Khi tôi nói đến lòng từ bi và tầm quan trọng của việc tu dưỡng lòng từ bi, điều này không liên quan đến bất kỳ tôn giáo nào, mà đây chỉ là một phương cách sống.
----🍃---
💗TẦM QUAN TRỌNG CỦA TÂM TỪ BI
Trong cuộc sống luôn có hai dạng bi kịch diễn ra. Không có được những gì mình muốn là bi kịch, điều này ai cũng rõ. Bi kịch thứ hai nghe rất khôi hài, đó là đạt được những gì mình mong muốn. Bạn thắc mắc tại sao có được những gì mình muốn lại là bi kịch? Có một câu chuyện nổi tiếng về một ông vua luôn muốn có nhiều vàng hơn nữa. Một lần nọ, khi ông vua đang cầu nguyện, Thượng Đế hiện ra trước mặt ông và hỏi, “Ông muốn gì?” Ông vua xin Thượng Đế ban cho ông quyền năng để tất cả những gì ông chạm vào đều biến thành vàng. Thượng Đế đã ban cho ông vua quyền năng như ông mong muốn. Khi ông vua chạm vào cung điện, bàn ghế… thì tất cả đều biến thành vàng, và ông rất sung sướng. Sau đó, khi ông vua dùng bữa, tất cả thức ăn ông chạm vào đều biến thành vàng. Rồi ông vua vô tình chạm phải cô con gái khiến cho nàng công chúa hóa thành một pho tượng bằng vàng. Lúc đó, ông vua rất hối hận vì đã xin Thượng Đế quyền năng biến mọi thứ thành vàng. Ông khóc nức nở và cầu nguyện với Thượng Đế hãy lấy lại quyền năng đó. Ông vua nói, “Giờ đây con thật sự muốn con gái mình trở lại!” Trong cuộc sống, đôi khi có được những gì mình mong muốn lại trở thành bi kịch.
Làm thế nào để ta có một cuộc sống hoàn hảo? Để có một cuộc sống hoàn hảo thì ta cần một hướng đi đúng đắn và hoàn hảo.
Nếu bạn hỏi “Làm thế nào để sống hạnh phúc?” thì sẽ nhận được rất nhiều câu trả lời khác nhau. Nếu bạn đặt câu hỏi này với cỗ máy tìm kiếm Google thì sẽ nhận được hàng ngàn lời giải đáp.
Tuy nhiên, Google chỉ có thể cung cấp thông tin nhưng không thể chia sẽ kinh nghiệm. Có nhiều điều chúng ta cần tích lũy thông qua kinh nghiệm. Khi tôi hỏi thế nào là một cuộc sống hoàn hảo khi ta khỏe mạnh, hạnh phúc, và thịnh vượng. Tôi đồng ý với quan điểm này, và vấn đề đặt ra ở đây là lòng từ bi có vai trò gì trong việc kiến tạo hạnh phúc và duy trì sức khỏe hay không?
💞 TRONG CUỘC SỐNG, ĐÔI KHI CÓ ĐƯỢC NHỮNG GÌ MÌNH MONG MUỐN LẠI TRỞ THÀNH BI KỊCH. 💞
Khi tôi nói đến lòng từ bi và tầm quan trọng của việc tu dưỡng lòng từ bi, điều này không liên quan đến bất kỳ tôn giáo nào, mà đây chỉ là một phương cách sống. Nói chung, tình thương và lòng bi mẫn là những chủ đề không liên quan đến tôn giáo. Loài thú không biết đến tôn giáo nhưng chúng cũng cần tình yêu thương. Tình yêu thương rất quan trọng đối với loài thú, nhưng tôn giáo thì không. Đối với chúng ta, khi vừa được sinh ra đời ta không theo một tôn giáo nào cả. Ta đã không cần tôn giáo nhưng vẫn cần tình thương và lòng bi mẫn từ mẹ và những người khác. Khi nhìn cảnh một người mẹ đang cho con bú ta chỉ nhìn thấy dòng sữa mẹ, nhưng dòng sữa đó đồng thời mang theo tình thương và lòng bi mẫn của người mẹ dành cho đứa con. Nếu có hai đứa trẻ sơ sinh, một đứa được bú sữa mẹ còn đứa kia được nuôi bằng các chất dinh dưỡng giống như sữa mẹ, bạn nghĩ có khác biệt gì giữa sự phát triển của hai đứa trẻ không? Khoa học đã chứng minh có sự khác biệt to lớn. Sự phát triển của trẻ nhỏ không chỉ phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng mà còn phụ thuộc vào sự chăm sóc ,yêu thương, và lòng bi mẫn từ cha mẹ; những yếu tố này rất quan trọng. Vì vậy, lòng từ bi là một vấn đề không liên quan đến tôn giáo, mà thậm chí đó là một yếu tố quan trọng đối với sự phát triển của trẻ nhỏ. Khi một người mẹ cho con bú, đứa con không chỉ nhận được sữa mẹ mà còn nhận được tình thương và lòng bi mẫn của mẹ chảy theo dòng sữa. Chúng ta không thể nhìn thấy như khoa học đã chứng minh điều đó.
Lòng từ bi mang đến hạnh phúc và đồng thời giúp cơ thể khỏe mạnh. Lòng từ bi mang lại hạnh phúc như thế nào? Nói chung, để có đời sống hạnh phúc thì bạn cần lưu ý vài điểm quan trọng. Thứ nhất, bạn phải có rất ít phiền não như chấp ngã, sân giận… Thứ hai, bạn cần có những mối quan hệ rất tốt với gia đình, vợ chồng, con cái, và bạn bè. Duy trì những mối quan hệ lành mạnh là điều rất quan trọng. Thứ ba, bạn cần phải kiểm soát được bản thân. Ba điểm này rất quan trọng.
Bạn phải có rất ít phiền não như chấp ngã, sân giận… vì những cảm xúc này sẽ hủy hoại an lạc và hạnh phúc nội tâm. Bạn phải biết cách kiểm soát những cảm xúc tiêu cực này. Bạn cũng cần có quan hệ tốt với gia đình, vợ chồng, con cái và bạn bè. Khi những mối quan hệ này không được suôn sẻ, điều đó cũng ảnh hưởng đến hạnh phúc của bản thân. Yếu tố sau cùng là bạn phải kiểm soát bản thân, nghĩa là bạn phải đặt ra mục tiêu cho riêng mình và hướng đến mục tiêu với tinh thần kỷ luật cao độ. Có một người lái xe đến một giao lộ và hỏi đường, “Con đường này dẫn đi đâu vậy?” Người được hỏi nói, “Anh muốn đi đâu? “Anh tài xế nói, “Tôi cũng không biết mình phải đi đâu nữa. “Người kia đáp, “Vậy thì anh đi đường nào cũng được, không có gì khác biệt cả.” Chính vì vậy, ta phải đặt mục tiêu và vạch ra cho mình một hướng đi đúng đắn. Đó chính là kiểm soát bản thân. Ba điểm này là những yếu tố quan trọng để có một đời sống hạnh phúc.
💞 NẾU CÓ TÂM TỪ BI THÌ BẠN SẼ CÓ THỂ HY SINH RẤT NHIỀU THỨ. KHI ĐÃ CÓ THỂ HY SINH NHIỀU THỨ THÌ MỌI QUAN HỆ ĐỀU TRỞ NÊN VỮNG CHẮC, DÙ LÀ QUAN HỆ BẠN BÈ, VỢ CHỒNG, HAY QUAN HỆ GIỮA CHA MẸ VÀ CON CÁI. 💞
Để có cuộc sống hạnh phúc, lòng từ bi đóng vai trò rất quan trọng.Ví dụ, bạn cần để có những mối quan hệ lành mạnh với vợ chồng, con cái và bạn bè? Bạn cần phải hy sinh, điều này rất quan trọng. Một lần nọ trong một nhà hàng ở Đài Loan, tôi thấy một đôi nam nữ ngồi cùng bàn, họ trò chuyện rất nhiều và nắm tay nhau. Ở một bàn khác có một đôi nam nữ không trò chuyện nhiều mà chỉ chăm chú nhìn vào điện thoại của mỗi người. Lúc đó, tôi nghĩ đôi nam nữ trò chuyện nhiều có lẽ mới yêu nhau, còn đôi nam nữ kia đã yêu nhau rất lâu rồi.Với cặp đôi mới yêu, họ sẽ hy sinh nhiều thứ hơn cho nhau, kể cả hy sinh thời gian dùng điện thoại.
Hy sinh là yếu tố quan trọng nhất trong mọi mối quan hệ. Bạn chỉ có thể hy sinh khi có tâm từ bi, nếu không thì rất khó hy sinh. Nếu có tâm từ bi thì bạn sẽ có thể hy sinh rất nhiều thứ. Khi đã có thể hy sinh nhiều thứ thì mọi quan hệ đều trở nên vững chắc, dù là quan hệ bạn bè, vợ chồng, hay quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Khi bạn có tình thương và lòng bi mẫn đối với người thân và bạn bè thì hy sinh sẽ không là gì cả, rất đơn giản.Tôi nói như vậy vì tôi đã hy sinh thời gian và cuộc sống của mình rất nhiều, chứ tôi không phải là một người chưa từng hy sinh. Tôi không giống Google. Google có thể đưa ra lời khuyên tương tự nhưng Google không hy sinh điều gì cả. Trong tình bạn, đôi khi bạn phải biết hy sinh, và nếu bạn thật sự có tâm từ bi đối với bạn bè mình thì hy sinh là điều dễ dàng. Hồi tôi còn nhỏ, ba tôi từng nhắc đến một câu nói nổi tiếng ở Tây Tạng, “Người lười biếng luôn cảm thấy việc tu tập Phật pháp thật dễ dàng, nhưng để trở thành một hành giả tốt thì bạn sẽ không còn thời gian để ngủ.” Để trở thành một hành giả tốt bạn phải hy sinh rất nhiều thứ. Tu sĩ như tôi phải tuân thủ 253 giới luật, nghĩa là tôi phải hy sinh 253 điều. Tuy nhiên, bạn cũng cần có kiến thức và trí tuệ để biết những gì nên hy sinh và những gì không nên hy sinh.
Tâm từ bi là yếu tố then chốt giúp chúng ta giảm thiểu phiền não như chấp ngã, sân giận … Những cảm xúc phiền não này thật sự hủy hoại hạnh phúc của chúng ta một cách trầm trọng. Ví dụ, trong cuộc sống, khi phải đưa ra quyết định, từ việc nhỏ đến việc lớn, ta đều biết rằng chúng ta phải có cái nhìn tổng thể về vấn đề. Tuy nhiên, ta không làm như vậy trong hầu hết mọi tình huống mà chỉ tìm cách thỏa mãn duy nhất bản ngã của mình. Bạn hãy nhìn lại bản thân, có bao nhiêu quyết định bạn từng đưa ra chỉ để thỏa mãn bản ngã? Mỗi khi tranh đấu với người khác, bạn rất quyết đoán chỉ vì bản ngã chứ không phải vì giá trị của mục tiêu tranh đấu đó.
Tôi có một kinh nghiệm ở Việt Nam. Khi tôi nói về bất cứ chủ đề nào, tôi chưa từng thấy có người nào nói “Tôi không biết.” Dù chủ đề là gì đi nữa, họ sẽ nói và nói về một ý tưởng nào đó. Năm ngoái ở Thụy Sĩ, chúng tôi trò chuyện cùng nhau và một người đàn ông đã nói ông ấy không biết về chủ đề chúng tôi đang nói tới. Tôi thấy điều đó thật thú vị, ông ấy thành thật thừa nhận mình không biết và tôi thật sự thích điều đó. Ý của tôi ở đây là đôi khi bản ngã khiến chúng ta tưởng rằng mình biết tất cả. Có một câu nói thú vị: “Người nào nghĩ rằng mình biết tất cả chính là người phải học hỏi nhiều nhất.” Đôi khi những phiền não như chấp ngã sân giận… khiến chúng ta lạc lối. Để giảm thiểu những phiền não này, yếu tố then chốt là thực hành tâm từ bi.
💞 ĐÔI KHI NHỮNG PHIỀN NÃO NHƯ CHẤP NGÃ, SÂN GIẬN… KHIẾN CHÚNG TA LẠC LỐI. ĐỂ GIẢM THIỂU NHỮNG PHIỀN NÃO NÀY, YẾU TỐ THEN CHỐT LÀ THỰC HÀNH TÂM TỪ BI. 💞
Khi bạn nổi giận với người mình không ưa hoặc nổi giận với kẻ thù, cơn giận sẽ khiến bạn tổn thương nhiều hơn. Chúng ta đều biết như vậy. Cơn giận không những hủy hoại hạnh phúc của bạn mà nó còn hủy hoại hạnh phúc của gia đình bạn. Bạn biết như vậy nhưng vẫn không thể ngừng nổi giận. Tôi vẫn nhớ rõ có nhiều lúc khi ba tôi về nhà, vì một vấn đề khó khăn bên ngoài nào đó mà ông nổi giận và la mắng người nhà. Ông đang tức giận một người khác và phải xả cơn giận, nhưng ông lại xả giận vào mẹ tôi. Tôi vẫn còn nhớ những chuyện như vậy hồi tôi còn nhỏ, và tôi biết sự việc này không chỉ xảy ra trong nhà tôi mà đang diễn ra ở rất nhiều gia đình khác.Với những câu chuyện như vậy, trong truyền thống Tây Tạng, từ đời này sang đời khác, chúng tôi thường tiến hành nhiều nghi thức cầu nguyện và puja. Tuy nhiên, để then chốt vẫn là thực hành tâm từ bi. Khi đức Phật dạy về tâm từ bi và thực hành phát tâm từ bi đối với người khác, Ngài không đề cập đến bất cứ tư tưởng tôn giáo nào. Điều Ngài dạy là một lối sống hạnh phúc lành mạnh và có lợi cho sức khỏe chứ không phải là một tư tưởng tôn giáo.
Theo quan điểm y khoa, trạng thái tinh thần có nhiều tác động đến sức khỏe thể chất. Sức khỏe thể chất và trạng thái tinh thần có nhiều mối liên hệ mật thiết với nhau. Đặc biệt trong thế kỷ XXI này, tôi biết bạn phải làm việc rất chăm chỉ, chịu áp lực công việc và nhiều áp lực khác. Bạn cần biết rằng khi tâm trí phải chịu nhiều áp lực như vậy thì sức khỏe thể chất cũng bị ảnh hưởng. Hồi tháng 3/2016, tôi đã đến Bangalore một trong những vùng có nền công nghệ thông tin phát triển nhất ở Ấn Độ; có rất nhiều công ty công nghệ thông tin ở đó. Tôi đã gặp một vị bác sĩ và vị ấy nói rằng ở một công ty nọ, nhân viên còn rất trẻ, khoảng từ 25 đến 40 tuổi, nhưng hầu hết họ đều có vấn đề về tim, chỉ có hai người không có bệnh về tim. Trong hai người đó, một người là tài xế của công ty còn người kia chuyên phục vụ trà cho nhân viên công ty. Bạn cần biết rằng khi tâm an lạc hơn thì sức khỏe thể chất cũng được cải thiện. Đây là điều được cả thế giới công nhận. Hầu hết chúng ta nghĩ rằng chế độ dinh dưỡng rất quan trọng đối với sức khỏe. Tôi đồng ý với quan điểm này, nhưng ngoài chế độ dinh dưỡng ra còn có các yếu tố khác. Khi tâm ta chất chứa nhiều phiền não như sân giận, chấp ngã…, chúng sẽ tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất. Khi tâm bạn từ bi hơn thì sức khỏe sẽ được cải thiện. Tôi biết một người là nhân viên dịch vụ công ích Ông ấy phải làm nhiều việc xã hội, đặc biệt là phục vụ người nhiễm HIV/AIDS.Ông ấy đã kể tôi nghe một điều thú vị. Đối với những bệnh nhân nhiễm HIV ở giai đoạn cuối, tuổi thọ của nữ giới luôn cao hơn nam giới.Thời gian sống của người nữ mang bệnh dài hơn thời gian sống của người nam mang bệnh.Ông ấy rất ngạc nhiên và không giải thích được điều này ông ấy nói hệ miễn dịch của phụ nữ mạnh hơn của nam giới, nhưng ông không hiểu vì sao lại như vậy. Tôi cảm thấy về mặt sinh học, phụ nữ có lòng bi mẫn hơn và điều đó đã ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của họ. Đó là quan điểm của cá nhân tôi.
💞 KHI ĐỨC PHẬT DẠY VỀ TÂM TỪ BI VÀ THỰC HÀNH PHÁT TÂM TỪ BI ĐỐI VỚI NGƯỜI KHÁC, ĐIỀU NGÀI DẠY LÀ MỘT LỐI SỐNG HẠNH PHÚC, LÀNH MẠNH, VÀ CÓ LỢI CHO SỨC KHỎE, CHỨ KHÔNG PHẢI LÀ MỘT TƯ TƯỞNG TÔN GIÁO. 💞
Bây giờ chúng ta nói về quan điểm của khoa học về thực hành từ bi. Bạn có thể tìm trên Google công trình nghiên cứu của Đại học Emory ở Hoa Kỳ. Họ đã nghiên cứu về hiệu quả của việc thực hiện thực hành từ bi. Họ yêu cầu cầu tình nguyện viên thực hành 20 phút mỗi ngày, và sau một tháng họ kiểm tra não bộ bằng MRI để xem kết quả. Họ phát hiện ra một biệt thực hành từ bi mang lại rất nhiều hiệu ứng tích cực lên cơ thể.
💗 THỰC HÀNH TU DƯỠNG TÂM TỪ BI
Khi tôi nói đến thực hành tâm từ bi có rất nhiều người hiểu lầm. khi nói thực hành tâm từ bi, Tôi không nói rằng bạn phải trao tặng một món đồ nào đó cho người khác. Có một câu chuyện kể về một người nói rằng anh ta bắt đầu thực hành tâm từ bi. Người bạn của anh ta hỏi, “Việc anh thực hành tâm từ bi thật tuyệt! Khi anh ta đang thực hành tâm từ bi, nếu anh có hai con ngựa thì anh có tặng một con ngựa cho một người không có ngựa không?” Anh trả lời, Tất nhiên rồi! Tôi đang thực hành tâm từ bi mà!” Người bạn hỏi tiếp, “Nếu anh có hai con bò thì anh có tặng một con bò cho một người không có bò không?” Anh ta cũng trả lời có vì anh đang thực hành tâm từ bi. Rồi người bạn hỏi, “Nếu anh có hai con lừa thì, anh sẽ tặng một con lừa cho một người không có lừa chứ?” Bấy giờ anh ta trả lời, “Không, tôi sẽ không tặng.” Người bạn của anh ta rất ngạc nhiên và hỏi, “Các tình huống đều giống nhau: nếu anh có hai con bò thì anh sẵn sàng tặng một con cho người không có bò; nếu anh có hai con ngựa thì anh sẵn sàng tặng một con cho người không có ngựa. Vậy tại sao nếu có hai con lừa thì anh lại không tặng một con?” Anh ta trả lời, “Không, các tình huống này không giống nhau! Tôi nói rằng tôi sẽ tặng một con bò nếu tôi có hai con bò, tôi sẽ tặng một con ngựa nếu tôi có hai con ngựa, nhưng tôi sẽ không tặng con lừa nào cả, vì trên thực tế bây giờ tôi không có hai con bò, không có hai con ngựa nhưng tôi lại đang có hai con lừa.” Câu trả lời này rất xác đáng. Khi chúng ta bắt đầu thực hành tâm từ bi, ta không cần phải có hành động cụ thể. Trước hết, bạn nên bắt đầu tu dưỡng từ bi trong tâm mình, còn hành động cụ thể có thể tiến hành sau.
Tôi sẽ hướng dẫn vài bước vài bước thực hành phát khởi tâm từ bi. Bạn có thể thực hành 10 đến 15 phút mỗi ngày. Nếu bạn cảm thấy mình không có đủ thời gian để thực hành thì hãy giảm thời gian xem TV và lướt Internet 10 phút. Đôi lúc tôi thấy mình có rất nhiều thời giờ, nhưng cũng có lúc tôi thấy mình không có thời gian. Bạn có đủ thời gian hay không, điều này tùy thuộc vào các cách bạn quản lý thời gian. Nếu quản lý thời gian thật đúng đắn thì bạn sẽ có rất nhiều thời gian. Nếu không quản lý đúng thì bạn sẽ không có chút thời gian nào cả. Bạn có thể thực hành 5 phút buổi sáng 5 phút ở nơi làm việc… và theo dõi những hiệu ứng từ về thực hành, chẳng hạn như bạn cảm thấy thoải mái hơn tâm trí điềm tĩnh hơn… Nếu cảm nhận được kết quả tích cực như vậy thì bạn hãy tiếp tục thực hành, nếu không thấy khác biệt gì đáng kể thì không cần thực hành nữa. Tuy nhiên, bạn cần biết rằng cố gắng thử thực hành thì vẫn tốt hơn là không làm gì.
💞 KHI NÓI THỰC HÀNH TÂM TỪ BI, TÔI KHÔNG NÓI RẰNG BẠN PHẢI TRAO TẶNG MỘT MÓN ĐỒ NÀO ĐÓ CHO NGƯỜI KHÁC. TRƯỚC HẾT, BẠN NÊN BẮT ĐẦU TU DƯỠNG TỪ BI TRONG TÂM MÌNH, CÒN HÀNH ĐỘNG CỤ THỂ CÓ THỂ TIẾN HÀNH SAU. 💞
Trước hết, bạn nhắm mắt lại và nghĩ đến người thân, hoặc gia đình của bạn, và phát khởi mong ước họ được hạnh phúc và mọi khổ đau nơi họ đều tan biến. Tiếp theo, khi đang nhắm mắt, bạn nghĩ rằng mình đang nhận về tất cả khổ đau của họ dưới dạng ánh sáng đen đi vào cơ thể của bạn. Trong lúc bạn đang hít thở, hãy quán tưởng hình ảnh người thân, cha mẹ, vợ chồng, con cái của bạn. Khi bạn thở vào, bạn nghĩ rằng bạn đang nhận về mọi khổ đau của người thân yêu dưới dạng ánh sáng đen theo hơi thở đi vào cơ thể của bạn. Khi bạn thở ra, bạn nghĩ rằng bạn đang trao tặng mọi hạnh phúc của mình cho người thân. Khi nghĩ rằng mình đang nhận về khổ đau của người thân, bạn không nên lo sợ vì chắc chắn bạn sẽ không khổ đau như vậy. Ví dụ, nếu bạn nghĩ đến một ông vua và quán tưởng nhận về tất cả hạnh phúc của ông vua đó thì bạn có được hạnh phúc đó không? Không. Tương tự, khi quán tưởng nhận về khổ đau của người khác, bạn sẽ không phải chịu đau khổ như vậy.
Chúng ta nên tâm niệm cầu nguyện cho tất cả chúng sinh cha mẹ trong sáu nẻo được hạnh phúc và được giải thoát khỏi mọi khổ đau. Khi tiếp xúc với người khác, khi gặp bạn bè, hoặc bất cứ khi nào bắt gặp một người đau khổ hay một con thú đau khổ, bạn hãy cầu nguyện cho chúng sinh đó thoát khỏi mọi cảnh khổ và có được hạnh phúc cùng an lạc. Khi đến nơi làm việc, bạn cũng cố gắng phát khởi tâm nguyện như thế đối với những người khác. Mục đích sau cùng của việc tu dưỡng tâm từ bi không phải là để hiểu cảm nhận của người khác, mà là để cảm nhận được những gì người khác cảm nhận.
Hãy cố gắng thực hành, bạn không mất gì cả. Hãy thực hành 10 đến 15 phút mỗi ngày trong một tháng và xem có hiệu quả gì không. Nếu bạn thành công thì rất tốt nếu bạn không thành công thì cũng rất tốt. Nếu bạn thực hành thành công thì điều này chứng tỏ cách thực hành này có hiệu quả đối với bạn. Nếu bạn thực hành không thành công thì ít nhất bạn biết rằng cách thực hành này vô dụng và không hiệu quả đối với bạn. Khi Thomas Edison phát minh bóng đèn điện, ông ấy đã nói, “Tôi chưa từng thất bại. Tôi chỉ vừa khám phá ra 10 ngàn cách sẽ không mang lại kết quả gì. “Thomas Edison đã thử nghiệm rất nhiều lần và ông ấy không cảm thấy mình thất bại trong những lần trước đó. Tương tự, nếu bạn thực hành và nhận ra cách thực hành này không có kết quả bạn không thất bại mà bạn biết và phương pháp này không có tác dụng. Nếu bạn thực hành thành công thì rất tốt. Tôi nghĩ tỷ lệ thành công cao hơn nhiều.
💞 MỤC ĐÍCH SAU CÙNG CỦA VIỆC TU DƯỠNG TÂM TỪ BI KHÔNG PHẢI LÀ ĐỂ HIỂU CẢM NHẬN CỦA NGƯỜI KHÁC, MÀ LÀ ĐỂ CẢM NHẬN ĐƯỢC NHỮNG GÌ NGƯỜI KHÁC CẢM NHẬN. 💞
✨ Hỏi: Nếu có một người trong tâm chứa đầy phiền não và anh ta muốn tự sát thì tôi phải thực hành từ bi đối với người đó như thế nào?
✨ Đáp: Thật sự rất đáng buồn cho người muốn tự sát. Có nhiều nguyên nhân khiến người ta muốn tự sát, nhưng nguyên nhân chủ yếu là họ mất hết hy vọng. Cho dù cuộc sống có nhiều khó khăn, nếu còn hy vọng vượt qua khó khăn thì bạn sẽ cố gắng sống tiếp. Nếu đánh mất mọi hy vọng vượt khó thì người ta sẽ nghĩ rằng tự sát là phương án duy nhất để thoát khỏi nghịch cảnh. Khó khăn có thể rất nhỏ bé, nhưng nếu không còn hy vọng vượt qua khó khăn nhỏ ấy thì người ta sẽ muốn tự sát. Đôi khi người ta lại tự sát vì giận dữ. Dù do nguyên nhân gì đi nữa, tự sát là một chuyện rất đáng buồn. Điều chúng ta có thể làm là cầu nguyện cho họ để gửi đến họ năng lượng cùng những suy nghĩ tích cực.
✨ Hỏi: Thầy dạy cách quán tưởng người thân và nhận về mình khổ đau của người thân, nhưng trên thực tế chúng ta sẽ không thật sự chịu khổ thay cho họ. Khi thực hành như vậy, người thân của chúng ta có hết khổ không?
✨ Đáp: Vấn đề này tùy thuộc vào hai điểm. Thứ nhất là trạng thái tâm của bạn. Nếu tâm bạn có năng lực mạnh mẽ thì thực hành như vậy sẽ có hiệu quả trong việc giúp người thân bớt khổ. Thứ hai, nếu bạn và người thân có liên kết mật thiết về nghiệp thì thực hành này có thể có hiệu quả. Do đó, việc cầu nguyện của bạn có hiệu quả hay không tùy thuộc vào hai yếu tố: bạn có liên kết nghiệp chặt chẽ với người thân, hoặc năng lực của tâm bạn rất mãnh liệt.
✨ Hỏi: Tôi rất buồn vì con trai tôi rất ngỗ nghịch và tôi không nghe lời. Khi tôi khuyên bảo thì nó phản ứng rất vô lễ. Có khi nó còn lớn tiếng ý với tôi. Tôi phải làm gì để dạy con
✨ Đáp: Điều này tùy thuộc vào độ tuổi của con bạn. Điều quan trọng là phải hiểu được thái độ của đứa trẻ. Đôi khi thái độ của đứa trẻ hình thành từ nhiều nguyên nhân khác nhau . Không thật dễ dàng để khuyên bảo, và bạn cần phải tiến hành từng bước một. Tôi nghĩ sẽ cần thời gian.
Tôi thật sự hiểu rằng các bậc cha mẹ thường luôn lo lắng về con cái của mình. Tôi thật sự hiểu cảm giác của bạn.
Trong cuộc sống của tôi với tư cách là một đạo sư, đôi lúc học trò thật sự nghe lời tôi, nhưng có lúc họ cố dạy lại tôi và yêu cầu tôi làm thế này thế nọ. Vài học trò cố làm công việc của người Thầy. Việc của người thầy là nói cho học trò biết họ phải làm gì, đó không phải là việc của học trò, vậy mà vài học trò vẫn hành xử như vậy.
Trước hết bạn phải hiểu con mình. Để hiểu con, bạn phải biết rõ về bạn bè của nó. Thứ hai, bạn nên thay đổi cách tiếp cận. Cách tiếp cận hiện đại của bạn không phù hợp với đứa con nên nó phản ứng lại như vậy. Điều quan trọng hơn nữa là bạn phải lắng nghe. Bạn luôn cố khuyên bảo nhưng lại không lắng nghe. Điều này rất quan trọng. Bạn nên dành thời gian hơn với con cái và lắng nghe chúng nhiều hơn.
-----🍃-----
Trích “Làm Chủ Cuộc Đời”
Dịch: Trần Gia Phong
NXB: Hồng Đức. 2017
Bản Văn Niệm Phật Quyết Định Vãng Sanh“Luận về tam tâm, tứ tu là để thành một mực chuyên tu Niệm Phật. Nếu đã thành một mực chuyên tu Niệm Phật thì
NGHIỆP CỦA NHỮNG ĐỨC HẠNH GIẢI THOÁT, NHỮNG PHƯƠNG TIỆN THOÁT KHỎI SANH TỬNghiệp của những hành vi đức hạnh phối hợp với những đức hạnh giải thoát dẫn người ta đến
Đẹp – tiếng gọi muôn thuở của con người, Đẹp là gì? Làm thế nào để kiến tạo một cuộc sống Đẹp? Có thể nói, không hướng đến cái Đẹp nhân loại
GIỚI THIỆU KINH ĐẠI NIỆM XỨ Tác giả: Hòa thượng Silananda Dịch giả: Khánh HỷNày các thầy tỳ-khưu...Ðây là con đường duy nhất để thanh lọc (tâm) chúng sanh, chấm dứt lo
Alexandxer Berzin, Singapore 10 tháng Tám, 1988Trích đoạn đã được duyệt lại từ:Berzin, Alexander and Chodron, Thubten.Glimpse of Reality.Singapore: Amitabha Buddhist Centre, 1999. Hỏi: Lý thuyết về nghiệp có tính cách thực nghiệm
QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,
Giữ giới là lựa chọn tự do Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc
Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt