Trái với quan niệm thông thường hiện thời của Tây phương cho rằng trật tự xã hội của loài người tạo ra, hoàn toàn là công việc của nhân vi; tư tưởng cổ truyền của Đông phương lại khác hơn cho rằng việc người và lẽ trời là một. Cái mà ta gọi là nhân lực cũng là do thiên ý. Trình Y Xuyên đã bảo rất đúng về nội dung của kinh Dịch: “Dịch, chỉ nói về lẽ tương hợp của Trời và Người” (Dịch giả: Thiên Nhơn tương hợp nhi dĩ hỉ).
Tương hợp là trên sao dưới vậy, ngoài sao trong vậy, lớn sao nhỏ vậy: sự cấu tạo của một hộp nguyên tử đâu có khác nào sự cấu tạo của một thái dương hệ. Con người là một tiểu vũ trụ cùng với đại vũ trụ luôn luôn sống cùng một nhịp, liên quan mật thiết với nhau như các tế bào trong cùng một thân thể. Như ta đã biết, những tiết điệu chỉ huy vũ trụ hành tinh được tìm thấy lại nơi con người qua nhịp điệu của hơi thở và nhịp đập của tim.Cơ quan tương hợp đến đỗi, như Ngụy Bá Dương đã nói trong Tham Đồng Kế: “Một động, một tịnh, cái đạo của người không lúc nào không cùng trời đất tương thông. Một hô một hấp, cái khí trong con người không lúc nào mà không cùng khí Âm Dương của Trời Đất mà chẳng tương thuận tương hòa . Thuận với Trời Đất Âm Dương thì sống, nghịch với Trời Đất thiên nhiên thì chết”. Đây là căn bản của thuyết chu kỳ của Đông phương triết học.
Khoa học du hành không gian ngày nay đã công nhận chủ thuyết “thiên nhơn tương hợp” của kinh Dịch. Nhà bác học Giorgi Piccardi nói: “Đâu cần phải phóng người trong không gian giữa các hành tinh, cũng đâu cần phải đi ra khỏi xứ mình hay căn nhà mình mới thí nghiệm được ảnh hưởng vũ trụ. Con người luôn luôn sống trong lòng vũ trụ, bởi vũ trụ ở cùng khắp”.
Để nói lên cái lẻ “thiên nhơn tương hợp” René Guénon, như kinh Dịch, nói: Trật tự xã hội cùng với trật tự (tổ chức) của thiên nhiên vũ trụ thật hết sức liên quan mật thiết, chứ không phải là hai hoạt động khác nhau: ý người mà cũng là ý trời. Ta thường sống xa rời với luật của thiên nhiên nên mất hẳn liên lạc với dòng sống của vũ trụ, tưởng mình độc lập với hoàn vũ, tưởng mình tự do muốn làm gì thì làm không do đâu sai khiến cả.
Khoa học thiên văn Tây phương ngày nay cho chúng ta biết: “Luồng sóng điện trên mặt trời kích động thần kinh ta rất mạnh. Trong những lúc mặt trời xung động mạnh, trẻ con dễ trở nên quạu quọ nóng nảy, hình phạt trong các trường trẻ cũng tăng lên rất cao”. Bác sĩ Faure nghiên cứu về hiện tượng này cho biết: “Các vết đen trong mặt trời (taches solaires) làm cho những chứng bệnh cấp tính và nguy hiểm tăng độ đáng sợ, nó lại còn gây nên nhiều sự chết chóc bất ngờ, nhiều vụ tự tử không lý do, nhiều án mạng vô cùng rùng rợn”. Nhiều bác học gia khác quả quyết: “Những vết trên mặt trời chính là phạm nhân gây ra những tai nạn xe cộ, máy bay, chiến tranh và những cuộc khủng hoảng trầm trọng về kinh tế, tài chính, chính trị... Dường như con người bị những ảnh hưởng ấy mà đâm ra điên loạn. Trái lại, những năm mà mặt trời lặng yên thì trên quả đất này thiên hạ được thái bình, an cư lạc nghiệp không có những thiên tai như lụt lội, bão bùng…” Sự xung động mặt trời thường xảy ra đều đều cách nhau 11 năm, lập thành một chu kì 11 năm. Chu kỳ này khá quan trọng vì nó rất cận với đời sống chúng ta trong quả địa cầu này. Đó là chưa nói đến ảnh hưởng của mặt trăng và vũ trụ tuyến (rayons cosmiques).
Quan niệm của sử gia Tây phương ngày nay bao giờ cũng tách rời lịch sử loài người ra ngoài các vận hội của thiên nhiên. Thật là một quan niệm tự cao tự đại rất sai lầm, nếu không nói là phản khoa học”.
Theo thuyết chu kỳ, “thời hắc ám” là thời mà vật chất cai quản: mùa đông thì vạn vật dù muốn dù không đều phải bị đắm mình trong âm lạnh. Dù chân mới dẫm lên sương lạnh mà đã biết rằng thời băng giá sắp đến chẳng sai: “lý sương kiên băng chí”. Người viết sử hoặc nghiên cứu sử và hiểu rõ như vậy mới có thể dám cầm bút mà ghi nhận các sự kiện trong từng thời buổi. Muốn hiểu nghĩa của từng chữ trong một câu văn hay đoạn văn, phải nắm vững ý nghĩa của toàn thể câu văn hay đoạn văn.
Câu chuyện ngụ ngôn sau đây của Ấn Độ giáo sẽ nói lên cái chân lý “thiên nhơn tương hợp” của thuyết chu kỳ:
Một người kia có mua của một người láng giềng một miếng đất để cất nhà. Hôm đó lại trúng vào ngày chót của “thời hoàng kim” sắp chuyển qua “thời hắc ám”. Vừa mua xong, anh ấy liền bắt đầu đào đất để dựng cột, lại đào trúng một hũ vàng. Anh bèn lật đật sang nhà anh láng giềng, chủ cũ miếng đất, cho hay “Tôi mua đất, không có mua hũ vàng. Vậy xin trả lại anh hũ vàng”. Người kia nói: “Tôi mừng cho anh đó! Khi tôi bán miếng đất là tôi đã bán tất cả những gì trong đó. Như thế, nó là của anh. Tôi đâu có quyền nhận nó”.
Hai bên cứ nhường nhịn nhau mãi đến khi tối trời mà không ai chịu nhận hũ vàng cả. Họ mới đồng ý là để gát chuyện ấy qua ngày hôm sau để có một đêm về suy nghĩ lại.
Đâu ngờ, đêm ấy vào giờ Tý thế giới đang chuyển mình sang từ “thời hoàng kim” qua “thời hắc ám”: ngọn gió âm thổi tràn khắp cả địa cầu. (Nói theo kinh Dịch, quẻ Kiền chuyển thành quẻ Cấu: nhất Âm sinh). Tâm hồn cao khiết bất vụ lợi của hai người bị luồn khí hắc ám ảnh hưởng mà không hay.
Sáng ngày, hai người gặp nhau như đã hẹn. Người mua đất nói: “Tôi đã nghĩ lại. Lời nói của anh hôm qua rất hữu lý. Tôi đã mua đất là đã mua tất cả những gì chứa đựng trong đó”.
Người chủ cũ miếng đất cũng nói: “Hôm qua tôi đã nghĩ sai. Tôi chỉ bán cho anh miếng đất chứ đâu có bán hũ vàng. Đúng như lý luận của anh: anh trả lại cho tôi hũ vàng là chí lý”.
Hai người cãi nhau, ai giữ ý nấy, không ai chịu nhường cho ai hũ vàng. Họ trở nên thù địch, kéo nhau ra tòa, dùng đủ thủ đoạn pháp lý để thắng bên kia, tin rằng mình vì công lý mà tranh đấu.
Câu chuyện trên đây thực vừa sâu sắc vừa dí dỏm, nói lên một cách rõ ràng và giản dị ảnh hưởng các chu kỳ qua tâm hồn con người, như ta vừa thấy ảnh hưởng chu kỳ 11 năm của mặt trời. Qua “thời hắc ám”, tức là thời kỳ đi sâu lần vào khí âm, những người sống trong chu kỳ này dù sao cũng bị ảnh hưởng, tâm hồn bị co rút trong âm lạnh mà không hay. Thời kỳ hắc ám là thời kỳ mà chủ thuyết khoa học vật chất mệnh danh là khoa học chính xác và cơ giới đâm chồi và sinh sản dễ dàng mau lẹ nhất. Thời này, “sinh ư nê” mà “bất nhiễm ư nê” thật khó. Bậc hiền thánh cũng không sao hoàn toàn không bị xú nhiễm. Dù có ăn mặc sạch sẽ đến đâu, dù có cẩn thận vén khéo đến bực nào, khi đi ngang chợ cá tôm không làm sao giữ cho hơi thở cũng như quần áo mình đừng bị có mùi hôi. Vì vậy, đời nào cũng thế, bậc hiền giả ít ai chịu sống chen vào chốn bụi hồng mà thường ưa thích sống ở những nơi tĩnh mịch. Thơ xưa có câu: “Không sơn tịch mịch đạo tâm sinh”, còn kinh Dịch cũng đã khuyên: “Thiên địa bế, hiền nhân ẩn”.
Lạ gì những kinh sách của người xưa để lại như Kinh Dịch, Đạo Đức Kinh, Nam Hoa Kinh, Kim Cang Kinh... Đã có được mấy người để ý vì hiểu được chân giá trị của nó. Tệ hơn nữa, họ còn cho đó là những thứ sách mù mờ huyền bí mà họ đồng hóa với dị đoan mê tín. Đối với họ một là một, chứ không thể một là hai: họ chỉ hiểu hay hiểu nổi nghĩa bóng của danh từ. Ngay như quyển bible mà họ còn không hiểu nổi trong đó muốn nói gì! Khi mà văn nghệ đã tạo ra được một số danh phẩm đến mức tuyệt cao rồi, tự nhiên bắt đầu tụt xuống. Sự lên xuống ấy hoàn toàn không do một yếu tố khác nào của văn minh chi phối cả, mà chính là do sự tự nhiên đi xuống của nó sau một thời buổi lên cao như luật tiêu trưởng của Âm Dương.
---🍂🍂🍂---
Trích: Chu Dịch Huyền Giải, Tác Giả: Thu Giang Nguyễn Duy Cần - Nhà Xuất Bản Trẻ, In Lần 2 Năm 2018