Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

 

NÓI VỀ SỰ TOÀN TÂM THỰC HÀNH ĐẠO

Kosho Uchiyama -Nội Sơn Hưng Chính(1911-1999)

 

Tất cả chư Phật Như Lai đều chỉ truyền diệu pháp và chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác với phương pháp vi diệu, vô thượng và không tạo tác. Diệu pháp này, được truyền từ Phật đến Phật mà không sai thất, có tiêu chuẩn là tam muội tự thọ dụng.

           

Để du hí tự do trong định (tam muội) này, thực hành ngồi thiền trong một tư thế thẳng là cửa chân chánh. Dù pháp này vốn sẵn đủ trong mỗi người, nó không biểu lộ nếu không có thực hành, nó không đắc được nếu không có chứng ngộ. Khi bạn buông bỏ, pháp sẽ tràn đầy tay bạn; nó không ở trong giới hạn của một hay nhiều. Khi bạn nói, nó sẽ đầy miệng bạn; nó không hạn cuộc trong chiều đứng hay chiều ngang. Chư Phật thường trực an trụ trong pháp này và duy trì nó, nhưng không có dấu vết ý niệm nào. Chúng sanh thường trực hoạt động trong pháp này và sử dụng nó, nhưng nó không xuất hiện trong tri giác của họ.

           

Toàn tâm thực hành Đạo cho phép mọi sự được hiện hữu trong giác ngộ và chúng ta được sống cái nhất thể trong con đường giải thoát. Khi chúng ta phá vỡ hàng rào và làm rơi rụng mọi giới hạn, chúng ta không quan tâm tới những phản biện ý niệm nữa…

           

Với tất cả chư Tổ và chư Phật đã an trụ trong Phật pháp và duy trì nó, thực hành ngồi thẳng trong tam muội tự thọ dụng là con đường chân thật để mở ra với giác ngộ. Cả ở Ấn Độ và Hoa, những người đã đạt giác ngộ đều theo cách này. Đó là do mỗi thầy và mỗi trò đã truyền trực tiếp và thân thiết phương pháp tinh tế này, nhận và duy trì tinh thần chân thật của nó.

           

Theo truyền thống truyền trực tiếp không sai lầm, thì Phật pháp thuần tuý được truyền này là tối thượng giữa những cái tối thượng. Từ lúc bạn bắt đầu thực hành với một vị thầy thì những thực hành đốt hương, lễ lạy, niệm Phật, sám hối, tụng kinh đều không thiết yếu; hãy chỉ ngồi, bỏ hết thân tâm.

           

Khi người ta phô diễn ấn Phật bằng toàn thân tâm mình, ngồi thẳng trong chánh định này thậm chí một thời gian ngắn, mọi sự trong toàn thể pháp giới trở thành ấn Phật và tất cả không gian vũ trụ trở thành giác ngộ viên mãn. Thế nên nó khiến chư Phật tăng trưởng pháp lạc của nền tảng bổn nguyên của các ngài và làm mới lại sự trang nghiêm con đường thức tỉnh. Đồng thời tất cả chúng sanh mười phương sáu đường trong pháp giới trở nên trong sáng và thanh tịnh thân tâm, chứng ngộ đại giải thoát, và khuôn mặt xưa nay của họ xuất hiện. Lúc đó mọi sự thức tỉnh, và ngồi thẳng dưới cội cây bồ-đề, vua của loài cây. Cùng lúc ấy, họ xoay bánh xe Pháp không gì sánh bằng và bắt đầu diễn đạt trí huệ Bát nhã không do tạo tác sâu xa và tối hậu.

           

Có một con đường qua đó Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của mọi sự trở về (với người ngồi thiền) và nhờ đó (người ấy và sự giác ngộ của mọi sự) cùng nhau tham dự một cách thân thiết không thể thấy. Thế nên, người ngồi thiền này rơi rụng mất thân tâm, đoạn trừ những quan kiến, đánh thức Phật pháp đích thực, hỗ trợ Phật sự khắp mỗi nơi, ở các cõi nhiều như bụi, nơi chư Phật giáo hoá và ảnh hưởng rộng rãi những hành giả, ca ngợi pháp siêu việt. Lúc đó, vì đất, cỏ, cây, rào và tường, ngói và sỏi, mọi sự trong pháp giới mười phương đều hoàn thành Phật sự, thế nên mỗi người đều nhận được lợi lạc từ gió và nước chuyển động bởi tác dụng này, và tất cả được giúp đỡ mà không thể nhìn thấy bởi thần lực kỳ diệu không thể nghĩ bàn của Phật để thực hiện hoá giác ngộ trong tay. Bởi vì những người nhận lãnh và sử dụng nước và lửa này trải rộng thần lực Phật của giác ngộ bổn nguyên, tất cả những ai sống và nói chuyện với những người này cũng chia sẽ và khai mở công đức Phật vô biên và họ lưu thông Phật pháp vô tận, không dứt trong toàn pháp giới.

           

Hơn nữa, dù cả tâm và sự xuất hiện và tan biến ở trong sự tĩnh lặng (mặc), bởi vì điều này xảy ra trong cõi giới tự nhận và tự thọ dụng mà không làm lay động một hạt bụi hay huỷ  hoại một hình tướng nào, Phật sự rộng và sâu, thần lực tinh tế của Phật vốn tự viên thành. Cỏ cây đất đá được lực này tác động, phóng ánh sáng vĩ đại rực rỡ soi chiếu lẫn nhau và hiển bày diệu pháp. Cỏ cây, rào vách hiển bày và tuyên dương diệu pháp vì lợi lạc của chúng sanh, cho cả phàm lẫn thánh; và phần mình, chúng sanh cả phàm lẫn thánh diễn đạt và phơi bày nó cho lợi lạc của cỏ cây, rào vách. Cõi giới của tự giác và giác tha vốn mang phẩm tính giác ngộ không hở sót một chỗ nào, và cho phép giác ngộ hiển hiện không ngừng nghỉ.

           

Thế nên, dù chỉ một người ngồi một thời gian ngắn, bởi vì sự ngồi thiền này là một với tất cả hiện hữu và thấm trọn tất cả thời gian, cho nên nó thực hiện sự giáo hóa vĩnh viễn của Phật trong pháp giới suốt cả ba đời quá khứ, hiện tại, tương lai. Ngồi thiền thì bình đẳng cùng một thực hành và cùng một giác ngộ cho cả người ngồi lẫn tất cả các pháp. Âm thanh du dương tiếp tục vang vọng, không chỉ ngồi thiền, mà trước và sau tánh Không chấn động, tiếp tục không ngừng trước và sau tiếng búa chạm vào nó. Không chỉ thế, mà mọi sự đều bẩm sinh sự thực hành bổn nguyên này trong bản lai diện mục (khuôn mặt xưa nay), vốn vô lượng vô song.

           

Bạn cần phải biết rằng dù tất cả chư Phật trong mười phương nhiều như số cát sông Hằng cùng đi vào thần lực viên mãn của trí tuệ Phật, thì các ngài cũng không bao giờ có thể đạt đến giới hạn, hay đo lường, hiểu thấu công đức của sự ngồi thiền của một người.

 

 

Xem mục lục