1. Ông K. Y., Quản Trị Viên Nhật, 47 tuổi
27-11-1953
Lão sư Trung Xuyên (Nakagawa - roshi) thân mến,
Cảm ơn thầy vì cái ngày hạnh phúc mà tôi đã sống ở tự viện của thầy.
Thầy nhớ cuộc tranh luận đã dấy lên về vấn đề nhận ra Tự tánh tập trung quanh người đàn ông Mỹ đó chứ? Vào lúc ấy tôi khó tưởng tượng nổi chỉ vài hôm sau tôi phải tường trình với thầy về kinh nghiệm của mình.
Ngay sau khi viếng thầy, tôi đã lên xe lửa trở về nhà cùng với vợ tôi. Tôi đang đọc một tập sách Thiền của Son-O, người mà thầy có thể nhớ ra là một bậc sư của Thiền Tào Động, sống vào thời Genroku (1688-1703). Khi xe lửa đến gần ga Ofuna, tôi đọc đến câu: “Tôi đã đến chỗ nhận ra rõ ràng rằng Tâm không khác với núi sông và trái đất rộng lớn, mặt trời, mặt trăng và các vì sao.”(15)
Trước kia tôi đã đọc câu này rồi, nhưng lần này nó gây cho tôi một ấn tượng quá ư sống động khiến tôi giật mình. Tôi tự bảo: “Sau tám năm tọa thiền, cuối cùng mình mới nhận ra cái cốt yếu của câu nói này,” và không thể nén được, nước mắt bắt đầu dâng trào. Hơi xấu hổ thấy mình
-----------------------------------------------
(15) Câu này dẫn trong Chánh Pháp Nhãn Tạng (Shobo Genzo) của Đạo Nguyên, nguyên thấy trong Zenrui số 10, một tác phẩm Thiền vào thời kỳ đầu của Thiền Trung quốc.
khóc giữa đám đông, tôi quay mặt đi và dùng khăn tay xoa mắt.
Khi tàu đến ga Kamakura, vợ tôi và tôi xống tàu, trên đương về nhà, tôi nói với vợ: “Trong tâm thái hiện tại anh đã có thể vươn đến những đỉnh cao nhất.” Vợ tôi cười đáp: “Thế thì em ở chỗ nào?” Suốt lúc ấy tôi cứ lặp đi lặp lại câu dẫn trên với mình.
Bất ngờ, hôm ấy có vợ chồng em trai tôi ở lại nhà tôi và tôi kể cho họ nghe về cuộc viếng thăm của tôi ở chùa thầy và về người Mỹ ấy trở lại Nhật bản chỉ để đạt giác ngộ. Tóm lại, tôi đã kể lại với họ mọi chuyện mà thầy đã nói với tôi, và hơn mười một giờ rưỡi tôi mới đi ngủ.
Đến nửa đêm, tôi bỗng thức dậy, thoạt tiên tâm tôi u ám sương mù, rồi đột nhiên câu dẫn trên lóe lên trong tâm thức: “Tôi đã đến chỗ nhận ra rõ ràng rằng Tâm không khác với núi sông và trái đất rộng lớn, mặt trời, mặt trăng và các vì sao.” Và tôi lặp lại.
Rồi bỗng tôi như bị sét đánh và trời đất biến mất. Giống như những đợt sóng nhô cao, lập tức niềm hân hoan khôn tả dâng lên trong tôi, một cơn bão táp hân hoan đích thực, khi tôi cười lớn như điên cuồng: “Ha, ha, ha, ha, ha, ha, ha, ha!” Ở đây không có lý lẽ! Không có lý lẽ gì ráo! Bầu trời trống rỗng tách đôi, rồi nó há cái miệng to lớn phi thường và bắt đầu cười rú lên: “Ha, ha, ha, ha!” Sau đó, một người trong gia đình tôi bảo rằng tiếng cười của tôi nghe có vẻ không phải người.
Lúc ấy tôi đang nằm ngửa, bỗng nhiên tôi ngồi bật dậy, lấy hết sức đập mạnh xuống giường và dùng chân nện xuống sàn nhà như cố phá nát nó ra, và cười huyên náo suốt lúc ấy. Vợ tôi và đứa con trai nhỏ nhất của tôi ngủ bên cạnh tôi liền thức dậy, sợ hãi. Vợ tôi lấy tay bịt miệng tôi và kêu lên: “Chuyện gì thế anh? Chuyện gì thế anh?” Nhưng tôi không hề biết chuyện ấy, về sau nghe kể lại tôi mới biết. Đứa con trai tôi bảo rằng nó tưởng tôi điên.
“Tôi đã đến giác ngộ rồi! Phật Thích-ca Mâu-ni và chư Phật đã không lừa dối tôi! Các Ngài đã không lừa dối tôi!” Tôi nhớ mình đã khóc la lớn, khi bình tĩnh lại, tôi xin lỗi cả nhà, họ đã xuống thang gác, sợ hãi vì sự náo động.
Lạy trước chân dung Quan Âm thầy tặng tôi, kinh Kim Cương, tập sách Lão sư Bạch Vân viết, tôi thắp nhang và tọa thiền đến nửa giờ sau, mặc dù dường như chỉ vài ba phút trôi qua.
Ngay bây giờ khi tôi viết, da tôi vẫn còn run rẩy.
Sáng hôm đó tôi đã đến ngặp Lão sư Bạch Vân và cố gắng trình bày với ông ấy kinh nghiệm về sự phân cách đột nhiên của trời và đất. “Tôi vui quá! Tôi vui quá!” tôi cứ lặp lại mãi và vỗ tay vào đùi đen đét. Nước mắt cứ trào ra, không ngăn được. Tôi cố kể lại với ông ấy kinh nghiệm đêm đó, nhưng miệng tôi run run không thành lời. Cuối cùng, tôi chỉ úp mặt vào lòng ông ấy. Vỗ nhẹ lên lưng tôi, ông ấy bảo: “Tốt, tốt lắm, quả thật hiếm có kinh nghiệm kỳ diệu như vậy. Ấy gọi là ‘Đạt Tâm Không.’ Ông đáng chúc mừng!” “Cảm ơn thầy,” tôi thì thầm và lại khóc vì vui. Tôi lặp lại với ông ấy: “Con phải tọa thiền kịch liệt hơn nữa.” Ông ấy tử tế cho tôi lời khuyên chi tiết để theo đuổi việc tu tập trong tương lai như thế nào. Sau đó, ông lại thì thầm bên tai tôi: “Mừng cho ông!” và hộ tống tôi đến chân núi như chớp nhoáng.
Mặc dù hăm bốn giờ đã trôi qua, tôi vẫn còn cảm thấy rõ ràng hậu quả của trận động đất ấy. Toàn thân tôi vẫn còn rung động. Tôi đã cười và khóc suốt ngày.
Tôi đang viết để tường thuật kinh nghiệm của mình với hy vọng rằng nó sẽ có giá trị cho các tăng nhân của thầy và cũng vì Lão sư Bạch Vân thúc giục.
Xin thầy làm ơn nhắc tôi với người Mỹ ấy. Hãy bảo ông ấy rằng ngay như tôi, một kẻ tầm thường và thiếu tinh thần, cũng có thể nắm được một kinh nghiệm kỳ diệu như thế khi thời gian chín muồi. Tôi thích nói chuyện dài dòng nhiều việc với thầy nhưng phải đợi lúc khác.
TB: Người Mỹ ấy hỏi chúng ta ông ấy có thể đạt ngộ trong một tuần nhiếp tâm không. Xin thầy hãy nói với ông ấy hộ tôi, đừng nói ngày, tuần, năm hay cả mấy đời. Đừng nói triệu hay tỷ kiếp. Hãy bảo ông ấy nguyện đạt giác ngộ dù phải mất vô tận, vô biên, vô lượng tương lai.
. Nửa đêm 28
(các đoạn nhật ký này được viết hai ngày sau)
Thức dậy, tưởng ba hay bốn giờ sáng, nhưng đồng hồ cho biết lúc ấy chỉ mới 12 giờ 30.
Hoàn toàn bình an bình an bình an.
Cảm thấy toàn thân tê cóng, song hai bàn tay và hai bàn chân nhún nhảy vì vui sướng trong ngót nửa giờ đồng hồ.
Tự do tự do tự do tự do tối thượng
Mình quá hạnh phúc ư?
Không có con người chung.(16)
Cái đông hồ lớn đổ chuông. Không phải cái đồng hồ mà Tâm đổ chuông. Chính vũ trụ đổ chuông! Không có Tâm cũng không có vũ trụ. Boong! Boong! Boong!
Tôi hoàn toàn biến mất, Phật là!
“Siêu việt luật nhân quả hay bị luật nhân quả chế ngự.”(17) những ý nghĩ như thế đã ra khỏi tâm mình.
---------------------------------------
(16) Tức Phật tánh tiềm ẩn nơi mọi người.
(17) Đối chiếu với tắc thứ hai trong Vô Môn Quan, công án thường được biết như là “Con Chồn của Bách Trượng.”
Ồ, mi là! Mi cười phải không? Tiếng cười này là tiếng động của mi phóng mình vào thế giới.
Bản thể của Tâm giờ đây đã sáng rõ với mình.
Sự tập trung của mình trong tọa thiền đã trở nên sắc bén và sâu thẳm.
. Nửa đêm 29
Tôi bình an bình an bình an. Có phải sự tự do phi thường này là Đại Dừng Nghỉ(18) như người xưa miêu tả? Bất cứ ai có thể nghi vấn chắn chắn cũng phải chấp nhận rằng sự tự do này là phi thường. Nếu nó không phải là tự do tuyệt đối hay Đại Dừng Nghỉ thì nó là gì?
4 giờ sáng 29
Kính koong! Đồng hồ đổ chuông. Cái này độc hữu! Cái này độc hữu! Ở đây không có không có lý luận. Chắc chắn thế giới đã biến đổi [với ngộ]. Nhưng bằng cách nào?
Người xưa nói Tâm giác ngộ có thể ví với con cá đang bơi. Điều đó đúng làm sao! Không có sự ngưng trệ nào cả. Mình cảm thấy vô ngại. Mọi vật chảy êm ái, tự do. Mọi vật chảy êm ái, tự do. Sự tự do vô giới hạn này ở bên kia mọi diễn đạt. Thật là một thế giới kỳ diệu!
Đạo Nguyên, một đại sư của Phật giáo, đã nói: “Thiền là cửa từ bi rộng rãi, bao trùm tất cả.”
Tôi biết ơn, rất biết ơn.
---------------------------------------
(18) Chỉ tâm thái lưu chuyển từ sự giác ngộ thâm sâu rằng, xưa nay chúng ta không thiếu gì cả, không có gì để cầu tìm bên ngoài chính chúng ta.
2. Ông P. K., Cựu Doanh Nhân Mỹ, 46 tuổi
(trích nhật ký)
. Nữu Ước 01-04-1953
Bụng đau nhức suốt tuần, bác sĩ bảo các ung nhọt trở nên tệ hại hơn…Dị ứng cũng nổi lên… Không thuốc không ngủ được… Thật khốn khổ, ước gì có can đảm chấm dứt tất cả.
. 20-04-1953
Hôm nay nghe diễn thuyết của S. về Thiền như thường lệ, chỉ có chút ít ý nghĩa… Tại sao mình lại cứ tiếp tục đi nghe những buổi diễn thuyết này? Có bao giờ mình có thể ngộ (satori) khi lắng nghe những giải thích triết học về Trí Bát-nhã (Prajna) và Bi tâm (Karuna), tại sao A không phải là A, và tất cả những thứ còn lại? Ngộ là cái quái gì? Ngay cả sau bốn quyển sách và hàng tá các bài diễn thuyết của S., vẫn không biết gì hết. Mình phải ngu ngốc lắm… Nhưng mình biết điều này… Triết lý Thiền không loại bỏ được đau đớn hay bất an hay cảm giác “không có gì hết” khả ố của mình…
Chỉ tuần vừa qua, một bạn thân phàn nàn: “Lúc nào mày cũng phun toàn triết lý Thiền mà mày không bình tĩnh và thận trọng hơn chút nào từ lúc mày nghiên cứu đến giờ. Nó không làm mày kiêu căng hay khiêm tốn hơn chút nào cả…”
.01-06-1953
Nói chuyện với K. về Thiền và Nhật bản đến 2 giờ sáng’… Giống như S., anh ta cũng là người Nhật và đã tu tập Thiền, nhưng nói chung hai người hơi khác nhau… Trước khi gặp K., mình cứ tưởng những người giác ngộ đều giống như S., bây giờ mình thấy ngộ không quá đơn giản, nó có vẻ có nhiều khía cạnh và mức độ… Tại sao mình lại cứ bám theo ngộ?...
Truy kích K. liên tiếp suốt đêm: “Nếu tôi đến Nhật để tu Thiền, anh có thể bảo đảm rằng tôi có thể tìm thấy ý nghĩa nào trong cuộc sống không? Tôi sẽ loại bỏ được tất cả ung nhọt, dị ứng và mất ngủ không? Hai năm tôi đã theo dự những bài diễn thuyết ở Nữu Ước đã không làm giảm được chút nào sự thất bại liên tục, nếu tôi tin các bạn của tôi, cũng không giảm thiểu được sụ lừa dối của trí thức.”
K. cứ lặp lại: “Thiền không phải là triết lý, nó là một lối sống lành mạnh!... Nếu anh thực sự muốn đến Nhật để học Phật giáo và không chỉ nói về nó, thì toàn bộ cuộc sống của anh sẽ thay đổi. Nó sẽ không dễ, nhưng anh có thể tin điều này: một khi anh đã bước chân vào Con Đường của Phật, với chân thành và nhiệt tâm, chư Bồ-tát sẽ hiện ra khắp nơi để giúp anh. Nhưng anh phải có dũng khí và lòng tin, phải quyết tâm nhận ra sức mạnh giải thoát của Phật tánh dù cho phải đau khổ và hy sinh đến đâu.”
Điểm này truyền cho mình sự dũng cảm mà mình cần.
. 03-09-1953
Bỏ việc kinh doanh, bán đồ đạc trong nhà và xe hơi. Bạn bè đồng thanh phê phán: “Mày có điên mới ném cả chục ngàn một năm để mua bánh trên trời!” Có thể, hoặc có thể bọn họ điên cũng nên, chồng chất của cải, ung nhọt, và bịnh tim… Mình ngờ vài người trong bọn họ còn ganh tị với mình nữa là khác… Nếu không cần, mình đâu có làm thế này, mình chủ động làm như thế mà, nhưng mình cũng hơi sợ, hy vọng nó đúng với cuộc đời ở tuổi bốn mươi… Đã mua vé đi Nhật.
. 06-10-1953
Bộ mặt và khí sắc của Nhật bản đã thay đổi biết bao trong bảy năm qua! Những khuôn mặt đổ nát và tuyệt vọng một cách ma quái đã thực sự biến mất… Cũng khá là lần trở lại như một kẻ tìm cầu thay vì như một tên mang mền với cuộc xâm chiếm… Thực ra, cái gì đưa mình trở lại đây? Có phải là sự cao quí của người dân Nhật, sự nhẫn nhục chịu đựng những đau khổ không thể nói được đã làm mình kinh ngạc? Có phải là niềm im lặng phi thế gian của chùa Viên Giác (Engaku-ji) và sự bình an sâu xa xuất hiện bên trong mà bất cứ khi nào mình dạo bước qua các khu vườn hay những hàng cây trắc bá khổng lồ của chùa?
. 01-11-1953
Giờ đây đã sống ở Kyoto ngót một tháng… P., giáo sư người Mỹ đã gặp tại trong những buổi diễn thuyết của S. ở Nữu Ước, đang dạy lịch sử triết học tại một đại học Nhật bản…Anh ta và mình đã viếng năm sáu Thiền sư và những người có thẩm quyền…, nói, nói, nói… Một vài Thiền nhân này nói dông dài và tò mò về một lời dạy ba hoa về việc tâm truyền tâm và sự khả ố của tư niệm. Giáo sư M., khi nhắc đến điều này, nói: “Bắt đầu ông lợi dụng ý niệm để loại bỏ ý niệm.” Đây giống như chữa lửa bằng dầu… Lại cảm thấy bất an... Cả ngày hôm qua đi dạo quanh các tiệm bán những cửa hàng bán đồ hiếm có để mua sản phẩm mỹ nghệ. Có phải mình trở lại Nhật bản chỉ vì vậy không?
. 02-11-1953
Hôm nay có thư của Lão sư Trung Xuyên (Nakagawa-roshi), trụ trì chùa Long Trạch (Ryutaku-ji), đến trả lời chấp nhận, P. và mình có thể ở lại đó hai ngày. Một chuyến du hành như thế có thể có kết quả ư? S. và các giáo sư Thiền ở Kyoto không đúng sao? “Các Thiền viện đều quá cổ hủ và hách dịch đối với những người hiện đại có đầu óc trí thức.” Dẫu sao nói chuyện với một lão sư bằng tiếng Anh cũng là một kinh nghiệm tiểu thuyết và không chừng lại hóa ra một ngày nghỉ ngơi thích thú. Vợ P. chất đầy lên P. và mình những tấm chăn dày và một lô thức ăn Mỹ. Người bạn Nhật của vợ P. bảo các chùa Thiền lạnh và khắc nghiệt lắm đấy…Ở trong chùa rồi biết làm sao?
. 03-11-1953
Đến chùa vào lúc xẩm tối… Trên tàu lửa sáu tiếng rưỡi đồng hồ, P. và mình bận rộn chuẩn bị những câu hỏi để trắc nghiệm sự hiểu biết triết học của vị lão sư về Thiền. “Nếu ông ấy am hiểu thông minh về Thiền,” chúng tôi quyết định… “và không phải là một kẻ cuồng tín, chúng tôi sẽ ở lại trọn hai ngày, nếu không chúng tôi sẽ từ giã vào ngày mai...”
Lão sư Trung Xuyên (Nakagawa-roshi) tiếp chúng tôi trong một căn phòng giản dị, đơn sơ… Trông ông còn trẻ lắm, không giống như ông Tổ sư đầy râu ria trong trí tưởng tượng của chúng tôi… rất nhiệt tình và khiêm tốn, tự tay ông pha cho chúng tôi trà xanh nóng đã đánh sẵn, thơm ngon và xoa dịu, và còn nói chuyện khôi hài với chúng tôi bằng tiếng Anh hay đến độ đáng ngạc nhiên.
“Đi xe lửa lần đầu tiên chắc mệt mỏi, các ông có thích nằm nghỉ không?…” “Dạ không, chúng tôi chỉ hơi mệt chút thôi, nhưng nếu thầy không chấp, chúng tôi đã chuẩn bị một số câu hỏi về Thiền, chúng tôi muốn hỏi thầy…”
“Nếu các ông không cần nghỉ ngơi, người phục vụ sẽ đưa các ông vào chánh điện, ở đó các ông có thể ngồi thiền cho đến khi tôi sắp xếp xong vài việc cần thiết, sau đó chúng ta sẽ nói chuyện, nếu các ông thích.”
“Nhưng trong đời chúng tôi chưa bao giờ thiền định cả. Chúng tôi chưa biết ngồi xếp chân như thế nào…” “Các ông có thể ngồi bất cứ cách nào tùy ý nhưng không nên nói chuyện. Ông tăng phục vụ sẽ cung cấp tọa cụ và chỉ chỗ cho các ông ngồi, ông ấy sẽ gọi các ông khi nào tôi có thể gặp lại các ông được…”
Ngồi – không, vặn vẹo - không nói suốt hai giờ khốn khổ trong chánh điện u tối bên cạnh P. … không thể tập trung được, ý nghĩ rượt đuổi nhau như một bầy khỉ… Đau dữ dội ở chân, lưng, và cổ… Tuyệt vọng, muốn bỏ cuộc, nhưng nếu bỏ cuộc trước P., anh ta sẽ không bao giờ ngừng châm chọc mình, và vị lão sư ấy sẽ không có quan niệm tốt về nghị lực của người Mỹ… Cuối cùng, ông tăng phục vụ đến và thì thầm một cách ái ngại: “Bây giờ các ông có thể gặp lão sư được rồi đấy…”
Nhìn đông hồ: 9 giờ 30…
Đi cà nhắc vào phòng lão sư, được ông đón chào bằng cái mỉm cười bí mật và một tô cơm lớn với dưa chua…Ông chăm chú nhìn chúng tôi trong khi chúng tôi nuốt lấy nuốt để thức ăn, rồi tử tế hỏi: “Bây giờ các ông muốn biết gì về Thiền?”… Quá kiệt sức đến nỗi chúng tôi chỉ có thể trả lời một cách yếu ớt: “Không muốn gì hết.” “Thế thì bây giờ các ông nên đi ngủ là hơn, bởi vì chúng ta sẽ thức dậy lúc 3 giờ rưỡi sáng…Chúc mộng đẹp.”
. 04-11-1953
“Dậy! Dậy đi! Đã 3 giờ 45 rồi! Các ông không nghe chuông, thanh la, không nghe trống và tụng kinh ư?...Làm ơn gấp gấp cho…”
Ôi là một cảnh tượng kỳ lạ của pháp thuật phù thủy và sùng bái ngẫu tượng điêu luyện, những nhà sư đầu cạo trọc, áo dài thâm ngồi bất động tụng thần chú hòa nhịp với cái trống gỗ lớn, phát ra âm thanh của một thế giới khác, trong khi vị lão sư, giống như một lão thầy thuốc có tà thuật mặc áo quan tòa lịch sử nào đó, đang diễn các trò ma thuật và thỉnh thoảng lại lạy trước một bàn thờ lởm chởm những ngẫu tượng và hình ảnh… Đây là Thiền của Đan Hà (Tanka)(19), người đã ném tượng Phật vào lửa ư? Đây là Thiền của Lâm Tế (Rinzai), người đã hét: “ Gặp Phật giết Phật” ư?(20) Các giáo sư và S. cuối cùng đã đúng.
Sau bữa ăn sáng, lão sư đưa chúng tôi đi tham quan một vòng tự viện, nằm trên một vùng đồi chạy vòng theo hình móng ngựa trong niềm im lặng rung động của khu rừng thông, bách hương và trúc, được chăm sóc cẩn thận và điểm xuyết bằng một ao sen tuyệt vời – một cảnh Bồng lai thực sự của Nhật bản. Và ôi là cảnh núi Phú sĩ (Fuji), người canh giữ hùng vĩ bầu trời! Nếu ông ta không làm hỏng tất cả bằng cách cố ý bảo chúng tôi cúi đầu làm lễ trước những bức tượng trong các căn phòng…
Ôi linh hồn tiên tri của tôi! Ông ấy đưa chúng tôi vào căn phòng của người sáng lập, ông ấy thắp nhang và sốt sắng quì lạy trước pho tượng Bạch Ẩn (Hakuin) kỳ dị… “Các ông cũng có thể thắp nhang và tỏ lòng kính trọng đối với Bạch Ẩn.” P. nhìn tôi và tôi nhìn P.. Rồi P. châm ngòi nổ: “Các Thiền sư Trung hoa ngày xưa đã đốt cháy, khạc nhổ vào tượng Phật, tại sao thầy lại cúi đầu trức những thứ
---------------------------------------------
(19) Đan Hà (Tanka – 824), một Thiền sư đời nhà Đường, là môn đệ của Mã Tổ, câu chuyện bất ngờ về việc sư chẻ tượng Phật bằng gỗ dùng làm củi để sưởi ấm khi trời tuyết lạnh đã được trích dẫn rộng rãi và thương bị hiểu lầm.
(20) Làm cho hết ý niệm về Phật như là đối lập với phàm nhân, tự loại bỏ ý tưởng cho rằng Phật là Thượng đế hay siêu nhân, phá sạch ngã mạn vi tế phát xuất từ kiến tánh và đưa người ta đến chỗ nghĩ rằng: “Giờ đây ta là Phật.” Đây gọi là giết Phật.
ấy?” Lão sư nhìn chúng tôi trầm trọng nhưng không giận. “Nếu các ông thích khạc nhổ, cứ khạc nhổ, tôi thích cúi đầu làm lễ hơn…” Chúng tôi không khạc nhổ cũng không cúi đầu.(21)
. 06-11-1953
Hôm nay P. từ giã để đi Kyoto và lão sư mời tôi ở lại… Vì tất cả sự cuồng tín và tâm hồn phi triết học của ông, ông là người nồng hậu và tiết độ nên tôi thích ông… Mặc dù không tự mê muội một cách vô ích, thức dậy lúc 3 giờ 30 sáng, trong không khí lạnh lẽo, sống đạm bạc với gạo là chủ yếu và ngồi xếp chân trầm tư mặc tưởng cũng là thô kệch… Tôi có thể làm được như thế không? Tôi có muốn không?... Dù sao tôi cũng vui lòng vì tôi đã được ông mời ở lại và tôi đã nhận lời…
. 08-11-1953
Lão sư bảo tôi có thể thiền định một mình trong phòng của người sáng lập thay vì ở thiền đường lạnh lẽo. Tôi có thể ngồi hay quì gối theo kiểu người Nhật hay dùng ghế và mặc nhiều áo quần tùy ý nếu bị lạnh… Mặc dù không có ý niệm về thiền định như thế nào… Khi tôi nói
----------------------------------------------
(21) “Hãy súc miệng ngay khi vừa nói chữ Phật,” là một câu nói khác của Thiền cũng bị hiểu lầm rất nhiều. Nó phát xuất từ trường hợp thứ 30 của Vô Môn Quan, trong lời bình của Vô Môn: “Người thật hiểu sẽ súc miệng ba ngày khi thốt ra tiếng Phật.” Điều này không liên hệ gì đến con người của Phật Thích-ca Mâu-ni mà chỉ liên hệ đến Phật tánh hay Phật tâm. Mọi sự vật tự nó đầy đủ và toàn hảo. Cây gậy là cây gậy, cái xẻng là cái xẻng, cứ dùng cái xẻng tức khắc bạn sẽ biết cái tính xúc của nó theo lối trực tiếp và cơ bản. Nhưng bảo nó là Phật hay Phật tâm, và bạn không cần “làm mất phẩm giá của nó,” tức là bạn thêm vào tiếng “xẻng” một ý niệm nữa.
với lão sư điều này, ông kín đáo khuyên: “Hãy đặt tâm ở đáy bụng, ở đó có một ông Phật mù, hãy làm cho ông ấy thấy!...” Thiền định chỉ có thế thôi ư? Hay ông lão sư này cẩn thận cho mình “đền tội”?… Hôm nay quan sát kỹ bộ mặt Bạch Ẩn, thấy nó ít kỳ dị hơn, còn có vẻ hơi hấp dẫn nữa là khác.
. 10-11-1953
Mỗi buổi sang đều leo lên ngọn đồi phía sau chánh điện để nhìn quang cảnh rộng rãi của núi Phú-sĩ… Hôm nay bỏ thiền định vì bị nhức đầu. Núi Phú-sĩ có vẻ u ám và vô sinh khí…
Hôm nay, sau hai giờ thiền định tốt, nó lại to lớn và bay lượn. Một khám phá đáng chú ý: “Tôi có sức sống và chết vượt hẳn núi Phú sĩ…”
. 23-11-1953
Hôm nay trong lúc uống trà với lão sư trong phòng ông, bỗng nhiên ông hỏi: “Sao, ông có thích dự tuần nhiếp tâm Lạp bát (Rohatsu: mồng tám tháng chạp) ở chùa của Lão sư Đại Vân không? Trong tuần nhiếp tâm ấy, kỷ luật đặc biệt nghiêm túc, nhưng ông ấy là một lão sư nổi tiếng, một bậc thầy cho ông tốt hơn tôi nhiều…” “Nếu thầy nghĩ như thế thì hẳn rồi, tại sao lại không?” “Nhưng bổn sư của tôi(22), người mà ông đã gặp hôm kia, thì phản đối việc này, ông ta không tán thành các phương pháp dẫn ngộ của Lão sư Đại Vân. Ông ta cho rằng một thiền sinh sẽ từ từ chín muồi, rồi giống như trái từ trên cây rụng xuống khi đã chín muồi, tự nhiên đến giác ngộ… Hãy để tôi suy nghĩ thêm đã…”
---------------------------------------------
(22) Lão sư Gempo Yamamoto, lúc ấy đã về hưu.
. 25-11-1953
Sáng nay đến viếng chùa có hai vị khách đáng chú ý, một là một vị sư gọi là Bạch Vân (Hakuun), người kia là một cư sĩ tên là Yamada, môn sinh của vị sư, nói là anh ta đã tu Thiền tám năm. Muốn hỏi anh ta đã ngộ chưa, nhưng quyết định rằng việc ấy có thể gây bối rối…
Hỏi Lão sư Bạch Vân xem ông ấy có nghĩ mình có thể đạt ngộ (satori) trong vòng một tuần nhiếp tâm không?...” “Ông có thể đạt ngộ chỉ trong một ngày nhiếp tâm thôi, nếu ông thực có quyết tâm và buông bỏ tất cả tư niệm.”
. 27-11-1953
“Sao, việc thiền định của ông đến đâu rồi?” hôm nay lão sư bỗng nhiên hỏi tôi… “Ông Phật trong bụng tôi vẫn mù vô hy vọng…” “Sự thật ông ấy có mù đâu, ông ấy chỉ có vẻ như vậy thôi, bởi vì ông ấy ngủ khỏe lắm… Này, ông có muốn thử công án Mu không?” “Vâng, nếu thầy nghĩ thế tôi sẽ thử, nhưng tôi phải làm gì nào?” “Tôi nghĩ ông đã biết bối cảnh của nó.” “Vâng.” “Thế thì chỉ cần tập trung vào lời đáp của Triệu Châu cho đến khi nào ông trực nhận ra ý nghĩa của nó…” “Thế thì tôi sẽ giác ngộ ư?” “Phải, nếu cái hiểu của ông không chỉ có tánh cách lý thuyết…” “Nhưng tôi tập trung cách nào?” “Hãy đặt tâm ông ở hara (vùng bụng) và chỉ tập trung vào Mu thôi.”
. 28-11-1953
Sáng nay lão sư gọi tôi vào phòng ông và ra dấu bảo tôi theo ông đến trước cái bàn thờ nhỏ ở phía sau… “Ông có thấy bức thư tôi đặt nơi bàn tay đức Quan Âm không? Ông trở thành có duyên với người viết bức thư này. Chúng ta hãy tỏ lòng biết ơn đức Quan Âm…” Tôi chắp tay không suy nghĩ, hỏi nhanh: Bức thư ấy nói gì? Thầy bảo có duyên
có nghĩa là gì?...” Lão sư bề ngoài trang nghiêm nhưng bên trong sống động, chỉ nói: “Hãy đến phòng tôi, tôi sẽ giải thích…”
Với vẻ dễ mến thường lệ, ông quì gối theo kiểu người Nhật, đặt chiếc ấm lên lò than để pha trà, rồi tuyên bố một cách cương quyết: “Tôi quyết định đưa ông đến dự tuần nhiếp tâm Lạp bát ở chùa Phát Tâm. Bức thư này đã quyết định cho tôi…” “Hãy cho tôi biết tất cả sự vụ như thế nào…” “Ông có nhớ ông Yamada, người đàn ông đã đến đây ngày hôm kia với Lão sư Bạch Vân không? Thư từ ông ấy đến đấy. Ông ấy đã có kinh nghiệm ngộ thâm sâu ngay sau khi ông ta từ giã vào ngày hôm ấy và đã kể lại việc ấy trong bức thư này…” [Xem kinh nghiệm số 1].
“Thầy bảo ông ấy đã ngộ rồi ư? Làm ơn dịch nó hộ tôi ngay bây giờ đi!” “Không còn thì giờ nữa. Chùa Phát Tâm cách đây xa lắm, tận trên bờ biển Nhật bản và chúng ta phải sẵn sàng để mai đi, tôi sẽ dịch nó cho ông trên xe lửa.”
. 29-11-1953
Khi chuyến xe lửa hạng ba tiến tới trong đêm, lão sư từ từ, cẩn thận dịch bức thư của Yamada…
“…Ôi một kinh nghiệm linh hoạt, kích động biết bao và ông ta không phải là một tăng nhân mà là một cư sĩ!” “Thầy có tin rằng tôi có thể đạt ngộ trong tuần nhiếp tâm này không?” “Dĩ nhiên… miễn là ông hoàn toàn quên mình…” “Nhưng ngộ là cái gì nào? Tôi muốn nói…” “Thôi!” Lão sư vung bàn tay lên, thoáng mỉm cười bí mật. “Khi nào ông ngộ, ông sẽ biết, bây giờ xin làm ơn đừng hỏi nữa, chúng ta hãy tọa thiền và rồi cố gắng ngủ đi một tí trước khi đến chùa Phát Tâm.”
. 30-11-1953
Đến chùa Phát Tâm lúc trời đã chiều, đói và kiệt sức… Bầu trời màu chì, không khí nặng và ẩm ướt…Nhưng Lão sư Đại Vân (Daiun-roshi) nhiệt tình và nồng hậu, đưa cả hai tay ra chào tôi… Sau đó ông giới thiệu tôi với vị lão sư phụ tá và bốn vị tăng đầu chúng. Mặt dù ít nói, họ sáng ngời ngọn lửa nội tâm mãnh liệt.
Lão sư [Trung Xuyên] và tôi rút vào một căn phòng nhỏ mà chúng tôi chia nhau… “Tốt hơn ông nên nghỉ một chút trước khi cuộc chiến đấu bắt đầu…” “Chiến đấu?...” “Phải, chiến đấu với cái chết bằng sức mạnh vô minh của ông. Tôi sẽ gọi ông khi nào mọi người tập hợp ở chánh điện để nghe huấn thị sau cùng của Lão sư Đại Vân, khoảng một tiếng đồng hồ…”
Tựa như các chú tôm hùm trong ngày hội kín, Lão sư Đại Vân, lão sư phụ tá, bốn vị tăng đầu chúng trong những chiếc áo gấm thêu màu điều và những chiếc mũ lễ hình cánh cung, ngồi trên những chiếc tọa cụ bọc lụa trong khi bốn ông tăng trẻ mỗi người một chiếc khay sơn mài màu đen đựng những cái tách màu vàng ánh, đứng yên ở đàng kia sẵn sàng phục vụ. Xen vào giữa những hàng người đối diện nhau, ngang qua căn phòng khoảng năm chục người thường, trông đầy cương nghị đang quì gối mặc những chiếc áo dài màu thâm cổ truyền… Mắt họ dán xuống nền nhà phía trước họ, và không một ai, trừ tôi, động tia mắt nhìn Lão sư Đại Vân khi ông nói …
Tại sao mọi người rất căng thẳng và cương nghị đến thế? Tại sao tất cả bọn họ trông như đã hóa thép để chịu sự thử tội khủng khiếp nào đó? Lão sư đã bảo đây sẽ là một cuộc chiến đấu, nhưng chắc chắn ấy chỉ là hình ảnh ví von của lời nói – người ta chiến đấu với tâm mình như thế nào? Thiền không phải là vô vi, không gắng sức ư? Phật tánh bao trùm tất cả không phải là sở hữu chung của chúng ta ư? Tại sao phải gắng sức để đạt những gì mà chúng ta đã có sẵn? Phải hỏi Lão sư Đại Vân điều này ngay cơ hội đầu tiên mình có được…
Trở về phòng, Lão sư tóm tắt huấn thị của Lão sư Đại Vân.
1. Quí vị không nên nói chuyện hay tắm hay cạo râu tóc hay bỏ chỗ ở, trong suốt tuần.
2. Quí vị chỉ nên tập trung vào sự thực hành của mình và không xao lãng vì bất cứ lý do gì.
3. Quí vị dù là người mới bắt đầu hay là tay cựu thủ cũng đều có cơ hội đạt ngộ trong suốt tuần nhiếp tâm này.
Và lão sư thêm một cách ngắn gọn như châm ngôn: “Nhưng ông phải làm việc khó nhọc, khó nhọc kinh khủng.”
. 01-12-1953
Mưa không ngớt, thiền đường lạnh và ẩm ướt một cách khó chịu… Mặc quần lót dài phủ mắt cá, áo sơ mi len, hai chiếc áo ấm, chiếc áo choàng bằng len, hai đôi bít tất len nhưng không hết run… Tiếng gầm thét của người godo còn làm phân tâm hơn là cây kích trượng vung múa, đau nhức ở chân và lưng. … Ý nghĩ phóng chạy điên cuồng… Thay đổi lia lịa từ agura (23) sang seiza [túc tọa] đến hanka [bán già], điều chỉnh ba cái tọa cụ theo mọi cách có thể nghĩ ra, nhưng không thoát khỏi đau…
---------------------------------------------
(23) Agura: từ tiếng Nhật, chỉ tư thế ngồi xếp chân không chặt [ngồi xếp bằng], không phải bán già hay kiết già. Seiza: túc tọa, tư thế ngồi cổ truyền Nhật bản, lưng thẳng và mông đặt trên hai gót chân. Hanka: từ tiếng Nhật chỉ tư thế bán già.
Vào độc tham lần đầu tiên, Lão sư Đại Vân vẽ một vòng tròn với một chấm ở giữa: “Cái chấm này là ông, và vòng tròn này là vũ trụ; thật ra ông bao hàm cả vũ trụ, nhưng vì ông tự thấy mình như cái chấm này, một mảnh nhỏ bé biệt lập, nên ông không kinh nghiệm vũ trụ này không thể tách rời với mình… Ông phải phá vỡ sự tự nhốt tù mình, phải quên triết học và mọi thứ khác, phải đặt tâm ở hara và chỉ hít thở Mu…Tâm của vũ trụ là cái hốc bụng của ông!...”
“Mu là thanh kiếm khiến ông có thể cắt đứt hết mọi tư niệm tận trong vùng cội nguồn của tư tưởng và tình cảm… Nhưng Mu không phải chỉ là phương tiện để đạt ngộ mà nó chính là ngộ. Tự chứng ngộ không phải là việc tiến từng bước mà là kết quả của một cái nhảy vọt. Trừ phi tâm ông thanh tịnh thì ông không thể thực hiện cái nhảy vọt này.”…
“Thầy muốn nói gì qua chữ ‘thanh tịnh’?”
“Trống rỗng không một tư niệm nào hết…”
“Nhưng tại sao cần phải chiến đấu để giác ngộ nếu chúng ta có sẵn Phật tánh đã giác ngộ?”
“Ông có thể chỉ cho tôi xem cái tánh đã giác ngộ của ông không?”
“À không, tôi không thể chỉ ra được nhưng kinh bảo chúng ta vốn có cái tánh ấy phải không?”
“Kinh không phải là kinh nghiệm của ông, đó là kinh nghiệm của Phật Thích-ca Mâu-ni. Nếu ông nhận ra Phật Tâm mình thì chính ông là Phật.”
. 02-12-1953
Lúc độc tham vào năm giờ sáng, nói với Lão sư Đại Vân chân đau nhức quá: “Tôi không thể tiếp tục được.”… “Ông muốn dùng ghế không?” ông nhìn tôi khẩn trương… “Không, tôi sẽ không bao giờ dùng ghế dù cho chân tôi có rụng mất!”… “Tốt, với tinh thần ấy, ông sắp ngộ rồi!”
Tiếng vụt khủng khiếp của kích trượng ngay lúc sự tập trung của tôi bắt đầu đông đặc lại và tôi rời ra…dịch vật cái tên godo ấy! “Thẳng lưng lên, ngồi cho vững nó, tập trung sức vào đan điền!”… hắn hét vang. Nhưng chỉ có quỉ chứ tôi làm sao đưa sức vào đan điền được? Khi tôi rán sức thì lưng tôi như bị dao đâm… Phải hỏi lão sư Đại Vân về cái vụ này mới được…
Suốt một thời ngồi, tư tưởng của tôi đã kết lại nơi các bức tranh của Mục Khê(24) mà tôi đã thấy trưng bày ở chùa Đại Đức (Daitoku-ji) trong tháng vừa qua. Cái con hạc ấy cứ như quỉ ám, toàn bộ bí mật của kiếp người nằm trong đôi mắt nó. Nó đang tự tạo, nó đang hiện ra từ vô hình đến hữu hình. Tôi phải đảo ngược quá trình ấy, lại lặn vào vô hình, vô thời gian, tôi phải chết để được tái sinh… Vâng, đó là ý nghĩa của Mu.
Keng! Keng! Chuông độc tham… Lão sư Đại Vân kiên nhẫn lắng nghe, rồi gầm lên: “Đừng nghĩ đến con hạc của Mục Khê, đừng nghĩ đến vô hình hay hữu hình hay bất cứ cái gì khác. Chỉ nghĩ đến Mu thôi. Đó là cái mà ông cần phải ở đây!”
. 03-12-1953
Chân đau không chịu nổi… Tại sao mình không bỏ? Chỉ có ngu mới ngồi với chân đau ghê gớm này và nhận những cái quất vô nghĩa của kích trượng, cộng thêm sự la hét không lành mạnh của gã godo, ấy chỉ là lấy đau đớn
-----------------------------------------------
(24) Mục Khê (Nh. Mokkei, H. Mu-chi) là một Thiền tăng họa sĩ vĩ đại Trung quốc sống vào thế kỷ thứ 10. Đa số các họa phẩm cửa ông ở Nhật bản là bảo vật quốc gia.
làm khoái lạc thuần túy và đơn giản… Tại sao mình bỏ chùa Long Trạch, tại sao mình đã từng bỏ Hoa kỳ?… Nhưng bây giờ lại không thể bỏ được… mình sẽ làm gì?... mình phải đạt ngộ, mình phải…
Mu là cái quái gì? Nó có thể là cái gì? Dĩ nhiên nó là lời cầu nguyện tuyệt đối của cái ta cầu nguyện chính nó… Khi còn là sinh viên, mình đã thường muốn cầu nguyện biết bao nhưng dường như luôn luôn không tập trung, và ngay cả ngu xuẩn thế nào ấy về sự cầu nguyện đức chúa Trời ban cho sức mạnh để đương đầu với những nguy nan mà Ngài toàn trí toàn năng đã cho hiện ra ở vị trí đầu tiên…
Nước mắt trào lên, hạnh phúc thay cầu nguyện chỉ vì cầu nguyện thôi!... Những giọt nước mắt này có nghĩa là gì? Chúng là dấu hiệu không có sự trợ giúp, sự ngầm chấp nhận rằng lý trí, bản ngã của của mình đã đi đến giới hạn năng lực của nó… Vâng, nước mắt là phúc lành của tự nhiên, nó cố gắng gột rửa sự nhơ nhớp của bản ngã và làm dịu bớt những nét bề ngoài khắc nghiệt của nhân cách chúng ta đã trở nên khô cằn căng thẳng vì tin tưởng vị kỷ rằng lý trí không thể khuất phục được…
Ôi! Những nội kiến kỳ diệu! Mình cảm thấy chúng rất tốt. Tôi biết mình đã tiến bộ. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu ngộ ập đến tôi đêm nay.
Bộp! Bộp! “Thôi mơ mộng đi! Chỉ Mu thôi!” Người godo gầm lên, đánh tôi một trận.
Độc tham!... “Hãy tống khứ những ý nghĩ ấy đi! Ngộ không phải tiến bộ hay thoái bộ gì hết, tôi đã không nói với ông nó là cái nhảy vọt ư? Ông phải làm như thế này chỉ và chỉ như thế này thôi! Hãy đặt tâm ở đáy bụng và hít thở Mu. Thế có rõ ràng không?” Tại sao bỗng nhiên ông quá nghiêm khắc như thế? Ngay mấy con chim ưng trên bức rèm phía sau ông cũng tỏ vẻ giận tôi.
. 04-12-1953
Chúa ơi! Phật ơi! Một cái ghế đang đứng ở chỗ tôi! Tôi rất biết ơn! Lão sư [Trung Xuyên] đến và thì thầm: “Lão sư Đại Vân ra lệnh ông tăng đầu chúng cho ông cái ghế vì cảm thấy ông sẽ không bao giờ đạt ngộ với cái lưng cong và liên tục thay đổi tư thế… Bây giờ không còn chướng ngại nào nữa, vì thế hãy tập trung vào Mu bằng tất cả tâm ông.” Sự tập trung căng lên nhanh chóng, tư niệm đột nhiên biến mất. Ôi một cảm giác kỳ diệu cái trống không bồng bềnh này!...
Bỗng nhiên mặt trời tuôn chảy vào cái cửa sổ phía trước tôi. Mưa đã ngừng! Trời trở nên ấm hơn! Cuối cùng các thần đã ở bên tôi. Bây giờ tôi không thể để sẩy ngộ nữa. Mu! Mu! Mu!... Lão sư nghiêng qua nhưng chỉ thì thầm: “ Ông mệt lả và làm phiền người khác, hãy cố gắng thở im lặng.”… Nhưng tôi không thể ngừng được. Tim tôi đập cuồng loạn. Tôi run lẩy bẩy từ đầu đến chân, nước mắt chảy xuống không thể kiềm chế được. Người godo đánh tôi, nhưng tôi không cảm thấy gì hết. Ông ta đánh người bên cạnh và tôi bỗng nghĩ: “Tại sao ông ta lại hèn hạ đến thế, ông ta đả thương người ấy.”… Lại nước mắt nữa… Người godo quay trở lại và thỉnh thoảng cú tôi, hét lên: “Hãy làm cho tâm ông trống rỗng mọi tư niệm, trở nên giống như một em bé. Chỉ Mu, Mu thôi ngay tại đáy lòng ông!” Bịch! Bịch! Bịch!
Đột nhiên tôi mất sự kiểm soát thân, song vẫn còn ý thức, và sụ ra một đống. Người godo và lão sư vực tôi lên, khiêng tôi vào phòng và đặt tôi lên giường… Tôi vẫn mệt lả và run rẩy… Lão sư nhìn mặt tôi, lo lắng hỏi: “Ông có cảm thấy đỡ không? Ông cần bác sĩ không?” “Không, tôi đỡ rồi, tôi đoán thế.”… “Trước kia ông có bao giờ thế này không?” “Không, chưa bao giờ.”… “Tôi mừng cho ông.”… “Tại sao, tôi ngộ rồi ư?”… “Không, tôi mừng cho ông, chỉ thế thôi.”… Lão sư mang cho tôi bình trà, tôi uống năm tách…
Ngay khi ông ta vừa bỏ đi, tôi đột nhiên cảm thấy chân tay mình bị một sức mạnh nắm chặt và bị khóa lại trong một cái bàn kẹp to tướng đang bắt đầu khép lại từ từ…Những cơn co giật tra tấn giống như những tia điện phóng qua người, tôi vặn vẹo mình mẩy vì đau đớn… Tôi cảm thấy dường như tôi đang chuộc tội cho chính mình và tất cả loài người…Tôi đang chết hay đang trở nên giác ngộ… Mồ hôi tuôn ra từ mọi lỗ chân lông và tôi phải thay đồ lót hai lần…
Cuối cùng, tôi rơi vào giấc ngủ say…
Thức dậy thấy cơm, canh và đậu hũ kế bên tấm nệm tôi nằm ngủ… Ăn ngấu nghiến, mặc quần áo, vào thiền đường… Trong đời, tôi chưa bao giờ cảm thấy nhẹ nhàng, mở rộng và trong suốt như thế, hoàn toàn sạch sẽ và không tì vết như thế… Trong lúc kinh hành, không phải bước đi mà bập bềnh như cái nút chai điên điển trên mặt nước… Không thể chống lại việc nhìn ra cây cối bông hoa, linh hoạt, sáng ngời và hòa nhịp với cuộc sống!... Làn gió rì rào thổi qua cây lá là khúc nhạc đáng yêu nhất đời!... Khói nhang thơm tho dịu ngọt làm sao!...
Sau đó, lúc độc tham Lão sư Đại Vân nói: “Sự run rẩy đến với ông, bởi vì ông đang bắt đầu vứt bỏ các mê hoặc của mình, ấy là dấu hiệu tốt. Nhưng chớ dừng lại để tự mừng mình mà hãy tập trung vào Mu kịch liệt hơn nữa.”
. 05-12-1953
Vẫn sáng ngời… Giờ đây ngộ sẽ ập đến mình bất cứ lúc nào, tôi biết thế, tôi cảm thấy điều ấy đến tận xương tủy…Các bạn Thiền của tôi ở Hoa kỳ sẽ không ganh tỵ khi tôi viết tôi đã ngộ ư?... Đừng nghĩ đến ngộ, đồ ngu! Chỉ nghĩ đến Mu thôi! Vâng. Mu! Mu! Mu!... Đồ dịch vật, tôi mất nó rồi! Sự kích động vì ngộ của tôi đã bóp cò cho hàng trăm tư niệm. Nó để lại cho tôi thất vọng… Vô ích, ngộ ở bên kia tôi…
* * *
. 06-12-1953
Sáng nay thân mệt nhưng tâm sắc bén và trong sáng… Mu vang động trong vườn chùa suốt đêm không ngủ… Lạnh, khốn khổ… Thức mãi chỉ vì lúc độc tham Lão sư Đại Vân khiển trách: “Ông sẽ không bao giờ đạt ngộ được trừ phi ông phát triển sức mạnh và quyết tâm tọa thiền suốt đêm. Một vài người ngồi đêm nào cũng thức để tọa thiền…”
Khoảng nửa đêm, tự quì lạy trước tượng Phật ở chánh điện và cầu nguyện một cách tuyệt vọng: “Chúa ơi! Phật ơi! Xin ban cho con ngộ và con sẽ khiêm cung, ngay cả tự nguyện cúi đầu trức các Ngài nữa…” Nhưng không có gì xảy ra, không có ngộ nào cả… Bây giờ tôi thấy Con Chồn Già đang lừa phỉnh tôi, có lẽ đang dụ tôi buông lơi sự trói buộc vào giấc ngủ…
Sự la hét và đánh đập của người godo và các trợ thủ của ông càng lúc càng trở nên dữ dội hơn. Sự ồn ào, huyên náo của ba đêm cuối cùng không thể tin được. Tất cả cái nhóm hơn năm mươi người đều rống: “Mu” liên tục suốt nửa tiếng đồng hồ cuối cùng trong khi các vị tăng đầu chúng trách họ, hét: “Hãy nói Mu từ đan điền, không phải từ phổi!” Và tiếp sau là tiếng rống “Mu-u-u…” vang dội qua đêm trong nghĩa trang và vùng đồi như tiếng kêu của súc vật đang chuẩn bị sẵn sàng cho lò sát sinh… Tôi cá là nó làm cho toàn thể vùng quê thức mãi…Sự đánh đập ấy không làm cho tôi linh hoạt chút nào. Người godo đã phải cú tôi suốt mười lăm phút, nhưng chỉ tạo ra cái lưng đau và những ý nghĩ chua chát… Tại sao mình không tóm lấy cây gậy và tặng hắn một liều thuốc của hắn? Hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu tôi làm thế?...
Lúc độc tham nói với Lão sư Đại Vân: “Phiền ở chỗ là tôi không thể quên mình, tôi luôn ý thức về tôi như là chủ thể đối lập với Mu là khách thể. Tôi tập trung vào Mu và khi nào tôi bám được vào nó là tôi nghĩ: “Tốt, bây giờ mi đã được nó rồi, đừng để mất nó!” Rồi tôi tự nhủ: “Không, mi không nên nghĩ ‘Tốt,’ mi chỉ nghĩ Mu thôi!” Vì thế tôi siết chặt hai bàn tay, dằn xuống với mọi gân cốt, và bỗng nhiên có cái gì đó lách cách, tôi biết là tôi đã đạt đến một tầng mức tâm thức sâu hơn, bởi vì tôi không còn biết trong hay ngoài, trước hay sau, phấn khởi tôi nghĩ: “Bây giờ mình đang tiến đến gần ngộ, mọi tư niệm biến mất, ngộ sẽ ập đế mình bất cứ lúc nào. Nhưng rồi tôi lại nhận ra tôi không thể tiến gần ngộ chừng nào tôi còn nghĩ đến ngộ… Vì thế tôi chán nản, sự nắm giữ Mu lơi ra và Mu lại vuột mất…”
Rồi còn vấn đề nay nữa. Thầy bảo tôi làm cho tâm trơ trụi, không còn ý niệm chấp trước nào như tâm đứa trẻ thơ không có ý chí tự kỷ hay bản ngã. Nhưng làm sao tôi có thể giải thoát được bản ngã khi người godo đánh tôi dữ dội và giục tôi càng lúc càng mạnh hơn và tiến tới Mu nhanh hơn? Sự gắng sức đầy mục đích như thế, về phần tôi, ấy không phải là biểu hiện của bản ngã ư? Thay vì tống khứ nó đi, tôi lại bênh vực nó.”
“Tâm bản ngã và tâm Thanh Tịnh là hai mặt của một thực tại… Đừng nghĩ đây là bản ngã, kia không phải là bản ngã. Chỉ tập trung vào Mu thôi. Đây là cách nhận ra Tâm Thanh Tịnh. Giống như một người sắp chết vì đói, y không nghĩ mình đang đói, mình phải ăn. Hoàn toàn mất hút trong cơn đói như thế, y ăn bất cứ thứ gì y tìm được, không suy nghĩ… Nếu tự ý thức, ông suy nghĩ ông muốn ngộ, tôi phải ngộ, ông sẽ không bao giờ ngộ cả. Nhưng khi nào tận đáy lòng ông có khát vọng sâu xa muốn nhận ra Tự Tánh, ngộ sẽ đến. Ông sẽ hoàn toàn thấm nhập được Mu nếu ông tập trung nơi đan điền…Mu phải chiếm trọn vẹn tâm ông, vang động ở đan điền ông. Đừng cố đoán trước ngộ, nó đến một cách bất ngờ. Khi tâm ông trống rỗng mọi tư niệm và hình ảnh, bất cứ cái gì cũng có thể làm nó ngộ được: tiếng người nói, tiếng chim kêu… Nhưng ông phải có lòng tin mạnh hơn. Ông phải tin ông có khả năng đạt Tự chứng ngộ và ông hãy tin những gì tôi đang nói là thực và sẽ đưa ông đến cái mà ông đang tìm.”
Độc tham với Lão Sư tử luôn luôn là một kích động lớn… Vì thế, một lần nữa tôi lại nhập vào Mu, năng lực kiệt quệ nhanh chóng, và con đê tư niệm chứ không phải ngộ ập đến, tôi bị chận lại. Nếu cực nhọc sấn tới tôi sẽ sớm bị mệt, thân và tâm tàn lụi. Nhưng không lăn vào thì người godo sẽ đánh, lôi tôi ra khỏi chỗ và tống cổ tôi vào độc tham. Khi tôi xuất hiện trước Lão sư Đại Vân, ông ấy hỏi: “Tại sao ông đến đây khi ông không thể chỉ Mu cho tôi?” hoặc trách tôi không hết lòng. Họ đang cố gắng đẩy tư niệm ra khỏi tâm tôi hay đẩy tôi ra khỏi tâm tôi? Họ đang thận trọng tạo ra một chứng thần kinh loạn giả tạo, tại sao tôi không bỏ đi?
Rắc! Beng! Cả thiền đường rung chuyển, cái gì thế?... Tôi không sao, chỉ quay đầu lại xem… Lão Sư tử vừa bẻ gãy cây gậy dài nhất trong thiền đường, ngang phía sau chiếc rương thánh tích của Bồ-tát Văn Thù… “Các ông đều lười biếng cả!” Ông hét lên: “Bên trong các ông đều có khả năng nắm bắt được kinh nghiệm quí giá nhất thế gian, song các ông lại ngồi mơ mộng. Hãy tỉnh mộng đi và lao mình vào cuộc chiến đấu, nếu không ngộ sẽ lẩn tránh các ông mãi mãi.” Ôi là sức mạnh tinh thần, ôi là năng lực trong tấm thân 84 tuổi, mảnh khảnh, cao một mét năm mươi lăm.
. 07-12-1953
Quá kiệt lực khi ngồi chung với những người khác đêm qua, sức khỏe vừa mới bình phục mặc dù tiếng “Mu-u-u” của họ khàn khàn suốt đêm khiến tôi thức mãi… Lão sư bảo ngày cuối cùng có tính cách sinh tử và không được yếu kém, nhưng tinh thần sống chết của tôi đã ra đi, cuộc chạy đua đã qua và tôi là một kẻ cũng có chạy…
Nhìn buồn bã và ganh tỵ khi ba “người thắng cuộc” đi quanh thiền đường, cúi đầu trước Lão sư Đại Vân, Lão sư phụ tá và các vị tăng đầu chúng để tỏ lòng tôn kính và biết ơn… Một trong những người may mắn ấy là người ngồi kế bên tôi. Anh ta bị đánh nhiều lần và khóc sướt mướt suốt cả ngày hôm qua và hôm nay… Rõ ràng anh ta đã khóc vì vui thực sự trong khi tôi lại tưởng anh ta khóc vì đau đớn.
. 08-12-1953
Cùng với Lão sư Trung Xuyên uống trà với Lão sư Đại Vân sau tuần nhiếp tâm… Phong thái khó chịu trong lúc nhiếp tâm của ông không còn nữa, ông hiền từ và sáng ngời như mặt trời…Sau cuộc chuyện trò vui vẻ, ông mời tôi ở lại dự buổi lễ chính thức tưởng niệm sự Giác Ngộ của đức Phật vào chiều hôm ấy.
Nhìn không dứt khi Lão sư Đại Vân, Lão sư phụ tá, mười vị tăng trưởng lão mặc lễ phục thỉnh thoảng quì lạy trước tượng Phật, tụng kinh, tung những quyển kinh lên không, đánh trống, rung chuông, đánh chiêng và đi vòng quanh chánh điện theo một loạt các nghi thức tôn vinh Phật Thích-ca Mâu-ni và tán dương sự Giác Ngộ bất tử của Ngài… Những nghi thức này sáng ngời Chân lý sống động mà tất cả những tăng nhân này đã kinh nghiệm ở một mức độ nào đó… Vâng, qua những nghi thức này, họ tái khẳng định cái mắt xích của họ với truyền thống Phật giáo vĩ đại, làm nó phong phú và để nó làm họ phong phú, như thế họ có thể nối dài sợi xích vào tương lai. Ước gì mình được bao gồm trong truyền thống ấy, tôi có thể luyện mình thành mắt xích nối kết với Phật giáo và các phương tiện phi thường của nó để làm cho tâm người giác ngộ… Giờ đây tôi biết tại sao tôi chóng nhàm chán các lễ chế của các giáo đường và giáo hội ở Hoa kỳ. Các linh mục, các giáo sĩ đạo Do thái, và các mục sư không có được sự kinh nghiệm thân mật với Thượng đế mà họ rao giảng rất trôi chảy, đây là lý do tại sao các bài giảng và nghi lễ của họ nhàm chán và vô sinh khí.
. 09-01-1954
Trở lại Kyoto, mệt mỏi, tê cóng và đau nhức nhưng bên trong thì sống lại…
. 20-01-1954
Tốt là trở lại chùa Long Trạch… Ở Kyoto. P. và tôi chỉ nói chuyện Thiền với nhau và với các giáo sư, ở đây tôi thực hành Thiền. Dù có đau đớn nhưng thực hành Thiền làm tôi trẻ lại…Tâm tôi là một đầm lầy ứ đọng những quan niệm, lý thuyết, ấn tượng, hình ảnh… Tôi đọc và suy nghĩ quá nhiều, kinh nghiệm không một cảm giác. Tôi lấy lại sự tươi mát của tính nhạy cảm đã tàn tạ, đối mặt với chính mình một cách trung thực, trần truồng và đây là điều tôi có thể làm được tốt nhất qua tọa thiền ở tự viện…
. 08-04-1954
Tuần nhiếp tâm thứ nhì của tôi ở chùa Phát Tâm đã qua… Lão sư Đại Vân bảo ông sẽ nhận tôi làm môn đệ nếu tôi ở lại như một cư sĩ ở chùa ông… “Nếu ông có thể chịu đựng đời sống chùa chiền và đạt ngộ, ông sẽ là chủ nhân của đời ông thay vì làm nô lệ của nó…”
. 01-10-1956
Đúng ba năm hai tháng đã trôi qua kể từ lần đầu tiên tôi đến chùa Phát Tâm, bao nhiêu nước chảy dưới cầu hay nên nói bao nhiêu cầu trôi trên nước bất động… Cùng chịu cực với tăng nhân trong mùa hè nóng bức, và run rẩy với họ trong tuyết giá khất thực (25), chặt cây, trồng lúa, chăm sóc vườn, làm sạch nhà ngoài và làm việc nhà bếp với họ. Tôi đã chia xẻ với họ những giây phút hào hùng, dâng hiến, đã dự vào những âm mưu nhỏ bé của họ.
Ngồi, ngồi, ngồi hết tuần nhiếp này đến tuần nhiếp tâm khác với đau đớn, rồi còn tọa thiền nữa, hết sáng này đến sáng khác, hết đêm này đến đêm khác, và từ tối đến sáng… Những nội kiến sáng ngời và những thị kiến quyến rũ đã diễn hành qua tâm tôi, nhưng sự chiếu sáng đích thực là ngộ vẫn lẩn tránh tôi. Tangen-san, người bạn thông minh, vị tăng dẫn dắt kiêm thông dịch của tôi long trọng bảo đảm với tôi rằng chỉ có toàn tâm tọa thiền mỗi ngày là đem lại phần thưởng to lớn trong tịch tĩnh, trong sáng và thanh tịnh hơn là đạt kiến tánh nhanh chóng mà không được tọa thiền thêm nữa nuôi dưỡng… Đây có phải là phần thưởng an ủi hay là một nghịch lý khác của Thiền mà cần phải có kinh nghiệm ngộ cá nhân mới hiểu được?... Anh ta cả quyết rằng tôi đã đạt được nghị lực và thanh tịnh, mặc dù tôi thấy rất ít bằng chứng.
Mọi chứng dị ứng của tôi đã biến mất, thỉnh thoảng chỉ còn những cơn đau bao tử, tôi ngủ ngon… Những nỗi sợ hãi đen tối trước kia thường ám ảnh tôi, những mộng tưởng và hy vọng mà tôi thường hằng ấp ủ, tất cả đã tàn lụi,
----------------------------------------------
(25) Takuhatsu, từ tiếng Nhật, tức thác bát: bưng bát xin ăn. Một hình thức tọa thiền di động.
cho tôi nhẹ nhàng hơn, và cảm giác rõ ràng hơn về cái thực… Nhưng tôi vẫn còn là con chó đói bên thùng mỡ đang sôi là ngộ [satori]: Tôi không thể nếm được mà cũng không thể bỏ đi…
. 15-11-1956
Có đáng chiến đấu hay không với cái lạnh và những món ăn ít oi qua một mùa đông dài nữa để chờ đợi, chờ đợi, chờ đợi? Một số bạn hữu, những tăng nhân trang nghiêm lớn tuổi hơn sẽ sớm từ giã để về chùa riêng của họ… Tôi phải tìm một bậc thầy mà tôi có thể cảm thông một cách dễ dàng hơn bên ngoài bầu không khí căng thẳng của tự viện. Những trực giác như thế đã một lần cho tôi biết cần phải ở lại chùa Phát Tâm, giờ đây cũng báo cho tôi biết đã đến lúc phải từ giã…
. 23-11-1956
Hôm nay rời chùa Phát Tâm mang theo đủ thứ quà tặng và lời khuyên làm tôi mất một thời gian khá lâu… Những lời từ giã ấm lòng làm tiêu tan bất cứ cái lạnh buốt nào còn rơi rớt lại của những mùa đông Obama băng giá ấy.
. 25-11-1956
Lão sư Trung Xuyên dắt tôi đến Lão sư Bạch Vân… “Ông ấy sẽ là một ông thầy tốt cho ông, ông ấy thuộc dòng Lão sư Đại Vân, môn sinh thì chủ yếu là cư sĩ, ông không cần ở lại trong chùa mà có thể ở Kamakura và theo dự các tuần nhiếp tâm của ông ấy ở khu vực Tokyo.”
. 03-12-1956
Dự khóa nhiếp tâm đầu tiên ở ngôi chùa trên núi của Lão sư Bạch Vân… Một địa điểm tọa thiền lý tưởng, xây tổ cao trên vùng đồi cách xa thành phố ồn ào… Một nhóm ít ỏi tám người tham dự, có lẽ vì khóa nhiếp tâm này chỉ có ba ngày và khó mà đạt… Bầu không khí thật đầm ấm tự nhiên. Lão sư cùng ăn với chúng tôi theo kiểu gia đình và thật là một phong cách hấp dẫn: vị godo là một sư cô 68 tuổi, người nấu ăn và chỉ huy tụng kinh là một sư cô 65 tuổi. Họ chia nhau quản lý toàn bộ khóa nhiếp tâm. Mỗi người ngồi và hành động giống như một vị Phật từ bi và trí tuệ.
Ôi nhẹ nhàng biết bao, không phải bị cây kích trượng dã man thúc đẩy hoặc bị lão sư dùng ngôn ngữ quần cho trong lúc độc tham, việc làm tay chân sau bữa ăn sáng đang kích thích và lần tắm vào buổi chiều thanh thản vô cùng… Hoàn toàn thoải mái với Lão sư Bạch Vân. Phong cách của ông hiền từ nhưng hiểu biết sâu sắc, dễ cười và hay cười.
Lúc độc tham, ông bảo: “Muốn giác ngộ, ông phải có lòng tin sâu xa, ông phải tin một cách thâm sâu những gì Phật và Tổ tuyên bố từ kinh nghiệm đầu tiên của các Ngài là thực, nghĩa là mọi sự vật, kể cả chúng ta, vốn là Phật tánh; tựa như cái vòng tròn không thể thêm hay bớt, Tự Tánh này không thiếu cái gì hết, nó đầy đủ, hoàn toàn…
Bây giờ, nếu chúng ta có Phật tánh không tỳ vết này thì tại sao chúng ta lại không biết nó? Nếu mọi sự vật trong thể tánh là trí tuệ và thanh tịnh, tại sao lại có nhiều vô minh và đau khổ ở thế gian?
Đây là cái khối nghi phải được giải trừ… Nếu ông chỉ tin sâu xa rằng Phật không mê hoặc cũng không lừa dối khi Ngài khẳng định rằng tất cả chúng ta vốn toàn hảo và tự đủ thì ông có thể dò tìm tâm mình một cách không mệt mỏi lời giải đáp cho nghịch lý này.”…
“Có điều làm tôi bối rối không dứt: ‘Tại sao tôi không đạt được kiến tánh sau ba năm nỗ lực gãy lưng trong khi đó có những người khác lao lực không bao lâu cũng không khó nhọc lại đạt được? Tôi biết một vài người đạt kiến tánh ngay từ buổi nhiếp tâm đầu tiên mà rất ít hay không có tọa thiền gì cả…’”
“Có một vài người tâm họ thanh tịnh đến độ họ có thể đạt được chân ngộ mà không có tọa thiền gì cả. Tổ sư thứ sáu, Huệ Năng, là một người như thế. Tổ đã ngộ ngay từ lần đầu tiên nghe tụng kinh Kim Cang và Lão sư Đại Vân có kể lại trường hợp của một thiếu nữ, môn sinh của ông ấy, đã đạt kiến tánh trong lúc nghe các bài giảng nhập môn ngay khi ông ấy vẽ một vòng tròn và tuyên bố vũ trụ là Một, không thể phân ly. Nhưng đại đa số phải tọa thiền không mệt mỏi mới thắng được ngộ…”
“Bây giờ đừng lo lắng gì về ngộ, vì lo lắng như thế có thể trở thành chướng ngại thực sự… Khi bước vào thế giới của kiến tánh, ông mang theo – có thể nói ví như vậy – thành quả của tất cả những nỗ lực của mình và điều ấy sẽ quyết định phẩm chất của nó, do đó sự kiến tánh của ông do tọa thiền đem lại sẽ sâu rộng hơn…Trong đa số các trường hợp, kiến tánh đạt được nhanh chóng thường nông cạn…Hãy nhiệt tâm tọa thiền và Tự chứng ngộ sẽ tự chăm sóc nó…”
Một lần khác ông dạy: “Phật giáo Thiền đặt căn bản trên giáo lý vô thượng của Phật Thích-ca Mâu-ni. Ở Ấn độ chính nơi sinh của đức Phật, thực tế Thiền không còn hiện hữu nữa, và như chúng ta đã biết nó cũng đã tắt hẳn ở Trung quốc, nơi nó được Bồ-đề Đạt-ma mang từ Ấn độ đến… Chỉ ở Nhật bản là nó vẫn còn sống, mặc dù nó đang trên đà từ từ xuống dốc. Ngày nay, có lẽ không có đến mười bậc chân sư trên toàn nước Nhật… Giáo lý có một không hai này không nên để mất hẳn, nó phải được truyền sang phương Tây… Những tâm hồn lớn ở Hoa kỳ và châu Âu đã quan tâm đến Phật giáo vì không những nó kêu gọi trái tim mà nó còn kêu gọi cả khối óc nữa. Phật giáo là một tôn giáo hợp lý nổi bật…”
“Thiền mà ông biết bằng kinh nghiệm riêng của ông không phải dễ, nhưng những phần thưởng nó đem lại tương xứng với những khó khăn ấy… Hãy nhớ Bồ-đề Đạt-ma đã phải trải qua hết khó nhọc này đến khó nhọc khác, và cả Vinh Tây lẫn Đạo Nguyên, những người mang Thiền từ Trung quốc về Nhật bản, cũng đã vượt qua vô số chướng ngại… Mọi sự vật có giá trị đều có giá cao… Định mệnh của ông là mang Thiền về phương Tây… Đừng lùi bước hay bỏ cuộc dù đau đớn hay khó nhọc…”
. 27-07-1958
Mùng một tháng tám là ngày khai đại chiến của tôi, khởi đầu tuần nhiếp tâm mùa hạ lần thứ hai mươi của tôi với Lão sư Bạch Vân… Tháng này ngồi hai khóa nhiếp tâm, một tại chùa Lão sư Bạch Vân và một tại chùa Long Trạch, ngoài ra còn ngày đêm tọa thiền ở phòng riêng, chuẩn bị cho cái Đẩy Lớn này… Tâm tôi có sự rõ ràng và sắc bén hiếm có… Tôi phải, tôi sẽ chọc thủng…Lần đầu tiên tôi tin mình có thể…
. 01-08-1958
Nhiếp tâm đang tiến tới! Sự tập trung của tôi nhanh chóng lên cao mạnh mẽ… Nhập vào Mu, chỉ nghĩ Mu, thở Mu…
. 03-08-1958
Hai ngày đầu qua nhanh, bình thường…
. 04-08-1958
Hôm nay đạt đến độ nóng bốc khói trắng… Các vị trưởng tràng thỉnh thoảng đánh tôi… Cây gậy đầy sức mạnh của họ vung lên không còn là sự quấy rầy nữa mà là sự thúc giục… Chạy đua với từng tiếng chuông độc tham để là người đầu tiên gặp lão sư… Khó mà thấy đau ở chân… Quá hăng hái đối mặt với lão sư đến nỗi đã một hai lần xông vào phòng độc tham không chờ báo hiệu… Khi ông bảo tôi chỉ Mu, tức khắc tôi cầm lấy chiếc quạt của ông phe phẩy quạt mình, nhặt lấy cái chuông tay của ông rung lên rồi bỏ đi…
Đến lúc độc tham lần kế, Lão sư lại hỏi về Mu. Lập túc tôi giơ tay lên như sắp tát ông. Sự thực không có ý định đánh ông, nhưng lão sư không nắm được cơ hội, né tránh… Ôi sống động làm sao những cử động không suy nghĩ trước này, trong sáng và tự do….
Lão sư linh hoạt cảnh cáo: “Bây giờ ông đang đối mặt với cửa ải cuối cùng và kiên cố nhất giữa ông và Tự chứng ngộ. Đây là lúc người ta cảm thấy, nói theo một bậc sư ngày xưa, mình như con muỗi tấn công con trâu sắt. Nhưng ông phải đục khoét, đục khoét không mệt mỏi… Dù gì đi nữa, cũng đừng để mất Mu… Hãy tọa thiền suốt đêm nếu cảm thấy mình có thể mất Mu trong giấc ngủ…”
“Mu âm vang” lặng lẽ trong vườn chùa cho đến khi đồng hồ điểm một giờ… Đứng lên tập thể dục cho chân bớt cứng đơ và đau, đi cà nhắc đến hàng rào kế bên. Bỗng nhiên tôi nhận ra hàng rào và tôi là một cái Mu bằng gỗ và thịt vô hình. Dĩ nhiên!... Nhờ vậy mà năng lực vô biên… Tiếp tục đẩy tới cho đến khi có tiếng chuông bốn giờ sáng.
* * *
. 05-08-1958
Không có ý định nói với lão sư về nội kiến của mình, nhưng ngay khi vừa đến trước ông, ông liền hỏi: “Chuyện gì đã xảy ra tối hôm qua?” Trong khi tôi nói, đôi mắt sắc bén của ông chiếu quang tuyến X từng chút một nơi người tôi, rồi ông từ từ hạch hỏi: “Ông thấy Mu ở đâu? Ông thấy Mu thế nào? Mu bao nhiêu tuổi? Mu có màu gì? Mu có âm thanh gì? Mu cân nặng bao nhiêu?...”
Một vài câu đáp của tôi đến một cách nhanh chóng, một vài câu ngập ngừng, một vài lần lão sư mỉm cười, nhưng hầu hết ông im lặng lắng nghe…
Rồi ông bảo: “Có một vài lão sư có thể ấn chứng cho một cái nếm ở chót lưỡi như thế là kiến tánh, nhưng---”
“Tôi sẽ không chấp nhận sự ấn chứng cho một kinh nghiệm nửa xu như thế dù cho thầy có muốn ban cho. Có phải công phu khó nhọc như núi của tôi trong năm năm nay chỉ đem lại con chuột nhắt này? Tôi sẽ tiếp tục!”
“Tốt, tôi kính trọng tinh thần của ông.”
Lao mình vào Mu chín tiếng đồng hồ nữa với sự thấm nhập trọn vẹn đến độ tôi hoàn toàn biến mất. Tôi không ăn sáng, Mu ăn. Tôi không ăn trưa, Mu ăn. Một vài lần ý nghĩ về ngộ bắt đầu ngóc dậy, nhưng Mu lập tức chém ngay…
Thỉnh thoảng các vị trưởng tràng đánh tôi, la lên: “Chiến thắng là của ông, nếu ông không để mất Mu!”
Độc tham chiều! Như con chim ưng, lão sư quan sát tôi rất kỹ khi tôi vừa bước vào phòng tiến về phía ông, quì lạy và ngồi trước ông với tâm cảnh trực và phấn khởi.
“Vũ trụ là Một,” ông bắt đầu, mỗi tiếng ông nói phóng vào tâm tôi như một viên đạn. “Mặt trăng Chân lý…” thình lình Lão sư, căn phòng, mọi sự vật biến mất trong một dòng ánh sáng chói ngời và tôi thấy mình tắm trong trong niềm hân hoan dịu ngọt, không thể nói được. Trong vĩnh cửu thoáng hiện; tôi độc hữu…Rồi lão sư bơi vào trong thị kiến. Mắt chúng tôi gặp nhau, chảy vào nhau, rồi chúng tôi phá ra cười…
“Tôi có nó. Tôi biết! Không có gì, tuyệt đối không có gì! Tôi là mọi vật và mọi vật không là gì hết!” tôi kêu lên với chính mình hơn là với lão sư và đứng dậy bước ra…
Lúc độc tham tối, lão sư lại đưa ra một số câu hỏi cũ và thêm vài câu mới: “Ông sinh ở đâu? Nếu phải chết bây giờ, ông sẽ làm gì?...” Lần này những câu trả lời của tôi rõ ràng làm ông hài lòng vì ông thường mỉm cười, nhưng tôi không chú ý vì bây giờ tôi đã biết…”
“Mặc dù sự kiến tánh của ông đã rõ ràng – lão sư giảng giải – ông có thể phát triển nó sâu rộng đến vô cùng…”
“Có nhiều mức độ kiến tánh… Hãy lấy thí dụ hai người cùng nhìn một con bò, một người đứng ở đằng xa và một người đứng gần bên. Người đứng xa nói: “Tôi biết nó là con bò, nhưng tôi không biết nó màu gì.” Người đứng gần nói một cách rành mạch: “Tôi biết nó là con bò nâu.”
“Do đó, việc ông tiến tới các công án sẽ khác nhau,” lão sư nói và giảng giải cách tu tập sắp tới cho tôi…
Trở lại chánh điện… Khi tôi lén trở về chỗ ngồi, Bà lão Yamaguchi, vị godo bán-thời-gian của chúng tôi, rón rén tới bên tôi với đôi mắt sáng ngời, thì thầm: “Kỳ diệu lắm, phải không? Tôi rất sung sướng vì ông!” Tôi bắt đầu tọa thiền trở lại, cười, khóc và thì thầm với chính mình: “Xưa nay nó vẫn ngay trước mình, song mình phải mất năm năm mới thấy nó…”
Một câu nói mà Tangen-san đã có lần trích dẫn giờ đây vang lên bên tai tôi: “Đôi khi người ta có thể tìm thấy nước trong cái hang khô rốc nhất.”
. 09-08-1958
Cảm thấy tự do như con cá đang bơi trong đại dương nước trong mát sau khi bị dính chặt trong thùng keo… Và rất biết ơn…
Biết ơn mọi sự đã xảy đến với tôi, biết ơn mọi người đã khuyến khích và chịu đựng tôi bất chấp nhân cách ấu trĩ và tính bướng bỉnh của tôi…
Nhưng hơn hết là biết ơn hình hài con người của tôi, vì nhờ ưu thế là con người mà biết được Niềm Vui này, không giống như những loài khác.
3. Ông K. T., Người Thiết Kế Vườn Cảnh Nhật, 32 tuổi
Mặc dù sinh trong một gia đình thuộc phái Thiền Tào Động, tôi đã 28 tuổi trước khi chính thức khởi sự tọa thiền. Điều khiến tôi bước bước này là nỗi sợ chết khi tôi bắt đầu khạc ra máu vì mắc chứng lao phổi và những bất trắc trong cuộc sống đã bắt đầu tiêm nhiễm nơi tôi. Tôi chưa từng trải qua đời sống chùa chiền, nhưng tôi đã theo dự nhiếp tâm một số lần cho đến khi tôi nhận ra Tự Tánh và việc này đã được một bậc thầy xác nhận. Trong thời kỳ này, tôi đã tọa thiền với một nhóm người và đã độc tham với Lão sư Taji vào mọi ngày chủ nhật.
Tôi nhớ rõ tuần nhiếp tâm đầu tiên làm sao. Ấy là một ngôi chùa gọi là chùa Nhật Bản (Nippon-ji) ở Nokogiriyama, phủ Chiba và thầy la Lão sư Đại Vân. Ngày đầu tiên, tôi nhớ, rất căng thẳng. Ngày thứ nhì tôi không thể nếm được thức ăn, chân tôi đau quá và tôi không thể nghe được đầu đuôi bài đề xướng (teisho) của lão sư. Đôi khi tôi bị mệt đứ đừ. Trước hết, nội qui nhiếp tâm nghiêm ngặt, bầu không khí lạnh và dồn nén. Rồi tôi bắt đầu cảm thấy phản kháng, “Tọa thiền phải là một thứ thôi miên, mình phải khám phá xem các kỹ thuật của tôn giáo này có thực sự đưa đến chân lý không,” tôi tự bảo và bỏ ý định trở về nhà…
Trong ba ngày tôi buộc phải theo dự các bài giảng chung về tọa thiền, vì đây là sự cưỡng bách đối với những người mới bắt đầu. Do đó, tôi tự ý đến trước lão sư để độc tham. Đối diện với ông, tôi cảm thấy mình đang chạm phải một bức tường sắt. Nhưng tôi bị tánh cách giọng nói của ông thu hút, nó âm vang giống hệt giọng nói của ông nội tôi đã quá cố. Tôi đã đi độc tham mấy lần để nghe giọng nói ấy và nhìn khuôn mặt khác thường ấy của ông. Vào những lúc như thế, tôi cảm thấy rất rõ cá tính và nhân cách mãnh liệt của ông, sự cao quí và hùng lực của ông, và bằng cách so sánh, tôi cảm thấy mình vô nghĩa và rỗng tuếch. Nếu bằng cách lừa dối mà tôi có thể đạt đến mức phát triển của ông, tôi sẽ không dụng tâm lừa dối. Tôi kết luận và quyết định ngồi một cách thành tín khi ông chỉ dạy.
Ngày thứ tư và thứ năm trôi qua, đau đớn ở chân đã biến mất, nhưng giờ đây tâm tôi đã trở nên ổn định hơn dù cho tôi đã có những thị kiến loại này hay loại khác. Dần dần tôi cảm thấy hăng hái ngồi. Đến ngày thứ sáu, ở phòng trước nơi đang quì gối chờ đến lượt vào độc tham, tôi đã có một kinh nghiệm vui nho nhỏ. Ngay phía trước hai đầu gối, tôi thấy một cây cột lớn và cái chân bàn nhỏ đang chen lấn nhau. Ngay lúc ấy tôi cảm thấy cây cột là lão sư và cái chân bàn chính là tôi. Bỗng nội kiến này đến với tôi: cây cột là cây cột đang chiếm cả trời đất, cái chân bàn là cái chân bàn cũng đang như thế. Lão sư là lão sư và tôi là tôi cùng tràn ngập cả vũ trụ. Chỗ nào trống rỗng? Vì thế tôi cười tận đáy lòng.
Nhanh nhẹn vào phòng lão sư để độc tham, tôi trình bày kinh nghiệm của tôi với ông. “Một nội kiến trơn như thế thì có giá trị gì. Đừng có nằm mơ!” ông nói cộc lốc và đuổi tôi ra.
Mặc dù đó có thể là ảo giác, nhưng niềm vui của giây phút ấy không bao giờ rời bỏ tôi. Từ đó, bất cứ khi nào đến trước lão sư, tôi không còn sợ ông nữa.
Sau tuần nhiếp tâm đầu tiên ở chùa Nhật Bản này, ba năm sau tôi dự một khóa nhiếp tâm khác ở chùa Phát Tâm, nhưng tôi không thành công trong việc nhận ra Tự tánh. Một đêm mùa hè năm đó, trong lúc một lòng hiến mình tham công án Mu, tôi đã kinh qua một trạng thái cảm thấy hình như mình đang nhìn thấy bầu trời mênh mông hoàn toàn trong suốt và kế đó tôi đã có thể thâm nhập thế giới của Mu với trực quan rõ ràng và sắc bén. Lập tức tôi đến gặp lão sư Taji và yêu cầu ông ấy nhận cho tôi được độc tham. Ông xác nhận tôi đã kiến tánh sau khi tôi đáp nhanh chóng câu hỏi: “Quan Âm bao nhiêu tuổi? là “Chém ba chữ Mu” và các trắc nghiệm khác. Vì thế ông dạy tôi như vầy:
“Giữa kiến tánh nông sâu có sự khác biệt phi thường và những khác biệt này được miêu tả trong Mười Bức Tranh Chăn Trâu (26), kiến tánh của anh có độ sâu không hơn độ sâu được miêu tả ở bức tranh thứ ba, gọi là thấy Trâu. Nói cách khác, anh chỉ thấy cảnh giới ở “bên kia sắc giới.”
Kiến tánh của anh như thế dễ bị mất nếu anh trở nên lười biếng và không tiến hành tu tập thêm nữa. Hơn nữa, dù đã kiến tánh, anh vẫn là anh cũ – không thêm được gì, anh không trở thành to lớn hơn. Nhưng nếu tiếp tục tọa thiền, anh sẽ đạt đến độ bắt được Trâu , tức giai đoạn thứ tư.
--------------------------------------
(26) Xem Chương VIII.
Ngay bây giờ anh chưa “sở hữu”(27), nói ví như vậy, được sự kiến tánh của mình.” Sau giai đoạn bắt được Trâu là giai đoạn thuần hóa nó, tiếp theo là cưỡi Trâu, đây là trạng thái trực quan mà trong ấy kiến tánh và ta được xem là một và như nhau. Kế tiếp là giai đọa thứ bảy, tức giai đoạn quên Trâu; giai đoạn thứ tám quên cả Trâu và ta; thứ chín là đại ngộ, thâm nhập đến tận đáy và ở đấy không còn phân biệt ngộ với không ngộ. Cuối cùng là giai đoạn kết thúc toàn bộ sự tu chứng, sống giữa thế nhân, sẵn sàng giúp đỡ họ bất cứ lúc nào có thể, hoàn toàn tự tại, không bị ngộ ràng buộc. Sống trong trạng thái cuối cùng này là cái đích của cuộc sống và việc hoàn thành nó có thể đòi hỏi nhiều kiếp. Giờ đây anh đã đặt chân lên con đường dẫn đến cái đích này, vì thế anh nên biết ơn.”
Trước khi nhận sự giáo huấn của vị thầy đầu tiên, tôi đã tọa thiền theo cách riêng, lấy công án đầu tiên trong Bích Nham Lục (Hekigan-roku) và suy tư câu hỏi của vị Hoàng đế: “Chân lý tối thượng của thánh giáo là gì?” Và Bồ-đề Đạt-ma đáp: “Quách nhiên vô thánh (Kakunen musho: trống rỗng mênh mông chẳng có gì là thánh hết.)”(28) Nhưng tôi không thể hiểu được. Song tự nhắc mình nhớ lại một câu tục ngữ Nhật: “Nếu bạn đọc một cuốn sách một trăm lần chắc chắn bạn sẽ hiểu được.” Tôi
---------------------------------------------
(27) Tình trạng này có thể ví với tình trạng của một con gà con mới nở mà sự sống của nó, tuy đủ thực, nhưng vẫn còn mong manh và trong vòng thử thách.
(28) Câu này do Lương Vũ đế (502-549), một người bảo trợ Phật giáo danh tiếng, hỏi Bồ-đề Đạt-ma. Hoàng đế hỏi tiếp: “Trước mặt trẫm là ai? Không phải là một thánh nhân sao?” Bồ-đề Đạt-ma đáp: “Không biết.” Một trong các điểm trọng yếu của công án là nắm tinh thần của câu đáp: “Không biết.”
ngồi tọa thiền thành tín tụng trong tâm câu đáp của Bồ-đề Đạt-ma: “Quách nhiên vô thánh.” Sau hai ngày như thế tôi kinh nghiệm một trạng thái như tôi đã kể trên, tức nhìn thấy một bầu trời mênh mông trong sáng. Bây giờ, tôi cảm thấy diều ấy đã giúp mang lại sự thấy tánh sau này của tôi.
Trong quan hệ nay, điều bất ngờ sau đây cũng đáng kể lại. Trong những ngày còn đi học, để đoạt chức vô địch kiếm thuật Nhật bản, tôi phải tranh tài với năm sinh viên trong các trận đấu giữa các trường cao đẳng và đại học. Ba địch thủ đầu tương đối yếu và tôi đánh họ bằng cách nghĩ trước các kỹ thuật để đánh bại họ, nhưng tôi bị cả ba đánh bại. Đối với địch thủ thứ tư, người tôi tràn ngập một cảm giác trách nhiệm giữ danh dự cho trường, cũng như cay đắng vì bị đánh bại ba lần. Tôi tuyệt vọng, không suy nghĩ, tôi lập tức nhảy vọt tới đối thủ và quay về chỗ không biết mình thắng hay thua. Sau đó, một bạn bảo tôi rằng tôi đã chiến thắng rực rỡ. Địch thủ thứ năm là người mạnh nhất, hơn mấy người kia rất xa, tôi đã đánh bại anh ta cùng một cách ấy.
Trong hai trận đấu này, tôi đã kinh nghiệm những giây phút mà tôi gọi là sự biểu hiện trần truồng của kiến tánh, trong đó tôi hành động bằng trực giác và tâm thức sâu xa nhất, không quan tâm đến thắng hay bại, địch thủ hay tôi và không-ý-thức ngay cả trong khi đấu. Đối mặt với một tình thế quan hệ sống chết, người ta có thể hành động tức thời, trực giác hoàn toàn không ảo tưởng và phân biệt, song không phải xuất thần. Ấy là vấn đề tự tu luyện theo các nguyên tắc của Thiền, toàn tâm hành động trong mọi hoàn cảnh.
Khi sống không chú ý, chúng ta có khuynh hướng rơi vào phân biệt thiên lệch. Đây là tâm thái trong ấy chính vị ngã được tập trung cao độ và đau khổ của con người gia tăng. Do đó, bất cứ khi nào tôi trở nên ý thức rằng mình đang rơi trở lại vào tình trạng cũ thì tôi tự nhủ rằng trời và đất có cùng một cội rễ. Mọi sự vật là Một. Hình thức thấy được của mọi sự vật không khác với cái Không mà đấy là yếu tánh của chúng.
Đọc nhiều sách về Thiền trước khi kiến tánh, tôi đã ảo tưởng rằng nếu tôi đạt kiến tánh tôi sẽ có những năng lực siêu nhiên hoặc sẽ phát triển được nhân cách phi thường ngay tức khắc, hoặc trở thành một bậc đại hiền triết hoặc tất cả đau khổ sẽ được diệt hết và thế giới sẽ trở thành thiên đường. Nhưng bây giờ tôi thấy rõ vọng tưởng này làm chướng ngại người thầy trong việc hướng dẫn tôi.
Trước khi kiến tánh, tôi rất lo lắng về tình trạng sức khỏe của tôi, về cái chết, về tình trạng xã hội bất như ý và nhiều thứ khác. Nhưng sau khi kiến tánh, những cái ấy không còn làm tôi lo lắng nữa. Giờ đây, làm bất cứ việc gì tôi cũng hoàn toàn là một với nó… Tôi chấp nhận những gì thích thú là hoàn toàn thích thú và những gì không thích thú là hoàn toàn không thích thú, rồi quên ngay cả phản ứng thích thú hay không thích thú.
Tôi cảm thấy rằng qua kinh nghiệm kiến tánh, tâm con người có thể trải rộng ra đến vô cùng vũ trụ, cái vĩ đại chân thực không quan hệ gì với sự giàu có, địa vị xã hội hay khả năng trí thức, mà chỉ quan hệ đến sự phát triển rộng lớn của tâm. Theo nghĩa này, tôi luôn luôn nỗ lực để trở thành vĩ đại.
Như đã biết rõ tri thức thế gian và các khả năng lý luận vi tế không phải là điều kiện tiên quyết cho việc tu luyện trong Thiền. Truyền thống Phật giáo đã chứng minh điều đó. Huệ Năng, vị Tổ sư thứ sáu lừng danh của Thiền, bậc thầy tuyệt vời nhất trong các bậc thầy ở Trung quốc thời xưa, đã đạt được giác ngộ viên mãn, vì không biết chữ, không đọc được và không suy luận chân lý, nên Tổ sư có thể nắm ngay Nguồn Tâm. Từ xưa người Nhật đã nói rằng, không phải qua trí thức mà qua thành tín ngồi, chúng ta có thể thấy được bản tánh tột cùng của Tâm và cũng bằng cách ấy chúng ta có thể phát triển cái thấy này sâu rộng đến vô cùng.
Có những cây phát triển nhanh mà chúng không bao giờ phát triển được sức mạnh đủ để chống chọi với cơn gió dữ. Cũng thế, trong Thiền có những người đạt kiến tánh nhanh nhưng vì họ bỏ ngay sự tu tập nên không bao giờ trở thành những người có tinh thần mạnh. Vì thế, trong Thiền điều trọng yếu là áp dụng bình tĩnh và vững chắc tọa thiền trong suốt cuộc sống hằng ngày của mình và kiên quyết không dừng lại khi chưa giác ngộ viên mãn.