Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (14)


Xem mục lục

Người thực hành giáo lý sâu xa này của Sáu Yoga không bao giờ nên bằng lòng tự mãn với những kinh nghiệm tốt đẹp nhưng nhỏ bé có được trong thiền định. Thay vì thế, nó cần thực hành chuyên cần và khiêm tốn cho đến lúc chấm dứt cuộc đời… Nếu người ta thiếu cương quyết và kiên trì, nó cần thiền định về sự chóng vánh của cuộc đời và những khổ đau của sanh tử… Nếu nó ích kỷ và chấp ngã, nó cần thiền định về lòng bi, thiện ý và Bồ đề tâm…

Khi thực hành Sáu Yoga người ta phải không bao giờ bỏ qua sự thiền định của Pháp căn bản, như cầu nguyện Quy y, thiền định về lòng Bi và Bồ đề tâm, sám hối, lễ lạy, hồi hướng v.v… Nó cần thực hành những cái đó ít nhất một hay hai thời mỗi ngày. Về phần những thiền định chính trong Sáu Yoga, nó cần thực hành chúng bốn đến sáu lần mỗi ngày – khi thức thì làm Yoga Nội Nhiệt và Yoga Thân Huyễn, khi ngủ thì làm Yoga Ánh Sáng và Yoga Giấc Mộng.

Người không làm chủ được Yoga Nội Nhiệt thì không thể làm cho khí đi vào, ở lại và tan vào trong Kinh Mạch Trung Ương, cũng không thể phát hiện Bốn Cái Không hay Bốn Lạc, cũng không phóng xuất Thân Huyễn từ Ánh Sáng được. Kết quả là nó không thể thực hành Yoga Giấc Mộng và Yoga Trung Ấm một cách thích đáng… Đấy là tại sao Nội Nhiệt Tumo được xem là thực hành quan trọng nhất trong Sáu Yoga.

Bởi thế người ta cần để ít nhất một nửa hay một phần ba thời gian cho thực hành Tumo, dù công việc chính của nó là với những Yoga khác của Sáu Yoga. Đôi lúc nó cũng cần thực hành Yoga Trung Ấm và Yoga Chuyển Di để nhớ lại chúng…

NHỮNG LIÊN KẾT CỦA SÁU YOGA

(Vì Mật thừa đặt nền trên cái thấy về sự đồng nhất của sanh tử và Niết bàn, sự thăng hoa của những phiền não, và sự biểu lộ của Ba Thân Vốn Sẵn), như vậy sự thực hành Sáu Yoga có thể “nối kết” hay “kết hợp” với phiền não và Ba Thân Phật trong một số cách. Sự thực hành Yoga Tumo và Yoga Thân Huyễn trong trạng thái thức có thể được “kết hợp” với yếu tố tham ; Yoga Ánh Sáng và Yoga Giấc Mộng với si (vô minh) ; Yoga Trung Ấm và Yoga Thân Huyễn với sân.

Trầm mình vào Ánh Sáng Bổn Nguyên là kết hợp với Pháp thân ; phóng xuất từ Ánh Sáng ra Thân Huyễn làm bằng Tâm-Khí là kết hợp với Báo thân ; hòa tan những nguyên tố thô vào Kinh Mạch Trung Ương và chuyển hóa chúng thành một Mạn đà la là kết hợp với Hóa thân…

Vào lúc chết, trầm mình trong Ánh Sáng Bổn Nguyên là kết hợp với Pháp thân ; phóng xuất Thân Huyễn trong trạng thái Trung ấm là kết hợp với Báo thân ; và tái sanh trong những nơi chốn và hình thức khác nhau là kết hợp với Báo thân…

Lại nữa : Ngủ tương ứng với Pháp thân, mộng tương ứng với Báo thân, và thức dậy tương ứng với Hóa thân…

Có nhiều cách khác để “liên kết” hay ”kết hợp” Sáu Yoga với Ba Thân và những phiền não, nhưng nói như ở trên là đủ để minh họa nguyên lý tổng quát.

Những thiền giả đã làm chủ cả hai Yoga giai đoạn Phát Sanh và giai đoạn Thành Tựu và mong mỏi đạt Phật quả hoàn toàn ngay trong đời này cần thực hành “Hành Vi Bí Mật”. Tuy nhiên ngày nay ở Tây Tạng, có ít thiền giả làm được điều đó. Bởi thế không cần thiết nói kỹ chủ đề này ở đây. Những người muốn biết sẽ tham khảo ở các nguồn khác. Theo những vị thầy của dòng truyền ‘nói bên tai’, người thực hành những Hành Vi Bí Mật này không chỉ hoàn thành hai giai đoạn Phát Sanh và Thành Tựu, mà còn phải thực hành bản thân hành vi ấy đúng theo những giới luật của Tiểu thừa và Đại thừa. Nó không được nói những nhận xét thế phàm, mà thường xuyên đến những nghĩa địa, rừng núi hẻo lánh và mọi nơi vắng vẻ khác để thực hành những dâng cúng và những hành vi theo Mật thừa. Như một con thú bị thương, tâm nó không lưu ý chút gì thế gian này ; như một con sư tử, nó đi bất cứ nơi đâu không sợ hãi. Nó hành động như gió trong trời và xem cuộc đời này chẳng đáng giá gì. Tâm nó không có đối tượng như hư không ; những hành động của nó tự do như của một người điên không phân biệt…

NHỮNG THÀNH TỰU CỦA SÁU YOGA

Có hai loại thành tựu người ta có thể có từ sự thực hành Sáu Yoga, một cái thuộc về thế gian và cái kia là siêu thế gian. Thành tựu thuộc thế gian gồm (A) Bốn Thực Hiện và (B) Tám Thành Tựu (Siddhi).

THÀNH TỰU THẾ GIAN

Bốn Thực Hiện là :

(1) Đạt được năng lực ngăn chặn những tai họa và rủi ro cho mình và người khác.
(2) Đạt được năng lực tăng thêm công đức và may mắn.
(3) Năng lực thu hút những cái đáng ưa.
(4) Năng lực chiến thắng mọi trở ngại và tà ma.
Tám Thành Tựu (Siddhi) là :
(1) Đạt được một thanh gươm huyền bí đem lại mọi ước muốn.
(2) Đạt được những viên thuốc thần diệu với năng lực chữa lành.
(3) Đạt được thiên nhãn.
(4) Thần lực đi nhanh.
(5) Một thuốc chuyển hóa già thành trẻ.
(6) Năng lực tham gia vào công việc của những thiên nữ.
(7) Năng lực che dấu mình giữa đám đông.
(8) Năng lực đi xuyên qua tường, đá, núi…

Những thành tựu thế gian này có thể đạt được chỉ bằng cách thực hành Yoga Phát Sanh, nhưng Thành Tựu Siêu Thế Gian hay Tối Thượng chỉ đạt được qua sự phối hợp của Yoga Phát Sanh và Yoga Thành Tựu…

THÀNH TỰU SIÊU THẾ GIAN

Chúng ta sẽ thảo luận ngắn những giai đoạn khác nhau của Thành Tựu Siêu Thế.

Bốn giai đoạn trong Con Đường là :

(1) Người đã đi vào con đường và củng cố những thực hành và những kinh nghiệm của cả hai Yoga (Phát Sanh và Thành Tựu) được xem là đạt đến giai đoạn thứ nhất – Giai Đoạn Thu Thập Lương Thực Dự Trữ (Tư lương vị).

(2) Người có thể dẫn Tâm-Khí vào Kinh Mạch Trung Ương và phát khởi “Bốn Lạc trong tiến trình Đi Xuống” nhờ sự đi xuống của yếu tố Tâm-Khí thanh tịnh, kinh nghiệm trực tiếp Lạc-Không, tăng trưởng rất nhiều công đức thế gian của khí và kinh mạch, được nói là đạt đến giai đoạn thứ hai – Giai Đoạn Thấy (Kiến đạo vị).

(3) Người có thể đẩy lên yếu tố thanh tịnh của Hạt Tig-le theo kinh mạch trung ương, làm phát khởi “Bốn Lạc trong tiến trình Đi Lên”, ổn định Hạt trong trung tâm Đầu, lần lượt cởi những nút thắt làm vướng mắc kinh mạch trung ương, quét sạch mọi kết bế trong sáu luân xa, và loại bỏ tuần tự hai mươi mốt ngàn sáu trăm khí thuộc nghiệp, được nói là đã đạt đến giai đoạn thứ ba và thứ tư – gồm những Giai Đoạn Giác Ngộ Ban Đầu và Giác Ngộ Sâu Hơn, nghĩa là từ địa thứ nhất đến địa thứ mười hai.

(4) Người có thể tịnh hóa những khí, kinh mạch và hạt vi tế nhất, chuyển hóa thân vật chất thành Thân Cầu Vồng, tịnh hóa ba mươi hai kinh mạch và tám mươi tư tưởng phân biệt – như vậy làm hiển lộ ba mươi hai tướng chánh và tám mươi tướng phụ của Thân Phật – được nói là đã đạt đến Phật quả hoàn toàn của địa thứ mười ba của Vajradhara. Vì Tâm-Khí của người ấy là Tâm-Khí của Trí Huệ, và vì âm A và âm Ham(24) hợp nhất trọn vẹn, người ấy đạt được Báo thân tối hậu Hai trong Một của Phật quả. Sự không phân biệt của lòng Bi và tánh Không trong người ấy được gọi là Pháp thân ; Đại Lạc và Vinh Quang vô biên trong người ấy được gọi là Báo thân ; vô số sắc tướng và phô diễn sanh ra cho lợi lạc của chúng sanh từ người ấy được gọi là Hóa thân. Nhất thể của ba thân này được gọi là Pháp Giới thân (Toàn Thể tánh). Với Bốn Thân này người ấy sẽ chuyển Bánh Xe Pháp để giải thoát cho tất cả chúng sanh cho đến khi sanh tử chấm dứt…

Xem mục lục