Về những lỗi khi thực hành Đại Thủ Ấn
KHENCHEN THRANGU RINPOCHE
Có ba phẩm chất tích cực đạt được khi thực tập hành thiền (ngồi tréo chân theo thế kiết-già hay bán-già để theo dõi hơi thở và quán sát sự vận hành của tâm).
Thứ nhất là định (samadhi). Định bao gồm trải nghiệm về những cảm giác dễ chịu của thân và tâm, sự sáng suốt cực độ và sự vắng bặt mọi khái niệm. Mặc dù trải nghiệm về định là một bằng chứng cho việc hành thiền ở mức có hiệu quả, nhưng để phát triển trọn vẹn Đại thủ ấn, hành giả phải đưa những đặc điểm tối hậu của việc hành thiền có hiệu quả ấy tới mức toàn thiện.
Phẩm chất thứ hai của việc hành thiền có hiệu quả là tâm bồ-đề (bodhichitta). Tâm bồ-đề trong tiếng Sanskrit có nghĩa là “tâm tỉnh thức” hoặc “trái tim tỉnh thức”. “Khởi phát tâm bồ-đề” có nghĩa là việc hành thiền của hành giả phải đi kèm với một động cơ hết sức trong sạch.Thực hành thiền mang lại cảm giác rất dễ chịu, và ta có thể thực hành chỉ để được trải nghiệm cảm giác đó không thôi. Nhưng niềm hạnh phúc này chỉ mang tính nhất thời. Một trạng thái thiền vững vàng không nhất thiết chỉ loại trừ những tình thức gây khó chịu hoặc mang lại những phẩm chất tốt cho một người hoàn toàn tỉnh thức. Hành giả phải thực hành sao cho loại trừ được hoàn toàn mọi tình thức gây rối loạn và đạt được mọi phẩm chất tốt. Quan trọng hơn, đạt được sự tỉnh thức cho riêng mình là một điều không thể chấp nhận được. Chỉ ở riêng thế giới này thôi đã có hàng tỷ con người và sinh vật sống rải rác khắp quả đất – trên núi, trong rừng, trên đồng bằng và trong đại dương. Đối với những chúng sinh này, hạnh phúc là điều cực hiếm. Họ phải chịu những khổ đau lớn và không có người bảo vệ. Nếu ta có khả năng đạt được tỉnh thức hoàn toàn như một vị Phật, ta sẽ có khả năng và lòng can đảm để giải thoát các chúng sinh khác và chỉ cho họ con đường dẫn tới việc giải thoát khỏi những đau khổ của luân hồi. Đây chính là thái độ mà hành giả cần phải có khi thực hành thiền. Nếu hành giả thực hành với thái độ này, đây sẽ là một thực hành rất trong sáng, dẫn tới những kết quả to lớn; nếu không thì kết quả sẽ có giới hạn.
Đạt được trình độ thiền vững vàng và khởi phát tâm bồ-đề là điều tốt, tuy nhiên hành giả vẫn cần phải có được phẩm chất thứ ba, đó là việc ngộ được tính Không và trạng thái vô ngã. Nếu ngộ được tính Không, hành giả sẽ có thể loại bỏ được mọi tình thức gây rối và có được trí tuệ nhận biết bản chất của mọi hiện tượng một cách hoàn hảo và rõ ràng. Nếu thiếu hiểu biết về tính Không, việc hành thiền của hành giả sẽ tạm thời làm yếu đi những mô thức quen thuộc của các tình thức gây rối loạn chứ không thể diệt trừ chúng hoàn toàn. Để nhận thức được các chỉ dẫn tối thượng của Đại thủ ấn với sự đồng hiện của tư duy và hình tướng, hành giả không chỉ cần ngộ được cái tâm không lăng xăng, mà còn cần nhận biết được bản chất của cái tâm đó. Chúng ta cần hiểu được cái tâm không lăng xăng không chỉ thông qua sự suy luận mà còn qua cả việc quán sát trực tiếp. Và khi chúng ta đã trực tiếp ngộ được tính Không, chúng ta hiểu được bản chất của mọi hiện tượng. Do vậy, bên cạnh việc đạt đến trạng thái định và khởi phát bồ-đề tâm, hành giả còn cần đến sự quán sát để nhận thức bản chất của mọi hiện tượng. Khi chúng ta có được những trải nghiệm về các đặc tính tích cực của định, tâm bồ-đề và quán thì chúng ta có một buổi hành thiền thành công.
Việc gặp phải những khó khăn và mắc sai lầm trong khi hành thiền là một điều tự nhiên. Điều đó có thể là vì chúng ta chưa hiểu rõ Pháp, hoặc vì chúng ta chưa có đủ thời gian ở bên cạnh vị đạo sư của mình. Những khó khăn này có thể khiến chúng ta bắt đầu nghi ngờ về những việc mình đang làm, hoặc việc hành thiền của chúng ta có thể bị lỏng lẻo hơn. Khi điều này xảy ra, ý chí hành thiền và sự chú tâm của chúng ta suy giảm. Có thể chúng ta đánh mất những điểm quan trọng của việc hành thiền tới mức không thể gọi việc ta đang làm là “hành thiền”. Nhiều loại hình tướng khác nhau có thể khởi lên và có thể chúng ta nghĩ, “Điều này thật dị thường. Đây là dấu hiệu của việc hành thiền tuyệt hảo!”, trong khi thực tế lại không phải vậy.
Nếu hiểu được những loại lỗi này, chúng ta có thể đẩy lui chúng khi chúng diễn ra. Ngay cả khi chúng không xuất hiện trong lúc hành thiền, chỉ riêng việc hiểu biết về chúng không thôi cũng có nhiều lợi ích lớn.
Trạng thái định của hành giả có thể rất tốt – tới mức có thể đạt được thần nhãn – nhưng nếu không chứng ngộ đầy đủ về quán, về bản chất thực của tính Không của bản ngã và của hiện tượng, hành giả sẽ không đạt được Đại thủ ấn.
Việc hành thiền của vài hành giả có thể trở nên lỏng lẻo, nhưng vì chưa thấm nhuần những chỉ dạy của đạo sư nên họ không nhận ra được những lỗi trong việc hành thiền của mình. Ngay cả nếu họ đã có thể thoáng thấy được Đại thủ ấn, họ vẫn chưa chắc chắn lắm về tình trạng ấy, và họ bắt đầu để mất bất kỳ sự thấu hiểu nào họ đã đạt được. Dần dần sự chú tâm và cảnh giác của họ trở nên lỏng lẻo, và họ nghĩ rằng bất kỳ trải nghiệm thiền nào có được thì chính điều đó thực sự là thiền, trong khi trên thực tế họ đã lang thang vào ngõ cụt và bị lạc lối.
Một lỗi khác là để cho có sự trì trệ và một trạng thái tăm tối của tâm khởi phát rồi tăng trưởng. Dần dần các đối tượng của thọ vốn thường xuất hiện cho ý thức cảm giác trở nên nhạt nhòa và mơ hồ. Mắt không nhìn rõ hình tướng, tai không nghe rõ âm thanh. Rút cục là họ chẳng thấy, chẳng nghe gì cả. Ý thức trở nên nhạt nhòa và thực tế là không hoạt động. Ngay cả khi không rơi vào tình trạng cực độ này, nếu do thiếu sự chú tâm, hành giả để cho tâm đánh mất sự sáng suốt và bén nhạy thì người đó hành thiền không đúng cách.
Lỗi thứ ba xảy ra khi tâm đạt được sự rõ ràng và sáng tỏ chân thực, nhưng lại không duy trì được sự chú tâm và cảnh giác đúng mức. Tâm có sự sống động, song tâm lại thiếu sự nhận thức về chính nó. Trong trường hợp này, việc hành thiền không đúng nhưng cũng chẳng sai – rơi vào mức trung tính, không dứt khoát có lợi nhưng cũng không dứt khoát có hại.
Những lỗi ngày một vi tế hơn. Một lỗi khác là nghĩ rằng thiền Đại thủ ấn chỉ đơn giản là một trạng thái vắng bặt mọi ý niệm. Hành giả có thể phát hiện khoảng trống trung gian giữa lúc chấm dứt niệm hiện hành với lúc khởi phát niệm tiếp theo rồi nghĩ rằng sự vắng lặng trong khoảnh khắc đó chính là thiền Đại thủ ấn. Trong trạng thái này không có nhận thức về bất kỳ điều gì và cũng không có phẩm chất thật sự nào của niệm hay tuệ. Tuy nhiên, đó không phải là thiền chân thực. Đặc tính cơ bản của quán là sự hiểu biết chắc chắn, dứt khoát và rõ ràng về trạng thái của tâm. Nếu thiếu sự hiểu biết dứt khoát này thì cũng có nghĩa là không có quán. Nhờ quán, chúng ta biết rằng tâm là rỗng lặng và sự rỗng lặng này không phải là sự rỗng lặng bất động. Đây là một sự rỗng lặng thích hợp cho sự thấy, biết, nhìn nhận và cảm giác. Nếu chưa phát hiện được sự rỗng lặng này, hành giả chưa đạt được quán của Đại thủ ấn.
Có ba loại trải nghiệm tạm thời có thể khiến hành giả nghĩ ‘Tôi đã phát hiện điều gì đó thực sự đáng kể và sâu sắc. Đây mới thực là thiền”. Những trải nghiệm này không phải là thiền quán Đại thủ ấn thực sự. Thứ nhất là trải nghiệm tạm thời trong đó tâm đạt đến mức khoái lạc và nghỉ ngơi trong sự khoái lạc này. Thứ hai là trải nghiệm tạm thời về tính Không; hành giả có thể không khởi các niệm về quá khứ, hiện tại và tương lai và nghỉ ngơi trong trạng thái vô niệm này. Thứ ba là trải nghiệm về tướng quang minh, qua đó tâm dường như làm chủ nhiều khả năng lạ thường đến độ có thể khiến hành giả nghĩ “Giờ đây tôi có thể thấy mọi thứ. Tôi có thể nhìn thấy những thứ từ xa. Tôi có thể nhìn thấu hoàn toàn và rõ ràng bên trong. Tất cả đối với tôi bây giờ thật là sống động”. Hành giả có thể có từng trải nghiệm này đơn lẻ hoặc kết hợp. Chúng rất hấp dẫn, song thiếu một điều thiết yếu, ở đây chính là sự hiểu biết dứt khoát về trạng thái của tâm, một đặc tính cơ bản của quán. Trong tiếng Tây Tạng, sự hiểu biết dứt khoát này được gọi là “tâm đã nhìn rõ mặt của nó”, hoặc “tâm đã cắt bỏ được tận gốc rễ.”
Việc hành thiền của hành giả có thể đạt đến mức một sự thấu hiểu nào đó nhưng thiếu định. Trong trường hợp này, quán không thể mạnh được. Trong thiền chỉ, các ý niệm của hành giả được dẹp yên ngay khi mới khởi khiến tâm thức được nghỉ ngơi trong sự cân bằng và tĩnh lặng. Nếu thiếu kỹ năng thiền này, các ý niệm khi khởi phát có vẻ sẽ trở thành chướng ngại – thậm chí cả những ý niệm rất vi tế cũng có thể sẽ làm gián đoạn và đe dọa việc hành thiền của hành giả. Khi đó, ngay cả việc hành thiền trong một thời gian ngắn cũng trở nên rất khó khăn. Những hành giả sơ cơ thường trải qua những khó khăn của tâm theo kiểu này và có thể không dễ dàng ngồi yên được. Do vậy, điều quan trọng là phải tập thiền chỉ để tăng cường sự ổn định của tâm.
Ở trên, chúng ta đã thảo luận về những trạng thái lỗi trong lúc hành thiền do hành giả không nhận ra những sai lầm của mình và đi sai hướng. Dưới đây chúng ta sẽ thảo luận về việc hành thiền cục bộ khiến hành giả chỉ có thể trải nghiệm được một vài yếu tố quan trọng.
Ví dụ đầu tiên là hành giả đã đạt đến một trạng thái định rõ ràng, trong suốt, quang minh, và bắt đầu có cảm giác mọi vật đều rỗng không. Cái cảm giác chủ quan về tính Không này rất hấp dẫn, song nó không giống như tuệ giác thật về việc mọi vật vốn vẫn là như vậy. Có một sự khác biệt rõ ràng giữa cảm giác thoáng qua về tính Không này so với sự nhận biết dứt khoát, chắc chắn, xuyên suốt rằng sự vật không tồn tại như tướng trạng của chúng. Nếu xảy ra khiếm khuyết này, hành giả cần kiểm tra lại tâm thức để thấy một cách rõ ràng và trực tiếp rằng sự vật hiện tượng là vô tự tính. Chúng ta cần phải hiểu chắc chắn rằng ngay cả tâm của chúng ta cũng là vô tự tính.
Một ví dụ thứ hai là khi hành giả đã phát triển một niềm tin chắc chắn vào tính Không nhưng tin một cách sai lạc rằng phải dừng bặt mọi tư duy và hình tướng. Tại điểm này, hành giả phải hiểu rằng tư duy và hình tướng chính là tuệ giác đồng hiện; và rằng mục tiêu không phải là sự tịch tịnh của tâm không tư duy không hình tướng. Với quan điểm rằng tư duy và hình tướng phải dừng bặt, hành giả bắt đầu cảm thấy chúng là kẻ thù và việc hành thiền trở nên bứt rứt cùng cực. Để tránh rơi vào sự hiểu lầm này, ta cần phải hiểu về tư duy đồng hiện và hình tướng đồng hiện, sao cho dù tư duy có phát khởi hay không, ta cũng có khả năng nhận thức được nó như là tuệ giác đồng hiện.
Nếu chúng ta tin rằng tư duy là trái ngược với sự chứng ngộ thì những chướng ngại cũng có thể phát sinh sau lúc hành thiền. Vì trong khi ta có thể gạt bỏ tư duy và hình tướng lúc ngồi thiền, ta không thể dừng bặt tư duy và hình tướng khi xả thiền lúc trở về với những hình tướng trong cuộc sống hàng ngày. Việc hòa nhập sự thực hành của ta vào cuộc sống hàng ngày sẽ là điều không thể có được nếu hình tướng và việc hành thiền không tương thích.
“Vạn pháp như thị” hay “mọi vật vốn vẫn như vậy” là nói về tính Không và thực tại. Trong Đại thủ ấn, người ta không nói tới tính Không của những hiện tượng ngoại giới mà nói tới tính Không của tâm. Việc hiểu được tính Không của tâm và thực tại hơi khác với việc hiểu được tính Không của hiện tượng ngoại giới. Tính Không của hiện tượng ngoại giới có thể hiểu được thông qua nhận thức suy luận nhưng nó không thể nhận biết được một cách trực tiếp. Việc hiểu về tính Không thông qua suy luận có thể mất thời gian, do vậy quãng đường sẽ rất dài. Tính không của tâm có vẻ dễ chứng ngộ hơn nhiều so với tính Không của hiện tượng bên ngoài. Tính không của tâm được chỉ ra ở cái mà những vị đạo sư của dòng Karma Kagyu gọi là tâm bình thường (ordinary mind).
Cách tốt nhất để hiểu về tâm bình thường là suy nghĩ rằng “tâm như nó vốn vậy”. Một vài người có thể nghĩ rằng tâm bình thường là một cái tâm đã khắc phục được những tình thức rối loạn, nhưng ở đây không có nghĩa ấy. Với tâm bình thường ta muốn nói rằng tự thân nó, tâm vốn rỗng lặng và tỏa sáng. Chỉ khi ta bắt đầu vận dụng tâm thì ta mới trở nên lúng túng và nhầm lẫn, và những tình thức gây rối khởi phát. Cho nên, khi nói tới tâm bình thường, chúng ta đang nói về một cái tâm không toan tính, không giả vờ, và hãy mặc cho nó vốn như vậy.
Nguồn: Eliminating Flaws That May Arise in Mahamudra, Essentials of Mahamudra. Khenchen Thrangu Rinpoche.
Khenchen Thrangu Rinpoche được công nhận là vị Lạt-ma hóa thân đời thứ chín của dòng Kagyu trong Phật giáo Tây Tạng, một học giả nổi tiếng, đã thành lập nhiều tu viện quan trọng ở Anh, Hoa Kỳ và Canada, tác giả của nhiều tác phẩm Phật giáo được nhiều người đọc và hâm mộ.
HỒNG ĐIỆP dịch
VHPG 193 - 194
Đạo sư dòng Nyingma Nyingma (Cổ Mật) Sơ Tổ Dòng Nyingma Đức Liên Hoa Sanh (Guru Rinpoche/Padmasambhava) { Thánh nữ Yeshe Tsogyal { Hai Mươi Lăm Đại Đệ Tử { Vimalamitra Vairochana Longchenpa { Jigme Lingpa {
Kinh Kim Cương có câu : "Phàm là có tướng, đều là hư vọng". Đó là vì thực tướng là không có tướng, cho nên cõi Tịnh độ thuộc lĩnh vực nội
Đại từ, đại bi đã phân biệt ở trong đoạn nói về bốn tâm vô lượng rồi, nay sẽ nói lược thêm: Đại từ cho vui tất cả chúng sanh, đại bi
Đạo Đức Phật Giáo Và Giới Luật Cho Người Tại Gia Dr. Bodhippriya Subhadra SiriwardenaQuan điểm Phật giáo về đời sống đạo đức của người tại gia là một chủ đề rộng
HỘ NIỆM LÚC LÂM CHUNGTỷ kheo Tai Kwong -Minh Phú lược dịchHộ niệm là niệm Phật cầu nguyện cho một bệnh nhân khi nhận thấy thuốc chữa trị không còn tác dụng
QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,
Giữ giới là lựa chọn tự do Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc
Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt