Bài Viết (701)


Những Bức thư Ngộ của Yaeko Iwasaki gửi Lão sư Đại Vân và những Lời bình của PHILIP KAPLEAU

871

Những Bức thư Ngộ của Yaeko Iwasaki gửi Lão sư Đại Vân và những Lời bình của Ông

DẪN NHẬP CỦA NGƯỜI BIÊN TẬP

Trong lịch sử Phật giáo Thiền Nhật Bản hiện đại, không một cái tên nào sáng chói hơn tên của một cô gái hai mươi lăm tuổi, Yaeko Iwasaki, người đã đạt ngộ sau năm năm tọa thiền, phần lớn là trên giường bệnh, và rồi trong năm ngày liên tiếp đã phát triển cái ngộ của mình sâu đến mức hiếm thấy tại Nhật Bản ngày nay. Một tuần lễ sau, hoàn toàn đúng như dự cảm của mình, cô đã chết. Nếu ở Ấn độ chắc chắn cô đã được dự báo như một vị thánh và sẽ được hàng nghìn người sùng bái. Ở Nhật Bản, câu chuyện về cuộc đời dũng cảm của cô và thành tựu vinh quang tột đỉnh ấy hầu như không được biết đến ngoài giới Thiền.

Đây là những bức thư cô ấy đã viết vào tháng 12 năm 1953, gửi cho vị thầy hướng dẫn cô, Thiền sư Sogaku Harada, (1870-1961) lúc ấy 65 tuổi, kể lại những gì cô đã nhận thức, cảm thấy và suy nghĩ trong năm ngày anh hùng ca ấy, cùng với những lời bình minh xác của ông. Chúng tôi tin rằng trong văn học tôn giáo không có nhiều những tài liệu cá nhân tiết lộ về tâm thức giác ngộ sâu xa một cách chua cay hay hùng hồn như các bức thư này. Mặc dù số lượng ít và tương đối ngắn, chúng vẫn chuyển vận được cái cốt tủy của Phật giáo sống động. Sản sinh trong nghịch lý và tràn ngập lòng biết ơn, các phẩm chất rõ ràng đã phân biệt kinh nghiệm tâm linh sâu xa với các mức độ nội kiến nông cạn hơn và xuyên suốt qua đó là sợi chỉ thanh tịnh duy nhất, một khát vọng nồng cháy muốn thành tựu giác ngộ viên mãn không chỉ vì riêng cô mà còn vì những người theo cô cũng có thể đạt được Tự viên mãn và duy trì sự an bình bên trong qua các nỗ lực truyền bá Đạo của Phật .Cái chết không đúng lúc của cô – không đúng lúc chỉ vì người ta tính theo quảng thời gian sống của một đời người đã không chấm dứt nghiệp mệnh truyền bá Phật Pháp của cô. Nếu cô có một động lực mới, theo lời Lão sư Đại Vân: “Cuộc đời dũng cảm của cô ấy thật là đầy hứng khởi và ảnh hưởng của nó thật là xa vời đến độ chắc chắn nó sẽ nâng cao sự truyền bá Phật giáo và làm lợi cho loài người.”

Là dòng dõi quí tộc của người sáng lập tổ hợp kỹ nghệ Mitsubishi giàu có, Yaeko Iawasai có đủ mọi thứ có thể mua được bằng tiền, trừ sức khỏe. Lúc lên hai cô đã bị bịnh trầm trọng suýt chết và hậu quả cả hai van tim bị suy nhược để lại cho cô thân thể gầy yếu trong suốt quãng đời ngắn ngủi còn lại của cô. Không thể chịu đựng nổi những đòi hỏi của việc theo học ở trường hàng ngày, cô được dạy kèm tại nhà cho đến khi cô gần mười một tuổi. Lúc sức khỏe cô đã có vẻ khả quan hơn, cô ghi danh học các lớp tương đương của trường phổ thông cấp hai. Bất chấp không đủ sức khỏe để tham dự một số các hoạt động ở trường, cô đã hoàn tất cấp hai cũng như cấp ba với chúng bạn với một kỷ lục học tập tuyệt vời. Tâm trí sắc bén sống động, tính tình vui vẻ, nồng nhiệt, tinh thần độ lượng, cô đã chiếm được sự ngưỡng mộ và lòng yêu mến của các bạn đồng lớp.

Sau khi tốt nghiệp cô bắt đầu học cắm hoa và trà đạo, các nghệ thuật truyền thống của người Nhật, nhằm tu dưỡng tinh thần trầm tĩnh và ôn nhu, tất cả để chuẩn bị cho hôn nhân và làm mẹ tương lai.

Nhưng định nghiệp đột ngột đưa cô theo một chiều hướng khác. Vào khoảng hai mươi tuổi, cô bắt đầu ho ra máu và được chẩn đoán là lao phổi. Bác sĩ bảo cô phải nằm yên trên giường và ra lệnh cho cô phải tịnh dưỡng từ hai đến ba năm. Rất có thể trạng thái không hoạt động kéo dài này có ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần của cô, đã phát triển trong cô sự nhạy cảm có tính chất quyết định đối với sự nở hoa tâm linh phong phú của cô.
Một cách trực tiếp hơn, những gì thúc đẩy cô hướng về Thiền là sự phát triển đột nhiên quan hệ đến cha cô, người cô yêu mến sâu xa. Ông được bảo là tình trạng tim của ông có thể khiến ông chết bất ngờ bất cứ lúc nào, và nỗi sợ chết bất ngờ bám giữ, ông đã theo dự bài thuyết giảng của Lão sư Đại Vân nói về nỗi lo âu cơ bản nhất này của con người và làm thế nào người ta có thể giải quyết nó qua tọa thiền và cuối cùng là giác ngộ. Cha của Yaeko Iawasaki tin chắn vào những gì ông nghe đến độ ông đã trở thành đệ tử của Lão sư Đại Vân và ông đã bắt đầu thực hành tọa thiền tại nhà riêng. Vì tình trạng tim khiến ông không thể theo dự đều đặn được các khóa nhiếp tâm, nên ông đã thủ thắng được Lão sư Đại Vân mỗi tháng đến nhà ông một lần, trong chuyến du hành thường lệ của lão sư đến Tokyo, ban cho gia đình và bạn bè ông một bài thuyết giảng và một kỳ độc tham.
Với nhiệt tình do nỗi sợ chết quá độ sinh ra, cha của Yaeko đã hiến mình cho tọa thiền và chưa đầy một năm ông đã đạt được kiến tánh. Kinh nghiệm này đã quét sạch tất cả sợ hãi và đem lại cho ông làn sóng sinh lực và tự tin đến độ một lần nữa ông lại gánh vác trách nhiệm của người đứng đầu xí nghiệp kỹ nghệ của gia đình, nhưng với sức mạnh không khôn ngoan. Sự rán sức tỏ ra quá nhiều đối với ông và một hôm ông đã chết vì một cơn đau tim không báo trước.

Cái chết đột ngột ghê gớm của người cha dội lên Yaeko vẫn còn bệnh liệt giường sức mạnh bi đát, sự tiêu hao lần mòn sức sống và thực thế trần truồng của cái chết đẩy cô vào những suy tư tìm kiếm nhiều nhất về ý nghĩa của kiếp người. Cho đến khi cha cô giác ngộ, cô đã nghe những bài giảng hàng tháng của lão sư Đại Vân ở tại nhà, nhưng cô vẫn chưa muốn nhận độc tham hay thử tọa thiền. Song biến cố này đã nung đốt những tưởng tượng của cô, mẹ cô, hai người em gái cô đến nỗi họ bắt đầu sùng mộ tọa thiền đều đặn. Lão sư đã chỉ định cho cô tham công án KHÔNG và chỉ dẫn cô tham công án liên tục ngay cả trong lúc nằm trên giường. Với cái chết của người cha và sự tìm kiếm linh hồn do nó gợi ra, sự tọa thiền và mối quan tâm trọn vẹn về Phật giáo của cô mang ý nghĩa cấp bách sâu xa và mới mẻ. Bài thuyết pháp dài của Lão sư Đại Vân về bộ Chánh Pháp Nhãn Tạng của Đạo Nguyên mà cô đã đọc mười bảy lần, ngấu nghiến mọi chữ, và trong lúc vẫn còn rất yếu cô đã thực hiện tọa thiền ngồi theo tư thế cổ truyền Nhật Bản thay đổi nó với tư thế kiết già. Lúc này các giai đoạn tệ hại nhất của chứng lao phổi đã qua và cô không cần phải ở trên giường nữa. Song căn bệnh đã lưu lại những dấu vết của nó nơi thể chất vốn đã yếu ớt của cô và bác sĩ thúc giục cô đến dưỡng bệnh ở Kumakura đầy nắng ấm, nơi đây gia đình cô có một biệt thự riêng.

Ở nơi ẩn cư mới này càng ngày cô càng mất hút mình trong tọa thiền, mãi mãi quay lưng lại với những bận tâm mà chúng đã có lần có nhiều ý nghĩa đối với cô. Cô đang hăng hái theo đuổi Con Đường của Phật đến độ cô đã van xin Lão sư Đại Vân đến Kamakura để tiếp tục những bài bình luận và các giờ độc tham của ông. Nhìn thấy nơi nhiệt tâm và lòng sùng mộ phi thường của cô một tinh thần hiếm có, Lão sư Đại Vân đã đều đặn mỗi tháng một lần đặc biệt đến hướng dẫn cô, và các Lão sư Bạch Vân và Lão sư Taji – hai môn đệ được kính trọng nhiều nhất của Lão sư Đại Vân – thỉnh thoảng cũng đã làm như vậy.

Khoảng năm năm trôi qua từ khi cô bắt đầu tọa thiền trên giường cho đến khi cô đạt được ngộ ban đầu, vào ngày 22 tháng 12 năm 1935. Trong những ngày kế tiếp, như các bức thư này tiết lộ một cách sống động, con mắt Tâm của cô đã mở ra trọn vẹn trong một trận lụt ánh sáng và tri kiến. Niềm hân hoan phát sinh từ đó, cô khám phá ra rằng ngay cả sự giác ngộ viên mãn cũng không thêm cho người ta cái gì mà họ vốn không có và do đó trạng thái cực lạc này cũng chỉ là một loại “điên” mà thôi - điều này cùng với thừa nhận đầy hoan hỷ của Lão sư Đại Vân về tinh thần Bồ-tát của cô và lời trách móc nhẹ nhàng của sư về cái “mùi” giác ngộ của cô đủ sức cung cấp một nội kiến thân mật, như nó đang chiếu sáng một cách hiếm có, vào quá trình giác ngộ phức tạp và dường như nghịch lý.

Chết như Yaeko đã chết, với dự cảm về cái chết trước một tuần, không đau đớn và hoàn toàn bình thản, như Lão sư Đại Vân chỉ rõ, là mục tiêu của tất cả mọi Phật tử, dù ít ai đạt được. Điều mà Yaeko đã có thể đạt được thành tựu chính là độ cao phi thường của tâm thức mà cô đã vươn tới với lòng tin thuần khiết, lòng can đảm và sự kiên trì đã khiến nó khả hữu. Ai có thể đọc lời tường thuật chua chát của Lão sư Đại Vân về những giờ phút cuối cùng của Sư với cô mà không xúc động vì tinh thần dũng cảm và sự vô ngã hoàn toàn của cô.

Người y sĩ chứng kiến cái chết của cô, mà về mặt chuyên môn ông cho là sưng phổi, hồi tưởng: “Tôi chưa từng thấy ai chết đẹp đến như thế!”. Nhưng cống hiến lớn lao nhất có lẽ là ở trong lễ kỷ niệm cô cử hành tại chùa Phát Tâm trong tuần nhiếp tâm đầu tiên xảy ra sau khi cô chết. Gần cuối tuần nhiếp tâm Lão sư Đại Vân trong nước mắt, đã kể lại với khoảng 90 người tham dự những bất ngờ trong cuộcđáu tranh hào hùng để thể hiện Tự tánh của Yaeko và chung cuộc mỹ lệ của nó. Cuối tuần nhiếp tâm, do tác động như thế, hơn mười người, một con số chưa từng có, đã đạt ngộ.

Những bức thư này đầu tiên xuất hiện trên một tạp chí Phật giáo chẳng bao lâu sau khi Yaeko chết, trong một bài xã luận do Lão sư Đại Vân viết. Những lời bình của ông (ở đây tất cả được in nghiêng) do chính sư ghi lại trên các bức thư mà sư đã nhận được, song các lời bình tổng kết và các đề mục do Sư thêm vào đặc biệt cho bài báo cốt để hướng dẫn người đọc Phật giáo cũng như để làm sáng tỏ các bức thư này. Dĩ nhiên Yaeko không bao giờ có dịp xem các lời bình này trước khi cô qua đời.
Khoảng một năm sau, chính tài liệu này được in trong một tập sách gọi là Yaezakura (Hoa Đào Hai Lần Nở) là một tường thuật ngắn về cuộc đời của Yaeko do gia đình Iwasaki in riêng để kỷ niệm cô vào tháng 12 năm 1937. Bản dịch này được thực hiện theo tập sách ấy.

Tất cả những ngoặc móc trong cả các bức thư lẫn các lời bình của Lão sư Đại Vân là của người dịch .

THƯ VÀ LỜI BÌNH

📩 CHỨNG KIẾN TÁNH - 23 tháng 12

Lão sư Đại Vân thân mến,

Con rất biết ơn thầy đã đến thăm con ngày hôm kia, mặc dù thầy rất bận. Xin thầy cẩn thận chứng cảm hàn.

Lúc độc tham sáng hôm qua thầy bảo: “Những gì con đã nhận thức được vẫn còn là mù mờ”, vì thế con cảm thấy phải tìm kiếm sâu hơn nữa. Nửa đêm hôm qua khi chợt thức giấc, nó đã rõ ràng hơn nhiều.

Lời bình của Lão Sư Đại Vân: (Trâu đã đến gần hơn cả trăm dặm!)

Và tất cả những gì con có thể làm được là chắp tay lên vì vui, hoàn toàn vì vui.

Thực ra con thấy rằng trong ngộ có nhiều mức độ sâu khác nhau.

(Phải, nhưng ít người biết sự kiện quan trọng ấy.)

Ngay cả thầy, Lão sư của con, cũng không còn đáng kể mấy dưới mắt con. Lòng biết ơn và niềm hân hoan của con thực không thể tả được. Bây giờ con có thể khẳng định rằng chừng nào chúng ta còn ý thức về ngộ thì ấy chưa phải là chân ngộ.
Làm sao con có thể bày tỏ hết lòng biết ơn của con đối với Thầy khiến con có thể đền đáp được, dù chỉ trong gan tấc này, món nợ vô lượng mà con nợ chư Phật? Lòng biết ơn của con không thể nói thành lời – không có gì có thể viết hay nói được. Bây giờ con viết chỉ vì con nghĩ chỉ có một mình thầy là có thể hiểu được niềm hạnh phúc của con, và sẽ vui cùng con.

Giờ đây con mắt Tâm của con đã mở, thệ nguyện độ tất cả chúng sanh đã tức thời xuất hiện trong con. Con rất biết ơn thầy và chư Phật. Con lấy làm xấu hổ [vì các khuyết điểm của con], và sẽ tạo mọi nỗ lực để tu sửa tính tình của con.

(Con đã thấy rõ Trâu nhưng điểm bắt lấy. Nó vẫn còn xa vạn dặm. Kinh nghiệm của con vẫn còn nhuốm màu tư niệm.)

Con cũng quyết làm tâm con sạch hết các mê hoặc tồn tại lâu đời. Thầy là người duy nhất con có thể tin cậy được. Mọi người khác con sợ lắm, sẽ hiểu lầm và nghĩ con khoác lác nếu bỗng dưng con nói tất cả điều này.

( Ta rất hài lòng sự tự chế của con.)

Hãy tin con đi, trong kiếp này không bao giờ con mong mỏi được ưu ái như thế [đạt đến giác ngộ]. Con nợ thầy nhiều lắm. Con thành tâm chắp tay biết ơn thầy.

Xin thầy giữ mình khéo bị lạnh. Con hoan hỉ mong được gặp thầy vào hai mươi mốt tháng tới.

👩 Yaeko 👩

Tổng bình:

Tôi xác nhận rằng cô ấy đã thực thấy Trâu, vì trong kinh nghiệm của cô ấy có sự tự khẳng định thâm sâu, ước vọng độ tất cả chúng sinh và quyết tâm tự tu sửa về mặt tinh thần đời sống hàng ngày. Chỉ có tâm thái như thế mới có thể gọi là Tâm thức trẻ thơ của Phật. Nhưng vẫn còn chủ thể thấy. Nhà Tâm của cô ấy vẫn còn xa lắm. Cô ấy phải kiếm kịch liệt hơn nữa!
📩 CHỨNG ĐẠI NGỘ - 25 tháng 12

 Lão sư Đại Vân thân mến,

Hôm nay lần đầu tiên con đạt đại ngộ. Con quá vui đến nỗi cả con người đã nhảy múa bất chấp tình trạng sức khỏe. Ngoài thầy ra không ai có thể có khả năng hiểu được trạng thái ngây ngất như thế.

Con đã đạt đến điểm thực bắt được Trâu và tuyệt đối không có mê hoặc nào hết.

(Bây giờ lần đầu tiên con đã tìm thấy Đạo - đã nhận ra trọn vẹn Tâm con. Con đã thoát khỏi mê hoặc, nó không còn bám rễ nữa.)

Kỳ diệu thay! Kỳ diệu thay!

Không có Trâu cũng không có người. Về mặt cá nhân con phải đến tạ ơn thầy lập tức, nhưng vì phải giữ gìn sức khỏe, con không thể đến được, vì thế con xin tỏ lòng biết ơn sâu xa qua bức thư này, từ tận đáy lòng, con xin chắp tay cảm ơn thầy.
Chư Phật và chư Tổ đã không lừa dối con! Con đã thấy Bộ mặt trước khi cha sinh mẹ đẻ của con rõ hơn viên kim cương trong lòng bàn tay. Chân lý tuyệt đối từng lời của chư Tổ và các kinh đã hiện ra trước mắt con với vẻ trong sáng như pha lê, con không còn cần độc tham nữa, và bây giờ đối với con, tất cả mọi công án tựa như những vật vô dụng. Dù cho con có muốn độ, cũng không có chúng sanh nào để độ. Những ai chỉ mới đạt kiến tánh sẽ không biết được tâm thái tự do vô giới hạn và bình an sâu xa này. Thực ra người ta không thể biết nó cho đến lúc đạt giác ngộ đầy đủ. Nếu sau khi đọc thư này mà thầy còn nói với con những lời vô nghĩa, con sẽ không ngần ngại mà nói rằng: nhận thức của thầy còn thiếu sót.

(Hay lắm! Hay lắm! Đây là giai đoạn đứng trên đỉnh cô đơn, hay đã trở về nhà. Song ta vẫn phải nói những chuyện vô lý với con. Ngày nào đó con sẽ hiểu tại sao.)

Con nợ thầy nhiều lắm. Khi nghĩ rằng đã thực hiện Đại Nguyện của mình qua vô số kiếp quá khứ mà bây giờ con có thể theo thầy độc tham được, con biết ơn vô cùng.

(Cũng hãy còn quá sớm. Song ngày nay, trong số những người gọi là ngộ, có mấy ai tạo được sự kiên định nội tâm như thế. Ta rất vui thấy điều ấy tiết lộ qua lời con.)

Con mắt Tâm của con tuyệt đối giống y như con mắt Tâm của thầy. Chư Phật và ma quỉ cũng không thể làm con nản lòng được. Trạng thái này thách thức mọi ngôn từ diễn đạt. Con đã quên hết mọi sự và trở về Nhà với hai bàn tay trắng.

(Tổ Đạo Nguyên đã trở về đấy ư?Đây là Pháp thân thanh tịnh, tức Phật Tỳ-lô-xá-na,{Vairochana}.)

Thế giới của con đã được cách mạng. Những nỗ lực đầy lo lắng của con trong quá khứ thực vô ích và không cần thiết! Theo lời chỉ dạy khôn ngoan và khuyên nhủ kiên nhẫn của thầy, con sẽ không cho phép con hài lòng yên nghỉ với sự bình an nhỏ bé mà tâm vẫn còn mê hoặc của con tin là đáng giá. Con không thể nào nói được con vui như thế nào và biết ơn làm sao vì trạng thái hiện tại của mình. Đây là toàn bộ kết quả của sự tọa thiền liên tục, của quyết tâm không bao giờ ngừng vì một thành công nhỏ nào và sẽ tiếp tục bất chấp qua bao nhiêu kiếp.

(Lòng sùng kính kịch liệt của con – và con là một tín đồ tại gia – thực đáng kinh ngạc.)

Giờ đây con có thể bắt đầu việc làm vô tận là độ tất cả chúng sanh. Việc này khiến con vô cùng sung sướng đến độ con khó có thể giấu kín được.

Tất cả sáng ngời, sáng ngời thuần khiết. Giờ đây con có thể tiến mãi hướng về sự toàn hảo hòa hợp tự nhiên với cuộc sống hàng ngày.

(Con đã thực hiểu rồi đấy. Điều ấy đúng biết bao. Ngày nay có mấy ai gọi là Thiền nhân có được nhận thức thâm sâu như thế?)

Con đã sống lại vĩnh viễn như thầy và mọi sự vật khác. Khi đọc thư này, con tin, thầy cũng sẽ nhỏ lệ tạ ơn.

(Ta rất biết ơn vì đã có được một môn đệ như con. Đến độ giờ đây ta có thể chết một cách sung sướng.)

Chỉ một mình thầy là có thể hiểu được con. Song không có thầy cũng không có con. Thân tâm con thực ra đã được xả bỏ hoàn toàn rồi.

Con sẽ cố gắng cải thiện sức khỏe của con, tu dưỡng đạo hạnh và cảnh giác thời cơ để dạy Phật giáo. Con đang ở giữa Con Đường Lớn, nơi đây mọi vật đều tự nhiên, không gượng ép, không vội vã cũng không ngập ngừng, nơi đây không có Phật, không có thầy, không có gì hết, nơi đây con không thấy bằng mắt, không nghe bằng tai. Không còn chút dấu vết nào của những gì con viết. Không có viết, không có giấy cũng không có chữ - không có gì hết.

Vì không thể nói với ai điều này trừ với người tự thân kinh nghiệm nó, nên con viết cho thầy. Con tưởng thầy phải sung sướng vì có một đứa học trò như thế khi con đã uống rất sâu dòng suối trí tuệ của thầy. Con xin quì lạy chín lần để tỏ lòng thành biết ơn.

👩 Yaeko 👩
Tổng bình:

Độ giác ngộ này gọi là “bắt được Trâu”- nói cách khác, đạt chân Đạo. Ấy là trở về Nhà hay là thành tựu trí căn bản. Tiến thêm bước nữa là thể hiện trí thâm diệu “Trâu” này đã có sự trang nghiêm và sáng chói vô lượng.

📩 CHỨNG THÂM NGỘ

26 tháng 12

Lão sư Đại Vân thân mến,

Con thực hối tiếc và xấu hổ. Lá thư con gửi thầy hôm hai mươi lăm chắc phải khiến thầy nghĩ con đã hóa điên.

( Con không cần phải tự trách. Trạng thái mê sảng vì vui này chỉ là phản ứng sơ khởi của những người đã ngộ sâu.)

Con đã lên đến tột đỉnh cực lạc đến độ con không thể biết mình đang làm gì và cũng không thể tự dung chứa mình được nữa. Khi lấy lại được ý thức và bắt đầu suy nghĩ, con bật cười và nghĩ rằng tình cảm của con đã trở nên điên đảo làm sao. Rồi con đã có thể thưởng thức ý vị câu chuyện về Diễn Nhã Đạt Đa, người đã hóa điên vì tin rằng mình bị mất đầu, và cô ta đã làm được cái việc vĩ đại là đã khám phá ra nó, mặc dù dĩ nhiên không bao giờ cô ta không có nó. Nhưng một lần nữa, con là chính con, vì thế không cần buồn về mình.

Một mặt, con luôn có những cảm giác lo lắng sợ rằng nguyện vọng đối với Phật sự của con có thể yếu đi vì sự vô nghĩa và bất lực của mình, và mặt khác, vì sợ rằng nếu con chết mà không thực sự có được kinh nghiệm Chân pháp thì có thể con không thể nhận ra nó trở lại trong nhiều kiếp.

(Phải, thực là đau đớn khủng khiếp cho những ai tin tuyệt đối vào Pháp mà đến lúc chết không được kinh nghiệm. Chỉ do cảm biết cách ấy mà người ta có thể tu tập thành khẩn như con.)

Nhưng giờ thì con đã thấm nhập sâu xa và đạt tâm nguyện không lay chuyển đối với Phật sự, rõ ràng là con có thể tiếp tục tu luyện tinh thần mãi mãi và bằng cách này con có thể thể hiện nhân cách của con đến độ đầy đủ nhất, nhờ Đại nguyện tự nhiên xuất hiện trong con, thúc đẩy độ tất cả chúng sanh.

(Ta bị nước mắt thắng rồi!)

Con không biết lời nào diễn đạt được niềm vui và lòng biết ơn của con.
Hoàn toàn không chểnh mảng tọa thiền, mọi tâm ý con đều làm tăng sức mạnh định lực.

(Phải, phải, con thực đã hiểu!)

Con ý thức sâu xa nhu cầu chuyên cần tự tri và hiểu rõ giá trị của độc tham. Con thề không bao giờ viết lại bất cứ điều gì huênh hoang tự phụ như con đã viết hôm qua, nói rằng con đã giác ngộ hoàn toàn và do đó có thể dạy người khác độc tham.

(Con thực đã tỉnh!)

Xin thầy tha thứ cho con. Con thực đã hóa khùng đến độ mất hết sự quân bình giác thức. Sau khi bình tĩnh suy nghĩ thêm nữa, con thấy rằng điều ấy khá khôi hài, song nếm được hương vị niềm vui sáng ngời như thế dù chỉ ngắn ngủi, cũng là một kỷ niệm quí biết bao!

(Tất cả Phật và Tổ đã kinh nghiệm niềm vui lớn này, ít nhất cũng một lần.)

Con nghẹn ngào vì những giọt nước mắt biết ơn, vì giờ đây con đã thực hiểu thiện và ác và cố gắng tiến tới một cách vững chắc và không mê hoặc để thực hiện đạo hạnh của mình trong và qua cuộc sống hàng ngày. Con cảm ơn thầy từ tận đáy lòng.

Xin thầy giữ gìn sức khỏe. Con rất mong lần viếng thăm sắp tới của thầy.

👩 Yaeko 👩

Tổng bình:

Ở giai đoạn này người ta đạt cái gọi là “Diệu quán sát trí” hay “Hậu đắc trí.” Ngộ vị của cô ấy có thể phân định theo Năm vị của Tổ Động Sơn. Độ sâu nhận thức tiết lộ trong bức thứ nhì tương ứng với vị thứ ba Shochurai (Chánh trung lai: ở cảnh giới này, trực quan về cái Một là tối thượng và ý thức phân biệt lắng xuống), và ngộ vị của bức thư này tương ứng với vị thứ tư, henchushi (thiên trung chí: ở cảnh giới này, người ta sống giữa vạn vật mà không có chút dấu vết tự thức nào về giác ngộ). Bây giờ có thể thực hiện các hạnh được qui cho Phổ Hiền hay Quan Âm. Trong Thiền, đây là thực hiện Bồ Tát nguyện, là sống trong tịnh độ.
Sau khi kiến tánh đa số tín đồ phải mất từ năm đến mười năm mới đạt đến giai đoạn này, cô ấy đã đạt đến đấy trong vòng chưa đầy một tuần. Ấy là nhờ lòng tin sâu xa và thuần khiết nơi Phật giáo, nhờ thệ nguyện bao la vô hạn (cô ấy đã lập qua vô số kiếp và trùm khắp tất cả chúng sinh, và nhờ cô ấy đã lắng nghe với lòng tin mọi lời Phật giáo chính truyền. Thành tựu của cô ấy thật hiếm có trong thời hiện tại. Câu chuyện đáng chú ý về quyết tâm và nhiệt tình của cô ấy đáng được ghi lại bằng đại tự để làm nguồn cảm hứng bất tử cho tất cả tín đồ Thiền.

📩 CHỨNG TRỰC NGHIỆM ĐẠI ĐẠO PHẬT GIÁO

26 tháng 12

Lão Sư Đại Vân thân mến,

Xin thầy tha thứ vì con hay viết thư cho thầy. Con đã đạt mức chứng ngộ cuối cùng có thể đạt được khi còn là môn đệ.
(Quả con như vậy.)

Con thường nghĩ: “Một người giác ngộ hẳn phải vĩ đại biết bao!” và “Người hiến mình trọn vẹn cho Phật sự hẳn đáng ngưỡng mộ biết bao!”. Nhưng con đã nhầm nhiều lắm. Từ nay con sẽ tu dưỡng đạo đức hơn nữa và không bao giờ ngừng tu tập.
Trước khi giác ngộ con rất lo lắng và thường nghĩ “Kẻ nào trở về nhà với bình an và hài lòng hẳn cao quí biết bao!”. Nhưng khi giác ngộ đầy đủ.

(Kinh nghiệm của con vạch rõ sự khác biệt giữa Thiền Vô thực và Thiền đích thực.)

Bây giờ con tự bảo: “Tại sao mi lại quá bị kích động như thế?”. Vì con đã có sự đảo ngược khác hẳn với cái gọi là “ngộ”.

(Ta rất hài lòng khi nghe con nói những lờì này. Nhưng phải giác ngộ trọn vẹn mới có thể đưa được thứ Thiền của con vào thực tế đời sống hàng ngày. )

Con đã quên hẳn giây phút giác ngộ của con và những gì xảy ra sau đó, song con có thể nói rằng con đã được con mắt ngộ chân thực, có thể nói như vậy. Nó làm con phải bật cười tự bảo: “Ấy giác ngộ viên mãn đấy!”.

Con không thể nói cho thầy biết là con biết ơn biết đến đâu vì đã là một mãi với chân Pháp, một cách trọn vẹn và tự nhiên. Đồng thời cũng cảm thấy mình rất ngu ngốc vì đã để cho sảng khoái lôi cuốn. Việc này chắc chắn khiến thầy phải mỉm cười. “Các mê hoặc” của con về mọi vật đã tự động biến mất. Nhưng chúng ta có nói với ai điều này, vì phải kính trọng Pháp.

(Nếu ta nói với người khác một cách thật cẩn thận kinh nghiệm của con, có thể nó giúp ích mà không làm hại họ, thế con đừng lo nhé.)

Chỉ có điều con không hiểu tại sao con luôn luôn làm việc như thế để tỏ lòng kính trọng Phật giáo, ngộ nhỡ có ai đạt giác ngộ đầy đủ thì sao? Con có mộng không?

👩 Yaeko 👩

Tổng bình:

Mộng ư? Hẳn rồi. Song những giấc mộng đi vào thế giới này thì không phải là mộng bình thường của đa số mà là mộng có ý nghĩa phi thường và lâu dài, thấm nhập kịch liệt trong Phật Pháp.

Giai đoạn này có thể tương ứng với vị thứ năm hay vị cao nhất gọi là kenchuto (kiêm trung đáo): cảnh giới tự nhiên tuyệt đối mà sự tương tức tương nhập của thế giới phân biệt và thế giới bình đẳng trọn vẹn đến độ người ta ý thức hay không ý thức.

Tôi thấy làm lạ vì cô ấy đã đạt đến điểm này rất nhanh. Điều cô ấy làm được chỉ có thể do lòng tin kịch liệt vào những lời Phật dạy và do cô ấy có tinh thần Bồ Tát dũng mãnh. Một người đạt đến trình độ này là đã hoàn tất những gì sự tu tập Thiền có thể thực hiện được dưới sự hướng dẫn của một bậc thầy và bắt đầu bước vào con đường tự tu đích thực. Ngày nay mấy ai hiểu được trọn vẹn như thế? Katsu!

ĐỖ ĐÌNH ĐỒNG dịch

871

Khái quát nội dung tư tưởng Phật giáo thời kỳ Lý - Tác giả: Thích Thông Thức

Thiền chỉ thực sự tồn tại khi có người biết tiếp cận vận dụng trong cuộc sống. Nếu không có con người sống thiền thì thiền chỉ là vỏ bọc của lý

18,778
CÁC KHÁI NIỆM CHỦ YẾU TRONG PHẬT GIÁO - Fabrice Midal (Hoang Phong chuyển ngữ)

CÁC KHÁI NIỆM CHỦ YẾUTRONG PHẬT GIÁO Fabrice Midal(Hoang Phong chuyển ngữ) Lời giới thiệu của người dịch : Trong một quyển sách nhỏ « Phật Giáo Nhập Môn » (ABC du Bouddhisme,

14,257
BỒ TÁT THƯỜNG CHẲNG RỜI NIỆM ĐẠI BI - KINH ĐẠI BÁT NHÃ - PHẨM VÔ SANH

Bát nhã ba la mật hay nạp thọ tất cả pháp lành, hoặc pháp Thanh Văn, pháp Bích Chi Phật, hoặc pháp Bồ Tát và Phật pháp.Nầy Xá Lợi Phất! Quá khứ

587
NGŨ UẨN VÀ VÔ NGÃ - HT. THÍCH CHƠN THIỆN

Ngũ uẩn là giáo lý rất phổ biến. “Thế Tôn thường giảng giáo lý Vô ngã đi kèm theo với sự phân tích Duyên sinh hay phân tích Ngũ uẩn. Giáo lý

792
KINH PHÁP CÚ - TỐT HƠN SỐNG MỘT NGÀY, THẤY ĐƯỢC CÁI BẤT DIỆT

Thường tôn trọng, kính lễBậc kỳ lão trưởng thượng,Bốn pháp được tăng trưởng:Thọ, sắc, lạc, sức mạnh. (109)Dầu sống một trăm nămÁc giới, không thiền định,Tốt hơn sống một ngày,Trì giới, tu

716
Top Bài Viết
Quan Hệ Thầy Trò
Niệm Tự Bạch

QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,

33,329
Giữ giới là lựa chọn tự do
Phật học Ứng Dụng

Giữ giới là lựa chọn tự do  Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc

32,747
Đạo Phật là gì?
Niệm Tự Bạch

Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí

32,660
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa
Tìm Hiểu & Học và Hành

Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt

32,430
Chùa Việt
Sách Đọc