Bài Viết (701)


ĐẠO PHẬT LÀ GÌ? Nguyên tác: What is Buddhism? Tác giả: Lama Thubten Yeshe, chuyển ngữ: Tuệ Uyển

18,533
ĐẠO PHẬT LÀ GÌ?
Nguyên tác: What is Buddhism?

Tác giả: Lama Thubten Yeshe, Plummer Park, Los Angeles
, CA in June 1975.
Chuyển ngữ: Tuệ Uyển – 30/10/2010

 

Mặc dù những người khác nhau có những quan điểm khác nhau về Đạo Phật là như thế nào, tôi nghĩ thật khó để nói, “Đạo Phật là như thế này, vì thế nó phải là như thế kia.” Thật khó để tóm lược Đạo Phật trong một cách giản dị. Tuy nhiên, tôi có thể nói rằng Đạo Phật là khác biệt với những gì mà hầu hết người phương Tây liên hệ là tôn giáo.

Trước tiên nhất, khi chúng ta nghiên cứu về Đạo Phật chúng ta phải nghiên cứu chính chúng ta – tính tự nhiên của thân thể, lời nói và tâm ý của chúng ta – sự nhấn mạnh chính là trên tính tự nhiên của tâm thức và nó hoạt động như thế nào trong đời sống hằng ngày. Chủ đề chính không là điều gì khác, giống như Đức Phật là gì? Tính tự nhiên của Thượng Đế là gì? Những thứ như thế.

Tại sao rất quan trọng để biết về tính tự nhiên tâm thức chính chúng ta? Vì tất cả chúng ta muốn hạnh phúc, vui sướng, hòa bình và hài lòng và những thứ này không đến từ cà-rem mà từ tuệ trí và tâm thức, thế nenen chúng ta phải thấu hiểu tâm thức chúng ta là gì và nó hoạt động như thế nào.

Một điều về Đạo Phật là nó rất đơn giản và thực tiển mà trong ấy nó giải thích một cách hợp lý sự toại nguyện đến từ tâm thức như thế nào, không phải từ một loại thánh thần siêu nhiên nào đó mà chúng ta phải tin tưởng.

Chúng tôi hiểu rằng ý tưởng này có thể khó khăn để chấp nhận bởi vì, ở phương Tây, từ thời khắc quý vị sinh ra, sự nhấn mạnh lớn được đặt trên sự tin tưởng rằng nguồn gốc của hạnh phúc ở bên ngoài quý vị trong những đối tượng ngoại tại. Do thế, nhận thức và ý thức cảm quan của quý vị có khuynh hướng cực đoan đối với thế giới cảm quan và quý vị đi đến đánh giá những đối tượng ngoại tại bên trên mọi thứ khác, ngay cả đời sống của quý vị. Quan điểm cực đoan này đánh giá quá mức những thứ vật chất là một nhận thức sai lầm, kết quả của tư tưởng vô lý, bất hợp lý.

Do vậy, nếu chúng ta muốn sự hòa bình, hạnh phúc, và niểm vui chân thật, chúng ta cần phải nhận ra rằng hạnh phúc và sự toại nguyện đến từ bên trong chúng ta và hãy chấm dứt sự tìm kiếm cuồng nhiệt bên ngoài. Chúng ta không bao giờ tìm thấy hạnh phúc thật sự ngoài đấy. Có ai có không?

Từ khi con người xuất hiện trên thế gian này, người ta chưa bao giờ tìm thấy hạnh phúc chân thật từ thế giới bên ngoài, mặc dù khoa học kỷ thuật hiện đại dường như nghĩ rằng đấy là nơi mà giải pháp cho hạnh phúc của con người hiện hữu. Đây là một nhận thức hoàn toàn sai lầm. Không thể được. Dĩ nhiên, kỷ thuật là cần thiết và tốt đẹp, cho đến khi mà nó được sử dụng một cách thiện xảo. Tôn giáo không chống lại kỷ thuật; cũng không phải sự phát triển ngoại tại là mâu thuẩn đến sự thực hành của tôn giáo – mặc dù ở phương Tây có những người tôn giáo cực đoan, họ chống lại sự phát triển ngoại tại và tiến bộ kỷ thuật, và chúng ta cũng thấy những người không tín ngưỡng kình chống dữ dội những người có tín ngưỡng. Đấy là nhận thức hoàn toàn sai lầm.

Trước tiên hãy để tôi nêu lên một câu hỏi. Nơi nào trên thế giới mà chúng ta có thể tìm thấy người nào đấy không tin tưởng? Ai trong chúng ta là một người không tin tưởng thật sự? Trong sự chất vấn này chúng tôi không muốn đề nghị một loại nhận thức tin tưởng nào đấy. Có người nói rằng “tôi không tin tưởng” và nghĩ rằng mình là siêu tuyệt thông minh nhưng tất cả quý vị phải làm cho xì hơi sự kiêu ngạo của người ấy là hỏi hai hay ba câu hỏi đúng mức: “Ông/bà thích gì? Ông/bà không thích gì?” Người ấy sẽ kể ra hàng trăm thứ người ấy thích. “Tại sao ông/bà thích chúng?” Những câu hỏi như thế lập tức phơi bày rằng mỗi người là một người tin tưởng.

Cách nào đi nữa, nhằm để sống trong sự hòa hiệp chúng ta cần cân bằng sự phát triển ngoại tại và nội tại; thiếu sót trong việc này đưa đến sự mâu thuẩn tinh thần.

Vì thế Đạo Phật không thấy sự mâu thuẩn trong việc chủ trương cả sự phát triển khoa học ngoại tại và tinh thần nội tại. Cả hai đều đúng. Nhưng mỗi thứ cũng có thể tích cực hay tiêu cực. Điều ấy tùy thuộc trên thái độ tinh thần – không có những thứ thế ấy như chắc chắn, hiện hữu một cách ngoại tại hoàn toàn tích cực hay chắc chắn, hiện hữu ngoại tại hoàn toàn tiêu cực. Tích cực và tiêu cực tùy thuộc trên điều kiện mà chúng sinh khởi.

Do vậy thật rất quan trọng để tránh những quan điểm cực đoan bởi vì sự dính mắc cảm xúc cực đoan để cảm nhận những đối tượng – “Điều này tốt; điều này làm tôi vui” – chỉ làm nên sự bệnh hoạn tinh thần. Điều chúng ta cần học hỏi đáng lẽ phải là làm thế nào để duy trì sự trung lập, giữa những cực đoan của phóng đại và đánh giá thấp [đối tượng].

Nhưng điều ấy không có nghĩa là từ bỏ mọi thứ. Chúng tôi không đòi hỏi quý vị từ bỏ tất cả tài sản của quý vị. Sự dính mắc cảm xúc cực đoan đến bất cứ đối tượng nào – ngoại tại hay nội tại – làm cho chúng ta bệnh hoạn tinh thần. Và y khoa phương Tây chỉ có một ít câu trả lời đến những loại bệnh hoạn thế ấy. Không có điều gì chúng ta có thể tiếp nhận; rất khó khăn để chửa trị. Những nhà tâm lý học, tâm lý trị liệu, chuyên khoa trị liệu… chúng tôi nghi ngờ rằng họ có thể giải quyết những vấn đề về dính mắc hay chấp trước. Hầu hết quý vị chắc chắn có kinh nghiệm về điều ấy. Đấy là vấn nạn thật sự.

Lý do mà những nhà chuyên môn về sức khỏe phương Tây không thể chạy chửa sự dính mắc một cách có hiệu quả là vì họ không khảo sát thực tại của tâm thức. Chức năng của dính mắc là đem đến sự chán chường và buồn nãn. Tất cả chúng ta đều biết điều này. Nó không quá khó để nắm bắt; sự thật đúng hơn là nó giản dị. Nhưng Đạo Phật có những phương pháp về việc phơi bày khái luận tâm lý của dính mắc và nó biểu hiện chức năng như thế nào trong đời sống hằng ngày. Phương pháp là thiền quán. Tuy nhiên, thủ phạm chính là một sự thiếu vắng của kiến thức – tuệ trí.

Quá quan tâm cho sự thoãi mái và hạnh phúc của chính mình bị dẫn dắt bởi những sự phóng đại của dính mắc tự động đưa đến những cảm giác thù hận người khác. Đấy là hai cảm giác mâu thuẩn – dính mắc (luyến ái) và thù hận (ghét bỏ) – va chạm một cách tự nhiên trong tâm thức chúng ta và từ quan điểm của Đạo Phật, một tâm thức trong loại mâu thuẩn thế này là bệnh hoạn và mất cân bằng trong tự nhiên.

Tới thánh đường hay chùa viện mỗi tuần một lần thì không đủ để đối phó với điều này. Chúng ta phải thẩm tra tâm thức của mình suốt cả ngày, duy trì sự tỉnh thức liên tục trong cung cách chúng ta nói năng và hành động. Chúng ta thường làm tổn thương người khác một cách vô ý thức. Nhằm để quán sát những hành động của sự vô ý thức chúng ta cần phát triển năng lượng tuệ trí mạnh mẽ, nhưng điều ấy nói dễ hơn là làm; nó cần hoạt động tỉnh thức một cách liên tục về những gì đang xãy ra trong trong tâm thức chúng ta trong mọi lúc.

Hầu hết mọi người có tín ngưỡng và không tín ngưỡng đều đồng ý rằng từ ái yêu thương đối với người khác là quan trọng. Làm thế nào chúng ta đạt được lòng từ ái? Nó đến từ sự thấu hiểu làm thế nào và tại sao người khác khổ đau, loại hạnh phúc nào tốt nhất để có cho họ, và làm thế nào để họ có thể đón nhận điều ấy. Đấy là tại sao chúng ta phải kiểm nghiệm. Nhưng những cảm xúc của chúng ta đạt được lợi thế hơn chúng ta. Chúng ta đặt kế hoạch bằng sự chấp trước của chúng ta trên những người khác. Chúng ta nghĩ rằng người khác thích những thứ như chúng ta; rằng những vấn nạn của người khác là đói và khát và thực phẩm và nước uống sẽ giải quyết vấn đề. Vấn nạn của con người không là đói và khát; đấy là nhận thức sai lầm và sự nhiễm ô tinh thần.

Vì thế điều quan trọng là chúng ta phải làm cho tâm thức chúng ta trong sáng. Khi những sự thăng trầm của thế giới bên ngoài không làm chúng ta giao động; bất cứ điều gì xãy ra ở đấy, tâm thức chúng ta tiếp tục duy trì hòa bình và an lạc. Nếu chúng ta quá dính mắc trong việc nhìn ngắm thế giới lên và xuống thì chính chúng ta cuối cùng cũng lên và xuống: “Ô, điều ấy thật là tốt! Ồ, điều nọ thật là tệ!” Nếu thế giới ấy là cội nguồn hạnh phúc duy nhất của chúng ta và những sự dao động tự nhiên của nó quấy rầy sự an bình tâm thức của chúng ta, chúng ta sẽ không bao giờ có hạnh phúc, cho dù chúng ta có sống lâu bao nhiêu đi nữa. Điều ấy là không thể.

Nhưng nếu chúng ta thấu hiểu rằng thế giới lên xuống là tự nhiên – thỉnh thoảng lên, đôi khi xuống – chúng ta dự đoán nó xãy ra và khi nó đúng như thế chúng ta không khó chịu. Bất cứ khi nào tâm thức chúng ta được cân bằng và bình an, đấy là tuệ trí và năng lực kiểm soát.

Có thể quý vị nghĩ, “Ô, năng lực kiểm soát! Đạo Phật chỉ toàn là kiểm soát. Ai muốn kiểm soát? Đấy là một chuyến du hành ở Hy Mã Lạp Sơn, không phải là ở phương Tây.” Nhưng trong kinh nghiệm của chúng tôi, kiểm soát là tự nhiên. Cho đến khi nào chúng ta có tuệ trí để biết những chức năng của tâm thức không kiểm soát là như thế nào và nó đến từ nơi nào, kiểm soát là tự nhiên.

Tất cả mọi người có khả năng đồng đẳng để kiểm soát và phát triển tâm thức chúng ta. Không có sự khác biệt tùy theo chủng tộc, màu sắc hay quốc tịch. Một cách bình đẳng, tất cả có thể trãi nghiệm hòa bình và hỉ lạc của tinh thần. Khả năng của con người là to lớn – nếu chúng ta sử dụng nó với tuệ trí, nó là đáng giá; nếu chúng ta dùng nó với si mê và cảm xúc vướng mắc, chúng ta sẽ lãng phí đời sống của chúng ta. Do thế hãy cẩn thận. Giáo huấn của Đức Thế Tôn nhấn mạnh vô cùng đến sự thấu hiểu qua những khả năng tưởng tượng gợi ảo giác của tâm thức phàm tình của chúng ta. Những sự phóng chiếu và những ảo giác cảm xúc qua những nhận thức không thực tiển là những quan niệm sai lầm. Cho đến khi nào tâm thức chúng ta bị ô nhiễm bởi những quan niệm sai lầm thì không thể tránh sự thất vọng vở mộng.

Tâm thức trong sáng tinh khiết là an lạc đồng thời. Đấy là điều đơn giản để thấy. Khi tâm thức chúng ta ở dưới sự khống chế của luyến ái cực đoan về một phía và thù ghét cực đoan về phía khác, chúng ta phải thẩm tra nó để thấy tại sao chúng ta bám víu hạnh phúc và tại sao chúng ta thù ghét. Khi chúng ta kiểm soát đối tượng luyến ái và thù ghét của chúng ta một cách hợp lý, chúng ta sẽ thấy rằng nền tảng luận lý của những cảm xúc đối kháng là giống nhau một cách căn bản: tiến trình cảm xúc luyến ái là một đối tượng ảo giác; lộ trình cảm xúc thù hận cũng là một đối tượng ảo giác. Và cách nào đi nữa, chúng ta tin tưởng ảo giác.

Như chúng tôi nói trước đây, thật không thông minh để cho rằng, “Ô, vâng, tôi tin.” Và qua đấy, chỉ nói chúng ta tin tưởng điều gì đấy không thật sự có nghĩa là chúng ta tin như vậy. Tuy thế, sự tin tưởng có gốc rể sâu xa trong tiềm thức của chúng ta, và cho đến khi mà chúng ta vẫn ở dưới sự ảnh hưởng của vướng mắc (luyến ái – ghét, yêu), chúng ta là một người tin tưởng hay một tín đồ. Tin tưởng không cần thiết phải ở trong điều gì đấy siêu nhiên, trong điều gì đấy vượt khỏi luận lý (logic). Có nhiều cách để tin tưởng.

Từ quan điểm của tâm lý học Phật Giáo (Duy Thức Học), nhằm để có từ ái và bi mẫn cho tất cả chúng sinh, đầu tiên chúng ta phải phát triển tính bình đẳng – một cảm giác mà tất cả chúng sinh là bình đằng. Đây không là một loại cấp tiến kiểu, “tôi có một miễng kẹo; tôi cần cắt nó ra và chia xẻ với mọi người khác,” đúng hơn nó là điều gì đấy mà chúng ta phải hành động trong tâm thức của chúng ta. Một tâm thức không cân bằng là một tâm thức không lành mạnh.

Do thế, chúng sinh bình đẳng không là điều gì đấy mà chúng ta thực hiện bên ngoài; điều ấy không thể. Tính bình đẳng chủ trương bởi những người Phật Giáo là hoàn toàn khác biệt với những gì mà người cộng sản nói; điều của chúng ta là sự cân bằng nội tại xuất phát từ sự rèn luyện tâm thức. Khi tâm thức chúng ta là cân bằng hay bình thản chúng ta có thể phát sinh lòng từ ái cho tất cả chúng sinh trong thế gian mà không có sự phân biệt. Cùng lúc, sự vướng mắc cảm xúc tự động giảm thiểu. Nếu chúng ta có phương pháp đúng, điều ấy không khó; khi phương pháp đúng và tuệ trí đúng hợp nhất với nhau, giải quyết vấn đề là dễ dàng.

Nhưng con người chúng ta khổ đau từ sự thiếu thốn tri thức tuệ trí cao sâu. Chúng ta tìm kiếm hạnh phúc ở nơi mà nó không hiện hữu; nó là ở đây, nhưng chúng ta tìm kiếm ở chỗ đó. Nó thật sự rất giản dị. An lạc, hạnh phúc, hòa bình nằm ở bên trong chúng ta; do thế, nếu chúng ta thiền quán một cách đúng đắn và khảo sát tính bản nhiên của tâm thức, chúng ta có thể khám phá ra niềm hạnh phúc và hỉ lạc bất diệt bên trong. Nó luôn luôn ở nơi chúng ta; nó là tinh thần, không là năng lượng vật chất ngoại tại, nó luôn luôn bốc lên. Năng lượng tinh thần hợp với phương pháp thích hợp và tuệ trí chân chính là vô giới hạn và luôn luôn ở nơi chúng ta. Điều ấy thật là phi thường! Và giải thích tại sao con người là rất mạnh mẽ.

Những người duy vật nghĩ rằng con người là có thế lực lớn do bởi những công trình xây dựng ngoại tại kỳ diệu của họ, nhưng tất cả những điều ấy thật sự phát xuất từ tâm thức con người. Không có kỷ năng thiện xảo của tâm thức con người thì không có những siêu thị ngoại tại, do thế, thay vì đặt giá trị cực độ trên nhưng siêu thị thông thường, chúng ta nên cố gắng khám phá siêu thị nội tại của chính chúng ta. Điều ấy lợi ích hơn nhiều và đưa đến một tâm thức cân bằng, bình thản.

Như chúng tôi đã đề cập trước đây, dường như là Đạo Phật đang nói với quý vị từ bỏ tất cả những tài sản của quý vị bởi vì sự vướng mắc hay luyến ái cực đoan là có hại cho quý vị về biểu hiện, cảm quan hay tâm lý, nhưng sự từ bỏ hay viễn ly không có nghĩa là sự từ bỏ một cách vật chất. Chúng ta đi nhà vệ sinh mỗi ngày nhưng không có nghĩa là chúng ta bị ràng buộc với nó; chúng ta không quá vướng mắc với nhà vệ sinh, có phải thế không? Chúng ta nên có một thái độ giống như thế đến tất cả mọi thứ vật chất mà chúng ta sử dụng – cho chúng một giá trị hợp lý tùy theo tác dụng của chúng cho sự tồn tại của con người, không phải là một thứ cực đoan.

Nếu một cậu bé chạy một cách điên cuồng qua một mãnh đất nguy hiểm để nhặt một trái táo, trợt chân, té ngã, và gảy chân, chúng ta nghĩ cậu ta là khờ dại, phóng đại giá trị của quả táo và đặt sự an toàn của cậu vào nơi nguy hiểm vì lợi ích đạt đến mục tiêu của cậu. Nhưng chúng ta cũng giống như vậy. Chúng ta đặt ra kế hoạch, hướng ý nghĩ luyến ái cực độ trên những đối tượng của tham dục, phóng đại sự xinh đẹp của chúng, làm chúng ta mù quáng về khả năng thật sự của chúng ta. Điều này là nguy hiểm; cũng giống như cậu bé liều lĩnh nguy hiểm sự sống của cậu ta vì một quả táo. Nhìn những đối tượng với luyến ái cảm xúc và đuổi bắt hình bóng ảo giác đấy chắc chắn tàn phá tính tự nhiên của chúng ta.

Khả năng của con người là to lớn nhưng chúng ta phải sử dụng năng lượng cua chúng ta một cách thiện xảo; chúng ta phải biết đặt để đời sống của chúng ta trong một phương hướng thích hợp như thế nào. Điều này cực kỳ quan trọng.

Bây giờ, thay vì tôi nói quá nhiều, có lẻ tốt hơn nếu chúng ta có một cuộc thảo luận nho nhỏ. Nếu quý vị có những câu hỏi nào đấy, xin cứ nêu lên.

THÍNH CHÚNG: Phương pháp nào để làm cho tâm chúng ta tỉnh thức vì thế chúng ta có tâm thức bình đẳng và thiện xảo trong hành động?

LAMA: Tốt. Chúng ta cần nhận ra quan điểm những nhận thức sai lầm của chúng ta , mà điều này cho phép chúng ta đặt năng lượng tinh thần vào trong một thể trạng trong sáng hơn. Có rõ chứ?

THÍNH CHÚNG: Không.

LAMA: Câu hỏi của người ấy là gì? Wongmo: Làm cho tâm thức bình đằng như thế nào?

Chúng ta phải nhận ra cung cách tâm thức không quân bình của chúng ta hoạt động [như thế nào]: nó xuất hiện như thế nào, nguyên nhân để nó xuất hiện là gì, nguyên nhân làm cho nó phản ứng là gì và v.v… Nếu chúng ta thấu hiểu tâm thức không quân bình của chúng ta, nó trở nên trong sáng.

Sự tiếp cận của Đạo Phật để xóa tan tiêu cực là không tránh nó mà đối diện với nó giáp mặt và kiểm tra làm thế nào nó hiện hữu ở đấy, thực sự nó là gì và v.v… Như thế hợp lý hơn và khoa học hơn là lẫn tránh nó – như chạy đi chỗ khác hay chỉ suy nghĩ về những thứ tích cực. Như thế chưa đủ. Vì vậy, khi rắc rối nổi lên, thay vì quay đi chỗ khác, hãy nhìn ngay mặt chúng. Như thế rất lợi ích; đấy là phương pháp của Đạo Phật.

Nếu chúng ta chạy khỏi vấn đề, chúng ta sẽ không bao giờ có thể thật sự tìm ra gốc rể của chúng. Đặt đầu mình trong cát sẽ không giúp ích gì. Chúng ta phải quyết định vấn đề đến từ đâu và nó sinh khởi như thế nào. Phương pháp để khám phá tâm thức trong sáng tinh khiết là thấu hiểu tính tự nhiên của tâm thức mê muội, đặc biệt nguyên nhân của nó. Thí dụ, nếu có một bụi gai mọc lên tại cửa của chúng ta, cào xước mỗi lần chúng ta ra hay vào, để giải quyết vấn đề dứt điểm một lần, cắt xén nó thì không đủ. Chúng ta phải nhổ tận gốc rể nó lên. Rồi thì nó sẽ không bao giờ quấy rầy chúng ta nữa.

THÍNH CHÚNG: Rinpoche đề cập việc vượt qua khỏi tư duy. Xin thầy hãy nói về kinh nghiệm này?

LAMA: Điều ấy là có thể. Khi chúng ta đột nhiên nhận ra rằng sự tự tưởng tượng gợi ảo giác phóng chiếu (vọng tưởng sinh khởi) bởi tự ngã của chúng ta không hiện hữu như nó xuất hiện, chúng ta có thể lên đường với kinh nghiệm tự động của tính không, quan kiến của tính không. Nhưng cho đến khi mà sự tự tưởng tượng – “Tôi là Thubten Yeshe, tôi là điều này, tôi là điều kia, do thế tôi phải có điều này, tôi phải làm điều kia” – tiếp tục chạy cuồng loạn lên, thì không thể vượt khỏi tư duy. Chúng ta cần phải khảo sát những tư tưởng như vậy với tri thức tuệ trí phân tích thiện xảo. Thẩm tra sự tự tưởng tượng của tâm thức chúng ta như được diễn dịch bởi tự ngã của chúng ta: Tôi là gì? Nó là gì? Hình thể của nó? Nó có màu sắc không? Không. Rồi thì nó là gì? Cuối cùng chúng ta chỉ có thể kết luận là nó không hiện hữu ở bất cứ nơi nào, cho dù nội tại hay ngoại tại, và quan kiến tự động phối hợp với kinh nghiệm ấy là một với tính không. Vào lúc ấy chúng ta vượt qua khỏi tư duy (ý thức), nhưng trước lúc ấy tâm thức chúng ta ngập tràn với “tôi là điều này, vì thế tôi cần một cái nhà; tôi là điều kia, do vậy cần một chiếc xe; tôi là cái khác, thế nên tôi cần đi đến siêu thị.” Toàn bộ chúng ta “tôi là này – kia” đến từ tư tưởng cảm xúc xung đột mà nó hoàn toàn tàn phá sự hòa bình nội tại của chúng ta.

THÍNH CHÚNG: Vậy thì khi chúng ta vượt qua khỏi tư duy và đấy là trống rỗng, tính không?

LAMA: Vâng, đấy là tính không hay Phạn ngữ là shunyata. Nhưng tính không không có nghĩa là không có gì cả. Nó liên hệ đến một sự vắng mặt của khái niệm tự ngã – “Tôi là Thubten Yeshe”— to hơn Los Angeles nhưng hoàn toàn là ảo tưởng. Khi chúng ta thực chứng rằng nó hoàn toàn không tồn tại, rằng nó chỉ bị phóng chiếu bởi tâm thức, bởi tự ngã, hốt nhiên kinh nghiệm của tính không sinh khởi; vào lúc ấy, tư duy vắng bóng.

Bây giờ là, “không suy nghĩ” không có nghĩa là chúng ta trở nên không biết, hay vô ý thức. Nhiều người nghĩ như vậy, nhưng điều đó là nguy hiểm. Đạt đến chỗ vượt qua khỏi tư duy có nghĩa là xóa tan sự sản sinh xung đột thường tình của chúng ta, tính nhị nguyên, “cái này – cái kia” của tư duy, không phải rơi vào tình trạng vô ý thức, hay không biết gì.

THÍNH CHÚNG: Có phải Đạo Phật có những thực tập thân thể tương tự như thái cực quyền hay yoga, để hòa hiệp thân thể cũng như tâm thức?

LAMA: Luyện tập thân thể thì tốt nhưng thực tập tinh thần thì tốt hơn; nó vượt trội hơn.

THÍNH CHÚNG: Tôi đồng ý, nhưng có phải có những sự thực tập thân thể là một bộ phận của Phật Giáo hay không?

LAMA: Vâng, có, nhưng chính yếu chúng làm cho thuận tiện việc ngồi thiền. Có những lúc chúng tôi hướng dẫn trong một phòng nhỏ hàng tháng một khóa; vào những lúc như vậy chúng tôi cũng thực hiện yoga vật lý. Tuy nhiên, chúng tôi thông thường nhấn mạnh rằng thái độ tinh thần là điều quan trọng nhất, bất cứ hành động mà chúng ta tiến hành với thân thể, lời nói, và tâm ý chúng ta. Vì thế, Đạo Phật nhấn mạnh rất nhiều đến tầm quan trọng của sự thấu hiểu tính bản nhiên của tâm thức.

THÍNH CHÚNG: Làm thế nào chúng ta thoát khỏi tâm thức nhiễm ô?

LAMA: Bằng việc nhận ra tâm thức bi nhiễm ô như thế nào; sự nhiễm ô đến từ đâu; rằng nó có một gốc rể sâu xa. Nếu chúng ta biết điều ấy, chúng ta có thể thoát khỏi nó; nếu chúng ta không biết, chúng ta không thể làm gì. Do thế, Đức Thế Tôn luôn luôn nhấn mạnh rằng sự thấu hiểu là con đường duy nhất để giải thoát, rằng phương thức duy nhất để đạt đến sự giải thoát là qua sự thông hiểu. Và điều ấy cũng áp dụng cho phụ nữ nữa!

THÍNH CHÚNG: Thưa thầy, nếu mọi thứ là thật đơn giản và Thượng Đế là toàn thiện toàn năng, tại sao Thượng Đế lại tạo ra những thứ như thế?

LAMA: Có lẽ chính quý vị đã tạo ra điều xấu xí ấy, sự tạo ra của quý vị, quý vị lại đổ thừa cho Thượng Đế; chính tâm thức của quý vị đã tạo ra những hoàn cảnh không thể kiểm soát của quý vị. Thượng Đế đã không tạo ra tất cả những điều xấu xa; chúng đã được tạo nên bởi tâm thức tiêu cực.

THÍNH CHÚNG: Làm thế nào để thoát khỏi vòng sống và chết quẩn quanh?

LAMA: Bằng việc nhận ra và rồi cắt đứt những gì là nguyên nhân làm cho quý vị phải lưu chuyển. Một cách căn bản, nếu chúng ta tự do với sự dính mắc cảm xúc thì không có vòng sinh tử luân hồi. Câu trả lời ngắn gọn: cắt đứt sự dính mắc (luyến ái, chấp thủ).

THÍNH CHÚNG: Trong một kiếp sống?

LAMA: Vâng. Một khi chúng ta cắt đứt sự dính mắc, chấp thủ cảm xúc, hay nguyên nhân, thì không có lý do gì lại phải trãi nghiệm một hoàn cảnh không thể kiểm soát một lần nữa, tức là hậu quả.

THÍNH CHÚNG: Khi tôi đọc về Thiền Zen và những triết lý phương Đông khác, dường như tất cả đang nói về cùng một vấn đề.

LAMA: Vâng, nếu quý vị thẩm tra những tôn giáo khác nhau một cách sâu sắc hơn với sự thấu hiểu đúng đắn (chính kiến), quý vị sẽ thấy những phẩm chất giống nhau, nhưng nếu quý vị chỉ kiểm nghiệm trên bề mặt, quý vị thế nào cũng bình phẩm: “Tôn giáo này tốt; tôn giáo nọ xấu.” Đó là một sự đánh giá nghèo nàn. Điều mà chúng ta cần nhìn vào là mục tiêu của mỗi tôn giáo – mỗi tôn giáo có một mục tiêu – và làm thế nào mục tiêu ấy có thể được thể chứng trong kinh nghiệm.

Tuy nhiên, câu hỏi là, những tín đồ của một tôn giáo nào đấy biết làm thế nào biến những ý tưởng ấy thành hành động hay không? Điều này thường là một vấn nạn. Người ta có thể nghĩ, những quan điểm của một tôn giáo là tốt nhưng người ta không có chìa khóa của phương pháp; người ta không biết biến những tư tưởng ấy thành kinh nghiệm hiện thực như thế nào.

THÍNH CHÚNG: Thế rồi thầy nói rằng cách mà thầy biến những ý tưởng thành hành động là tốt đẹp hơn những người khác?

LAMA: Không, tôi không nói rằng cung cách của chúng tôi là tuyệt nhất và những phương pháp của người khác là sai lạc. Mà tôi nói rằng hầu hết chúng ta thiếu thốn kiến thức. Thí dụ, quý vị có thể nói, “Tôi là một Phật tử,” nhưng nếu quý vị kiểm soát lại rằng quý thấu hiểu bao nhiêu về tôn giáo của quý vị, quý vị đã hành động được bao nhiêu phù hợp với những nguyên tắc của tôn giáo mình đang theo, có lẽ mặc dù quý vị nói, “Tôi là một Phật tử,” nhưng quý vị không phải.

Tôi không đang nói về bất cứ một người đặc biệt nào; tôi dang nói về tất cả chúng ta. Vì thế điều quan trọng nhất là phải biết về phương pháp: làm thế nào đề đem những tư tưởng siêu việt xuống trình độ thực tiển, vào trong đời sống của chúng ta.

THÍNH CHÚNG: Thưa, thầy có thể thấy về tương lai của xã hội không? Thí như, thầy có thấy trong tương lai sẽ có nhiều người sẽ xa rời, ly tán những xứ sở và những văn hóa hay không, như chúng ta bây giờ chỉ có ít nhiều như thế, hay thầy có thấy một loại thống nhất hay hòa hiệp nào đấy, với sự tách biệt chấm dứt?

LAMA: Tất cả tùy thuộc vào thời gian; mọi thứ luôn luôn thay đổi. Đôi khi thế giới đến với nhau, thỉnh thoảng nó lại tách ra thành từng mãng. Không có sự chia cách hoàn toàn; cũng không có sự kết hợp thuần túy. Tất cả là tương đối và vì thế luôn luôn thay đổi. Chỉ nhìn vào những mối quan hệ giữa những quốc gia đã thay đổi như thế nào trong đời sống này của chúng ta. Chúng luôn luôn thay đổi. Đấy là bản chất tự nhiên của tâm thức quan hệ chính trị; đó là cung cách mà thế giới quy ước tục đế chuyển động.

THÍNH CHÚNG: Thưa thầy, thầy có bất cứ điều gì để nói liên hệ đến những vấn nạn giữa cá nhân mà những người kết hôn đối diện hay không?

LAMA: Vâng, tôi chắc chắn có vài điều để nói! Điều chính yếu là hai người kết hôn không thông hiểu nhau và sự thiếu hiểu biết này đưa đến sự truyền đạt thông tin yếu kém và những rắc rối. Cũng thế, nhiều lần những người trẻ tuổi kết hôn vì những lý do rất cạn cợt và tạm thời bên ngoài: nàng nói “tôi thích cách nhìn của anh ta,” hay chàng nói “tôi thích cách nhìn của nàng ta,” thế rồi cả hai cùng nói “hãy kết hôn.” Không có sự thẩm tra về bên trong của người kia hay cuộc sống với nhau sẽ diễn ra như thế nào. Bởi vì chúng ta không thể thấy điều tốt đẹp bên trong của người kia, chúng ta chỉ phán xét qua sự xuất hiện của nhau; bởi vì chúng ta thiếu kiến thức – tuệ trí, nên chúng ta không biết những phẩm chất căn bản nội tại của người phối ngẫu. Thế rồi, khi thế giới tương đối chuyển động và mọi việc không diễn ra như chúng ta dự tính, chúng ta dễ dàng thiếu sự tôn trọng đến người vợ hay chồng của chúng ta. Dĩ nhiên, hầu hết những mối quan hệ và hôn nhân là căn cứ trên ngã chấp và vì thế cũng không ngạc nhiên gì chúng ta thường không hiệu quả và không thành công.

Do vậy, điều quan trọng là một đôi vợ chồng phải đặt căn cứ cuộc hôn nhân của họ trên sự truyền thông tâm linh hơn là trên vật chất và thật sự cố gắng một cách chân thành đề thấu hiểu và giúp đở lẫn nhau. Một cuộc hôn nhân căn cứ trên sự nông cạn của bên ngoài sẽ gần như luôn luôn đổ vở. Những thứ nhỏ như: người chồng nói, “Đặt ở đây,” và người vợ nói, “Không, tôi muốn nó ở đây,” và một trận chiến ồn ảo nổ ra … qua những việc chẳng ra gì! Thật là khờ dại. Đặt nó ở đây; đặt nó ở kia – có điều gì khác biệt chứ? Đấy là tâm niệm quá hẹp hòi, nhưng chúng ta chia tay qua những việc ngu ngơ thế đấy.

THÍNH CHÚNG: Thưa, thầy đã nói vào lúc ban đầu Thượng Đế là một vọng tưởng. Thầy có cảm thấy rằng linh quang nội tại hay Thượng Đế nội tại cũng là một vọng tưởng?

LAMA: Vọng tưởng? Tôi không nói Thượng Đế là một vọng tưởng. Tôi đã nói rằng sự tự tưởng tượng về “Tôi là gì” đã bồi đắp bởi nhận thức tự ngã của quý vị không có bất cứ điều gì liên hệ với thực tại của tính bản nhiên chân thật của quý vị và khi quý vị nhận ra rằng, quý vị thấu đạt vượt khỏi suy tư. Tôi không nói rằng Thượng Đế là một ảo giác, chúng ta cũng không thế.

THÍNH CHÚNG: Tôi đã nói vọng tưởng.

LAMA: Chúng ta cũng không thể nói rằng Thượng Đế là một vọng tưởng. Những gì tôi cố gắng để nói là cung cách chúng ta nhận thức về thế giới nội tại và ngoại tại của chúng ta là sai lầm; chúng ta không khám phá chúng một cách đúng đắn, một cách hợp lý, phù hợp với thực tại. Sự phán xét của chúng ta chỉ là tương đối, căn cứ trên những ảo giác lập trình bởi tâm thức của chúng ta. Tôi không nói Thượng Đế là một vọng tưởng hay một ảo giác.

THÍNH CHÚNG: Thế thầy cảm thấy rằng có một linh quang nội tại hay một Thượng Đế nội tại bên trong mỗi con người?

LAMA: Tôi đang nói về thực tại. Thượng Đế, hay tự nhiên nội ại, là thực tại. Nhưng chúng ta không thấy thực tại; chúng ta chỉ thấy những thứ giả tạo (qua ảo ảnh của võng mạc hay qua vọng tưởng điên đảo). Chúng ta nói, “Đây là thế ấy,” Thí dụ, kiểm soát lại, những gì chúng ta cảm nhận chúng ta là. Chúng ta sẽ nói, “tôi là điều này, điều này, thế này, thế này.” Nếu chúng ta kiểm nghiệm thật sự, những gì chúng ta diễn tả chẳng là gì tương hợp với thực tại – đấy chỉ là điều gì đấy mà chúng ta thiết lập, xây dựng trong tâm thức của chúng ta. Đó là ảo giác hay vọng tưởng.

THÍNH CHÚNG: Có phải tự nhiên thật sự của chúng ta là Thượng Đế?

LAMA: Ô, chúng ta có thể nói rằng tự nhiên chân thật của con người có khả năng của Thượng Đế. Nếu tôi phải nói điều gì đấy, tôi là thực tại chân thật hay tính tự nhiên của tâm thức con người là một với tính tự nhiên của Thượng Đế. Nhưng chúng ta hoàn toàn bị khống chế bởi tâm thức tương đối, nhiễm ô của chúng ta, mà nó chẳng bao giờ thống nhất, chỉ tách rời riêng lẻ.

THÍNH CHÚNG: Âm nhạc là gì? Làm thế nào âm nhạc hài hòa?

LAMA: Âm nhạc là âm thinh! Nhưng nó tùy thuộc trên âm nhạc gì mà quý vị miêu tả. Thí dụ, nếu quý vị trình bày âm nhạc của quý vị trong phong cách lạ kỳ và nó giải thích thực tại và làm lợi ích người khác, điều ấy tốt đấy. Nhưng nếu quý vị chỉ trình diễn vì khoái cảm của quý vị và âm nhạc của quý vị chỉ đơn thuần phục vụ để bồi đắp tự ngã của quý vị, thế thì có lẽ nó sẽ làm rắc rối cho quý vị. Nó tùy thuộc trên thái độ tinh thần của quý vị và ấn tượng mà âm nhạc của quý vị trao cho họ. Vì thế quý vị không thể nói rằng âm nhạc là xấu hoàn toàn.

THÍNH CHÚNG: Một số người trong nền văn hóa của chúng tôi nói rằng Giê-Su là Thượng Đế. Thầy thấy Giê-Su Ki-Tô thế nào?

LAMA: Tôi thấy Giê-Su là một thánh nhân. Nếu quý vị thấu hiểu vượt ngoài ngôn ngữ những gì ngài dạy, thật diệu kỳ. Nhưng chúng ta thậm chí không hiểu những gì ngài nói một cách chính xác. Mặc dù Giê-Su Thánh Thiện nói với chúng ta rằng chúng ta nên yêu mến mọi người, nhưng chúng ta vẫn chọn lựa những phần tử nào đấy để yêu mến và thù ghét bộ phận còn lại. Điều đó mâu thuẩn với lời dạy của ngài. Nếu quý vị thật sự thấu hiểu những gì chúa Giê-Su đã dạy, điều ấy sẽ rất hữu dụng và đặc biệt lợi ích cho sự bệnh hoạn tinh thần.

THÍNH CHÚNG: Chúa Giê-Su nói rằng, “Ta là con đường duy nhất. Chỉ qua ta các người mới có thể tiếp cận được Thượng Đế.”

LAMA: Ngài thật sự nói thế và điều ấy cũng đúng. Nhưng quý vị không thể diễn giải là nó có nghĩa rằng chỉ những gì ngài dạy mới đúng và tất cả những tôn giáo khác là sai. Không phải như thế. “Con đường duy nhất” có nghĩa rằng phương pháp duy nhất để đạt đến tự do nội tại là qua thực tại mà ngài đã dạy. Đấy là sự diễn dịch của tôi, thế ấy. Chúa Giê-Su nói “Chỉ con đường của ta” không có nghĩa là ngài đang đề xuất một quan điểm giáo điều nào đấy. Ngài đang nói về thực tại siêu việt như con đường duy nhất để đến với Thượng Đế. Nếu quý vị thân chứng điều ấy, quý vị có thể đạt đến tự do nội tại; nếu quý vị đi theo tâm thức ảo giác, nhiễm ô, nhận thức sai lạc thì quý vị không thể [thấy Thượng Đế hay đạt được tự do nội tại]. Tôi diễn dịch lời của chúa Giê-Su thế ấy. Tôi nghĩ rằng như vậy là toàn hảo. Như nhiều người diễn giải những gì ngài nói một cách rất giáo điều và điều đó chỉ làm ô nhiễm tâm thức. Đó là tại sao chúng ta phải rất cẩn thận khi chúng ta nghĩ là chúng ta hiểu quan điểm của những tôn giáo. Quan điểm của một tôn giáo có thể là vô cùng toàn hảo nhưng tâm thức giới hạn của chúng ta suy nghĩ, “Điều này có nghĩa là như thế này, điều kia có nghĩa là như thế ấy,” và tất cả những gì chúng ta làm là đang đẩy giáo huấn ấy xuống mức độ trần tục.

THÍNH CHÚNG: Thầy nói rằng Giê-Su là một thánh nhân; thầy so sánh với Đức Phật Thế Tôn (Lord Buddha) thế nào?

LAMA: Chúng ta không cần phải so sánh các ngài.

THÍNH CHÚNG: Có phải các ngài đều là thánh nhân.

LAMA: Vâng, cả hai ngài đều là thánh nhân.

THÍNH CHÚNG: Thế thì tại sao thầy luôn luôn nói “Đức” Phật Thế Tôn (Lord Buddha)?

LAMA: Tôi nói Đức Phật Thế Tôn (Lord Buddha); tôi cũng nói
Đức Chúa Giê-Su (Lord Jesus). Cả hai ngài đều thánh thiện. Các ngài đều thể chứng chân lý tự nhiên của thực tại và cố gắng để chỉ bảo điều ấy cho chúng ta. Vấn đề là chúng ta thấy khó khăn để hiểu.

THÍNH CHÚNG: Có phải vướng mắc cố gắng để chuẩn bị và tổ chức đời sống của chúng ta và những thứ đối lập lại với nó chỉ làm cho mọi thứ xãy ra trong một phương cách vô tổ chức hay thậm chí hổn loạn hơn?

LAMA: Vướng mắc hay chấp trước không phải là động cơ duy nhất mà với nó chúng ta cố gắng để tổ chức đời sống của chúng ta. Chúng ta có thể tổ chức đời sống chúng ta với tuệ trí. Làm thế nào? Chúng ta có thể tổ chức đời sống chúng ta với khuynh hướng trong việc làm nó lợi ích cho những người khác hơn là cho chính sự vui hưởng của chúng ta. Khi đời sống chúng ta hợp thành một hệ thống hòa hiệp và chúng ta là những người am tường thông tuệ đem đến một sự chuyển biến tươi đẹp hòa bình cho những người khác, điều ấy quá xứng đáng. Đấy không phải là vướng mắc. Đạo Phật nói rằng có thể sử dụng sự sống và sự vật của chúng ta trong thế giới cảm giác mà không vướng mắc, cho chúng một giá trị thực tiển và sử dụng chúng để làm lợi ích cho con người. Chúng ta có cả phương pháp và tuệ trí. Ăn kem không phải luôn luôn ngoài việc vướng mắc. Chúng ta có thể sử dụng những niềm vui sướng trần gian như vậy mà không chấp trước hay mê muội để khám phá niềm hoan hỉ nội tại.

THÍNH CHÚNG: Triết lý Đông phương thường nói về những khía cạnh trị liệu của tâm linh nhưng có phải đúng là, do bởi nghiệp chướng, chúng ta không nên hay không bao giờ cố gắng để chửa trị người khác bằng tâm thức chúng ta?

LAMA: Ô, chửa trị không chỉ có trong tôn giáo Đông phương. Ki Tô Giáo cũng nói về điều này. Nó đơn giản là sử dụng năng lực của tâm thức để chửa trị bệnh tật. Thí dụ, cho rằng chúng ta mạnh khỏe, nhưng đột nhiên nhận một tin tức khủng khiếp nào đấy làm cho trái tim ta đau nhói. Đấy chỉ đơn giản là tâm bệnh biểu hiện trên thân thể, và tuệ trí mạnh mẽ có thể chửa trị loại bệnh hoạn như thế đối với người khác. Người Tây Tạng thường dùng năng lực thiền quán để chửa trị người khác; thay vì luôn luôn cho người ta thuốc uống, chúng tôi sử dụng tâm lý trị liệu.

THÍNH CHÚNG: Nhưng không phải như thế là can thiệp vào nghiệp chướng của người khác hay sao?

LAMA: Điều ấy không nhất thiết là làm gián đoạn nghiệp chướng của người kia. Nghiệp chướng không thể thay đổi; nó là tạm thời và một loại năng lượng, là điều gì đấy mà một loại năng lượng khác có thể cắt đứt và làm nhẹ bớt. Điều ấy không có nghĩa là chúng ta đang phá vở điều gì đấy.

THÍNH CHÚNG: Thầy có thể nói thêm một ít về hóa thân tái sinh không?

LAMA: Tái sinh là rất đơn giản; nó là năng lượng tâm linh. Năng lượng vật lý chúng ta bị cạn kiệt lúc chết và năng lượng tâm thức tách rời khỏi thân thể chúng ta và theo đuổi một hình thức khác, đấy là tất cả. Đấy là sự giải thích đơn giản. Năng lượng tinh thần và năng lượng vật lý là khác nhau. Khoa học hiện đại đã có một số khó khăn với điều này. Người ta có giải thích một khác biệt nào đó giữa năng lượng tinh thần và năng lượng vật lý nhưng Đạo Phật giải thích một cách rõ ràng hơn.

Tuệ Uyển chuyển ngữ - 12/12/2010

http://www.lamayeshe.com/index.php?sect=article&id=46

 

Tiểu Sử Lama Thubten Yeshe

Lama Thubten Yeshe sinh năm 1935 tại Tây Tạng. Mới sáu tuổi, Ngài đã vào học tại Sera Monastic University ở Lhasa, một trong những tu viện lớn và nổi tiếng của Tây Tạng. Ngài học tại đây tới năm 1959, đây là năm Trung cộng tiến chiếm Tây Tạng và hoàn cảnh đã bắt buộc Ngài phải sang tị nạn ở Ấn Ðộ. Tại Ấn Ðộ, Ngài tiếp tục học và thiền định đến năm 1967, rồi cùng với người đệ tử tâm huyết, Lama Thubten Zopa Rinpoche, Ngài đi qua xứ Nepal. Hai năm sau, Ngài thành lập tu viện Kopan, gần Kathmandu, để giảng dạy Phật Pháp cho người Tây Phương. Từ năm 1974, Lạt ma bắt đầu những chuyến du hành giảng dạy và thuyết pháp tại các nước Tây phương. Năm 1975, Ngài thành lập Trung Tâm Bảo Tồn Truyền Thống Ðại thừa [the Foundation for the Preservation of the Mahayana Tradition (FPMT)] đây là một tổ chức Phật học quốc tế với hơn 100 trung tâm tại 21 quốc gia trên thế giới.

Sau hơn một thập niên tận tâm làm việc, Ngài viên tịch năm 1984. Năm 1985 Ngài tái sinh vào một gia đình người Tây Ban Nha, đứa bé tên là Osel Hita Torres. Sau nhiều thời gian kiểm chứng, Ðức Ðạt Lai Lạt Ma chứng nhận sự tái sinh của Ngài và cậu bé Osel trở thành một tu sĩ Phật giáo với tên Lama Tenzin Osel Rinpoche. Hiện nay Lama Tenzin Osel Rinpoche đang theo học tại tu viện Sera ở Nam Ấn Ðộ để lấy bằng tiến sĩ về Phật học.

Trong thời gian còn hiện tiền, Lạt Ma Yeshe đã xuất bản rất nhiều sách giá trị về Phật giáo, đặc biệt về Mật tông Tây Tạng, như:Wisdom Energy; Introduction to Tantra; The Tantric Path of Purification; The Bliss of Inner Fire; Light of Dharma; Life, Death and After Death; Transference of Consciousness at the Time of Death...

18,533

Tính cách tích cực của tánh Không - Nguyễn Thế Đăng

Nếu một người chưa có dịp nghe, đọc (Văn), chưa tư duy (Tư) chưa thực hành (Tu) về tánh Không thì rất dễ xem tánh Không là một cái gì rất tiêu

1,003
GIỚI NGUYỆN ATISHA (982-1054) - GYALWANG DRUKPA

Trên phương diện tuyệt đối, giới nguyện Kim Cương thừa là cấp giới nguyện khó trì giữ bởi giữ được giới nguyện này tức là hành giả đã an trụ được trong

751
Mục Đích và Lợi Ích của Việc Tranh Luận Giáo Pháp - Tsenzhab Serkong Rinpoche thứ Hai

Tsenzhab Serkong Rinpoche thứ Hai giảng giải, Alexander Berzin thông dịch và tóm tắtMundgod, Ấn Độ, 20 tháng Tám, 2001Lozang Ngodrub dịch; Chân Thông Tri hiệu đính Một trong những mục đích chính

943
Cái Thấy Triết học về những Hiện hữu Hiện tượng

Longchen Rabjam giải thích những tri kiến triết học của Đại Thừa chung cũng như của Đại Toàn Thiện và làm thế nào để thể nghiệm chúng trong chương mười của Shingta

380
Quan niệm về nhận thức trong triết học Phật giáo Việt Nam - Tác giả: TS Triết học Nguyễn Đức Diện

Quá trình hình thành quan niệm lý luận về nhận thức luận trong các học thuyết triết học thường diễn ra thông qua mối quan hệ giữa tư duy và tồn tại.

11,403
Top Bài Viết
Quan Hệ Thầy Trò
Niệm Tự Bạch

QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,

33,379
Giữ giới là lựa chọn tự do
Phật học Ứng Dụng

Giữ giới là lựa chọn tự do  Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc

32,799
Đạo Phật là gì?
Niệm Tự Bạch

Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí

32,705
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa
Tìm Hiểu & Học và Hành

Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt

32,490
Chùa Việt
Sách Đọc