Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

 

 

Tổ thứ Hai Mươi Bảy: Tôn giả Bát-Nhã-Đa-La

(Prajnatara)

 

Tôn giả, đông Ấn Độ nhân. Nhân quốc vương dữ Bất-Như-Mật-Đa Tổ (chú 1), đồng xa nhi xuất, tôn giả kê thủ ư tiền, Tổ viết: “Nhữ ức vãng sự phủ?” Đáp viết: “Ngã niệm viễn kiếp trung, dữ sư đồng cư, sư diễn Ma-ha Bát-nhã, ngã chuyển thậm thâm tu-đa-la. Kim nhật chi sự,  cái khế tích nhân.” Tổ nãi vị vương viết: “Thử tử phi tha, tức Đại Thế Chí bồ tát thị dã.” Hậu nam Ấn Độ quốc vương, nhất nhật thỉnh tôn giả, trai thứ, vương vấn: “Chư nhân tận chuyển kinh, duy sư vi thậm bất chuyển.” Tôn giả viết: “Bần đạo xuất tức bất tùy chúng duyên, nhập tức bất cư ấm giới. Thường chuyển như thị kinh, bách thiên vạn ức quyển, phi đản nhất quyển lưỡng quyển.” Hậu chuyển phó Bồ-Đề-Đạt-Ma, lưỡng thủ các phóng quang minh, hóa hỏa tự phần. 

 

Tôn giả là người miền đông xứ Ấn-Độ. Nhân khi quốc vương cùng Tổ Bất-Như-Mật-Đa ngồi chung xe đi ra ngoài, tôn giả tới phía trước vái lạy. Tổ nói: “Ngươi nhớ việc xưa chăng?” Tôn giả đáp: “Con nhớ vào kiếp xa xưa, con cùng thầy ở chung một nơi, thầy giảng Ma-ha Bát-nhã, con giảng tu-đa-la thậm thâm, nay gặp đây chính là hợp với duyên xưa đó.” Tổ nói với vua: “Đồng tử này không phải ai khác mà là hóa thân của bồ tát Đại Thế Chí vậy.” Về sau, vua xứ nam Ấn Độ thỉnh tôn giả cúng dường. Khi thọ trai xong, nhà vua hỏi Ngài: “Mọi người đều tụng kinh, sao riêng một mình thầy là không tụng kinh vậy?” Tôn giả nói: “Bần đạo thở ra không tùy theo các duyên, hít vào thì chẳng ở trong ấm giới, thường là tụng niệm kinh này, trăm ngàn vạn ức quyển, chẳng phải chỉ một hay hai quyển.” Về sau Tổ truyền pháp lại cho Bồ-Đề-Đạt-Ma, hai tay phóng hào quang, hóa lửa tự thiêu mình.

 

Tán viết:

 

Viễn kiếp đồng cư

Đương diện tác thiết

Thị Thế Chí lai

Bỉ thử nhiêu thiệt

Trửu hậu huyền phù

Thông minh khuếch triệt

Chuyển như thị kinh

Dương xuân bạch tuyết[1]

 

        

            Dịch:

Kiếp trước đồng cư

Tiết lộ mọi người

Hóa thân Thế Chí

Hai bên nhiều lời

Đạo bùa đeo tay

Thông minh sáng láng

Chuyển loại kinh đó

Tuyết trắng mùa xuân. 

 

Hoặc thuyết kệ viết:

                                   (Tuyên công Thượng Nhân tác)

 

Hữu hà nhân duyên kim tương ngộ

Viễn kiếp đồng trú hữu trùng phùng

Sư diễn Ma ha thâm Bát nhã

Dư chuyển Diệu Pháp Liên Hoa kinh

Vương thỉnh ứng cúng trai thứ tất

Tăng vị hồi hướng chúc khang bình

Hô hấp bất cư ấm xứ giới

Giải thoát tự tại mãn thái hư[2]

 

          Dịch:

 

Dám hỏi duyên nào nay gặp gỡ

Kiếp xưa cùng trú lại tao phùng

Thâm sâu Bát Nhã thầy chuyên giảng

Con thuyết Liên Hoa Diệu Pháp kinh

Bầy tiệc trai tăng vua cung dưỡng

Trai xong hồi hướng cảnh thanh bình

Hít thở xa lìa mười tám giới

An nhiên tự tại khắp mười phương

 

        Thượng nhân Tuyên hóa soạn

 

Giảng thoại: 

Tôn giả, đông Ấn Độ nhân. Nhân quốc vương dữ Bất-Như-Mật-Đa Tổ, đồng xa nhi xuất, tôn giả kê thủ ư tiền: Vị Tổ sư đời thứ 27 giòng Thiền Tây thiên là tôn giả Bát-Nhã-Đa-La. Ngài người miền đông xứ Ấn-Độ. Một hôm, vị vua ở nơi này cùng với Tổ thứ 26 là Bất-Như-Mật-Đa ngồi chung xe đi ra ngoài thành. Tôn giả Bát-Nhã-Đa-La lúc bấy giờ hãy còn là một đồng tử, đương đi hành khất trên đường, thấy vậy đến trước xe hỏi han Tổ. 

Tổ viết: “Nhữ ức vãng sự phủ?”: Tổ hỏi tôn giả Bát-Nhã-Đa-La : “Ngươi có nhớ việc xưa chăng?” 

Đáp viết: “Ngã niệm viễn kiếp trung, dữ sư đồng cư, sư diễn Ma-ha Bát-nhã, ngã chuyển thậm thâm tu-đa-la. Kim nhật chi sự,  cái khế tích nhân.”: Tôn giả Bát-Nhã-Đa-La đáp lại như sau: “Con còn nhớ lúc xưa,  thuở ấy rất xa xưa, con cùng thầy ở chung một nơi. Hồi đó thầy giảng kinh Đại Bát-Nhã, còn con thì tụng niệm, nghiên cứu và giảng thuyết kinh Tu-đa-la thậm thâm, tức kinh điển về Đại thừa. Hôm nay, con gặp thầy ở đây chính là hợp với nhân duyên xưa đó! 

Tổ nãi vị vương viết: “Thử tử phi tha, tức Đại Thế Chí bồ tát thị dã.”: Tổ nói với nhà vua: “Đồng tử này không là ai khác mà là hóa thân của bồ tát Đại Thế Chí, một trong ba vị thánh ở phương tây (Chú 2). 

Hậu nam Ấn Độ quốc vương, nhất nhật thỉnh tôn giả, trai thứ, vương vấn: “Chư nhân tận chuyển kinh, duy sư vi thậm bất chuyển.”: Một hôm nhà vua thỉnh tôn giả Bát-Nhã-Đa-La về cung cúng dường trai tăng. Thọ trai xong, vua hỏi Ngài: “Hiện nay chúng tôi thấy hết thảy mọi người đều thuyết pháp, tụng kinh, sao chỉ riêng một mình tôn giả là không tụng kinh vậy?” 

Tôn giả viết: “Bần đạo xuất tức bất tùy chúng duyên…: Ngài nói: “Bần đạo hít thở, nhưng hơi thở ra không tùy theo các duyên… có nghĩa là vào giòng đời mà không nhiễm thói đời, không hòa theo trần tục. ..nhập tức bất cư ấm giới: Khi thở vào thì không ở trong 5 ấm, tức sắc, thọ, tưởng, hành, thức, cũng không ở trong mười tám giới… thường chuyển như thị kinh, bách thiên vạn ức quyển: Bần đạo thường niệm loại kinh này, niệm đến trăm ngàn vạn ức quyển; …phi đản nhất quyển lưỡng quyển: chớ không phải là chấp vào công phu niệm một hay hai quyển kinh đâu! Từng giờ từng khắc, không lúc nào là chẳng niệm kinh.”

Về mười tám giới thì có 6 căn, mắt tai mũi lưỡi thân ý; 6 trần là sắc thanh hương vị xúc pháp; 6 thức là nhãn thức, nhĩ thức, tỵ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. 

Hậu chuyển phó Bồ-Đề-Đạt-Ma, lưỡng thủ các phóng quang minh, hóa hỏa tự phần: Về sau, tôn giả Bát-Nhã-Đa-La truyền diệu pháp tâm ấn cho tôn giả Bồ-Đề-Đạt-Ma. Kế đó hai tay Ngài cùng phóng hào quang, biến thành lửa tam muội, lấy lửa đó tự thiêu thân mình. 

Tán: 

Viễn kiếp đồng cư, Đương diện tác thiết: Vào một kiếp xa xưa hai Ngài cùng ở chung một nơi. “Đương diện tác thiết” có nghĩa là trước mặt mọi người, đem những câu chuyện kín ra nói, như là nói lén, tiết lộ thiên cơ. 

Thị Thế Chí lai, Bỉ thử nhiêu thiệt: Nói việc bồ tát Đại Thế Chí hóa thân. Chuyện này mang ra nói thì kể như là quá nhiều lời – nhiêu thiệt. Cả hai bên, Tổ Bất-Như-Mật-Đa và tôn giả Bát-Nhã-Đa-La, đều nhiều lời. 

Trửu hậu huyền phù, Thông minh khuếch triệt: Phía sau khuỷu tay có treo một đạo bùa, bùa này chính là mệnh lệnh, trao gửi một quyền lực và, như trên đã nói tới, đó là trách nhiệm phải diễn xuất một tấn tuồng, tuồng truyền tâm ấn Phật. Tư chất của tôn giả thì “thông minh khuếch triệt”, vậy có nghĩa là thông suốt, sáng láng, có một trí huệ tuyệt vời. 

Chuyển như thị kinh, Dương xuân bạch tuyết: Loại kinh tụng niệm ở đây là chân kinh, kinh không có chữ, giống như tuyết trắng mùa xuân, trắng ngần như vậy, khi gặp thời tiết xuân đến sẽ tan đi. Vị Tổ sư đây không theo hoàn cảnh, không tùy theo các thứ duyên, bởi vậy Ngài không giống như mọi người khác, siêu việt tất cả, không ở trong sự cấu tạo của ngũ hành, một mình đứng riêng, vượt lên cao vút!     

Lại có kệ rằng: 

Bài kệ tám câu sau đây cũng chỉ là tóm tắt các đoạn văn và bài tán ở phần trên rồi nhắc lại các ý chính. Gọi là kệ tụng chính là lược thuật đại ý những gì đã kể qua; sau đoạn “trường hàng” thì đến phần “trùng tụng”, nội dung của 2 phần này tương tự như nhau, có điều “trùng tụng” thì được thâu gọn lại.

 

Hữu hà nhân duyên kim tương ngộ: “Vì nhân duyên gì mà ngày hôm nay chúng ta gặp nhau, ngươi có nhớ chăng?” Đó là câu mà Tổ Bất-Như-Mật-Đa hỏi tôn giả Bát-Nhã-Đa-La. 

Viễn kiếp đồng trú hữu trùng phùng: Vào một kiếp xa xưa chúng ta đã từng ở chung, đồng tham thiền với nhau, cùng nhau nghiên cứu Phật pháp, đến nay chúng ta lại gặp nhau ở đây. 

Sư diễn Ma ha thâm Bát nhã: Hồi đó Tổ bất-Như-Mật-Đa diễn giảng cho đại chúng kinh “Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa”. 

Dư chuyển Diệu Pháp Liên Hoa kinh: Con thì thuyết giảng tu-đa-la thâm sâu – tôn giả Bát-Nhã-Đa-La kể lại với Tổ Bất-Như-Mật-Đa.

          Tu-đa-la thâm sâu tức là chỉ các kinh điển đại thừa và, trong số các kinh đại thừa thì kinh “Diệu Pháp Liên Hoa” là tột cùng, là vua của các kinh; tôn giả nói trong thời gian này Ngài chuyển kinh Diệu Pháp Liên Hoa, có nghĩa là niệm Diệu Pháp Liên Hoa, bái lạy Diệu Pháp Liên Hoa, lễ bái, cúng dàng, diễn thuyết kinh Diệu Pháp Liên Hoa. 

Vương thỉnh ứng cúng trai thứ tất: Một hôm quốc vương xứ Nam Ấn thỉnh tôn giả Bát-Nhã-Đa-La về cung cúng dường trai tăng.

 

Tăng vị hồi hướng chúc khang bình: Khi đã thọ trai xong, Ngài hồi hướng,  đại khái như niệm chú “cung dưỡng” và tất cả mọi người đều niệm “hồi hướng chú, cung dưỡng chú”, tỷ như mấy câu: 

Nhược vị lạc cố thí

Hậu tất đắc an lạc

Phạn thực dĩ ngật

Đương nguyện chúng sanh

Sở tác dĩ biện

Cụ chư Phật pháp 

Cùng là nguyện cầu cho quốc thái dân an, thế giới hòa bình, như trên câu kệ nói “chúc khang bình”.

 

Hô hấp bất cư ấm xứ giới: Nhà vua thấy riêng một mình tôn giả là không tụng niệm, không mở miệng nói năng gì, bèn hỏi: “Mọi người đều tụng kinh, riêng thầy không tụng, vậy thầy làm gì? Hỏi như vậy thì nhà vua này có thể kể như là quá thực thà, chẳng biết khách sáo, giống như mấy người Mỹ bên này vậy! Chân tâm chính là đạo tràng! Đáp lại nhà vua, tôn giả nói rằng sự hít thở của Ngài không giống như mọi người khác. Ngài có thể chẳng thở ra cũng chẳng thở vào, vượt ngoài ba cõi, không nằm trong sự cấu tạo của ngũ hành! Có thể hít thở, mà cũng có thể không hít thở. Bởi vậy khi thở ra thì không tùy theo các duyên, khi hít vào không ở trong ấm, xứ và giới. Ấm là nói về ngũ ấm; xứ thì chỉ thập nhị xứ, gồm có 6 căn và 6 trần; giới thì có tất cả là 18 giới, gồm 6 căn, 6 trần và 6 thức. 

Giải thoát tự tại mãn thái hư: Vì lý do Ngài không dính vào một chỗ nào trong thập nhị xứ nên mới gọi là giải thoát, là tự tại, pháp tánh thì bao trùm khắp hư không. Chẳng đến chẳng đi, chẳng nhơ chẳng sạch, chẳng tăng chẳng giảm, chẳng sanh chẳng diệt, quét sạch mọi pháp, lìa hết mọi tướng, chẳng còn chấp vào một tướng gì nữa!  

              (Thượng nhân Tuyên Hóa thuyết giảng ngày 13 tháng 9 năm 1981) 

 

Chú 1. Bản cổ ghi “Tổ Bà-Tư” là không đúng. Theo sự tra cứu qua các sách Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, Chỉ Nguyệt LụcTruyền Pháp Chánh Tông Ký thì các tài liệu đều ghi rằng Tổ thứ 26 là tôn giả Bất-Như-Mật-Đa. 

Chú 2. Về câu chuyện gặp gỡ và truyền pháp giữa hai vị Tổ sư đời thứ 26 và 27, Cảnh Đức Truyền Đăng Lục ghi rõ như sau : . . .Tôn giả Bất-Như-Mật-Đa nói với vua: “Trong nước có thánh nhân, người này sẽ kế thừa tôi.” Số là khi đó có một đồng tử, con dòng Bà-la-môn, 20 tuổi, cha mẹ mất sớm, không ai biết tên là gì, tự xưng tên là Anh-Lạc, nên mọi người quen gọi là “đồng tử Anh-Lạc”, thường thấy đi hành khất qua xóm làng, tỷ như kiểu Thường bất Khinh vậy. Có người hỏi: “Sao đi nhanh vậy?” thì đồng tử trả lời: “Sao các người đi chậm vậy?” Có người hỏi: “Ngươi họ gì?” thì đồng tử trả lời: “Tôi cùng một họ với các người.” Cứ như vậy chẳng ai hiểu duyên cớ gì.

           Về sau, nhân dịp tôn giả ngồi chung xe với vua đi ra ngoài thành, đồng tử Anh Lạc đi tới lễ lạy trước tôn giả. Ngài bèn hỏi: “Ngươi nhớ chuyện xưa chăng?” Anh Lạc đáp: “Con nhớ vào thưở xa xưa con cùng tôn giả ở chung một nơi. Ngài thì diễn giảng Ma-Ha Bát Nhã, con thì chuyển kinh Tu Đa La thâm sâu. Sự tình ngày hôm nay chính là hợp với nhân duyên xưa.” Tôn giả lại nói với vua: “Đồng tử này không phải ai khác mà là hóa thân của bồ tát Đại thế Chí. Sau vị thánh này sẽ có hai vị nữa, một vị giáo hóa vùng Nam Ấn Độ, một vị thì có duyên với xứ “Chấn Đán” (tức Trung Hoa), trong vòng 4 hay 5 năm sau thì lại sẽ trở về đây. Cũng do sự tích về nhân duyên này mà có tên “Bát-Nhã-Đa-La” và kệ truyền pháp như sau:

                                                           

Chân tánh tâm địa tạng

Vô đầu diệc vô vĩ

Ứng duyên nhi hóa vật

Phương tiện hô vi trí[3] 

            Dịch:

 

Chân tánh là tạng tâm

Không đầu cũng không đuôi

Theo duyên mà hóa vậtPhương tiện gọi là trí
 


 


[1]遠劫同居 當面作竊 是勢至來 彼此饒舌
肘後懸符 通明廓徹 轉如是經 陽春白雪

[2]有何因緣今相遇 遠劫同住又重逢
師演摩訶深般若 余轉妙法蓮華經
王請應供齋次畢 僧為迴向祝康平
呼吸不居陰處界 解脫自在滿太虛

 

[3]真性心地藏 無頭亦無尾
  應緣而化物 方便呼為智

 

Xem mục lục