Giả sử bạn nhìn thấy một bữa tiệc linh đình. Những chiếc bàn dài đầy ắp cao lương mỹ vị, những thức ăn lạ thơm ngon được nấu nướng công phu đang ở ngay trước mắt và trong tầm tay của mọi người.
Nhưng những người ngồi trong bữa tiệc đó đã không ăn. Thật ra, dĩa của họ đều trống không. Họ đã không phục vụ cho mình, dù chỉ một miếng rất nhỏ. Họ đã ngồi ở bữa tiệc đó rất lâu. Và họ đang đói, một cách từ từ, một cách vô vọng, cho đến chết.
Họ bị đói không phải vì không được mời tham gia bữa tiệc tuyệt vời đó, hay bị cấm ăn uống, hay thức ăn có chất độc. Họ đói bởi vì không nhận ra rằng thức ăn là những gì họ đang cần. Họ không nhận ra những cơn cào cấu trong dạ dày của mình khi đói bụng. Họ không thấy được cần phải làm gì, họ không thấy được tất cả những gì mình cần là hưởng thụ bữa tiệc ngay trước mắt.
Đây chính là thân phận của con người. Phần lớn chúng ta đều cảm giác có một cái gì đó thiếu sót trong cuộc đời mình. Nhưng chúng ta chẳng có chút ý niệm nào về việc phiền não thật sự của chúng ta là gì, hay chúng ta nên làm gì về chuyện đó. Chúng ta có thể thấy – một cách mơ hồ – rằng thức ăn đang ở đó, ngay trước mặt chúng ta, nhưng chúng ta chẳng liên lạc được với cái đói của mình, ngay cả khi cơn đói ngày càng trở nên cào cấu hơn.
Chúng ta khao khát một cái gì đó. Chúng ta cảm thấy đau đớn và mất mát. Chúng ta khổ. Mọi thứ chúng ta cần để làm tan biến sự bất mãn đang ở ngay đây, trước mắt chúng ta. Thế nhưng, chúng ta lại không nhận ra điều này.
Theo giáo lý nhà Phật, trạng thái buồn bã, sự bất mãn sâu sắc đang diễn ra, là chân lý thứ nhất của hiện hữu. Tất cả khổ đau mà chúng ta mang đến cho mình và tha nhân – sân hận, quy lụy, mâu thuẫn, thao túng – đều là nghiệp do chúng ta tạo ra. Nó xuất phát từ tâm và trí của chúng ta. Từ sự mê vọng của chúng ta.
Thêm nữa, nếu không thấy chính xác phiền não đó là gì, chúng ta sẽ để nó tiếp tục tồn tại. Chúng ta sẽ truyền dạy mê vọng của mình cho con cái, và tiếp tục, hết thế hệ này sang thế hệ khác, gây ra thêm những điều tương tự cho bản thân và cho tất cả.
Khi Đức Phật nhìn thấu tâm và trí của mình, ngài đã hiểu ra điều này, cũng như vô số người khác đã nhận ra. Mỗi người trong số các đấng giác ngộ đều tự nhìn thấy nỗi khổ của mình, và những phương tiện để diệt trừ nổi khổ, đang nằm ngay bên trong họ.
Điều này không phải để nói rằng chúng ta nên cầu mong giải quyết được hết mọi phiền não, hay nói rằng nếu chúng ta cư xử đúng cách thì mọi việc sẽ diễn ra như chúng ta mong muốn. Chẳng có cuộc đời bất kỳ ai – kể cả cuộc đời của Đức Phật – mà đang, đã hay sẽ thoát được khó khăn. Phật pháp không hứa hẹn làm cho cuộc đời của chúng ta hết mọi phiền não. Thay vì thế, nó khuyến khích chúng ta hãy khảo sát bản chất của các phiền não, chúng là gì và chúng từ đâu đến. Phật pháp không phải là những tư tưởng viễn vông. Nó liên quan đến việc nắm bắt cuộc sống tự nền tảng và hành động.
Có một câu chuyện xưa kể rằng một người đã đến gặp Đức Phật vì anh ta nghe nói ngài là một vị thầy tài ba. Giống như tất cả chúng ta, anh ta có những phiền não trong cuộc đời, và anh ta nghĩ Đức Phật có thể giúp giải quyết chúng.
Anh nói với Đức Phật rằng mình là một nông phu. “Tôi thích việc đồng áng”, anh ta nói, “nhưng đôi khi trời mưa ít quá, và cây lúa không đủ sức lớn. Năm vừa rồi chúng tôi suýt chút nữa đã bị đói. Và đôi khi trời lại mưa quá nhiều, do đó ruộng không như tôi muốn”.
Đức Phật kiên nhẫn lắng nghe.
“Tôi cũng đã lập gia đình”, người đàn ông đó nói. “Cô ấy là một người vợ hiền thục, giỏi giang… Tôi yêu cô ấy lắm, thật vậy. Nhưng đôi khi cô ấy hay chì chiết tôi. Và đôi khi tôi thấy mệt vì cô ấy”.
Đức Phật vẫn lặng lẽ lắng nghe.
“Tôi đã có con”, người đàn ông đó nói. “Chúng cũng là những đứa con ngoan.., nhưng đôi khi chúng chẳng biết nể nang tôi. Và đôi khi…”.
Người đàn ông đó vẫn tiếp tục, đại loại như vậy, kể lể hết những khó khăn và lo âu của mình. Cuối cùng, anh ta quỳ xuống và chờ Đức Phật ban cho những lời giúp giải quyết mọi chuyện cho mình.
Thay vì thế, Đức Phật nói, “Ta không thể giúp anh được”.
“Ý ngài nói như vậy là sao?”, người đàn ông đó sửng sốt hỏi.
“Ai cũng có những phiền não”, Đức Phật nói. “Thật vậy, tất cả chúng ta đều có đến tám mươi ba phiền não, mỗi người chúng ta. Tám mươi ba phiền não, và chẳng có phiền não nào anh có thể giải quyết được hết. Nếu anh thật sự cố gắng hết sức để giải quyết một phiền não, anh có thể giải quyết được – nhưng nếu anh làm được, một phiền não khác sẽ được hiện ra, thế ngay vào chỗ đó. Chẳng hạn, anh sẽ bị mất những người thân của mình. Và vào một ngày nào đó anh sẽ chết. Bây giờ, anh đang có một phiền não, và anh hoặc ta hoặc bất kỳ ai khác có thể giải quyết được nó cả”.
Người đàn ông đó tức giận. “Tôi cứ nghĩ ngài là một vị thầy thông thái, ngài có thể giúp tôi! Vậy chứ ngài dạy cái gì?”
Đức Phật nói, “À, có lẽ phiền não thứ tám mươi tư có thể giúp cho anh”.
“Phiền não tám mươi tư?” người đàn ông đó hỏi. “Phiền não thứ tám mươi tư là gì?”
Đức Phật nói, “Anh muốn mình không còn gặp phiền não nào nữa hết”.
Chúng ta muốn xử trí các phiền não của mình theo hướng đoạn diệt, bẻ cong hay phủ nhận thực tính của chúng. Nhưng khi làm như vậy, chúng ta cũng đang cố gắng biến Thực Tại thành một cái gì đó không phải đúng như chúng đang là. Chúng ta cố gắng sắp xếp lại thế gian, sao cho tai nạn sẽ chẳng bao giờ xảy ra, và những người chúng ta yêu thương sẽ không bao giờ chết. Ngay vẻ ngoài không thôi cũng cho thấy những nỗ lực như vậy là phù phiếm, vô ích.
Trong lúc đang viết quyển sách này, một người bạn thân của tôi đã qua đời không có chút gì báo trước. Chỉ mấy phút trước, anh còn cười vui với bạn bè. Anh chỉ đơn giản đi qua bãi cỏ, bước lên mấy bậc thềm, rồi ngồi xuống và chết.
Rích là một người nhân hậu, rộng lượng và được nhiều người yêu mến. Anh có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, và đã bỏ lại đằng sau một người vợ đáng yêu và ba đứa con nhỏ. Anh 36 tuổi, và cho đến tận lúc đó, anh có sức khỏe cực kỳ tốt.
Đối với tôi và đối với những người quen biết khác, cái chết của anh rất đáng buồn và rất bất ngờ. Tôi đã khóc rất nhiều cùng gia đình của anh và nhiều bạn bè mến thương anh.
Đó là nhân sinh. Chúng ta không thể bỏ qua nó. Cỏ dại sẽ mọc sum suê, mặc dù chúng ta ghét chúng và muốn chúng biến đi; hoa sẽ rụng, mặc dù chúng ta thích chúng và mong chúng bền lâu.
Đặc trưng của kiếp nhân sinh là chẳng có gì viên mãn hay trọn vẹn. Nó đang ở ngay đây, bên cạnh chúng ta. Đây là đệ nhất nghĩa đế (chân lý thứ nhất) của Phật pháp về kiếp người. Chúng ta xử trí với thực tại này như thế nào? Chúng ta nên giả vờ – hay hy vọng – rằng những gì chúng ta yêu thương sẽ không mất đi chăng? Bậc giác ngộ sẽ trả lời bằng một từ “Không” dứt khoát.
Giáo lý nhà Phật dựa trên Thực Tại. Nó không phải hy vọng hão huyền, hay suy nghĩ mong cầu, hoặc phủ nhận những gì của kiếp nhân sinh. Không có một chút cố gắng nào để che dấu, bưng bít hay giải thích sai lệch các sự thật.
Điều bắt buộc là phải thừa nhận rằng sự bất toại ý khởi sinh ngay bên trong chúng ta. Nó khởi sinh từ sự vô minh, từ sự mù lòa của chúng ta trước cảnh ngộ đích thực của chúng ta, nó khởi sinh từ lòng mong muốn của chúng ta rằng Thực Tại phải là cái gì đó khác những gì nó đang là. Lòng khao khát, ao ước, mong cầu của chúng ta về một cái gì đó khác hẳn Thực Tại chính là điều khiến chúng ta bất toại ý.
Thế nên, đệ nhị nghĩa đế (chân lý thứ hai) của Phật pháp chính là sự bất toại ý nảy sinh bên trong chúng ta.
Đệ tam nghĩa đế (chân lý thứ ba) là chúng ta có thể nhận chân ra nguồn gốc của sự bất toại ý, và do đó có thể đoạn trừ những sắc tướng hiện sinh thâm sâu nhất của nó.
Đệ tứ nghĩa đế (chân lý thứ tư), mà tôi sẽ trình bày ngắn gọn, cung cấp cho chúng ta phương tiện để trải nghiệm sự nhận chân như vậy. Sự nhận chân này đôi khi được gọi là Nirvana (Niết bàn) hay giác ngộ. Tuy nhiên, muốn miêu tả chính xác hơn thì có thể gọi một cách đơn giản là sự giải thoát của tâm thức.
Chúng ta thường xem sự truy tầm tâm linh – cuộc đánh vật với các vấn đề cơ bản của nhân sinh – như một hành trình. Nhưng hành trình mà chúng ta dấn thân ở ngay bây giờ không phải là hành trình theo nghĩa thông thường.
Nói chung, chúng ta nghĩ đến một hành trình có liên quan đến sự chuyển động và phương hướng, hoặc một sự ra đi để đến một nơi nào đó, hoặc đi vào trong, đi vào cái tôi của mình. Nhưng trong đạo Phật, hành trình của chúng ta là vô sở xứ, tức không đi đâu cả, chẳng đi ra ngoài mà cũng chẳng đi vào trong. Thay vì thế, hành trình của chúng ta là hành trình đi đến cái gần nhất, đi vào cái tức thì. Hành trình của chúng ta phải là tỉnh thức ở ngay đây và bây giờ. Để sống một cách trọn vẹn, chúng ta phải hiện diện hoàn toàn.
Câu hỏi: Chúng ta làm điều đó bằng cách nào?
Để tự mình trải nghiệm được câu trả lời, bạn phải hiểu được ba điều. Thứ nhất, bạn phải thật sự hiểu rằng cuộc đời là giả tạm. Kế đó, bạn phải hiểu rằng mình đã thật sự đầy đủ, viên mãn và toàn vẹn. Cuối cùng, bạn phải thấy rằng mình là chỗ nương tựa, chốn an trú, nơi cứu rỗi của chính mình.
Hãy nhặt một bông hoa – một đóa hoa tươi và đẹp. Hương của nó thật tuyệt vời. Màu sắc rực rỡ đến kinh ngạc, với các cánh hoa mượt như nhung. Nó khiến chúng ta thích thú.
Vấn nạn đối với hoa hồng là nó sớm tàn. Những cánh hoa sẽ rơi rụng, héo úa và trở về với đất.
Một giải pháp cho vấn nạn này là bỏ qua hoa hồng thật và thay bằng hoa giả không bao giờ úa tàn (và cũng chẳng bao giờ sống). Nhưng hoa hồng giả có phải là thứ chúng ta muốn? Dĩ nhiên là không. Chúng ta muốn hoa hồng thật. Chúng ta muốn nó chính bởi vì nó chết, bởi vì nó phù du, bởi vì nó héo tàn. Chính phẩm chất này khiến nó trở nên quí giá. Đây là những gì chúng ta muốn, những gì mà mỗi người chúng ta đang là: một sinh vật hữu diệt.
Chính cái thân và cái tâm của bạn cũng hết sức quí giá, bởi vì chúng giả tạm và phù du. Chúng luôn luôn thay đổi, trong mọi khoảnh khắc. Thật vậy, bạn chẳng là cái gì hết ngoại trừ sự vô thường.
Chúng ta hãy khảo sát thật kỹ điều này thêm một chút. Thật dễ dàng để thấy rằng bạn không có cái thân như đã có khi là một trẻ nhỏ. Bạn cũng chẳng có cái tâm như trước. Nếu khảo sát cho thật kỹ, bạn sẽ thấy rằng khi lật sang trang này mình thậm chí chẳng còn có cái thân và cái tâm như đã có cách đây vài phút. Trong vài giây đó, nhiều tế bào trong cơ thể bạn đã chết đi và nhiều tế bào khác đã được tạo ra. Vô số những biến đổi hóa học đã diễn ra trong cơ thể. Những suy nghĩ của bạn đã thay đổi khi phản ứng với những lời lẽ trên trang này và với ngoại cảnh. Trong từng khoảnh khắc và trong mọi khoảnh khắc, bạn đều đã thay đổi.
Giống như hoa hồng thân và tâm của chúng ta là giả tạm, phù du.
Thật vậy mọi thứ trong kinh nghiệm của chúng ta – thân, tâm, suy nghĩ, ước muốn và nhu cầu, các quan hệ – đều là giả tạm. Vô thường. Hữu diệt. Chúng ta đang chết trong từng khoảnh khắc và, một lần nữa chúng ta được sinh ra trong từng khoảnh khắc. Quá trình sinh diệt này tiếp diễn không ngừng, hết khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác, ngay trước mắt của chúng ta. Mọi thứ mà chúng ta đang nhìn vào, kể cả cái tôi của chúng ta, lẫn mọi khía cạnh trong cuộc sống, chẳng là cái gì khác ngoài sự vô thường.
Sức sống bao hàm trong chuỗi sinh và diệt này. Sự vô thường, sự không ngừng sinh ra và chết đi, chính là những điều khiến cuộc sống của chúng ta trở nên tuyệt vời sinh động và đầy hứng thú.
Nhưng chúng ta thường mong muốn giữ cho mọi thứ vẫn còn mãi. Chúng ta muốn giữ nguyên mọi thứ, muốn bám lấy chúng. Lòng ham muốn chấp giữ này, ham muốn giữ y nguyên bằng cách nào đó, là cội nguồn lớn nhất của hận thù, chán ghét và phiền não trong cuộc sống của chúng ta.
Bạn đã ở trong thực tại, cho dù có thấy điều đó hay không. Thực tại chính là những gì đang ở ngay đây, ở ngay bây giờ. Do đó, bạn cũng đang ở ngay đây, ngay bây giờ. Bạn đã biết tất cả điều này, từ kinh nghiệm trực tiếp. Bạn không đứng ngoài Thực Tại. Không phải ở đâu đấy “ngoài đó”, mà là ở ngay đây.
Điều này mang đến cho chúng ta cơ hội để tỉnh thức. Ở ngay đây, ngay bây giờ, ngay trong khoảnh khắc này, và trong mọi khoảnh khắc. Như vậy, bạn đã có sự giác ngộ.
Phần lớn chúng ta có khuynh hướng nghĩ – và được dạy – là có một con đường đâu đấy, và chúng ta phải tìm ra cái gì đó. Nhưng không phải vậy. Chúng ta không cần phải tìm ra kinh nghiệm của chính mình; nó đã ở đây, một cách trực tiếp.
Bạn đã giác ngộ. Tất cả những gì bạn cần làm là chấm dứt việc ngăn che bản thân mình và chú ý nghiêm túc vào những gì đang diễn ra. Bạn không bị thiếu thứ gì hết. Điều duy nhất bạn cần là ngừng ngăn che tầm nhìn của mình.
Lời thuyết pháp sau cùng mà Đức Phật đã dạy trước khi ngài nhập Niết bàn là: “Mỗi người phải là ánh sáng soi tỏ cho chính mình; phải nhất tâm an trú vào chính mình. Hãy nương theo Chân Lý. Không tìm kiếm sự nương dựa vào bất kỳ ai ngoại trừ chính mình”.
Bạn là người có thẩm quyền tối hậu. Không phải tôi. Không phải Đức Phật. Không phải kinh văn. Không một cộng đồng triết gia, khoa học gia, không một trường học, thiền viện nào có thể gánh vác trách nhiệm thay cho cuộc sống hay hành động của bạn. Thẩm quyền đó thuộc về bạn và chỉ thuộc về bạn mà thôi. Bạn không thể giũ bỏ hay trốn tránh nó.
Dĩ nhiên, bạn có thể giả vờ từ bỏ thẩm quyền tối hậu này, hay phớt lờ nó, hoặc hành động như thể bạn chưa có nó, hoặc cố gắng trao nó cho ai đó. Nhưng bạn đâu có thật sự tránh khỏi nó. Chính bạn đã trao thẩm quyền của mình cho ai đó. Chính bạn đã chọn phủ nhận hay phớt lờ thẩm quyền. Chính bạn đã quyết định lừa dối mình khi giả vờ mình không có thẩm quyền.
Thẩm quyền tối hậu này không phải là một gánh nặng, thật ra nó còn hết sức tuyệt vời. Nó có nghĩa rằng bạn có sức mạnh để tỉnh thức. Bạn đang có nó ở ngay bây giờ – trong đôi tay của bạn. Bạn không phải đi đâu hết. Bạn có thể tỉnh thức ngay bây giờ, ngay tại chỗ này. Bạn đã được trang bị đầy đủ để làm điều này ở ngay khoảnh khắc này. Bạn đã có tất cả sức mạnh mà bạn sẽ cần đến để nhận ra hạnh phúc.
Nói cách khác, bạn đã được chuẩn bị đầy đủ cho bất cứ điều gì đang đến. Mỗi người chúng ta đều có sức mạnh đơn giản là trở thành những gì chúng ta đang là mà không cần phải bổ sung gì hết. Chẳng thiếu gì cả; chẳng có gì chưa có. Bạn đã đủ trí lực và sở duyên, ở ngay bây giờ, mặc dù có thể bạn chưa nhận ra điều đó. Bữa tiệc đang bày ra trước mắt bạn, và bạn chỉ việc thưởng thức.
Để đoạn trừ hoàn toàn sự bất an của tâm, tất cả những gì bạn cần làm là thấy rằng thật ra chẳng có gì “ở ngoài kia” để tìm, vì rằng ngay trong khoảnh khắc này, vạn pháp đã là cái toàn thể và trọn vẹn rồi. Khi làm như vậy, bạn có thể thức tỉnh khỏi sự mê muội, khỏi cảm giác lo sợ dai dẳng, khỏi vấn nạn không có câu trả lời là sống để làm gì.
Hành động này – sự thấy này – là đệ tứ nghĩa đế của Phật pháp. Nó là phương tiện qua đó chúng ta có thể trải nghiệm tự do của tâm thức.
Đệ tứ nghĩa đế của Phật pháp bao hàm tám khía cạnh, đó là lý do vì sao nó cũng được gọi là Bát chính đạo (tám con đường đúng đắn).
Thế thì, con đường này là gì? Trước tiên, đó là phải thấy vấn nạn của chúng ta là gì, và rồi quyết tâm giải quyết nó. Khi thấy, bạn sẽ nhận chân ra mình phải sống một cách có ý thức, không phải vì lợi ích của bạn hay của ai đó, hoặc vì một mục tiêu, đức tin hay tư tưởng nào đó, mà là vì lợi ích của việc sống trọn vẹn ngay trong khoảnh khắc này. Một khi bạn nhìn thấy, bạn sẽ nói năng, hành động và giữ gìn cuộc sống của mình một cách có ý thức. Khi ấy, tự nhiên là có sự chính hành, chính mệnh và chính ngữ. Những điều này cung cấp một nền tảng đức hạnh thật sự hữu dụng.
Lời thuyết pháp về đức hạnh trong giáo lý nhà Phật không phải là bộ luật hành xử đạo đức, qua đó chúng ta kính cẩn, cầu cạnh hay hứa hẹn trở nên thiện lành để có thể nhận được thiện báo về sau, vào một ngày nào đó. Thay vì thế, đức hạnh viên dung xảy ra hoàn toàn ngay trong giây phút này. Nó dựa trên sự trực chỉ kiến tính, sự trực ngộ tức thì Thực Tại, và dựa trên cách chúng ta thật sự sống ra sao. “Quả báo” của chúng ta là ở ngay tức thì, ở ngay đây và ngay bây giờ, chứ không phải ở cõi cực lạc.
Bát chính đạo cũng bao hàm sự tinh tấn (sự cố gắng), niệm thức (sự chú tâm) và thiền định. Nhưng thiền định của nhà Phật không phải là mà những người đang nghĩ là thiền. Nó chẳng phải là một thể dục để thư giãn, cũng chẳng phải là một sự gắng sức để đạt được một trạng thái đặc biệt nào đó của tâm thức. Thiền định này chỉ đơn giản là sự nhận thức hiện hữu – hiện hữu trong từng khoảnh khắc – và nhận thức những gì đang diễn ra.
Phật pháp không mời gọi chúng ta lao vào những khái niệm trừu tượng. Trái lại, điều mà nó muốn chỉ bày cho chúng ta là hãy chú tâm vào những gì chúng ta đang thực sự trải nghiệm, ngay trong khoảnh khắc này. Bạn không phải tìm kiếm “ở ngoài kia”. Bạn không phải hình dung ra bất kỳ thứ gì. Và bạn không phải chạy đến tận Tây Tạng, Nhật Bản hay bất kỳ nơi nào khác. Bạn tỉnh thức ngay ở nơi đây. Thật ra, bạn chỉ có thể tỉnh thức ngay ở đây mà thôi.
Do đó, bạn không phải tìm kiếm miệt mài, săn đuổi điên cuồng, hay tra tấn dằn vặt. Bạn đã ở ngay nơi mà bạn cần ở. Bàn tiệc đang bày ra trước mắt bạn. Chúng ta hãy tìm hiểu xem nên ăn tiệc như thế nào.
Steve Hagen
Theo: Thientrithuc.vn
Tên thường gọi: Thiện Hoà.Địa chỉ: Thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu.ĐT: 064 876183.Ni viện toạ lạc trong khu vực Đại Tòng Lâm, thuộc thị trấn
Trung Quốc Triển Lãm Nghệ Thuật Thangka 25/03/2008 16:22 (GMT+7) Nhân tuần lễ kỷ niệm ngày đức Thế Tôn nhập Niết Bàn, Trung tâm Văn hóa và nghệ thuật Shanghai Hign Noon ở Phố
Vu LanVu Lan là tiếng Phạn có nghĩa "cứu những kẻ bị treo ngược" (giải đảo huyền). Khi bị treo ngược thật rất đau đớn, do đó bây giờ chúng ta sẽ
Phật Tánh(Đã đăng trên Văn Hóa Phật Giáo) Phật Tánh không phải là một danh hiệu. Nó không phải là một tính chất dành riêng cho đức Phật lịch sử hay những
Thay đổi nếp sống có thể làm bệnh tiểu đường chậm phátNhóm nghiên cứu của Giáo sư Guangwei Li (Bắc kinh) đã làm thí nghiệm trên 577 người lớn, tuổi từ 25
QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,
Giữ giới là lựa chọn tự do Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc
Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt