Cơ hội để Phật Tử Việt Nam tiếp cận với Phật Giáo Tây Tạng ngày càng nhiều. Kim Cang Thừa đã quen thuộc với một số Phật Tử hữu duyên.
Hàng trăm Phật Tử Việt Nam đã tham dự khóa tu Kalachakra (Thời Luân) do Đức Đạt Lai Lạt Ma truyền giảng trong 10 ngày giữa tháng 7-2011 tại Washington, D.C.
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ XII và Tăng Đoàn Truyền Thừa Drukpa đã tới Việt Nam thăm và truyền pháp Mật Tông từ ngày 14-3-2010 đến ngày 4-4-2010 theo lời mời của Thành Hội Phật giáo Hà Nội. Các năm trước đó, Ngài Drukpa cũng đã nhiều lần thăm VN.
Tháng 12-2009, phái đoàn Phật giáo Tây Tạng thuộc dòng truyền thừa Geluk, dưới hướng dẫn của Trưởng Lão Lạt Ma Dhakpa Tulku Rinpoche, đã tới thăm VN.
Câu hỏi nơi đây là, tại sao có những dị biệt thấy rõ giữa các truyền thống Phật Giáo, và chúng ta nên tu học ra sao khi phải lựa chọn một pháp tu? Hay phải chăng, như lời Phật dạy, các giáo pháp của Đấng Thế Tôn chỉ có một vị là giải thoát?
Điểm quen thuộc nhất với Phật Tử VN là khi quý sư Tây Tạng giảng về Bát Nhã Tâm Kinh, một bài kinh xuất hiện trong bất kỳ nghi thức nào của Phật Giáo Bắc Tông. Khi giảng về bài Tâm Kinh, quý sư Tây Tạng thường nhắc rằng đó là giáo pháp thời kỳ thứ nhì, khi Đức Phật dạy về Tánh Không.
Truyền thống PG Tây Tạng chia giáo pháp Đức Phật ra ba thời kỳ chuyển pháp luân: thời kỳ đầu, dạy pháp Tứ Diệu Đế; thời kỳ thứ nhì, dạy pháp Tánh Không; thời kỳ thứ ba, dạy về Phật Tánh.
Có thể giải thích ngắn gọn rằng, thời kỳ đầu, Đức Phật dạy rằng có Khổ để xa lìa; thời kỳ thứ nhì, Đức Phật dạy về Tánh Không, rằng vốn thật không hề có Khổ Tập Diệt Đạo nào cả; và thời kỳ thứ ba, Đức Phật dạy rằng tâm chiếu sáng trong Tánh Không đó chính thực là Phật Tánh.
Như thế, chúng ta nên tu làm sao, khi phải đứng giữa những ngã ba, ngã tư, ngã bảy giáo pháp như thế? Thêm nữa, càng nhìn kỹ vấn đề lại càng nhìn thấy nghìn trùng hung hiểm: nghiêng lệch qua trái một chút, có thể sẽ chấp vào hư vô luận; nghiêng lệch qua phải một chút, lại xa lìa giáo pháp Vô Ngã, cơ nguy chấp vào kiểu linh hồn của ngoại đạo. Do vậy, biết Trung Đạo là đúng, nhưng thế nào là Trung Đạo?
Nơi đây, chúng ta thử đọc lại cuốn Vô Môn Quan, một tác phẩm lớn của PG Bắc Tông, nơi tắc thứ 41, ngài Huệ Khả (487-593) năm 40 tuổi tới Thiếu Lâm Tự tham vấn Bồ Đề Đạt Ma. Theo truyền thuyết, Bồ Đề Đạt Ma chỉ im lặng nhìn vách núi, để mặc Sư đứng trong tuyết băng nhiều ngày. Thế rồi Huệ Khả lấy dao tự chặt cánh tay trái dâng Bồ Đề Đạt Ma để tỏ quyết tâm cầu đạo.
Huệ Khả nói, “Con không an được tâm, xin thầy an tâm cho con.”
Bồ Đề Đạt Ma nói, “Đưa tâm cho ta, ta sẽ an cho.”
Huệ Khả đáp: “Con không thấy tâm đâu cả.”
Bồ Đề Đạt Ma đáp: “Ta đã an tâm cho con rồi.”
Rồi sau sáu năm tu học với Bồ Đề Đạt Ma, Huệ Khả được ấn chứng, nhận y bát và trở thành Nhị tổ của Thiền tông Trung Quốc.
Chuyện chặt tay hẳn là huyền thoại đời sau kể thêm. Bởi vì thời xưa không có Internet, không có phát thanh, không có báo chí thông tin, lại chuyện trên núi cao, nên các tin đồn thì vô số kể, khi nhiều năm sau được kể lại, từ người này qua người kia. Thêm nữa, khó hình dung là, có dao nào mà tay này chặt đứt phăng được tay kia, và người vừa chặt tay xong lại bình tỉnh hỏi chuyện an tâm nữa.
Nhưng khi nhìn tâm hoài mà “không thấy tâm đâu cả” hiển nhiên là một bước nhảy lớn, khi thấy Tánh Không của tâm, khi các tâm tham sân si đều rớt hết, và ngay cả “tâm muốn làm Phật” cũng không còn tông tích. Và như thế cũng là, Huệ Khả không thấy có cái gì gọi là “tôi” trong tâm, và cũng không thấy cái gì là “của tôi” trong tâm. Nếu dựa theo lý giải của PG Tây Tạng, chúng ta có thể gọi rằng Bồ Đề Đạt Ma truyền pháp cho Huệ Khả theo giáo pháp thời kỳ thứ nhì, tức là thấy tự tánh của tâm là Không.
Tuy nhiên, nói như thế lại có vẻ máy móc quá. Bởi vì chúng ta có thể chất vấn thêm một bậc, vậy rồi “cái gì thấy” cái tâm không đó?
Đức Đạt Lai Lạt Ma, trong tác phẩm Buddha Heart, Buddha Mind (NXB Crossroad, 1999), nơi trang 110, viết rằng Phật Tánh là “ánh sáng trong trẻo nguyên thủy của tâm,” nhưng ngài cảnh giác rằng nó thực sự không xuất hiện độc lập bởi vì nó có bản tánh là rỗng không.
Như thế, nghĩa là, nhìn vào tận cội nguồn của tâm, chỉ thấy Tánh Không và từ đây lưu xuất Trí Tuệ. Như thế, chỉ trong một niệm tâm, hay một tâm vô niệm, hay một niệm vô tâm, hay một cái nhìn trực nhận Tánh Không của tâm, cả ba thời chuyển pháp luân cùng xuất hiện: nơi đó không còn Khổ (thời kỳ thứ nhất), nơi đó là Tánh Không (thời kỳ thứ nhì), và nơi đó là Phật Tánh Trí Tuệ lưu xuất (thời kỳ thứ ba).
Đại sư Thanissaro Bhikkhu, một vị sư Nam Tông nổi tiếng, trong bài nhan đề “Emptiness” (Rỗng Không) đăng trên mạng Accesstoinsight.org, đã viết, trích dịch như sau:
“Rỗng không là một trạng thái của nhận thức, một cách nhìn vào kinh nghiệm. Nó không thêm gì vào và không lấy bớt đi từ dữ kiện tươi (chưa thanh lọc) về các sự kiện vật lý và tinh thần. Bạn nhìn vào các sự kiện trong tâm và [nhìn vào] các cảm giác với không một niệm suy nghĩ nào về có phải có cái gì nằm bên dưới chúng...
Hãy lấy một thí dụ, rằng bạn đang tập thiền, và thấy xuất hiện một cảm giác sân giận đối với mẹ của bạn. Lập tức, phản ứng của tâm là đặt căn cước cho nỗi giận này là nỗi giận “của tôi,” hay là nói rằng, “tôi” nổi giận. Rồi nó nghiền ngẫm về cảm giác này, hoặc là dẫn vào câu chuyện quan hệ giữa bạn và mẹ, hay là tới cái nhìn tổng quát của bạn về khi nào và nơi đâu mà cơn giận đối với mẹ có thể là đúng đắn. Vấn đề với tất cả chuyện này, theo quan điểm Đức Phật, là những câu chuyện đó và các cái nhìn đó [của bạn về mẹ] dẫn tới nhiều đau khổ. Bạn càng dính vào chúng, bạn càng lệch ra ngoài việc nhìn vào nguyên nhân thực sự của đau khổ: việc đặt nhãn hiệu “tôi” và “của tôi” và như thế là cho cả tiến trình lưu chuyển [với đau khổ]. Do vậy, bạn không thể tìm ra cách thoát ra nguyên nhân đó, và để mang đau khổ tới sự kết thúc.
Tuy nhiên, nếu bạn có thể ứng dụng trạng thái rỗng không -- bằng cách đừng hành động, hay đừng phản ứng gì với cơn giận, mà chỉ đơn giản nhìn nó như một chuỗi sự kiện, trong nó và của nó -- bạn có thể thấy rằng cơn giận đó thì trống rỗng, không chứa bất cứ thứ gì đáng đặt căn cước cho nó, hay đáng để lưu chuyển. Khi bạn thành thạo việc ứng dụng trạng thái rỗng không liên tục, bạn thấy rằng sự thật này không chỉ ở nơi cảm giác thô như cơn giận, mà cũng cho cả các sự kiện vi tế nhất trong cõi kinh nghiệm của bạn. Đó là cảm giác trong đó vạn pháp đều rỗng không.” (hết trích dịch)
Như thế, chỉ trong một niệm tâm, chúng ta thấy cả ba thời giáo pháp của Đức Phật cùng xuất hiện: nơi đó, Khổ biến mất; nơi đó, Tánh Không của tâm hiển lộ; và cũng nơi đó, cái thấy trong trẻo của Trí Tuệ hiển lộ.
Do vậy, nếu trọn ngày luôn giữ tâm như thế, chúng ta sẽ không còn thắc mắc về những cách phân chia phức tạp của các thời kỳ chuyển pháp luân. Và rồi, khi nghe lời giảng từ các vị sư – dù ở các truyền thống Bắc Tông, Nam Tông, hay Kim Cang Thừa (PG Tây Tạng)... -- chúng ta cũng có thể đưa cách tu học trở về một niệm tâm như thế, vừa đơn giản, vừa thực tiễn, và vừa xa lìa mọi đau khổ.
Bất kỳ ai cũng có thể tu tập ba thời chuyển pháp luân này. Chỉ cần trong mọi thời đi đứng nằm ngồi, cảm nhận toàn thân, hơi thở dịu dàng, lòng không khởi niệm, lẳng lặng nhìn tâm.
Bạn có thể học nơi chiếc lá tre bình thường điều nên xảy tới.Dưới sức nặng của tuyết, nó trĩu và trĩu xuống. Rồi chiếc lá tre không khua động mà bỗng
Hãy đặt cốc nước của bạn xuốngMột giáo sư bắt đầu giờ giảng của mình với một cốc nước. Ông giơ nó lên và hỏi các sinh viên: "Các bạn nghĩ cốc
Tóm tắt lịch sử Mặc dù đạo Phật chưa bao giờ phát triển phong trào truyền giáo, tuy nhiên, các giáo huấn của Đức Phật lại lan xa và rộng trên tiểu
Là hành giả thực hành Phật pháp, tốt nhất chúng ta nên tránh mọi hành động bất thiện dù là nhỏ nhất. Trong thời kỳ mạt pháp, thật khó để làm vậy.
Mỹ: Nghiên Cứu Về HT Thích Quảng Đức Một giáo sư tại đại học Bates College đã được nhận khoản tiền tài trợ 40,000 đô la để hoàn tất công trình khảo cứu
QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,
Giữ giới là lựa chọn tự do Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc
Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt