Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (7)


Xem mục lục

Yếu Nghĩa của Kinh

VÔ LƯỢNG THỌ


Lời người dịch:

Kinh Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ và Kinh A Di Đà là ba bộ Kinh trọng yếu của Tịnh Độ Tông. Vì lẽ đó, sau 2 bài: Lược thuyết về pháp môn vãng sanh AN LẠC ĐỘ và Nguyên lý của vấn đề niệm Phật vãng sanh, chúng tôi xin cống hiến những ai thích tìm hiểu Phật giáo, nhất là những vị chuyên tu TỊNH NGHIỆP một tài liệu quý báu YẾU NGHĨA CỦA KINH VÔ LƯỢNG THỌ để giúp các bạn tiến nhanh hơn trên con đường hướng về miền LẠC ĐỘ. Và dưới ̣ây là nội dung của Kinh ấy.”

Một cách khái quát, kinh này được chia ra làm 2 phần để thuyết minh:

I. Vị trí của Pháp môn Tịnh Độ trong Phật Pháp
II. Nghĩa lý thù thắng của Kinh Vô Lượng Thọ đối với các Kinh Luận khác.

Trước hết, xin trình bày phần I: Vị trí của Pháp môn Tịnh Độ trong Phật Pháp

Trong phần này lạ̣i chia ra 2 phần:
A. Nói về nghĩa thông thường của tất cả những cõi Tịnh Độ
B. Nghĩa đặc biệt về cõi Tịnh Độ của đức A Di Đà

A. NÓI VỀ NGHĨA THÔNG THƯỜNG CỦA TẤT CẢ NHỮNG CÕI TỊNH ĐỘ

Độ tức quốc độ, là thế giới, nơi chốn để y trú. Tịnh là thanh tịnh không mảy may cấu uế – Nghĩa là quốc độ ấy về phương diện hưởng thụ chỉ có vui không khổ, về hành động chỉ có thiện không nhiễm ô, đó là nơi y trú vô cùng trang nghiêm, thanh tịnh và vi diệu.

Trên đây là định nghĩa danh từ Tịnh Độ, nhưng “tịnh” cũng là một động từ, trong trường hợp này nó có nghĩa là rửa sạch ô uế... Ở đây nói Tịnh Độ hàm nghĩa rằng Bồ Tát trong khi tu nhân đã y vào tâm chúng sinh thực hành vô số hạnh thanh tịnh, nên kết quả là chuyển đổi chúng sinh và thế giới vốn không thanh tịnh thành thanh tịnh. Gồm đủ cả hai nghĩa trên nên gọi là Tịnh Độ.

Trong nghĩa thông thường của Tịnh Độ cũng có hai phần:

1. Nghiêm Tịnh Phật Độ

Tất cả Đại Thừa Phật Pháp đều là những phương pháp tu hành để đi đến kết quả là Nghiêm Tịnh Phật Độ (làm trang nghiêm và thanh tịnh cõi Phật). Tại sao thế? Vì, khác với hàng Tiểu Thừa chuyên vì mình (tự lới, tự độ) các vị Bồ Tát tối sơ đều phát tâm Đại Thừa, Nguyện Đại Bi muốn cứu độ khắp tất cả chúng sinh. Phát tâm rộng lớn như thế rồi, nên trên đường tu hành các ngài hoàn toàn lấy tâm chúng sinh làm thân tâm mình; nhất cử nhất động đều vì chúng sinh, cho chúng sinh, chứ không còn thấy có một tự ngã riêng rẽ đứng ngoài bản thể Đại Đồng.

Kinh Duy Ma nói:

“Nếu Bồ Tát muốn tu hạnh làm thanh tịnh cõi Phật thì nên y cứ vào đâu? – y vào tâm chúng sinh, vì tâm chúng sinh tịnh quốc độ mới tịnh”. Như hiện naychúng ta, nói riêng và chúng sinh, nói chung, đang sống trong một quốc độ nhiều tai nhiều nạn, tất cả những thảm trạng đó đều do phiền não, ác nghiệp của chúng sinh tạo ra. Các vị Bồ Tát vì muốn chuyển ác nghiệp thành tịnh nghiệp. Một nước biết tu, một nước yên vui, cả thế giới biết tu hết thảy an hòa. Cho nên mục đích tu hành của Bồ Tát là vì tất cả chúng sinh, vì muốn thanh tịnh cõi Phật chứ không phải vì mình. Một vị hay vô số vị Bồ Tát tu hành cũng vì thế. Bởi vậy, tất cả Đại Thừa Phật Pháp đều là TỊNH ĐỘ PHÁP MÔN và ý nghĩa của bốn chữ NGHIÊM TỊNH PHẬT ĐỘ cũng phát xuất từ đấy.

2. Thanh Tịnh Quốc Độ

Thanh Tịnh quốc độ, thế giới và thanh tịnh trú xứ đều gọi là Tịnh Độ. Thế thì nghĩa chữ tịnh độ rất phổ biến và rộng rãi hơn nghĩa thứ nhất; chúng ta có thể chia theo chiều dọc và ngang 2 phần để trình bày cho dễ hiểu.

Về chiều dọc có loại Tịnh Độ: Biến hóa, Thọ dụng và Pháp tánh Tịnh Độ.

- Biến Hóa Tịnh Độ tức như Tông Thiên Thai gọi là Phàm Thánh Đồng Cư và Phương Tiện Hữu Dư Tịnh Độ vậy. Đây là Chư Phật, Bồ Tát thích ứng với căn cơ của lục đạo phàm phu cùng hành Nhị Thừa (Thanh Văn và Duyên Giác) và Tam Hiền (Thập Trú, Thập Hạnh và Thập Hồi Hướng), Thập Thánh (từ Sơ Địa tới Thập Địa) mà thị hiện ra cõi Phật thanh tịnh, nên gọi là Biến Hóa Tịnh Độ.

Vì lục đạo phàm phu (Trời, Người, A Tu La, Địa Ngục, Ngạ Quỉ và Bàng Sanh) mà hiện, như khi đức Phật ứng hóa ở cõi trời thì cõi trời có Tịnh Độ đạo tràng; cho đến địa ngục, ngạ quỉ, bàng sanh không nơi nào không có Phật thị hiện hóa độ trong đó, tức là có Phật an trú nơi cõi Phật tại cõi ấy, nghĩa là tùy Biến hóa thân của Phật ở đâu thì có Biến hóa độ ở đó. Nhưng Biến Hóa Phật không những chỉ ứng hiện vào lục đạo, ở hàng Nhị Thừa, Tam Hiền, Tứ Gia Hạnh và luôn cả đối với Thập địa Bồ Tát cũng thế, chỉ có khác là trở nên thắng diệu hơn, nên gọi là Thắng Ứng Thân Độ*. Vì thế ở đây nói Biến hóa Độ tức gồm cả Phàm Thánh Đồng Cư và Phương Tiện Hữu dư hai cõi Tịnh Độ.

- THỌ DỤNG TỊNH ĐỘ. Thọ Dụng ở đây có nghĩa là thọ dụng quả báo, tức tạo nhân gì thì thọ quả báo gì. Quả báo của Phật và Bồ Tát là THẬT BÁO TRANG NGHIÊM TỊNH ĐỘ.

Thọ Dụng Tịnh Độ có hai: Tự Thọ Dụng và Tha Thọ Dụng.

Tha Thọ Dụng tức Bồ Tát Sở duyên (tiếp xúc, thọ dụng) với Báo thân Vô biên tướng hảo và quốc độ đủ vô biên trang nghiêm, như Hoa Tạng Thế Giới trong kinh Hoa Nghiêm vậy. Đây là Phật tùy thuận chỗ chứng ngộ của Bồ Tát mà thị hiện chứ không phải là cảnh Tự Thọ Dúng của riêng mình. Nhưng điều này cũng chỉ có hàng Đăng Địa Bồ Tát (từ sơ địa đến Thập địa gọi là Đăng Địa) mới có thể biết nổi.

Tự Thọ Dụng là cảnh giới hoàn toàn thanh tịnh riêng của chư Phật.

Có người hỏi rằng: “Thể tánh của cảnh giới Tự Thọ Dụng ấy như thế nào?”

- Thể tánh của cảnh giới ấy là do AM MA LA THỨC (AMALA, cũng gọi là AMALA thức, A MẠT LA thức, dịch nghĩa là Thanh Tịnh, vô cấu và CHƠN NHƯ thức) và bốn trí (Thành sở tác trí, Diệu quan sát trí, Bình đẳng tánh trí, và Đại viên kinh trí tức Nhất thiết chủng trí, đây là căn cứ vào Đại thừa Pháp tướng tông) tương ưng mà có ra.

- Pháp Tánh Tịnh Độ cũng gọi Thường Tịch quan độ. Đây tức là Chân như Pháp tánh bình đẳng của các Pháp. Pháp tánh này khi lên hàng Sơ Địa Bồ Tát mới có thể chứng được một phần nhỏ, mãi tới Phật vị mới toàn chứng. Tự tánh thanh tịnh xưa nay của các pháp, nó vốn như thế, không phải vì Phật thanh tịnh nên tịnh, vì thế nó không tăng, không giảm, không sanh, không diệt, nên gọi là Pháp Tánh Tịnh Độ. Hơn thế, tự tánh thanh tịnh ấy từ Phàm Ngu, Nhị Thừa, Bồ Tát, Phật cho đến một ngọn cỏ, một hạt bụi cũng đều đầy đủ như nhau, nhưng cần có Phật trí mới có thể viên chứng, nên gọi là Phật Tịnh Độ.

Các nghĩa lý vừa trình bày trên đây bao gồm tất cả Phật Pháp, cho nên nếu dùng ba loại Tịnh Độ trên, Biến hóa. Thọ Dụng và Pháp Tánh để thuyết minh thì các pháp thế và xuất thế gian đều gồm thâu vào pháp môn Tịnh Độ cả. Như người tu theo pháp môn nhân và Thiên thừa sẽ được vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư Tịnh Độ; tu pháp Nhị thừa, sẽ được vào cõi Phương Tiện Hữu Dư Tịnh Độ; tu hạnh Đại Thừa Bồ Tát, sẽ chứng nhập Thật Báo Trang Nghiêm và Thường Tịch Quang Tịnh Độ; tu Mật Tông sẽ vào Mật Nghiêm Tịnh Độ; tu Thiền Tông sẽ vào Tự Tánh Tịnh Độ...

Tóm lại, không luận người, Trời, Tiểu Thừa, Đại Thừa, nếu tu nhân hạnh của loại tịnh Độ nào sẽ được kết quả về loại Tịnh Độ ấy.

- Về chiều ngang – có Thập Phương Tịnh Độ, như trong những Kinh Đại Thừa nói đến: Tây Phương Cực Lạc Tịnh Độ, Đông Phương Dược Sư Lưu Ly Tịnh Độ, Thượng Phương Chúng Hương Tịnh Độ, mười phương thế giới đều có nhiều loại Tịnh Độ khác nhau. Cực Lạc tịnh độ cũng chỉ là một cõi trong đó, nhưng đặc biệt ở chỗ nó tập hợp tất cả những điều thù thắng của các cõi Tịnh Độ trong mười phương vào cõi này.

Chú thích:
* Ứng thân, cũnng gọi Ứng Hóa Thân, đây là diệu thể của lý trí bất nhị, vì hóa độ chúng sinh nên ứng hiện ra nhiều hình tướng, thân phận. Có 2 loại: khi giáo hóa hàng Bồ Tát đăng địa thì dùng Thắng Ứng Thân (Thắng Ứng Thân đồng vớí Tha Thọ Dụng Báo Thân); khi giáo hóa cho phàm phu, nhị thừa, tam hiền thì dùng liệt ứng thân, như đức Bồn Sư đản sinh ở Ấn Độ.


B. NGHĨA ĐẶC BIỆT VỀ CÕI TỊNH ĐỘ CỦA ĐỨC A DI ĐÀ

Đức Phật A Di Đà trong khi còn tu nhân tức là Pháp Tạng Tỳ Kheo. Ngài đã từng trải qua nhiều kiếp quán sát vô lượng cõi Tịnh Độ, rồi phát nguyện và tu thành Di Đà Tịnh Độ, làm phương tiện đặc thù, khắp độ hết thảy chúng sinh. Căn bản nguyện của các vị Đại Bồ Tát trong khi tu nhân tuy giống nhau, nhưng độ sanh như thế nào thì mỗi vị có một phương tiện khác nhau. Đức A Di đà thì chuyên thị hiện vô biên công đức trang nghiêm của Tịnh Độ, dẫn phát lòng thâm tín, ngưỡng mộ của chúng sinh để họ niệm danh hiệu Ngài, được vào chánh định tụ (ai được vào chánh định tụ người ấy nhất định chứng ngộ) sẽ không còn sinh tử luân hồi nữa.

Ở đời này có không ít người không biết Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là Giáo chủ của thế giới Sa Bà này, nhưng danh hiệu A Di Đà thì cơ hồ như không một ai không biết. Do đó, chúng ta thấy rằng từ vô số kiếp về trước đức Phật A Di Đà đã từng có duyên khá sâu đậm với tất cả chúng sinh.

Do sự phát nguyện của đức A Di Đà trong lúc tu nhân mà thành tựu được thắng quả này (Cực Lạc Tịnh Độ) và mười phương chư Phật cũng dùng Tịnh Độ của Đức A Di Đà làm phương tiện thắng diệu để nhiếp thọ chúng sanh, khuyến hóa dẫn dắt họ cầu vãng sanh về nơi “Bất Thoái”. Vì thế, phương tiện này là phương tiện căn bản, hễ thâm tín và xưng niệm, tức nhiên ai cũng được về Cực Lạc và quyết định sẽ thành Phật không còn nghi ngờ gì nữa!

Những hành giả chuyên tu Thiền Tông cần phải thấu suốt bản tâm, khai ngộ thật tướng, định và huệ đều viên thành mới gọi là chứng ngộ, nên Thiền thuộc nan-hành-đạo (đường khó đi, đạo khó thực hành). Ngược lại, Tịnh độ thuộc dị hành đạo. Bởi thế, Vĩnh Minh Diên Thọ Đại Sư nói:

“Không tu thiền nhưng tu Tịnh Độ
Muôn người tu muôn người được về
Đã thấy được đức A Di Đà
Còn lo gì về việc khai ngộ?”

Suy ra, pháp môn Tịnh Độ vừa sâu rộng vừa viên dung, bao gồm vô lượng pháp và ở vào địa vị cao nhất trong Phật giáo. Do đó, chúng ta không thể không tin tưởng thực hành pháp môn này: tùy thuận đức Phật A Di Đà, phát nguyện vãng sanh, lợi mình lợi người, vượt thoát ác thế, đi thẳng về Cực Lạc, không còn thoái chuyển; thế rồi hành Bồ Tát Đạo, hóa độ tất cả chúng sinh, khiến hết thảy lìa khổ, được vui cứu cánh. Đây là kết quả cao quý nhất của người tu theo pháp môn Tịnh Độ của Đức A Di Đà, há chúng ta lại có thể xem thường được ư?

Trên đây đã trình bày xong phần I. Dưới đây là phần II.

II. THẮNG NGHĨA CỦA KINH VÔ LƯỢNG THỌ ĐỐI VỚI CÁC KINH LUẬN KHÁC

Trong phần này sẽ chia ra 6 phần nhỏ để thuyết minh:

A – Nhân quả đầy đủ:

Hầu khắp các kinh luận Đại thừa đều ít nhiều có nói đến pháp môn Di Đà Tịnh Độ. Nhưng chuyên miêu thuật về cảnh Tịnh Độ thì chỉ có 3 bộ Kinh và một bộ luận thôi.

Kinh Vô Lượng Thọ nói về những hạnh nguyện của Pháp Tạng Tỳ Kheo trong khi còn là Bồ Tát, nhờ vào nhân địa tu hành đặc thù đó, nên mới thành tựu cõi Tịnh Độ cực kỳ trang nghiêm khi Ngài thành Chánh Giác. Sau đó, Ngài lại dùng cái diệu quả ấy để nhiếp hóa mười phương chúng sinh, nếu tất cả chúng sinh chịu y vào phương pháp đó mà tu hành thì nhất định cũng được kết quả như Ngài. Đây là tự mình tu giáo hóa người khác, đầy đủ cả hai tần Nhân Quả. Đó là điểm đặc điểm thứ nhất của kinh Vô Lượng Thọ

B – Tín giải đầy đủ:

“Lòng tin là bước đầu vào Đạo, là mẹ sinh ra các công đức và nuôi lớn hết thảy căn lành.” Hiểu và hiểu biết đúng đắn là điều kiện tối yếu trên đường tu hành; có tin tưởng mới chịu khó tìm hiểu, học hỏi và nhờ thế mới có được sự hiểu biết chân chính.

Kinh Vô Lượng Thọ thuyết minh Ngài Pháp Tạng trong nhân địa nhờ tín tâm thâm thiết và hiểu biết thù thắng mà tạo thành Di đà Tịnh Độ. Trong những kinh luận khác khi nói về Tịnh Độ phần nhiều bàn về sự khó khăn của vấn đề sanh tín tâm để khuyên hành giả sanh lòng tin. Kinh này cũng tha thiết khuyên tin, nhưng nhứt là khởi phát sự hiểu biết thù thắng về PHÁP KHÔNG VÔ NGÃ, DUY TÂM NHU HUYỂN, khiến cho có thể hiểu rõ Phật trí một cách thấu suốt không còn nhầm lẫn. Nhờ vậy mà cả TÍN lẫn GIẢI đều đầy đủ. Đó là đặc điểm thứ hai của kinh Vô Lượng Thọ.

C – Nguyện Hạnh đầy đủ:

Trong Kinh A Di Đà tuy nói rằng cần phải có nhiều thiện căn phước đức nhân duyên mới sanh về Tịnh Độ, nhưng không nói rõ nên tu các thứ thiện căn phước đức ấy như thế nào. Trái lại, trong kinh Vô Lượng Thọ không những thuyết minh Đức A Di Đà tại nhân địa phát nguyện tu hành như thế nào, còn nói rõ người y vào tịnh quả của Ngài cầu vãng sanh nên phát nguyện tu hành ra sao nữa. Như thế nguyện và hạnh cả hai đều đủ. Đó là đặc điểm thứ ba của kinh Vô Lượng Thọ.

D – Khuyến giới đầy đủ

Khuyến: Nêu lên những điều thiện làm cho hành giả vui thích, mến mộ. Giới: chỉ xích những điều ác khiến hành giả biết mà xa lánh. Trong Kinh Vô Lượng Thọ cực lực nói lên những sự khổ não của cõi Sa Bà, khiến mọi người lo sợ, rùng rợn mà sanh lòng nhàm chán. Hơn nữa, lại hết lời ca ngợi sự trang nghiêm, diệu lạc của cõi Tịnh Độ để khởi phát niềm tín nguyện của chúng sinh. Dặn dò, khích lệ, lòng thương xót sinh linh vô cùng độc đáo, thiết tha. Đó là đặc điểm thứ tư của kinh Vô Lượng Thọ.

E – Lý sự đầy đủ:

Lý: chân như, như huyễn, v.v... các lý. Sự: sự tướng, như trong cõi Tịnh Độ, đức A Di Đà có Vô Lượng Quang, Vô Lượng Thọ, đất lát bằng hoàng kim, âm nhạc du dương... đều là các tướng thắng diệu có thể nêu ra. Các kinh khác khi nói về Tịnh Độ thường thường hiển sự ẩn lý, kinh này lý sự đều viên minh. Đó là đặc điểm thứ năm của kinh Vô Lượng Thọ.

F – Thuyết chứng đầy đủ:

Tây phương Tịnh Độ có vô lượng bất khả tư nghị công đức trang nghiêm, tuy mười phương chư Phật cũng xưng tán điều đó, nhưng nếu chưa được trực tiếp nhìn thấy thì cũng khó lòng làm người ta tin. Nay Đức Phật nói kinh Vô Lượng Thọ xong, liền bảo Ngài A Nan đảnh lễ Đức A Di Đà của Tây Phương Tịnh Độ, đồng thời làm cho tướng trang nghiêm của cảnh Cực Lạc ấy hiện ra, khiến tất cả đại chúng torng hội nghe Kinh đều được trực tiếp nhìn thấy. Do đó, không phải chỉ có thuyết minh mà còn có cả hiện chứng. Đây là đặc điểm thứ sáu của kinh Vô Lượng Thọ.

Xem mục lục