Bài Viết (701)


NỀN TẢNG CỦA TẤT CẢ CÁC PHẨM TÍNH TỐT ĐẸP

494

NỀN TẢNG CỦA TẤT CẢ CÁC PHẨM TÍNH TỐT ĐẸP

Khunu Lama Rinpoche

[Trích từ “NHỮNG GIÁO LÝ TỪ TÂY TẠNG - Hướng dẫn của những Lạt Ma vĩ đại” do Nicholas Ribush biên tập]

Mục đích tối hậu của việc lắng nghe các giáo lý là để giác ngộ. Do đó, trước khi lắng nghe [hoặc đọc hiểu] giáo lý này về Nền tảng của Tất cả các Phẩm tính Tốt đẹp [Tiếng Tạng: Yon-ten-shir-gyur-ma], cần thiết trưởng dưỡng tư tưởng thanh tịnh của Bồ đề tâm, nguyên nhân chính của giác ngộ.

Chúng ta giác ngộ là nhờ thực hành Pháp. Không thực hành Pháp, không có cách nào giác ngộ. Giác ngộ có thể được chỉ thông qua việc thực hành Pháp.

Có hai loại Pháp: bên trong và bên ngoài. Pháp bên trong nghĩa là Phật Pháp; Pháp bên ngoài nghĩa là các tôn giáo khác, các tôn giáo được theo bởi những người không phải là Phật giáo. Pháp bên ngoài có năm nhánh. Thực hành Pháp bên ngoài, bạn có thể nhận được những khoái lạc, thoải mái tạm thời nằm trong sinh tử nhưng bạn không thể giác ngộ. Để giác ngộ, bạn phải thực hành Pháp bên trong - Phật Pháp.

Về Phật Pháp, có bốn trường phái tư tưởng triết học: Vaibhashika - Tỳ Bà Sa [che-tra-mra-wa], Sautrantika - Kinh Lượng [do-de-pa], Cittamatra - Duy Tâm [sem-tsam] và Madhyamaka - Trung Quán [u-ma-pa]. Những trường phái Phật Pháp này bao gồm hai nhánh chính: Hinayana - Tiểu thừa và Mahayana - Đại thừa. Vaibhashika - Tỳ Bà Sa và Sautrantika - Kinh Lượng là những trường phái Tiểu thừa; Cittamatra - Duy Tâm và Madhyamaka - Trung Quán là những trường phái Đại thừa.

Những giáo lý mà chúng ta cần thực hành là thuộc về Đại thừa; cụ thể, giữa những giáo lý Trung Đạo, cái thấy của trường phái Trung Quán là tốt nhất, thanh tịnh nhất và hoàn hảo nhất. Nhưng trong khi cái thấy của trường phái Trung Quán là thanh tịnh hơn của Duy Tâm và là điều chúng ta cần học hỏi, khi nói tới hành động sâu rộng hoặc các phương tiện thiện xảo, các giáo lý của Duy Tâm và Trung Quán là giống nhau. Do đó, Trung Quán có chứa đựng những giáo lý tốt nhất về cả cái thấy sâu xa và hạnh sâu rộng. 

Trong quyển Kho báu Vĩ đại về các Giai đoạn của Đạo Giải thoát [Lam-rim Chen-mo], Lama Tsong Khapa thảo luận chi tiết các bước của kinh thừa Paramitayana - Bát Nhã thừa, nhưng khi nói đến Kim Cương Thừa, ngài lại khẳng định một cách giản dị rằng chúng ta cần phải bước vào con đường mà không giải thích con đường tantra được phân bậc một cách chi tiết, như là đối với con đường kinh thừa.

Bản văn ngắn viết bởi Lama Tsong Khapa mà chúng ta sẽ nói đến ở đây, Nền tảng của Tất cả các Phẩm tính Tốt đẹp bắt nguồn từ các giáo lý Trung Quán và do đó, rất quan trọng là bạn phải hiểu nó.

BÌNH GIẢNG TỪNG ĐOẠN KỆ

Đoạn kệ đầu tiên đọc:

Nền tảng của tất cả các phẩm tính tốt đẹp là đạo sư từ hòa và tôn kính;

Sùng mộ đúng đắn với ngài là gốc rễ của con đường.

Bằng cách thấy điều này một cách rõ ràng và áp dụng với nỗ lực lớn lao,

Xin hãy ban phước cho con để con nương tựa vào ngài với lòng tôn kính sâu sắc.

Đoạn kệ này, một cách rõ ràng, nói về thực hành đạo sư (guru yoga). Tất cả các phẩm tính giải thoát tốt đẹp, trạng thái bao la [thar-pa] và giác ngộ, mục đích tối hậu, nương dựa vào đạo sư. Do đó, cần thiết phải tìm một đạo sư hoàn hảo, người có tất cả các phẩm tính đã được giải thích trong các giáo lý Lam-rim. Trách nhiệm của chúng ta như là những học trò là tuân theo những hướng dẫn của đạo sư một cách chính xác, phụng sự, lễ lạy và vân vân. Bằng việc tuân theo đạo sư hoàn hảo một cách hoàn hảo, chúng ta có thể giác ngộ. Nếu, thay vào đó, chúng ta tuân theo một sự hướng dẫn sai lầm, một vị thầy giả hiệu, tất cả những gì chúng ta nhận được là tái sinh vào một trong các cõi thấp hơn như là các địa ngục.

Tại sao chúng ta cần có một đạo sư? Bởi vì chúng ta đang cố giác ngộ và không biết nó là gì. Đạo sư biết giác ngộ là gì. Do đó, chúng ta cần phải tìm thấy và tuân theo một đạo sư. Do bởi đạo sư vô cùng từ hoà và tôn kính là nền tảng của tất cả các phẩm tính tốt đẹp - các phẩm tính giải thoát và giác ngộ tốt đẹp - điều đầu tiên chúng ta phải làm là tìm một vị đạo sư hội đủ điều kiện một cách hoàn hảo. Sau đó, chúng ta phải tuân theo vị đạo sư ấy một cách đúng đắn bằng việc cúng dường vật chất, cúng dường sự tôn trọng và phụng sự và làm bất cứ điều gì khác cần phải làm. Nhưng điều chính yếu, quan trọng nhất, tinh tuý của việc tuân theo đạo sư một cách đúng đắn, là tuân theo những hướng dẫn của đạo sư một cách chuẩn xác.

Bản văn này, Nền tảng của Tất cả các Phẩm tính Tốt đẹp, mặc dù ngắn gọn, giải thích toàn bộ con đường tiệm tiến, bao gồm sáu Ba La Mật, đặc biệt là Trí huệ Ba La Mật, và sự cần thiết của việc đi vào con đường Kim Cương Thừa. Đoạn kệ tiếp theo giải thích sự khó khăn của có một thân người hoàn hảo. Nó đọc:

Hiểu rằng tự do quý báu của tái sinh này chỉ được tìm thấy một lần duy nhất,

Có ý nghĩa lớn lao và khó tìm lại lần nữa,

Xin hãy ban phước lành cho con sinh khởi tâm không dừng dứt,

Ngày cũng như đêm, nhận lấy tinh tuý của nó.

Từ vô thuỷ, trong vô số các thân tướng, chúng ta đã trôi lăn trong sáu cõi luân hồi sinh tử, nhưng đây là một lần mà chúng ta đã có tái sinh thân người hoàn hảo. Một tái sinh như vậy, thoát khỏi tám trạng thái không tự do, và có mười sự giàu có, là rất khó để tìm lại một lần nữa. Chúng ta có thể thấy nó quý hiếm như thế nào qua việc thiền định theo ba cách: về nguyên nhân, ví dụ và số lượng. Chỉ có một tái sinh làm người bình phàm cũng đã đủ khó rồi, chưa nói đến tám tự do và mười sự giàu có; tái sinh thân người hoàn hảo còn khó hơn một thân thông thường khác.

Tái sinh thân người hoàn hảo này mang lại cho chúng ta cơ hội tiếp tục tái sinh trong các cõi đau khổ hoặc đạt giác ngộ; nó bày ra tất cả mọi khả năng. Do đó, nó là rất có ý nghĩa. Điều mà chúng ta cần sử dụng nó cho là để đạt giác ngộ - bởi vì chúng ta đã có tái sinh làm người hoàn hảo chỉ một lần này, chúng ta cần dùng nó để đạt giác ngộ. Do đó, giáo lý nói rằng “Xin hãy ban phước lành cho con sinh khởi tâm không dừng nghỉ, ngày cũng như đêm nhận lấy tinh tuý của nó.”

Đoạn kệ tiếp theo nói với chúng ta rằng tái sinh làm người hoàn hảo không chỉ khó tìm mà cũng suy tàn rất nhanh, như là một bong bóng nước:

Đời sống này vô thường như một bong bóng nước;

Hãy ghi nhớ nó suy tàn  và cái chết đến nhanh chóng như thế nào.

Sau khi chết, giống như là một cái bóng theo cùng thân thể,

Những kết quả của các nghiệp xấu tốt đi liền theo đó.

Cái chết là chắc chắn, nhưng khi nào nó đến thì lại không rõ. Một điều chắc chắn là chúng ta không sống cả trăm năm. Một trăm năm sau ngày hôm nay, phần lớn những người đang sống hôm nay sẽ chết. Ghi nhớ sự vô thường là vô cùng quan trọng. Các vị thầy dòng Kadampa đã quen với việc ghi nhớ sự vô thường vào mọi lúc nhằm tránh việc tìm kiếm sự thoải mái của đời sống tạm thời. Họ cảm thấy rằng nếu họ không đưa nó vào tâm trong buổi sáng, họ có nguy cơ lãng phí cả buổi chiều, và nếu họ không đưa nó vào tâm vào buổi chiều thì họ có nguy cơ lãng phí cả buổi tối. Bằng cách liên tục nghĩ nhớ về vô thường trong tâm, họ có thể ngăn chặn không cho tư tưởng vô nghĩa chỉ tìm kiếm sự thoải mái của đời sống này, sinh khởi.

Sau khi chết, tâm chúng ta không ngừng lại hoàn toàn, giống như là nước khô cạn hay một ngọn lửa tắt. Có sự tiếp tục. Như là bất kể thân thể đi đâu, cái bóng theo cùng nó, một cách tương tự, bất kể tâm chúng ta đi đâu, nghiệp của chúng ta cũng theo cùng. Bạn phải có một lòng tin vững chắc, không lay chuyển về điều này.

Về nghiệp, có mười hành động bất thiện và mười hành động thiện lành. Chúng ta phải tránh loại đầu tiên và thực hành loại sau. Do đó, giáo lý nói:

Tìm kiếm niềm tin vững chắc vào điều này,

Xin hãy ban phước cho con luôn luôn thận trọng

Để từ bỏ ngay cả những xấu ác vi tế nhất

Và thành tựu chỉ các hạnh lành.

Nói cách khác, “xin hãy ban phước cho con luôn luôn thận trọng trong sự thực hành tránh các hạnh xấu và tuân theo các hạnh lành.”

Đoạn kệ tiếp theo nói với chúng ta rằng bất kể chúng ta tận hưởng những khoái lạc sinh tử như thế nào, không thể tìm thấy sự thoả mãn trong chúng.

Tìm kiếm những khoái lạc sinh tử là cánh cửa đi vào tất cả khổ đau;

Chúng là không chắc chắn và không thể nương tựa vào.

Nhận biết những thiếu sót này,

Xin hãy ban phước cho con phát khởi ước nguyện mạnh mẽ hướng về phúc lạc của giải thoát.

Bất kể những đối tượng tươi đẹp mà chúng ta thấy là gì, chúng ta không bao giờ thoả mãn; bất kể những âm thanh êm ái mà chúng ta nghe thấy là gì, chúng ta không bao giờ thoả mãn; và cũng tương tự đối với các đối tượng giác quan khác. Bất kể là chúng ta xem Tivi hoặc phim ảnh nhiều bao nhiêu, chúng ta không bao giờ thoả mãn. Đây là cách nó là, và tất cả những khoái lạc sinh tử là cánh cổng đi vào đau khổ sinh tử. Bất kể khoái lạc sinh tử có nhiều bao nhiêu, chúng không có giá trị gì cả. Tất cả những người thực hành thiền định trong quá khứ và các bậc tôn quý đã nhận ra rằng khoái lạc tạm thời là một thiếu sót của sinh tử, là lồi lầm, giả tạm. Các vị chưa bao giờ xem những khoái lạc sinh tử là có giá trị hay tốt đẹp.

Được hướng dẫn bởi tư tưởng thanh tịnh này,

Chánh niệm, cảnh giác, và cẩn trọng lớn lao sinh khởi.

Gốc rễ của những giáo lý là duy trì các giới nguyện pratimoksha - Biệt giải thoát; 

Xin hãy ban phước lành cho con thành tựu thực hành cốt yếu này.

Với đoạn kệ này, chúng ta thỉnh cầu những phúc lành để thành tựu thực hành cốt yếu của việc giữ gìn các giới luật giải thoát cá nhân. Có bảy cấp độ khác nhau của việc thọ lãnh giới Biệt giải thoát, như là bhikshu (tỳ kheo) và bhikshuni (tỳ kheo ni), và giữ gìn các giới Biệt giải thoát là gốc rễ của giáo lý và nguyên nhân chính của giải thoát. Được hỗ trợ bởi tư tưởng thanh tịnh của việc mong muốn đạt Niết Bàn, chúng ta cần phải giữ gìn các giới luật của mình với sự ghi nhớ, tận tâm và thận trọng hết sức.

Chúng ta không nên giống những người thực hành nói rằng họ chú trọng thực hành tantric và do đó, không cần quan tâm tới những thực hành kinh thừa, như là giữ gìn các giới Biệt giải thoát. Chúng ta nên chú ý giữ bất kỳ giới Biệt giải thoát nào mà chúng ta đã nhận với sự thận trọng hết sức. Đầu tiên, cần phát tâm mong muốn từ bỏ sinh tử. Không có sự từ bỏ sinh tử, chúng ta không thể đạt thậm chí là niết bàn Tiểu thừa - giải thoát của các bậc Thanh Văn và Bích Chi Phật.

Sau đó, sau khi đã phát tâm từ bỏ sinh tử, cần phát Bồ đề tâm. Không có Bồ đề tâm, chúng ta không thể giác ngộ. Do đó, cần thiết phải thực hành Bồ đề tâm. Đoạn kệ tiếp theo đọc:

Giống như là con đã rơi vào biển sinh tử,

Tất cả chúng sinh là mẹ hiền đều lênh đênh như vậy.

Xin hãy ban phước cho con thấy điều này, tu tập Bồ đề tâm tối thượng,

Và nhận lấy trách nhiệm giải thoát các chúng sinh đang lênh đênh.

Hãy nhìn vào chính mình. Từ vô thuỷ, bạn đã đau khổ vô biên do lang thang không ngừng dứt trong các cõi sinh tử khác nhau - chủ yếu là các cõi địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh - và giống như là bạn đã đau khổ trong sinh tử từ vô thuỷ, tất cả các chúng sinh hữu tình khác cũng thế. Suy nghĩ theo cách này, hãy trưởng dưỡng Bồ đề tâm, hoặc như là lời cầu nguyện này: “Xin hãy ban phước cho con thọ nhận Bồ đề tâm qua việc hiểu biết điều này.”

Nhận biết rõ ràng rằng con sẽ không thành tựu giác ngộ

Bằng việc phát triển Bồ đề tâm 

Mà không thực hành ba loại phẩm hạnh,

Xin hãy ban phước cho con thực hành các giới nguyện Bồ đề tâm với năng lực mạnh mẽ.

Nhằm thọ nhận Bồ đề tâm nguyện, tư tưởng mong ước đạt giác ngộ vì lợi lạc của tất cả chúng sinh hữu tình, và Bồ đề tâm hạnh, thật sự đi theo con đường giác ngộ, cần thiết phải thực hành ba phương diện phẩm hạnh của Hạnh Ba La Mật - hạnh cấm kỵ các xấu ác, hạnh tạo ra tất cả các thiện lành, và hạnh hành động vì các chúng sinh hữu tình. Mặc dù đoạn kệ này nói một cách cụ thể về ba phần của phẩm hạnh, nó cũng đồng thời liên quan tới sự thực hành tất cả sáu Ba La Mật.

Tuy nhiên, đoạn kệ tiếp theo liên quan cụ thể hơn tới hai Ba La Mật cuối cùng, Thiền định và Trí huệ.

Bằng việc làm yên các xao lãng theo các đối tượng sai lầm

Và phân tích một cách đúng đắn ý nghĩa của thực tại,

Xin hãy ban phước cho con phát khởi nhanh chóng trong dòng tâm của mình

Con đường hợp nhất của an định (định) và thấu suốt đặc biệt (quán).

Ở đây, Lama Tsong Khapa đang nói rằng tâm chúng ta luôn luôn bị xao lãng bởi những đối tượng của các giác quan; ví dụ như các hình tướng hấp dẫn hoặc các âm thanh thú vị. Tâm chúng ta luôn luôn tập trung vào những thứ ấy. An định hay sự tĩnh lặng trong tâm [shamatha] là một loại đảo ngược của sự hấp dẫn thông thường của chúng ta đối với các đối tượng của giác quan, đối lập với sự xao lãng - nó là sự kiểm soát của sự chú ý nhất tâm. Shama có nghĩa là bình an, tha có nghĩa là một điểm (nhất tâm). Điều này cần được kết hợp với sự thấu suốt sâu sắc. Trong tiếng Tạng, cụm từ yang-dag-par-jog-pa có nghĩa là chú tâm vào bản tính tuyệt đối. Trong bài cầu nguyện này, Lama Tsong Khapa thỉnh cầu những phúc lành để nhanh chóng thành tựu con đường hợp nhất shamatha và vipashyana. Khi chúng ta thành tựu con đường này, chúng ta gần với giác ngộ.

Cho tới lúc này, Lama Tsong Khapa đã nói về sự tu tập tổng quát của tâm theo con đường Bát Nhã. Tiếp theo, ngài nói về tantra:

Đã trở nên thanh tịnh bởi sự tu tập theo con đường tổng quát,

Xin hãy ban phước cho con bước vào

Cánh cổng tôn kính của những người may mắn - 

Kim Cương Thừa tối thượng.

Nói cách khác, ngài đang nói ở đây: “Xin hãy ban phước cho con thành tựu con đường Kim Cương thừa, cho phép con giác ngộ trong đời này.” Nếu bạn tuân theo con đường tổng quát, Bát Nhã thừa, bạn có thể tốn một thời gian dài để tích tập đủ công đức cần thiết và đạt giác ngộ, suốt ba a tăng kỳ. Ví dụ như là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có năng lực vĩ đại nhưng vẫn mất khoảng thời gian ấy để giác ngộ. Nếu bạn theo con đường Kim Cương thừa, nó nhanh hơn rất nhiều. Nếu bạn hoàn toàn chú ý giữ gìn thực hành nền tảng của việc duy trì những lời nguyện tantric và các samaya - giới nguyện, hoặc cam kết, một cách thanh tịnh, thực hành Kim Cương Thừa có thể đưa bạn tới giác ngộ trong một hoặc có thể là mười sáu kiếp sống. Nó giống như là sự khác biệt giữa việc đi đến một nơi bằng máy bay hoặc bằng xe lửa. Con đường tantric giống như là một máy bay, con đường Bát Nhã như là một xe lửa.

Có hai loại chứng ngộ hoặc siddhi. Có những chứng ngộ thông thường, trong đó có tám - như là thành tựu của lưỡi kiếm, thành tựu con mắt y khoa và vân vân - và chứng ngộ cao cả chính là giác ngộ. Nền tảng để thành tựu hai loại chứng ngộ này là sự chú ý giữ gìn hoàn hảo các giới nguyện và cam kết, như là Lama Tsong Khapa đã làm rõ trong đoạn kệ sau:

Vào lúc này, nền tảng để đạt hai sự thành tựu

Là duy trì các giới nguyện và samaya thanh tịnh.

Đã chắc chắn tin vào điều này,

Xin hãy ban phước lành cho con để bảo vệ các giới nguyện và cam kết như là cuộc sống của mình.

Ngài nói: “Xin hãy ban phước lành cho con để bảo vệ các giới nguyện và cam kết như là cuộc sống của mình,” bởi vì ngài nghĩ rằng để đạt trạng thái “không tạo tác”, hay không nỗ lực, chú ý giữ gìn các giới nguyện và cam kết, nền tảng của tất cả mọi chứng ngộ thì quan trọng là hơn là chăm sóc đời sống tạm thời này. 

Đoạn kệ tiếp theo nhắc đến bốn cấp độ của tantra - Kriya, Charya, Yoga và Maha - anuttara.

Sau khi đã nhận ra tầm quan trọng của hai chứng ngộ

Tinh tuý của Kim Cương Thừa,

Bằng cách thực hành với nỗ lực lớn lao, không bao giờ từ bỏ bốn thời khoá,

Xin hãy ban phước lành cho con chứng ngộ những giáo lý của đạo sư thiêng liêng.

Hình thức tantra chính mà chúng ta nên thực hành là Maha - anuttara, bao gồm các tantra Cha như là Yamantaka và các tantra mẹ như là Herula và Kalachakra. Loại tantra này cũng bao gồm những con đường tiệm tiến của các giai đoạn sinh khởi (kye-rim) và thành tựu (dzog-rim). Một giáo lý tantric giống như là hai giai đoạn của một bông hoa và mùi hương của nó. Không có bông hoa, không có mùi hương của bông hoa, tương tự, không có giai đoạn sinh khởi, không có cách nào thực hành giai đoạn thành tựu.

Có những cách khác nhau để chia một ngày thành những thời khoá, như là bốn thời khoá, sáu tiếng mỗi lần, hai lần vào ban ngày và hai lần vào ban đêm hoặc sáu thời khoá, bốn tiếng một lần, ba lần vào ban ngày và ba lần vào ban đêm.

Đoạn kệ tiếp theo đọc:

Giống như vậy, xin các đạo sư - những người chỉ dẫn con đường tôn quý,

Và những người bạn đạo sống thọ thực hành nó.

Xin hãy ban phước lành cho con làm bình lặng hoàn toàn

Tất cả những chướng ngại bên trong và bên ngoài.

Ở đây, chúng ta cầu nguyện cho những phước lành để các đạo sư, những người chỉ dẫn cho chúng ta về con đường tôn quý và các bạn đạo, người tuân theo nó một cách đúng đắn, sống lâu và cho bản thân chúng ta có thể bạt trừ những chướng ngại bên trong và bên ngoài. Những chướng ngại bên ngoài , ví dụ như là những kẻ thù bên ngoài - những chúng sinh đang sống khác, những người hãm hại chúng ta và quấy phá sự thực hành Pháp của chúng ta. Những chướng ngại bên trong là những thứ như bệnh tật khiến thân ta đau đớn và những xấu ác khiến tâm ta khổ sở. Chúng ta thỉnh cầu những phước lành để làm bình lặng tất cả những chướng ngại này.

Đoạn kệ cuối cùng:

Trong tất cả những đời sống của con, không bao giờ xa lìa các đạo sư hoàn hảo,

Xin cho con hưởng thụ được Pháp tuyệt vời.

Bằng việc hoàn tất các phẩm tính của các giai đoạn và các con đường,

Xin cho con nhanh chóng đạt trạng thái của Đức Phật Vajradhara - Kim Cương Trì. 

Chúng ta cầu nguyện rằng trong tất cả các đời sống tương lai, mong cho chúng ta không bao giờ xa lìa khỏi các đạo sư hoàn hảo, bởi vì đạo sư là gốc rễ của con đường. Mặc dù có lợi ích trong việc chỉ đơn giản là gặp gỡ một đạo sư, mục đích thật sự của việc làm ấy là để thực hành; do đó, chúng ta cầu nguyện để hưởng thụ Pháp thông qua việc gặp gỡ một vị đạo sư và tuân theo vị ấy một cách chính xác nhằm chứng ngộ các địa và các con đường, bằng cách ấy, nhanh chóng thành tựu trạng thái giác ngộ của Đức Phật Kim Cương Trì.

Đây là một giải thích ngắn gọn về bài cầu nguyện này, Nền tảng của Tất cả các Phẩm tính Tốt đẹp, mặc dù nó ngắn gọn, nhưng là một giáo lý quý báu. Nó bao gồm tất cả những điểm quan trọng, cốt yếu của con đường tới giác ngộ. Tôi đã thọ nhận giáo lý này từ Thánh Đức Dalai Lama ở Sarnath.

---

Có năm nhánh lớn của tri thức: âm thanh, lý luận, vệ sinh, nghề thủ công và trí tuệ bên trong. Kiến thức bên ngoài của chúng ta được phát triển tốt ở phương Tây. Tôi đã từng nghe về tâm lý học Tây phương, đó là những nghiên cứu về tâm, nhưng mặc dù tôi không biết nhiều về nó, tôi chắc chắn rằng nó không giống với trí huệ của Phật Pháp. 

Đồng thời, có những tôn giáo khác như là Thiên Chúa giáo và họ cũng có một loại trí tuệ bên trong, nhưng, một lần nữa, nó không giống với Phật Pháp. Tất cả những tôn giáo khác có những phẩm chất của họ, nhưng chúng không giống Phật Pháp. Trong Thiên Chúa giáo, bạn tìm thấy Công giáo, Tin Lành, và vân vân. Họ đều có các quan điểm của riêng mình, nhưng họ không nói về cái thấy giống như Phật Pháp nói: họ không nói về bản tính tuyệt đối, thực tại.

Các tôn giáo khác đều có một loại quan điểm. Họ tin tưởng vào cái Tôi tự hiện diện - nhưng một cách cụ thể, đây là điều mà chúng ta cần loại bỏ. Theo Phật Pháp, cái Tôi tự hiện diện là một khái niệm sai lầm mà chúng ta phải loại bỏ.

Con người ở phương Tây không quá lo lắng về các đời sống tương lai. Tuy nhiên, tôi không chỉ nói rằng Thiên Chúa giáo là xấu và Phật giáo là tốt. Nếu bạn nghiên cứu tôn giáo, bạn sẽ có kết luận của riêng mình. Thông qua kinh nghiệm của chính mình, bạn sẽ chứng minh được cho mình rằng Phật giáo là đúng đắn và các giáo lý khác thì không; bạn sẽ chứng minh được cho mình rằng cái gì là đúng và cái gì là sai.

Ngay trong Phật Pháp, có bốn loại học thuyết khác nhau như tôi đã nói lúc ban đầu: Vaibhashika - Tỳ Bà Sa, Sautrantika - Kinh Lượng, Cittamatra - Duy Tâm và Madhyamaka - Trung Quán. Cái thấy của các Kinh Lượng phủ nhận cái thấy của các Tỳ Bà Sa, và cái thấy của các Trung Quán phủ nhận cái thấy của các Duy Tâm. Do đó, thậm chí ngay trong Phật Pháp, có bốn loại học thuyết có cái thấy khác biệt nhau. Nói cách khác, khi nào một cái thấy là không hoàn hảo, nó có thể luôn luôn bị phủ nhận, hoặc mâu thuẫn với một cái thấy khác, đúng đắn hơn.

Trong năm nhánh lớn của tri thức, điều mà bạn cần nghiên cứu là cái thứ năm - trí huệ bên trong; Phật Pháp. Rất tốt, rất vui lòng khi thấy các bạn từ phương Tây tới nghiên cứu Phật Pháp tại tu viện Kopan. Giáo lý của Đức Phật là phương pháp mà qua đó, bạn có thể làm lợi lạc tất cả chúng sinh hữu tình. Do đó, bạn cần nghiên cứu nó một cách thấu suốt và sau đó, giống như là mặt trời chiếu sáng, lan toả nó ở phương Tây.

Pháp đã truyền từ Ấn Độ sang Tây Tạng bao gồm cả kinh và tantra. Nếu bạn thật sự mong muốn hiểu tất cả những giáo lý này, bạn phải thông thạo tiếng Tạng, từ vựng, ngữ pháp của nó và vân vân. 

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã giác ngộ thông qua trì tụng minh chú TADYA THA OM MUNE MUNE MAHAMUNAYE SOHA. Do đó, bạn cũng cần trì tụng nó liên tục. Hãy tụng nó hai mươi mốt lần với TADYA THA mở đầu, sau đó tiếp tục trì tụng không có phần này nhiều lần như là bạn có thể. Một lần trì tụng minh chú này tịnh hoá một lượng nghiệp xấu tương đương với 80.000 kiếp. Đây là một câu minh chú có năng lực rất mạnh mẽ.

Tôi không có bất kỳ thứ gì để tặng các bạn mang về phương Tây làm quà cho gia đình và những người bạn của các bạn, nhưng có một món quà mà tôi có thể tặng cho bạn - câu minh chú này. Đây là một thứ tôi có thể tặng bạn để mang về cho những người ở phương Tây. Nói cách khác, bạn nên dạy câu minh chú này cho những người khác.

Do đó, ở tại Kopan, bạn cần tuân theo đạo sư và hoàn tất việc nghiên cứu Pháp của mình. Phật giáo Tây Tạng bao gồm trí huệ bên trong vĩ đại, trí huệ bên trong tốt nhất. Bằng việc sống tại Kopan, bạn cần hoàn thất việc nghiên cứu Phật Pháp, trí huệ bên trong. Bạn nghiên cứu càng nhiều, Pháp càng trở nên sâu sắc, nó càng sâu xa hơn và hơn nữa. Bạn càng nghiên cứu các chủ đề nhiều bao nhiêu, chúng càng trở nên nhẹ nhàng bấy nhiêu.

Lama Tsong Khapa đã viết nhiều bản văn Lam-rim như là Kho báu Vĩ đại về các Giai đoạn của Đạo Giải thoát [Lam-rim Chen-mo], Lam-rim bản trung [Lam-rim Dring] và bản ngắn gọn nhất, Một sự Trình bày súc tích [Lam-rim Du-don hoặc Lam-rim Nyam-gur] đôi khi còn được gọi là Các dòng của Kinh nghiệm. Chủ đề trong Kho báu vĩ đại được giải thích trong bản trung và chủ đề bao gồm trong bản trung được giải thích trong bản ngắn gọn nhất, Lam-rim Du-don. Tất cả những giáo lý này được cô đọng trong lá thư của Lama Tsong Khapa gửi cho học trò, Ba Phương diện Chính của Con đường. Giáo lý mà tôi đang giảng giải hôm nay, Nền tảng của Tất cả những Phẩm tính Tốt đẹp, là một giáo lý Lam-rim ngắn dưới dạng một bài cầu nguyện.  

Các bạn có hỏi gì không?

Hỏi: Khi tôi nghiên cứu, đặc biệt là tính Không, tôi nghĩ rằng tôi hiểu một cái gì đó một cách đúng đắn và tiếp tục đi theo hướng đó, nhưng sau đó, tôi thấy rằng sự hiểu biết của tôi đã sai lầm và tôi đã phí thời gian khi theo nó. Bởi đi theo những hướng này, tôi ngăn bản thân tiến bộ một cách nhanh chóng theo định hướng đúng. Làm sao tôi có thể liên hệ các kinh nghiệm mà tôi có theo một cách không phí phạm thời gian khám phá những gì hoá ra chỉ là những khái niệm sai lầm?

Khunu Lama Rinpoche: Đầu tiên, tôi có thể thấy rằng tất cả các bạn đều đang cố gắng để thực hành Pháp lớn lao và rộng mở, và tôi sẽ cầu nguyện cho các bạn thành công và được lợi ích từ giáo lý của Đức Phật. Đối với câu hỏi của bạn, khi bạn đang nghiên cứu hoặc thiền định về tính Không, có khả năng là nỗi lo sợ sinh khởi hoặc là bạn nhận ra rằng điều mà bạn luôn tin tưởng là đúng đắn lại là sai lầm. Tuy nhiên, một cách căn bản, điều mà tâm bạn cần tránh là hai thái cực của tự hiện hữu và không hiện hữu. Cái thấy thanh tịnh của bạn về tính Không cần thoát khỏi hai thái cực này; nó nên ở trung đạo. Sau đó, cái thấy của bạn về tính Không là đúng đắn. Thậm chí cái khái niệm nắm giữ tính Không cũng là trống không.

Hỏi: Tôi có một câu hỏi về chân lý tương đối. Có chân lý tương đối sai và chân lý tương đối đúng. Liệu có thể nào một người có khái niệm sai lầm về cái tôi tự hiện hữu nhận thức được chân lý tương đối đúng đắn không? Có hai cách mà một người có thể nhìn một sự vật: như là một cái gì đó hoặc không có gì ở đó. Ví dụ, một người nhìn tsampa có thể thấy nó như là không có bụi bẩn (sạch) hoặc như là bị ô nhiễm (bẩn). Khi nào một người còn có khái niệm sai lầm về sự tự hiện hữu thì liệu điều ấy có ngăn cô ấy, không có cái thấy tương đối đúng đắn, không nhận thức chân lý tương đối đúng đắn không?

Khunu Lama Rinpoche: Cái gì là chân lý tương đối đúng của tsampa? Khi mọi người nhìn vào tsampa, họ thấy tsampa. Không chỉ như thế, tsampa phải được nhìn thông qua các giác quan nguyên vẹn, các giác quan không bị khiếm khuyết. Nó là chân lý tương đối đúng đắn khi nó hiện hữu như là một đối tượng của các giác quan thông thường. Đồng thời, khi những người khác nhìn vào stampa, họ thấy tsampa. Đó là điều mà chúng ta nhận biết như là chân lý tương đối đúng đắn.

Ví dụ như, khi bạn trên một chiếc xe lửa, các cây cối cũng có vẻ đang dịch chuyển. Đôi khi bạn có khái niệm sai lầm này. Hoặc khi một nhà ảo thuật chuyển hoá các đồ vật vô tri vô giác như những mảnh gỗ để chúng biểu hiện trong hình dạng của các con vật, hoặc khi bạn thấy một vỏ sò trắng có màu vàng, đây là những chân lý tương đối sai lầm bởi vì chúng là những phóng chiếu của các giác quan bị khiếm khuyết. Đồng thời, nó chứng minh rằng họ sai lầm bởi vì họ đã không thấy như là cái thấy của những chúng sinh bình phàm khác, những người chưa chứng ngộ tính Không.

Cuối cùng, theo các văn bản Trung Quán, cái “tôi” được tin tưởng là tự hiện hữu bởi những triết gia ngoại đạo cũng là một chân lý tương đối sai lầm.

Hỏi: Xin vui lòng giải thích sự khác biệt giữa Bồ đề tâm tương đối và tuyệt đối?

Khunu Lama Rinpoche: Bồ đề tâm tuyệt đối, sự chứng ngộ của việc thấy trọn vẹn bản tính tối hậu, như là những giáo lý Trung Quán giải thích, là thành tựu địa thứ nhất của mười địa bồ tát. Bồ đề tâm tương đối được giải thích trong quyển Nhập Bồ tát hạnh của Đức Tịch Thiên. Có hai loại Bồ đề tâm tương đối - nguyện và hạnh. Bồ đề tâm nguyện là mong ước đạt giác ngộ vì lợi lạc của tất cả chúng sinh hữu tình, Bồ đề tâm hạnh là thật sự đi theo con đường tới giác ngộ.

Thậm chí những người bình phàm, chưa đạt con đường của cái thấy, có thể thành tựu Bồ đề tâm nguyện. Như bạn đã biết, có năm con đường (tư lương vị) - con đường của tích tập, chuẩn bị, cái thấy, thiền định, và không thiền định. Thậm chí những người ở cấp độ đầu tiên của năm con đường này có thể thành tựu Bồ đề tâm tương đối. Có hai loại Bồ đề tâm tương đối được giải thích trong Hướng dẫn của Đức Tịch Thiên, và Bồ đề tâm tuyệt đối được Đức Long Thọ giải thích và cũng có trong một số tantra. Bồ đề tâm tuyệt đối chính là bản tính tối hậu.

Tuy nhiên, do Bồ đề tâm là hạt giống của Phật quả, giống như hạt giống của một cây trồng, nó là thứ chính yếu mà chúng ta phải phát triển trong tâm. Bồ đề tâm là điều mà chúng ta nên cố gắng nỗ lực nhất để thành tựu. Chính Đức Phật đã nói rằng tất cả các vị Phật đều đến từ Bồ đề tâm. 

Hỏi: Nhiều người trong chúng tôi sẽ quay lại phương Tây. Bởi vì ngài đã nói rằng chúng tôi nên đưa Pháp về cùng với mình, đâu là cách tốt nhất để trình bày nó?

Khunu Lama Rinpoche: Bạn nên cố gắng giảng giải theo sự thích hợp với tâm của những người đang lắng nghe bạn. Nếu giải thích bản tính tuyệt đối là phù hợp, bạn có thể làm theo những giải thích ngắn gọn trong quyển Ba Phương diện Chính của Lama Tsong Khapa hoặc theo giải thích chi tiết hơn của ngài trong Đại Luận, nó có hơn một trăm trang nói về tính Không. Nếu bạn muốn giải thích phương pháp bên cạnh các giáo lý, bạn có thể làm theo Hướng dẫn của Đức Tịch Thiên, khi ngài nói về sự thực hành của năm Ba La Mật đầu tiên: rộng lượng, đức hạnh, kiên nhẫn, nỗ lực và chú tâm. Bạn cũng có thể giải thích cái thấy đúng đắn về nền tảng của [chương thứ chín] Hướng dẫn, nếu nó phù hợp với tâm của những người lắng nghe bạn. Nói tóm lại, bạn cần giảng Pháp theo cách mà một bác sĩ ra toa thuốc. Thậm chí nếu một bác sĩ có phương thuốc hoàn hảo dành cho căn bệnh của bệnh nhân, ông ấy không thể bắt bệnh nhân uống nó. Đó là một cách tiếp cận không khéo léo. Vị bác sĩ thông thái đối xử với bệnh nhân tuỳ theo khả năng của họ. Pháp cần được trình bày theo cùng một cách như vậy.

Hỏi: Tâm chúng ta luôn phân biệt mọi thứ như là “Tôi thích anh ấy, tôi không thích cô ấy,” và chúng ta thường không có ý thức rằng chúng ta hoàn toàn không biết mình đang làm điều này. Bây giờ, tôi bắt đầu nhận ra rằng việc phân biệt theo cách này mang lại khổ đau. Do việc phát triển tính bình đẳng là bước đầu dẫn tới Bồ đề tâm, làm thế nào mà chúng ta cân bằng tâm trong các tình huống hàng ngày để tránh việc phân biệt giữa những người mà chúng ta thích và những người mà chúng ta không?

Khunu Lama Rinpoche: Bạn nên kiểm tra theo cách sau. Nếu có một đối tượng bên ngoài nào mà bạn nghĩ là tốt, xấu bụng hay xấu xí, hãy cố gắng thấy bản tính tuyệt đối của nó bằng việc phân tích từng nguyên tử. Trong tâm trí bạn, hãy giảm đối tượng mà bạn thấy là tốt tới mức của các hạt nguyên tử, thậm chí chia nhỏ các hạt nguyên tử này ra, và qua việc phân tích nó giống như thế này, hãy cố gắng thấy tính Không của nó. Một lần nữa, hãy phân tích đối tượng mà bạn thấy như là xấu xuống tới mức các nguyên tử của nó, phân tích thậm chí các nguyên tử này, và theo cách này, hãy cố gắng thấy tính Không của nó. Khi bạn làm như vậy, bạn sẽ thấy không có sự khác biệt một cách tuyệt đối nào giữa hai đối tượng này. Trong cái thấy tương đối của bạn, bạn phân biệt chúng như là khác nhau, nhưng trong tính Không, bạn không làm thế.

 

Hỏi: Làm thế nào để chúng ta có thể hợp nhất hai cái thấy - tương đối và tuyệt đối?

Khunu Lama Rinpoche: Những biểu hiện đơn thuần của một đối tượng là cái thấy tương đối. Đó nên được xem như là một ảo ảnh, nhưng đồng thời hợp nhất với tính Không. Cái thấy tương đối cần phải là một với tính Không. Nhưng đó không có nghĩa là cái thấy của bạn về một đối tượng mà bạn tin tưởng là thật sự hiện hữu là thật sự có thật. Cái thấy này và cái thấy thấy đối tượng ấy là một ảo ảnh và trống không không thể là một. Điều này rất khó để nhận ra. Do đó, quan trọng là bạn có một cái hiểu lý thuyết rõ ràng về nó nhất có thể. Đầu tiên, hãy hiểu các sự vật tuỳ thuộc vào các nguyên nhân và điều kiện như thế nào; bạn phải hiểu cái đã sinh và cái không sinh, hay nói cách khác, các hiện tượng tương thuộc và tính Không một cách tuần tự. 

Hỏi: Thưa Rinpoche, ngài nói rằng chúng ta cần chỉ dạy người khác tuỳ theo cấp độ tâm của họ. Làm sao chúng ta phân biệt điều này? Liệu chúng ta có đủ thông minh để biết liệu đó là phù hợp để dạy những người phương Tây, những người quan tâm tới các minh chú, quán tưởng và vân vân?

Khunu Lama Rinpoche: Khá là khó để trả lời câu hỏi này một cách cụ thể, nhưng điều bạn có thể chỉ dạy là thế này. Hãy quán tưởng một đám mây trắng trong không gian trước mặt, phía trên trán. Trên đám mây ấy là một cái ngai to, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngự trên ấy trong hình tướng bình thường của một vị tu sĩ với y áo, tay phải của ngài vượt ra ngoài đầu gối phải và chạm vào đệm thiền (toạ cụ) mặt trăng và tay trái của ngài bắt ấn thiền định. Ngài được bao quanh bởi vô số các vị Phật, Bồ tát như là tám vị Đại Bồ tát và các A La Hán.

Những luồng sáng đầy năng lực phát ra từ Đức Thích Ca Mâu Ni và các vị khác và đi vào bạn và tất cả chúng sinh hữu tình, những người trong hình tướng con người đang ở xung quanh bạn, tịnh hoá tất cả những xấu ác đã tích tụ từ vô thỉ và mang tất cả sự chứng ngộ của con đường  tiệm tiến tới giác ngộ. Trong khi quán tưởng như vậy, hãy trì tụng minh chú của Đức Thích Ca Mâu Ni: TADYA THA OM MUNE MUNE MAHAMUNAYE SOHA, hay OM MUNE MUNE MAHAMUNAYE SOHA, như tôi đã nói ở trên. Bất kể là bạn trì tụng câu minh chú nào trong hai câu này, hãy quán tưởng như nhau.

Sau đó hãy ra một quyết định mạnh mẽ trong tâm rằng thông qua sự tịnh hoá này, bạn và tất cả chúng sinh hữu tình trở thành các vị bồ tát không thối thất, do đó làm hài lòng vô số các vị Phật.

---

Về phần mình, tôi sẽ cầu nguyện cho các bạn không bao giờ tách rời khỏi đạo sư trong tất cả mọi đời sống tương lai, để hoàn tất con đường này và đạt giác ngộ nhanh nhất có thể. Tôi sẽ cầu nguyện cho các bạn thành tựu toàn bộ Pháp và trường thọ để điều này xảy ra. Chỉ một mình tôi sống lâu như các bạn đã thỉnh cầu là chưa đủ. Các bạn, cũng phải cố gắng sống lâu. Do đó, tôi sẽ cầu nguyện cho điều này, nhưng những lời cầu nguyện của tôi không thì sẽ không đủ, từ phía các bạn, các bạn cũng phải cố gắng.

 

494

KINH VIÊN GIÁC - PHẨM PHỔ HIỀN

Bấy giờ Bồ tát Phổ Hiền ở trong đại chúng, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật nhiễu quanh bên phải ba vòng, quỳ thẳng chắp tay và bạch

538
THIỀN SƯ PHILIP KAPLEAU - BA TRỤ THIỀN

Những Bức thư Ngộ của Yaeko Iwasaki gửi Lão sư Đại Vân và những Lời bình của Ông (tiếp theo).📩 CHỨNG ĐẠT TÂM KHÔNG THỐI LUI của PHỔ HIỀN,27 tháng 12Lão sư

779
KINH PHÁP CÚ - THIỀN

Người hằng tu thiền định,Thường kiên trì tinh tấn.Bậc trí hưởng Niết Bàn,Ách an tịnh vô thượng. (23)♂️ Chớ sống đời phóng dật,Chớ mê say dục lạc.Không phóng dật, thiền định,Đạt được

1,196
Thân Trung Ấm là gì ?

Trung ấm cũng gọi là trung uẩn, hay trung hữu. Sách Phật gọi ấm hay uẩn là chỉ sắc, thọ, tưởng, hành, thức (5 uẩn). Năm uẩn hay năm ấm là năm

1,237
THIỀN - ERICA BREALYE

Ăn khi đói, ngủ khi mệt Thiền là như thế, nhưng việc thực hiện những hành động đơn giản diễn ra hàng ngày này một cách thích hợp và toàn tâm toàn

491
Top Bài Viết
Quan Hệ Thầy Trò
Niệm Tự Bạch

QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,

33,233
Giữ giới là lựa chọn tự do
Phật học Ứng Dụng

Giữ giới là lựa chọn tự do  Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc

32,670
Đạo Phật là gì?
Niệm Tự Bạch

Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí

32,570
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa
Tìm Hiểu & Học và Hành

Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt

32,341
Chùa Việt
Sách Đọc