Một trong những khẳng định đáng ngạc nhiên nhất của Bohm là thực tại hữu hình của cuộc sống hằng ngày của chúng ta thực sự là một loại ảo giác, giống như một ảnh toàn ký vậy. Ẩn bên dưới nó là một trật tự sâu hơn của tồn tại, một cấp độ rộng lớn và nguyên thủy hơn, nơi sinh ra tất cả các đối tượng và dáng dẻ bề ngoài của thế giới vật chất, mà về nhiều phương diện, thế giới ấy rất giống với một mẩu phim toàn ảnh sinh ra một bức ảnh toàn ký. Bohm gọi cấp độ sâu hơn này của thực tại là trật tự ẩn giấu (cũng có nghĩa là bị “cuộn lại” hay “gói lại”), còn đối với cấp độ tồn tại riêng của chúng ta ông gọi là trật tự tường minh hay trật tự mở.
Sở dĩ ông sử dụng những thuật ngữ này là bởi vì ông nhìn thấy sự biểu hiện của tất cả các dạng thức trong vũ trụ đều như kết quả của vô số các cuộn lại và mở ra giữa hai trật tự này. Ví dụ, Bohm tin rằng một electron không phải là một đối tượng riêng biệt mà là một tổng thể hoặc quần thể ẩn giấu (tức được cuộn vào) trong toàn bộ không gian. Khi một dụng cụ phát hiện ra sự hiện diện của một electron đơn lẻ thì đó đơn giản là bởi vì một trong những khía cạnh của tập hợp các electron được thể hiện ra, tương tự như khi giọt mực hiện ra tại một chỗ cụ thể trong glycerine. Khi một electron dường như đang chuyển động thì đó là do một chuỗi liên tục các mở ra và cuộn vào như vậy.
Nói một các khác, các electron và tất cả các hạt khác cũng không tồn tại lâu dài và vĩnh viễn hơn so với dạng một dòng nước đang được phun ra từ một đài phun nước. Chúng được duy trì bởi một dòng liên tục tới từ trật tự ẩn giấu, và khi một hạt dường như bị hủy, thì nó cũng không mất đi đâu cả. Đơn thuần là nó được cuộn trở lại vào trật tự sâu hơn, nơi từ đó nó đã hiện ra mà thôi. Một mẩu phim toàn ảnh và hình ảnh do nó tạo ra cũng là một ví dụ về trật tự ẩn giấu và trật tự tường minh. Phim là một trật tự ẩn giấu vì hình ảnh được mã hóa dưới dạng hình ảnh giao thoa trong nó là một tổng thể ẩn giấu, được cuộn lại trong phim. Bức ảnh toàn ký do phim chiếu lên là một trật tự tường minh bởi vì nó là phiên bản mở ra và cảm nhận được của ảnh.
Việc trao đổi thường xuyên và liên tục giữa hai loại trật tự này giải thích được làm thế nào mà các hạt, như electron trong nguyên tử positronium, có thể thay hình đổi dạng từ loại hạt này thành loại hạt khác. Những thay đổi như thế có thể được xem như là một hạt, chẳng hạn như một electron, bị cuộn trở lại vào trật tự ẩn giấu, trong khi hạt kia, photon, được mở ra và chiếm chỗ của nó. Nó cũng giải thích được làm thế nào mà một hạt lượng tử lại có thể biểu hiện hoặc như một hạt hoặc như một sóng. Theo Bohm, cả hai khía cạnh này luôn cuộn vào trong quần thể của lượng tử, nhưng cách mà một người quan sát tương tác với quần thể đó sẽ xác định khía cạnh nào mở ra và khía cạnh nào vẫn còn ẩn giấu. Như vậy, vai trò của một người quan sát trong việc xác định các dạng thức của một lượng tử cũng chẳng nhiều bí ẩn hơn so với cách một thợ kim hoàn chế tác một viên đá quý, người quyết định mặt nào của nó trở nên nhìn thấy rõ và mặt nào thì không. Vì thuật ngữ ảnh toàn ký thường dùng để chỉ một hình ảnh tĩnh chứ không chuyển tải được bản chất động và hoạt động không ngừng của những cuộn vào và mở ra không sao tính trước được mà từng khoảnh khắc tạo nên vũ trụ của chúng ta, nên Bohm thích mô tả Vũ trụ không phải như là một ảnh toàn ký, mà như là một “toàn - ảnh - động” (holomovement).
Sự tồn tại của trật tự sâu hơn và được tổ chức theo nguyên lý toàn ảnh cũng giải thích được lý do tại sao ở cấp độ dưới lượng tử, thực tại lại trở nên không định xứ. Như chúng ta đã thấy, khi một cái gì đó được tổ chức theo nguyên lý toàn ảnh, thì tất cả vẻ bề ngoài của vị trí đã bị phá vỡ. Nói rằng mỗi phần của một mẩu phim toàn ảnh có chứa tất cả các thông tin sở hữu bởi tổng thể thực ra chỉ là một cách khác để nói rằng các thông tin được phân bố một cách không định xứ. Do đó, nếu vũ trụ được tổ chức theo nguyên lý toàn ảnh, thì nó cũng được chờ đợi là sẽ có các thuộc tính không định xứ.
☘️ Tính Toàn Vẹn Không Thể Phân Chia Của Vạn Vật
Kinh ngạc nhất trong số tất cả các ý tưởng của Bohm là ý tưởng về tính toàn vẹn đã được ông phát triển một cách đầy đủ. Do tất cả mọi thứ trong vũ trụ điều được làm từ kết cấu toàn ảnh liên tục của trật tự ẩn giấu, nên ông tin rằng sẽ là vô nghĩa nếu xem vũ trụ bao gồm các “phần”, cũng như sẽ là vô nghĩa nếu xem các tia nước khác nhau trong một đài phun nước là tách biệt với nước chảy ra từ đó. Một electron không phải là một “hạt cơ bản”. Nó chỉ là một cái tên được đặt ra cho một khía cạnh nào đó của một toàn ảnh động. Việc phân chia thực tại thành các phần rồi sau đó đặt tên cho những phần này luôn luôn là tùy tiện, và cũng chỉ có tính quy ước, bởi vì các hạt hạ nguyên tử, và mọi thứ khác trong vũ trụ, cũng không tách biệt với nhau rõ hơn so với các mẫu hoa văn khác nhau trên một tấm thảm trang trí công phu.
Đây là một giả thuyết sâu sắc. Trong thuyết tương đối rộng, Einstein đã làm thế giới kinh ngạc khi nói rằng không gian và thời gian không phải là các thực thể riêng biệt, mà liên kết với nhau một cách nhịp nhàng và là các phần của một tổng thể lớn hơn mà ông gọi là continuum không - thời gian. Bohm phát triển ý tưởng này lên một bước nữa cao hơn hẳn. Ông nói rằng tất cả mọi vật trong vũ trụ đều là một phần của continuum. Mặc dù có sự tách biệt biểu kiến của các vật ở cấp độ tường minh, nhưng tất cả mọi vật đều là phần mở rộng liền mạch của tất cả mọi vật khác, và cuối cùng thậm chí là những trật tự ấn giấu và tường minh còn trộn lẫn vào nhau.
Cùng tạm dừng ít phút để xem xét điều này. Hãy nhìn bàn tay bạn. Và bây giờ hãy nhìn ánh sáng phát ra từ ngọn đèn bên cạnh bạn. Rồi nhìn con chó nằm cạnh chân bạn. Tất cả (cả bạn, cả ánh sáng và cả con chó) đều cùng một bản chất. Một bản chất. Không thể phân chia. Một cái gì đó to lớn chìa vô số những cánh tay và các phụ chi của nó vào tất cả các đối tượng biểu kiến, từ các nguyên tử, các đại dương luôn sôi động cho đến các vì sao lấp lánh của vũ trụ.
Bohm cảnh báo rằng điều này không có nghĩa vũ trụ là một khối khổng lồ đồng nhất. Các vật có thể là một phần của một tổng thể không phân chia được và vẫn có những nét đặc trưng của chúng. Để minh họa những gì muốn nói, ông chỉ vào những xoáy nước thường hình thành trên một dòng sông. Thoạt nhìn, những xoáy nước như thế dường như là những thứ tách biệt và có nhiều đặc điểm riêng như kích thước, tốc độ và hướng xoáy… Nhưng xem xét kỹ lưỡng ta thấy rằng không thể xác định được nơi mà xoáy nước nào đó kết thúc và dòng sông bắt đầu. Do đó, Bohm không cho rằng sự khác biệt giữa “các vật” là vô nghĩa. Ông chỉ đơn thuần muốn chúng ta phải ý thức được một cách thường xuyên rằng việc phân chia các khía cạnh khác nhau của toàn ảnh động thành “các vật” luôn là một sự trừu tượng hóa, một cách để làm cho những khía cạnh này nổi bật lên trong nhận thức của chúng ta bởi cách tư duy của chúng ta. Trong nỗ lực để làm chính xác điều này, thay vì gọi các khía cạnh khác nhau của toàn ảnh động là “các vật”, ông thích gọi chúng là “những tổng thể phụ (hai tập con) có tính độc lập tương đối”.
Thực tế, Bohm tin rằng xu hướng gần như phổ biến của chúng ta, phân mảnh thế giới và bỏ qua sự liên kết năng động của tất cả mọi vật, chính là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề của chúng ta, không chỉ trong khoa học mà cả trong cuộc sống và xã hội. Ví dụ, chúng ta tin rằng con người có thể khai thác các bộ phận có giá trị của Trái Đất mà không ảnh hưởng đến nó. Chúng ta tin rằng có thể xử lý các bộ phận của cơ thể chúng ta mà không cần quan tâm đến toàn bộ cơ thể. Chúng ta tin rằng chúng ta có thể đối phó với các vấn đề khác nhau trong xã hội, chẳng hạn như tội phạm, nghèo đói, và nghiện ma túy mà không cần giải quyết tổng thể các vấn đề của xã hội chúng ta, v.v… Trong các bài viết của mình, Bohm đã tranh luận một cách quyết liệt rằng cách mà hiện nay chúng ta phân mảnh thế giới thành các phần không chỉ không có kết quả, mà thậm chí có thể dẫn đến sự tuyệt chủng của chúng ta.
☘️ Ý Thức Như Một Dạng Tinh Tế Hơn Của Vật Chất.
Ngoài việc giải thích được tại sao các nhà vật lý lượng tử lại phát hiện thấy nhiều ví dụ về sự liên kết lẫn nhau đến vậy khi họ thăm dò sau và vật chất, vũ trụ theo mô hình toàn ảnh của Bohm còn giải thích được nhiều câu đố khác. Một trong các câu đố đó là ảnh hưởng mà ý thức dường như có được đối với thế giới hạ nguyên tử. Như chúng ta đã thấy, Bohm bác bỏ ý tưởng cho rằng các hạt không tồn tại cho đến khi chúng được quan sát. Nhưng về nguyên tắc, ông không chống lại việc cố gắng đưa ý thức và vật lý lại với nhau. Ông chỉ đơn giản cảm thấy rằng hầu hết các nhà vật lý bắt tay làm việc đó một cách sai lầm, bởi một lần nữa họ lại cố gắng phân mảnh thực tại và nói rằng một thứ riêng biệt là ý thức tương tác với một thứ riêng biệt khác là một hạt hạ nguyên tử.
Bởi vì tất cả những thứ đó đều là những khía cạnh của toàn ảnh động, nên ông cảm thấy sẽ là vô nghĩa khi nói đến ý thức và vật chất tương tác với nhau. Theo một ý nghĩa nào đó, người quan sát cũng là đối tượng được quan sát. Người quan sát cũng là thiết bị đo, là các kết quả thực nghiệm, phòng thí nghiệm, và những làn gió thổi bên ngoài phòng thí nghiệm. Thực tế, Bohm tin rằng ý thức là một dạng tinh tế hơn của vật chất, và cơ sở cho bất kỳ mối liên hệ nào giữa nó và các dạng vật chất khác không nằm ở cấp độ thực tại của chúng ta, mà nằm sâu trong trật tự ẩn giấu. Ý thức hiện diện trong những cấp độ khác nhau của sự cuộn vào và mở ra trong toàn bộ vật chất, và có lẽ đó là lý do tại sao plasma lại có một số đặc điểm của các cơ thể sống. Như Bohm đã nói, “Khả năng động của một dạng là đặc điểm đặc trưng nhất của ý thức, và chúng ta đã có được điều gì đó tựa như ý thức trong hành vi của electron”.
Tương tự như vậy, ông tin rằng việc phân chia vũ trụ ra thành các đối tượng sống và không sống cũng không có ý nghĩa. Vật chất có tri giác và vô tri vô giác liên quan khăng khít với nhau, và sự sống cũng được cuộn vào trong khắp cả vũ trụ. Ngay cả một tảng đá, về một phương diện nào đó, cũng là sống. Bohm nói, vì sự sống và trí tuệ hiện diện không chỉ trong toàn bộ vật chất, mà còn cả trong “năng lượng”, “không gian”, “kết cấu của toàn bộ vũ trụ”, và mọi thứ khác mà chúng ta đã trừu tượng hóa từ bức toàn ảnh động và nhầm lẫn xem chúng như những đối tượng tồn tại độc lập.
Ý tưởng cho rằng ý thức và sự sống (và thực chất là vạn vật) là những tập hợp được cuộn lại khắp trong vũ trụ cũng có một mặt trái rất đáng kinh ngạc. Cũng như mỗi phần của một bức toàn ảnh chứa hình ảnh của toàn bộ vật, mỗi phần của vũ trụ cũng ẩn chứa toàn bộ vũ trụ. Điều này có nghĩa rằng nếu chúng ta biết cách làm thế nào để truy cập vào nó, chúng ta có thể tìm thấy thiên hà Andromeda trong móng tay cái của bàn tay trái. Chúng ta cũng có thể tìm thấy Cleopatra gặp Caesar lần đầu tiên, vì về nguyên tắc, toàn bộ những gì trong quá khứ và những hệ quả trong tương lai cũng được ẩn giấu trong từng khu vực nhỏ của không gian và thời gian. Mỗi tế bào trong cơ thể của chúng ta ẩn giấu toàn thể vũ trụ. Mỗi chiếc lá, mỗi giọt mưa, và mỗi hạt bụi trần cũng đều như vậy, và điều này đã mang lại ý nghĩa mới cho bài thơ nổi tiếng của William Blake:
Thấy thế giới trong một hạt cát
Và thiên đường trong một đóa hoa rừng
Giữa cái vô hạn trong lòng bàn tay bạn
Và thiên thu trong một khắc giây.
Trích “Vũ Trụ Toàn Ảnh” Tác giả: Michael Talbot Dịch giả: Phạm Văn Thiều – Nguyễn Đình Điện
NXB Trẻ, Năm 2018
Tỷ-kheo Bodhi, thế danh là Jeffrey Block, sinh năm 1944 tại Brooklyn, New York. Ngài là một tu sĩ Phật giáo theo truyền thống Theravāda.Từ những năm ở lứa tuổi đôi mươi, Phật giáo đã có sức thu hút
Trong mười năm kể từ ngày đó, lòng yêu kính Đạo Phật của tôi ngày càng thêm sâu sắc. Có lẽ quan trọng hơn, việc thực hành Đạo Phật của cá nhân
Nội dung Lời nói đầu Lời Giới thiệu của Dịch giả bản Anh ngữ Khóa Nhập thất Ba Năm, Sáu Tuần Các Trung tâm Nhập Thất: Môi trường Vật lý của chúng Thời gian Nhập Thất Các Trung
Tản mạn về văn hóa Phật giáo Việt NamChúng ta đang hối hả đi vào tương lai bằng cách sử dụng những công cụ kỹ thuật điên dại tiên tiến nhất, nhưng
Một ngày nọ, khi Milarepa đang ở trong hang động một mình thì hai vị khách tìm đến hỏi han.- Ông ở một mình à? Ông không thấy cô đơn sao?- Tôi
QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,
Giữ giới là lựa chọn tự do Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc
Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt