Thiền định, đó là làm quen với một chỗ nương dựa của sự tham thiền. Người cầu đạo muốn tiến hành công việc này có thể nhờ đến một trong rất nhiều kỹ thuật hiện có. Ví dụ, có một thứ cốt ở tự nhận thức mình trong hình tướng của một kiểu mẫu hiện thân một trạng thái nào đó của tâm thức như đại bi hay trí huệ. Trong loại thực tập này, người ta không tập trung vào đại bi hay trí huệ : nhưng vào nhân vật mà người ta tự đồng hóa. Người ta thấm nhiễm tính chất mà nhân vật ấy biểu trưng bằng cách thử hiện thân, thể hiện chính tinh thần đại bi hay trí huệ.
Các bạn cũng có thể tham thiền về tính vô thường hay vô tự tánh của chủ thể con người. Trong ví dụ này, những chủ đề này làm thành đối tượng cho một tiến bộ hiểu biết. Thiền định cũng có thể dựa vào một thành lập những nguyện vọng. Người ta thiền định về những đức tính của một đức Phật và mong ước chúng trở thành của mình. Sự nhắc nhở những giai đoạn của con đường còn đem lại một lược đồ thiền định khác trong đó người ta quán tưởng mỗi một chứng ngộ đưa tâm thức đến một mức độ mỗi lần mỗi vi tế hơn. Chúng ta gọi việc ấy là tư duy (Tư )
Cuối cùng, chúng ta sử dụng một tiếp cận có hai mặt, khi thì dùng phân tích, với sự thiền định về cái thấy thấu suốt (vipashyana, lhag mthong), khi thì một kỹ thuật làm định tâm : sự định tĩnh của tâm thức (samatha, zhi gnas).
Hai loại tham thiền này có thể trụ trên sự khảo sát cách thế hiện hữu tối hậu của mọi hiện tượng hoặc trên bất kỳ một hiện tượng nào. Trong thời gian đầu, thiền giả dấn mình vào một phân tích luận lý về bản tánh của những hiện tượng. Khi đã đi hết vòng câu hỏi, anh ta đi đến kết luận rằng chúng là trống không. Ở giai đoạn này, anh ta tiến hành định tâm bằng cách tập trung chỉ vào một điểm : tánh Không. Anh không thể phân tích nữa. Anh thâm nhập vào ý nghĩa mình vừa nhận thấy. Sau khi đã chứng minh nó, anh hướng về tánh Không và nghe nó âm vang trong anh. Khi ý nghĩa thoát khỏi anh, anh lại trở về với luận lý. Sự bình lặng của tâm thức, samatha, mà chức năng là cốt làm vững vàng tâm thức, được thực hành ở người theo Phật giáo cũng như người không phải Phật giáo. Trong đạo Phật, người ta dùng nó nhiều trong Tiểu thừa hơn trong Đại thừa. Và trong Đại thừa, nó là chung cho cả Kinh thừa lẫn Mật thừa.
Bây giờ tôi sắp đưa cho các bạn một khái quát về tiến trình tu hành để có được sự bình lặng tâm thức.
Thường thường, tâm thức chúng ta phân tán để chạy theo nhiều kích thích của thế giới bên ngoài. Sự phân tán lấy đi năng lực của nó. Dòng tư tưởng giống như một dòng sông : nó chảy khắp mọi hướng, theo những khúc khuỷu của đất đai, nhưng nếu người ta có thể dẫn dắt nó, nó trở nên một nguồn năng lực. Làm như thế nào ?
Mật thừa và đặc biệt là tantra yoga tối thượng đề nghị nhiều kỹ thuật để dẫn dòng tâm thức. Kỹ thuật thông thường thì có trong mọi thừa. Vì cần làm yên lặng tâm thức trên một đối tượng quan sát, trước tiên cần chọn đối tượng nương dựa. Đức Phật đã đề nghị bốn loại nương dựa : những cái để thuần hóa tính tình, những nương dựa tinh xảo, những cái tịnh hóa các khuấy động và những cái thấm đẫm chúng ta. Những đối tượng để thuần hóa tính tình là gì ?
Từ thời xa xưa, chúng ta đã lập đi lập lại một loại tình cảm xung động mà sức mạnh của nó còn neo vào tính khí chúng ta cho đến lúc này. Đối tượng nương dựa cho thiền định phải có thể chiến thắng sức mạnh của tình cảm xung động đặc biệt nào đó. Ví dụ, nếu khuynh hướng trổi vượt là tham dục, đối tượng thiền định sẽ là sự bất tịnh. Đề mục này được trình bày như một trong những đối tượng định tâm về thân, trong bốn niệm xứ. Ở đây bất tịnh không liên quan đến hình dạng xấu của cơ thể. Thân thể chúng ta, trong hình dáng bình thường, thoạt nhìn có thể thấy là đẹp, còn thêm mạnh chắc và mềm mại với xúc giác. Nhưng hãy khảo sát nó gần hơn : chủ yếu nó chỉ là thịt, máu, xương… Nếu tôi mang kiếng có tia X, tôi sẽ chỉ thấy một bộ xương của một đống xương. Thiền quán về bất tịnh, đấy đơn giản chỉ là tra hỏi bản chất của thân xác.
Nếu đặc tính trổi bật của bạn là giận dữ, các bạn sẽ dùng tình thương như điểm nương dựa cho thiền định. Nếu tâm thức bạn dễ dàng chìm vào hôn trầm, bạn sẽ dùng sự tư duy về mười hai duyên sanh là cơ chế của vòng sanh tử. Nếu các bạn có khuynh hướng kiêu mạn, hãy tham thiền về những chi phần của các uẩn, làm như vậy, vô minh và kiêu mạn của các bạn sẽ giảm dần. Những người có khuynh hướng mạnh về tri thức hóa cần quan sát hơi thở, chú ý vào hơi thở vào và hơi thở ra. Đó là một vài ví dụ về điểm nương dựa dùng để lành mạnh hóa tính tình.
Chúng ta đã đề cập đến tánh Không, nhưng một bông hoa cũng có thể làm đối tượng thiền định như những cái khác. Tâm thức chính nó cũng được đưa ra cật vấn. Một Phật tử cũng sẽ thiền định về thân tướng của Phật, như một người Thiên Chúa giáo có thể làm với đức Kitô hay với thánh giá.
Dầu đối tượng đã chọn là gì, không phải nhìn nó ở bên ngoài, mà làm cho nó xuất hiện bằng tâm thức. Sự quán tưởng bằng tâm thức này được định nghĩa là đối tượng của thiền định. Đó là cái chúng ta gọi là phản ảnh, tư duy và chính cái đó cần được quan sát.
Khi các bạn biết chức năng của điểm nương dựa, các bạn cần nghe một vị thầy diễn tả nó cho bạn ; tiếp theo, các bạn xác định bằng tâm thức hình ảnh của nó bằng cách thường trở lại với hình ảnh đó với tư duy. Ví dụ nếu nó là một hình tướng Phật, các bạn phải biết mọi chi tiết đặc thù, khảo sát nó qua hình vẽ và điêu khắc biểu trưng nó, làm quen với hình dáng của nó cho đến lúc các bạn có thể tái hiện nó một cách rõ ràng trong tâm thức.
Đến giai đoạn này, hãy quán tưởng đối tượng cách khoảng một thước trước mặt bạn, cao ngang lông mày. Hãy cho nó hình dáng của một hình thể trong suốt, hoàn toàn làm bằng ánh sáng, tâm thức bạn sẽ bớt hôn trầm. Và để tránh cho nó khỏi trạo cử, xao động, hãy cho một ít trọng lượng vào hình tượng Phật. Tâm thức sẽ an định hơn và được quy dẫn đến mức nó an trụ vào một đối tượng cực nhỏ. Hãy chú ý đến cách thế của thân thể. Nó có sự quan trọng riêng của nó. Trong những đối tượng thiền định, chúng ta cũng dùng những chữ cũng như những giọt ánh sáng nhỏ, đặt nơi những điểm có ý nghĩa của thân. Những kết quả sẽ càng rõ ràng nếu đối tượng càng nhỏ. Kích cỡ được chọn lúc ban đầu phải không được thay đổi suốt cuộc hành trình : hãy xem chúng là cố định một lần cho tất cả cho đến khi các bạn đạt đến định tâm.
Trước hết làm hình ảnh sinh ra trong tâm thức các bạn, giữ chắc nó ở trung tâm sự chú ý của các bạn và không để nó thoát mất. Duy trì sự chú ý trên đối tượng cho phép dấn mình vào nội quán. Trong khi định tâm, tâm thức các bạn phải hướng về hai phẩm tính : năng lực duy trì đồng thời cả đối tượng và tâm thức một cách sáng tỏ, và khả năng tập trung vào một điểm. Hai thứ hiểm họa sẽ xuất hiện trong công việc của các bạn : hôn trầm và trạo cử. Một thứ ngăn cản các bạn ở yên nơi đối tượng, thứ kia làm hại sự chính xác của nó. Hôn trầm nghĩa là một sự thả lỏng, thư giãn thái quá – tâm thức mất đi cường độ và sự gắt gao của nó. Nó giống như một sự hôn mê rớt lên các bạn và đè nặng lên các bạn như một cái mũ trùm đến tận tai. Cách chữa trị cốt ở tăng cường sự căng thẳng của tâm thức.
Bây giờ đã thoát mối nguy hiểm của hôn trầm, nhưng hiểm họa xao động trạo cử lại lớn lên. Những phóng tâm được tham muốn đánh thức hiện ra thành sự kích động. Sự phóng tâm có thể vì mọi loại lý do. Còn trạo cử chỉ tùy thuộc vào những đối tượng của tham muốn. Cách chữa cho cả hai thứ này là buông lỏng tâm thức.
Trong khi vẫn giữ sự chú ý trên đối tượng, hãy làm một nội quán nhanh chóng. Nếu cảm thấy có khuynh hướng hôn trầm, các bạn hãy nâng cường độ lên ; còn là xao động hãy giảm bớt nó. Kinh nghiệm sẽ cho phép các bạn cảm thấy cấp điệu trung gian chính xác cho tâm thức. Nếu các bạn cảm thấy cần nâng mức cường độ, hãy nghĩ đến một điều vui vẻ. Nếu ngược lại, hãy quay lại nhiều hơn với sự nghiêm trọng. Hãy nghĩ đến sự khổ đau.
Nếu các bạn bắt đầu tập sự, hãy chấp nhận những buổi thiền định thường xuyên và ngắn thôi. Tốt hơn nên chọn một nơi yên tĩnh và hoàn toàn khuất tịnh. Sự xáo động của những thành phố ít thích hợp cho một cuộc đắm mình vào thiền định sâu xa. Sự yên tĩnh là một điều kiện cần thiết để hoạch đắc sự bình lặng của tâm thức.
Trong những thực tập này, tâm thức dần dần tìm cách an định, cho đến khi đạt đến trạng thái định. Thiền quán khi tập trung tâm thức vào một điểm duy nhất, bắt nó phải thuần thục, mềm dẻo. Sự mềm dẻo này của tâm thức kéo theo một sự mềm dẻo thể xác, nó làm nảy sanh hỷ lạc gắn liền với tính thể lỏng của thể xác. Phản ứng này kéo theo sự hỷ lạc gắn liền với tính thể lỏng của tâm thức, và khi dòng tâm thức bình lặng, sự an định của tâm thức được đạt tới. Trong bốn thiền định và bốn thiền không sắc tướng, trạng thái này, gắn liền với hỷ lạc của thân và tâm, lập nên mức độ thấp của những sơ bộ của sơ thiền.
Cái thấy thấu suốt có được bởi một tiến trình tương tự. Nó sinh ra từ sự mềm dẻo của tâm thức vận hành trong sự phân tích – và không phải trong sự tập trung an định – sự phân tích này được dẫn dắt từ một tra hỏi gắt gao. Cái thấy thấu suốt có thể là “thế gian” hay “xuất thế gian”. Ở mức độ thế gian, người ta có thị kiến của một mức độ thấp có xáo động và thị kiến của một mức độ cao an tĩnh, trong khi thị kiến xuất thế gian thì hòa hợp với Bốn Diệu Đế. Theo những luận đề của Đại thừa, cái nhìn thấu suốt xuất thế gian làm sáng tỏ sự vô ngã của các hiện tượng.
Người ta có thể rút trong sự thực hành Mật thừa những kỹ thuật về yoga hóa thần chúng cho những kết quả tuyệt hảo trong thiền định. Những phương pháp này tỏ ra đặc biệt thiện xảo để thúc đẩy sự tiến bộ đến Phật tánh. Chúng có nghệ thuật phối hợp thiền định và trí huệ – hai cái cuối cùng trong sáu ba la mật của Bồ tát đạo. Không có một định tâm hoàn toàn an định và sáng tỏ, trí huệ ba la mật không thể xuyên thủng bản chất của đối tượng, cũng không thể quan sát nó như chính nó với tất cả những tinh tế của nó. Và người ta không thể thiếu trí huệ cho phép nhìn thất tất cả sự vật là vô tự tánh. Không có cái nhìn này, định cũng bất lực trong việc chẻ phăng ý kiến sai lầm rằng tất cả thì hiện hữu tự nó và bởi nó. Sự bổ sung lẫn nhau giữa định và huệ làm thành một cặp đôi không thể chia tách trong thực hành.
Theo Tantra Vajrapanjara, một tantra giải nghĩa chu trình Guhyasamaja, Mật thừa gồm có bốn loại : hoạt động, thực hiện, yoga và tantra yoga tối thượng. Ba loại đầu diễn tả sự tiến bộ trên con đường bằng yoga với hình tướng và yoga không hình tướng. Đó là những yoga không nhị nguyên về cái sâu kín và về cái hiển lộ. Người ta thực hiện thiền định bằng cách dùng thân thể mình như điểm nương dựa cho tham thiền, thân thể này người ta thấy rõ ràng như là thân tướng của hóa thần. Khi đã có một hình ảnh rõ ràng, người ta nhận ra tính vô tự tánh của nó. Sự chứng ngộ sâu xa trùng hợp với hình tướng của hóa thần thiết lập nên yoga bất nhị của cái sâu kín và cái hiển lộ.
Trong tantra hoạt động, trong khi thực hành yoga với những hình tướng, sự đồng hóa với hóa thần xảy ra qua sáu giai đoạn, gọi là yoga sáu hóa thần. Với “hóa thần tối hậu” hành giả thiền định về tánh Không, sự không có bản chất của hóa thần và nhân cách riêng của ngài. Trong giai đoạn thứ hai, “hóa thần của âm thanh”, người ta hình dung tánh Không biểu hiện một cách tự nhiên trong một hình thức tiếng vang, và bằng cách làm vang khắp không gian thần chú đặc biệt của hóa thần.
Trong giai đoạn thứ ba, “hóa thần của chữ”, những âm thanh của thần chú biểu lộ dưới hình thức những chữ được xếp đặt vòng quanh một dĩa phẳng hình mặt trăng. Trong giai đoạn thứ tư, “hóa thần của hình sắc”, mặt trăng và những chữ chuyển hóa thành hình dạng của hóa thần.
Giai đoạn thứ năm, “hóa thần của dấu ấn”, là sự ban phước cho những điểm quan trọng của thân thể hóa thần với những cách thế của hai bàn tay mà người ta gọi là ấn. Ở đây, người ta tưởng tượng một chữ om màu trắng đặt trên đầu, một chữ ah màu đỏ ở cổ, một chữ hum màu xanh ở tim. Ba chữ này tượng trưng thân, ngữ và tâm tối thượng của hóa thần. Người ta tập trung vào thân thể hóa thần, trang nghiêm bằng những thuộc tính của ngài, “những hình tướng, dấu hiệu” của hóa thần. Đó là giai đoạn cuối cùng : “hóa thần của hình tướng”.
Khi người ta có một sự khéo léo đủ để tự quán tưởng dưới hình thức của một hóa thần, người ta nhờ vào sự tập trung vào lửa và âm thanh để thực hiện định trong một thời gian kỷ lục. Sau đó, các bạn đi vào yoga không có hình tướng, sự tập trung đưa tới giải thoát sau khi chấm dứt âm thanh. Chính như vậy mà người ta trau dồi cái thấy thấu suốt đặc biệt của tâm thức xuất thế gian, bằng cách ý thức đến sự vô tự tánh : yoga về hóa thần vẫn tiếp tục, nhưng sự nhấn mạnh được đặt vào sự xác nghiệm bản chất tối hậu của những hiện tượng.
Trong tantra thực hiện, tiến trình cũng giống như trong tantra hành động. Còn tantra yoga về phần nó đem lại vài sự khác biệt. Thân, ngữ, tâm và những hoạt động là những yếu tố nền tảng cần tịnh hóa. Sự chuyển hóa của chúng hoàn thành nhờ bốn cái ấn, biến chúng thành thân, ngữ, tâm và những hoạt động đặc biệt của trạng thái quả của Phật tánh. Trong phương pháp này, người ta đạt đến định tâm bằng cách dùng một vật nghi lễ được hóa thần cầm nơi tay và cũng là dụng cụ tượng trưng được cầm trong khi thực hành để làm điểm tựa cho thiền định. Đối tượng, có thể là một chày kim cương chẳng hạn, được quán tưởng rất nhỏ ở đầu mũi. Dần dần, người ta tăng thêm số chày kim cương cho đến lúc tràn đầy khoảng không gian của thân thể mình, rồi tràn đầy cả toàn thể không gian. Những vật tượng trưng khác nhau là thuộc về mỗi vị trong năm vị Phật, được cầm nơi tay, dấu hiệu của sự tự chủ mà các vị đại diện. Như thế, người ta thấy Tỳ Lô Giá Na cầm một bánh xe, A Súc Bệ một chày kim cương… Sự nhỏ xíu của đối tượng đóng góp vào định ; và sự kiện quán tưởng nó nhân lên vô số để rồi tan biến sau đó làm mạnh thêm khả năng thiền định.
Về tantra yoga tối thượng, đặc tính của nó là thực hành lạc phúc gắn liền với tánh Không biểu lộ trong hai cấp độ : giai đoạn phát sanh – lãnh vực của tạo tác tưởng tượng – và giai đoạn thành tựu không tưởng tượng, không tạo tác. Qua hai cấp độ thực hành này, cái chết, trạng thái trung ấm và sự tái sanh bình thường của con người được đưa vào con đường để được chuyển hóa thành ba thân của một vị Phật : thân chân lý (Pháp thân), thân thọ hưởng thành tựu (Báo Thân) và thân xuất hóa (Hoá thân).
Tantra yoga tối thượng đề nghị những kỹ thuật thiền định về kinh mạch, khí (năng lực) và những giọt căn bản. Hệ thống năng lực được nghiên cứu, một mặt trên bình diện vật lý và mặt khác như là điểm nương dựa cho thiền định. Đề nghị của loại tantra này không phải là thiết lập những tương quan chính xác giữa giải phẫu học thân thể và những kinh mạch năng lực, mà là dùng mọi năng lượng của mạng vi tế này để có được vài hiệu quả trong thiền định. Và những kinh nghiệm trong lãnh vực này chứng tỏ rằng những kết quả đã được loan báo đã thực sự đạt được.
Tiến trình cốt ở thiền định về những giọt, hạt, của ánh sáng hay của những chữ được an vị ở những điểm hội tụ của những kinh mạch. Sự định vị đặc biệt những trung tâm năng lực này, khả năng chuyển tải ban đầu cũng như những thiền định sơ bộ được gọi là “gần trạng thái hóa thần” đủ sức hòa hợp định tâm và cái thấy thấu suốt về tánh Không. Nó cũng có thể đạt được đồng thời định và huệ (tức là cái thấy thấu suốt).
Kỹ thuật tập chú vào những chữ án vào các “ngã tư” quan trọng của thân thể thì đặc biệt hiệu quả để bắt buộc dòng thủy triều của ý niệm phải dừng lại. Phải trống không mọi tư tưởng để có thể dùng những mức độ rất vi tế của tâm thức, như trong tantra yoga tối thượng. Khi người ta chạm đến những vùng rất vi tế của tâm thức này, chúng chuyển hóa và trở thành những phương tiện đánh thức trí huệ rốt ráo. Trong tiến trình bình thường của cái chết, nhưng mức độ thô của tâm thức tắt bặt. Sự biến mất của chúng làm những mức độ vi tế hơn hiển lộ, mà chót đỉnh của chúng là chỗ trú ngụ cuối cùng của tâm thức vô cùng vi tế của tịnh quang, đặc trưng tinh túy của cái chết. Đối với phần đông người sắp chết, đó là một khoảnh khắc vô thức, một sự bất tỉnh. Với thiền giả, đó là giờ phút để chứng tỏ sự thực hành của mình, trước khi các tế bào hủy hoại : ngăn chặn những mức độ rất thô của tâm thức bằng sức mạnh định tâm, người ấy kinh nghiệm một trạng thái tâm thức rất vi tế. Khi làm dứt bặt những mức độ rất thô và rất vi tế của tâm thức cũng như năng lực (khí) của chúng, người ấy biết được mức độ vi tế cùng cực : tâm thức của tịnh quang. Khi người ta đủ sức để dùng nó trong thực hành tập sự, trạng thái tâm thức này đem lại một lối tắt đặc biệt hiệu quả và nhanh chóng trên con đường. Nhưng để có được sự chín muồi, trưởng thành mà sự thực hành tinh tế này đòi hỏi, trước tiên phải làm việc ở giai đoạn phát sanh.
Tôi đã tóm tắt ngắn gọn cho các bạn những lãnh vực của tâm thức và những phương tiện để tự làm chủ theo kinh điển và tantra. Chúng xứng đáng với một sự thám hiểm sâu hơn. Điều ấy cũng cần một nỗ lực lớn.
Chúng ta thấy trên một số ảnh, tượng Phật giáo có những mặt người có ba con mắt, tức là ở giữa hai mắt có thêm một mắt nữa. Thực ra, người
Để có thể chân chánh quy y Tam bảo, với lòng khao khát sâu sắc đạt đến giác ngộ tối thượng để làm lợi ích cho tất cả chúng sinh hữu tình,
Một chủ đề nổi trội của tư tưởng Phật giáo là lòng vị tha đặt nền trên bi mẫn và tình thương. Nhưng ai mà không cảm thấy nó ? Tín đồ,
Tôi sinh ở Toàn Tiêu thuộc quận Nam Kinh. Mẹ tôi một Phật tử mộ Đạo, suốt đời thờ Đức Đại Sĩ Quan Thế Âm. Một hôm bà nằm mộng thấy Đức
Phật giáo thừa nhận có phép thần thông. Phàm phu cũng có thể chứng được năm phép thần thông. Bậc Thánh xuất thế chứng được sáu phép thần thông (lục thông). Đức
QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,
Giữ giới là lựa chọn tự do Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc
Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt