đại phương đẳng đại tập kinh (大方等大集經), quyển 29, vô tận ý bồ tát phẩm (無盡意菩薩品), tr. 205b10-24; T. 13: Tự tại vương bồ tát kinh (自在王菩薩經), quyển thượng, tr. 927a23-b14; T. 16: Giải thâm mật kinh (Saṃdhinirmocana-sūtra-解深密經), quyển 2, tr. 694b25-696a29; T. 12: Đại bát niết bàn kinh (Mahā-parinirvāṇa sūtra-大般涅槃經), quyển 6, tr. 402a11-c10; T. 31: Hiển dương thánh giáo luận (顯揚聖教論), tr. 490c11-14.
[2] T. 26: Thập trụ tì-bà-sa luận (Daśabhūmivibhāsā śāstra-十住毘婆沙論), quyển 11, tr. 82b13-17.
* Trang 362 *
hạng người tội nặng không gieo trồng thiện căn thấy Phật đó, nên nói Phật ra đời khó gặp như hoa cây Ưu-đàm-bát-la, lâu lâu mới có một lần.[1] Người có tội nặng cũng như vậy, luân chuyển trong ba đường ác. Hoặc sanh ở trong cõi người, cõi trời mà gặp lúc Phật ra đời, người kia cũng không được thấy Phật. Như nói chín ức nhà trong thành Xá-vệ, có ba ức nhà tận mắt trông thấy Phật, ba ức nhà tai nghe có Phật mà mắt không thấy, ba ức nhà thì không nghe cũng không thấy. Phật ở tại Xá-vệ hai mươi lăm năm mà các chúng ấy còn không nghe không thấy, huống là ở xa?
Lại nữa, Phật cùng A-nan đi vào thành Xá-vệ khất thực. Bấy giờ có một bà già nghèo đứng ở đường, A-nan bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn, người ấy đáng thương, xin Phật độ cho.” Phật nói với A-nan: “Người ấy không có nhân duyên.” A-nan thưa: “Phật đi đến gần, người ấy trông thấy tướng hảo quang minh, ắt phát tâm hoan hỷ, lấy đó làm nhân duyên.”
Phật đi đến gần, người ấy liền xoay lưng lại với Phật. Phật đi qua cả bốn phía, người ấy liền cả bốn phía xoay lưng lại với Phật mà ngước mặt lên trời. Phật từ trên đi xuống, thì lại cúi mặt xuống đất. Phật từ đất hiện lên, thì lấy hai tay che mắt không chịu thấy Phật. Phật nói với A-nan: “Còn muốn là nhân duyên gì nữa?” Có hạng người như vậy, không có nhân duyên đắc độ nên không được thấy Phật. Vì vậy nên Phật nói: “Này A-nan! Phật khó gặp như hoa Ưu-đàm-bát-la; giống như nước mưa tuy nhiều, khắp nơi đều có được, mà Ngạ quỷ thường chịu khát, không thể uống được.”
[1] T. 1: Trường a-hàm kinh (Dīrghāgama-長阿含經), quyển 4, Du hành kinh (遊行經), tr. 26b14-16: 時世尊披鬱多羅僧, 出金色臂, 告諸比丘: 汝等當觀如來時時出世, 如優曇鉢花,時一現耳!).
* Trang 363 *
Ông nói trong chín mươi mốt kiếp, chỉ ba kiếp có Phật, đó là nói ở trong một Phật thế giới, chứ không phải tất cả các thế giới khác. Nói “chỗ này kiếp trống không không có Phật xuất thế, thật đáng thương xót,” đó cũng là nói ở trong một Phật thế giới này, chứ không phải trong tất cả các thế giới khác. Vì vậy nên biết có mười phương Phật.
Lại nữa, trong pháp Thanh-văn có nói mười phương Phật, mà tự ông không hiểu. Như trong kinh Tạp A-hàm nói: “Thí như mưa lớn liên tục, từng giọt từng giọt không ngừng, chẳng thể nào đếm hết. Phật thế giới cũng như vậy, Ta thấy ở phương Đông vô lượng thế giới, có thế giới đang thành, có thế giới đang trụ, có thế giới đang hoại, số lượng rất nhiều, không phân biệt nỗi. Như vậy cho đến mười phương vô lượng chúng sanh. Trong mười phương thế giới đó, có ba thứ khổ về thân là già, bệnh, chết; ba thứ khổ về tâm là dâm, sân, si; ba thứ khổ về đời sau là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.[1] Tất cả thế giới đều có ba hạng người hạ, trung, thượng. Hạng hạ nhân thì đắm say cái thú vui hiện tại; hạng trung nhân thì đắm say cái thú vui đời sau; hạng thượng nhân thì cầu đạo, có tâm từ bi thương xót chúng sanh. Đã có nhân duyên, làm sao không có quả báo? Phật nói: “Nếu đời không có già, bệnh, chết, thì Phật không ra đời.”[2] Người ấy nhân thấy chúng sanh bị già bệnh chết khổ não, mà trong tâm phát nguyện: “Ta sẽ làm Phật, để độ thoát chúng sanh, dứt trừ tâm bệnh, cứu vớt sự khổ đời sau cho chúng sanh.” Như vậy mười phương thế giới đều có nhân duyên có Phật ra đời. Cớ sao chỉ nói chỗ này có
[1] T. 2: Tạp a-hàm kinh (Saṃyuktāgama-雜阿含經), quyển 34, kinh số 954, kinh số 946, tr. 243a21-b3.
[2] T. 2: Tạp a-hàm kinh (Saṃyuktāgama-雜阿含經), quyển 28, kinh số 760, tr. 199c27-200a13.
* Trang 364 *
Phật, các chỗ khác không có? Giống như có người nói: “Có cây không lửa, có đất ẩm không có nước” là điều không thể tin được. Phật cũng như vậy, chúng sanh thân có cái khổ già, bệnh, chết; tâm có các khổ dâm, sân, si. Phật vì dứt ba thứ khổ đó khiến họ được chứng Tam thừa, cho nên xuất hiện ở đời. Trong tất cả thế giới đều có các khổ đó, làm sao lại không có Phật?
Lại nữa, người mù vô số mà nói chỉ cần một thầy thuốc, thế thì cũng không đúng. Vì vậy nên cần phải có mười phương Phật.
Lại nữa, trong Trường A-hàm có kinh nói: “Có Quỷ thần vương giữ phương Bắc, với trăm ngàn vạn quỷ thần rất đông, cuối đêm đi đến chỗ Phật, đầu mặt lễ chân Phật rồi đứng một bên, phóng ra ánh sáng thanh tịnh, chiếu khắp rừng Kỳ Hoàn, làm cho sáng rực, chấp tay tán Phật, nói hai bài kệ rằng:
“Tôi quy mạng bậc Đại tinh tấn,
Trong loài hai chân Phật trên cả,
Bậc có mắt trí tuệ thấy hết,
Chư thiên không hiểu trí tuệ ấy.
Phật quá khứ, vị lai hiện tại,
Tôi đều cúi đầu lễ tất cả,
Như vậy tôi nay quy mạng Phật,
Cũng như cung kính Phật ba đời.”[1]
Trong bài kệ như vậy có mười phương Phật. Quỷ thần vương cúi đầu lễ Phật ba đời, rồi sau mới riêng quy mạng
[1] T. 21: Phật thuyết tỳ sa môn thiên vương kinh (佛說毘沙門天王經), tr. 217a8-15: Lúc bấy giờ Tỳ-sa-môn thiên vương cùng với trăn ngàn vô số quyến thuộc Dược-xoa đầu đêm đến chỗ Phật, phóng hào quang lớn chiếu sáng hết thảy rừng Kỳ-đà, năm vóc gieo sát đất đảnh lễ Thế-tôn, rồi đứng qua một bên, chấp tay hướng Phật, mà nói kệ rằng: Toâi quy maïng baäc Ñaïi tinh taán, trong loaøi hai chaân Phaät treân caû, baäc coù maét trí tueä thaáy heát, chö thieân khoâng hieåu trí tueä aáy. Phaät quaù khöù, vò lai hieän taïi, toâi ñeàu cuùi ñaàu leã taát caû, nhö vaäy toâi nay quy maïng Phaät, cuõng nhö cung kính Phaät ba ñôøi.
* Trang 365 *
Phật Thích-ca Mâu-ni. Nếu không có mười phương Phật hiện tại, thì hãy nên chỉ nói quy mạng Phật Thích-ca Mâu-ni, không nên nói chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại. Cho nên nói có mười phương Phật.
Lại nữa, đời quá khứ có vô lượng Phật, đời vị lai cũng có vô lượng Phật. Vì vậy nên hiện tại cũng phải có vô lượng Phật.
Lại nữa, nếu Phật ở trong pháp Thanh-văn, mà nói có mười phương vô số vô lượng Phật thì chúng sanh sẽ nói Phật dễ được gặp, rồi không chịu siêng năng cầu giải thoát. Nếu không gặp Phật này, sẽ gặp Phật kia, cứ như vậy không cần cầu độ thoát. Cũng như Nai khi chưa bị bắn, thời không biết sợ hãi, khi bị bắn rồi mới sợ hãi chạy quanh tìm lối thoát. Người cũng như vậy, có bị khổ già bệnh chết, nên nghe nói chỉ có một đức Phật, rất khó gặp được, thì tâm liền sợ hãi, siêng tu hành tinh tấn cho mau được thoát khổ. Vì vậy nên Phật ở trong pháp Thanh-văn không nói có mười phương Phật, cũng không nói không. Nếu có mười phương Phật mà ông nói không thì bị tội vô hạn. Nếu không có mười phương Phật mà tôi nói có, ông liền sanh tâm tưởng niệm vô lượng Phật thì được phước cung kính, vì cớ sao? Do nhân duyên của thiện tâm mà được phước đức lớn. Ví như Từ tâm tam muội có sức xem tất cả chúng sanh đều muốn thấy họ thọ vui. Tuy không có lợi ích thật, nhưng vì tâm từ quán nên người ấy được vô lượng phước. Tưởng niệm mười phương Phật cũng như vậy. Nếu thật có mười phương Phật mà nói không thì bị
* Trang 366 *
vô lượng trọng tội, phá hoại mười phương Phật, vì sao? Vì phá hoại sự thật. Người con mắt thịt tuy không biết nhưng tâm tin mà nói có, thì phước ấy vô lượng. Nếu thật có Phật mà trong ý lại nói không thì tội ấy rất nặng. Người tự dụng tâm, còn phải tin là có, huống gì Phật tự nói trong Đại thừa rằng thật có mười phương Phật mà lại không tin ư?
Hỏi: Nếu có mười phương vô lượng Phật và các Bồ-tát, nay chúng sanh phần nhiều đang bị đọa trong ba ác đạo, sao lại không đến độ?
Đáp: Vì chúng sanh tội nặng, Phật Bồ-tát tuy đến cũng không thấy. Lại, pháp thân Phật thường phóng ánh sáng, thường nói pháp, mà vì tội chướng cho nên không thấy, không nghe, giống như mặt trời mọc mà người mù không thấy, sấm sét dậy đất mà người điếc không nghe. Như vậy, pháp thân Phật thường phóng ánh sáng, thường thuyết pháp mà chúng sanh vô lượng kiếp tội cấu sâu dày, nên không thấy không nghe. Cũng như gương sáng, nước trong, soi mặt vào thời thấy, còn nước cấu bẩn bất tịnh che tối, thời không trông thấy. Như vậy, chúng sanh thanh tịnh thời thấy Phật, nếu tâm không thanh tịnh, thời không thấy Phật. Nay tuy thật có mười phương Phật và các Bồ-tát đến độ chúng sanh mà chúng sanh không thấy được.
Lại nữa, như Phật Thích-ca Mâu-ni, ở trong châu Diêm-phù-đề, sanh tại nước Ca-tỳ-la-vệ, phần nhiều du hành sáu thành lớn ở Đông Thiên Trúc, có khi bay đến Nam Thiên Trúc đến nhà cư sĩ Ức Nhĩ để thọ cúng dường. Có khi tạm
* Trang 367 *
đến nước Nguyệt Chi ở Bắc Thiên Trúc hàng phục Long vương A-ba-la-la. Lại đến phía Tây nước Nguyệt Chi hàng phục nữ La-sát. Phật ở trong hang đá của La-sát một thời gian, đến nay bóng Phật đang còn. Có người đi vào trong xem thì không thấy, ra ngoài ở xa nhìn vào thì thấy tướng ánh sáng như Phật. Có khi tạm bay đến trên núi của Tiên nhân Lê-bạt-bà nước Kế Tân, trụ giữa hư không mà hàng phục tiên nhân ấy. Tiên nhân nói: Tôi vui ở trong đây, xin Phật cho tóc và móng tay của Phật để dựng Tháp cúng dường.
Tháp nay vẫn còn (dưới núi này có chùa Ly Việt. Ly Việt nên gọi là Lệ-bạt-đà). Người đồng sanh với Phật trong một nước mà không phải ai cũng thấy, huống là ở chỗ khác. Vì vậy nên không thể do không thấy mười phương Phật mà nói là không có.
Lại nữa, Di-lặc Bồ-tát có tâm đại từ bi, mà chỉ ở thiên cung không đến xứ này, có thể vì không đến mà nói không có Di-lặc ư ? Di-lặc ở gần mà không đến, không cho là quái lạ, mười phương Phật ở xa (không đến) đâu đủ cho là quái lạ.
Lại nữa, mười phương Phật không đến vì chúng sanh tội cấu sâu nặng, không gieo trồng công đức thấy Phật, cho nên Phật không đến.
Lại nữa, khi Phật biết tất cả chúng sanh thuần thục, kiết sử mỏng, vậy sau mới đến độ, như kệ nói:
“Chư Phật trước xem biết có người,
Dùng hết phương tiện không độ được,
Có người khó độ, người dễ độ,
* Trang 368 *
Hoặc có người chậm có người mau.
Hoặc dùng ánh sáng, hoặc thần thông,
Các cách nhân duyên độ chúng sanh,
Người muốn tác nghịch Phật thương cứu,
Hoặc muốn tác nghịch Phật không ngăn.
Cương cường khó hóa, dùng lời thô,
Tâm thuần dễ độ dùng lời dịu,
Tuy có tâm từ bi bình đẳng,
Biết thời trí tuệ dùng phương tiện.”
Vì vậy nên mười phương Phật tuy không đến mà không nên nói là không có.
Lại nữa, Phật có trí tuệ lực, phương tiện, thần thông, các A-la-hán như Xá-lợi-phất, đại Bồ-tát như Di-lặc còn không thể biết, huống gì người phàm?
Lại nữa, chư Phật đại Bồ-tát, khi chúng sanh bị cấp nạn như sợ hãi, nhất tâm niệm đến thì hoặc thời đến cứu độ. Như ở phía Tây nước đại Nguyệt Chi, trong một xứ Phật-buddha-stupa, có người bị bệnh phong lác, đi đến bên tượng Biến-cát Bồ-tát, nhất tâm tự quy y, niệm tưởng công đức của Biến-cát Bồ-tát, nguyện trừ bệnh ấy. Khi ấy Biến-cát Bồ-tát liền lấy tay phải sáng chói quý báu to lớn xoa trên thân người kia, bệnh liền được lành. Lại, trong một nước có vị Tỳ-kheo tu ở chốn A-lan-nhã, đọc lớn kinh Đại thừa, vị Quốc vương nước đó thường trải tóc để ngài bước lên mà đi. Có vị Tỳ-kheo nói với vua rằng: “Người ấy Ma-ha-la,[1] không tụng kinh nhiều, cớ sao vua cúng
[1] Ma ha-la: T. 54: Nhất thiết kinh âm nghĩa (一切經音義), quyển 43, tr. 597a17: Ma-ha-la, Trung Hoa dịch là Vô tri, hoặc là Lão (già).
* Trang 369 *
dường lớn lao như thế?” Vua nói: “Ta một hôm giữa đêm muốn gặp vị Tỳ-kheo ấy, liền đi đến chỗ ngài ở, thì thấy vị Tỳ-kheo ở trong động tụng kinh Pháp Hoa, và thấy một người sắc vàng sáng chói, cỡi Voi trắng chấp tay cúng dường, ta đi dần đến gần thì biến mất, ta hỏi Đại đức: “Vì sao tôi đến mà người sắc vàng sáng chói biến mất ư?” Vị Tỳ-kheo đáp: “Đó là Bồ-tát Biến-cát. Bồ-tát Biến-cát tự nói rằng: “Có người nào đọc tụng kinh Pháp Hoa, thời ta sẽ cỡi voi trắng đi đến giáo đạo.”[1] Vì tôi tụng kinh Pháp Hoa nên Bồ-tát Biến-cát tự đến (Biến-cát trong kinh Pháp Hoa gọi là Phổ Hiền).”
Lại, tại một nước có vị Tỳ-kheo đọc kinh A-di-đà và Đại Bát-nhã Ba-la-mật, người ấy khi sắp chết, nói với đệ tử rằng: “Phật A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam Bồ-đề Di-đà cùng với đại chúng đồng đi đến.” Tức thời vị ấy cử động thân, tự quy y Phật, giây lát mạng chung.
Sau khi mạng chung, đệ tử chất củi hỏa thiêu, ngày mai bươi trong đống tro thấy lưỡi không cháy. Do tụng kinh A-di-đà Phật mà thấy Phật đi đến, do tụng Bát-nhã Ba-la mật mà lưỡi không cháy. Đó đều là việc hiện rõ trong đời nay, như trong kinh nói việc chư Phật Bồ-tát hiện đến rất nhiều. Như vậy nơi nào có người tội cấu và kiết sử mỏng mà biết nhất tâm niệm Phật với lòng tin thanh tịnh, không nghi ngờ, thì chắc được thấy Phật, không bao giờ hư dối. Do các nhân duyên ấy, biết thật có mười phương Phật.
KINH: Bấy giờ, ở thế giới kia có vị Bồ-tát tên là Phổ Minh.
[1] T. 9: Chánh pháp hoa kinh (正法華經), quyển 7, Lạc phổ hiền phẩm (樂普賢品), tr. 133a8-b4; T. 9: Diệu pháp liên hoa kinh (Saddharmapuṇḍarīka-sūtra-妙法蓮華經), quyển 7, Phổ hiền bồ tát khuyến phát phẩm (Samantabhadra-普賢菩薩勸發品) tr. 61a22-b17; T. 9: Thiêm phẩm diệu pháp liên hoa kinh (添品妙法蓮華經), quyển 7, Phổ hiền bồ tát khuyến phát phẩm (Samantabhadra-普賢菩薩勸發品), tr. 194c12-195a8.
* Trang 370 *
LUẬN: Nghĩa của Bồ-tát, như đã nói ở trong chương Tán thán Bồ-tát.
Hỏi: Sao gọi là Phổ Minh (Samantaprabhāsa)?
Đáp: Ánh sáng Ngài thường chiếu khắp tất cả thế giới, nên gọi là Phổ Minh (Samantaprabhāsa).
KINH: Thấy ánh sáng lớn ấy, thấy quả đất rung động lớn; lại thấy thân Phật, đi đến chỗ Phật Bảo Tích bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Nay vì nhân duyên gì mà có ánh sáng ấy chiếu đến thế gian, quả đất rung động, lại thấy thân Phật?”
LUẬN: Đất rung động, ánh sáng thân Phật như trước đã nói.
Hỏi: Phổ Minh Bồ-tát ấy là bậc tối tôn nhất trong các Bồ-tát, thì phải tự biết nhân duyên; cớ sao lại hỏi?
Đáp: Phổ Minh Bồ-tát ấy tuy lớn, nhưng không thể biết được trí tuệ, thần lực của chư Phật. Giống như ánh sáng mặt trăng tuy lớn, nhưng khi mặt trời xuất hiện thì biến mất, vì vậy nên hỏi Phật.
Lại nữa, Bồ-tát thường muốn thấy Phật, tâm không chán đủ, không nhân duyên còn muốn thấy Phật, huống gì có nhân duyên lớn?
Lại nữa, việc ấy không nên nghi ngờ. Vì như Trâu nghé đi theo mẹ thì có gì quái lạ. Lại như tiểu vương triều yết đại vương, lẽ phải là như vậy. Các đại Bồ-tát cũng như thế, vì được lợi ích lớn, nên thường muốn theo Phật. Bồ-tát ấy thấy việc ấy, tâm liền biết rõ đó chắc là việc lớn, thấy vô số vô lượng thế giới, đều trông thấy nhau, vì thế cho nên hỏi.
* Trang 371 *
Lại nữa, có người nói: “Bồ-tát ấy tự có thần lực biết được, cũng là do thần lực của Phật Thích-ca Mâu-ni làm cho biết. Chỉ vì các tiểu Bồ-tát không biết hỏi, cho nên hỏi Phật. Các tiểu Bồ-tát chưa trừ hết sợ hãi khổ nạn, không thể hỏi Phật, thế nên vì họ mà hỏi. Phổ Minh Bồ-tát ấy xuất hiện ở thế giới này cùng với các tiểu nam tử, tiểu nữ nhân, nên biết họ không thể hỏi (nên vì họ mà hỏi). Giống như Voi lớn có thể xô ngã cây to để cho các Voi nhỏ được ăn cành lá, cho nên hỏi Phật: “Thưa Đại đức Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà có ánh sáng lớn này, quả đất rung động lớn, lại thấy thân Phật?”
KINH: Phật Bảo Tích trả lời Phổ Minh rằng: “Thiện nam tử! Qua khỏi thế giới nhiều như cát sông Hằng ở về phương Tây, có một thế giới tên là Ta-bà, trong ấy có Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni, hiện nay muốn thuyết Bát-nhã Ba-la-mật cho các Bồ-tát Ma-ha-tát, ấy là thần lực của Ngài.”
LUẬN: Hỏi: Phật cũng như núi Tu-di, không bị sóng nước biển cả lay động, nay vì sao đáp lời Phổ Minh hỏi (Samantaprabhāsa)? Ấy là tướng lay động? Nhiếp tâm thời không nói, tán tâm thời có nói. Nói pháp là từ giác quán phát sinh. Giác quán là việc thô, Phật không nên có việc thô ấy?
Đáp: Phật tuy đã nhập sâu thiền định, không bị thế sự làm động. Nay vì tâm đại từ bi thương xót chúng sanh, mà thuyết pháp đoạn trừ nghi ngờ cho họ. Như núi chúa Tu-di,
* Trang 372 *
gió nhỏ không thể lay động, nếu có gió Tùy-lam[1] thổi đến thời mới rung động mạnh. Phật cũng vậy, khi có ngọn gió đại từ bi thổi đến thời vì thương xót mà tâm động, phân tán thân ra vô số đi vào năm đạo để giáo hóa chúng sanh, hoặc làm thân trời cho đến thân súc sanh.
Lại nữa, thật sự Phật không động, Ngài thường nhập định, do nhân duyên phước đức đời trước mà toàn thân phát ra tiếng, ứng tiếp các vật như tiếng vang, cũng như nhạc trời tự nhiên phát ra tiếng. Lại như ngọc Ma-ni, tùy theo người muốn gì cho nấy. Nếu muốn áo mặc, uống ăn, thuốc thang, tùy ý cần dùng, tự nhiên đều có được. Phật cũng như thế, từ trong lỗ chân lông kia, trên thân Ngài tự nhiên có tiếng, tùy tâm thuyết pháp, trong ấy Phật không hề nghĩ tưởng, cũng không phân biệt.
Như trong kinh Thuyết-mật-tích Kim-cang nói:[2] “Phật có 3 sự bí mật là thân mật, ngữ mật, ý mật. Tất cả chư thiên, loài người đều không hiểu, không biết.”
Trong một hội chúng sanh, mà hoặc có người thấy thân Phật sắc hoàng kim, sắc bạch ngân, các tạp sắc. Có người thấy thân Phật cao một trượng sáu thước. Hoặc thấy một dặm, mười dặm, trăm ngàn vạn ức, cho đến vô biên vô lượng khắp cả hư không như thế v.v... gọi là thân mật.
Về ngữ mật là, có người nghe âm thanh của Phật tỏa xa một dặm, có người nghe mười dặm, trăm ngàn vạn ức vô số vô lượng khắp cả hư không. Trong một hội chúng mà hoặc có người nghe thuyết về bố thí, có người nghe thuyết về trì giới,
[1] T. 54: Phiên phạn ngữ (翻梵語), quyển 9, tr. 1046a2: Tùy-lam-phong cũng gọi Tùy-lam-bà, tỳ-lam, dịch là Tấn mãnh.
[2] T. 11: Đại bảo tích kinh (Ratnakūṭa-sūtra-大寶積經), quyển 10, Mật tích kim cang lực sĩ hội 3 (Vajrapāṇi-密跡金剛力士會第三), tr. 53b5-59b23.
* Trang 373 *
có người nghe thuyết về nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ. Như vậy cho đến mười hai bộ kinh, tám vạn pháp tụ, mỗi mỗi tùy tâm mà nghe, ấy gọi là ngữ mật.
Bấy giờ Mục-liên tâm suy nghĩ muốn biết âm thanh của Phật gần hay xa, liền dùng sức Thần túc của mình đi qua ngàn vạn ức thế giới Phật mới dừng nghỉ, vẫn nghe âm thanh Phật cũng như ở gần không khác. Nơi thế giới dừng chân ấy, đang là bữa ăn của Phật và đại chúng, người cõi này thấy Mục-liên ôm bình bát đứng, các đệ tử của Phật này hỏi Phật của họ rằng: “Người này đầu như con sâu từ đâu đến, lại khoác áo Sa-môn mà đi vậy?” Phật này trả lời: “Chớ khinh người ấy. Ở về phương đông, qua khỏi vô lượng Phật thế giới, có Phật hiệu là Thích-a Mâu-ni, người ấy là đệ tử có Thần túc của Phật ấy.”
Phật này lại hỏi: “Mục-độ-già-lược-tử (Maudgalyāyana)! Sao ông lại đến đây?” Mục-liên thưa: “Con vì tìm âm thanh của Phật, cho nên đến đây.” Đức Phật bảo Mục-liên: “Ông tìm âm thanh của Phật, qua vô lượng ức kiếp, cũng không thể tìm được biên tế của no.ù”
Lại nữa, Phật ra đời là để dứt bỏ nghi ngờ cho chúng sanh, cho nên thuyết pháp cho họ. Điều ấy không nên gạn hỏi. Ông không nên hỏi mặt trời tại sao lại trừ bóng tối? Phật cũng như vậy, không nên hỏi Phật vì sao mà trả lời.
Hỏi: Các Phật giác ngộ bằng nhau nên gọi là Đẳng giác. Nay vì sao bảo đó là thần lực của Phật kia?
Đáp: Chỉ cho thấy không có tôi, ta, kia, đây; vì để diệt tật đố, kiêu mạn vậy.
* Trang 374 *
Lại nữa, thế giới có các vị trời, thường mong cầu sự tôn trọng hơn cả, vì kiêu mạn mà tự nói rằng: Trời, đất, người, vật đều do ta biến hóa ra. Như Phạm-thiên vương nói với các Phạm-thiên rằng: “Ta tạo ra các ngươi.” Trời Tỳ-nữu (Viṣnu) nói: “Ở thế gian mà có kẻ rất giàu sang danh tiếng, đều là một phần sức mạnh oai đức của thân ta. Ta có thể thành tựu thế gian, cũng có thể phá hoại thế gian. Oai đức thế gian đều do ta làm.” Vì có các trời như vậy, họ phá hoại pháp tướng nhân duyên. Cho nên nói đó là thần lực của Phật kia.
KINH: Bấy giờ Phổ Minh Bồ-tát bạch Phật Bảo Tích rằng: “Bạch Thế Tôn! Con nay sẽ đến thăm Phật Thích- ca Mâu-ni để lễ bái cúng dường, và thăm các vị đại Bô- tát là những vị kế thừa tôn vị, đều đã chứng được Đà-la-ni và các Tam muội, ở trong các Tam muội đều được tự tại.”
LUẬN: Hỏi: Sự trì giới, thiền định, trí tuệ và độ người của chư Phật đều như nhau, Bồ-tát Phổ Minh ấy tại sao còn muốn đến thăm Phật Thích-ca Mâu-ni?
Đáp: Các Bồ-tát thường muốn thăm Phật không biết nhàm chán, nghe pháp không biết nhàm chán, thấy các Bồ-tát không biết nhàm chán. Các Bồ-tát đều nhàm chán đối với pháp thế gian, mà đối với ba việc trên, tâm không hề biết nhàm chán.
Như Thủ cư sĩ từ trên cõi trời Tịnh-cư, đi đến muốn thấy Phật, nhưng vì thân ông quá vi tế, giống như sữa lỏng không tụ lại trên mặt đất. Phật nói với Thủ cư-sĩ rằng: “Ông hãy hóa làm thân thô, quán sắc tướng của mặt đất này.” Cư sĩ
* Trang 375 *
liền như lời Phật dạy, hóa làm thân thô, quán niệm tướng đất, rồi đầu mặt lễ chân Phật, đứng qua một bên. Phật hỏi cư sĩ: “Ông có bao nhiêu việc không nhàm chán mà được sanh trong cõi trời Tịnh-cư?” Bạch rằng: Con có ba sự không nhàm chán mà được sanh lên cõi trời Tịnh-cư: 1- Thấy Phật để cúng dường không nhàm chán. 2- Nghe pháp không nhàm chán. 3- Cung cấp cho chúng Tăng không nhàm chán. Cũng như lúc Phật ở tại Diêm-phù-đề, bốn bộ chúng thường đi theo Phật để nghe pháp, hỏi pháp. Chư thiên Tịnh-cư chúng con cũng thường theo con để nghe pháp, hỏi pháp.”[1]
Hàng Thanh-văn còn nghe pháp không biết nhàm chán, huống là hàng Bồ-tát pháp tánh thân, vì cớ sao? Phổ Minh Bồ-tát đến thăm Phật Thích-ca Mâu-ni và thăm các Bồ-tát Ma-ha-tát ở đó, là những vị kế thừa tôn vị, đều đã chứng được Đà-la-ni và các Tam muội, như trong chương Tán Bồ-tát trước kia đã nói: Đã được tự tại đối với các Tam muội.
Hỏi: Như Phật là một người đã được tự tại trong hết thảy Tam muội, sao lại nói Bồ-tát cũng được tự tại trong hết thảy Tam muội?
Đáp: Có hai thứ tam muội: Một là Tam muội của Phật, hai là Tam muội của Bồ-tát. Các Bồ-tát ấy được tự tại đối với Bồ-tát tam muội, chẳng phải đối với Phật tam muội. Như ở trong kinh Chư Phật Tập Yếu có nói:[2] “Văn-thù-thi-lợi muốn thấy Phật tập hội, mà không thể đến được, chư Phật đã trở về chỗ cũ.” Văn-thù-thi-lợi đến chỗ chư Phật tập hội, ở đó có một người nữ ngồi gần Phật kia mà nhập Tam muội. Văn-
[1] T. 2: Tạp a-hàm kinh (Saṃyuktāgama-雜阿含經), quyển 22, kinh số 594, tr. 159a.
[2] T. 17: Chư Phật yếu tập kinh (諸佛要集經), quyển hạ, tr. 765c21-766c15.
* Trang 376 *
thù-thi-lợi đi vào, đảnh lễ dưới chân Phật xong, bạch Phật rằng: “Cớ sao người nữ này được ngồi gần Phật mà con không được?” Phật bảo Văn-thù-thi-lợi: “Ông hãy đánh thức người nữ này dậy khỏi Tam muội rồi ông hãy tự hỏi người ấy.” Văn-thù-thi-lợi bèn khảy móng tay để thức mà không dậy, cất tiếng kêu lớn cũng không dậy, cầm tay kéo cũng không dậy, lại dùng Thần túc làm rung động Tam thiên đại thiên thế giới cũng không dậy. Văn-thù-thi-lợi bạch Phật: “Bạch Thế Tôn, con không thể thức dậy được.” Khi ấy Phật phóng ánh sáng lớn chiếu thế giới hạ phương, trong ấy có một vị Bồ-tát tên là Khí-chư-cái, liền từ hạ phương xuất hiện đến chỗ Phật, đầu mặt đảnh lễ dưới chân Phật rồi đứng sang một bên. Phật bảo Khí-chư-cái Bồ-tát: “Ông hãy đánh thức người nữ ấy.” Bồ-tát liền khảy móng tay, người nữ ấy liền từ Tam muội dậy. Văn-thù-thi-lợi bạch Phật: “Vì nhân duyên gì con làm rung động cả Tam thiên đại thiên thế giới mà vẫn không thể khiến người nữ ấy khởi dậy, còn Khí-chư-cái Bồ-tát khảy móng tay một cái là khởi dậy khỏi Tam muội liền?.”Phật bảo Văn-thù-thi-lợi: “Ông nhân người nữ ấy mà bắt đầu phát ý A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam Bồ-đề, người nữ ấy nhân Khí-chư-cái Bồ-tát mà bắt đầu phát ý A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam Bồ-đề. Vì thế nên ông không thể đánh thức dậy.”
Đối với chư Phật tam muội, công đức ở trong Tam muội của chư Bồ-tát được tự tại, nhưng ở trong Tam muội của Phật thì mới vào được ít nhiều mà chưa được tự tại.
* Trang 377 *
KINH: Phật bảo Phổ Minh: “Ông muốn đi qua thì tùy ý, nên biết phải thời.”Bấy giờ Phật Bảo Tích lấy Hoa sen sắc vàng ngàn cánh đưa cho Phổ Minh Bồ-tát mà bảo rằng: “Thiện nam tử! Ông đem hoa này rải lên trên Phật Thích-ca Mâu-ni. Các Bồ-tát sanh ở thế giới Ta-bà kia, là những vị khó hơn, khó bì kịp, ông hãy nhất tâm đi đến thế giới kia.”
LUẬN: Hỏi: Vì sao Phật nói muốn đi tùy ý, nên biết phải thời?
Đáp: Vì Phật đã cắt đứt tình riêng đối với đệ tử và trong tâm Ngài không còn ràng buộc với đệ tử.
Lại nữa, vị Bồ-tát ấy chưa chứng được Nhất thiết trí, chưa chứng được Phật nhãn, nên trong tâm còn ít nhiều nghi ngờ cho rằng Phật Thích-ca Mâu-ni công đức lớn, được lợi ích hoặc nhiều hơn, cho nên nói “muốn đi qua tùy ý.”
Lại nữa, vị Bồ-tát ấy ở xa trông thấy Phật Thích-ca Mâu-ni thân nhỏ, lòng hơi có chút kiêu mạn nói là Phật kia không bằng (Phật này). Cho nên Phật bảo ông đi qua đó chớ quan sát thân Phật, chớ nghĩ đến thế giới mà chỉ nghe Phật thuyết pháp thôi.
Lại nữa, thế giới ấy cách thế giới này rất xa, ở tận nước phương Đông. Vị Bồ-tát ấy nghe Phật Thích-ca Mâu-ni thuyết các pháp tướng với Phật Bảo Tích thuyết các pháp tướng rất giống nhau, mới nói: “Thế giới tuy xa, mà pháp tướng không khác, do đó niềm tin lớn tăng thêm, tâm trở nên kiên cố.”
Lại nữa, do nhân duyên đời trước, tuy sanh ở nơi xa, mà
* Trang 378 *
nên đi đến nghe pháp. Thí như dây buộc chân chim Sẻ, cũng bay xa, nhưng khi kéo lại thì về.
Lại nữa, các Bồ-tát trong thế giới Ta-bà thấy Bồ-tát Phổ Minh từ xa đến nghe pháp, liền suy nghĩ rằng: “Kia từ xa còn đến nghe pháp, huống ta sanh trong thế giới này mà không nghe pháp?.” Bởi các nhân duyên như vậy nên nói “muốn đi qua tùy ý, nên biết phải thời.”
Hỏi: Thần lực của chư Phật ngang nhau, lại không cầu phước, tại sao lấy hoa làm tin?
Đáp: Vì hành theo pháp thế gian vậy. Như hai vị Quốc vương, thế lực tuy đồng nhau, cũng gởi đồ tặng cho nhau.
Lại nữa, biểu thị thiện tâm nhu nhuyến cho nên lấy hoa làm tin. Trong pháp thế gian, kẻ sứ giả từ xa đến tất phải có tin. Phật theo pháp thế gian cho nên gởi tin.
Lại nữa, vì chư Phật cung kính pháp, nên cúng dường pháp, lấy pháp làm Thầy, vì cớ sao? Vì ba đời các đức Phật đều lấy thật tướng chư pháp làm Thầy.
Hỏi: Vì sao không tự cúng dường pháp trong thân mình, mà lại cúng dường pháp của người khác?
Đáp: Theo pháp thế gian, như Tỳ-kheo muốn cúng dường Pháp bảo, nhưng không tự cúng dường pháp ở trong thân mà cúng dường các người trì pháp, biết pháp, hiểu pháp. Phật cũng vậy, tuy trong thân có pháp, mà lại cúng dường pháp của Phật khác.
Hỏi: Như Phật thì không còn cầu phước đức, tại sao còn cúng dường?
* Trang 379 *
Đáp: Phật từ trong vô lượng A-tăng-kỳ kiếp tu các công đức, thường hành các việc thiện, không chỉ cầu quả báo, mà vì kính trọng công đức mà làm việc cúng dường. Như khi Phật còn tại thế, có một Tỳ-kheo mù, mắt không trông thấy nhưng tay thì khâu áo. Khi kim sút chỉ, thầy nói: “Ai ưa có phước đức, xin xâu kim hộ tôi?.” Gặp khi Phật đi đến đó, Ngài nói với Tỳ-kheo: “Ta là người ưa có phước đức, để Ta xâu kim hộ cho ông.” Vị Tỳ-kheo nghe biết tiếng Phật, vội đứng dậy sửa áo đảnh lễ dưới chân Phật, bạch Phật rằng: “Công đức của Phật đã đầy đủ, sao còn nói ưa có công đức?” Phật bảo: “Ta tuy công đức đã đầy đủ, mà Ta biết sâu xa về nhân duyên của công đức, quả báo của công đức, năng lực của công đức. Nay Ta được là tối đệ nhất trong hết thảy chúng sanh, là do công đức ấy, cho nên Ta ưa có.” Phật vì vị Tỳ-kheo ấy mà tán thán công đức xong, tiếp đó Ngài tùy ý thuyết pháp cho ông. Vị Tỳ-kheo ấy được pháp nhãn thanh tịnh, nhục nhãn lại sáng ra.[1]
Lại nữa, Phật tuy công đức đã đầy đủ, không còn cần gì nữa, nhưng vì giáo hóa đệ tử nên nói: “Ta còn làm công đức, các ông vì sao không làm?” Như trong nhà kỹ nhạc, một ông lão trăm tuổi mà múa, có người chê rằng: “Ông già đã trăm tuổi, còn múa mà làm gì?!” Ông đáp: “Ta không cần gì mà còn múa, ta chỉ muốn dạy con cháu mà thôi.” Phật cũng vậy, công đức tuy đã đầy đủ, mà vì để dạy đệ tử làm công đức nên làm việc cúng dường.
Hỏi: Nếu như vậy, sao Phật không từ xa rải hoa đến
[1] T. 4: Soạn tập bách duyên kinh (撰集百緣經), quyển 4, tr. 218a23-b6.
* Trang 380 *
trên Phật Thích-ca Mâu-ni, mà lại sai người đi cúng dường?
Đáp: Vì ở trong đây các Bồ-tát tin nơi Phổ Minh vậy.
Lại nữa, sứ giả của Phật sai đi, nước, lửa, binh, độc, trăm ngàn thứ hại, không thể làm thương tổn, đường sá xa xôi, muốn cho được an ổn.
Hỏi: Sao không lấy bảo vật đẹp đẽ, kinh điển sâu xa, hay Phật bảo, Bồ-tát bảo (tức là thứ báu này chư thiên không thấy được, nó xuất sanh các thứ vật quý như ngọc Ma-ni, nên gọi là Phật bảo) làm tin, mà lại lấy Hoa sen? Hoa sen là vật nhỏ mọn đâu đủ làm tin?
Đáp: Phật không cần vật. Bảo vật của Phật, bảo vật của trời còn không cần huống là bảo vật của người. Vì không cần cho nên không sai mang đi. Cũng vì các Phật tự có đủ như nhau, nên không sai mang đi. Kinh điển sâu xa cũng vậy.
Lại nữa, các kinh đối với Phật không có gì thậm thâm, nói thậm thâm là xuất tự nơi người phàm. Điều người phàm nghi ngờ, đối với Phật vô ngại. Khó đối với người phàm, đối với Phật đều dễ. Lại nữa, hoa hương thanh diệu, đáng dùng để cúng dường, như người hiến tặng, tất phải dùng vật lạ.
Hỏi: Sao chỉ dùng Hoa sen, không dùng vật khác?
Đáp: Cúng dường thì chỉ dùng hoa, hương, tràng phan, bảo cái. Hoa có hai sự là sắc và hương.
Hỏi: Hoa khác cũng có hương, có sắc, sao chỉ dùng hoa sen cúng dường?
Đáp: Như trong kinh Hoa Thủ nói:[1] “Mười phương Phật đều lấy hoa cúng dường Thích-ca Văn Phật.”
[1] T. 16: Phật thuyết hoa thủ kinh (佛說華手經), quyển 1, tr. 130b17-19.
* Trang 381 *
Lại nữa, Hoa sen có ba loại: Hoa của người, hoa của trời, hoa của Bồ-tát. Hoa của người, thứ hoa sen lớn có trên 10 cánh, hoa của trời có 100 cánh, hoa của Bồ-tát 1000 cánh. Trong thế giới kia, phần nhiều có Hoa sen ngàn cánh sắc vàng chói sáng. Trong thế giới Ta-bà tuy có hoa biến hóa ngàn cánh, mà không có hoa sanh trong nước, cho nên Ngài sai mang đi. Hoa sen ngàn cánh sắc vàng ấy, như đã nói ở trong đoạn nói về tướng lưỡi.
Hỏi: Sao Phật sai Phổ Minh lấy hoa rải trên Phật?
Đáp: Pháp cúng dường là hoa, hương, phướn, lọng. Phướn, lọng thì nên ở trên, hương khô thì nên đốt, hương nước thì nên bôi dưới đất, hương bột và hương nước nên rải.
Hỏi: Sao không chỉ cúng dâng rồi thôi, mà còn tự tay rải lên trên?
Đáp: Tự tay cúng dường là thân nghiệp, lời nói êm dịu hỏi han là khẩu nghiệp, phát khởi thân nghiệp khẩu nghiệp là ý nghiệp. Ba nghiệp ấy được công đức bền chắc, làm nhân duyên cho Phật đạo.
Hỏi: Vì sao nói “Ông nên nhất tâm cung kính thận trọng, các Bồ-tát trong thế giới Ta-bà là khó bì kịp, khó hơn?”
Đáp: Phật, Bích-chi Phật, A-la-hán, tất cả các Hiền Thánh, đều nhất tâm cung kính thận trọng. Ma hoặc Ma dân, các kiết sử của nội thân, các tội báo đời trước đều là giặc. Gần các thứ giặc ấy, nên phải nhất tâm, cung kính, thận trọng. Cũng như đi vào giữa giặc, không tự thận trọng giữ
* Trang 382 *
gìn, thì bị giặc bắt. Vì vậy nên nói nhất tâm cung kính thận trọng để đi qua thế giới kia.
Lại nữa, vì lòng người dễ tán loạn, như cuồng như say, nhất tâm cung kính thận trọng là đầu của các công đức. Nhiếp tâm được thiền, liền được trí tuệ chơn thật, được trí tuệ chơn thật, liền được giải thoát, được giải thoát liền được hết khổ. Những việc như vậy, đều từ nhất tâm mà được. Như sau khi Phật Bát Niết-bàn một trăm năm, có một thầy Tỳ-kheo tên là Ưu-ba-cúc, là vị A-la-hán chứng được lục thông, làm Đại đạo sư của cõi Diêm-phù-đề lúc bấy giờ. Lúc ấy có một Tỳ-kheo-ni, 120 tuổi, vị Tỳ-kheo-ni ấy lúc nhỏ đã từng thấy Phật. Ngài Ưu-ba-cúc vào nhà bà để hỏi về dung nghi của Phật, trước tiên sai đệ tử đến nói với Tỳ-kheo-ni rằng: “Đại sư tôi là Ưu-Ba-cúc muốn đến thăm bà để hỏi về dung nghi của Phật.”
Khi ấy vị Tỳ-kheo-ni lấy bình bát đựng đầy dầu mè, đặt dưới cánh cửa để thử coi oai nghi của Ưu-ba-cúc có được rõ ràng chăng? Ưu-ba-cúc đi vào, từ từ đẩy cánh cửa, làm đổ một ít dầu. Ngồi xong, ngài hỏi Tỳ-kheo-ni: “Bà đã từng thấy Phật chăng? Dung mạo giống như thế nào? Xin nói cho tôi được rõ.”Tỳ-kheo-ni đáp: “Lúc ấy tôi còn niên thiếu, thấy Phật đi vào làng, mọi người đều nói “Phật đến,” tôi theo mọi người chạy ra, trông thấy ánh sáng của Ngài tôi liền lễ bái, chiếc thoa vàng trên đầu tôi rơi xuống đất, tại rừng cây tối mù, ánh sáng của Phật soi đến, mọi vật u ẩn đều được trông thấy, tôi liền lượm được thoa. Từ đó về sau, tôi làm Tỳ-kheo-
* Trang 383 *
ni.” Ưu-ba-cúc lại hỏi: “Lúc Phật còn ở đời, oai nghi lễ pháp của các Tỳ-kheo như thế nào?” Đáp: “Lúc Phật còn ở đời, Lục quần Tỳ-kheo rất là tệ ác, không biết tàm quý, mà oai nghi phép tắc hơn ông bây giờ, vì sao mà biết thế? Vì Lục quần Tỳ-kheo đi vào cửa, không làm dầu đổ. Lục quần Tỳ-kheo tuy là tệ ác, mà đúng như nghi pháp của Tỳ-kheo; đi, đứng, ngồi, nằm không mất pháp tắc. Ông tuy là A-la-hán có sáu thần thông mà không bằng bọn họ.” Ưu-ba-cúc nghe nói lời ấy, hết sức hổ thẹn. Vì vậy nên nói nhất tâm cung kính thận trọng, là tướng trạng của bậc thiện nhân vậy.
Lại nữa, vì sao nói là nhất tâm cung kính thận trọng? Vì các vị Bồ-tát ấy khó hơn, khó bì kịp, khó phá, khó gần. Cũng như Sư tử chúa to lớn, khó hơn, khó phá hoại; cũng như Bạch tượng vương và Long vương; cũng như ngọn lửa lớn, đều khó có thể đến gần. Các Bồ-tát ấy có đại phước đức trí tuệ lực, nếu người nào muốn hơn hay muốn phá hoại, đều không thể được; mà chỉ có thể tự hại mà thôi. Thế nên nói là khó gần.
Hỏi: Hết thảy đại Bồ-tát đều có đại công đức, trí tuệ lợi căn, hết thảy đều khó gần, cớ sao chỉ nói các Bồ-tát trong thế giới Ta-bà là khó gần?
Đáp: Đúng như lời ấy. Chỉ vì các Bồ-tát từ trong thế giới Đa Bảo đi đến, thấy thế giới Ta-bà này không bằng, toàn đá, cát, ô uế, xấu xa, thân Bồ-tát thì nhỏ, tất cả mọi sự đều không bằng, chắc sanh lòng nghi mạn, thế nên Phật nói hãy nhất tâm cung kính thận trọng, các Bồ-tát kia khó gần.
* Trang 384 *
Lại nữa, người sanh ở chỗ vui, phần nhiều không dũng mãnh, không thông minh, ít trí tuệ, như người sanh ở châu Uất-đơn-la-việt, vì quá vui mà không xuất gia, không thọ giới. Sanh trong cõi trời cũng vậy, còn trong thế giới Ta-bà này nhân duyên của sự vui ít, có ba điều dữ là già, bệnh, chết, cách nuôi sống theo đất đai khó, cho nên dễ sanh tâm nhàm chán. Thấy già bệnh chết kéo đến, tâm rất chán sợ, thấy người nghèo cùng, biết do nhân duyên đời trước gây nên, sanh tâm rất chán, do vậy nên nói có trí tuệ lợi căn. Các Bồ-tát ở trong cõi kia, là thế giới bảy báu, các thứ cây báu, tâm tưởng tới uống ăn, tùy ý liền có được. Như vậy nên khó sanh tâm nhàm chán, cho nên trí tuệ không thể thông lợi, lớn lao. Cũng như dao bén, đặt vào trong đồ uống ăn tốt, dao dễ sinh rỉ sét, đồ uống ăn tuy tốt nhưng không thích hợp với dao. Nếu lấy đá mà mài, lấy mỡ, tro mà lau chùi, thì rỉ sét liền sạch, dao được bén. Bồ-tát cũng như vậy, sanh trong thế giới hỗn tạp, nên có lợi trí mà khó gần. Như người lúc nhỏ siêng năng khó nhọc, thì có nhiều tài năng, cũng kham được nhiều việc. Lại như nuôi Ngựa mà không cỡi, thì không dùng được việc gì.
Lại nữa, trong thế giới Ta-bà, Bồ-tát có nhiều phương tiện nên khó gần, các nơi khác thì không vậy. Như Phật nói: “Ta tự nhớ đời trước, một ngày bố thí cho người nghìn thân mạng, vì để độ chúng sanh. Tuy các công đức, sáu Ba-la-mật, tất cả Phật sự đầy đủ mà không làm Phật, thường dùng phương tiện độ thoát chúng sanh. Vì những việc ấy, các
* Trang 385 *
Bồ-tát trong thế giới Ta-bà là khó gần.
KINH: Bấy giờ Phổ Minh Bồ-tát từ nơi Phật Bảo Tích nhận lấy Hoa sen sắc vàng ngàn cánh, với vô số hàng xuất gia, tại gia và các đồng nam đồng nữ cùng cất bước.
LUẬN: Hỏi: Phổ Minh Bồ-tát có đại lực thần thông nên có thể đi đến, còn hàng xuất gia, tại gia Bồ-tát, và các đồng nam đồng nữ làm sao tự đi được? Đa Bảo thế giới ở tận cùng phía Đông, dặm đường xa xôi, các hàng ấy tự dùng sức mình mà đi, hay là sức của Phật Bảo Tích? Hay là sức của Phổ Minh Bồ-tát? Hay là sức của Phật Thích-ca Mâu-ni?
Đáp: Hoàn toàn do sức của cả bốn hạng người. Các hàng Bồ-tát xuất gia tại gia ấy là những Bồ-tát đã được bất thối, thành tựu ngũ thông, khéo tu bốn Như ý túc, có nhân duyên với đức Phật Thích-ca Mâu-ni từ đời trước, cũng do tự sức mình, cũng do sức của Bồ-tát Phổ Minh, vì cớ sao? Trong đó, người thế lực mỏng thời do sức của Bồ-tát Phổ Minh mà đến được. Như khi Chuyển luân Thánh vương bay đi, thì cả bốn thứ binh và các cung, quán, súc vật, thú vật tất cả đều bay. Vì công đức của Chuyển luân Thánh vương rất lớn, đủ khiến cho tất cả bay đi. Đây cũng như vậy, người thế lực mỏng thì do sức của Bồ-tát Phổ Minh, đều cũng đi theo được. Cũng là do sức của Phật Bảo Tích và ánh sáng của Phật Thích-ca Mâu-ni soi cho. Nếu tự không có sức, chỉ do ánh sáng của Phật Thích-ca Mâu-ni soi đến cũng có thể đến được, huống gì có cả ba sức.
Hỏi: Bồ-tát Phổ Minh sao không chỉ đi một mình mà
* Trang 386 *
đem theo nhiều người thế?
Đáp: Vì đúng lẽ là có vây cánh đi theo vậy. Cũng như khi Quốc vương đi ra ngoài, tất cả có quần thần đi theo.
Lại nữa, đó là những người có nhân duyên với Phổ Minh Bồ-tát và đức Phật Thích-ca Mâu-ni, cớ sao vậy? Vì trong đại chúng kia hai chúng cùng đến, nên biết kẻ có nhân duyên thì đi đến, kẻ không có nhân duyên thì ở lại.
Hỏi: Vị Bồ-tát ấy vì sao cùng đi đến với các tại gia, xuất gia, đồng nam, đồng nữ?
Đáp: Bảy chúng đệ tử Phật là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Học giới ni, Sa-di, Sa-di-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di. Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di là tại gia, năm chúng kia là xuất gia. Trong chúng xuất gia tại gia hoặc có hai hạng, hoặc lớn tuổi, hoặc nhỏ tuổi. Nhỏ là đồng nam, đồng nữ, ngoài ra là lớn tuổi.
Hỏi: Người lớn nên đi, còn người nhỏ làm sao có thể đến được? Đáp: Tại công đức, không tại lớn nhỏ. Nếu mất sự lợi ích của công đức, làm điều bất thiện, thì tuy già mà nhỏ, nếu có công đức lợi ích, làm điều thiện, thời tuy nhỏ mà lớn.
Lại nữa, thấy người nhỏ đi đến, người trông thấy sẽ khen: “Nhỏ mà còn được vậy, còn vì pháp mà từ xa đi đến.” Cũng hiển bày Phật pháp dù nhỏ hay lớn đều được phụng hành.
Trong pháp của ngoại đạo, hàng Bà-la-môn mới được hành pháp đó, chẳng phải Bà-la-môn thì không được hành. Phật pháp không kể lớn, không kể nhỏ, không kể trong,
* Trang 387 *
không kể ngoài, hết thảy đều được tu hành, cũng như uống thuốc, cốt để trừ bệnh, không lựa người sang, hèn, lớn nhỏ.
KINH: Đều cúng dường, cung kính, tôn trọng, tán thán các đức Phật ở phương Đông.
LUẬN: Hỏi: Nếu cúng dường khắp cả các đức Phật ở phương Đông, thì các đức Phật rất nhiều, biết bao giờ mới cúng xong mà đến được nơi ấy?
Đáp: Các Bồ-tát không cúng dường theo cách của người, trời, mà tự làm theo cách của Bồ-tát. Cách cúng dường của Bồ-tát, thân vào thiền định, thân ấy đi thẳng đến, rồi từ trên thân ấy, xuất ra vô lượng thân, hóa làm đủ thứ vật cúng dường, đầy khắp thế giới của chư Phật, cũng như khi Long vương đi, từ thân tuôn nước, mưa khắp thiên hạ.
Hỏi: Các Bồ-tát ấy muốn đi đến chỗ Phật Thích-ca Mâu-ni, cớ sao giữa đường lại cúng dường chư Phật?
Đáp: Chư Phật là phước điền bậc nhất, nếu ai cúng dường thì được quả báo lớn. Cũng như người sửa san nhiều công nghiệp ruộng vườn là để được nhiều lúa. Chư Bồ-tát thấy chư Phật cúng dường mà được quả báo làm Phật, cho nên cúng dường.
Lại nữa, Bồ-tát thường kính trọng Phật, như người ta kính trọng cha mẹ. Chư Bồ-tát nhờ nghe Phật thuyết pháp mà được các thứ Tam muội, các thứ Đà-la-ni, các thứ thần lực. Vì biết ơn Phật cho nên cúng dường rộng khắp. Như trong kinh Pháp Hoa,[1] Bồ-tát Dược-vương từ nơi Phật mà được tam muội Biến hiện sắc thân, mới suy nghĩ rằng: “Ta sẽ cúng
[1] T. 9: Diệu pháp liên hoa kinh (Saddharmapuṇḍarīka-sūtra-妙法蓮華經), quyển 6, Dược vương bồ tát bản sự phẩm 23 (Bhaiṣajya-rāja Bodhisattva-藥王菩薩本事品第二十三), tr. 53a4-53b18.
* Trang 388 *
dường Phật và Pháp Hoa tam muội như thế nào?” Liền bay lên đến giữa trời, dùng sức Tam muội mưa xuống bảy báu, hương hoa, tràng phan, bảo cái, cúng dường Phật. Sau khi ra khỏi Tam muội, ý còn cho như vậy là chưa đủ, trong một ngàn hai trăm năm ăn những thức ăn thơm, uống các dầu thơm, rồi sau dùng giạ trắng quấn vào mình mà đốt lên và tự phát thệ rằng: “Mong cho ánh sáng của thân tôi chiếu đến tám mươi hằng hà sa thế giới Phật.” Chư Phật trong tám mươi hằng hà sa thế giới ấy tán thán rằng: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Lấy thân cúng dường, ấy là bậc nhất, hơn đem quốc thành thê tử cúng dường gấp trăm ngàn vạn lần, không thể đem thí dụ so sánh.” Trong một ngàn hai trăm năm, thân cháy mãi không tắt.
Lại nữa, sự cúng dường Phật ấy được vô lượng tiếng tăm, phước đức lợi trí. Các việc bất thiện đều diệt trừ hết, các thiện căn được tăng trưởng, đời này đời sau thường được quả báo cúng dường, lâu về sau sẽ được làm Phật.
Cúng dường Phật như vậy, được vô lượng các thứ lợi ích, thế nên các Bồ-tát cúng dường Phật.
KINH: Cầm các hoa hương, Anh lạc, hương bột, hương nước, hương đốt, hương xoa, y phục, tràng phan, bảo cái, hướng đến chỗ Phật Thích-ca Mâu-ni, đến rồi đầu mặt đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng qua một bên.
LUẬN: Hỏi: Nếu nói lễ, cớ sao nói đầu mặt đảnh lễ dưới chân Phật?
Đáp: Trong thân thể người ta quý nhất là đầu, vì là nơi
* Trang 389 *
chứa đựng ngũ tình (năm giác quan) và ở trên hết. Chân là cái hèn nhất, vì đạp lên chỗ bất tịnh và ở dưới hết. Cho nên đem cái quý mà lễ cái hèn, là vì cúng dường một cách quý trọng nhất.
Lại nữa, lễ có bậc thấp, bậc giữa, bậc cao. Lễ bậc thấp là vái, bậc giữa là quỳ, bậc cao là cúi đầu. Đầu mặt lễ dưới chân là cách cúng dường bậc cao. Do vậy, trong Luật tạng của Phật, hạ tọa Tỳ-kheo hai tay đỡ hai chân thượng tọa, đầu mặt cúi lễ.[1]
Hỏi: Oai nghi của thân có bốn là hoặc ngồi, hoặc đứng, hoặc đi, hoặc nằm, cớ sao chỉ đứng một bên?
Đáp: Vì mới đến nên không nên đi, vì cung kính nên không nên nằm, việc ấy thật dễ rõ, đâu cần phải hỏi. Nên hỏi tại sao ngồi, tại sao đứng. Ngồi là sự cúng dường không tôn trọng, còn đứng là cách cúng dường tôn trọng.
Lại nữa, trong Phật pháp, các hàng ngoại đạo xuất gia và hàng cư sĩ khi đi đến chỗ Phật đều ngồi. Ngoại đạo là đạo khác, khinh Phật nên họ ngồi, kẻ cư sĩ thì như khách, cho nên ngồi. Còn hết thảy năm chúng, thân tâm thuộc vào Phật, cho nên đứng. Nếu là A-la-hán đắc đạo như Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, Tu-bồ-đề v.v... việc phải làm đã làm xong, cho nên được phép ngồi, ngoài ra các người khác, tuy chứng được ba đạo quả Sơ, Nhị, Tam cũng không được phép ngồi, vì chưa làm xong đại sự, chưa phá hết giặc kiết sử. Cũng như vua tôi, người có công lớn nên được ngồi. Trong các hàng Bồ-tát tuy có kẻ cư sĩ, mà vì từ xa đi đến cúng dường Phật cho
[1] Xem Đại trí độ luận, quyển 100.
* Trang 390 *
nên đứng.
KINH: Bạch Phật rằng: “Bảo Tích Như Lai gởi lời hỏi thăm Thế Tôn, được ít bệnh, ít não, đi và ở được nhẹ nhàng, lanh lợi, khí lực được an vui chăng?”, lại lấy Hoa sen sắc vàng ngàn cánh này cúng dường Thế Tôn.
LUẬN: Hỏi: Phật Bảo Tích là bậc Nhất thiết trí, sao lại còn phải hỏi Phật Thích-ca Mâu-ni “được ít bệnh ít não, đi ở được nhẹ nhàng lanh lợi, khí lực được an vui chăng?.”
Đáp: Pháp của chư Phật tự nhiên là vậy, biết mà cố hỏi. Như trong Luật tạng,[1] Tỳ-kheo Đặc-ni-ca làm một cái hang bằng gạch màu đỏ, Phật thấy, đã biết mà cố hỏi A-nan: “Cái đó là vật gì vậy?” A-nan thưa: “Đó là con của người thợ gốm xuất gia, tên là Đặc-ni-ca, làm cái nhà nhỏ bằng cỏ, thường bị bọn chăn Trâu phá đi, ba lần làm, ba lần bị phá, do đó mới làm cái nhà gạch ngói này.” Phật bảo A-nan: “Hãy phá cái hang gạch ấy đi, vì cớ sao? Vì bọn ngoại đạo sẽ nói: “Khi Phật đại sư còn đó, pháp lọt ra từ chỗ rỉ.” Nhiều chỗ như vậy, biết mà cố hỏi.
Lại nữa, Phật tuy là bậc Nhất thiết trí, nhưng tùy theo pháp thế gian, người thế gian hỏi thăm, Phật cũng hỏi thăm. Phật sanh ở trong loài người, chịu theo phép loài người, lạnh, nóng, sống, chết v.v... cùng với người như nhau.
Lại nữa, thế giới của Phật Đa Bảo đó thanh tịnh trang nghiêm, thân Phật sắc tướng sáng chói cũng lớn, nếu không hỏi thăm, thì người ta cho là khinh mạn. Lại muốn bày tỏ cho thấy thế giới và thân sắc, ánh sáng của Phật, tuy có nhiều chỗ
[1]T. 22: Tứ phần luật (Dharmagupta –vinaya-四分律), quyển 1, tr. 572b6-c4; T. 23: căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tỳ nại da (Mūla-sarvāstivāda-vinaya-根本說一切有部毘奈耶), tr. 635b2-636c24.
* Trang 391 *
hơn, mà trí tuệ và thân lực thì đều như nhau không khác, cho nên hỏi thăm.
Hỏi: Tại sao hỏi ít não, ít bệnh?
Đáp: Có hai thứ bệnh: Một là bệnh do nhân duyên bên ngoài, hai là bệnh do nhân duyên bên trong. Bên ngoài là lạnh, nóng, đói, khát, binh, nhẫn, đao, gậy, bị rơi, bị ngã, bị xô, bị đè... những thứ như vậy gọi là bệnh ngoài, gọi là não. Bên trong là ăn uống không tiết độ, nằm, đi thất thường, bốn trăm lẻ bốn bệnh, những thứ như thế gọi là bệnh trong. Hai thứ bệnh đó hễ có thân đều khổ. Cho nên hỏi “Ít não ít bệnh chăng?”
Hỏi: Sao không hỏi không não, không bệnh, mà lại hỏi ít não ít bệnh?
Đáp: Thánh nhân thật biết thân là gốc khổ, không lúc nào không bệnh, vì sao? Vì bốn đại hợp lại làm thân; đất, nước, gió, lửa tánh không hợp nhau, mỗi thứ hại lẫn nhau cũng như ung thư, không lúc nào không đau, nếu lấy thuốc xoa, có thể bớt được mà không thể lành. Thân người cũng vậy, thường bệnh, thường trị, trị thì được sống, không trị thì chết. Vì lẽ ấy, không thể hỏi không não không bệnh. Bệnh hoạn bên ngoài thường bị gió, mưa, lạnh, nóng làm bức não. Lại thân có bốn oai nghi ngồi, nằm, đi đứng, ngồi lâu thì rất não; nằm lâu, đứng lâu, đi lâu cũng não. Do đó nên hỏi ít não ít bệnh.
Hỏi: Hỏi ít bệnh ít não là đủ, sao còn nói đi và ở nhẹ nhàng lanh lợi?
* Trang 392 *
Đáp: Người ta tuy bệnh lành mà chưa được bình phục, vì vậy nên hỏi đi và ở nhẹ nhàng lanh lợi.
Hỏi: Sao lại còn nói khí lực an lạc chăng?
Đáp: Có nngười bệnh lành, tuy đi lại ngồi dậy được, nhưng khí lực chưa đủ không thể làm lụng thi vi, xách nhẹ, vác nặng, do đó hỏi về “khí lực.” Có người tuy bệnh lành, có thể vác nặng xách nhẹ, nhưng chưa được yên vui. Do đó hỏi “Có yên vui chăng?”
Hỏi: Nếu không bệnh mà có sức, vì sao chưa được an vui?
Đáp: Có người vì nghèo cùng, sợ hãi, ưu não, không được an vui. Do đó nên hỏi “Được an vui chăng?”
Lại nữa, có hai cách hỏi thăm: Hỏi thăm về thân, hỏi thăm về tâm. Nếu nói ít não, ít bệnh, đi và ở nhẹ nhàng lanh lợi, khí lực, là hỏi thăm về thân. Nếu nói an vui chăng, là hỏi thăm về tâm. Các thứ bệnh bên trong bên ngoài đều được gọi là thân bệnh. Các thứ phiền não dâm dục, sân nhuế, tật đố, xan tham, ưu sầu, sợ hãi v.v..., chín mươi tám kiết sử, năm trăm triền cái, các thứ mong cầu, ham muốn v.v... đều được gọi là tâm bệnh. Vì hỏi thăm về hai thứ bệnh ấy nên nói “Ít não, ít bệnh, đi và ở nhẹ nhàng lanh lợi, khí lực an vui chăng?”
Hỏi: Cách hỏi thăm của loài người thì hỏi như vậy. Hàng chư thiên còn không nên hỏi thăm như vậy, huống gì là đối với Phật?
Đáp: Thân Phật có hai: Một là thân thần thông biến
* Trang 393 *
hóa, hai là thân cha mẹ sanh. Thân cha mẹ sanh thì chịu theo phép loài người, không như chư thiên, do đó phải theo phép của loài người mà hỏi thăm.
Hỏi: Đối với hết thảy Hiền Thánh, tâm không còn bị dính mắc, không tham thân, không tiếc tuổi thọ, không ghét chết, không ưa sống, nếu như vậy thì cần gì hỏi thăm?
Đáp: Vì theo phép thế gian chịu theo phép của loài người mà thăm hỏi. Sai thăm hỏi, cũng là chịu theo phép của loài người.
Hoa sen sắc vàng ngàn cánh, như trên đã nói.
KINH: Bấy giờ, Phật Thích-ca Mâu-ni sau khi nhận Hoa sen sắc vàng ngàn cánh, Ngài rải đến chư Phật trong Hằng hà sa thế giới ở phương Đông.
LUẬN: Hỏi: Phật là bậc không ai hơn, không ai bằng, sao nay lại rải hoa cúng dường chư Phật ở phương đông? Như khi Phật mới đắc đạo, tự suy nghĩ rằng: “Người mà không có chỗ để tôn thờ thời sự nghiệp sẽ không thành, nay trong mười phương trời đất ai là kẻ đáng tôn thờ, Ta sẽ kính làm Thầy mà thờ.” Khi ấy Phạm-thiên-vương cùng chư thiên bạch Phật rằng: “Phật là trên hết, không ai vượt qua Phật.” Phật cũng tự dùng Thiên nhãn xem thấy trong ba đời và mười phương trời đất, không có ai hơn Phật. Tâm tự nghĩ rằng: “Ta thực hành Đại Bát-nhã Ba-la-mật mà nay tự mình được làm Phật. Đây là chỗ cho Ta tôn thờ, tức là thầy của Ta, Ta sẽ cung kính cúng dường tôn thờ pháp ấy.” Thí như có một gốc cây tên là Hảo-kiên, ở trong lòng đất một trăm năm, cành lá đầy đủ,
* Trang 394 *
một ngày kia ra khỏi lòng đất, cao một trăm trượng. Cây ấy ra khỏi rồi, muốn tìm gốc cây lớn để che mát cho mình. Khi ấy trong rừng có vị thần nói với Hảo-kiên rằng: “Trong đời không còn cây nào lớn hơn ngươi, các cây khác đều ở trong bóng mát của ngươi.” Phật cũng như vậy, Vô lượng A-tăng-kỳ kiếp, sanh ở trong lòng đất Bồ-tát, một ngày kia, ở tại dưới gốc Bồ-đề, ngồi trên chỗ tòa Kim-cang, như thật biết rõ hết thảy các pháp tướng, chứng thành Phật đạo. Bấy giờ tự nghĩ: “Ai đáng tôn thờ để làm thầy, Ta sẽ hầu hạ cung kính cúng dường.” Khi ấy Phạm-thiên-vương cùng chư thiên bạch Phật rằng: “Phật là vô thượng, không ai hơn Phật.” Vậy nay cớ sao lại cúng dường chư Phật ở phương Đông?
Đáp: Phật tuy trên hết, trong ba đời mười phương trời đất không ai hơn Phật để mà thực hành sự cúng dường. Cúng dường có thượng, trung, hạ. Cúng dường người thua mình là cúng dường bậc hạ, cúng dường người hơn mình là cúng dường bậc thượng, cúng dường người ngang mình là cúng dường bậc trung. Cũng như Tỳ-kheo-ni Đại-ái-đạo cùng 500 Tỳ-kheo-ni A-la-lán, trong một ngày cùng một lần vào Niết bàn. Khi ấy hàng Ưu-bà-tắc chứng đắc ba đạo quả đỡ giường của 500 Tỳ-kheo-ni, Tứ-thiên-vương đỡ giường nhũ mẫu của Phật là Đại-ái-đạo, còn Phật tự ở trước bưng lò hương, đốt hương cúng dường. Phật nói với các Tỳ-kheo: “Các ông hãy giúp Ta cúng dường thân nhũ mẫu.” Bấy giờ, các Tỳ-kheo A-la-hán, mỗi người dùng lực thần túc, đi đến trên núi Ma-lê, lấy củi hương Chiên-đàn ngưu đầu chất thành đống giúp
* Trang 395 *
Phật. Ấy là cúng dường bậc hạ. Do đó, tuy không cầu chứng quả mà vẫn thực hành cúng dường bình đẳng.
Lại nữa, chư Phật nên phải cúng dường Phật, các người khác không biết đức của Phật, như kệ nói:
“Người trí kính người trí,
Trí luận người trí mừng,
Người trí biết được trí,
Như Rắn biết chân Rắn.”
Vì vậy, chư Phật là bậc Nhất thiết trí cúng dường bậc Nhất thiết trí.
Lại nữa, mười phương Phật đời đời khuyến trợ Phật Thích-ca Mâu-ni. Như Thất trụ Bồ-tát quán các pháp là không, vô sở hữu, bất sanh bất diệt. Quán như vậy rồi, trong hết thảy thế giới, tâm không dính mắc, muốn buông thả sáu Ba-la-mật mà nhập Niết-bàn. Cũng như người trong khi mộng làm bè để vượt qua sông lớn, tay chân mỏi mệt, sanh tâm nhàm chán, đang ở giữa dòng sông mộng tỉnh, tự nghĩ rằng: “Đâu có sông để có thể vượt qua?” Khi ấy, tâm chuyên cần cũng buông bỏ hết, Bồ-tát cũng như vậy. Ở trong địa vị Thất trụ, chứng được Vô sanh pháp nhẫn, tâm hành đều đình chỉ, muốn vào Niết-bàn. Bấy giờ mười phương chư Phật đều phóng ánh sáng, chiếu trên thân Bồ-tát, lấy tay phải xoa đầu, nói rằng: “Thiện nam tử! Chớ sanh tâm tưởng ấy. Ông nên nhớ lại bản nguyện của ông là muốn độ chúng sanh. Ông tuy biết các pháp là không, mà chúng sanh thì không biết. Ông nên nhóm các công đức, giáo hóa chúng sanh, chớ vào Niết-
* Trang 396 *
bàn. Ông chưa được thân kim sắc, ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp tùy hình, vô lượng quang minh, ba mươi hai nghiệp. Ông nay mới chứng được một Vô sanh pháp môn, chớ có mừng lớn.” Khi ấy Bồ-tát nghe lời chư Phật giáo huấn, trở lại sanh tâm nguyện như trước, thực hành sáu Ba-la-mật để độ chúng sanh.[1] Như vậy, lúc mới đắc Phật đạo, được sự tá trợ ấy. Lại lúc Phật mới đắc đạo, tâm tự suy nghĩ: “Pháp này rất sâu xa, chúng sanh ngu muội bạc phước, Ta cũng sanh trong đời ngũ ác, phải làm sao đây? Suy nghĩ xong, Ta sẽ từ trong một pháp chia làm ba phần thành ba thừa để độ chúng sanh.” Khi suy nghĩ như vậy, chư Phật mười phương đều hiện ánh sáng tán thán rằng: “Lành thay! Lành thay! Chúng ta cũng ở trong đời ngũ ác, chia một pháp làm ba phần để độ chúng sanh.” Khi ấy, Phật nghe tiếng nói của chư Phật mười phương, liền rất hoan hỷ, xưng niệm “Nam Mô Phật.”
Như vậy mười phương Phật, nơi nơi đều khuyến trợ làm việc lợi ích lớn. Vì biết ân nặng ấy, cho nên lấy hoa cúng dường mười phương Phật. Phước đức tối thượng, không gì vượt qua phước đức này, vì cớ sao? Hoa ấy do công đức lực của Phật Bảo Tích sinh ra, chứ không phải hoa từ trong nước sanh. Phổ Minh là vị Bồ-tát pháp thân ở địa vị Thập trụ, đưa hoa ấy đến dâng lên Phật Thích-ca Mâu-ni. Phật Thích-ca Mâu-ni biết mười phương Phật là phước điền đệ nhất, cho nên cúng dường, phước ấy nhiều gấp bội, vì cớ sao? Vì Phật tự cúng dường Phật vậy.
Trong Phật pháp có bốn hạng bố thí: 1- Người thí thanh
[1] T. 10: Thập trú kinh (十住經), quyển 3, tr. 520c10-521b6; Xem Đại trí độ luận, quyển 48.
* Trang 397 *
tịnh, người thọ không thanh tịnh, 2- Người thí không thanh tịnh, người thọ thanh tịnh, 3- Người thí thanh tịnh, người thọ cũng thanh tịnh, 4- Người thí không thanh tịnh, người thọ không thanh tịnh.[1] Nay thí cho chư Phật ở phương Đông là cả hai đều thanh tịnh, phước ấy rất lớn. Vì vậy nên Phật tự cúng dường mười phương Phật.
Hỏi: Hết thảy Thánh nhân đều không thọ quả báo, đời sau không còn sanh trở lại, cớ sao nói phước bố thí ấy rất lớn?
Đáp: Phước ấy tuy không có người thọ hưởng, mà tướng nó lại lớn. Nếu có người thọ hưởng thì quả báo ấy vô lượng. Các Thánh nhân biết pháp hữu vi đều là vô thường, không, cho nên xả bỏ mà vào Niết-bàn, phước ấy cũng xả. Thí như thoi vàng đốt cháy, tuy mắt thấy nó đẹp mà không thể lấy tay đụng, vì sợ cháy tay người.
Lại nữa, như người bị mụt nhọt thời phải dùng thuốc bôi, nếu người không bị nhọt thì thuốc vô dụng; người có thân cũng như vậy, thường bị đói khát lạnh nóng bức bách. Cũng như bị mụt nhọt, phải lấy áo chăn, ăn uống, ấm nóng làm cho dễ chịu, như lấy thuốc bôi mụt nhọt. Còn như kẻ ngu si, vì ham thuốc chứ không phải dùng bôi mụt. Nếu không mụt nhọt, thì thuốc cũng vô dụng. Chư Phật cho thân là một mụt nhọt, vì phóng xả thân mụt nhọt nên cũng không lãnh thọ thuốc quả báo. Vì vậy nên tuy có đại phước, cũng không thọ báo.
KINH: Hoa sen được rải khắp chư Phật thế giới nhiều như hằng hà sa số ở phương Đông.
[1] T. 1: Trung a-hàm kinh (Madhyamāgama-中阿含經), quyển 47, kinh số 180, Tâm phẩm cù đàm di kinh đệ cửu (心品瞿曇彌經第九), tr. 722b27-c2: Có bốn loại bố thí, ba tịnh thí. thế nào là bốn? hoặc có người thí thanh tịnh, người thọ không thanh tịnh, 2- Người thí không thanh tịnh, người thọ thanh tịnh, 3- Người thí thanh tịnh, người thọ cũng thanh tịnh, 4- Người thí không thanh tịnh, người thọ không thanh tịnh.
* Trang 398 *
LUẬN: Hỏi: Hoa ít mà thế giới nhiều, làm sao rải khắp?
Đáp: Do thần thông lực của Phật. Những sự như trên, có tám cách tụ do biến hóa: Khiến nhỏ thành lớn, khiến lớn thành nhỏ, khiến nặng thành nhẹ, khiến nhẹ thành nặng, tự tại vô ngại, tùy ý đi đến, rung động đại địa, thành tựu sở nguyện. Các đại Thánh nhân đều có được tám cách biến hóa tự tại ấy, cho nên Phật có thể lấy một ít hoa rải khắp hằng hà sa thế giới ở phương Đông.
Lại nữa, để chỉ cho chúng sanh thấy phước báu vị lai, một ít hoa như thế mà rải khắp thế giới ở phương Đông. Lại để khuyên Bồ-tát ở phương đông rằng gieo phước vào trong ruộng Phật thời được quả báo cũng như hoa ấy đầy khắp vô lượng. Các ông từ xa đi đến, phải nên hoan hỷ, gặp được phước điền ấy, quả báo vô lượng.
KINH: Các Bồ-tát xuất gia, tại gia và đồng nam đồng nữ, đầu mặt đảnh lễ dưới chân Phật Thích-ca Mâu-ni, mỗi người đem đồ cúng dường mà cúng dường, cung kính, tôn trọng, tán thán Phật Thích-ca Mâu-ni. Các Bồ-tát xuất gia, tại gia và đồng nam đồng nữ ấy, mỗi mỗi nhờ năng lực của thiện căn phước đức mà được cúng dường Thích-ca Mâu-ni Như Lai, Ứng cúng, Chánh đẳng Chánh giác.
LUẬN: Như kệ nói:
“Con đường các Thánh đến,
Phật cũng đến như vậy.
Thật tướng và chỗ đi,
* Trang 399 *
Phật như vậy không khác.
Chư Thánh nói như thật,
Phật nói cũng như thật,
Do vậy gọi là Phật,
Là đấng hiệu Như Lai (Tathāgata).
Giáp nhẫn: Tâm kiên cố,
Cung tinh tấn: Sức mạnh,
Tên trí tuệ: Nhọn cứng,
Phá các giặc kiêu mạn.
Đáng lãnh thọ cúng dường,
Của loài trời loài người.
Do vậy gọi là Phật.
Là đấng hiệu Ứng cúng (Arhat).
Chính tri thật tướng khổ,
Cũng thật biết khổ tập,
Biết thật tướng khổ diệt,
Cũng biết đạo diệt khổ.
Chơn chánh hiểu Tứ đế,
Định thật không thể biến,
Cho nên trong mười phương,
Hiệu Chánh đẳng Chánh giác.
Được tam minh vi diệu,
Đầy đủ hạnh thanh tịnh,
Do đó hiệu Thế Tôn (Bhagavat).
Là đấng Minh-hạnh-túc (Vidyā-caraṇa).
Biết rõ hết thảy pháp
* Trang 400 *
Tự được diệu đạo rồi,
Hoặc thời phương tiện thuyết,
Vì thương đến tất cả,
Diệt trừ già, bệnh, chết,
Dẫn đến chỗ an ổn,
Do vậy gọi là Phật,
Là đấng hiệu Thiện-thệ (Sugata).
Biết đời từ đâu đến,
Cũng biết đường đời diệt,
Do vậy gọi là Phật,
Là đấng Thế-gian-giải (Loka-vid).
Con mắt thiền, giới, trí,
Không ai bằng, huống hơn,
Do vậy gọi là Phật,
Là đấng Vô-thượng sĩ (Anuttara).
Đại bi độ chúng sanh,
Khéo léo dạy, điều ngự,
Do vậy gọi là Phật,
Là đấng Điều-ngự-sư (Puruṣa-damya-sārathi).
Trí tuệ, không phiền não,
Thuyết giải thoát tối thượng,
Do vậy gọi là Phật,
Là đấng Thiên Nhơn sư (Devamanuṣyānāmi).
Ba đời động, chẳng động,
Pháp tận và chẳng tận,
Dưới đạo thọ biết hết,
* Trang 401 *
Do vậy gọi là Phật.”
KINH: Vượt qua hằng hà sa thế giới chư Phật về phương Nam, ở tại mé thế giới ấy, có thế giới tên là Ly-nhất-thiết-ưu, Phật hiệu là Vô-ưu-đức, Bồ-tát hiệu là Ly-ưu. Vượt qua hằng hà sa thế giới chư Phật về phương Tây, ở tại mé thế giới ấy, có thế giới tên là Diệt-ác, Phật hiệu là Bảo Sơn, Bồ-tát hiệu là Nghĩa ý. Vượt qua hằng hà sa thế giới chư Phật về phương Bắc, ở tại mé thế giới ấy, có thế giới tên là Thắng, Phật hiệu là Thắng vương, Bồ tát hiệu là Đắc Thắng. Vượt qua hằng hà sa thế giới chư Phật về phương dưới, ở tại mé thế giới ấy, có thế giới tên là Thiện, Phật hiệu là Thiện Đức, Bồ-tát hiệu là Hoa Thượng. Vượt qua hằng hà sa thế giới chư Phật về phương trên, ở tại mé thế giới ấy, có thế giới tên là Hỷ, Phật hiệu là Hỷ Đức, Bồ tát hiệu là Đức Hỷ. Như vậy, hết thảy đều như phương Đông.
LUẬN: Hỏi: Như trong Phật pháp thật không có các “phương,” vì cớ sao? Vì không nhiếp vào trong năm ấm, mười hai nhập, mười tám giới? Trong bốn pháp tạng cũng không. Nói “phương” là thật pháp, mà tìm nhân duyên cũng không thể có được; nay cớ sao trong đây nói “mười phương chư Phật,” “mười phương Bồ-tát đến?”
Đáp: Theo pháp thế tục lưu truyền cho nên nói “phương,” chứ tìm “phương” thật không có.
Hỏi: Vì sao lại nói “không có phương?” Trong bốn Pháp tạng của các ông không nói, nhưng trong sáu Pháp tạng (sáu cú nghĩa)[1] của Thắng luận chúng tôi có nói. Nó không được kể đến trong năm ấm, mười hai nhập, mười tám giới của
[1] T. 42: Bách luận sớ (百論疏), quyển 3, tr. 298b29-c2: Trí độ luận nói: Trong bốn pháp tạng của các ông không nói phương, nhưng trong sáu pháp tạng của thắng luận chúng tôi nói có. Bốn pháp tạng không thời tứ đế không nhiếp, trong lục đế, chín pháp “phương” là một trong những pháp đó, nên nói sáu pháp tạng có.
* Trang 402 *
ông, nhưng được kể đến trong Thật cú nghĩa (Đà-la-phiêu-Dravya-padārtha)[1] của chúng tôi. Pháp “phương” ấy, vì là tướng thường, tướng hữu thường, nên cũng có, cũng thường. Như trong Kinh nói: “Chỗ mặt trời mọc là phương Đông, chỗ mặt trời lặn là phương tây, chỗ mặt trời đi qua là phương Nam, chỗ mặt trời không đi qua là phương Bắc. Mặt trời có ba phần hợp: Hoặc trước hợp, hoặc nay hợp, hoặc sau hợp. Tùy theo phương mà mặt trời có ba phần. Đầu tiên hợp là phương đông. Phương Nam phương Tây cũng vậy. Chỗ mặt trời không đi qua là không có phần. Kia cách đây, đây cách kia, đó là tướng trạng của “phương.”Nếu không có “phương” thời không có kia, đây. Kia đây là tướng của “phương” nhưng nó chẳng phải Đương?
Đáp: Không phải vậy. Núi Tu-di ở giữa bốn châu. Mặt trời đi quanh núi Tu-di, chiếu đến bốn châu thiên hạ. Ở châu Uất-đơn-la-việt, mặt trời đứng bóng, thì ở châu Phất-bà-đề mặt trời mới mọc, vậy người ở châu Phất-bà-đề là phương Đông; ở châu Phất-bà-đề mặt trời đứng bóng, thì ở châu Diêm-phù-đề mặt trời mới mọc, vậy người ở châu Diêm-phù-đề là phương Đông, ấy là thật không có bắt đầu,[2] vì cớ sao? Vì hết thảy phương đều là phương Đông, đều là phương Nam, đều là phương Tây, đều là phương Bắc. Vậy ông nói chỗ mặt trời mọc là phương Đông, chỗ mặt trời đi qua là phương Nam, chỗ mặt trời lặn là phương Tây, chỗ mặt trời không đi qua là phương Bắc, việc ấy không đúng.
Lại nữa, có nơi mặt trời không hợp, thế là không phải
[1] T. 32: Phương tiện tâm luận (方便心論), quyển 1, tr. 23c2-4: Các ngoại đạo có luận pháp không? Đáp: có. Như Vệ-thế sư có lục đế: Đà-la-phiêu, cầu-na, tổng đế, biệt đế, tác đế và bất tác đế.
[2] T. 1: Trường a-hàm kinh (Dīrghāgama-長阿含經), quyển 22, Thuyết trường a-hàm đệ tứ phần thế kỷ kinh-thế bản duyên phẩm 12.
* Trang 403 *
“phương’’, vì không có tướng phương.
Hỏi: Tôi nói trong một nước có bốn phương, ông lại đem bốn châu ra nạn. Vì thế nên chẳng phải là không có bắt đầu ở phương Đông?
Đáp: Nếu ở trong một nước mà mặt trời cùng với phương Đông hợp, thế là có biên, có biên thì vô thường, vô thường thì chẳng khắp. Vì thế nên “phương” chỉ có danh mà không có thật.
KINH: Bấy giờ cả ba ngàn đại thiên thế giới đều thành trân bảo, hoa phủ khắp mặt đất, treo lụa, phướn, lọng, cây hương, cây hoa, đầy đủ trang nghiêm.
LUẬN: Hỏi: Do thần lực ai mà làm cho đất thành báu?
Đáp: Đó là do vô lượng thần lực của Phật biến hóa làm ra có người dùng chú thuật, huyễn pháp, và các Quỷ thần, Ma vương có thế biến hóa một ít vật, còn nếu làm cho cả ba ngàn đại thiên thế giới đều thành trân bảo, thì những người ấy và Phạm-thiên vương đều không thể làm được. Phật vào trong bốn thiền với mười bốn tâm biến hóa,[1] khiến ba ngàn đại thiên thế giới, tất cả hoa, hương, cây cỏ, đất đai đều được trang nghiêm, hết thảy chúng sanh đều hòa đồng, với tâm trở nên thiện, vì cớ sao? Trang nghiêm thế giới này vì để thuyết Bát-nhã Ba-la-mật vậy. Cũng vì Bồ-tát khách và các chư thiên, loài người từ mười phương đến, cho nên trang nghiêm. Như người ta mời quý khách. Nếu một nhà mời thời trang nghiêm một nhà, một Quốc chủ mời thời trang nghiêm một nước, Chuyển luân Thánh vương mời thời trang nghiêm bốn châu
[1] Đại trí độ luận quyển 6: 14 biến hóa Tâm: sơ thiền hai: dục giới và sơ thiền, nhị thiền ba: dục giới, sơ thiền và nhị thiền, tam thiền bốn: dục giới, sơ thiền, nhị thiền và tam thiền, tứ thiền năm: dục giới, sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và tứ thiền.
* Trang 404 *
thiên hạ, Phạm-thiên vương mời thời trang nghiêm ba ngàn đại thiên thế giới. Phật là chủ của mười phương vô lượng hằng hà sa thế giới, vì các Bồ-tát khách và chư thiên, loài người từ tha phương đến, cũng vì chúng nhân ở đây ở kia hễ thấy sự biến hóa trang nghiêm này thời sanh đại tâm, sanh tâm thanh tịnh hoan hỷ. Từ đại tâm phát ra đại nghiệp, từ đại nghiệp được đại báo, trong khi thọ đại báo lại sanh đại tâm, như vậy triển chuyển tăng ích, mà chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì thế nên biến thế giới này đều thành trân bảo.
Sao gọi là bảo? Báu có bốn thứ là vàng, bạc, Tỳ-lưu-ly, Pha-lê. Lại có bảy thứ báu là vàng, bạc, Tỳ-lưu-ly, Pha-lê, Xa-cừ, Mã-não, Xích-chơn-châu (châu này rất quý, chẳng phải là San-hô). Lại còn có thứ báu là Ma-la-già-đà (báu này từ miệng chim Kim-sí mà ra, sắc lục, hay trừ độc), Nhân-đà-ni-la (báu xanh của trời), Ma-ha-ni-la (báu xanh lớn), Bát-ma-la-già (báu sáng đỏ), Việt-xà (Kim-cương), Long châu, Như ý châu, Ngọc bối, San hô, Hổ phách v.v... các thứ gọi là báu. Báu ấy có ba loại là: Nhân bảo, thiên bảo, Bồ-tát bảo. Nhân bảo năng lực ít, chỉ có sắc sáng thanh tịnh, trừ độc, trừ quỷ, trừ tội, trừ đói khát, lạnh, nóng... các thứ khổ. Thiên bảo cũng lớn, cũng hơn thường, thường theo thân trời, có thể sai khiến, cùng nói chuyện, nhẹ mà không nặng. Bồ-tát bảo thì hơn thiên bảo, có thể gồm cả các việc của nhân bảo, thiên bảo. Lại có thể khiến hết chúng sanh biết gốc ngọn nhân duyên của sự chết đây sanh kia. Thí như gương sáng, soi thấy
* Trang 405 *
mặt mày.
Lại nữa, Bồ-tát bảo có thể phát ra các thứ pháp âm, hoặc làm mũ báu đội trên đầu, trời mưa xuống các đồ cúng dường, nào là tràng phan, hoa cái trên mười phương vô lượng thế giới chư Phật để cúng dường Phật. Lại mưa các vật để nuôi sống như áo, chăn, đồ nằm, mọi thứ tùy theo chỗ cần của chúng sanh mà mưa đủ cả, để cấp thí cho chúng sanh. Các thứ trân bảo như vậy, để trừ cái khổ nghèo cùng của chúng sanh.
Hỏi: Các thứ trân bảo ấy từ đâu xuất ra?
Đáp: Vàng thì xuất từ đá cát, đồng đỏ trong núi; Chân châu thì xuất từ bụng cá, từ trong tre, từ não Rắn; Long châu thì xuất từ não Rồng; San hô thì xuất từ cây đá trong biển; Ngọc bối thì xuất từ Mai rùa; Bạc xuất từ đá cháy; còn Lưu-ly, pha-lê v.v... xuất từ hang núi. Ngọc Như ý xuất từ Xá-lợi của Phật. Nếu khi chánh pháp chưa tận thì các Xá lợi đều biến làm Như ý châu, thí như băng giá quá một ngàn năm thì hóa làm ngọc Pha-lê. Các thứ trân bảo như vậy là trân bảo thường trong loài người. Tất cả thế giới mà Phật trang nghiêm là thù thắng hơn cả, chư thiên không thể làm được, vì cớ sao? Ấy là từ đại công đức sanh ra.
Các thứ tràng hoa, như trước đã nói. Cây hương gọi là A-già-lâu (cây mật hương), Đa-già-lâu (cây mộc hương), Chiên-đàn..., các thứ cây hoa như vậy. Cây hoa gọi là hoa Chiêm-bặc (cây hoa vàng), A-du-ca (cây hoa vô ưu), Bà-ha-ca-la (cây hoa đỏ). Các thứ cây hoa như vậy.
* Trang 406 *
KINH: Thí như thế giới Hoa Tích, thế giới Phổ Hoa, Bồ-tát Diệu Đức, Bồ-tát Thiện-ý-trụ, và các Bồ-tát có đại oai thần khác, đều ở nơi đó.
LUẬN: Hỏi: Vì sao nói “Thí như thế giới Hoa Tích?”
Đáp: Thế giới kia thường có tịnh hoa, thế giới này biến hóa trong nhất thời, nên lấy để thí dụ. Pháp thí dụ, là lấy cái nhỏ dụ cái lớn, như người có mặt đẹp thí như mặt trăng tròn.
Hỏi: Còn có các thế giới thanh tịnh ở mười phương, như thế giới An lạc của Phật A-di-đà v.v..., sao chỉ lấy thế giới Phổ Hoa làm thí dụ?
Đáp: Thế giới của Phật A-di-đà không bằng thế giới của Phật Hoa Tích, vì cớ sao? Tỳ-kheo Pháp Tích (Pháp Tạng) tuy được Phật dẫn đến mười phương xem thế giới thanh tịnh,[1] nhưng vì sức công đức mỏng không thể thấy được thượng diệu thanh tịnh. Do vậy thế giới không bằng.
Lại nữa, ngay khi Phật biến hóa thế giới này, chính cùng thế giới Hoa Tích giống nhau. Do vậy nói “thí như thế giới Hoa Tích.”
Hỏi: Còn có Đại Bồ-tát khác như Tỳ-ma-la-cật, Quán Thế Âm, Biến-cát v.v... Sao không nói các Bồ tát này ở tại đó, mà chỉ nói Bồ-tát Văn-thù-thi-lỵ (Diệu Đức), Bồ-tát Thiện-ý-trụ?
Đáp: Bồ-tát Biến-cát (Phổ Hiền) ấy, nơi mỗi lỗ chân lông của Ngài thường hiện ra thế giới chư Phật và chư Phật Bồ-tát đầy khắp mười phương để hóa độ chúng sanh, nên không có chỗ ở nhất định. Văn-thù-thi-lỵ phân thân biến hóa
[1] T. 12: Phật thuyết vô lượng thọ kinh (Aparimitāyus Sūtra-佛說無量壽經), quyển 1, tr. 267b20-c6.
* Trang 407 *
vào trong năm đường, hoặc làm Thanh-văn, hoặc làm Duyên-giác, hoặc làm thân Phật. Như trong kinh Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội nói: “Bồ-tát Văn-thù-thi-lỵ đời quá khứ là Long Chủng Phật Tôn, bảy mươi hai đời làm Bích-chi Phật.”[1] Đó là có thể nói, có thể thuyết; còn Bồ-tát Biến-cát thì không thể lượng, không thể nói, không thể biết trú xứ, hoặc trú xứ ở trong tất cả thế giới. Do đó nên không nói đến.
Lại nữa, nói “và các Bồ-tát có đại oai thần” là cũng đã nói chung Bồ-tát Biến-cát và các Bồ-tát lớn.
KINH: Bấy giờ, Phật biết hết thảy thế giới, hoặc thế giới Trời, hoặc thế giới Ma, hoặc thế giới Phạm-thiên, hoặc Sa-môn, Bà-la-môn, hoặc Trời, hoặc Càn-thát-bà, Người, A-tu-la v.v... Và các Bồ-tát kế thừa Phật vị, tất cả đều tập hội.
LUẬN: Hỏi: Thần lực của Phật vô lượng, tất cả chúng sanh trong mười phương, nếu tất cả đều đến tập hội, thì hết thảy thế giới phải trống không. Nếu không đến thì thần lực vô lượng của Phật có chỗ không làm được?
Đáp: Không thể đến hết, vì cớ sao? Thế giới của chư Phật vô biên vô lượng, nếu đến hết thời là hữu biên. Lại, mười phương đều có Phật, cũng thuyết Bát-nhã Ba-la-mật.Như trong Chương 43 của kinh Bát-nhã Ba--la-mật nói: “Mười phương đều có hàng ngàn vị Phật xuất hiện, đều thuyết Bát-nhã Ba-la-mật.”[2] Do đó không nên đến cả hết.
Hỏi: Nếu có mười phương chư Phật đều thuyết Bát-nhã Ba-la-mật, thế thì mười phương Bồ-tát sao còn đến đây?
Đáp: Như đã nói trong chương Bồ-tát Phổ Minh đến.
[1] T. 2: Phật thuyết thủ lăng nghiêm tam muội kinh (佛說首楞嚴三昧經), quyển 2, tr. 642a26-b2.
[2] T. 8: Ma-ha bát-nhã ba-la-mật kinh (mahāprajñāpāramitā-摩訶般若波羅蜜經), quyển 12, tr. 310a3-29; T. 8: Phóng quang bát nhã kinh (放光般若經), quyển 9, vô tác phẩm đệ 44, tr. 66c16-23.
* Trang 408 *
Vì có nhân duyên với Phật Thích-ca cho nên đến.
Lại nữa, đó là vì bản nguyện của Bồ-tát rằng: “Nếu có chỗ nào thuyết Bát-nhã Ba-la-mật thời ta sẽ nghe, lãnh thọ, cúng dường.” Vì vậy nên từ xa đi đến. Vì muốn đem thân lực chứa nhóm công đức, cũng vì muốn tỏ cho chúng sanh rõ rằng: “Ta từ xa còn đi đến cúng dường pháp, sao các ngươi ở tại thế giới này mà không cúng dường?”
Hỏi: Phật đối với pháp không còn dính mắc, tại sao lại bảy phen hiện thần lực để khiến chúng sanh tập hội đông đủ?
Đáp: Bát-nhã Ba-la-mật ấy rất sâu xa, khó biết khó hiểu, không thể nghĩ bàn, cho nên tập hội rộng rãi các Đại Bồ-tát, làm cho người mới phát tâm được tin vui. Cũng như lời của kẻ nhỏ không đủ làm cho ai tin, lời của người quý trọng tất được tin vâng.
Hỏi: Cớ sao nói “hoặc thế giới Trời, hoặc thế giới Ma, hoặc thế giới Phạm thiên?” Chỉ nên nói thế giới Trời, thế giới Người là đủ, vì cớ sao? Vì trong mười hiệu của Phật có hiệu là Thiên Nhơn sư. Do vậy chỉ nên nói Trời và Người là đủ?
Đáp: Chư thiên có Thiên nhãn, Thiên nhĩ, lợi căn, trí tuệ nhiều, tự biết mà đi đến. Thế nên nói là thế giới Trời.
Hỏi: Nếu trong thế giới Trời đã gồm có Ma, Phạm; sao còn nói riêng hoặc Ma hoặc Phạm?
Đáp: Trong chư thiên có 3 chủ lớn: Thích-đề-bà-na-dân[1] làm thiên chủ hai nơi (Tứ thiền thiên và Tam-thập-tam thiên),[2] Ma vương làm thiên chủ cõi trời Lục Dục, Phạm-thiên vương làm Thiên chủ trong thế giới Phạm thiên.
[1] T. 54: Phiên dịch danh nghĩa tập (翻譯名義集), quyển 2, tr. 1077a21-23: Thích-đề-hoàn-nhơn. Đại luận nói rằng: Thích-ca dịch là Năng, Đề-bà dịch là Thiên, Nhân-đề dịch là chủ, hiệp lại gọi là Thích-đề-bà-na-dân, hoặc Thích-ca-đề-bà-nhân-đà-la, nay lược nói Đế thích.
[2] T. 49: Phật tổ thống ký (佛祖統紀), quyển 31, tr. 310b11-12: Đế-thích làm chủ hai cõi trời: Tứ vương thiên (caturmahārajika-deva) và Đao lợi thiên (Trāyastriṃśa-deva- tam thập tam thiên) , Ma vương làm chủ dục giới (Kāmadhātu) (cư trú ở dục giới), Đại phạm vương làm thiên chủ tam giới (trayo-dhātavaḥ).
* Trang 409 *
Hỏi: Như cõi trời Dạ-ma, cõi trời Đâu-suất-đà, cõi trời Hóa Lạc thảy đều có chủ, tại sao chỉ nói có ba chủ?
Đáp: Thích-đề-bà-na-dân vương nương trên đất mà ở, Phật cũng nương trên đất đó mà ở. Vì thường đến chỗ Phật, rất có danh tiếng, nhiều người biết đến. Còn Ma vương thì thường đến quấy rầy Phật, lại là chủ của tất cả cõi Dục. Các trời Dạ-ma, trời Đâu-suất-đà, trời Hóa Lạc đều thuộc Ma vương.
Lại nữa, nói thế giới Trời, thời trời của ba cõi đều thuộc về Trời. Ma là chủ của tất cả cõi Dục, nên nói riêng.
Lại nữa, Ma thường quấy rầy Phật, mà nay đến nghe thuyết Bát-nhã Ba-la-mật, thì các người khác cũng thêm lòng tín.
Hỏi: Trong cõi Sắc có rất nhiều cõi Trời; tại sao chỉ nói thế giới Phạm-thiên tập hội?
Đáp: Các cõi Trời cao nữa thì không có giác và quán, không thích tán tâm lại vì khó nghe. Thế giới Phạm có bốn thức (nhãn, nhĩ, thân, ý thức)[1] vì dễ nghe được và vì ở gần.
Lại nữa, “Phạm” nghĩa là ly dục thanh tịnh. Nay nói thế giới Phạm là đã nói chung các cõi trời ở Sắc giới.
Lại nữa, các cõi trời khác chưa có dân trời, lúc kiếp sơ sanh, Phạm-thiên-vương ở một mình trong Thiên cung, vắng vẻ không ai, tâm không vui nên tự nghĩ: “Sao trong đây không có nhân dân?” Bấy giờ trời Quang-âm mệnh tuyệt, ứng theo ý nghĩ kia mà sanh đến. Phạm vương bèn suy nghĩ: “Chư thiên này trước không có, theo ý nghĩ của ta mà sanh ra, ta
[1] T. 29: A-tỳ-đạt-ma câu xá luận (阿毘達磨俱舍論), quyển 2, tr. 7b28-c2: Luận rằng: Hệ có nghĩa là hệ thuộc, tức bị trói buộc. Tất cả mười tám giới đều hệ thuộc Dục giới. Sắc giới chỉ có mười bốn loại, tức trừ hai cảnh hương, vị và hai thức của chúng là tỷ thức và thiệt thức. Hương và vị không có ở sắc giới vì chúng thuộc về đoạn thực (kavadīkārāhāra). Phải xả bỏ tham muốn về đoạn thực mới có thể sinh vào Sắc giới. Trừ hai thức tỷ và thiệt vì chúng không có sở duyên; Abhidharmakośa-śāstra, dhātunirdeśaḥ, tr. 20: eṣām aṣṭādaśadhātūnāṃ kati kāmadhātvāptāḥ? kati rūpadhātvāptāḥ? kāmadhātvāptāḥ sarve,
āptā aviyuktāḥ kāmadhātupratisaṃyuktā ity arthaḥ, rūpe caturdaśa, rūpadhātau caturdaśa dhātavaḥ, vinā gandharasaghrāṇajihvāvijñānadhātubhiḥ…tatra hi gandharasau na staḥ; tayoḥ kavalīkārāhāratvāt, tadvītarāgāṇāṃ ca tatropapatteḥ, tato ghrāṇajihvāvijñāne api na staḥ; ālambanābhāvāt (30).
* Trang 410 *
hay sanh ra chư thiên này.” Chư thiên khi ấy ai nấy cũng tự nghĩ: “Ta từ Phạm vương sanh ra. Phạm vương là cha của ta.”[1] Do vậy nên chỉ nói Phạm thế giới.
Lại nữa, các cõi trời Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền (các cõi cao trên Phạm-thiên) thấy Phật, nghe Pháp, hoặc khuyến trợ Bồ-tát ở tại cõi Dục, nhưng nhãn thức, nhĩ thức, thân thức đều tựa vào thế giới Phạm. Do vậy nên nói riêng Phạm thế giới.
Hỏi: Tại sao chỉ nói các Sa-môn, Bà-la-môn, mà không nói đến Quốc vương, Trưởng giả và các chúng khác?
Đáp: Người trí tuệ có hai hạng là Sa-môn và Bà-la-môn. Xuất gia thì gọi là Sa-môn, tại gia thì gọi là Bà-la-môn. Các người khác tâm để vào sự vui ở đời, cho nên không nói. Bà-la-môn phần nhiều học trí tuệ và cầu phước, người xuất gia thì hết thảy đều cầu đạo, thế cho nên chỉ nói đến Sa-môn và Bà-la-môn. Trong hàng tại gia, người có bảy đời thanh tịnh, sanh ra đủ sáu tuổi, đều thụ giới, gọi là Bà-la-môn. Trong hàng Sa-môn, Ba-la-môn ấy, có đạo đức, trí tuệ cho nên nói.
Hỏi: Trước đã nói thế giới Trời, nay cớ sao còn nói đến trời?
Đáp: Thiên thế giới là chỉ Tứ-thiên-vương, Đao-lợi thiên; Ma là chỉ cho Tha-hóa-tự-tại thiên; Phạm là chỉ cho Sắc giới. Nay nói trời là chỉ cho Dạ-ma (yama), Đâu-suất-đà-(Tuṣita), Hóa-lạc (Nirmāṇarati) và Ái-thân-thiên (sudṛśa) trong Dục giới.[2] Ái-thân ở trên Lục-dục thiên, hình sắc tuyệt đẹp, cho nên gọi là Ái-thân.
[1] T. 1: Trường a-hàm kinh (Dīrghāgama-長阿含經), quyển 22, Thế bản duyên phẩm 12 (世本緣品第十二), tr. 145a6-19.
[2] T. 53: Kinh luật dị tướng (經律異相), quyển 1, tr. 2b24-26: Tha hóa tự tại thiên cung, cũng vì phong luân giữ ở giữa hư không, vua gọi là tự tại. Ái-thân thiên: ở trong cõi dục một mình được tự tại nên gọi là Ái-thân thiên.
* Trang 411 *
Hỏi: Tại sao chỉ nói Càn-thát-bà mà không nói đến các Quỷ thần và Long vương khác?
Đáp: Càn Thát-bà là nhạc thần của chư thiên, thường đi theo chư thiên. Tâm nó nhu nhuyến, phước đức kém hơn chư thiên. Các Quỷ thần thuộc trong Quỷ thần đạo; Long vương thuộc trong súc sanh đạo. Chân-đà-la cũng là kỹ nhạc của trời, đều thuộc vào trời; chung ở cùng ngồi với người mà ăn uống, và kỹ nhạc thì đồng với trời. Vua Càn-thát-bà tên là Đồng-lung-ma (Tàu dịch là Cây). Càn-thát-bà, Chân-chân-đà thường ở hai chỗ, chỗ thường ở là tại giữa núi Thập Bảo. Có khi tấu nhạc cho chư thiên ở trên trời. Hai loại này thường không thay đổi giữa cao và thấp.
Người sanh trong bốn châu thiên hạ. Sanh ra có bốn hạng. Sống rất lâu cho đến vô lượng tuổi, sống rất ngắn cho đến chỉ mười tuổi. [1]
A-tu-la là ác tâm, ưa đấu tranh mà không phá giới, tu phước bố thí lớn, sanh ở trên biển lớn, cũng có thành quách cung điện. Các vua của A- tu-la ấy tên là Tỳ-ba-chất-đa, Ba-lê, La-hầu-la[2] v.v...
Như có thuyết kể: “Một lúc nọ, La-hầu-la A-tu-la vương muốn nuốt mặt trăng, Nguyệt thiên tử sợ hãi, gấp đi đến chỗ Phật nói kệ:
“Phật Thế Tôn thành tựu đại trí
Con nay quy mạng khể thủ lễ.
La-hầu-la ấy não loạn con,
Xin Phật thương xót mà cứu hộ.”
[1] T. 1: trường a-hàm kinh (Dīrghāgama-長阿含經), quyển 20, tr. 133a23-26; T. 29: A-tỳ-đạt-ma câu xá luận (阿毘達磨俱舍論), quyển 11, tr. 61b6-9: Thọ mạng ở Bắc-cu-lô châu (Uttarakuru) là một ngàn năm. Ở Tây-ngưu-hóa châu (Godānīya) là năm trăm năm. Ở Đông-thắng-thân châu (Pūrvavideha) là hai trăm năm mươi năm. Thọ mạng ở Nam-thiệm-bộ châu (Jambudvīpa) không nhất định, khi dài khi ngắn. Ở cuối mười kiếp (kalpa) thọ mạng tối đa là mười năm; nhưng ở đầu kiếp (prāthamakalpika) thì không tính được: Không thể đếm bằng các số trăm, ngàn, v.v... Abhidharmakośa-śāstra-lokanirdeśaḥ: sahasramāyuḥ kuruṣu, varṣāṇām; dvayorardhārdhavarjitam. Dvayordvīpayorardhārdhaṃ varjayitvā pañca varṣaśatāni godānīyānām. Ardhatṛtīye varṣaśate pūrvavidehānām. ihāniyatam, jambūdvīpe nāstyāyuṣo niyamaḥ, kadācit bhūyo bhavati kadācidalpīyaḥ. Ante tu daśābdāḥ, abdaḥ= saṃvatsaraḥ. Ante hīyamānaṃ daśa varṣāṇyāyurbhavati. ādito’mitam (78) āditaḥ prāthamakalpikānāṃ manuṣyāṇāmaparimāṇamāyurbhavati. Sahasrādisaṃkhyayā parimātuṃ na śakyate (78).
[2] T. 2: Tạp a-hàm kinh (Saṃyuktāgama-雜阿含經), quyển 22, kinh số 583, tr. 155a7-b4.
* Trang 412 *
Phật nói kệ cho La-hầu-la:
“Trăng hay soi tối lại mát mẻ,
Là ngọn đèn trời giữa hư không,
Sắc nó trong trắng ngàn ánh sáng,
Ngươi chớ nuốt trăng, mau nhả ra.”
Khi ấy La-hầu-la sợ quá toát mồ hôi, liền nhả trăng ra. Ba-lê A-tu-la vương thấy La-hầu-la sợ hãi, nhả trăng ra, nói kệ hỏi rằng:
“Ngươi La-hầu-la vì cớ gì
Sợ hãi run rẩy nhả trăng gấp?
Thân ngươi mồ hôi như người bệnh,
Tâm sợ bất an đến thế kia?”
La-hầu-la bấy giờ nói kệ đáp rằng:
Thế Tôn dùng kệ mà dạy tôi,
Tôi không nhả trăng, đầu vỡ bảy.
Dầu cho sống được, không an ổn,
Vì vậy nay tôi nhả trăng này.”[1]
Ba-lê A-tu-la vương nói kệ rằng:
“Chư Phật rất khó gặp,
Lâu xa mới xuất hiện,
Nói kệ thanh tịnh này,
La-hầu-la nhả trăng.”
Hỏi: Tại sao không nói địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ?
[1] T. 2: Tạp a-hàm kinh (Saṃyuktāgama-雜阿含經), quyển 22, kinh số 583, tr. 155a27-28: Cù-đàm dùng kệ mà dạy tôi, không nhanh nhả răng, đầu vở bảy phần, thọ các tử khổ đáng thương. (瞿曇說呪偈, 不速捨月者, 或頭破七分, 受諸隣死苦.)
* Trang 413 *
Đáp: Địa ngục đại khổ, tâm rối loạn không thể thọ pháp, súc sanh thì ngu si che tâm, không thể thọ hóa, ngạ quỷ thì lửa đói khát đốt thân cho nên không thể thọ pháp.
Lại nữa, trong loài súc sanh, ngạ quỷ, ít nhiều có kẻ đến nghe pháp, chỉ sanh tâm phước đức mà thôi, không kham lãnh thọ đạo, cho nên không nói.
Hỏi: Nếu như vậy, cũng không nên nói đến Càn-thát-bà, A-tu-la, vì sao? Vì đã bao gồm trong ngạ quỷ đạo?[1]
Đáp: Phật không nói bao gồm, sao nay nói bao gồm. Đó là thuyết của Ca-chiên-diên-tử v.v... Như sức của A-tu-la ngang với trời, có khi chiến đấu hơn trời. Càn-thát-bà là nhạc công của chư thiên, đồng thọ phước lạc với trời, có trí tuệ phân biệt được tốt xấu, vì cớ sao không thể lãnh thọ đạo pháp? Như phẩm Thiên trong kinh Tạp A-hàm nói:[2] “Mẹ quỷ thần Phú-na-bà-tẩu, Phật du hành nghỉ đêm nơi đó. Bấy giờ Phật thuyết về pháp thượng diệu cam lồ, hai người con trai con gái khóc lóc, mẹ nó nói bài kệ để ngăn rằng:
“Này con Uất-đát-la chớ ồn,
Phú-na-bà-tẩu cũng chớ khóc.
Ta nay Nghe pháp được Chứng đạo,
Các con cũng sẽ được như ta.”
Do việc ấy nên biết trong hàng Quỷ thần có kẻ đắc đạo.
Lại nữa, trong Đại thừa, lực sĩ Kim-cang Mật-tích trong hàng các Bồ tát là hơn hết, hà huống các người khác.
Như Đơn-luân-ma, vua của Chân-đà-la, vua của Càn-
[1] T. 27: A-tỳ-đạt-ma đại tỳ-bà-sa luận (Abhidharma-mahāvibhāsā-śāstra-阿毘達磨大毘婆沙論), quyển 172, tr. 868c5-27.
[2] T. 2: Tạp a-hàm kinh (Saṃyuktāgama-雜阿含經), quyển 49, kinh số 1322, tr. 362c23-363a20; T. 2: Biệt dịch tạp a-hàm kinh (別譯雜阿含經), quyển 15, kinh số 321, tr. 481a4-29.
* Trang 414 *
thát-bà, đến chỗ Phật gảy đàn ca ngợi Phật. Ba ngàn thế giới đều chấn động, cho đến Đại Ca-diếp ngồi không yên.[1] Những người như vậy, sao không thể đắc đạo?
Như các A-tu-la vương, Long vương, đều đến chỗ Phật, hỏi Phật về pháp sâu xa, Phật tùy câu hỏi mà giải đáp nghĩa sâu, sao nói không thể đắc đạo?
Hỏi: Trong năm đạo chúng sanh, Phật là Thầy của trời, người, không nói là Thầy của ba ác đạo, vì ba ác đạo vô phước, không có phần lãnh thọ đạo pháp, mà Rồng và Quỷ đều đọa vào trong ác đạo?
Đáp: Phật cũng không nói rõ năm đạo. Nói năm đạo, là do các Thầy ở Nhất-thiết-hữu-bộ. Các vị khác ở phái Độc-tử-bộ (Bà-ta-phất-đố- lộ) nói có sáu đạo.[2]
Lại nữa, nên có sáu đạo, vì sao? Ba ác đạo một mực thuần là chỗ tội lỗi. Nếu phước nhiều tội ít, thì gọi là A-tu-la, Càn-thát-bà v.v... chỗ thác sanh phải khác, vì vậy nên có sáu đạo.[3]
Lại nữa, ba ác đạo cũng có lẽ lãnh thọ đạo pháp, song vì ít cho nên nói không.
Và các Bồ-tát sắp nối ngôi vị Phật, như trước đã nói.
(Hết cuốn 10 theo bản Hán)
__________
[1] T. 15: Đại thọ khẩn na la vương sở vấn kinh (大樹緊那羅王所問經), quyển 1, tr. 370b22-371b5.
[2] T. 27: A-tỳ-đạt-ma đại tỳ-bà-sa luận (Abhidharma-mahāvibhāsā-śāstra-阿毘達磨大毘婆沙論), quyển 2, tr. 8b10-25: Đây là Độc-tử-bộ, Bộ sư kia chấp là Thế đệ nhất pháp, tín v.v… năm căn lấy làm tự tánh (trung lược) lập A-tố-lạc làm thú thứ sáu bổ-đặc-già-la.
[3] Xem Đại trí độ luận, quyển 30.
* Trang 415 *