Bài Viết (701)


Tìm hiểu Tính Không - Lama Yeshe Rinpoche

968

Tìm hiểu Tính Không

Tại sao thực hành phương pháp nội qui y của mật tông quá khó? Tại vì nó được hoàn thành bởi tâm, ở trong tâm. Để bắt đầu công việc này, qui y phải được thực hiện bằng tất cả trái tim, trọn vẹn cả tâm hồn. Qui y không phải là lặp đi lặp lại một vài câu nói trong khi tâm không có một chút rung động nào. Có nhiều người qui y vì tập tục, xã giao. Miệng thì tụng: “ Namo Thầy, namo Phật, namo Pháp, namo Tăng ” mà không hiểu một chút ý nghĩa gì và tâm không một chút rung cảm nào. Một số người khác thì lặp đi lặp lại theo những người chung quanh như một con vẹt. Đó không phải là qui y, nó giống như dùng một bữa ăn sáng, như đi nhà thờ theo thói quen hoặc vì bắt buộc, mà không có một chút thay đổi gì, không có một chút cảm nhận nào, là chúng ta đang đặt chân lên con đường giải thoát.

Như tôi đã nhấn mạnh ở trên, khi chúng ta dùng phương pháp nội qui y thì tâm của ta trở nên làm một với Phật tính, làm một với Đại lạc, làm một với Trí tuệ và chúng ta chuyển tất cả vào cảnh giới thánh thiện thanh tịnh của Heruka. Đừng kiếm tìm những đối tượng nào khác ở bên ngoài để qui y! Tôi biết rằng qúy vị đang nghĩ nó ở đâu đó trước mặt qúy vị. Tâm nhị nguyên của chúng ta nghĩ, “Tôi đang qui y.” Chúng ta đang ngồi đây, nhưng làm một vài việc ở ngoài kia. Tâm nhị nguyên của chúng ta phân biệt chủ thể và đối tượng (nhị nguyên: tôi/qui y, chúng ta/đây....--Dg). Ngay khi chúng ta nghĩ chúng ta đang làm một việc gì thì lập tức, một cách rất tự nhiên, chúng ta nghĩ đến một hành động ở bên ngoài. Điều này xẩy ra bởi vì chúng ta đã có quá nhiều dấu vết nhị nguyên, dấu vết hay phân tích và so sánh trong tâm khảm của chúng ta (đây chính là những tiền ý niệm đã có sẵn ở trong đầu chúng ta, đã huân tập do tập quán, thói quen, kinh nghiệm... từ muôn vàn kiếp trước --Dg).

Vì thế, khi áp dụng phương pháp nội qui y thì chính tâm ta trở nên niềm an lạc cho chính tâm ta. Khi ta phát khởi lòng tin mãnh liệt vào chân tính thì ngay lập tức nó biến chuyển và xuất hiện trong ta như là Heruka. Ta hoàn toàn cảm nhận ta và Heruka là một. Trong tinh thần đó ta qui y. Phương pháp này cực kỳ hữu hiệu và ơn ích. Có thể rất khó hiểu nhưng chúng ta nên làm thử.

Để hiểu phương pháp qui y này, bắt buộc chúng ta phải hiểu Tính Không. Nếu không, công việc chuyển hóa của tâm ta vào đại lạc, vào sự vĩnh cửu của trí tuệ sẽ khô cằn như một ý niệm bình thường, thay vì đó chính là sự sung mãn của một kinh nghiệm nội tại. Nếu ta đã hiểu rõ ràng về tâm bản nhiên, nếu tâm ta đã từng có những kinh nghiệm về tính không thì đó là mối liên hệ thật dễ dàng cho tâm ta trở nên làm một với trí tuệ, để chuyển hóa và hòa nhập ta là một với Heruka. Với phương pháp này tâm ta hòa nhập trong nguồn năng lượng đại lạc của Heruka thay vì những ganh ghét, những tham lam và những bám víu thông thường.

Nếu thực sự tâm ta đã hòa nhập trong niềm an lạc đó thì ta không cần phải cầu nguyện, không cần phải tụng những câu: “ Namo Phật... vân vân...” Lời nói không qui y! Những kẻ yếu hèn thường cần ngôn từ để truyền thông nhưng ngôn từ chỉ có ý nghĩa, giá trị của ngôn từ. Nếu ta đã thực sự kết hợp với nguồn đại lạc thì ta đâu cần qui y bằng những lời thốt ra từ môi miệng. Như vậy, dù ở bất cứ đâu, làm bất cứ gì, trong bất cứ thời điểm nào, ta vẫn có thể qui y trong từng giây từng phút, vì ta đã là một với những sự việc này rồi. Chúng ta biết rằng sự vĩnh cửu, niềm an lạc của trí tuệ thì vô cùng sâu thẳm và trong sáng. Qui y không phải là ngồi bắt chéo chân như trong lúc thiền định. Sự thành tựu của con đường này là một sự tiềm ẩn tự nhiên không tùy thuộc vào những hành vi bên ngoài. Như vậy qua phương pháp tu tập thanh tẩy này chúng ta có thể đạt giác ngộ một cách nhanh chóng và dễ dàng.

Sự đạt ngộ tính không có một giá trị hạnh phúc vĩnh cửu thường hằng. Ngược lại, niềm vui của thế gian thì ngắn ngủi và thường để lại đớn đau khi nó biến mất. Nếu chúng ta không bám víu vào những thú vui vật chất thì chúng ta sẽ không đau khổ khi nó ra đi.

Nếu chúng ta không hiểu thấu đáo tính không bằng những thực chứng thì ít ra chúng ta cũng phải có một ý niệm rõ ràng về nó, để chúng ta có thể vượt qua được những ý niệm sai lầm trên con đường chúng ta đi, đó là những vết hằn đã in sâu trong tâm khảm chúng ta. Thông thường, những ý niệm mà chúng ta đã có về chúng ta thì rất tự nhiên. Tôi nghĩ, “Tôi là Thubten Yeshe” nên trong tâm tôi đã có một hình ảnh rõ rệt nào đó về cái đầu, tay chân cùng những giác quan của tôi. Cho tới khi nào chúng ta còn nhìn chúng ta theo kiểu này thì chúng ta không thể nào hòa hợp tâm thức của chúng ta với sự bất diệt, với niềm an lạc. Khi có sự hiểu biết về tính không thì chính sự hiểu biết này sẽ là nguyên nhân để phá vỡ những hành động xấu xẩy ra hàng ngày, đây là luật liên đới của dòng tư tưởng, nó làm việc một cách tự nhiên, tự động trong tâm của chúng ta.

Nếu chúng ta có một trí thông minh bén nhậy, thì không khó lắm để hiểu tính không. Chúng ta không cần phải học những bài triết phức tạp, cũng không cần phải nghiên cứu những bài tập của các vị Lạt ma. Dĩ nhiên, chúng ta có thể học trong sách hoặc qua một vị thầy, nhưng nếu chúng ta có khả năng, chúng ta có thể học qua phương pháp vô cùng đơn giản này: đừng tin những gì do ngũ quan đem lại. Không cần phải nghiên cứu sâu xa hơn cũng không cần phải khôn ngoan hơn nữa để biết rằng cái gì đã ngăn che không cho chúng ta nhìn ra được tính không. Hãy nhận xét đơn giản rằng tất cả những gì chúng ta cảm nhận được hàng ngày trong cuộc sống qua thế giới cảm giác thì hoàn toàn sai lầm. Đó là những nhận thức sai lầm của cái tôi. Ngay khi chúng ta phát giác ra điều này thì những quan điểm sai lầm tự nó sẽ biến mất. Điều cốt tủy mà phương pháp tu tập tuyệt diệu này mang lại là nó sẽ giúp chúng ta nhìn ra ngay được những phóng chiếu sai lầm của cái tôi để rồi cắt đứt nó hoàn toàn.

Chúng ta luôn luôn cảm thấy bất an, lo lắng. Trên đường đến gặp một người, ta thường nghĩ, “ có thể cô ta không thích tôi, không biết anh ta có thiện cảm với tôi không? ước gì tôi là người dễ thương” hoặc “ có thể cô ta không thích giọng nói của tôi,” ...vân...vân... Những tư tưởng đa nghi như vậy thường đến từ những ý niệm sai lầm, từ những lối diễn dịch sai lạc của một tâm vô minh. Chúng ta nên sớm nhận ra rằng tất cả sự vật đều bị sơn một lớp bởi tâm vô minh của chúng ta, những quan niệm hão huyền, những tư tưởng và những cảm xúc của chúng ta đều không có một liên hệ thực tế nào. Chúng hoàn toàn cá biệt, ta nên chấm dứt ngay những cảm nghĩ bất tịnh này. Ngay cả khi người khác khinh thường ta, gọi ta là kẻ trộm cắp, ta cũng nên kiểm soát lại và không nên buồn khổ. Đó là những ơn ích thực tế mà sự hiểu biết này mang lại.

Vì đang sống trong thế giới cảm giác nên ta cho rằng những ý niệm sai lầm và những phóng chiếu của tâm vô minh là thật. Chúng ta thường nghĩ nhìn được là tin được: “Tôi đã nhìn thấy cái đó thì nó phải thật chứ!” Lại có những người tin một cách say mê, mù quáng rằng triết thuyết của họ mới thực là lý tưởng cho xã hội, cộng sản hay tư bản, đều sai lầm hết, đều là ảo tưởng hết! Nếu chúng ta cứ tin theo kiểu này, chúng ta sẽ không bao giờ khám phá được tính không, nó sẽ ở xa mãi tận đâu đâu. Khi chúng ta nhận ra được quan điểm của chúng ta về thế giới này hoàn toàn là huyễn ảo, quan điểm của chúng ta về thực tại thì lờ mờ như một tấm màn hư ảo dầy đặc thì cái quan niệm sai lầm đó sẽ tự biến mất, cái còn lại là những nghịch lý của nó, đó là quan niệm đúng về tính không. Ở ngay giây phút vượt thoát ra ngoài tâm nhị nguyên, là lúc chúng ta kinh nghiệm tính không.

Vì thế, chúng ta có thể học được tính không trong từng giây phút, trong từng ngày. Ngũ quan của ta không thể rời khỏi những bám víu vào thế giới cảm giác, chính vì thế mà ta vẫn thường tin rằng bất cứ cái gì ta thấy được đều thật như nó xuất hiện. Nhưng nếu chúng ta cứ tiếp tục nghiên cứu những nhận thức và những điều mà chúng ta tin thì chúng ta sẽ biết được rằng không có lúc nào mà chúng ta không học tính không, tiếp cận tính không. Đôi khi sách vở và triết học còn làm chúng ta rối mù hơn là giúp chúng ta hiểu được tính không; vì nếu chúng ta không biết làm cách nào để phối hợp chữ nghĩa với kinh nghiệm thì chữ nghĩa sẽ gây ra rất nhiều trở ngại, phiền toái cho tâm ta. Nếu ta ý thức được công việc này thì ngay một chữ cũng đủ cho ta hiểu trọn cả vấn đề.

Những người nào nghĩ rằng để hiểu được tính không, cần phải nghiên cứu hàng ngàn vạn tài liệu, phải nhớ từng chữ của những bài tập, thì họ sẽ bị nhàm chán và điên đầu. Rồi họ cho rằng, cố gắng hiểu tính không trong cuộc đời của họ là một điều không tưởng. Nhưng chúng ta có thể hiểu tính không một cách dễ dàng khi chúng ta nhìn nhận bất cứ điều gì, bất cứ quan niệm nào được nhận xét bởi một tâm vô minh thì đều huyễn ảo, đều không có thật, ngay cả những gì liên hệ đến nó. Mặc dù, trong vô lượng kiếp cái tôi của chúng ta đã thâu thập, đã bám víu vào những sự kiện mà bây giờ nó bắt chúng ta phải tin rằng “cái này thật, cái kia thật,” đó là nguyên nhân của đau khổ. Cho tới khi nào tâm ta còn vô minh thì ta sẽ nhìn thấy bất cứ một đối tượng nào cũng đều nằm trong vòng nhị nguyên, trong vòng phân biệt. Bất cứ đối tượng nào được cảm nhận theo kiểu này cũng đều là những cảm nhận không có thật.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể nói rằng chẳng cái gì có thực: “ Mũi tôi, lưỡi tôi, miệng tôi -- không có cái gì của tôi là thực.” Làm thế nào chúng ta có thể nói rằng không có ánh sáng, không có cái bàn? Cái kiểu lý luận phủ nhận này hoàn toàn sai. Tốt hơn, chúng ta hãy nhận xét: dù có hay không có quan niệm của tôi về cái bàn thì cái bàn vẫn có thực, lúc đó ta sẽ thấy rằng cái nhận xét của ta hoàn toàn không có thực. Hãy nhận xét, tất cả những quan niệm của chúng ta về bất cứ sự việc gì, chúng ta cũng đều nhận thấy rằng không có một cái nào tồn tại (thực có) như nó xuất hiện. Chúng ta luôn luôn nói về sự vật theo kiểu này: “ Nước Nepal như thế này, nước Mỹ như thế này, Âu châu giống như thế này...vân...vân...” Chúng ta đang nói một điều vô nghĩa lý. Nước Nepal, nước Mỹ và Âu châu mà chúng ta đang nói đều không có thật như vậy, rồi chúng ta lại nghĩ: “ Ồ, cái lớp thiền này khó quá!” hay “ tu tập theo kiểu này cũng mang lại đau khổ thôi! ” Chúng ta đang sống trong một thế giới mộng tưởng của những đối tượng huyễn ảo. Cái tâm mộng mị của chúng ta đang làm chúng ta đau khổ,

Quan điểm này không có nghĩa là chúng ta hãy từ chối sự hiện diện của thế giới cảm quan. Điều này hoàn toàn không hợp lý. Chúng ta không nên quan tâm về một nước Nepal có hay không có; công việc của chúng ta là hãy kiểm chứng xem sự diễn giải của tâm ta về một nước Nepal như thế nào? có thực hay là không? Vấn đề ở đây là, những ý niệm sai lầm của chúng ta đã xây dựng lên một quan điểm về một nước Nepal mà nó hoàn toàn không giống một chút nào với một nước Nepal thực ở ngoài thiên nhiên, ngay cả những vấn đề liên quan đến nó, chúng ta đã hoàn toàn bám víu vào nó. Cái tâm vô minh của tôi xây dựng về tôi như thế này: “ Thubten Yeshe như thế này, thế này, thế này....” -- nhưng điều này hoàn toàn không đúng một chút nào so với bản tính chân thật của tôi -- tôi đã bám víu vào những điều không có thực này, thật là tội nghiệp cho những phóng tưởng này! Chúng ta đã phát triển những bám víu qua muôn vàn kiếp sống, vì tin rằng nếu không có cái gì để bám vào thì sẽ bị mất mát, bị hụt hẫng. Khi chúng ta tin vào sự vật vô thường thì chúng ta sẽ bị mất, thí dụ, trong tiến trình của sự chết, ta thực sự sợ hãi vì ta cảm thấy mất tất cả.

Để chứng nghiệm được chân tính, tính không, trước nhất chúng ta phải tìm kiếm và khám phá ra nó đang ở trong tâm của chúng ta. Nếu chúng ta tìm kiếm chân tính ở những hiện tượng bên ngoài như cây cối, cái bàn hoặc ở một người nào khác thì chúng ta sẽ không bao giờ tìm được. Theo kinh nghiệm của các hành giả Ấn Độ và các vị Lạt ma Tây Tạng, tính không không bao giờ được chứng nghiệm theo kiểu này.

Chúng sinh trong luân hồi tự nhiên là thích nhìn ra bên ngoài. Chúng ta thường nghĩ rằng, chúng ta có thể hiểu được thực tại bằng cách nhìn vào những gì người khác làm. Chúng ta cố gắng có được những tiến bộ bằng cách dòm ngó những người hàng xóm. Họ có cái gì? Làm sao họ có được những thứ đó? Chính những xu hướng này đã nói lên chúng ta không thể tìm được thực thể. Nếu đây là những thái độ của chúng ta thì chúng ta sẽ không bao giờ chứng nghiệm được tính không, mặc dù có học hỏi cả một đời.

Để khám phá nội tâm, để có được những chứng nghiệm nội tại của tính không, chúng ta phải bắt đầu bằng cách tìm kiếm bản lai diện mục của chúng ta. Khi đã khám phá được thực thể nội tại đó, chúng ta sẽ dễ dàng khám phá ra thực thể của thế giới hiện tượng này. Nguyên lý căn bản của tính không không đến từ trí thông minh, như việc nghiên cứu những lời dạy bảo của các vị thầy hay từ những buổi thảo luận tâm linh. Nếu chỉ qua những phương tiện đó, chúng ta không thể chứng nghiệm được tính không. Chúng ta cũng phải kiểm soát tâm để xác định được những ý niệm sai lầm, những quan điểm mù quáng và nên thực hành phương pháp thanh tẩy.

Chân tính, tính không, nằm ngay ở tâm mà tại sao chúng ta chưa khám phá ra được, mặc dầu chúng ta đã học hỏi cả nhiều năm trời? Tại vì những rung cảm xấu xa, tội lỗi đang che kín, đang ngăn cản chúng ta làm việc này. Do đó, để cho chân tính được hiển lộ trong tâm, một điều vô cùng quan trọng khi học hỏi những lời dạy bảo về tính không và kiểm soát tâm là chúng ta nên tẩy rửa những chướng ngại bằng phương pháp thanh tẩy, như phương pháp thờ lạy tôn kính và phương pháp hợp nhất với Phật Kim Cang Tát Đỏa. Nói cách khác, để tinh tiến trong việc nghiên cứu tính không và thực chứng, chúng ta cần thực hành hai điểm: phát triển sự hiểu biết về tính không và thanh tẩy những căn bệnh tâm thần, như những ý niệm sai lầm, những quan điểm mù quáng mà chúng ta đã khám phá ra chúng khi chúng ta phân tích tâm. Sức mạnh của sự phối hợp này sẽ dẫn chúng ta trên con đường chứng ngộ tính không một cách dễ dàng hơn.

Ngày xưa, khi đại lạt ma Tây tạng Tsong Khapa đang nghiên cứu và phân tích tính không theo sự dạy bảo của phái Madhyamaka (Trung đạo), thì Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát xuất hiện trước mặt ngài và nói: “ Không có ai trên quả đất này có thể dạy con tính không.” Vì thế,Lạt ma Tsong Khapa đã đi vào những hang cốc cô tịch, thực hành phương pháp thanh tẩy và thiền định, sau cùng ngài đã trực ngộ tính không, nó vượt hẳn ra ngoài những ý niệm về tính không theo quan điểm Trung đạo của Long Thọ. Như vậy, phương pháp Heruka Vajrasattva chẳng những vô cùng tuyệt diệu trong lãnh vực thanh tẩy mà còn giúp chúng ta khám phá chân tính một cách dễ dàng, nội tâm của chúng ta có một mãnh lực tự phá hủy những ý niệm sai lầm.

Sở dĩ chúng ta phải bàn thảo dài dòng về tính không là để cắt nghĩa vấn đề nội qui y. Để thực hiện nghi lễ nội qui y một cách đúng đắn, chúng ta phải hiểu được tính không và thanh tẩy những quan niệm sai lầm của chúng ta về những phóng chiếu, về những vọng tưởng của bản ngã. Khi chúng ta nghĩ “Tôi như thế này, thế khác, sinh ở đây, mang những đặc tính này... vân...vân...” là những trở ngại bắt đầu kéo đến. Những phóng chiếu của bản ngã là nguyên nhân của những vấn đề. Thí dụ, một người sinh ra trong một gia đình Do thái, ngay khi họ xác nhận họ thuộc chủng tộc Do thái là ngàn năm lịch sử đến với họ. Cho tới khi nào cái tôi còn đó, là những vấn đề, những trở ngại tự động xẩy ra.

Gía trị tuyệt vời của tâm lý học Phật giáo là nó có thể diệt trừ tận gốc rễ mọi vấn đề, chấm dứt hoàn toàn và mãi mãi tất cả những nguyên nhân của vấn đề. Như vậy, gía trị này hoàn toàn khác biệt với giá trị tâm lý học của Tây phương, tâm lý học Tây phương chỉ làm giảm bớt những triệu chứng của khổ đau, nhưng gốc rễ của khổ đau vẫn còn đó, khi thay đổi một sự kiện nhỏ trong một toàn thể rộng lớn lại là nguyên nhân cho một vấn đề khác nổi dậy. Chúng ta nên hiểu thấu vấn đề này và hãy biết ơn Đức Phật đã chỉ dạy cho chúng ta một phương pháp tâm lý học tuyệt vời để điều trị tận gốc những vấn đề của con người.

Khi chúng ta thành tâm thực hành phương pháp tu tập này là chúng ta tự chuyển hoá chúng ta trong thần tính của Heruka, chúng ta nên hiểu rằng tất cả tiến trình chuyển hoá này đều được tự thể hiện qua sức mạnh của tính không trong chính tâm của chúng ta. Nó tuyệt đối không là gì cả nếu đem so sánh với sự kiện trở nên một cái gì, thí dụ, trở nên một cây nến. Hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Chúng ta phải tuyệt đối hiểu thấu vấn đề này. Rất nguy hiểm nếu chúng ta không sáng tỏ vấn đề. Tôi nghĩ rằng những người Tây phương phải mất một thời gian rất dài mới hiểu được. Chúng ta bắt buộc phải nhìn ra được sự khác biệt này.

Khi hiểu được tính không, chúng ta sẽ có một sức mạnh đem tâm chúng ta kết hợp làm một với đại lạc của chân tính, điều này hoàn toàn khác biệt với những phóng chiếu, với những vọng tưởng của bản ngã. Đại lạc này được chuyển hoá trong thần tính. Chúng ta có thể nhìn được sự khác biệt to lớn giữa sự trở nên Heruka Vajrasattva và trở nên một cây nến. Nếu chúng ta không có sự hiểu biết sâu thẳm về sự tự phát triển của phương pháp này thì khi có người phê bình sự thực hành của chúng ta “cái gì là sự khác biệt khi trở nên một Heruka hay một cây nến? Tốt hơn hết hãy trở nên một đoá hoa hồng, ít ra anh còn có mùi thơm!”, chúng ta sẽ cứng họng mà không trả lời được. Rồi chúng ta bắt đầu nghi ngờ việc tu tập: “ Đây là một ý kiến hay. Tôi không trả lời được câu hỏi. Có lẽ toàn thể công việc thực hành của tôi sẽ không mang lại ơn ích gì mà chỉ cố gắng trở nên một cây nến.” Nếu đây là trình độ hiểu biết của chúng ta trong vấn đề này thì nó còn kém hơn cả cái chẳng có gì. Chúng ta nên hiểu sự khác biệt này.

Hầu như tất cả chúng ta khi thực hành những phương pháp thiền định đều quán tưởng Đức Phật Thích Ca hay Quan Thế Âm Bồ Tát. Nếu chúng ta có một chút hiểu biết về tính không, chúng ta sẽ quán tưởng được dễ dàng. Nếu không như vậy thì với những ý niệm sai lầm và những vọng tưởng vật chất sẽ là những trở ngại rất lớn cho chúng ta trong việc quán tưởng về sự chuyển hoá của chân tính vào thần tính Heruka. Nói một cách khác, nếu lúc nào chúng ta cũng ấp ủ, cũng mang hình ảnh Phật đi khắp mọi nơi, thì chính niềm tin tưởng này sẽ làm chúng ta dễ quán tưởng đến Ngài, rồi một ngày nào đó bất chợt Ngài sẽ hiện diện ngay trước mặt chúng ta. Như tôi đã từng giải thích ở trên, toàn bộ sự quán tưởng sẽ xuất hiện cùng một lúc, chúng ta không cần bắt đầu quán tưởng về một Đức Phật nhỏ rồi từ từ lớn dần, lớn dần thành một Đức Phật lớn.

Như vậy, con đường qui y theo phương pháp mật tông không dễ dàng chút nào. Nó khó hơn nếu so sánh với phương pháp qui y thông thường (bề ngoài) theo kinh sách mà chúng ta thường đọc. Tuy nhiên, một khi tâm chúng ta đã đạt đến một trình độ nào đó trong việc phát triển trí tuệ thì chúng ta có thể thực hiện phương pháp nội qui y một cách dễ dàng hơn. Chúng ta cũng nên hiểu rằng phương pháp nội qui y này không có gì đi ngược lại Phật Pháp. Phương pháp mật tông không phê bình phương pháp kinh điển là tốt hay xấu! Phương pháp khác biệt này được mang ra dạy bảo là vì tâm của chúng sinh có nhiều trình độ phát triển khác nhau. Đến đây tôi thiết nghĩ không còn gì phải giải thích thêm về sự qui y bí mật nữa.

Lama Yeshe Rinpoche

Trích từ nguyên tác: The Tantric Path of Purification của Lama Yeshe Do Wisdom Publications xuất bản - Vô Huệ Nguyên trích dịch

968

CÁI GƯƠNG - Akong Tulku Rinpoche - Việt dịch: Nguyễn An Cư - Nhà xuất bản Thiện Tri Thức, 2001

CÁI GƯƠNG  Sanh tử luân hồi là khuynh hướng tìm thấy những lỗi lầm nơi người khác. Naropa Người ta lầm địa chỉ khi tìm hạnh phúc bên ngoài mình, người ta đã

12,495
PHÓNG MÌNH VÀO CÁI VÔ CÙNG VI TẾ - Trí Huệ và Đại Bi, Tenzin Gyatso - Việt dịch: Thiện Tri Thức 1998

Thiền định, đó là làm quen với một chỗ nương dựa của sự tham thiền. Người cầu đạo muốn tiến hành công việc này có thể nhờ đến một trong rất nhiều

15,613
Những Khác Biệt Chính giữa Đại Toàn Thiện (Dzogchen) và Đại Ấn (Mahamudra)?

Câu hỏi: Xin thầy giải nghĩa những khác biệt chính giữa Đại toàn thiện (Dzogchen) và Đại Ấn (Mahamudra)?Ringpoche: Có những khác biệt trong dòng truyền thừa và trong những phương tiện

1,233
Con Đường Dẫn Đến Niềm Vui - Yongey Mingyur Rinpoche

Ở mỗi phút giây, chúng ta có thể lựa chọn bị cuốn theo dòng niệm tưởng củng cố sự nhận thức rằng chúng ta là yếu đuối và giới hạn, hoặc chúng ta có thể

19,818
Bồ Đề Đạo Đăng Luận (Atisa)

Con xin tán dương Bồ tát Mạn thù, tướng mạo trẻ trung.1. Với lòng tôn kínhcon xin tán dươngPhật, là những đấngđại hùng của khắpmười phương ba thời;Pháp, là giáo phápdo Phật

706
Top Bài Viết
Quan Hệ Thầy Trò
Niệm Tự Bạch

QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,

33,232
Giữ giới là lựa chọn tự do
Phật học Ứng Dụng

Giữ giới là lựa chọn tự do  Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc

32,669
Đạo Phật là gì?
Niệm Tự Bạch

Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí

32,569
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa
Tìm Hiểu & Học và Hành

Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt

32,339
Chùa Việt
Sách Đọc