Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

A Nan, thiện nam tử kia tu Tam ma địa, khi tưởng ấm hết rồi thì những mộng tưởng bình thường của người ấy tiêu diệt, thức ngủ luôn luôn là một tánh giác minh rỗng lặng như hư không trong trẻo, không còn những sự bóng dáng tiền trần thô trọng. Xem những núi sông, đất đai trong thế gian như gương sáng, đến không dính vào đâu, qua không dấu vết, rỗng rang chiếu ứng, rõ ràng không còn các trần tập, chỉ một tánh chân.

Căn nguyên của sanh diệt từ đây phơi lộ ra, thấy được mười hai loài chúng sanh mười phương, rõ hết các loài, tuy chưa thông suốt manh mối mạng căn của mỗi chúng sanh, giống như bóng ngựa hoang trên đồng, lăng xăng chớp nhoáng hiện ra, làm các then chốt phát sanh của phù căn trần. Đây gọi là phạm vi của Hành ấm.

Nếu cái cội gốc của những lăng xăng chớp nhoáng đó nhập vào tánh lặng trong bản nhiên, những tập khí hóa thành một nguồn trong lặng, như các làn sóng diệt hết hóa thành nước trong lặng thì gọi là Hành ấm hết. Người ấy liền có thể vượt khỏi khỏi Chúng sanh trược. Quán sát nguyên do, cội gốc là vọng tưởng u ẩn.

………………………………………..

Phạm vi của hành ấm là:

– Nhìn ra cội gốc của hành ấm là vọng tưởng u ẩn, lăng xăng chớp nhoáng.

– Thức ngủ luôn luôn là một. Một đó là tánh giác minh rỗng lặng như hư không, không còn những bóng dáng tiền trần thô nặng.

– Tất cả nằm trong một gương sáng, các bóng (núi sông, đất đai…) đi đến đều không dính dáng, rỗng rang chiếu ứng, chỉ một tánh chân. Những tập khí hóa thành một nguồn trong lặng.

– Thấy cơ sở sanh diệt chung, cội nguồn chiếu hiện ra sanh tử, dù chưa triệt để. Và cũng thấy cội nguồn của Niết bàn là tánh trong lặng bản nhiên.

Những kinh nghiệm này có vẻ giống như kinh nghiệm trục tiếp thấy biết tánh Không, nhưng thật ra chưa đạt được Kiến đạo vị. Vì chưa có tánh Không làm nền tảng để tu hành nên dễ sa vào lầm lạc. Phải nói rằng khi đang ở trong các ấm, nếu tu hành đúng đắn và đủ phước đức, người ta vẫn có thể đạt được Kiến đạo vị, chứ không phải đợi đến cái cuối cùng là thức ấm. Phải nói rằng khi đang ở trong các ấm, nếu tu hành đúng đắn và đủ phước đức, người ta vẫn có thể đạt được Kiến đạo vị, chứ không phải đợi đến cái cuối cùng là thức ấm.

………………………………..

1. A Nan nên biết, các thiện nam tử được cái biết chân chánh trong Xa ma tha thì chánh tâm đứng lặng sáng suốt, mười loài thiên ma không có dịp quấy phá, mới cứu xét cùng tột cội gốc các loài chúng sanh. Trong cái cội gốc của các loài chúng sanh, nguồn gốc sự sống bày lộ ra. Quán xét cái cội nguồn máy động lăng xăng cùng khắp u ẩn kia lại mống tâm so đo suy diễn trong tánh vốn viên mãn thì người ấy rơi vào hai thứ luận Vô nhân.

Một là, người ấy thấy nguồn gốc không có nhân. Vì sao thế? Người ấy đã được cơ sở của sanh diệt hoàn toàn lộ ra, nương theo tám trăm công đức của nhãn căn mà thấy trong tám muôn kiếp, tất cả chúng sanh theo dòng nghiệp mà xoay vần, chết đây sanh kia. Chỉ thấy chúng sanh luân hồi trong đó, ngoài tám muôn kiếp thì mờ mịt không thấy gì, bèn khởi tâm suy diễn rằng những loài chúng sanh mười phương trong thế gian này trước tám vạn kiếp không có nhân mà tự có. Do sự suy diễn này, bỏ mất Chánh biến tri, rơi lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Giác ngộ.

Hai là, người ấy thấy cái ngọn không có nhân. Vì sao thế? Người ấy đã thấy được cội gốc của sanh diệt, biết người sanh ra người, rõ chim sanh ra chim, quạ xưa nay đen, hạc xưa nay trắng, loài người loài trời thì thân thẳng đứng, súc sanh thì thân nằm ngang, màu trắng không do tẩy mà thành, màu đen không do nhuộm mà ra. Suốt tám muôn kiếp không hề thay đổi, sống hết đời này thân hình cũng như vậy, mà mình xưa nay không thấy Bồ đề, làm sao có chuyện thành tựu Bồ đề, rồi cho rằng tất cả sự vật ngày nay đều không có nhân. Do so đo suy diễn như vậy bỏ mất Chánh biến tri, rơi lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Giác ngộ.

Đây gọi là ngoại đạo thứ nhất, lập ra luận vô nhân.

……………………………………

Cái định trong Xa ma tha đến hành ấm thì đã rất mạnh, ‘‘chánh tâm đứng lặng sáng suốt’’, do đó không còn bị thiên ma ảnh hưởng. Sự sai lầm bây giờ chỉ do tự mình quán sát và tư duy sai lầm.

Xét cùng tội gốc sanh loại, tức là nguồn tánh, mà chưa tột, chưa thấu đáo mà khởi vọng tưởng so đo tính toán suy diễn bèn rơi vào các luận sai lầm. Đây là cái quán sát thiên lệch, chẳng phải chánh quán không lìa nền tảng tánh Không.

Không thấy hết được gốc sanh tử rồi suy diễn sanh tử vốn không có nhân. Nếu bây giờ sanh tử có nhân là nghiệp thì sanh tử từ vô thủy cũng phải có nhân là nghiệp.

Chấp gốc không có nhân, rồi ngọn cũng không có nhân. Cái tà kiến này là do thức so đo suy diễn mà thành đoạn diệt. Tánh Không không phải là không có nhân quả, tánh Không có nhân quả nhưng nhân quả là vô tự tánh.

…………………………………….

2. A Nan, các thiện nam tử trong tam ma địa ấy, chánh tâm lặng sáng, ma không còn cơ hội, bèn cứu xét cùng tột cội gốc sanh loại, xem thấy cái cội nguồn giản phác u ẩn thường máy động kia, trong tánh viên thường lại khởi lên so tính thì người ấy sa vào bốn cái luận biến thường.

Một là người ấy xét cùng tánh của tâm và cảnh, cả hai đều không có nhân. Tu tập có thể biết được trong hai vạn kiếp mười phương chúng sanh, chỗ có sanh diệt đều xoay vần không hề tan mất, nên suy tính cho đó là thường.

Hai là người ấy xét cùng nguồn gốc bốn đại, thấy bốn đại thường trụ. Tu tập có thể biết được trong bốn vạn kiếp mười phương chúng sanh, chỗ có sanh diệt đều nằm trong bản thể thường hằng không hề tan mất, nên suy tính cho đó là thường.

Ba là người ấy xét cùng sáu căn, trong tâm, ý, ý thức, do thức Mạt na chấp thọ thì thấy gốc gác nguyên do tánh vẫn thường hằng. Tu tập có thể biết được trong tám vạn kiếp, tất cả chúng sanh xoay vần chẳng mất, bản lai thường trụ. Xét cùng tánh không mất đó rồi suy tính cho đó là thường.

Bốn là người ấy đã hết tưởng ấm, cái lẽ sanh diệt không còn, sự trôi chuyển dừng lặng, tâm tưởng sanh diệt nay đã vĩnh diệt dứt, thì trong lý tự nhiên thành cái chẳng sanh diệt. Do tâm suy tính cho đó là thường.

Do sự so tính cho là thường ấy, bỏ mất Chánh biến tri, sa vào ngoại đạo, mê lầm tánh Giác ngộ. Đây gọi là ngoại đạo thứ hai, lập ra những luận viên thường.

…………………………………

Xét cùng nguồn gốc của tâm thức và sự vật, nhưng vẫn còn sự chấp thọ của thức Mạt na rồi suy tính trên tâm Diệu Minh cho là thường. Suy tính và đặt tên là một cạm bẫy của thức, lọt vào đó là tà kiến, và tà kiến được gọi là ngoại đạo.

Đây là quán sai lầm, bỏ mất chánh kiến là Chánh kiến tri.

………………………………..

3. Lại các thiện nam tử ấy trong tam ma địa chánh tâm đứng lặng kiên cố, ma không còn cơ hội, bèn quán xét cùng tột cội gốc sanh loại, xem thấy cái cội nguồn giản phác u ẩn thường máy động kia, lại khởi tâm so tính ra cái ta và cái khác ta, thì người ấy sa vào bốn kiến chấp điên đảo, là những luận ‘một phần thường, một phần vô thường’.

Một là người ấy quán sát tâm diệu minh lặng nhiên khắp mười phương cõi, cho là Thần ngã rốt ráo. Từ đó mà suy diễn rằng ta khắp mười phương, lặng sáng chẳng động, còn tất cả chúng sanh thì ở trong tâm ta, tự sanh tự chết, vậy tâm tánh của ta thì gọi là thường, còn các thứ sanh diệt kia thì vô thường.

Hai là người ấy không quán xét cái tâm, lại quán xét khắp mười phương hằng sa cõi nước, thấy chỗ kiếp hoại thì cho là chủng tánh rốt ráo vô thường, còn chỗ kiếp chẳng hoại thì gọi là rốt ráo thường.

Ba là người ấy riêng quán xét tâm mình thấy nó tinh tế nhỏ nhiệm giống như vi trần lưu chuyển trong mười phương mà tánh không dời đổi, có thể khiến cái thân này liền sanh liền diệt. Rồi cho cái tánh chẳng hoại ấy là tánh thường của mình, còn tất cả sự sanh tử từ tánh thường của mình lưu xuất thì gọi là tánh vô thường.

Bốn là người ấy biết tưởng ấm hết, thấy dòng hành ấm, suy tính rằng sự trôi chuyển không ngừng của hành ấm là tánh thường, còn sắc, thọ, tưởng nay đã diệt thì gọi là vô thường.

Do sự suy tính một phần thường, một phần vô thường ấy mà sa lạc vào ngoại đạo mê lầm tánh Giác ngộ. Đây gọi là ngoại đạo thứ ba, lập ra những luận một phần thường, một phần vô thường.

…………………………………..

Có cái ta và cái khác ta, có tâm riêng cảnh riêng, có kiếp không hoại và kiếp hoại, có hành ấm tách biệt với sắc thọ tưởng ấm, thì sẽ suy diễn một bên thường và bên kia vô thường.

Bởi vì tâm chưa khắp, thân chưa khắp, nên mới có tâm là thường, thân là vô thường. Bởi vì giác ngộ chưa khắp nên mới có giác ngộ là thường, thế giới chúng sanh là vô thường. Bởi vì Niết bàn chưa khắp, nên mới có Niết bàn là thường, sanh tử là vô thường.

Kinh Duy Ma Cật nói: ‘‘Bản tánh của sanh tử là Niết bàn’’. Cho tánh là thường, không sanh không diệt, còn tướng là vô thường, có sanh có diệt thì lọt vào luận ‘một phần thường, một phần vô thường’.

Với người thật sự ở trong đạo Phật, thì tánh là không sanh không diệt, và tướng cũng không sanh không diệt, toàn tánh là tướng, toàn tướng là tánh.

…………………………………..

4. Lại các thiện nam tử trong tam ma địa ấy, chánh tâm lặng sáng, thiên ma không còn cơ hội, cứu xét cùng tột cội gốc sanh loại, xem thấy cái cội nguồn giản phác u ẩn thường máy động kia, lại sanh so tính về phần vị, thì người ấy sa vào bốn cái luận Hữu biên.

Một là, người ấy tâm so tính cái cội nguồn sanh diệt lưu chuyển không ngừng, suy nghĩ quá khứ, vị lai là hữu biên, còn cái tâm tương tục là vô biên.

Hai là, người ấy quán xét tám vạn kiếp thì thấy chúng sanh, còn trước tám vạn kiếp thì bặt không thấy nghe gì, rồi gọi chỗ không nghe gì là vô biên, còn chỗ có chúng sanh là hữu biên.

Ba là, người ấy suy tính rằng mình biết cùng khắp là được cái tánh vô biên, còn tất cả các người kia hiện ra trong cái biết của mình mà mình không hề biết tánh biết của họ, vậy thì họ không được cái tâm vô biên, chỉ có tánh hữu biên.

Bốn là người ấy xét cùng hành ấm là không, dùng chỗ hiểu biết của mình mà so lường trù tính rằng trong một thân của tất cả chúng sanh có nửa phần sanh, nửa phần diệt, và suy ra tất cả sự vật có trong thế giới đều một nửa là hữu biên, một nửa là vô biên.

Do sự suy tính hữu biên, vô biên này mà sa lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Giác ngộ. Đây gọi là ngoại đạo thứ tư, lập ra những luận hữu biên.

…………………………………..

So tính về phần vị là suy nghĩ cái gì hữu biên cái gì là vô biên. Dầu đang ở trong định, tam ma địa, nhưng vừa khởi suy nghĩ liền có hữu biên vô biên, liền có ‘‘hư không sanh trong biển Đại Giác, như bọt nổi trên biển cả, các cõi hữu lậu như vi trần, đều nương hư không mà phát sanh’’.

Người tu đạo Phật phải là: ‘‘Sanh chăng? Không thể nói. Không sanh chăng? Không thể nói. Hữu biên chẳng? Không thể nói. Vô biên chăng? Không thể nói’’.

………………………………….

5. Lại các thiện nam tử ấy trong tam ma địa chánh tâm đứng lặng kiên cố, ma không còn cơ hội, bèn quán xét cùng tột cội gốc sanh loại, xem thấy cái cội nguồn giản phác u ẩn thường máy động kia, sanh so tính về tri kiến thì người ấy sa vào bốn thứ luận hư vọng biến kế điên đảo, bất tử càn loạn.

Một là người ấy quán sát cái cội nguồn biến hóa, thấy chỗ dời đổi thì gọi là biến, thấy chỗ tương tục thì gọi là thường, thấy chỗ thấy được thì gọi là sanh, chỗ không thấy được gọi là diệt. Chỗ các nhân tương tục, không có gián đoạn thì gọi là tăng, chính trong tương tục chỗ rời nhau ở giữa gọi là giảm. Chỗ sanh ra của mỗi cái thì gọi là có, chỗ mất đi của mỗi cái thì gọi là không. Dùng lý quan sát tất cả, dùng tâm thấy chúng sai biệt.

Có người đến cầu pháp, hỏi nghĩa thì đáp rằng, ‘‘Nay ta cũng sanh cũng diệt, cũng có cũng không, cũng tăng cũng giảm’’. Trong mọi thời đều nói lộn xộn, khiến người nghe lầm loạn câu nghĩa.

Hai là người ấy quán kỹ cái tâm, mỗi mỗi không nơi chốn, nhân cái không mà biết. Có người đến hỏi, chỉ đáp một chữ, chỉ nói là Không, ngoài chữ không ra, không có gì cả.

Ba là người ấy quán kỹ cái tâm mỗi có nơi chốn, nhân cái có mà biết. Có người đến hỏi, chỉ nói là phải, ngoài chữ phải ra, không có gì cả.

Bốn là người ấy đều thấy cả có và không. Cảnh đã phân chia không cùng thì tâm cũng loạn. Có người đến hỏi thì đáp rằng, ‘‘Cũng có tức là cũng không, trong cái cũng không, chẳng phải là cũng có’’, tất cả đều càn loạn, không thể nói hết.

Do những so tính càn loạn trống rỗng như vậy mà sa lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Giác ngộ. Đây gọi là ngoại đạo thứ năm, lập ra bốn thứ hư vọng Biến kế điên đảo, bất tử càn loạn.

………………………………….

Biến kế là cái thấy biết do phân biệt hư vọng và chấp trước vào cái hư vọng ấy. Do cái vọng thấy về sanh và diệt, tăng và giảm, tâm không nơi chốn và tâm có nơi chốn rồi lập luận điên đảo, càn loạn vừa tự hại mình và làm hại người khác. Thành thử, trong tam ma đề trong tánh giác diệu minh mà vừa khởi vọng tưởng phân biệt so tính bèn sa lạc vào ngoại đạo. Vấn đề là tương ưng thật sự với tánh giác diệu minh và thâm nhập vào đó mà không để cho vô minh vọng tưởng về nó trà trộn vào. Ở trong ‘‘trực tâm là đạo tràng’’ thì con đường của tánh Giác ngộ luôn luôn thẳng tắp.

…………………………………..

6. Lại các thiện nam tử ấy trong tam ma địa chánh tâm đứng lặng kiên cố, ma không còn cơ hội, bèn quán xét cùng tột cội gốc sanh loại, xem thấy cái cội nguồn giản phác u ẩn thường máy động kia, ở nơi dòng sanh tử vô tận lại sanh so tính, thì người ấy sa vào tư tưởng điên đảo là sau khi chết có tướng.

Hoặc tự củng cố thân thể, bảo sắc là ta; hoặc thấy cái ta tròn đầy, bao trùm khắp các cõi nước bảo ta có sắc; hoặc thấy các tiền trần kia theo ta mà xoay trở về, bảo sắc thuộc về ta; hoặc thấy cái ta nương trong hành ấm mà tương tục, bảo ta ở nơi sắc. Những người ấy đều so tính mà cho rằng sau khi chết có tướng, tuần hoàn như vậy có đến mười sáu tướng.

Từ đó mà suy tính rằng rốt ráo phiền não và rốt ráo Bồ đề, hai tánh đó đi song song mà không đụng chạm gì nhau. Do sự so tính chấp ra rằng sau khi chết có tướng như vậy mà sa lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh giác ngộ. Đây gọi là ngoại đạo thứ sáu, lập ra những luận điên đảo trong năm ấm, sau khi chết có tướng.

7. Lại các thiện nam tử ấy trong tam ma địa chánh tâm đứng lặng kiên cố, ma không còn cơ hội, bèn quán xét cùng tột cội gốc sanh loại, xem thấy cái cội nguồn giản phác u ẩn thường máy động kia khởi sanh so tính các ấm sắc thọ tưởng đã diệt ở trước thì người ấy sa vào những tư tưởng điên đảo là sau khi chết không có tướng.

Người ấy thấy sắc ấm diệt, thân hình không nhân vào đâu, xét tưởng ấm diệt, tâm không bị ràng buộc vào đâu, biết thọ ấm diệt, không còn dính dáng vào đâu. Tánh các ấm ấy đã tiêu tan, dầu có sanh lý mà không có thọ tưởng, đồng như cây cỏ. Hình chất hiện tiền còn không thể nắm được, làm sao sau khi chết còn có các tướng, xoay vần như vậy mà có tám thứ luận vô tướng.

Từ đó mà suy tính rằng Niết bàn, nhân quả đều không, chỉ có danh tự suông, rốt ráo đều đoạn diệt.

Do sự suy tính, chấp sau khi chết không có tướng, như vậy nên sa lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Giác ngộ. Đây gọi là ngoại đạo thứ bảy, lập ra những luận điên đảo ‘trong năm ấm, sau khi chết không có tướng’.

…………………………………..

Do hiểu lầm năm ấm, rồi chấp sau khi chết có tướng là chấp có, phiền não cũng thật có tự tánh, cùng hiện hữu rốt ráo như Niết bàn, cả hai chẳng đụng chạm, ảnh hưởng gì nhau. Đây là chấp thường.

Còn do không biết tánh của năm ấm, rồi chấp sau khi chết không có tướng, không còn nghiệp và nghiệp báo. Cho đến chấp Niết bàn, nhân quả đều không có, bèn rơi vào chấp đoạn. Cả chấp thường và chấp đoạn đều rơi vào tà kiến ngoại đạo. Nguyên do chỉ vì quán sát chưa đến cái rốt ráo mà vội suy tính, diễn dịch bèn sanh ra vọng tưởng rồi chạy theo.

……………………………………

8. Lại các thiện nam tử ấy trong tam ma địa chánh tâm đứng lặng kiên cố, ma không còn cơ hội, bèn quán xét cùng tột cội gốc sanh loại, xem thấy cái cội nguồn giản phác u ẩn thường máy động kia khởi sanh so tính về hành ấm còn và thọ tưởng ấm đã diệt, lại so tính cái có và cái không, tự thể phá nhau, thì người ấy lọt vào những luận điên đảo ‘sau khi chết, có và không đều chẳng phải’,.

Người ấy thấy những ấm sắc thọ tưởng là có, nhưng chẳng phải có, hành ấm chuyển biến bên trong, là không mà chẳng phải không. Xoay vần như thế cùng tột các ấm làm ra tám tướng ‘đều chẳng phải’, tùy gặp duyên gì đều nói ‘sau khi chết vừa có tướng vừa không có tướng’.

Lại suy tính rằng hành ấm tánh nó dời đổi liên tục, tâm phát ra thông tỏ, cho rằng có, không đều chẳng phải, hư thật lộn lạo. Do sự suy tính, chấp sau khi chết ‘có không đều chẳng phải’ rồi việc về sau mù mịt tối tăm không còn lối đi, sa lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Giác ngộ. Đây gọi là ngoại đạo thứ tám, lập những luận điên đảo, chấp trong năm ấm, sau khi chết, có và không đều chẳng phải.

9. Lại các thiện nam tử ấy trong tam ma địa chánh tâm đứng lặng kiên cố, ma không còn cơ hội, bèn quán xét cùng tột cội gốc sanh loại, xem thấy cái cội nguồn giản phác u ẩn thường máy động kia, khởi sanh so tính rằng về sau này là không, thì lọt vào bảy thứ luận đoạn diệt.

Hoặc chấp thân này là diệt, hoặc hết dục là diệt, hoặc hết khổ là diệt, hoặc cực lạc là diệt, hoặc tột xả là diệt. Xoay vần như vậy cùng tột bảy phương diện, cho rằng hiện tiền đều tiêu diệt, diệt rồi không trở lại nữa. Do sự so tính ‘sau khi chết là đoạn diệt’ như vậy, sa lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Giác ngộ. Đây gọi là ngoại đạo thứ chín, lập những luận điên đảo, ‘sau khi chết là đoạn diệt’.

…………………………………..

Đây vẫn là so tính, suy diễn về sau cái chết. ‘Sau khi chết, có không đều chẳng phải’ và ‘sau khi chết là đoạn diệt’, từ vọng tưởng phân biệt ban đầu cứ tiếp tục suy diễn ra nhiều vọng tưởng điên đảo khác, như chàng Diễn Nhã Đạt Đa thấy mình không có đầu rồi cho cái đầu trong gương là ma quái, điên cuồng bỏ chạy. Có là một vọng tưởng, không là một vọng tưởng. Khi đã rơi vào vọng tưởng có, vọng tưởng không thì càng suy tính, so lường, phân biệt thì càng tự chôn mình bằng vô số vọng tưởng khác. Khi đã khởi niệm có không, còn mất là đã lọt vào lưới vọng tưởng, càng tư duy lưới càng siết chặt.

………………………………….

10. Lại các thiện nam tử ấy trong tam ma địa chánh tâm đứng lặng kiên cố, ma không còn cơ hội, bèn quán xét cùng tột cội gốc sanh loại, xem thấy cái cội nguồn giản phác u ẩn thường máy động kia khởi sanh so tính rằng đời sau là có, thì người ấy sa vào năm thứ luận Niết bàn.

Hoặc lấy dục giới làm cái chuyển y chánh thật, do xem thấy nhiều ánh sáng mà sanh yêu mến. Hoặc lấy sơ thiền làm cái chuyển y chánh thật, vì thấy cõi này không có lo buồn. Hoặc lấy nhị thiền  vì tâm không còn khổ thọ. Hoặc lấy tam thiền vì rất vui đẹp. Hoặc lấy tứ thiền, vì khổ vui đều hết, không còn chịu luân hồi sanh diệt. Người ấy mê lầm nơi cõi trời hữu lậu, cho là vô vi, năm chỗ ấy là an ổn, là chỗ y nương thanh tịnh thù thắng. Xoay vần như vậy rốt ráo có năm chỗ.

Do so tính chấp trước năm thứ Niết bàn hiện có như thế mà sa lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Giác ngộ. Đây gọi là ngoại đạo thứ mười lập ra những luận điên đảo ‘trong năm ấm có năm thứ Niết bàn hiện có’.

…………………………………

Cái chuyển y là cái cơ sở, cái nền tảng để nương (y) vào đó mà chuyển hóa thành Niết bàn. Nếu cho dục giới và tứ thiền là nền tảng để chuyển y thì tất cả các chỗ để chuyển y ấy đều vô thường, chưa rốt ráo nên được gọi là không ‘‘chánh thật’’. Như kinh này trước đã nói chỗ chuyển y, nền tảng chuyển y không phải là phần nào trong ba cõi, mà phải vượt thoát ba cõi. Đó là Như Lai tạng diệu chân như tánh.

…………………………………….

A Nan, mười thứ hiểu cuồng loạn trong thiền na như thế đều do hành ấm và tâm dụng công giao xen nhau, nên hiện ra những cái hiểu đó. Chúng sanh ngu mê không tự lượng xét, gặp các cảnh ấy hiện ra, lấy cái mê làm ngộ, tự cho là chứng thánh, thành tội đại vọng ngữ mà đọa ngục Vô gián.

Các ông phải đem lời của Như Lai, sau khi ta diệt độ, truyền dạy cho đời mạt pháp, khiến cho tất cả chúng sanh hiểu rõ nghĩa này, không để cho ma tâm tự gây nên những tội lỗi sâu nặng, giữ gìn che chở cho chúng sanh tiêu diệt các tà kiến, dạy cho thân tâm họ giác ngộ chân nghĩa, không mắc vào các lối rẻ trong đạo vô thượng. Chớ để họ được một ít đã cho là đủ, cần nêu ra lời chỉ dạy thanh tịnh của bậc Đại Giác.

……………………………………

Ở tưởng ấm thì thiên ma làm mê lầm là chủ yếu. Ở hành ấm thì ma trong tâm làm sai lạc là chủ yếu. Đó là các vọng tưởng tà kiến khiến lạc vào các lối rẻ và được một ít tự cho là đủ.

Để khỏi bị các bệnh này, người tu hành phải thường xuyên cầu nguyện những vị ở trên hướng dẫn, hộ trì,  vì như Kinh Hoa Nghiêm nói, nếu không có các vị Đại Bồ tát ở các địa trên giúp đỡ thì người tu hành khó bước lên một địa trên.

Thế nên càng tu thì sự quy y Tam Bảo phải càng sâu sắc, cho đến khi hợp làm một.Tu là làm cho những cái đã làm lúc ban đầu, quy y, phát Bồ đề tâm, nguyện độ chúng sanh… càng thêm sâu rộng, càng biến thành sự thực, chứ không bỏ một cái nào.

Xem mục lục