I
Một trong các thành tựu chủ yếu của Bác sĩ Suzuki là ông đã truyền đạt thành công cái bất khả truyền. Thực tại của Thiền tự bản chất không chấp nhận bị chuyển hóa thành Tảng đá Rosetta; nó luôn khước từ việc phiên dịch thành bất cứ loại ngôn ngữ khái niệm nào. Điều này làm tôi chợt nhớ đến câu chuyện về ba vị thần của Trang tử:
Một vị là Hỗn Độn cai quản trung tâm vũ trụ. Một vị là Thúc, thần của biển Nam và vị thứ ba là Hốt, thần của biển Bắc. Cả ba là bạn thân và một hôm họ gặp nhau chỗ Hỗn Độn. Vị này tiếp đãi hai người bạn nồng hậu đến mức hai vị thần Nam và Bắc hải bàn nhau cách đền đáp Hỗn Độn. Họ đi đến kết luận: Trong lúc ai cũng có bảy cái lỗ nhờ đó mà thấy, nghe, ăn, và thở, vậy mà Hỗn Độn chẳng có cái nào; hai ta phải khoét cho ông ấy mấy cái. Vậy là, mỗi ngày họ đục khoét cho Hỗn Độn một cái lỗ, sau một tuần khi họ khoét xong bảy cái lỗ, Hỗn Độn lăn ra chết." (Chương 7)
Chính Bác sĩ Suzuki là người đã cố gắng giới thiệu Hỗn Độn, thực tại của Thiền, vào lề lối tư duy Tây phương. Không giết chết Hỗn Độn, ông đã khiến nó hội thông Tây phương làm cho họ lưu ý tính hiện thực của một quan điểm đẫm dấu thời gian của Đông phương. Ở phương Tây, việc hiểu một quan niệm mới mẻ như vậy xem ra rất có ý nghĩa, đặc biệt ở giữa lòng trào lưu tư tưởng hiện đại. Erich Fromm, nhà phân tâm học, đã nói "Lão giáo và Phật giáo có tính hợp lý và thực tiễn hơn hẳn các tôn giáo của Tây phương. Họ có thể nhìn con người một cách hiện thực và khách quan, chỉ có những người ‘đã thức tỉnh’ mới dẫn dắt nó, và nó có thể dẫn dắt được bởi mọi người đều có sẵn trong mình khả năng tỉnh thức và giác ngộ. Đó chính là lý do tại sao tư tưởng tôn giáo Đông phương, Lão giáo và Phật giáo - và sự hỗn hợp của cả hai trong Thiền tông - mang tầm quan trọng đến vậy đối với Tây phương ngày nay."1 Trong thế giới hiện tại, con người, bị tách biệt với thiên nhiên, lại xa rời ngay cả chính nó, chỉ còn nương dựa vào những tiến bộ khoa học và kỹ thuật để cải thiện chuẩn mực của cuộc sống và xây dựng một thiên đường có giới hạn trên trần thế. Nhưng con người, trong thực tế, hoảng hốt nhận ra trong hai, ba trăm năm tiến bộ vượt bực về tri thức khoa học mà tri thức để sống chung với đồng loại tỏ ra tiến triển rất ít, nếu không nói là chẳng có gì.
Do đó con người ngày nay phải chịu đựng cảm giác biệt lập bởi mâu thuẫn giữa tri thức cá thể trong khoa học với sự ngu dốt bầy đoàn trong chiến tranh. Chính vì hiện trạng này mà giao tiếp giữa Đông và Tây nhằm tìm kiếm những thái độ mới đã trở nên thiết yếu - những thái độ theo đó con người có thể hội nhập với chính nó và cùng lúc có thể hòa mình với đồng loại bất kể những khác biệt địa vị.
II
"Nhiệm vụ của chúng ta là giúp thiết lập nhịp cầu văn hóa giữa Đông và Tây, để cho Tình Yêu có khả năng thành mục tiêu của nó." Đó là phát biểu của Bác sĩ Suzuki trong bài xã luận của tạp chí Văn hóa Đông phương, "Ở đâu thiếu tầm nhìn tâm linh ở đó không có văn hóa, vì văn hóa phản ánh những thành tựu tâm linh của con người. Tâm linh nói thẳng với tâm linh; đó là Giác ngộ. Khi tâm linh đã bừng sáng, Vô minh không còn phát tác, con người có thể cảm thông nhau. Một tâm linh thức tỉnh thì luôn sáng tạo và văn hóa sẽ bắt nguồn từ đó bằng mọi hình thức đa dạng của nó. Một sự cảm thông văn hóa do đó có nghĩa là xiển dương phẩm chất tinh thần của con người."
Như ông vẫn nhấn mạnh, Đông và Tây cần thông hiểu nhau; để được vậy tinh thần con người phải được khai ngộ tận căn để. Đây là một trong những khía cạnh quan trọng nhất trong tư tưởng của Bác sĩ Suzuki. Và, để hiểu được ý nghĩa của tâm linh thức tỉnh đó tôi muốn nói thêm vài quan điểm của mình. Tư tưởng của ông không được phân loại tương tợ những ý thức hệ vốn là những khái niệm tư tưởng đặc thù được giới hạn bởi những quốc gia hay dân tộc. Đúng hơn nó thể hiện những ý nghĩa chung cho nhân loại mà không có bất kỳ định kiến cực đoan nào, nó giúp họ sống hòa đồng với nhau. Tư tưởng của Bác sĩ Suzuki không chỉ đơn giản là kết quả lý luận của một dạng thức nào đó của tư duy khoa học hay siêu hình, mà nó hình thành trực tiếp từ kinh nghiệm của ông, được rọi sáng vào thực tại rốt ráo của con người cũng như của thế giới tự nhiên. Nói cách khác, ông không đạt đến thực tại từ bên ngoài mà chính ông đã hòa thành một với thực tế "Vô thức Vũ trụ" (thuật ngữ của ông) vốn nằm ở nguồn căn mọi hiện hữu và liên kết chúng lại thành một nhất thể.
Ông thường khẳng định "Tôi không phải là một học giả", chừng như để gợi ý rằng một học giả thông thường, tạm gọi vậy, sống mà truy tầm một thực tại nào đó thông qua tư duy luận lý hay khách quan, tự đặt mình tách rời cái mình đang đeo đuổi. Khi một người nghiên cứu hay theo đuổi mà mục tiêu được nghiên cứu nằm ngoài y thì kết quả nghiên cứu đó không phải là một kết quả tích hợp. Như hiện tại, con người, không có sự phản chiếu sâu xa, chỉ dựa vào những phương tiện khoa học để cải thiện cuộc sống, không ý thức được thực tế hiển nhiên rằng khi quan sát thiên nhiên họ hoàn toàn bỏ sót bản thân. Einstein, theo tôi hiểu, đã khẳng định "không gian bốn chiều", có nghĩa là thêm một chiều - chiều thời gian - vào ba chiều vật lý đã được biết trước đó. Nhưng theo tôi, không gian bốn chiều này vẫn còn thiếu một chiều, là người đang quan sát nó - tức chính Einstein, bởi qua ông mà bốn chiều kia được tích hợp. Liệu ông có ý thức được bản thân mình đương nhiên là cái chiều thứ năm này không? Chừng nào khoa học tự nhiên chưa ý thức được cái chiều tiềm ẩn này vốn liên kết con người với thiên nhiên, thì ngoại giới, dù phát triển bao nhiêu, cũng không đủ điều kiện để đưa con người hướng về thực thể hoàn hảo của nó, hướng về thế giới cảm thông giữa những tâm hồn đã thức tỉnh.
III
Như đã nói, đặc tính nổi bật trong tư tưởng của Bác sĩ Suzuki là dòng chảy tự phát của tri thức ông bắt nguồn sâu xa từ kinh nghiệm Thiền của ông. Tri thức đó, một khi đã đạt đến cực điểm trong ông, đã bùng vỡ thành Vô thức Vũ trụ (Chaos) vốn có trước mọi sự rẻ nhánh hay phân cực cần thiết cho quá trình tư duy. Vô thức Vũ trụ như thế mới thực là nền tảng hiện thực chung cho sự trải rộng vô cùng của tự nhiên - không gian, thời gian, các tinh cầu và vũ trụ, vô tình hay hữu tình bao gồm súc vật, cây cỏ cho đến con người. Cái Vô thức Vũ trụ này vượt ngoài những giới hạn của lãnh vực trí năng con người sở đắc được từ trước đến nay, nên đôi khi còn được gọi là "huyền bí" hay "siêu nhiên". Nhưng những thuật ngữ như vậy là những khái niệm hạn chế xuất phát từ tri kiến chưa tích hợp, chưa ý thức được yếu tính của tự nhiên và con người.
Tuy vậy, may thay ý thức của con người lại bắt nguồn sâu xa từ Vô thức Vũ trụ. Vào khoảnh khắc ý thức con người, vốn dần dà chìm đắm trong biển Vô thức Vũ trụ, bất chợt trồi lên trên bề mặt của vô thức đó, một lần nữa nó cứa sâu vào tầng ý thức thông thường. Đó là lúc Thiền gọi là ý thức của con người tỉnh thức trước chân tánh của mình: ngộ hay satori.
Chúng ta phải hết sức thận trọng trước tiến trình của kinh nghiệm tỉnh thức; phải nghe được từ tâm khảm mình rằng nó không hề là sự liên tục suông của trạng thái hữu thức của tâm trí, cũng không phải sự chìm lĩm đơn thuần vào vực thẳm vô thức. Nó là sự thức tỉnh lại của ý thức sau khi đã một lần ‘trải qua’ Vô thức Vũ trụ. Sự ‘hồi phục’ này, tuy thế, không bao giờ lẫn lộn với tri giác hay tri nhận mà, theo thuật ngữ quen thuộc của Bác sĩ Suzuki, là sự "ý thức vô thức" hay "vô thức ý thức".
Trừ khi chúng ta thấu hiểu tiến trình này, bằng không chúng ta chẳng thể hiểu rõ hạng từ ‘tinh thần bừng sáng’ mà Bác sĩ Suzuki đã xác quyết như là nền tảng chung để con người có thể cảm thông nhau.
IV
Tôi xin trích dẫn một đối thoại trong Bích nham lục như một ví dụ điển hình mô tả tiến trình của tinh thần thức tỉnh.
Một hôm, Định thượng tọa (môn đệ của Lâm Tế) hỏi Lâm Tế: "Yếu chỉ của Phật pháp là gì?" Lâm Tế bước xuống bồ đoàn, túm lấy ông, tát2 một cái rồi đẩy ra , làm Định đứng chết trân. Thấy vậy, nhà sư đứng kế bên bảo: "Thượng tọa, sao không bái tạ đi?" Định, nhân khi sắp cúi lạy, hoát nhiên đại ngộ. (Tắc thứ 32)
Cho phép tôi ghi chú ở đây vài lời bình giải của Viên Ngộ Khắc Cần kèm theo mỗi câu trong công án Định Thượng tọa. Dưới đoạn văn "Lâm Tế bước xuống bồ đoàn, túm lấy ông, tát một cái rồi đẩy ra", Viên Ngộ chú giải: Hôm nay (Lâm Tế) tóm lấy (môn đệ). Đó là tấm lòng tha thiết của lão sư già. Ngay cả những Thiền tăng lỗi lạc trên đời cũng chẳng thể thoát khỏi nó (cái tóm bắt).
Lời bình muốn nói rằng lối cư xử của Lâm Tế đối với môn đệ - vào thời khắc ý thức tôn giáo của y đã chín muồi - quả thật đúng lúc và đầy từ tâm.
Với câu "Định đứng chết trân", Viên Ngộ bình: Y đã rơi xuống cái hang tăm tối chỉ toàn quỷ xứ, hoàn toàn mất ý thức. Có nghĩa là ý thức của Định đã hòa lẫn vào Vô thức Vũ trụ, nhưng chưa ngộ, vẫn còn trong vòng tăm tối. Với câu ‘nhân khi sắp cúi lạy, ông thoắt tỉnh ngộ’, Viên Ngộ bảo Nó như ánh sáng tràn vào bóng tối. Bạch Ẩn thêm: "Thoắt cái người chết sống lại". Ở đây chúng ta có thể thấy cái tăm tối của Vô thức Vũ trụ trong thoáng chốc biến thành ánh sáng - tức giác ngộ tối thượng. Theo Bác sĩ Suzuki, tâm hữu thức của Định, vẫn còn ở trên cấp tình tự mâu thuẫn phân hai, đã đến chỗ tận cùng; mà Lâm Tế thì quá sành sõi tiến trình tâm thức này (có thế ông mới là một Thiền sư lỗi lạc) nên đã giúp môn đệ bằng một cái tát. Đây quả
nhiên là từ tâm uyên áo của Thiền. Nhưng Định vẫn đứng ngây ra đó, đắm chìm trong đại dương vô thức, không biết mình là ai hay đang làm gì, mất hết ý thức trước kia vẫn từng chập chờn trong suốt cuộc đời truy tìm chân lý của mình. Chính giây phút đó, một đệ tử cao cấp của Lâm Tế, chứng kiến sự việc, đã giúp bạn đồng môn của mình phá vỡ hố thẳm vô thức. Sư giục "Này ông! Sao không bái tạ đi?" và lời này đã đẩy y đến chỗ thức tỉnh trí tuệ căn cơ. Định bái tạ và kìa! Ông bỗng sống lại trong một thế giới mới thật tuyệt vời! Hãy xem Tuyết Đậu miêu tả khoảnh khắc vi diệu này trong bài kệ tán thán sau:
Cự Linh đài thủ vô đa tử
Phân phá Hoa sơn thiên vạn trùng.
Cự Linh cất tay chẳng nhọc công
Phá vỡ Hoa sơn muôn vạn lớp.1
Thần Cự Linh ở đây là hình ảnh của Lâm Tế. Cái tát của ông đã đập tan trùng trùng vô thức nơi Định Thượng tọa, và cũng như dòng Hoàng hà tuôn chảy qua dãy Hoa sơn, trí tuệ căn cơ đã được khơi nguồn trong khoảnh khắc Vô thức Vũ trụ bị đập tan.
V
Từ trường hợp trích dẫn trên chúng ta có thể phần nào thấy được tiến trình kinh ngiệm chứng ngộ. Trong triết học Phật giáo, nó được nói đến như là " sự thức tỉnh của Trí (prajĩà)". Có nghĩa là một tâm linh cá nhân đơn lẻ trải qua kinh nghiệm về‘con-người-toàn-diện mà siêu việt thế giới phân biệt và hữu hạn để được nâng lên giai tầng vô hạn, vô phân biệt. Ở đó y thấy mình thoát khỏi lớp vỏ bọc của tự ngã độc tôn hữu hạn luôn chối bỏ cái tôi của người khác. Bây giờ y đang đứng trên nền tảng ‘hiện hữu’ được chia sẻ đồng đều cho hết thảy mọi người và mọi vật, hòa mình vào suối nguồn của dòng đời bất tận. Và rồi, trên cơ sở cá thể mà người ta nhìn thấy bản tánh đại đồng và vô hạn của con người. Với quan điểm này mọi người đều có thể thông hiểu và tôn trọng lẫn nhau.
Cũng trong phạm vi tư tưởng của Bác sĩ Suzuki, nếu có thể gọi quan niệm của ông về sự thức tỉnh Đại Trí (maha-prajĩà) là một đỉnh cao, thì đỉnh cao kế tiếp là ý tưởng về Đại Bi (mahà-karuịà) mà đôi khi ông so sánh với Tình Yêu. Ông đã giới thiệu khái niệm này với môi trường văn hóa Tây phương như một yếu tố cơ bản tổng hợp mọi khác biệt trong cách sống và suy nghĩ. Ở đây tôi sẽ thử làm sáng tỏ mối tương quan giữa đại Trí và đại Bi.
Thuật ngữ Bát-nhã (prajĩà) thường được dùng chung với từ Ba-la-mật (pàramità), một thuật ngữ mà ta có thể hiểu ít nhất theo hai nghĩa. Thứ nhất là "đến bờ bên kia" (bằng trí tuệ siêu việt); nghĩa kia là "đạt đến trí tuệ siêu việt". Trong kinh Laíkàvatàra (Lăng-già) có đoạn văn huyết mạch sau: "Trí tuệ vượt ngoài quan niệm về hiện hữu hay không-hiện hữu, mà một tâm đại Bi tự thức tỉnh trong chính nó." Đây không những là câu quan yếu nhất trong triết học Laíkàvatàra mà trong toàn bộ giáo huấn của Phật giáo Đại thừa. Như tôi đã nói, (prajĩà- pàramità) theo một nghĩa là sự hoàn thiện của trí tuệ siêu việt thức tỉnh con người nhìn thấy nền tảng căn để của mọi tồn tại. Nhưng đại Trí đó không bao giờ tự nó tựu thành đơn độc; sự thức tỉnh nhìn thấy nền tảng căn để của hết thảy tồn tại phải là kinh nghiệm chung của mọi con người. Bao lâu nó còn trong tình độ kinh nghiệm cá nhân hay giới hạn trong một nhóm riêng biệt nào thì nó chỉ là trí tuệ bị hạn cuộc, tương đối và do đó chỉ là trí tuệ hữu hạn dù nó có thể đạt đến cuộc sống cô liêu và thánh thiện. Nó sẽ chẳng bao giờ là trí tuệ tối thượng được cả nhân loại cùng chia xẻ. Vì mọi người đều sống trong một cộng đồng tương liên, sự thành tựu trí tuệ tối thượng của cá nhân đơn thuần sẽ không bao giờ có ý nghĩa; nó chẳng dính dáng gì tới hạnh phúc của nhân loại như một tổng thể. Theo Bác sĩ Suzuki, ở đây quan niệm về Bồ tát là đương nhiên: một vị Bồ tát không bao giờ muốn thành Phật - vị đã hoàn thành viên mãn đại trí - trừ phi hết thảy chúng sinh trên cõi thế từ quá khứ, hiện tại cho đến vị lai đều đã giác ngộ. "Nếu ngài đạt đến cảnh giới tự chứng mà ngài cảm thấy nó tràn đầy bình yên, phước lạc và hùng mạnh, ước nguyện tự nhiên của ngài là chia xẻ điều đó với đồng loại. Về lý thuyết, sau khi đã được lợi mình, bước kế tiếp là làm lợi cho người. Về thực tế, ngài không thể có tự lợi nếu không có lợi tha."
Đại trí rất nhạy cảm với sự bất toàn của chính nó; nó không phải là một trí năng tĩnh tại; nó chỉ có thể tác động một cách tích cực lên những ai còn mê mờ. Chừng nào còn có những tâm trí mê mờ thì trái tim của một tâm hồn đã bừng sáng còn nhức nhối. Đại trí luôn bị dằn vặt, đau khổ vì sự bất toàn của nó. Sự nhạy cảm bẩm sinh này của đại trí chính là tâm đại bi. Trong tận cùng căn để của Vô thức Vũ trụ thì Trí và Bi không phân hai, bởi khi trí tuệ thù thắng được thức tỉnh trong con người thì từ bi cũng đồng thời phát khởi - chính là sự viên mãn của đại trí - cũng như bản chất của ánh sáng là để tràn vào bóng tối. Tôi tin là cốt lõi của hệ tư tưởng của Bác sĩ Suzuki bao gồm hai đỉnh cao này, trí tuệ và tình yêu - hay bát nhã và đại bi - và cả hai đều phát sinh trực tiếp từ thực chứng của ông. Khi một tâm hồn đã bừng sáng mà suy nghĩ, thì nó tạo ra một tư duy bừng sáng.
Khi ánh sáng đại giác chiếu rọi bên trong con người, nó thành đại trí để cắt đứt mọi ý tưởng hữu hạn, đau khổ và tự ngã độc tôn. Khi nó chiếu rọi rangoài, nó là đại bi - lòng thương yêu hướng về lợi ích của hết thảy chúng sinh, khơi sáng cho tâm hồn của chúng.
VI
Trong lịch sử tư tưởng Tây phương, con người đã có thời đứng ngang hàng với Thượng đế và không hề hoài nghi ý nghĩa hay giá trị của sự sống. Tuynhiên, từ khi mọi nguyên lý thống trị con người mất đi uy quyền của nó, con người đi đến chỗ cho rằng "Thượng đế đã chết". Từ đó họ bắt đầu đảm nhận vai trò của đấng Sáng thế, đi tìm trong cơ giới những cái tương xứng với quyền năng sáng tạo của đấng Sáng thế.
Con người ngày nay tin là khoa học và kỹ thuật sẽ đem đến cho nó một thiên đường tương đối trên trần thế. Tuy vậy nó vẫn không hiểu tại sao nó và đồng loại luôn cảm thấy cuộc đời vô cùng trống trải và vô nghĩa. Con người bối rối nhìn quanh và cảm nhận nỗi cô đơn bị tha hóa tách rời khỏi tâm điểm hiện hữu của mình. Nó cũng bắt đầu đối diện với nỗi sợ hãi rằng, bằng chính những phương tiện khoa học, có thể bị quét sạch khỏi thế giới này trong một cơn hủy diệt hạch nhân. Chính vì những khuynh hướng tư tưởng hiện đại như vậy và cũng chính vì những suy nghĩ sâu xa và căn để hơn nhiều về vấn đề hiện hữu của con người, mà Bác sĩ Suzuki đã cố gắng giới thiệu một tầm nhìn mới vào thế giới ngày nay. Cái mà ông muốn đóng góp, theo tôi, là ý tưởng về con người toàn diện trong nó trí tuệ và từ bi bắt rễ vững chắc. Trong khi trí tuệ sẽ có khả năng kiểm soát tri thức khoa học và do đó bảo vệ con người khỏi tự hủy diệt, tình yêu sẽ thiết lập cơ sở thông hiểu nhau giữa con người ở mọi tầng lớp và cũng là cơ sở hòa điệu giữacon người và thiên nhiên.
VII
Lần cuối cùng tôi nhìn thấy Bác sĩ Suzuki, thi thể ông được đặt trong một căn phòng dưới tầng hầm bệnh viện St. Luke ở Tokyo. Ông nằm trong quan tài đặt trước án thờ. Trời còn tinh mơ và chỉ có mình tôi trong phòng. Tôi bước đến trước ông, thắp lên một ngọn nến. Tôi quỳ xuống lạy ông, và hương trầm với khói nhang đã hòa quyện chúng tôi thành một. Tôi đã đọc bài thi kệ sau đây:
Dù chúng sanh vô số
Tôi nguyện độ tất cả
Dù ái dục vô tận
Tôi nguyện dứt hết cả
Dù Chánh pháp vô lượng
Tôi nguyện quán triệt hết
Dù Phật đạo vô thượng
Tôi nguyện sẽ tựu thành
Trong suốt chín mươi sáu năm đời thầy
Không gì ngoài lời nguyện này
Mà nhìn kìa, thầy còn để lại một lời nguyện nữa
Thật là Dã phong lưu!
Ôi thầy, thầy tôi!
Tôi đã dâng tiếng hét này lên ông với tất cả sinh lực phát ra tận đáy lòng tôi. Nó bất chợt hét lên từ lòng biết ơn sâu nặng tình ông đối với tôi. Khi đọc xong bài kệ trước quan tài ông, tự nhiên nước mắt lăn dài trên má tôi, dù mình không có chút buồn phiền. Đó là lần cuối cùng tôi giã biệt thân xác thầy tôi.
Vào buổi chiều ngày 14 tháng 7, xác thân ông đã tan thành mây khói trong lễ hỏa táng ở Bắc Liêm thương. Và khói tan vào những ngọn gió mát hắt hiu từ biển thổi vào. Ông đi đâu về đâu? Nhìn kìa, ông vẫn còn đây. Ông không bao giờ chết - lời thệ nguyện của ông. Đại ước nguyện của ông đã truyền đạt cái bất khả truyền và chia sẻ nó với hết thảy nhân loại sẽ không bao giờ tan biến. Vòng luân chuyển của lời nguyện này, đã vận hành trong suốt chín mươi sáu năm qua, cần phải được luân chuyển xa hơn, xa hơn nữa, đời này tiếp nối đời sau, bao lâu con người còn hiện hữu trên mặt đất này.
SK