Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (30)


Xem mục lục

Phương pháp thứ hai là hoán chuyển ngã tha. Mục đích pháp

tu này là để thấy giữa mình và người vốn không sai khác. Xét

về ước muốn bẩm sinh là cầu hạnh phúc tránh khổ đau, mình

với người hoàn toàn như nhau. Phải nghĩ rằng: “Tôi có quyền

toàn thành ước muốn bẩm sinh là tìm hạnh phúc tránh khổ

đau, người khác cũng vậy. Tôi có khả năng làm tròn ước muốn

này, người khác cũng vậy.” Sự khác biệt giữa tôi và người

khác chỉ nằm ở con số: tôi chỉ có một, còn người khác lại

nhiều không kể xiết. Vậy thử hỏi tôi và người khác, bên nào

quan trọng hơn?

Khi suy nghĩ so sánh về lợi ích của mình và của người, bình

thường ai cũng thấy hai điều này không liên quan gì đến nhau.

Sự thật không như vậy. Người nào cũng là một thành phần

trong một cộng đồng nào đó, luôn thuộc về cả một cấu trúc xã

hội phức tạp. Bất cứ điều gì xảy ra trong đời sống cá nhân

cũng tạo ảnh hưởng trên toàn thể cộng đồng. Ngược lại, bất cứ

điều gì tác động trên cộng đồng cũng sẽ ảnh hưởng đến đời

sống cá nhân.

Ngoài ra, nếu thật sự tâm ái ngã có khả năng thỏa mãn nguyện

vọng cá nhân và mang lại hạnh phúc, thử nghĩ kể từ khi sinh ra

và từ vô lượng kiếp về trước, chúng ta đã không ngừng làm

như vậy, hẳn đã phải thành công, đã đạt hạnh phúc từ lâu.

Nhưng rõ ràng là vẫn chưa thành công. Phải thấy rằng thói

quen ái ngã không bao giờ có thể mang lại hạnh phúc chân

thật, và cũng không thể giải thoát bất cứ một ai, kể cả cái tôi

mà chúng ta rất đỗi cưng quí.

Ngược lại, ngài Tịch Thiên trong cuốn Nhập Bồ Đề Hành

Luận có nói, nếu trong quá khứ chúng ta biết xoay ngược thái

độ, vất bỏ tinh thần cầu lợi cho mình để mở lòng quan tâm đến

tất cả, theo đuổi con đường tu học với thái độ vị tha, chắc chắn

bây giờ chúng ta đã giác ngộ từ lâu. Ngài viết:

Nếu một kiếp nào đó

Bạn đã từng như vậy

[Mở rộng tâm ái ngã

Chuyển thành tâm vị tha]

Thì bây giờ không thể

Ðang ở chốn nào khác

Hơn là chốn an lạc

Của một đấng Phật đà. (30)

 

Xem mục lục