BÀI THỨ HAI I. THÀNH LẬP NĂM THỨC TRƯỚC Ai cũng đều biết: mỗi người đều có mắt, tai, mũi, lưỡi và thân. Theo nhà Duy thức gọi là năm căn thô phù (ở ngoài); nó không thể phát sanh ra Thức (cáibiết) được. Trong năm Căn phô thù, lại có hàm chứa năm Căn tinh tế; năm Căn này mới có thể phát sanh ra Thức. Khi năm căn đối với năm trần (sắc, thinh, hương, vị và xúc) thì phát sanh ra năm thức (năm cái biết), chung lại gọi là 15 giới. Như khi con mắt đối với sắc trần sanh ra hiểu biết cảnh vật, thì gọi là Nhãn thức. Khi lỗ tai đối với thinh trần sanh ra hiểu biết tiếng tăm, thì gọi là Nhĩ thức. Khi mũi đối với hương trần sanh ra hiểu biết mùi, thì gọi là Tỹ thức. Khi lưỡi đối với vị trần, sanh phân biệt vị, thì gọi là Thiệt thức. Khi thân đối với xúc trần, sanh ra phân biệt: to, nhỏ, cứng, mềm v.v… thì gọi là Thân thức. Năm món: sắc, thinh, hương, vị, xúc vì đều có hình chất, nên kêu là “năm trần”; hiệp với năm căn trên, chung gọi là “sắc pháp”. Còn năm Thức không có hìmh chất, chỉ nương theo năm căn khởi ra phân biệt nên gọi là năm Thức, cũng gọi là Tâm pháp. II. THÀNH LẬP THỨC THỨ SÁU LÀ Ý THỨC Năm Thức trước chỉ phân biệt được những cảnh trong phạm vi của nó, chứ không thể vượt ngoài phạm vi của mình, để thay thế cho Thức khác, phân biệt được cảnh vật khác. Cũng như con “mắt” không thể thay thế cho “tai” nghe tiếng đựơc; “tai” không thể thay thế cho “mắt” thấy cảnh được v.v… Chỉ có một cái “Thức”, không cần ở nơi mắt, tai, mũi, lưỡi và thân, mà thường giúp cho năm chỗ ấy phát sanh hiểu biết. Hoặc có khi năm Thức trước không có phân biệt, mà “Thức” này có thể thay thế cho năm Thức trước khởi ra phân biệt, đó là công dụng của “Ý thức”. Như trong lúc mắt xem hoa nếu không để ý, thì thấy hoa không rõ; đến chừng để ý, lúc bấy giờ cái thấy mới được rõ ràng. Hay trong lúc nghe tiếng mà không để ý, nên nghe không rõ; đến khi để ý, thì cái nghe đó mới chắc chắn. Đây là những bằng chứng khi “Ý thức” giúp với năm Thức, thời làm cho năm Thức hiểu biết được rõ ràng. Ý thức đối với tất cả pháp, đã có công năng phân biệt như thế, thì quyết phải có “Ý căn”. Khi Ý căn đối với pháp trần thời sanh Ý thức; hiệp với năm căn, năm trần và năm Thức trước, cộng thành mười tám giới. 18 giới 1. Nhãn căn đối với Sắc trần sanh ra Nhãn thức 2.Nhĩ căn đối với Thinh trần sanh ra Nhĩ thức 3.Tỹ căn đối với Hương trần sanh ra Tỹ thức 4.Thiệt căn đối với Vị trần sanh ra Thiệt thức 5.Thân căn đối với Xúc trần sanh ra Thân thức 6.Ý căn đối với Pháp trần sanh ra Ý thức (tâm pháp) 6 căn 6 trần 6 thức Sắc pháp Tâm pháp III. THÀNH LẬP THỨC THỨ BẢY MẠT NA “Ý thức”tuy không hình tướng, mà cái tác dụng của nó rất mạnh và phức tạp; cho nên nhà Duy thức đối với nội dung của Thức này, lại chín chắn khảo sát cái bản tánh và hành tướng của nó có ba bộ phận không đồng nhau, cho nên thuận theo thứ lớp sắp: Cái thứ sáu ở ngoài tên là “Ý thức”, cái thứ bảy ở giữa tên là “Mạt Na thức” và cái thứ tám ở trong tên là “A lại da thức”. Tại sao biết chắc ở ngoài là “Ý thức” thứ sáu, ở giữa là Mạt Na thức thứ bảy và trong là A lại da thức thứ tám? Về vấn đề này phải nghiên cứu rất nhiều, không thể dùng một vài lời mà giải thích xong được; nay tôi phương tiện trình bày sơ lược. Thông thường người đời nói “Tâm” là phần nhiều chỉ cho “Ý thức”. Nhưng xét cái “Ý thức” có gián đoạn. Nghĩa là có khi sanh khởi và có khi không. Vậy thì ngoài cái Ý thức này, quyết định phải có một bộ phận không gián đoạn. Nếu không có bộ phận này, thì những người, khi Ý thức của họ bị gián đoạn không sanh, họ phải như người tắt thở, chết. Người tắt thở chết rồi không thể sống trở lại, thì Ý thức khi bị gián đoạn làm sao lại tiếp tục sanh khởi lại được? Vì thế nên biết khi Ý thức gián đoạn, quyết định phải còn một bộ phận không gián đoạn. HỎI: Làm sao thấy được bộ phận này? ĐÁP: Do thấy cái “tác dụng” của nó. Không luận một loài vật nào, luôn luôn cũng đều chấp có “Ta”. Như chấp: thân ta, nhà ta, nước ta và tánh mạng ta v.v… Cho đến những người tự sát hay gần chết, mà vẫn còn nói “Ta liều một phen chết”, hay “Ta sắp chết” v.v…không khi nàohọ rời “cái ta”. Như thế đủ chứng tỏ người đời bất luận lúc nào hay chỗ nào cũng đền chấp có “Ta”. Vậy thì cái gì chấp “Ta”? (cái năng chấp) – Năm Thức trước và Ý thức (thức thứ sáu) vì có khi bị gián đoạn, nên không thể hằng thời chấp ta được. Vậy quyết định phải có cái thứ bảy hằng thời chấp “Ta” là Thức “Mạt na”, Trung Hoa dịch là “Ý”. HỎI: Tại sao Thức thứ sáu đã gọi là “Ý”, mà Thức thứ bảy cũng gọi là “Ý”, khác nhau chỗ nào? ĐÁP: Rất khác. Thức thứ sáu hay gọi là “Ý”, song chú trọng ở nơi thức, nên gọi là “Ý thức”, (cái thức của ý căn, cũng như cái thức của nhãn căn). Còn Thức thứ bảy mà gọi là “Ý” là chú trọng về phương diện suy nghĩ lo lắng của Ý, cho nên chỉ gọi là “Ý” mà không gọi là “Ý thức”. (Nghĩa là: cái thứ sáu gọi là “Ý thức”, còn cái thứ bảy chỉ gọi là “Ý”). Vì sợ người lầm lộn, cho nên Thức thứ bảy này mà dịch giả để nguyên văn chữ Phạn là “Mạt na”. Lại nữa, năm Thức trước đều có căn, thì Thức thứ sáu cũng phải có căn. Vậy Thức Mạt na này là “căn” của Thức thứ sáu, cho nên cũng gọi là “Ý căn”. ( Thức thứ sáu thì gọi là “Ý thức”, còn Thức thứ bảy gọi là “Ý” hay “Ý căn” hoặc gọi là “Mạt na thức”). IV. THÀNH LẬP THỨC THỨ TÁM LÀ “A LẠI DA THỨC” Chúng ta nên suy nghĩ kỹ: đã chấp có “ta”, tất nhiên phải có cái “chấp” (năng chấp) và cái “bị chấp” (sở chấp). Cũng như nói: “cầm viết”, thì phải có cái “tay” cầm và “cây viết” bị cầm; nếu thiếu một thì không thành nghĩa “cầm”. Cái “chấp” (năng chấp) đã là Thức thứ bảy Mạt na, thì cáibị chấp quyết định không phải sáu Thức trước, vì sáu Thức trước đều có gián đoạn. Cái “chấp ta” (năng chấp) bất luận chỗ nào hay lúc nào cũng đều có, không bao giờ gián đoạn, thì cái “ta” bị chấp cũng phải không gián đọan. Bởi thế nên cái “ta” bị chấp, quyết định chỉ có Thức thứ tám, tức là A lại da. Vì Thức này lúc nào cũng có, không hề gián đoạn. Trung Hoa dịch là “Tàng thức” (cái thức chứa). A lại da mà gọi là “Tàng thức”, vì nó hàm chứa hột giống của tất cả pháp. Hột giống của bảy Thức và hột giống của muôn sự muôn vật, đều từ nơi Thức này mà phát sinh. Nếu không có Thức này chứa đựng, thời bảy Thức trước không thành; cho nên nhà Duy thức cũng gọi Thức này là “ Căn bản Thức”.
THÀNH LẬP TÁM THỨC
(CÓ BỐN ĐOẠN)