Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

A Nan, nghĩa thứ nhất là : nếu các ông muốn rời bỏ Thanh Văn, tu Bồ tát thừa, nhập tri kiến Phật, thì nên quán sát kỹ cái nhân địa phát tâm và quả địa giác ngộ là đồng hay khác ?
A Nan, nếu ở nơi nhân địa mà lấy cái tâm sanh diệt làm gốc, làm nhân tu hành để cầu quả bất sanh bất diệt của Phật thừa thì thật không thể có chuyện ấy được.

……………………………………….

Tiến trình tu Phật theo Kinh Pháp Hoa là Khai, Thị, Ngộ, Nhập. Các bậc đạo sư khai thị cái bất sanh bất diệt vốn ở nơi chúng ta cho chúng ta. Rồi chúng ta ngộ cái bất sanh bất diệt ấy, sau đó nhập cái bất sanh bất diệt cho đến cứu cánh.

Thế nên tất cả các tông phái Đại thừa đều lấy nhân địa là cái thấy tánh bất sanh bất diệt ấy cho đến cứu cánh là giác ngộ hoàn toàn.

Không thấy cái nhân địa bất sanh bất diệt này mà tu hành trên một cơ sở sanh diệt thì kết quả chỉ là một loại sanh diệt mà thôi. Bởi thế “ nên quán kỹ cái nhân địa phát tâm và quả địa giác ngộ là đồng hay khác” . Không khác thì từ đầu con đường cho đến cuối cùng chỉ có một vị Giác ngộ, một vị Phật mà thôi.

Khi thấy trực tiếp được Như Lai tạng diệu chân như tánh bất sanh bất diệt này thì chỗ nào lúc nào cũng thấy được nó, tương ưng, tùy thuận được với nó. Sự thâm nhập này, sự tu hành này được gọi là Diệu: “ con đường diệu tu hành Vô thượng thừa” .

………………………………………

Do nghĩa ấy, ông phải thấy rõ các pháp có thể tạo tác ở thế gian đều theo sự biến diệt. A Nan, ông xem các pháp có thể làm ra ở thế gian, có cái gì là không hoại diệt, nhưng không hề nghe hư không tan hoại. Vì sao thế ? Vì hư không chẳng có thể làm ra, do đó trước sau trọn không hoại diệt vậy.

Trong thân ông tướng cứng là đất, thấm ướt là nước, hơi ấm là lửa, lay động là gió. Do bốn thứ ràng buộc này phân chia Diệu Giác Minh Tâm trong lặng tròn khắp của ông thành ra cái thấy, nghe, biết, nghĩ, từ đầu đến cuối tạo thành năm lớp vẩn đục.

Thế nào là đục ? A Nan, ví như nước trong, thanh khiết bổn nhiên, còn các thứ bụi đất, tro cát bản chất là ngăn ngại. Hai thể chất như vậy thì không hợp nhau được. Có người thế gian lấy bụi đất kia ném vào nước sạch thì đất mất đi ngăn ngại, nước mất thanh khiết, hình trạng hỗn loạn gọi là vẩn đục. Năm lớp vẩn đục của ông cũng giống như vậy.

A Nan, ông thấy hư không khắp cả mười phương thế giới, hư không và cái thấy chẳng phân chia. Có hư không mà không có thật thể, có cái thấy mà không có hay biết, hai bên đan nhau hư vọng mà thành. Đây là lớp thứ nhất gọi là Kiếp trược.

Thân ông hiện bám giữ bốn đại làm thể, che lấp sự thấy nghe hiểu biết khiến bị ngăn ngại, trở lại làm cho đất, nước, lửa, gió thành có cái hay, biết, chúng đan nhau hư vọng mà thành. Đây là lớp thứ hai gọi là Kiến trược.

Lại trong tâm ông, những sự nhớ, biết, học tập mà phát ra thấy biết, dung chứa hiện ra sáu trần. Lìa trần thì không có tướng; lìa hiểu biết thì không có tánh, đan nhau hư vọng mà thành. Đây là lớp thứ ba gọi là Phiền não trược.

Lại tâm ông ngày đêm sanh diệt không ngừng, cái thấy biết thì muốn ở lại thế gian, nhưng nghiệp báo xoay chuyển thì lại thường dời đi các cõi, đan nhau hư vọng mà thành. Đây là lớp thứ tư gọi là Chúng sanh trược.

Cái thấy cái nghe của các ông tánh vốn không khác nhau, do các trần cách trở mà không do đâu lại sanh khác nhau. Trong tánh thì biết nhau mà trong dụng thì trái nhau. Cái đồng và cái khác mất chuẩn đích, đan nhau hư vọng mà thành. Đây là lớp thứ năm, gọi là Mạng trược.

……………………………………….

Các pháp thế gian thấy nghe hay biết được đều sanh diệt. Nhưng chúng có sanh có diệt thì vẫn diễn biến trên nền tảng không sanh không diệt. Như hoa đốm sanh diệt loạn xạ thì sự sanh diệt ấy vẫn xảy ra trên nền tảng hư không. Như tư tưởng đến đi sanh diệt thì những tư tưởng ấy vẫn xảy ra trong không gian bất động của tâm. Biết được nền tảng không sanh diệt của mọi hiện tượng, đó gọi là tánh thấy, là cửa vào, là nhân địa đồng với quả địa không sanh không diệt.

Ngay nơi cái sanh diệt là cái không sanh diệt, ngay nơi sắc là Không, đó là điều phải trực tiếp thấy, nếu muốn thực tu hành.

Khi đã lọt vào thân do bốn đại hợp thành này thì “ do bốn thứ ràng buộc ấy phân chia Diệu Giác Minh Tâm trong lặng tròn khắp của ông thành cái thấy, nghe, biết, nghĩ tạo thành năm lớp vẩn đục” . Vậy thì cái thấy, nghe, biết, nghĩ, nơi các giác quan mà không phân chia, không phân biệt thì chúng hoàn nguyên là Diệu Giác Minh Tâm trong lặng toàn khắp.

Khi đã phân chia thì hư không thành hư không trơ lì, cái thấy thành cái thấy không có hay biết. Hai cái thoái hóa này đan nhau hư vọng mà thành Kiếp trược. Nếu hư không và cái thấy có hay biết, hay có tánh giác, mà không phân chia, bèn vượt khỏi Kiếp trược mà chứng ngộ Diệu Giác Minh Tâm bổn lai.

Bám giữ bốn đại cho chúng là tác nhân của thấy nghe hiểu biết thành ra cái dụng thấy nghe hiểu biết của tánh giác bị che lấp, do đó cũng không thấy được tánh giác. Nếu thấy được “ tất cả đều là Giác”, như Kinh Viên Giác nói, bèn vượt khỏi Kiến trược.

Nhớ, biết, học tập tích chứa trong tâm mà hiện ra sáu trần. Cái thấy biết do đây chỉ là thức, “ các pháp có thể tạo tác ở thế gian đều theo sự biến diệt” , do đó hư vọng. Ngược dòng những cái biến diệt hư vọng này thì sẽ thấy được tánh giác không biến diệt, do đó vượt qua Phiền não trược.

Thức tâm ngày đêm sanh diệt không ngừng, tạo ra phiền não và nghiệp khiến xoay chuyển trong các cõi. Muốn thoát khỏi Chúng sanh trược hư vọng này, thì phải nhận ra thật tánh của thức sanh diệt này là gì.

Các cái thấy nghe hiểu biết vốn lưu xuất từ tánh giác nên không khác nhau. Biểu hiện ra dụng, ra tướng nên dễ quên mất thể, mất tánh. Sự phân chia thành khác nhau này là hư vọng. Thấy được sự vốn không phân chia này, vì cùng lưu xuất từ nguồn tánh, bèn hoàn nguyên lại tánh giác.

Cái thấy thấy hư không thì cái thấy là hư không, chẳng thể phân chia, bèn bao la trùm khắp như hư không. Đây là sự giải thoát ngay nơi cái thấy.

Chỉ cần tháo mở được một cái trược để hoàn nguyên lại tánh giác như hư không là tất cả trược đều được tháo mở. Thấy những thứ hợp thành một trược là sanh diệt, hư vọng và thấy suốt được cội nguồn của nó thì trược ấy liền được tháo mở.

Thế nên ngay nơi sự trói buộc của một trược thì đó là giải thoát. Đối với Đại thừa, tất cả trói buộc của tướng đều là cơ hội để giải thoát, để thấy tánh.

……………………………………..

A Nan, nay ông muốn cho cái thấy, nghe, hay, biết xa hợp với Thường Lạc Ngã Tịnh của Như Lai, thì trước hết phải lựa bỏ gốc rễ sanh tử, y vào cái không sanh diệt thì tánh trong lặng toàn khắp thành tựu.

Dùng cái trong lặng này mà xoay các thứ sanh diệt hư vọng trở về bản giác. Được tánh không sanh diệt của bản giác thuần sáng làm cái tâm nhân địa, như thế mà sau viên thành quả địa tu chứng.

Như lóng nước đục, đựng trong một đồ chứa để yên lặng mãi không động, thì đất cát tự chìm xuống, nước trong hiện tiền, gọi là ban đầu dẹp phục phiền não khách trần.Loại bỏ hết bùn chỉ còn nước trong, gọi là vĩnh viễn dứt hẳn căn bản vô minh.

Tướng sáng tinh thuần, tất cả biến hiện không còn là phiền não, đều hợp với diệu đức thanh tịnh Niết bàn.

……………………………………….

Muốn cho cái thấy nghe hay biết bắt đầu hợp (hợp từ xa, xa hợp) với Thường Lạc Ngã Tịnh của Phật tánh, thì ngay nơi thấy nghe hay biết không có tơ hào phân biệt nào thì Thường Lạc Ngã Tịnh hiện tiền. Đây là ‘một niệm tương ưng’, nên gọi là xa hợp. Rồi tiếp tục hộ trì cái thấy biết đã hợp với Thường Lạc Ngã Tịnh, thì gọi là tiệm tu hay diệu tu, đây là ‘niệm niệm tương ưng’, cho đến khi hợp nhất hoàn toàn.

Tánh trong lặng là không sanh diệt, bụi đục là thứ sanh diệt. Lóng nước đục, y vào cái không sanh diệt là tánh trong lặng của nước, đây là Chỉ. Dùng cái trong lặng này mà xoay các thứ sanh diệt trở về bản tánh, đây là Quán. Dùng Chỉ, Quán, và Chỉ Quán đồng thời cho tới lúc “ nước trong hiện tiền” , đây là tâm nhân địa.

Tiếp tục y vào tâm nhân địa không sanh không diệt này, “ loại bỏ hết bụi đất sanh diệt, cho đến hoàn toàn chỉ là nước trong, gọi là vĩnh viễn dứt hẳn căn bản vô minh” , đây là tiệm tu trên tâm nhân địa. Thật ra nhân địa và quả địa là một, chỉ một vị bất sanh bất diệt.

Còn nhanh hay chậm là do nghiệp phiền não chướng và sở tri chướng từng người nhiều hay ít, phương pháp tu hợp hay không hợp, có thầy hướng dẫn hay tự mình.

Cuối cùng, chỉ “ một tướng sáng tinh thuần” , chỉ một tấm gương sáng duy nhất bao trùm tất cả mọi hiện hữu. “ Tất cả biến hiện không còn là phiền não” , tất cả đều là Bồ đề, đều là Giác. Tất cả bóng trong gương đều là gương, tất cả vật trong thế giới bằng vàng đều là vàng. Tất cả đều là diệu đức thanh tịnh Niết bàn.

Xem mục lục