Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (30)


Xem mục lục

Lời Tựa

Bản Dịch Trung Văn


Năm 1988 tôi dịch cuốn “Tâm Mộc Cây Bồ Đề” của Buddhadàsa Bhikkhu (Tỳ-Khưu Phật Sứ) từ ngôn ngữ Thái Lan sang Trung văn và xuất bản. Trong lời tựa của cuốn sách đó tôi có đề cập tới hai cuốn sách khác của ngài là “Nhân Loại Thủ Sách” (Handbook For Mankind) và “Quán Hô Hấp” và bảo rằng tôi sẽ dịch thêm hai cuốn này trong một thời gian ngắn. Nào ngờ mãi tới năm năm sau tôi mới hoàn thành được một nửa lời hứa đó.

Thật ra, hồi đó tôi đã dịch được vài phần trong hai quyển sách đó, nếu cứ tiếp tục tiến hành thì đã sớm xuất bản rồi. Nhưng, việc thế gian rất khó dự liệu, nhân duyên khiến tôi bận đến nỗi giống như con rùa không đầu, không thể nào chuyên chú vào công việc phiên dịch. Người xưa thường ân hận khi chí chưa đạt được; cũng chỉ vì “đời ta có bờ bến, chí ta vô bờ bến; lấy cái có bờ bến để đuổi theo cái vô bờ bến thì nguy to!”

Những năm gần đây tôi có nhiều dịp giới thiệu về Phật giáo Nam truyền, và cũng đã dịch ra khá nhiều bài giảng của Phật Sứ Tôn Giả; vì vậy, có người đã liệt tôi vào loại học giả Phật giáo Nam truyền. Nói như vậy là quá khen tôi đó. Nhiều nhân duyên khiến tôi không làm được học giả, chắc là phải đợi tới kiếp khác; kiếp này tôi làm được chút Phật sự lợi ích nào cũng tạm đủ mãn nguyện rồi.

Hiện thời ở Đài Loan đang thịnh hành trào lưu nghiên cứu Phật giáo nguyên thủy và Phật giáo Nam truyền. Trong thời gian tôi tạm ngưng dịch quyển “Nhân Loại Thủ Sách” thì có một bản dịch Trung văn chào đời. Vì vậy, tôi không muốn tiếp tục dịch nốt cuốn đó. Nhưng, sau này có một vị độc giả xa lạ ở Đài Nam cứ cỗ võ và khích lệ tôi mãi, vị đó cho rằng cuốn sách do tôi phiên dịch vẫn còn có giá trị và cần nên xuất bản. Vì vậy tôi đã đổi tên sách thành “Nhân Sanh Cẩm Nang” để tránh sự lẫn lộn giữa hai bản dịch. Việc xuất bản cuốn sách này cũng có thể coi như một hành động để báo đáp tri âm.

Một ngày trước Nguyên Tiêu (rằm tháng Giêng Âm Lịch) năm 1991, tôi và một người bạn đồng sự tham bái Buddhadàsa Bhikkhu (Phật Sứ Tôn Giả) ở Vườn Giải Thoát của ngài ở Thái Lan, lưu luyến quên cả về, cuộc hội ngộ rất là cảm động. Từ đó về sau, vị hòa thượng khả kính này thường xuyên nhờ người chuyển cho chúng tôi tác phẩm của ngài và khích lệ tôi dịch chúng sang Trung văn. Tôi cũng đã nhiều lần giới thiệu các đạo hữu Đài Loan đến Thái Lan gặp ngài. Tình hâm mộ ấy khiến tôi mấy lần có ý định đi phỏng vấn ngài thêm một lần nữa. Nhưng chẳng may tôi không đủ phước đức, gặp nhiều trở ngại, cuối cùng đành phải ôm hận ngàn đời… Ngày 10 tháng 7 năm nay [1993], nhân dịp đi Tân Gia Ba để tham dự Hội Nghị Học Thuật Thanh Niên của Hội Tăng Già Phật Giáo Thế Giới, tôi tiện đường ghé Thái Lan với chủ ý tham bái Phật Sứ Tôn Giả, không ngờ ngài đã viên tịch vào ngày 8 tháng 7, chấm dứt lời giảng của một đời cao tăng, tôi cảm thấy hổ thẹn muôn phần; không thể hoàn tất bản dịch Trung Văn khi Hòa Thượng còn sanh tiền cũng là một ân hận trong kiếp này.

Cho đến nay tôi đã xuất bản ba quyển sách của Phật Sứ Tôn Giả: “Tâm Mộc Của Cây Bồ Đề,” “Tôn Giáo Từ Đâu Đến,” “Nhân Sanh Cẩm Nang” và nhiều bài văn từ quyển sách “Pháp Vị.” Ước nguyện rằng trong những năm sắp tới tôi sẽ có thể dịch thêm những cuốn sách khác của ngài, để độc giả Trung văn có thể tắm mát trong đạo phong thuần phác chánh trực của ngài.

Trịnh Chấn Hoàng cẩn thức
Ngày 11 tháng 10 năm 1993

Xem mục lục