& “Phương cách tu tập của chúng ta là đi ngược dòng, ngược hướng. Vậy chúng ta đi về đâu? Trở về nguồn nước. Đó là khía cạnh ‘nhân’ của sự tu tập. Khia cạnh ‘quả’ là ta có thể buông xả và hoàn toàn tự tại”.
& “Các giai đoạn tu tập… Thực ra các giai đoạn khác nhau không tự xưng chúng là gì. Ta tự đặt tên cho chúng. Do đó, khi nào ta còn chấp vào các danh xưng này, ta sẽ không bao giờ được giải thoát”.
& “Khi hướng dẫn người, ta phải hướng dẫn theo trình độ, theo tâm tính của họ, nhưng cuối cùng rồi tất cả đều cùng đến một đích: buông xả”.
& “Niết-bàn rất vi tế và đòi hỏi nhiều trí tuệ. Nó không phải là cái mà mãnh lực của tham có thể đạt đến. Nếu ta có thể đến đó bằng mãnh lực của lòng ham muốn, thì mọi người trên thế gian đã có mặt ở đó hết rồi”.
& “Có người nói đến, ‘Niết-bàn tạm bợ, Niết-bàn trước mắt’, nhưng Niết-bàn làm sao có thể tạm bợ? Nếu đó là Niết-bàn, nó phải luôn hiện hữu. Nếu nó không thường hằng, đó không phải là Niết-bàn”.
& “Khi người ta nói rằng Niết-bàn rỗng không, họ có ý nói rằng nó rỗng không uế nhiễm”.
& “Ngay nơi không có ai phải khổ đau, không có ai phải chết. Ngay đó. Nó (Niết-bàn) ở trong mỗi và tất cả mọi người. Nó giống như bàn tay đang lật úp, giờ bạn lật ngửa nó lên –nhưng chỉ người có trí mới làm được điều đó. Nếu ta vô minh, ta sẽ không thấy nó, không nắm bắt được nó. Ta sẽ không vượt lên được sinh, tử”.
& “Tâm khi được giải thoát giống như yếu tố lửa trong không khí. Khi lửa tắt, nó không tiêu hủy được gì. Nó chỉ bàng bạc trong không gian, nó không bám vào bất cứ thứ mồi lửa nào, nên nó không có mặt”.
“Khi tâm ‘tắt’ khỏi uế nhiễm, nó vẫn có ở đó, nhưng khi mồi lửa mới đến, nó không bắt lửa, không bám chấp – ngay cả vào bản thân của nó. Đó là cái ta gọi là buông xả”.