CHƯƠNG 26
GIẢI THÍCH: THIỀN BA-LA-MẬT
KINH: Do không loạn không ưa đắm nên đầy đủ Thiền Ba-la-mật (Dhyāna-pāramitā).
LUẬN: Hỏi: Bồ-tát là lấy việc độ hết thảy chúng sanh làm sự nghiệp, cớ sao lại ngồi nhàn trong rừng Chằm, ở yên lặng trong núi, lo tốt riêng cho mình mà bỏ rơi chúng sanh?.
Đáp: Thân Bồ-tát tuy xa lìa chúng sanh, mà tâm thường không bỏ, ở chỗ yên vắng cầu định, chứng được trí huệ chơn thật để độ hết thảy. Ví như lúc uống thuốc nuôi thân, tạm thời dứt mọi công việc, đến khi khí lực bình phục, tráng kiện thời làm việc lại như cũ. Bồ-tát ở yên lặng cũng như vậy, dùng sức thiền định, uống thuốc trí tuệ, được sức thần thông, trở lại ở với chúng sanh, hoặc ở với cha me, vợ con, hoặc thầy trò tông trưởng, hoặc trời hoặc người, xuống đến súc sanh, dùng các thứ ngữ ngôn, phương tiện khai đạo.
Lại nữa, Bồ-tát thực hành ba sự là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, gọi là phước đức môn, trong vô lượng đời được làm Thiên-vương, Thích-đề-hoàn-nhơn, Chuyển luân Thánh vương, Diêm-phu-đề vương, thường đem y phục bảy báu thí cho chúng sanh, theo sự ưa muốn của năm căn, đời này đời
* Trang 646 *
sau đều làm cho đầy đủ, như trong kinh nói Chuyển luân Thánh vương đem mười đều thiện dạy dân tu, đời sau đều được sanh lên cõi trời,[1] đời đời làm lợi ích chúng sanh khiến được khoái lạc. Nhưng cái vui ấy vô thường, còn trở lại chịu khổ, Bồ-tát nhân đó phát tâm đại bi, muốn đem cái Niết-bàn thường vui làm lợi ích chúng sanh. Niết-bàn thường vui nầy từ trí tuệ chơn thật sanh, trí tuệ chơn thật lại từ nhất tâm thiền định sanh, ví như đốt đèn, đèn tuy cháy đỏ nhưng ở giữa gió to thời không thể dùng được, nếu để nhà kín, công dụng của nó mới toàn vẹn. Trí tuệ ở giữa tán tâm cũng như vậy, nếu không có nhà thiền định yên lặng, thời tuy có trí tuệ mà công dụng của nó không toàn, nếu được có thiền định thời trí tuệ chơn thật sanh. Do vậy nên Bồ-tát tuy xa lìa chúng sanh, ở chỗ xa vắng, để cầu được thiền định. Do thiền định thanh tịnh nên trí tuệ cũng thanh tịnh, ví như dầu và tim sạch thì ánh sáng trong. Do vậy nên người muốn được trí tuệ thanh tịnh, phải thực hành thiền định.
Lại nữa, nếu muốn cầu việc thiển cận của thế gian, mà không chuyên tâm thời sự nghiệp cũng không thành, huống gì cầu Phật đạo thậm thâm mà lại không dùng đến thiền định? Thiền định là thu nhiếp các loạn tâm, loạn tâm nhẹ bay hơn cả lông hồng, chạy tán loạn không dừng, nhanh hơn gió lốc, không thể cấm chỉ, quá hơn khỉ vượn, vừa hiện liền mất, nhanh hơn điện chớp. Tâm tướng như vậy, không thể cấm chỉ, nếu muốn chế ngăn mà không tu thiền không thể định được, như kệ nói:
[1] T. 2: Tạp a-hàm kinh (Saṃyuktāgama-雜阿含經), quyển 30, kinh số 835, tr. 214a.
* Trang 647 *
“Thiền là kho giữ trí,
Là ruộng phước công đức,
Thiền là nước thanh tịnh,
Rửa sạch các dục trần.
Thiền là áo Kim-cang,
Ngăn mũi tên phiền não,
Tuy chưa chứng Vô dư,
Đã được phần Niết-bàn.
Chứng tam muội Kim-cang,[1]
Xô nát núi kiết sử,
Được sáu thần thông lực,
Hóa độ vô lượng người.
Bụi bay che mặt trời,
Mưa lớn làm tan mất,
Gió giác quán tán tâm,
Thiền định làm tiêu diệt.”
Lại nữa, thiền định khó được, hành giả nhất tâm chuyên cầu, mới thành tựu được. Chư thiên và thần tiên còn không thể thành được huống chi người phàm phu giãi đãi! Như Phật tọa thiền dưới gốc cây Ni-câu-lô, ba người con gái của Ma vương thuyết kệ hỏi rằng:
“Độc tọa giữa rừng cây,
Sáu căn thường tịnh lặng,
Có người mất trân bảo,
Không cứu sầu thống khổ.
[1] Đại trí độ luận, quyển 47, 62; T. 2: Tăng nhất a-hàm kinh (Ekottarāgama -增壹阿含經), quyển 46, tr. 793b.
* Trang 648 *
Dung mạo đời không bằng,
Mà thường nhắm mắt ngồi,
Lòng chúng tôi có nghi:
Cầu gì mà ở đây?”.
Bấy giờ Thế Tôn nói kệ đáp:
“Ta được vị Niết-bàn,
Không ưa chỗ nhiễm ái,
Giặc trong ngoài đã trừ,
Cha ngươi cũng lui mất.
Ta được vị cam lồ,
An lạc ngồi trong rừng,
Chúng sanh bị ân ái,
Vì chúng khởi bi tâm.”
Khi ấy ba người con gái tâm sanh hổ thẹn mà tự nói rằng: “Người này ly dục không thể động được, liền biến mất không hiện.”
Hỏi: Thực hành phương tiện gì mà được thiền Ba-la-mật?.
Đáp: Bỏ năm sự (năm trần), trừ năm pháp (năm triền cái), hành năm hành (Sơ thiền năm chi là tầm, tứ, hỷ, lạc, xả).
Thế nào là bỏ năm sự? Đó là phải mắng trách năm dục.[1] Thương thay chúng sanh thường bị năm dục làm bức não, mà vẫn tìm cầu không nghĩ. Năm dục này được nó càng kịch liệt như lửa hơ ghẻ; năm dục vô ích như chó gặm xương; năm dục tăng sự tranh giành như Quạ giành thịt; năm dục thiêu đốt
[1] T. 1: Trung a-hàm kinh (Madhyamāgama-中阿含經), quyển 25, tr. 584c; T. 2: Tăng nhất a-hàm kinh (Ekottarāgama-增一阿含經), quyển 12, tr. 604c.
* Trang 649 *
người như ngược gió cầm đuốc; năm dục hại người như đạp Rắn độc; năm dục không thật như vật được trong mộng; năm dục không bền như vay mượn giây lát.[1] Người đời ngu mê tham đắm năm dục, đến chết không bỏ, vì nó mà đời sau chịu vô lượng khổ. Ví như người ngu tham đắm quả ngon, leo lên cây ăn, không chịu trụt xuống, người đốn cây, cây ngã bị rớt, thân đầu tan nát, thống não mà chết. Lại năm dục này, khi được vui chốc lát, khi mất khổ quá nhiều. Mật ngọt dính đầu mũi dao, kẻ thích ngọt ham liếm không biết họa đứt lưỡi. Năm dục ở chung với súc sanh, người trí biết rõ tự xa lìa được. Như nói có một Ưu-bà-tắc,[2] cùng các khách buôn đi xa tìm kế sống, gặp lúc tuyết lạnh, đêm đi lạc bạn, tạm trú trong một hang đá, khi ấy thần núi biến làm một người nữ đi đến muốn thử, nói kệ rằng:
“Tuyết trắng phủ núi rừng,
Chim thú đều ẩn núp,
Tôi không nơi nương cậy,
Xin dũ lòng xót thương.”
Ưu-bà-tắc lấy hai tay bịt tai mà đáp kệ rằng:
“Kẻ ác không biết hổ,
Nói lời bất tịnh ấy,
Nước trôi lửa cháy đi,
Không muốn nghe tiếng ấy.
Có vợ lòng không dục,
Huống gì tạo tà dâm,
Các dục vui rất cạn,
[1] T. 1: Trung a-hàm kinh (Madhyamāgama-中阿含經), quyển 54, tr. 763c; T. 22: Ngũ phần luật (五分律), quyển 8, tr. 56c; T. 22: Ma ha tăng kỳ luật (摩訶僧祗律), quyển 17, tr. 367a; T. 22: Tứ phần luật (Dharmagupta –vinaya-四分律), quyển 17, tr. 682a, T. 23: Thập tụng luật (十誦律), quyển 8, tr. 106a; T. 23: Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tỳ nại da (根本說一切有部毘奈耶), quyển 39, tr. 840b.
[2] Tham khảo T. 53: Kinh luật di tướng (經律異相), quyển 37, tr. 200b.
* Trang 650 *
Đại khổ hoạn rất sâu.
Các dục được không chán,
Mất nó khổ rất lớn,
Chưa được mong cho được,
Được rồi bị khổ não.
Các dục vui rất ít,
Ưu khổ độc rất nhiều,
Vì nó mất thân mạng,
Như nga sa vào đèn.”
Thần núi nghe kệ đó xong, liền vác người ấy đưa đến giữa chúng bạn. Ấy là kẻ trí quở trách dục, không thể để cho đắm trước.
Năm dục là sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, xúc mịn. Muốn cầu thiền định đều phải xa bỏ nó.
- Thế nào là xa bỏ sắc? Quán xét tai họa của sắc. Người đắm sắc, các ngọn lửa kiết sử đều bừng cháy, thiêu hại thân người, cũng như lửa đốt vàng bạc, nước sôi, mật nóng, tuy có sắc đẹp vị ngon, nhưng làm đốt thân cháy miệng, phải gấp xa bỏ nó. Nếu người nhiễm đắm sắc đẹp, vị ngon cũng như vậy.
Lại nữa, đẹp xấu tại người, chứ sắc không nhất định, sao biết? Như ở xa trông thấy người đáng yêu liền sanh tâm yêu mừng; nếu ở xa trông thấy người hung ác oan gia liền sanh tâm oán hại; nếu trông thấy người không oán không thương, thời không giận không mừng. Nếu muốn dứt bỏ tánh mừng, tánh nóng giận, thì phải trừ tà niệm và sắc, xả bỏ cả
* Trang 651 *
hai trong một lần. Ví như nấu vàng chảy cháy thân, nếu muốn trừ nó không thể chỉ bỏ lửa giữ lại vàng, mà phải vàng và lửa đều bỏ. Như vua Tần-bà-ta-la,[1] vì mê sắc nên thân vào nước địch ở một mình trong phòng dâm nữ A-phạm-bà-la. Vua Ưu-điền vì nhiễm đắm sắc nên mới cắt tay chân năm trăm tiên nhân. Các nhân duyên như vậy, gọi là mắng trách sắc dục.
- Thế nào là mắng trách tiếng? Tướng của âm thanh không dừng, vừa nghe được liền mất, người ngu si không hiểu tướng âm thanh vô thường biến mất như vậy nên đối với âm thanh, vọng sanh tâm ưa thích, đối với âm thanh đã trôi qua còn nhớ lại mà sanh tâm đắm trước. Như năm trăm tiên nhân tu ở trong núi, nghe tiếng của gái Chân-đà-la ca lên khi đang tắm trong ao núi tuyết, liền mất thiền định, tâm mê say cuồng dật, không còn tự giữ được. Ví như gió lớn thổi các cây rừng, nghe tiếng ca dịu dàng êm ái, trong trẻo ấy, sanh niệm tưởng tà vạy, cho nên không tự giác được tâm cuồng loạn, đời này mất các công đức, đời sau phải đọa đường ác. Người có trí quán biết âm thanh niệm niệm sanh diệt, trước sau không cùng lúc, không theo kịp nhau. Biết được như vậy thời không sanh tâm nhiễm trước. Những người trí như thế, âm nhạc của chư Thiên còn không làm loạn được huống là âm nhạc của loài người? Các nhân duyên như vậy, là mắng trách thanh dục.
- Thế nào là mắng trách hương? Có người nói đắm hương ít tội, nhưng nhiễm ái hương thời sẽ mở cửa cho các kiết sử, nên tuy trăm năm trì giới, có thể một ngày mất hết.
[1] T. 1: Trường a-hàm kinh (Dīrghāgama-長阿含經), tr. 13b-14c; T. 1: Phật bát nê hoàn kinh (Mahāparinirvāṇa Sutra-佛般泥洹經), tr. 163c-164b; T. 1: Bát nê hoàn kinh (般泥洹經), tr. 178c-179a; T. 22: Ngũ phần luật (五分律), quyển 20, tr. 153b-163a; T. 22: Tứ phần luật (四分律), quyển 40, tr. 856a; T. 24: Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tỳ nại da tạp sự (Mūla-sarvāstivāda-vinaya-kṣudraka-vastu-根本說一切有部毘奈耶雜事), quyển 36, tr. 385c-387c; T. 14: Nữ kỳ vực nhân duyên kinh (女祗域因緣經), tr. 896-902; T. 14: Nại nữ kỳ bà kinh (柰女耆婆經), tr. 902-906; T. 16: Ôn thất tẩy dục chúng tăng kinh (溫室洗浴眾僧經), tr. 802-803.
* Trang 652 *
Như vị A-la-hán thường vào Long cung ăn xong đưa bình bát cho Sa-di rửa, trong bát còn thừa vài hạt đồ ăn, Sa-di ngửi thấy rất thơm,[1] ăn rất ngon mới tìm cách vào núp dưới giường dây của Thầy, hai tay nắm chặt chân giường, khi Thầy đi thì cả cái giường cùng vào Long cung, Rồng nói: “Người này chưa đắc đạo, vì sao đem đến?” Thầy nói: “Vì tôi không biết....”
Sa-di đã được ăn cơm lại thấy Long nữ thân thể đoan chánh, thơm đẹp không ai bằng, tâm rất nhiễm trước, liền ước nguyện rằng: “Ta sẽ tạo phước, chiếm lấy chỗ Rồng ở, vào cung điện Rồng.” Rồng nói: “Lần sau chớ đem Sa-di ấy đến.”
Sa-di khi trở về rồi, nhất tâm lo bố thí, trì giới, chuyên cầu sở nguyện, nguyện sớm được làm Rồng. Khi ấy đi nhiễu quanh chùa, dưới chân có nước trồi lên, tự biết chắc được làm Rồng, liền đi thẳng đến bên ao lớn, chỗ trước kia Thầy đi vào, lấy Cà-sa trùm đầu mà vào, liền chết biến làm Rồng lớn, do phước đức lớn, nên giết Rồng kia, cả ao đều đỏ. Trước khi xảy ra việc ấy, Thầy và chúng Tăng quở trách, Sa-di nói: “Tâm tôi đã định, tướng của tâm đã xuất hiện.” Bấy giờ Thầy đưa chúng Tăng đi đến ao xem. Các nhân duyên như vậy là vì mê đắm mùi thơm.
Lại nữa, có một Tỳ-kheo đi kinh hành bên ao sen ở trong rừng, nghe mùi sen thơm, mũi ngửi tâm đắm, vị Thần ao nói: “Sao ông bỏ chỗ ngồi thiền định ở trong rừng kia, mà trộm hương của ta?” Vì đắm hương nên các kiết sử trước kia đã nằm xuống nay đều tỉnh dậy. Khi ấy lại có một người đi vào ao bẻ lấy nhiều hoa đào kéo gốc rễ, bỏ bậy bạ mà đi,
[1] Tham khảo T. 4: Cựu tạp thí dụ kinh (舊雜譬喻經), quyển 2, tr. 511a-512b; T. 4: Chúng kinh soạn tạp thí dụ (眾經撰雜譬喻), quyển1, tr. 533c-534c; T. 53: Kinh luật dị tướng (經律異相), tr. 121a-b.
* Trang 653 *
thần ao lặng lẽ không nói gì. Tỳ-kheo thấy vậy nói: “Người này phá ao ông, lấy hoa ông, ông không nói gì cả; còn tôi chỉ đi bên bờ ao, lại bị ông quở mắng cho là tôi ăn trộm hương?” Thần ao nói: “Người thế gian xấu ác thường ở trong phân nhơ tội cấu, bất tịnh, ngập đầu, nên không nói tới. Còn ông là người tốt hành thiền, mà đắm hương ấy, phá mất việc tốt của ông, cho nên ta quở ông. Ví như lụa trắng tinh khiết mà bị dính một điểm đen thì ai cũng thấy, còn người ác kia ví như áo đen có thêm chấm đen, người ta cũng không thấy, ai hỏi làm chi.” Các nhân duyên như vậy là mắng trách hương dục.
- Thế nào là mắng trách vị? Nên tự giác ngộ ta chỉ vì tham đắm vị ngon mà phải chịu các khổ, nước đồng sôi rót vào miệng, nuốt hoàn sắt nóng. Nếu không quán sát đồ ăn, tâm ham thích dính cứng, phải đọa trong loài trùng bất tịnh; như một Sa-di tâm thường ưa thích váng sữa, khi các Đàn-việt thiết đãi Chúng Tăng váng sữa, Sa-di được mỗi phần thừa, tâm ưa đắm, vui mừng không nguôi, sau khi mạng chung sanh vào trong bình váng sữa thừa ấy. Thầy của Sa-di đã chứng được đạo quả A-la-hán, mỗi khi Tăng chia thứ váng sữa, thì Thầy nói: “Từ từ! chớ làm tổn thương kẻ Sa-di ưa váng sữa ấy.” Mọi người nói: “Đó là loài trùng, sao lại gọi là Sa-di ưa váng sữa?” Thầy đáp: “Con trùng ấy vốn là Sa-di của tôi, chỉ vì tham ưa váng sữa thừa nên sanh trong bình đó.” Thầy được phần váng sữa, trùng từ trong bò ra, thầy nói: “Ngươi ưa váng sữa hay sao mà ngươi đến đây?” Liền lấy váng sữa đưa cho.
Lại nữa, như một Quốc thổ, vua tên là Nguyệt Phần,
* Trang 654 *
vua có Thái tử ưa đắm vị ngon, người giữ vườn của vua một ngày đưa đến một quả ngon. Trong vườn có một cây lớn, trên cây có chim mẹ đang nuôi con, chim mẹ thường bay đến trong núi hương lấy trái thơm ngon để nuôi con, bầy con dành nhau, một quả rơi xuống đất, người giữ vườn sáng sớm trông thấy cho là phi thường kỳ lạ, liền nhặt đem cho vua, vua quý quả ấy thơm đẹp khác thường, Thái tử thấy đòi xin, vua thương con liền cho. Thái tử ăn quả được mùi vị đó, tâm nhiễm đắm sâu xa, muốn được quả mỗi ngày. Vua liền gọi người giữ vườn đến hỏi lý do của quả ấy. Người giữ vườn quả ấy không có trồng, từ đất lượm được, chẳng biết do từ đâu đến.
Thái tử khóc lóc không chịu ăn, vua thúc dục quở trách người giữ vườn: “Ngươi hãy kiếm cho được.” Người giữ vườn đi đến chỗ lượm được quả, thấy có ổ chim, biết chim ngậm quả đem đến, dấu thân trên cây, rình để lấy, khi chim mẹ bay đến, liền cướp được quả đem vua, cứ mỗi ngày như vậy, chim mẹ nổi giận, bay đến trong núi Hương lấy quả độc, hương vị sắc toàn giống như quả trước, người giữ vườn cướp được đem nộp cho vua, vua cho Thái tử ăn, trong chốc lát thân thịt bị rã nát mà chết. Các nhân duyên như vậy là mắng trách vị dục.
- Thế nào là mắng trách xúc? Xúc là nguyên nhân lớn sanh ra các kiết-sử, là gốc rễ trói buộc tâm, vì sao? Vì bốn căn kia mỗi thứ đương lấy phần của mình, còn xúc này biến khắp thân thức, vì chỗ phát sanh rộng, nên sanh nhiều nhiễm trước, sự nhiễm trước này khó lìa, vì sao? Như người nhiễm trước sắc, quán thân có ba mươi sáu thứ bất tịnh thời sanh
* Trang 655 *
tâm nhàm chán, còn nếu sanh nhiễm trước xúc, thời tuy biết là bất tịnh nhưng lòng tham xúc tinh tế êm dịu, quán bất tịnh không có ích, thế nên khó lìa.
Lại nữa, vì nó khó xả cho nên thường vì nó mà gây trọng tội. Nếu đọa địa ngục, địa ngục có hai bộ: Một là băng lạnh, hai là lửa cháy. Trong hai ngục này đều lấy thân xúc chịu tội, khổ độc muôn mối. Xúc là chỗ đại hắc ám, là đường hiểm nguy nan... Các nhân duyên như vậy là mắng trách tế hoạt xúc dục. Như vậy, là mắng trách năm dục trừ năm cái (che lấp), người bị tham dục cái thì cách đạo rất xa, vì sao? Vì dục là trú xứ của các thứ não loạn; nếu tâm tham đắm dục thì không do đâu gần đạo được. Như bài kệ trừ dục cái nói:
“Người vào đạo biết hổ thẹn,
Ôm bát làm phước chúng sanh,
Tại sao phóng túng trần dục,
Chìm đắm vào nơi năm căn.
Mặc giáp cầm dao gậy,
Thấy giặc bỏ chạy lui,
Người khiếp nhược như thế,
Người đời đều khinh cười.
Tỳ-kheo làm khất sĩ,
Cạo tóc mặc Cà-sa,
Bị ngựa năm căn cầm,
Chuốc cười cũng như thế.
Lại như người hào quý,
* Trang 656 *
Mặc đẹp để nghiêm thân,
Mà đi xin cơm áo,
Chuốc cười nơi mọi người.
Tỳ-kheo bỏ trang sức,
Xấu hình để nhiếp tâm,
Mà còn cầu dục lạc,
Chuốc cười cũng như thế.
Đã xả năm dục lạc,
Bỏ đi không ngó lại,
Tại sao lại muốn được,
Như ngu mửa lại ăn.
Người tham dục như vậy,
Không biết xét bản nguyện,
Cũng không biết tốt xấu,
Cuồng say theo khát ái.
Pháp tôn trọng tàm quý,
Tất cả đều bỏ hết,
Hiền trí không thân cận,
Kẻ ngu si ưa gần.
Các dục khi cầu khổ,
Được rồi nhiều sợ hãi,
Khi mất lòng sầu não,
Mọi thời đều không vui.
Các dục hoạn như vậy,
Lấy gì xả bỏ nó?
* Trang 657 *
Được các vui thiền định,
Thời không bị dối gạt.
Lạc dục đắm không chán,
Lấy gì diệt trừ được?
Nếu được bất tịnh quán,
Tâm ấy tự nhiên không.
Đắm dục không tự giác,
Lấy gì ngộ được tâm?
Hãy quán già bệnh chết,
Mới ra khỏi bốn châu.
Các dục khó không xả,
Lấy gì xa được nó?
Nếu ưa vui thiện pháp,
Dục ấy tự nhiên dứt.
Các dục khó mở được,
Lấy gì để mở nó
Quán thân biết thật tướng,
Thời không bị ràng buộc,
Các quán pháp như vậy,
Diệt được các lửa dục.
Ví như đổ mưa lớn,
Lửa nội đều dập tắt.”
Các nhân duyên như vậy là diệt trừ được dục cái.
Người bị sân nhuế cái thì mất gốc các thiện pháp, là nguyên nhân đọa vào các ác đạo, oan gia của pháp lạc, giặc lớn của thiện tâm, kho chứa các thứ ác khẩu. Như Phật nói kệ
* Trang 658 *
dạy đệ tử hay sân rằng:
“Ngươi nên biết suy nghĩ
Thọ thân ở trong thai,
Nhơ nhớp tối tăm khổ,
Sanh được cũng gian nan.
Đã nghĩ được ý này,
Mà còn không diệt sân,
Thời nên biết bọn ấy,
Chính là người vô tâm.
Nếu không quả báo tội,
Cũng không bị quở trách,
Còn nên phải từ nhẫn,
Huống người nhiều khổ quả.
Hãy quán già bệnh chết,
Không một ai tránh khỏi,
Nên khởi tâm từ bi,
Cớ sao đem ác hại.
Chúng sanh giặc oán nhau,
Đâm chém chịu khổ độc,
Cớ sao người tu thiện,
Mà còn gây khổ hại.
Thường nên hành từ bi,
Định tâm tu các thiện,
Không nên ôm ác ý,
Xâm hại đến tất cả.
* Trang 659 *
Nên siêng tu đạo pháp,
Việc não hại không làm,
Thiện ác thế không đều,
Như nước lửa trái nhau.
Sân giận che lấp tâm,
Không biết được tốt xấu,
Cũng không biết lợi hại,
Không biết sợ ác đạo.
Không kể người khổ não,
Không biết thân tâm mệt,
Trước tự chịu nhân khổ,
Sau đem khổ đến người.
Nếu muốn dứt sân giận,
Hãy suy nghĩ từ tâm,
Tự độc cư thanh nhàn,
Ngừng việc dứt nhân duyên.
Nên sợ già bệnh chết,
Chín thứ sân não trừ,[1]
Như vậy tư duy “từ,”
Thời dứt được sân độc.”
Các nhân duyên như vậy, trừ sân nhuế cái.
Thùy miên cái là có thể phá hỏng ba việc của đời này là dục lạc, lợi lạc và phước đức, có thể phá hỏng cái vui rốt ráo của đời này đời sau không khác gì người chết, chỉ còn có hơi thở. Như một vị Bồ-tát nói kệ quở trách đệ tử ưa ngủ rằng:
[1] T. 1: Trường a-hàm kinh (Dīrghāgama-長阿含經), quyển 9, tr. 56b11-14.
* Trang 660 *
“Ngươi dậy chớ ôm thân thối nằm,
Đủ thứ bất tịnh giả danh ngươi,
Như mắc trọng bệnh, tên vào thân.
Các thống khổ nhòm, đâu được ngủ,
Lửa chết đốt hết thảy thế gian,
Ngươi đang cầu ra, đâu được ngủ!
Như người bị trói đem đi giết,
Tai hại đến nơi, đâu được ngủ!
Giặc kết chưa dứt, hại chưa trừ,
Như cùng rắn độc ngủ chung nhà,
Cũng như lâm trận giữa gươm súng.
Bấy giờ đâu thể được ngủ nghỉ,
Ngủ là tối tăm không thấy gì,
Ngày ngày dối gạt cướp sáng người,
Vì ngủ che tâm không hiểu gì,
Tội lỗi như vậy đâu được ngủ.”
Các nhân duyên như vậy, là mắng trách thùy miên cái.
Trạo, hối[1] cái: Trạo là dao động, phá hại tâm xuất gia, như người nhiếp tâm, còn không thể trụ được, huống chi dao động, tán loạn. Người dao động tán loạn như Voi say không móc câu, như hang mũi lạc đà, không thể cấm chỉ, như kệ nói:
“Ngươi đã cạo đầu mặc Cà-sa
Cầm bình bát gốm đi khất thực
Tại sao vui đắm sự trạo hý
Đã không pháp lợi, mắt thể lạc.”
Hối là như người phạm tội lớn, thường ôm lòng sợ hãi,
[1] T. 26: A-tỳ-đàm bát kiền độ luận (阿毘曇八犍度論), quyển 3, tr. 782b15-16; T. 28: Xá-lợi-phất A-tỳ-đàm luận (舍利弗阿毘曇論), quyển 23, tr. 673a11-13.
* Trang 661 *
mũi tên hối hận găm vào lòng, cứng không thể nhổ, như kệ nói:
“Không nên làm mà làm,
Nên làm mà không làm,
Lửa hối não thiêu đốt,
Đời sau đọa ác đạo.
Nếu người tội biết hối,
Hối rồi nên phóng xả,
Như vậy tâm an vui,
Không nên thường nhớ chặt.
Có hai thứ hối hận,
Không làm hoặc đã làm,
Do thế, hối dính tâm,
Ấy là tướng người ngu.
Không vì tâm hối hận,
Không làm mà hay làm,
Các việc ác đã làm,
Không thể khiến không làm.”
Các nhân duyên như vậy, là mắng trách trạo hối cái.
Nghi cái là nghi ngờ che lấp nên không được định tâm đối với các pháp. Định tâm không có nên đối với Phật pháp trống không, không được gì. Ví như người đi vào núi báu, nếu không có tay thì không thể lấy được gì. Như bài kệ nói về nghĩa “Nghi” rằng:
“Như người ở đường rẽ,
Nghi hoặc không chỗ tới,
* Trang 662 *
Đối các pháp thật tướng,
Nghi hoặc cũng như vậy,
Vì nghi không cần cầu.
Thật tướng của các pháp,
Nghi ấy từ si sanh,
Tệ ác trong tệ ác.
Trong pháp thiện bất thiện,
Sanh, tử và Niết-bàn,
Là pháp quyết thật có,
Nơi đó chớ sanh nghi.
Ngươi nếu sanh tâm nghi,
Thần chết, sứ ngục trói,
Như Sư tử bắt Nai,
Không thể được giải thoát.
Ở đời tuy có nghi,
Nên theo pháp diệu thiện,
Ví như xem đường re,
Đường tốt ấy nên đi.”
Các nhân duyên như vậy nên xả bỏ nghi.
Bỏ được năm cái (ngăn che) ấy, như mắc nợ được thoát, bệnh nặng được lành, ở chỗ đói khát được đến nước giàu, như từ ngục được ra, như trong chỗ giặc ác được tự thoát khỏi, an ổn không hoạn nạn. Hành giả cũng như vậy, trừ bỏ năm cái thì tâm được an ổn, thanh tịnh khoái lạc. Ví như mặt trời, mặt trăng bị năm thứ che mờ là khói, mây, bụi, mù, tay La-hầu
* Trang 663 *
A-tu-la che, thời không thể soi sáng.[1] Tâm người cũng như vậy, bị năm cái che ngăn tự mình không lợi cũng không thể ích người.
Nếu hay quở trách năm dục, trừ năm cái, hành năm pháp là dục, tinh tấn, niệm, xảo tuệ, nhất tâm, hành năm pháp này thời được năm chi, thành tựu Sơ thiền.
Dục là muốn ra khỏi dục giới, muốn được Sơ thiền.
Tinh tấn là xuất gia trì giới, đầu đêm, cuối đêm chuyên tinh không giãi đãi, tiết chế ăn uống, nhiếp tâm không cho dong ruổi tán loạn.[2]
Niệm là nghĩ tới cái vui ở sơ thiền, biết dục giới bất tịnh, cuồng loạn, mê hoặc, đáng hèn, còn Sơ thiền là tôn trọng đáng quý.
Xảo tuệ là quán sát, so lường cái vui ở dục giới, cái vui ở sơ thiền nặng nhẹ, được mất.
Nhất tâm là thường buộc tâm vào trong một duyên không cho phân tán.
Lại nữa, chuyên cầu Sơ thiền, phóng xả cái vui dục giới. Ví như sợ kẻ oán thường muốn diệt trừ thời không bị oán làm hại. Như Phật vì kẻ Bà-la-môn đắm dục nói: “Ta vốn quán sát dục; dục là sợ hãi, là nhân lo khổ; dục là ít vui nhiều khổ;[3] dục là lưới ma, ràng buộc khó ra, dục là thiêu đốt, khô kiệt các thứ vui. Ví như rừng cây, bốn bề bốc lửa; dục như tới hố lửa rất đáng sợ hãi, như ép bức rắn độc, như giặc oán rút dao, như ác La-sát, như độc ác vào miệng, như uống nước đồng sôi, như ba dòng Voi điên,[4] như đi tới hố sâu lớn, như Sư tử chặn đường, như cá Ma-kiệt hả miệng, các dục cũng như
[1] Tham khảo T. 2: Tăng nhất a-hàm kinh (Ekottara-āgama-增一阿含經), quyển 20, tr. 650a; T. 22: Ngũ phần luật (五分律), quyển 30, tr. 192; T. 22: Tứ phần luật (四分律), quyển 54, tr. 969a-b.
[2] T. 2: Tăng nhất a-hàm kinh (Ekottara-āgama-增一阿含經), quyển 12, tr. 603c-604a.
[3] T. 1: Trung a-hàm kinh (Madhyamāgama-中阿含經), quyển 25, tr. 586b22.
[4] T. 4: Chúng kinh soạn tạp thí dụ (眾經撰雜譬喻), quyển 1, tr. 533b8-9.
* Trang 664 *
vậy, rất đáng sợ hãi. Nếu đắm trước các dục, khiến cho người khổ não. Người đắm dục cũng như ngục tù, như nai giữa vòng vây, như Chim mắc lưới, như Cá nuốt câu, như Beo bắt Chó, như Quạ giữa đàn chim Cắt, như Rắn gặp Heo rừng, như Chuột ở giữa Mèo, như bọn mù đi tới hố, như Ruồi đậu dầu nóng, như người yếu đuối ra trận, như người khèo chân gặp lửa, như vào sông nước mặn sôi, như liếm mật dính đầu lưỡi dao, như thái thịt giữa ngã tư đường, như vải mỏng phủ rừng dao, như hoa che bất tịnh, như mật bôi bình độc, như hòm Rắn độc, như mộng hư dối, như vay mượn phải trả về, như trò huyễn gạt trẻ con, như lửa không thật, như chìm nước lớn, như thuyền vào miệng cá Ma-kiệt,[1] như mưa đá hại lúa, như sấm sét đánh người. Các dục cũng như vậy, hư dối không thật, không bền không mạnh, vui ít khổ nhiều. Dục là Ma quân phá công đức thiện, thường cướp hại chúng sanh. Như vậy là các thí dụ về dục.
Mắng năm dục, trừ năm cái, hành năm pháp được đến Sơ thiền.
Hỏi: Tám bội xả, tám thắng xứ, mười nhất thiết nhập, bốn vô lượng tâm, các định tam muội, những định như vậy, sao không gọi là Ba-la-mật, mà chỉ gọi thiền Ba-la-mật?
Đáp: Công đức của các định ấy, đều là tư duy tu. Thiền Trung Hoa nói là Tư duy tu, nói thiền Ba-la-mật là bao gồm tất cả.
Lại nữa, Thiền tối đại như vua, nói thiền là gồm tất cả, nói định thời không gồm được, vì sao? Trong Tứ thiền, trí và định ngang nhau nên vui; Vị đáo địa, Trung gian địa, trí
[1] T. 4: Hiền ngu kinh (賢愚經), quyển 6, tr. 394b6-18.
* Trang 665 *
nhiều mà định ít, Định vô sắc giới thì định nhiều mà trí ít, nên các chỗ này không vui. Ví như xe một bánh mạnh, một bánh yếu, thời không đi an ổn; trí và định không ngang nhau cũng như vậy.
Lại nữa, nơi Tứ thiền có bốn đẳng tâm, năm thần thông, tám bội xả, tám thắng xứ, mười nhất thiết xứ, vô tránh tam muội, nguyện trí, đỉnh thiền, tự tại định, luyện thiền, mười bốn biến hóa tâm,[1] ban châu ban, các tam muội Thủ Lăng Nghiêm.v.v... của Bồ-tát, lược nói thời có một trăm hai mươi, còn các tam muội bất động v.v.. của chư Phật lược nói thời có một trăm lẻ tám, và Phật đắc đạo, xả thọ mạng, các công đức diệu định như vậy, đều ở trong Thiền cả. Do vậy, nên gọi Thiền là Ba-la-mật, các định khác không gọi là Ba-la-mật.
Hỏi: Trước đây ông nói mắng năm dục, trừ năm cái, hành năm pháp, được Sơ thiền, tu việc gì, nương đạo gì có thể được Sơ thiền?
Đáp: Nương bất tịnh quán và các môn định An-na-ban-na...[2] Như bài kệ thiền nghĩa trong thiền kinh nói:[3]
“Lìa dục và ác pháp,
Có giác và có quán,
Ly sanh được hỷ lạc,
Người ấy vào sơ thiền.
Đã được lìa lửa dâm,
Thời được định trong mát,
Như người rất nóng bức,
Vào ao lạnh thời vui.
[1] T. 27: Đại tỳ-bà-sa luận (Abhidharma-mahāvibhāsā-śāstra-大毘婆沙論), quyển 72, tr. 374a2-17.
[2] T. 28: A-tỳ-đàm tỳ-bà-sa luận (阿毘曇毘婆沙論), quyển 46, tr. 355a20-25.
[3] T. 15: Tọa thiền tam muội kinh (坐禪三昧經), tr. 269.
* Trang 666 *
Như nghèo được kho báu,
Hỷ giác làm động tâm,
Phân biệt, ấy là quán.
Vào sơ thiền cũng vậy.
Biết giác quán loạn tâm,
Tuy thiện mà phải lìa,
Như nước lớn đứng lặng,
Sóng dậy cũng không thấy.
Ví như người rất mệt,
Khi an ổn nằm ngủ,
Nếu có tiếng kêu gọi,
Thì tâm rất não loạn
Khi nhiếp tâm vào thiền,
Vì giác quán làm não,
Cho nên trừ giác quán,
Được vào nhất thức xứ.
Nhờ nội tâm thanh tịnh,
Định sanh được hỷ lạc,
Được vào Nhị thiền đây,
Hỷ tâm mạnh rất vui.
Nhiếp tâm đệ nhất định,
Yên lặng không niệm gì,
Sợ hỷ muốn bỏ nó,
Cũng như bỏ giác quán,
Do thọ nên có hỷ,
* Trang 667 *
Mất hỷ thời sanh lo,
Lìa hỷ lạc thân thọ.
Xả niệm và phương tiện.
Thánh nhân hay xả được,
Người khác xả là khó,
Nếu biết lạc là nạn.
Thấy bất động rất yên
Ưu hỷ trước đã trừ,
Khổ lạc nay cũng dứt,
Xả niệm tâm thanh tịnh.
Vào trong đệ Tứ thiền.
Lạc trong đệ Tam thiền,
Vô thường động nên khổ,
Trong dục giới đoạn ưu,
Sơ Nhị thiền trừ hỷ.
Cho nên Phật Thế Tôn,
Nói trong đệ Tứ thiền,
Trước đã đoạn ưu hỷ,
Nay được trừ khổ lạc.”
Lại nữa, trì giới thanh tịnh, nhàn cư một mình, nhiếp giữ các căn, đầu đêm cuối đêm, chuyên tinh suy nghĩ,[1] vứt bỏ thú vui bên ngoài, lấy thiền làm vui, lìa các dục và pháp bất thiện, nương vị đáo địa được Sơ thiền. Sơ thiền, như trong luận tạng nói: Thiền có bốn thứ: 1- Vị tương ưng, 2- Tịnh, 3-Vô lậu, 4- Năm uẩn do báo đắc nhiếp thuộc sơ thiền, trong ấy
[1] T. 2: Tăng nhất a-hàm kinh (Ekottara-āgama-增一阿含經), quyển 12, Tam bảo phẩm đệ 21 (三寶品第二十一), tr. 603c-604a.
* Trang 668 *
hành giả vào tịnh vô lậu, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền cũng như vậy. Như Phật nói: “Nếu có Tỳ-kheo lìa các dục và pháp ác bất thiện, có giác có quán, ly dục sanh hỷ lạc vào Sơ thiền.” [1]
Các dục là năm dục ái trước như sắc v.v... Suy nghĩ phân biệt, mắng trách dục như trước nói. Pháp ác bất thiện là năm cái như tham dục v.v...
Lìa hai việc trong ngoài ấy nên được Sơ thiền. Tướng của Sơ thiền là có giác có quán, hỷ, lạc, nhất tâm. Có giác có quán là được công đức thiện pháp chưa từng được của trong Sơ thiền, nên tâm rất kinh ngạc tỉnh ngộ, thường bị lửa dục thiêu đốt, nên khi được Sơ thiền như người vào ao nước trong mát, lại như người nghèo bỗng được kho báu. Hành giả suy nghĩ phân biệt về tội lỗi ở Dục giới và biết công đức lợi ích của Sơ thiền rất nhiều, tâm rất hoan hỷ; ấy gọi là có giác có quán.
Hỏi: Có giác có quán là một pháp hay là hai pháp?
Đáp: Hai pháp, thô tâm mới nghĩ đến, ấy gọi là giác. Tế tâm phân biệt kỷ, ấy gọi là quán. Ví như đánh chuông, khi tiếng mới phát lớn, ấy là giác, sau tiếng nhỏ lần, ấy là quán.
Hỏi: Như luận nói: “Từ Dục giới cho đến Sơ thiền, trong một tâm có giác quán tương ưng, sao nay nói thô tâm mới nghĩ đến gọi là giác, tế tâm phân biệt kỷ gọi là quán?
Đáp: Hai pháp tuy ở một tâm mà hai tướng không đều, khi “giác” thời “quán” không rõ ràng, khi “quán” thời “giác” không rõ ràng. Ví như khi mặt trời mọc thì các sao không
[1] T. 1: Trường a-hàm kinh (Dīrghāgama-長阿含經), quyển 13, A ma trú kinh (阿摩晝經), tr. 85b: tinh tấn xả bỏ dục và pháp ác bất thiện, có giác có quán ly dục sanh hỷ lạc, đắc nhập sơ thiền. …; T. 1: Trung a-hàm kinh (Madhyamāgama-中阿含經), Trường thọ vương phẩm (長壽王品), tr. 561a7-13.
* Trang 669 *
hiện ra. Hết thảy tâm tâm số pháp tùy thời mà đặt tên cũng như vậy. Như Phật nói: “Nếu đoạn được một pháp Ta ấn chứng cho chứng được A-na-hàm.” Một pháp đó là xan tham.[1] Đúng thật nên phải nói là đoạn hết năm hạ phần kiết thời chứng được A-na-hàm.[2] Thế sao đây nói chỉ đoạn một pháp? Vì người ấy xan tham nhiều hơn, các kiết sử khác đều từ nơi tham sanh ra, cho nên xan tham hết thì các kiết sử cũng đoạn. Giác và quán tùy lúc mà đặt tên cũng như vậy. Hành giả biết giác quán ấy, tuy là thiện pháp nhưng nó làm nhiễu loạn định tâm. Vì tâm muốn lìa nên mắng giác quán ấy. Nghĩ rằng: “Giác quán nhiễu động thiền tâm, ví như nước trong, sóng nỗi dậy thời không trông thấy gì. Lại như người mỏi mệt được nghỉ muốn ngủ, người bên cạnh kêu gọi thời rất não loạn. Khi nhiếp tâm nội định bị giác quán làm lay động cũng như vậy. Các thứ nhân duyên như vậy, mắng trách giác quán, giác quán dứt, bên trong thanh tịnh, cột tâm một chỗ, không giác không quán, định sanh hỷ lạc, vào nhị thiền. Đã được nhị thiền thời được sự hỷ lạc vô tỷ chưa từng được của trong nhị thiền.
Giác quán diệt là biết tội lỗi của giác quán nên diệt; bên trong thanh tịnh[3] là vào sâu thiền định, tin rằng xả giác quán của Tứ thiền thời được sự lợi ích trọng đại, sự mất rất ít, sự được rất nhiều. Buộc tâm vào một duyên, nên gọi là bên trong thanh tịnh. Hành giả quán tội lỗi của hỷ cũng như giác quán, tùy chỗ có hỷ, hễ nhiều hỷ là nhiều ưu, vì cớ sao? Như người nghèo được của báu hoan hỷ vô lượng, một mai bị mất thì ưu cũng sâu, hỷ liền chuyển thành ưu, cho nên, nên xả. Lìa hỷ
[1] T. 2: Tăng nhất a-hàm kinh (Ekottara-āgama-增壹阿含經), quyển 5, Bất đãi phẩm 11 (不逮品十一), tr. 566c.
[2] T. 2: Tạp a-hàm kinh (Saṃyuktāgama-雜阿含經), quyển 29, kinh số 815, tr. 209c; quyển 34, tr. 247b; T. 1: Trung a-hàm kinh (Madhyamāgama-中阿含經), quyển 9, tr. 481a26-28: Năm hạ phần kiết sử: tham dục, sân nhuế, thân kiến, giới thủ, nghi. Không diệt trừ một trong năm kiết sử này, chúng trói buộc khiến ta trở lại thế gian này, nhập vào trong thai; T. 28: A-tỳ-đàm cam lồ vị luận (阿毘曇甘露味論), quyển 1, tr. 973b4-5.
[3] T. 29: A-tỳ-đạt-ma câu xá luận (Abhidharmakośa-śāstra- 阿毘達磨俱舍論), quyển 28, tr. 147b: Nên quán sát tư trạch, pháp gì gọi là thanh tịnh bên trong. Định này viễn ly tầm và tứ tương tục chuyển biến thanh tịnh, gọi là thanh tịnh bên trong; Abhidharmakośa-śāstra, tr. 440: tasmādvicāryametat-- adhyātmasamprasādo nāma ka eṣa dharmaḥ? vitarkavicārakṣobhavirahāt praśāntavāhitā santateradhyātmasamprasādaḥ.
* Trang 670 *
ấy nên hành xả, niệm trí, thọ thân lạc, lạc ấy Thánh nhân có thể được có thể xả, nhất tâm ở nơi lạc, vào đệ Tam thiền.
Xả là xả hỷ tâm không còn hối tiếc. Niệm trí là đã được cái vui Tam thiền không làm cho sanh hoạn nạn đối với lạc. Thọ thân lạc là cái vui Tam thiền lan khắp toàn thân đều lãnh thọ. Thánh nhân có thể được có thể xả là, cái vui ấy là nhất của thế gian hay làm phát sanh tâm đắm trước, kẻ phàm phu ít ai xả được. Do vậy nên Phật nói: “Quả báo của sự thực hành lòng từ là thứ nhất của trong Biến-tịnh-địa (Biến-tịnh thiên).[1] Hành giả quán xét cái lỗi của lạc cũng như cái lỗi của hỷ, biết chỗ tâm bất động là tối đệ nhất, chỗ có lay động thời là có khổ. Hành giả vì cái vui đệ Tam thiền lay động nên cầu chỗ bất động. Vì dứt khổ lạc nên trước dứt ưu hỷ, không khổ không vui, xả niệm thanh tịnh vào đệ Tứ thiền.
Trong đệ Tứ thiền ấy, không khổ không vui, chỉ có trí tuệ bất động, vì vậy nên nói đệ tứ thiền là xả niệm thanh tịnh.[2] Ở đệ Tam thiền có cái vui làm lay động nên nói là khổ, cho nên trong đệ Tứ thiền nói có cái vui dứt khổ.
Như Phật nói: Qua khỏi hết thảy sắc tướng, không tưởng niệm biệt tướng, diệt hữu đối tướng vào Vô biên hư không xứ.[3]
Hành giả nghĩ rằng: Nếu không sắc thời không có cái khổ đói khát, lạnh nóng, thân sắc ấy thô trọng tệ ác, hư dối không thật, do nhân duyên đời trước hòa hợp được thân quả báo này, là chỗ ở của các khổ não làm sao thoát khỏi được thân nạn này? Nên quán thân này trong thân trống không, thường quán thân không, như cái lồng, như nồi đất, thường
[1] T. 26: Tập dị môn túc luận (Abhidharmaprakaraṇa-śāstra-集異門足論), quyển 5, tr. 387b21-28; T. 29: Câu xá luận (Abhidharmakośa-śāst-俱舍論), quyển 8, tr. 41a15-22: Thiền thứ nhất có ba: Phạm chúng thiên, Phạm-phụ và Đại-phạm. Thiền thứ hai có ba: Thiểu-quang thiên, Vô-lượng-quang thiên, Cực-quang-tịnh thiên. Thiền thứ ba có ba: Thiểu-tịnh thiên, Vô-lượng-tịnh thiên, Biến-tịnh thiên. Thiền thứ tư có tám: Vô-vân thiên, Phước-sanh thiên, quảng-quả thiên, Vô-phiền thiên, Vô-nhiệt thiên, Thiện-hiện thiên, Thiện-kiến thiên và Sắc-cứu-cánh thiên; Abhidharmakośa-śāstra, Tṛtīya-lokanirdeśaḥ, tr. 111: Tatra prathamadhyānam-brahmakāyikāḥ, brahmapurohitāḥ, mahābrahmāṇaḥ; dvitīyam-parīttābhāḥ, apramāṇābhāḥ, ābhāsvarāḥ; tṛtīyam- parīttaśubhāḥ, apramāṇaśubhāḥ, śubhakṛtsnāḥ, caturtham- anabhrakāḥ, puṇyaprasavāḥ, bṛhatphalāḥ; abṛhāḥ, atapāḥ, sudṛśāḥ, sudarśanāḥ, akaniṣṭhāḥ.
[2] T. 32: Gải thoát đạo luận (解脫道論), quyển 5, tr. 420b14-20.
[3] T. 1: Đại tập pháp môn kinh (大集法門經), quyển 1, tr. 228c-14-20: Tứ vô sắc định là Phật nói. Nghĩa là tỳ-kheo, lìa hết thảy sắc, không đối không ngại, không tác ý, quán vô biên không, quán hành tướng này, gọi là Không vô biên xứ định. Lại lìa không xứ mà phi sở quán, chỉ quán vô biên thức, quán hành tướng này, gọi là thức vô biên xứ định. Lại lìa thức xứ, mà phi sở quán, chỉ quán hết thảy đều vô sở hữu, quán hành tướng này, gọi là vô sở hữu xứ định. Lại lìa vô sở hữu xứ hành tướng, gọi là phi tưởng phi phi tưởng xứ định. Như vậy gọi là Tứ vô sắc định.
* Trang 671 *
niệm nhớ không bỏ thời được qua khỏi sắc, không còn thấy thân. Giống như nội không, ngoại không cũng vậy. Bấy giờ có thể quán vô lượng vô biên hư không. Được quán ấy rồi không khổ không lạc, tâm ấy càng tăng, như chim nhốt trong bình, bình vỡ được bay ra, ấy gọi là Định không xứ.
Không ấy vô biên vô lượng, lấy thức duyên theo, duyên nhiều thời tán loạn, có thể phá định. Hành giả quán hư không, duyên thọ, tưởng, hành, thức như bệnh, như ung, như ghẻ, như gai nhọn, vô thường, khổ, không, vô ngã, giả dối hòa hợp thời có, chẳng phải thật có. Niệm như vậy xong xả tâm duyên hư không mà chỉ duyên thức.
Thế nào mà duyên? Thức hiện tiền duyên đến vô lượng vô biên thức quá khứ, vị lai, Thức ấy vô lượng vô biên như hư không vô lượng vô biên; ấy gọi là Định thức xứ.
Thức ấy vô lượng vô biên, lấy thức duyên theo, thức nhiều thời tán loạn có thể phá định. Hành giả quán duyên thức, thọ tưởng hành thức như bệnh, như ung, như ghẻ, như gai nhọn, vô thường, khổ, không, vô ngã, giả dối hòa hợp mà có, chẳng phải thật có. Như vậy quán rồi thời phá thức tướng, ấy là mắng trách thức xứ, tán thán vô sở hữu xứ, phá các thức tướng, cột tâm ở trong vô sở hữu xứ, ấy gọi là Định vô sở hữu xứ.
Vô sở hữu xứ duyên thọ, tưởng, hành, thức như bệnh, như ung, như ghẻ, như gai nhọn, vô thường, khổ, không, vô ngã, giả dối hòa hợp mà có, chẳng phải thật có. Như vậy, tư duy vô tưởng xứ như ung, hữu tưởng xứ như bệnh, như ung, như ghẻ, như gai nhọn, diệu xứ đệ nhất là Phi-hữu-tưởng-phi-vô-tưởng-xứ.
* Trang 672 *
Hỏi: Phi-hữu-tưởng-phi-vô-tưởng-xứ có thọ, tưởng, hành, thức tại sao nói Phi-hữu-tưởng-phi-vô tưởng?
Đáp: Trong ấy có tưởng, song vi tế khó biết, nên gọi là phi hữu tưởng, song có tưởng nên gọi là Phi-vô-tưởng.[1]Tâm phàm phu cho ở đó là được thật tướng các pháp, ấy là Niết-bàn, còn trong Phật pháp tuy biết ở đó có tưởng, song nhân vì tên gọi cũ của nó, nên gọi là Phi-hữu-tưởng-phi-vô-tưởng.
Hỏi: Thế nào là Vô tưởng?
Đáp: Vô tưởng có ba là vô tưởng định, diệt thọ tưởng định và vô tưởng thiên.[2] Người phàm phu muốn diệt tâm để vào vô tưởng định, còn đệ tử Phật muốn diệt tâm để vào Diệt thọ tưởng định.[3]
Các thiền định ấy có hai thứ, hoặc hữu lậu hoặc vô lậu. Hữu lậu là sở hành của phàm phu, như trước đã nói. Vô lậu là mười sáu thánh hành.[4] Nếu là hữu lậu đạo thì nương thượng địa mà lìa cái dục của hạ địa. Nếu vô lậu đạo thì lìa cả cái dục của tự địa và thượng địa. Vì vậy phàm phu ở Hữu đỉnh xứ không được ly dục, vì không còn có thượng địa để nương, nếu đệ tử Phật muốn lìa cái dục của dục giới. Phiền não của Dục giới thuộc loại tư duy đoạn có chín bậc thượng, trung, hạ, là thượng thượng, thượng trung, thượng hạ, trung thượng, trung trung, trung hạ, hạ thượng, hạ trung, hạ hạ. Để đoạn chín bậc ấy, đệ tử Phật hoặc nương hữu lậu đạo, cầu được Sơ thiền.[5] Bấy giờ ở trong chín vô ngại đạo (chín vô gián đạo) tám giải thoát đạo, của vị đáo địa, hiện tại tu hữu lậu đạo, vị lai tu hữu lậu vô lậu đạo. Trong giải thoát đạo thứ chín ở vị đáo địa, hiện tại tu hữu lậu đạo, vị lai tu vị địa hữu lậu,
[1] T. 29: A-tỳ-đạt-ma câu xá luận (Abhidharmakośa-śāstra-阿毘達磨俱舍論), quyển 28, tr. 146b10: Có tưởng muội liệt, nên gọi phi phi tưởng … nếu tưởng toàn không , thời đồng với si ám.; na ca punar na eva saṃjñeti, yady api tatra apy evaṃ prayujyante saṃjñārogaḥ saṃjñāgaṇḍaḥ saṃjñāśalyaḥ asaṃjñakaḥ sammoham.
[2] T. 29: A-tỳ-đạt-ma câu xá luận (Abhidharmakośa-śāstra-阿毘達磨俱舍論), quyển 5, tr. 24b-c, 24c-26a.
[3] T. 29: A-tỳ-đạt-ma câu xá luận (Abhidharmakośa-śāstra- 阿毘達磨俱舍論), quyển 5, tr. 25a1-8: Diệt tận định cũng giống như vô tưởng, và vô tưởng định bởi vì pháp này làm cho tâm và tâm sở bị diệt. Như nói lại có pháp sai biệt hay khiến tâm, tâm sở diệt nên gọi là Vô tưởng định, như vậy lại có pháp sai biệt hay khiến tâm tâm sở diệt gọi là Diệt tận định. Hai loại định này khác nhau như thế nào? Vô tưởng định trước là cầu giải thoát, vì xuất ly tưởng tác ý là trước; Diệt tận định này xem đó như là một loại định tĩnh trụ (śāntavihāra) dùng để dứt tưởng tác ý là trước. Trước Vô tưởng định sau tịnh lự, Diệt tận định thuộc về Hữu đảnh, tức xuất phát từ phi tưởng phi phi tưởng xứ (naivasaṃjñānāsaṃjñāyatana); trong khi Vô tưởng định chỉ thuộc về tầng thiền thứ tư. Abhidharmakośa-śāstra, Indriyanirdeśaḥ, tr. 70: Yathaivāsaṃjñisamāpattiḥ tathāśabdena kaḥ prakāro gṛhyate? “nirodhaścittacaittānām” iti, ayaṃ tvasyā viśeṣaḥ- iyaṃ vihārārthaṃ, śāntavihārasaṃjñāpūrvakeṇa manasikāreṇa enāṃ samāpadyante, tāṃ tu niḥsaraṇasaṃjñāpūrvakeṇa, sā khalvapi caturthadhyānabhūmikā, iyaṃ tu bhavāgrajā, naivasaṃjñānāsaṃjñāyatanabhūmikaiva. (43)
[4] T. 27: Đại tỳ-bà-sa luận (Abhidharma-mahāvibhāsā-śāstra-大毘婆沙論), quyển 65, tr. 331a; T. 28: Tỳ-bà-sa luận (鞞婆沙論), quyển 9, tr. 478a.
[5] Tham khảo T. 28: A-tỳ-đàm cam lồ vị luận (阿毘曇甘露味論), quyển 2, tr. 976b28-c14.
* Trang 673 *
vô lậu đạo và hữu lậu của biên địa Sơ thiền. Nếu vô lậu đạo muốn được Sơ thiền cũng như vậy. Nếu nương hữu lậu đạo, lìa cái dục của Sơ thiền, nơi biên địa của đệ Nhị thiền, trong chín vô ngại đạo, tám giải thoát đạo, hiện tại tu Nhị thiền biên địa hữu lậu, vị lai tu Nhị thiền biên địa hữu lậu đạo, cũng tu Sơ thiền vô lậu và quyến thuộc. Trong giải thoát đạo thứ chín, nơi biên địa của đệ Nhị thiền, hiện tại tu Nhị thiền biên địa hữu lậu đạo, vị lai tu Nhị thiền biên địa, Sơ thiền vô lậu và quyến thuộc, Nhị thiền tịnh vô lậu. Nếu vô lậu đạo, lìa cái dục của Sơ thiền trong chín vô ngại đạo, tám giải thoát đạo, hiện tại tu vô lậu đạo nơi tự địa, vị lai tu Sơ thiền và quyến thuộc hữu lậu vô lậu đạo. Trong giải thoát đạo thứ chín, hiện tại tu vô lậu đạo nơi tự địa, vị lai tu Sơ thiền và quyến thuộc hữu lậu vô lậu đạo, và tu Nhị thiền tịnh vô lậu, cho đến khi Vô sở hữu xứ lìa dục cũng như vậy. Khi ở Phi hữu tưởng phi vô tưởng lìa dục, thì trong chín vô ngại đạo, tám giải thoát đạo chỉ tu hết thảy vô lậu đạo. Trong giải thoát đạo thứ chín, tu thiện căn của tam giới và vô lậu đạo, trừ vô tâm định.
Tu có hai thứ: 1- Đắc tu; 2- Hành tu.[1] Đắc tu là trước vốn không được mà nay được, đời vị lai tu việc mình cũng tu việc khác. Hành tu là đã từng tu, trong hiện tại tu, vị lai cũng tu, không tu việc khác. Như vậy là lối tu của trong các thứ thiền định.
Lại nữa, tướng của thiền định lược nói có hai mươi ba thứ, đó là tám vị thiền, tám tịnh thiền, bảy vô lậu thiền.[2]
[1] T. 27: Đại tỳ-bà-sa luận (Abhidharma-mahāvibhāsā-śāstra-大毘婆沙論), quyển 105, tr. 545b3-10.
[2] T. 27: Đại tỳ-bà-sa luận (Abhidharma-mahāvibhāsā-śāstra-大毘婆沙論), quyển 169, tr. 852c3-5: Lại nữa như trước đã nói, lược có 23 thứ: Tịnh lự có 12: bốn Vị tương ưng, bốn tịnh lự, bốn vô lậu; vô sắc có 11: bốn Vị tương ưng, bốn tịnh lự và ba vô lậu; T. 29: A-tỳ-đạt-ma câu xá luận (Abhidharmakośa-śāstra-阿毘達磨俱舍論), quyển 28, tr. 146b17-24: Bổn luận này có tám loại, bảy loại trước mỗi mỗi có ba: Vị, tịnh, vô lậu, hai loại: Hậu vị và tịnh. Vị nghĩa là ái tương ưng; tịnh là thế gian thiện, ở đây tức là đắm trước vị; Vô lậu là xuất thế. Luận nói rằng: trên đây là giải thích về tịnh lự, vô sắc, căn bản v.v… cho đến tổng thuyết có tám loại; trong đó bảy loại trước mỗi mỗi có ba, Hữu đảnh chỉ có hai, ở địa này muội liệt không vô lậu.; Abhidharmakośa-śāstra-samāpattinirdeśaḥ: iti maulaṃ samāpattidravyamaṣṭavidham, ity etāny aṣṭau maulāni samāpattidravyāṇi yaduta catvāri dhyānāni, catvāra ārūpyā iti, teṣāṃ punaḥ tridhā, sapta, bhavāgrādanyāni sapta trividhāni, āsvādanavacchuddhānāsravāṇi, āsvādanāsamprayuktāni śuddhakānyanāsravāṇi ca, aṣṭamaṃ dvidhā (5) bhavāgramāsvādanāsamprayuktaṃ śuddhakaṃ ca, anāsravaṃ na asti (5).
* Trang 674 *
Lại có sáu nhân: Tương ưng nhân, cọng nhân, tương tợ nhân, biến nhân, báo nhân, danh nhân,[1] mỗi mỗi đều vô lậu.
Bảy vô lậu nhân là tương tợ nhân, trong tự địa tăng thêm nhân tương ưng và nhân cọng hữu. Sơ vị định sơ vị định nhân, cho đến hậu vị định hậu vị định nhân. Tịnh cũng như vậy.
Bốn duyên là nhân duyên, thứ đệ duyên, duyên duyên, tăng thượng duyên.[2] Nhân duyên như trên đã nói.
Sơ thiền vô lậu định, thứ lớp sanh sáu thứ định: 1- Sơ thiền tịnh, 2- Vô lậu, 3- Nhị thiền tịnh, 4- Vô lậu, 5- Tam thiền tịnh, 6- Vô lậu.
Nhị thiền vô lậu định thứ lớp sanh tám định: 1- Tự địa tịnh, 2- Vô lậu, 3- Sơ thiền tịnh, 4- Vô lậu, 5- Tam thiền tịnh, 6- Vô lậu, 7- Tứ thiền tịnh, 8- Vô lậu.
Tam thiền vô lậu định thứ lớp sanh mười định là ở Tự địa có hai, ở Hạ địa có bốn, ở Thượng địa có bốn. Đệ Tứ thiền và Không xứ cũng thứ lớp sanh mười định như vậy.
Thức xứ vô lậu định, thứ lớp sanh chín định là ở Tự địa có hai, ở Hạ địa có bốn, ở Thượng địa có ba.
Vô sở hữu xứ vô lậu định, thứ lớp sanh bảy định là ở tự địa có hai, ở hạ địa có bốn, ở thượng địa có một.
Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ thứ lớp sanh sáu tâm là ở Tự địa có hai, ở hạ địa có bốn. Các tịnh địa khác cũng như vậy. Lại đều lợi ích tự địa vị.
Sơ thiền vị thứ lớp có hai là vị và tịnh, cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ vị cũng như vậy.
Tịnh và vô lậu thiền, hết thảy xứ đều duyên. Vị thiền
[1] T. 29: A-tỳ-đạt-ma câu xá luận (Abhidharmakośa-śāstra-阿毘達磨俱舍論), quyển 5, tr. 30a.
[2] T. 29: A-tỳ-đạt-ma câu xá luận (Abhidharmakośa-śāstra- 阿毘達磨俱舍論), quyển 6, tr. 36b.
* Trang 675 *
duyên vị trong tự địa, cũng duyên tịnh, ái, vì không có vô lậu duyên, nên không duyên vô lậu.
Tịnh và vô lậu căn bản vô sắc định, không duyên hữu lậu của hạ địa. Danh nhân và Tăng thượng duyên thông hết thảy định.
Bốn vô lượng tâm[1], tám bội xả,[2] tám thắng xứ,[3] tám nhất thiết xứ đều duyên dục giới.
Năm thần thông thì duyên dục giới, sắc giới,[4] ngoài ra đều tùy theo chỗ thích hợp mà duyên.
Diệt thọ tưởng định thì không duyên gì. Trong Tứ thiền có luyện pháp, lấy vô lậu luyện hữu lậu, nên được Tứ thiền tâm tự tại. Lấy vô lậu đệ Tứ thiền luyện hữu lậu đệ Tứ thiền, vậy sau đệ Tam, đệ Nhị, đệ Nhất thiền đều lấy tự địa vô lậu luyện tự địa hữu lậu.
Hỏi: Sao gọi là luyện thiền?[5]
Đáp: Các Thánh nhân thích vô lậu định, không thích hữu lậu. Khi ly dục, tịnh hữu lậu không thích mà tự được. Nay muốn trừ cấu uế đó nên lấy vô lậu để luyện nó. Ví như luyện vàng bỏ cấu bẩn, vô lậu luyện hữu lậu cũng như vậy. Từ vô lậu thiền khởi dậy, nhập vào tịnh thiền, luôn luôn như vậy ấy gọi là luyện. Lại nữa, trong các thiền có đảnh thiền.[6] Sao gọi là đảnh?. Có hai loại A-la-hán là hoại pháp và bất hoại pháp. Bất hoại pháp A-la-hán được tự tại đối với hết thảy thiền định sâu xa, có thể phát khởi đỉnh thiền. Được đỉnh thiền ấy, có thể chuyển sự sống lâu thành giàu sang, chuyển sự giàu sang thành sống lâu.[7]
Lại có nguyện trí, tứ biện, vô tránh tam muội.
[1] T. 29: A-tỳ-đạt-ma câu xá luận (阿毘達磨俱舍論), quyển 28, tr. 150b.
[2] T. 29: A-tỳ-đạt-ma câu xá luận (阿毘達磨俱舍論), quyển 29, tr. 151a-c.
[3] T. 29: A-tỳ-đạt-ma câu xá luận (阿毘達磨俱舍論), quyển 29, tr. 151c.
[4] T. 29: A-tỳ-đạt-ma câu xá luận (阿毘達磨俱舍論), quyển 27, tr. 142c; T. 27: Đại tỳ-bà-sa luận (Abhidharma-mahāvibhāsā-śāstra-大毘婆沙論), quyển 141, tr. 727c6-9: Sở duyên là thần cảnh trí thông duyên dục giới, sắc giới, hoặc bốn xứ hoặc hai xứ; thiên nhãn trí thông duyên dục, sắc giới, sắc xứ; thiên nhĩ trí thông duyên dục, sắc giới thanh xứ; tha tâm trí thông duyên dục, sắc giới và không hệ tâm tâm sở; túc trú trí thông duyên dục, sắc giới, ngũ uẩn.
[5] T. 46: chỉ quán phụ hành truyền hoằng quyết (止觀輔行傳弘決), quyển 9, tr. 419a17-20: Luyện thiền: tức là chín thứ đệ định, như Ma-da kinh nói: nhập sơ thiền, thứ nhập nhị thiền, như vậy thứ cho đến Diệt thọ tưởng định, y vào chín xứ thứ đệ mà nhập, nên có tên này, lại nhập liên tục (vô gián) nên gọi là thứ đệ.
[6] T. 29: Câu xá luận (Abhidharmakośa-śāstra-俱舍論), quyển 27, tr. 142b25.
[7] T. 27: Đại tỳ-bà-sa luận (Abhidharma-mahāvibhāsā-śāstra-大毘婆沙論), quyển 126, tr. 656c7-12.
* Trang 676 *
Nguyện trí (praṇidhijñāna)[1] là nguyện muốn biết việc ba đời, tùy sở nguyện thời đều biết được. Nguyện trí này nhiếp vào hai nơi là dục giới và đệ Tứ thiền.
Tứ biện[2] là pháp biện, từ biện thì nhiếp vào hai nơi là dục giới và Sơ thiền; nghĩa biện và lạc thuyết thì nhiếp vào chín nơi là dục giới, bốn thiền, bốn vô sắc định.
Vô tránh tam muội là làm cho tâm người khác không khởi tranh cãi, nó nhiếp vào năm nơi là dục giới và bốn thiền.[3]
Hỏi: Được các thiền còn có pháp khác nữa ư?.
Đáp: Vì định thì sanh cũng được, thối cũng được. Tịnh thiền thì khi sanh được, khi ly dục được, khi vô lậu ly dục được, khi thối được.
Chín địa vô lậu định là bốn thiền, ba vô sắc định, vị đáo địa thiền, trung gian thiền, có thể đoạn kiết sư. Ở vị đáo địa thiền, trung gian thiền có xả căn tương ưng. Nếu người thành tựu thiền, tâm biến hóa của hạ địa cũng thành tựu. Như sơ thiền thành tựu các tâm biến hóa, một là Sơ thiền, hai là Dục giới, Nhị thiền có ba, Tam thiền có bốn, Tứ thiền có năm, nếu trong Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền khi muốn nghe, thấy, xúc, chạm, đều dùng thức của trời Phạm thế, khi thức diệt thì ngưng.
Bốn vô lượng tâm, năm thần thông, tám bội xã, tám thắng xứ, mười nhất thiết nhập, chín thứ đệ định, chín tưởng, mười tưởng, ba tam muội, ba giải thoát môn, ba vô lậu căn, ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Các công đức như vậy, đều từ trong thiền Ba-la-mật phát sanh. Trong đó nên rộng nói.
[1] T. 29: A-tỳ-đạt-ma câu xá luận (阿毘達磨俱舍論), quyển 27, tr. 142a8-16: Luận: Lấy nguyện làm trước, dẫn Diệu trí khởi như nguyện, nên gọi là nguyện trí. Tự tánh trí này sinh khởi trong thân tương tục của hàng Bất động cùng với Vô tránh tương đồng, nó chỉ sở y là đệ tứ tịnh lự, chỉ khác một điểm là nguyện trí duyên tất cả các pháp. Các luận sư Tỳ-bà-sa nói rằng các pháp thuộc Vô sắc giới không được nguyện trí tri nhận một cách chính xác đã vì thuộc về đệ tứ tịnh lự thì Loại trí này không thể duyên một địa cao hơn. Các pháp này chỉ được tri nhận bằng cách suy diễn (anumāna; tỷ lượng). Thật vậy, người ta biết được (1) đẳng lưu (niṣyanda) của Vô sắc giới, tức sự tịch tĩnh cùng tột (mandamandatā) ở đời sống sau đó là sự tiếp nối của một đời sống trước đó của Vô sắc giới; (2) nhân hành (carita) của Vô sắc giới, tức sự thực hành (vihāra) các loại đẳng chí vô sắc (ārūpyasamāpattis) có khả năng dẫn sinh một đời sống ở cõi vô sắc, Cũng giống như người nông dân biết được loại giống nhờ dựa vào quả và biết được loại quả nhờ dựa vào giống. Người muốn khởi nguyện trí, trước tiên phải thành khẩn phát nguyện (praṇidhipūrvakam) cầu mong biết được một cảnh nào đó, sau đó nhập vào ranh giới cuối cùng của đệ tứ tịnh lự (dhyāna prāntakoṭika; biên tế tịnh lự), tức giai đoạn của gia hành (prayoga). Ngay khi xuất định sẽ sinh khởi một cái biết chính xác (chánh trí) phù hợp với lời phát nguyện của mình; và sự khác nhau về các cảnh giới của Loại trí này đều tùy thuộc vào lực của định.; Abhidharmakośa-śāstra, jñānanirdeśaḥ: Tathaiva praṇidhijñānam, tadapi hi saṃvṛtijñānaṃ dhyāne’ntye’kopyadharmaṇaḥ, manuṣyāśrayaṃ ca, sarvālambaṃ tu tat, sarvadharmālambanaṃ tu praṇidhijñānamityeva viśeṣaḥ, ārūpyāstu na sākṣāt praṇidhijñānena jñāyante, kiṃ tarhi? niṣyandacaritaviśeṣāt, kārṣakanidarśanaṃ cātreti vaibhāṣikāḥ, praṇidhipūrvakaṃ jñānaṃ praṇidhijñānam, yaddhi praṇidhāya prāntakoṭikaṃ caturthaṃ dhyānaṃ samāpadyate, idaṃ jānīyāmiti tadyathābhūtaṃ jānāti yāvāṃstatsamādhiviṣayaḥ.
[2] T. 29: A-tỳ-đạt-ma câu xá luận (Abhidharmakośa-śāstra-阿毘達磨俱舍論), quyển 27, tr. 142a-b: Các Vô ngại giải tổng thuyết có bốn: Pháp vô ngại giải, nghĩa vô ngại giải, từ vô ngại giải, biện vô ngại giải.; Abhidharmakośa-śāstra, Jñānanirdeśaḥ: Catasro hi pratisaṃvidaḥ- dharmapratisaṃvit, arthapratisaṃvit, niruktipratisaṃvit, pratibhānapratisaṃvicca.
[3] T. 29: A-tỳ-đạt-ma câu xá luận (Abhidharmakośa-śāstra-阿毘達磨俱舍論), quyển 27, tr. 141c.
* Trang 677 *
Hỏi: Nên phải nói là Thiền Ba-la-mật, cớ sao chỉ nói thiền?
Đáp: Thiền là gốc của Ba-la-mật. Được thiền ấy rồi thương xót chúng sanh, trong nội tâm có các diệu lạc của thiền định nhưng không biết cầu, nên mới cầu cái vui ở trong pháp khổ bất tịnh bên ngoài. Quán như vậy rồi sanh tâm đại bi, lập thệ nguyện rộng lớn: “Ta sẽ làm cho chúng sanh đều được cái vui bên trong thiền định, lìa cái vui bất tịnh. Nương cái vui thiền định, rồi tiếp đến làm cho được cái vui của Phật đạo.” Bấy giờ thiền được gọi là Ba-la-mật. Lại nữa, ở trong thiền ấy, không vì lãnh thọ thiền vị, không vì cầu quả báo, không vì tùy báo sanh ra, mà vì điều phục tâm nên nhập thiền, dùng trí tuệ phương tiện sanh trở lại dục giới, độ thoát hết thảy chúng sanh, bấy giờ thiền được gọi là Ba-la-mật.
Lại nữa, Bồ-tát nhập thiền định sâu xa, hết thảy trời người không thể biết được tâm Bồ-tát nương dựa đâu, duyên đâu, trong các pháp thấy nghe hay biết,[1] tâm không lay động, như trong Kinh Tỳ-ma-la-cật (Duy-ma-cật) vì Xá-lợi-phất mà nói pháp an tọa, không nương dựa thân, không nương dựa tâm, không nương dựa ba cõi. Ở trong ba cõi không tìm thấy thân tâm, như vậy là an tọa.[2]
Lại nữa, nếu người nghe nói cái vui thiền định hơn cái vui cõi người, cõi trời, bèn bỏ cái vui ngũ dục mà cầu thiền định. Ấy là tự cầu làm lợi mình, không đủ cho là lạ. Bồ-tát thời không như thế, chỉ vì đem vui cho chúng sanh nên làm
[1] T. 29: A-tỳ-đạt-ma câu xá luận (Abhidharmakośa-śāstra-阿毘達磨俱舍論), quyển 16, tr. 29-87b.
[2] Tham khảo, T. 14: Duy ma cật kinh (Vimalakīrti-nirdeśa-sūtra-維摩詰經), quyển 1, Chi khiêm dịch (支謙譯), tr. 521c; Cưu-ma-la-thập dịch (鳩摩羅什譯), quyển 1, tr. 539c; T. 2: Tạp a-hàm kinh (Saṃyuktāgama-雜阿含經), quyển 33, kinh số 926, Tiên đà ca chiên diên kinh (詵陀迦旃延經), tr. 235c-236b.
* Trang 678 *
cho tâm từ bi thanh tịnh, không bỏ chúng sanh.
Bồ-tát thiền, trong thiền đều phát tâm đại bi, thiền có cái vui cực diệu bên trong, nhưng chúng sanh thì bỏ đi mà cầu cái vui bên ngoài. Ví như người mù giàu lớn, có nhiều kho báu mà vì không biết không thấy mà phải đi xin. Người trí thương xót người ấy có vật quý mà không thể thấy biết, nên phải đi xin người khác. Chúng sanh cũng như vậy, trong tâm có nhiều cái vui thiền định mà không biết phát huy, trở lại cầu cái vui bên ngoài.
Lại nữa, Bồ-tát biết thật tướng các pháp nên vào thiền, trong lòng an ổn không đắm thiền vị, các ngoại đạo khác tuy vào thiền định, mà tâm không an ổn, không biết thật tướng các pháp nên đắm trước thiền vị.
Hỏi: A-la-hán, Bích-chi Phật đều không đắm trước thiền vị, cớ sao không được Thiền Ba-la-mật?
Đáp: A-la-hán, Bích-chi Phật tuy không đắm trước thiền vị, song không có tâm đại bi nên không gọi là thiền Ba-la-mật. Lại không thể hành hết các thiền, còn Bồ-tát thì hành hết các thiền thô tế, lớn nhỏ, sâu cạn, nội duyên, ngoại duyên, hết thảy đều thực hành. Do vậy nên trong tâm Bồ-tát gọi là thiền Ba-la-mật, các người khác chỉ gọi là thiền. Lại nữa, Ngoại đạo, Thanh-văn, Bồ-tát đều được thiền định, nhưng trong thiền Ngoại đạo có ba điều hoạn, hoặc đắm trước, hoặc tà kiến, hoặc kiêu mạn. Trong thiền Thanh-văn tâm từ bi mỏng, đối với các pháp không thể dùng lợi trí để thông đạt thật tướng các pháp. Lo tốt riêng cho thân mình, dứt
* Trang 679 *
hết hạt giống Phật. Còn trong thiền Bồ-tát không có việc ấy. Muốn tập họp hết thảy Phật pháp, nên ở trong các thiền mà không quên chúng sanh, cho đến côn trùng cũng thường gia niệm thương xót. Như đức Phật Thích-ca Văn-ni, vốn là tiên nhân búi tóc, gọi là Thượng-xà-lê, thường hành thiền thứ tư, hơi thở ra vào dứt, ngồi dưới một gốc cây cao chót bất động, chim trông thấy như vậy cho là cây, đẻ trứng trong búi tóc. Bồ-tát từ thiền định khởi giác, biết trên đầu có trứng chim, liền suy nghĩ: Nếu ta đứng dậy chim mẹ chắc không còn đến, chim mẹ không đến trứng chim phải hỏng, liền vào thiền trở lại, cho đến khi chim con bay đi, mới đứng dậy.
Lại nữa, trừ Bồ-tát, các người khác với tâm dục giới không thể thứ lớp vào thiền. Bồ-tát thực hành thiền Ba-la-mật, với tâm dục giới thứ lớp vào thiền, vì cớ sao? Bồ-tát đời đời tu các công đức, tâm kiết sử mỏng, tâm mềm dịu vậy.
Lại nữa, các người khác được trí tuệ biết tổng tướng các pháp mà có thể lìa dục, như quán vô thường, quán khổ, quán bất tịnh. Bồ-tát có thể phân biệt được biệt tướng của hết thảy pháp, mà lìa dục. Như năm trăm tiên nhân khi đang bay đi, nghe tiếng ca của con gái Khẩn-đà-la, sanh tâm đắm trước cuồng say, liền mất hết thần túc mà cùng một lúc rớt xuống đất. Lại như hàng Thanh-văn nghe tiếng ca hát gãy đàn của vua Khẩn-đà-la tên là Đôn-luân-ma, đem thật tướng các pháp mà tán thán Phật. Bấy giờ núi Tu-di và cây cối đều rung động, các đại đệ tử như Đại Ca-diếp v.v... đều không an ổn ngay trên chỗ ngồi của mình. Thiên-nam Bồ-tát hỏi Đại Ca-diếp: “Ông tuổi rất cao, tu hạnh đầu đà bậc nhất, nay vì sao
* Trang 680 *
không thể chế tâm an ổn được?” Đại Ca-diếp đáp: “Tôi đối với các dục của người và trời, tâm không khuynh động, nhưng đây là tiếng của vô lượng công đức quả báo của Bồ-tát, lại là tiếng do trí tuệ biến hóa phát ra, nên không thể nhịn được. Nếu gió bốn phương khởi lên thì không thể làm cho núi Tu-di động, nhưng khi kiếp tận gió Tỳ-lam thổi đến thời làm cho Tu-di lay động như cỏ mục.”
Do vậy nên biết Bồ-tát quán biệt tướng mà lìa được các dục, các người khác chỉ được gọi là thiền chứ không được gọi là Ba-la-mật
Lại nữa, các người khác biết tâm Bồ-tát nhập thiền xuất thiền chứ không thể biết tâm khi trú thiền duyên đâu đến đâu, biết các pháp sâu cạn ra sao, chính A-la-hán, Bích-chi Phật còn không thể biết huống chi các người khác, ví như Voi chúa lội nước, khi vào khi ra, dấu chân thấy được, còn khi ở trong nước không thể biết được. Nếu được Sơ thiền thì người đồng được Sơ thiền biết được, nhưng không thể biết Bồ-tát nhập Sơ thiền. Có người được Nhị thiền, quán biết được tâm người được Sơ thiền rất rõ ràng nhưng không thể biết tâm Bồ-tát khi nhập Sơ thiền. Cho đến Phi-hữu-tưởng-phi-vô-tưởng-xứ cũng như vậy.
Lại nữa, trong sự siêu việt tam muội, từ sơ thiền khởi nhập đệ Tam thiền, từ Tam thiền khởi nhập Hư-không-xứ, từ Hư-không-xứ khởi nhập Vô-sở-hữu-xứ. Nhị thừa chỉ siêu việt được một chứ không thể siêu việt được hai. Còn Bồ-tát thì tự tại siêu việt, từ Sơ thiền khởi hoặc nhập Tam thiền như lệ thường, hoặc nhập đệ Tứ thiền, hoặc nhập Không-xứ, Thức-
* Trang 681 *
xứ, Vô-sở-hữu-xứ, Phi-hữu-tưởng-phi-vô-tưởng-xứ, hoặc nhập Diệt-thọ-tưởng-định; từ Diệt-thọ-tưởng-định khởi hoặc nhập Vô-sở-hữu-xứ, hoặc Thức-xứ, Không-xứ, Tứ thiền cho đến Sơ thiền, hoặc có khi vượt một bậc, có khi vượt hai bậc, cho đến vượt chín bậc. Hàng Thanh-văn không thể vượt hai bậc, vì cớ sao? Vì trí tuệ, công đức và sức thiền mỏng. Giống như hai loại Sư tử: Một huỳnh Sư tử, hai Sư tử bờm trắng. Huỳnh Sư tử tuy cũng nhảy được nhưng không bằng Sư tử chúa bờm trắng. Các nhân duyên như vậy, là phân biệt Thiền Ba-la-mật.
Lại nữa, bấy giờ Bồ-tát, thường vào thiền định, nhiếp tâm bất động, không sanh giác quán, cũng có thể vì chúng sanh mười phương đem vô lượng âm thanh thuyết pháp để độ thoát; ấy gọi là Thiền Ba-la-mật.
Hỏi: Như trong Kinh nói:[1] Trước có giác quán tư duy sau mới thuyết pháp, còn vào trong thiền định không có ngữ ngôn giác quán, thì không thể nói pháp được. Sao nay ông nói thường ở trong thiền định không khởi giác quán mà vẫn thuyết pháp cho chúng sanh?
Đáp: Cách thức của người còn sanh tử khi nhập thiền định, trước do có giác quán về ngôn ngữ, sau mới thuyết pháp. Còn pháp thân Bồ-tát lìa thân sanh tử, biết hết thảy pháp thường trú như tướng thiền định, không thấy sự tán loạn, pháp thân Bồ-tát biến hóa ra vô lượng thân thuyết pháp cho chúng sanh, mà tâm Bồ-tát không phân biệt. Như đàn cầm của A-tu-la thường tự phát ra tiếng theo ý muốn, không phải có ai gãy, nó cũng không tán tâm, cũng không nhiếp
[1] T. 2, Tạp a-hàm kinh (Saṃyuktāgama-雜阿含經), quyển 21, kinh số 568, tr. 150a-b, Tröôùc coù giaùc có quaùn tö duy sau môùi thuyeát phaùp; Abhidharmakośa: Vitarkya vicārya vācaṃ bhāṣate nāvitarkya nāvicārya.
* Trang 682 *
tâm. Chỉ do phước đức quả báo sanh, tùy ý người mà phát ra tiếng. Pháp thân Bồ-tát cũng như vậy, không phân biệt, cũng không tán tâm, cũng không có tướng thuyết pháp. Ấy là do vô lượng phước đức, trí tuệ, thiền định, nên pháp thân Bồ-tát tùy chỗ ứng hợp mà phát ra pháp âm. Người có tâm xan tham nhiều, thì nghe âm thanh thuyết về bố thí; người phá giới, sân nhuế, giải đãi, loạn tâm, ngu si nhiều thì nghe âm thanh thuyết về trì giới, nhẫn nhục, thiền định, trí tuệ. Nghe pháp ấy rồi mỗi người tự suy nghĩ, dần dần do tam thừa mà được độ thoát.
Lại nữa, Bồ-tát quán hết thảy pháp hoặc loạn, hoặc định, đều là tướng bất nhị, còn người khác thì từ nơi loạn mà cầu định, vì cớ sao? Vì trong pháp loạn thì khởi sân tưởng, trong pháp định thì khởi trước tưởng, như tiên nhân Uất-đà-la-ca được ngũ thông, ngày ngày bay đến trong cung vua mà ăn, được vương đại phu nhân theo đúng quốc pháp lạy xuống tiếp chân, tay phu nhân chạm đến, tiên nhân liền mất thần thông, theo vua xin xe để cởi mà trở về chỗ cũ. Đi vào giữa rừng, lại cầu ngũ thông, nhất tâm chuyên chú, khi sắp chứng được, có con chim trên cây kêu cấp kíp, làm cho loạn ý, ông bỏ gốc cây đi đến bờ nước cầu nhập định, lại nghe tiếng quậy nước của bầy cá đấu nhau, ông ấy cầu nhập thiền mà không được, liền sanh sân nhuế: “Ta sẽ giết hết cá chim.” Ông ấy lâu về sau nhờ tư duy được định, sanh lên Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ. Tuổi thọ hết ở đây lại sanh xuống làm con cáo bay, giết hết cá chim, gây vô lượng tội, đọa vào ba ác đạo.
Ấy là do trong thiền định có tâm đắm trước. Ngoại đạo
* Trang 683 *
như thế, trong hàng đệ tử Phật cũng có như thế. Như một Tỳ-kheo tu được tứ thiền, sanh tâm tăng thượng mạn cho là được bốn đạo quả. Khi được Sơ thiền thì cho là đắc Tu-đà-hoàn, khi được Nhị thiền thì cho là đắc Tư-đà-hàm, khi được Tam thiền thì cho là đắc A-na-hàm, khi được Tứ thiền thì cho là đắc A-la-hán. Ỷ vào đó mà ngừng lại, không cầu tiến nữa. Khi sắp mệnh chung, thấy tướng trung ấm của tứ thiền hiện đến bèn sanh tà kiến cho là không có Niết-bàn, Phật đã dối ta. Sanh ác tà kiến như vậy nên mất trung ấm của Tứ thiền bèn thấy tướng trung ấm của địa ngục A-tỳ, mạng chung liền sanh vào địa ngục A-tỳ. Các Tỳ-kheo hỏi Phật: “Tỳ-kheo tu A-la-nhã ấy mạng chung sanh về đâu?” Phật nói: “Người ấy sanh trong địa ngục A-tỳ.” Các Tỳ-kheo đều rất kinh ngạc, lấy làm lạ hỏi: “Vị ấy tọa thiền trì giới, do đâu mà dẫn đến như vậy?” Phật nói: “Ông ấy tăng thượng mạn, vì khi được Tứ thiền thì cho là được bốn đạo quả. Khi sắp mạng chung thấy tướng trung ấm của Tứ thiền bèn sanh tà kiến, bảo là không có Niết-bàn: “Ta là A-la- hán mà phải sanh trở lại, như vậy Phật hư dối.” Khi ấy liền thấy tướng trung ấm của địa ngục A-tỳ. Mạng chung liền sanh trong địa ngục A-tỳ.” Lúc ấy Phật nói kệ:
“Đa văn, trì giới, thiền,
Chưa được vô lậu pháp,
Tuy có công đức ấy,
Việc ấy không thể tin.”
Tỳ-kheo ấy chịu khổ ở ác đạo. Cho nên biết chấp thủ loạn tướng thì dễ sanh các phiền não sân v.v.., chấp thủ định
* Trang 684 *
tướng thì dễ sanh đắm trước. Bồ-tát không chấp thủ loạn tướng cũng không chấp thủ thiền định tướng. Tướng loạn và định là một, nên gọi là Thiền Ba-la-mật. Như tướng Sơ thiền là lìa dục, trừ cái, nhiếp tâm một chỗ. Bồ-tát lợi căn lấy trí tuệ quán sát, nên đối với năm cái không có gì phải buông xả, đối với tướng thiền định không có gì phải chấp thủ, vì tướng các pháp là không.
Tại sao đối với năm cái không có gì xả? Vì tham dục cái chẳng phải ở trong chẳng phải ở ngoài, cũng chẳng phải trung gian,[1] vì cớ sao? Vì nếu nội pháp là có, thời không cần chờ ngoài mới sanh; Nếu ngoại pháp là có thời không có hoạn nạn đối với ta, nếu ở trung gian là có, thời trung gian là không có chỗ nhất định, cũng không từ đời trước đi đến, vì sao? Vì hết thảy pháp không đến, như đồng tử không có lòng dục, nếu đời trước đã có, thời ngay khi nhỏ cũng phải có, vì sao? Vì biết đời trước không đến thì cũng không đến đời sau; chẳng từ các phương đến; cũng không thường tự có; chẳng phải trong một phần, chẳng phải trong khắp thân; cũng chẳng từ năm trần đến; cũng chẳng từ năm căn ra, không từ đâu sanh, không từ đâu diệt. Tham dục ấy hoặc trước sanh, hoặc sau sanh, hoặc cùng một thời sanh, đều không đúng, vì sao? Vì nếu trước có sanh sau mới có tham dục, thế là không phải từ tham dục sanh, vì trước chưa có tham dục; nếu sau có sanh thời trước đã có tham dục, thời sanh mà không sanh gì cả; nếu cùng một thời sanh, thời không có sự sanh, không có chỗ sanh, vì sự sanh và chỗ sanh không có phân biệt.
Lại nữa, tham dục và người tham dục không phải một
[1] T. 14: Phạm chí nữ thủ ý kinh (梵志女首意經), tr. 939c-949a; T. 14: Hữu đức nữ sở vấn đại thừa kinh (有德女所問大乘經), tr. 941a-b.
* Trang 685 *
không phải khác, vì cớ sao? Vì lìa sự tham dục thì người tham dục không thể có được, lìa người tham dục thì sự tham dục không thể có được, nó chỉ từ nhân duyên hòa hợp mà sanh. Pháp do nhân duyên hòa hợp sanh tức là tự tánh không.
Như vậy sự tham dục và người tham dục khác nhau, là không thể có được. Còn nếu một thì giữa sự tham dục và người tham dục không phân biệt được. Các nhân duyên như vậy, tham dục sanh là không thể có được. Nếu pháp ấy đã không sanh thì pháp ấy cũng không diệt. Vì không sanh không diệt thời không định không loạn.
Quán tham dục cái như vậy cùng với thiền là một. Bốn triền cái khác cũng như thế. Nếu rõ được thật tướng các pháp, thời quán thấy năm triền cái không có gì, khi ấy liền biết thật tướng của năm triền cái là thật tướng của thiền, thật tướng của thiền là thật tướng của năm triền cái.
Bồ-tát biết được năm dục và năm cái, thiền định và chỉ tướng của thiền như vậy không dựa vào đâu mà vào thiền định, ấy là thiền Ba-la-mật.
Lại nữa, nếu khi Bồ-tát hành Thiền Ba-la-mật, có năm Ba-la-mật kia hòa hợp giúp thành, ấy gọi là Thiền Ba-la-mật.
Lại nữa, do sức Thiền Ba-la-mật mà đắc thần thông, trong khoảnh khắc một niệm không khởi định, mà có thể cúng dường mười phương chư Phật hương hoa, trân bảo các thứ.
Lại nữa, Bồ-tát do sức Thiền Ba-la-mật, biến thân vô số khắp vào năm đường, lấy pháp Tam thừa giáo hóa chúng sanh.
* Trang 686 *
Lại nữa, Bồ-tát vào trong Thiền Ba-la-mật, trừ các ác bất thiện pháp mà vào Sơ thiền cho đến Phi hữu tưởng phi vô tưởng định. Tâm điều hòa nhu thuận, trong mỗi thiền thực hành đại từ bi, do nhân duyên từ bi, mà nhổ hết tội trong vô lượng kiếp. Được trí biết thật tướng chư pháp, nên được mười phương chư Phật và đại Bồ-tát hộ niệm.
Lại nữa, Bồ-tát vào trong Thiền Ba-la-mật, dùng Thiên nhãn quán chúng sanh trong năm đường ở mười phương, thấy kẻ sanh trong sắc giới, thọ lạc vị của thiền định, trở lại bị đọa vào loài cầm thú chịu đủ thứ khổ. Lại thấy chư thiên cõi Dục, tự vui thú với hương hoa trong ao thất bảo, sau bị đọa vào địa ngục phân sôi mặn. Lại thấy trong loài người kẻ đa văn, thế trí biện thông, vì không đắc đạo nên trở lại đọa vào loài heo dê súc thú, không biết gì cả. Những thân như thế, mất hết các thứ vui lớn, bị khổ lớn, mất lợi lớn, bị suy lớn, mất tôn quý, bị ti tiện.
Đối với các hạng chúng sanh ấy mà sanh bi tâm, dần dần lớn rộng, được thành đại bi, không tiếc thân mạng, chỉ vì chúng sanh nên siêng tu tinh tấn, để cầu Phật đạo.
Lại nữa, không loạn, không đắm trước gọi là Thiền Ba-la-mật. Như Phật bảo Xá-lợi-phất: "Bồ-tát trú trong Bát-nhã Ba-la-mật, thì đầy đủ Thiền Ba-la-mật, vì không loạn, không vị vậy.
Hỏi: Sao gọi là loạn?
Đáp: Loạn có hai: Một là tế, hai là thô. Tế loạn có ba: 1- Ái nhiều, 2- Mạn nhiều, 3- Kiến nhiều.[1]
[1] T. 27: Đại tỳ-bà-sa luận (Abhidharma-mahāvibhāsā-śāstra-大毘婆沙論), quyển 161, tr. 815c13-19: trong đây vị tương ưng tịnh lự vô sắc là hữu phú vô ký, hay chướng ngại thánh đạo và thánh đạo gia hành nên nói là hữu phú, không chiêu cảm quả dị thục nên nói là vô ký; các phiền não khác là kiến, nghi, mạn, vô minh các phiền não này khôngnhiễm ô tịnh lự, vô sắc, triển chuyển tương tục mà hiện hữu, khiến các hành giả Du-già gọi là ái thượng tịnh lự, kiến thượng tịnh lự, nghi thượng tịnh lự và mạn thượng tịnh lự. Cũng có các triền khác, tùy phiền não, cấu và nghĩa tương ưng, phiền não hơn nên chỉ nói phiền não.
* Trang 687 *
Thế nào là ái nhiều? Được cái vui thiền định, tâm ưa đắm tham ái nhiều.
Thế nào là mạn nhiều? Khi được thiền tự cho việc khó đã thành được, để mà tự cao.
Thế nào là kiến nhiều? Dùng ngã kiến mà vào thiền định. Phân biệt chấp thủ tướng cho đây là thật, ngoài ra là vọng ngữ. Ba điều ấy gọi là vi tế loạn. Do nhân duyên đó mà thối thất thiền định, khởi lên ba độc, ấy là thô loạn. Vị là khi mới được thiền định một lòng ưa thích ấy là vị.
Hỏi: Hết thảy phiền não đều có thể làm ái nhiễm đắm trước, sao chỉ gọi ái là vị?.
Đáp: Ái với thiền tương tợ, vì cớ sao? Thiền thời nhiếp tâm kiên trụ, ái cũng chuyên tham đắm khó bỏ. Lại khi mới cầu thiền, tâm chuyên muốn được. Tánh của ái là ham muốn ưa vui, chuyên cầu mong tham muốn, cùng với thiền định không trái nhau. Đã được thiền định, nhiễm đắm không bỏ, thì hoại thiền định, ví như bố thí vật cho người, lại mong quả báo hiện tiền, thời không phước đức; ở nơi thiền yêu thân, yêu đắm nơi thiền, cũng lại như thế. Thế nên chỉ lấy ái làm thời vị, không lấy các kiết sử khác làm vị.
(Hết cuốn 17 theo bản Hán)
__________
* Trang 688 *