Bài Viết (701)


Tâm Linh Không Tôn Giáo - Gyalwang Drukpa Xii

1,203

drukpavietnamTrước hết, xin chào mừng tất cả các bạn đã tới tham dự thời pháp ngày hôm nay. Mặc dù không khí tại đây dường như khá trang nghiêm nhưng tôi cho rằng điều này không liên quan đến Phật pháp. Vậy, trước tiên tất cả chúng ta hãy cùng thư giãn tinh thần không gò ép mình vào một thái độ cứng nhắc hay bảo thủ nào để cùng lắng nghe đôi điều chia sẻ về Phật pháp.

Hãy hoàn toàn thư giãn tinh thần và mở lòng để có thể đón nhận

Khi nghe bất kỳ một bài giảng nào, không chỉ riêng thể loại bài giảng này, trước hết, bạn nên hoàn toàn thư giãn và loại bỏ bất kỳ điều vô nghĩa nào trong đầu, kể cả những khái niệm có vẻ phù hợp như tôn giáo, truyền thống hay văn hóa… Hãy cố gắng thư giãn hoàn toàn và mở rộng tâm mình để bạn có khả năng đón nhận bất cứ điều gì. Bất kỳ vật nào dùng để chứa đồ, đơn cử như chiếc va-li, phải được mở ra thì ta mới cho những món đồ vào được. Ngược lại, nếu ta đóng chiếc va-li lại thì dù ta có chất bao nhiêu thứ lên cái va-li, chúng cũng không thể vào trong được. Tương tự như vậy, để lĩnh hội một vấn đề, ví dụ như: một bài giảng tri thức hay học vấn, trước tiên tất cả chúng ta phải có tinh thần cởi mở và thoải mái.

Thậm chí chúng ta không nên nghĩ rằng mình đang lĩnh hội một bài giảng quan trọng bởi ngay cả ý nghĩ này theo tôi cũng là sự định kiến, một hình thức của chấp thủ mà bạn cần loại bỏ để giúp tâm mình hoàn toàn thư giãn. Sau đó, nếu muốn, bạn sẽ có thể sử dụng trí tuệ của mình để đạt được hiểu biết sâu sắc của những điều mình nghe được. Điều này không chỉ đúng trong việc tiếp thu bài giảng trực tiếp mà còn đúng với tất cả các bài giảng khác. Khi bạn làm được như thế, thậm chí nếu bài nói chuyện của tôi là vô nghĩa, thì các bạn vẫn có được thành quả và giá trị cô đọng nào đó hơn là việc chỉ nghe các bài giảng một cách hời hợt theo cách nhiều người chúng ta đang mắc phải ngày nay.

Như các bạn biết, tôi đang thư giãn để mạn đàm về bất kỳ điều gì tôi muốn. Nếu có ai đó đánh giá cao hay thấp bài giảng của tôi thì điều đó cũng không khiến tôi thực sự bận tâm. Lúc này, tôi chỉ đơn giản nói ra bất cứ thứ gì khởi lên trong đầu, bất cứ điều gì hiện ra trong tâm trí. Tôi đoán đó là do có sự thư giãn. Nếu phụ thuộc vào một thái độ cứng nhắc mang tính truyền thống hay lo lắng về sự phù hợp hay nghiêm túc của lời mình nói thì tôi sẽ không thể làm được điều đó. Thậm chí tôi e rằng mình sẽ không thể nói gì bởi tôi vốn không giỏi tiếng Anh và cũng chưa có chuẩn bị gì trước đó cho thời pháp này. Tôi muốn chia sẻ với các bạn: bí quyết cốt lõi của sự thành công trong mọi công việc là hãy biết thư giãn và mở rộng lòng mình. Lúc này trông chúng ta rất trang nghiêm, thậm chí có vẻ là hơi cứng nhắc, vậy từ bây giờ trở đi chúng ta hãy để tâm mình thư giãn tự nhiên. Không nên để bất kỳ điều vô nghĩa nào làm hao tốn năng lượng và làm các bạn mất tập trung. Thông thường, có khá nhiều điều vô bổ xuất hiện và bủa vây các bạn. Ngay cả khi bạn giỏi hoặc tinh thông về những chuyện đó, tâm trí bạn vẫn bị đắm chìm. Bậc thầy cũng bị bủa vây, học trò cũng bị bủa vây và mọi người đều bị bủa vây trong những điều vô nghĩa. Những điều này thoáng qua nghe có vẻ rất thú vị, nhưng mọi thứ chỉ là trò đùa không thực sự đem lại kết quả. Bởi vậy, tôi luôn khuyến khích mọi người hãy thư giãn, với nghĩa là hiểu và nhận được bản chất của mọi việc chứ không phải những trò tiêu khiển mang tính hướng ngoại.

Không nên xem xét hay thực hành bất kỳ hình thức tôn giáo nào một cách bảo thủ

Điều này gợi cho chúng ta về chủ đề mà chúng ta thực sự muốn trao đổi: tôn giáo. Khi vào đền, chùa, hoặc những nơi thờ phụng, chúng ta gò ép mình trong một khuôn khổ bảo thủ vì chúng ta cố gắng tỏ ra cung kính. Dĩ nhiên cung kính là tốt. Cung kính tốt hơn là không cung kính, nhưng cùng lúc đó, mọi người không nên bị gò ép hoặc bị xao nhãng bởi những điều vô nghĩa. Đó là lý do tại sao tôi luôn nói rằng, không nên xem xét hay thực hành tôn giáo, bất kỳ một tôn giáo nào, một cách cứng nhắc. Tôn giáo cần luôn được coi như một loại thực thể tinh thần có cả trái tim và khối óc. Nếu cơ thể của một người không có trái tim thì người đó không tồn tại được cho dù các bộ phận khác của cơ thể vẫn rất khoẻ mạnh. Tương tự như vậy, nếu bạn không có bộ não, cơ thể của bạn sẽ trở thành vô dụng. Cũng giống như thế, tôn giáo phải có tâm linh. Bằng cách nào để có tâm linh? Đó là vấn đề! Đáng tiếc là không có nhiều người biết đến điều này.

Trước hết, tôi không rõ về các bạn, nhưng nhiều người giống như tôi tuyên bố rằng mình là những người có tâm tín ngưỡng (có nghĩa là: một người đứng đầu một tôn giáo, một vị sư hay một người thực hành tôn giáo) thực sự không biết mình có tín ngưỡng đến mức nào. Thứ hai là, thậm chí nếu chúng ta là những người theo tín ngưỡng, chúng ta hiểu bao nhiêu về tâm linh, điều trọng tâm hay còn gọi là bản chất của tôn giáo?

Chúng ta đang bỏ lỡ hai điểm lớn trong vấn đề này, khiến cuộc sống của chúng ta trở nên vô nghĩa. Về mặt phát triển bản thân chúng ta, không chỉ trong cuộc sống tinh thần mà cả trong cuộc sống vật chất hàng ngày, chúng ta không biết mình đang đi về đâu. Chúng ta không rõ mình đang làm gì ngay trong lúc ta đang làm những việc hàng ngày ở cơ quan và ở nhà. Nói một cách sâu xa, chúng ta không hiểu mình đang tiến về đâu, đang làm gì, chúng ta là ai và tất cả những điều tương tự. Chúng ta không trả lời được những câu hỏi này. Thậm chí, đôi khi chúng ta không đưa ra được bất kỳ câu hỏi nào... Tuyệt thật! Nếu như chúng ta không đặt câu hỏi bản thân mình là ai thì chúng ta sẽ không phải lo lắng! Đơn giản là chúng ta có thể quên mình là ai, đang làm gì và bằng lòng với điều đó. Tôi tin rằng điều đó cũng hay, nhưng thỉnh thoảng nó lại khiến con người trở nên u tối.

Đôi khi, việc không đưa ra câu hỏi là hay nhưng cũng có thể khiến bản thân các bạn đi theo con đường vô minh và liên tiếp bị sự thiếu hiểu biết sai khiến. Mặc dù bạn có thể cảm thấy khá thoải mái và không kiếm tìm thêm bất kỳ điều gì khác; bạn sẽ vẫn chỉ ở trong tâm trạng rối bời. Kết quả là cuối đời hoặc cuối một giai đoạn phát triển nào đó của mình, bạn sẽ nhận ra rằng mình đang ở trong tình trạng khổ ải. Bạn sẽ thấy mình khốn khổ. Chẳng hạn, bạn có thể có một cuộc sống gia đình rất hạnh phúc trong một vài thập niên, nhưng cuối cùng, bạn có thể phát hiện ra rằng bạn thật sự chưa bao giờ sống một cuộc sống tốt đẹp hoặc hoàn hảo. Lúc đó, bạn sẽ thấy mình lầm lạc và rồi sẽ cảm thấy rất đau khổ. Điều này thật đáng buồn! Rất nhiều người gặp phải vấn đề này. Đó là vì họ đang lừa dối hoặc tự đưa mình đi đến chỗ bế tắc. Nhưng họ luôn nói: “Tôi ổn. Tôi không quan tâm.” Sau đó, do thiếu hiểu biết mà họ tạo ra rất nhiều nghiệp chướng.

Những câu hỏi nhỏ thỉnh thoảng được đưa ra là câu hỏi rất quan trọng; bắt đầu bằng câu hỏi là điều rất quan trọng

Do sự vô minh của chúng ta, những hành động tiêu cực dẫn đến bầu không khí tiêu cực, nhưng chúng ta lại không hay biết điều đó. Cuối cùng, chúng ta nhận ra, không phải là nhận thức được nguyên nhân, mà là kết quả hoặc hậu quả của những việc mà ta đang làm trong những thập niên qua. Sau đó, chúng ta cảm thấy buồn và chán nản. Chúng ta trở nên tuyệt vọng mặc dù thực sự không đến mức vô vọng. Chẳng có gì là vô vọng cả, nhưng mọi người lại cảm thấy thế. Vì vậy, tốt hơn là nên tự vấn một chút. Những câu hỏi nhỏ thỉnh thoảng được đưa ra là những câu hỏi rất quan trọng; bắt đầu bằng những câu hỏi là rất quan trọng. Thỉnh thoảng, những câu hỏi có thể mang tính học thuật quá cao nhưng điều này không quan trọng. Đừng lo lắng, tôi nghĩ rằng chúng ta không gặp phải trường hợp rủi ro này. Nếu như các bạn cảm thấy có sự rủi ro thì lúc đó bạn có thể kiểm soát chính mình và không đặt quá nhiều câu hỏi trừ những câu hỏi nhỏ về lối sống của bản thân. Những câu hỏi đó sẽ giúp các bạn thư giãn hơn, có tâm linh chứ không tạo ra tính cứng nhắc, theo truyền thống và những sự cục cằn.

Có nhiều học giả hàng ngày đưa ra hàng ngàn câu hỏi cho bản thân, thầy cô giáo, bạn bè và đồng nghiệp. Họ chỉ tạo ra thêm căng thẳng cho bản thân mình. Tiếp đó, họ trở nên bực tức, với bộ mặt cau có. Họ không thực tế được vì tinh thần họ luôn lơ lửng. Câu hỏi của họ đưa ra như một cơn gió liên tục thổi, vì vậy họ không có dịp để trở nên thực tế. Đây cũng là sự trải nghiệm của tôi. Hồi tôi còn đi học, tôi rất bảo thủ và có nhiều thắc mắc.

Tôi thích tranh luận với bạn học. Đó là một trong những sở thích của tôi. Tôi có thể dành hàng giờ để tranh luận về những điều không đâu, trò chuyện hoặc tranh cãi về màu sắc của các loài hoa hay về bản chất của cây cối và những thứ tương tự như vậy. Tôi có thể thao thao bất tuyệt, tranh luận, gào thét nhiều giờ về một loại vật chất nào đó như một cái cột! Tôi thích điều đó nhưng nó chẳng giúp ích gì cho tôi. Đôi khi điều này khiến bạn viển vông và lạc lối. Bạn sẽ lạc lối giữa vũ trụ mênh mông. Tôi nghĩ rằng đó không thực sự là kết quả mà chúng ta muốn có. Chúng ta muốn có tâm linh.

Chúng ta muốn đưa ra bất kỳ câu hỏi và câu trả lời nào về bản thân và bản chất của chúng ta

Điều này có nghĩa chúng ta muốn đưa ra bất kỳ câu hỏi và câu trả lời nào về bản thân và bản chất của chính chúng ta. Đó là cách để đặt câu hỏi và nhận được kết quả xác thực. Những câu hỏi đó cần giúp bạn liên hệ với hiểu biết sâu sắc của bản thân. Đó là cách bạn nên thực hiện. Những câu hỏi đó sẽ giúp bạn cảm thấy thư thái. Chẳng hạn, bạn nên đặt những câu hỏi: “Tôi gặp rất nhiều vấn đề như: gia đình, quan hệ, sức khoẻ, và công việc - Cuộc sống của tôi là gì?” Khi bạn đặt những câu hỏi về cuộc đời của mình, câu trả lời sẽ giúp bạn nhận ra những điều nằm trong chính bạn.

Bất kỳ trải nghiệm nào trong cuộc đời đều là sự thể hiện của chính bản thân bạn. Điều này có nghĩa là nó phản ánh các quan niệm của chính bạn. Tôi không có ý nói rằng đó là sự thể hiện do bạn có suy nghĩ sai lầm. Bất kỳ ý niệm nào đều giống như một gương mặt. Nếu như bạn đứng trước một chiếc gương lớn với gương mặt này, bạn sẽ nhận được sự phản chiếu của chính mình. Đôi khi bạn có một ý tưởng tốt, khiến bạn hứng khởi. Thỉnh thoảng bạn có một suy nghĩ tiêu cực và bạn nhận được sự phản chiếu xấu, khiến bạn thấy buồn. Bằng cách này, mọi người cứ trở đi trở lại luẩn quẩn từ tốt sang xấu và từ vui đến buồn. Nói cách khác, bạn sẽ khổ sở và đánh mất niềm tin. Đó là cách mà chúng ta sống nhưng thực chất lại làm chúng ta rời xa khỏi tâm linh, bởi vì nó không cho ta cơ hội để suy ngẫm về bản thân, về bản chất của chúng ta và về bản chất của thế giới. Liệu các bạn có rõ là tại sao điều đó lại xảy ra với mình không? Đó là vì mọi người quá bận rộn hoặc bị cuốn vào việc suy nghĩ về những điều vô nghĩa. Đó là lý do.

Tất cả những điều tích cực hay tiêu cực đều là sự phản ánh trải nghiệm và suy nghĩ của con người

Sự phản ánh mà chúng ta đang nói đến là suy nghĩ của các bạn. Suy nghĩ đó tạo ra nhiều loại trải nghiệm khác nhau. Khi bạn cố chấp vào một suy nghĩ thì những trải nghiệm của suy nghĩ này sẽ xuất hiện và nảy sinh bằng những cách khác nhau. Một vài suy nghĩ có thể hiện tích cực và một vài suy nghĩ tạo ra ảnh hưởng tiêu cực. Một số quan niệm dẫn đến những việc làm sai trái như: trộm cắp, lừa gạt và sát sinh... Nhưng tất cả những điều này, dù tốt hay xấu, đều là sự phản ánh trải nghiệm và quan niệm của chính các bạn.

Tất cả chúng ta phải giữ lý Trung đạo, không thiên lệch về bất kỳ cực nào

Vậy, chúng ta với cương vị là những người thực hành giàu kinh nghiệm cần có khả năng duy trì con đường “Trung đạo.” Trong Đạo Phật, Bồ Tát Long Thọ (Nagarjuna) là một bậc Thầy vĩ đại. Ngài là người rất từ ái và uyên thâm trong việc thuyết giảng về lý Trung đạo. Điều cốt lõi của vấn đề, Ngài thuyết giảng, là việc tất cả chúng ta phải duy trì lý Trung đạo. Điều này có nghĩa là không thiên lệch về bất kỳ cực nào. Trên thực tế, những cực này liên quan đến sự trải nghiệm mà tôi đã nói đến - sự trải nghiệm tiêu cực hoặc tích cực sẽ đem lại cho mọi người những sự phản ánh và thể hiện khác nhau. Chúng ta nên cân bằng buông xả tất cả những điều này, nhưng không nên buông xả những điều này một cách tiêu cực hay thiếu hiểu biết mà nên buông xả một cách tích cực, có trí tuệ. Mọi người nên tôn trọng những trải nghiệm này nhưng cùng lúc cũng nên buông xả.

Tôn trọng là điều rất quan trọng. Bạn phải tôn trọng mọi thứ nhưng đồng thời cũng nên buông xả những thứ đó. Đó là triết lý còn đang thiếu trong cuộc sống thường nhật của chúng ta; cùng lúc chúng ta vừa tôn trọng vừa buông xả. Đôi khi chúng ta tôn trọng một điều gì đó nhưng lại không thể thờ ơ với những điều đó. Chúng ta để tâm tới một cái gì đó và rồi bị cuốn vào nó. Cho dù chúng ta có trải nghiệm gì đi chăng nữa thì chúng ta vẫn bị lôi cuốn vào chuyện đó một cách cuồng tín và mù quáng. Đó không phải điều nên làm. Đôi khi, chúng ta buông xả đi nhiều thứ nhưng lại có lòng hận thù và thiếu tôn trọng. Tôi có thể buông xả một chuyện vì tôi không coi trọng hoặc không thích chuyện đó; tôi căm ghét nó. Đó cũng là điều không đúng và không phải là thực hành theo lý Trung đạo. Trong việc thực hành lý Trung đạo, bạn phải tôn trọng toàn bộ thế giới. Bạn phải tôn trọng mọi thứ, bất kể đó là gì. Đó là những điều mà tôi đang nói tới. Chúng ta có nhiều tôn giáo khác nhau. Một số tôn giáo có tính tích cực, một số thì không tích cực lắm, còn một số tôn giáo khác thì không có ý nghĩa. 

Tuy vậy, với cương vị là một người thực hành tâm linh thì điều đó không quan trọng. Chúng ta nên tôn trọng tất cả các tôn giáo, đồng thời cũng nên buông xả điều đó! Chúng ta nên buông xả các tôn giáo với sự tôn kính của mình. Đó là lý Trung đạo.

Thực hành tâm linh thực ra là sự buông xả tôn giáo song vẫn tôn trọng tất cả các tôn giáo

Bàn về tôn giáo và tâm linh, thực hành tâm linh thực chất là việc buông xả tôn giáo song vẫn tôn trọng tất cả các tôn giáo. Điều này rất quan trọng. Hãy buông xả tôn giáo bằng trí tuệ và sự hiểu biết sâu sắc về bản chất và vẻ đẹp của tôn giáo. Đây chính là tinh túy của tôn giáo. Trên thực tế, các bạn nên buông xả tôn giáo đồng thời không buông xả tôn giáo! Đây là hiểu biết rất quan trọng mà mọi người cần phát huy trong cuộc sống hàng ngày. Các bạn không được bỏ qua mọi thứ bằng sự giận dữ hoặc lòng căm thù. Các bạn không có quyền giận dữ với bất cứ điều gì hoặc vì bất kỳ lý do gì, không chỉ đối với các tôn giáo mà còn với các loài động vật, thậm chí là một cánh cửa ra vào, cửa sổ hay cỏ cây. Khi các bạn va đầu vào cánh cửa, các bạn tức giận với nó. Tại sao vậy? Chính các bạn va đầu vào cánh cửa; cánh cửa không tự sập vào đầu các bạn. Đó là lỗi của các bạn chứ không phải do cánh cửa, ấy vậy mà các bạn lại tức giận với cánh cửa! Các bạn thường có xu hướng trở nên tức giận với những cánh cửa ra vào, với môi trường xung quanh nên đã tạo ra những hành động vô lý.

Tất cả chúng ta đều có xu hướng này, song sự giận dữ và lòng căm thù không được hoan nghênh. Không bao giờ nên làm như vậy. Không cần thiết phải căm ghét hoặc giận dữ những vấn đề liên quan đến các tôn giáo, nhưng đồng thời hầu như không có lý do nào để tạo ra sự cuồng tín về tôn giáo. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói rất rõ ràng, các đệ tử không được phép cuồng tín về giáo pháp hay truyền thống. Hơn nữa Ngài chưa bao giờ cho phép chúng ta cuồng tín về Ngài, về Phật giáo, những bài giảng của Ngài, truyền thừa và sự gia trì của Ngài. Đức Phật chỉ dạy điều đó rất rõ ràng “không chút quanh co”.

Ngài nói một cách thẳng thắn rằng nếu như bất kỳ người nào trong số chúng ta coi Ngài là Phật, thì người đó chưa hề trông thấy hay được gặp Phật, hoặc bất kỳ ai coi giáo pháp của Ngài là Pháp hay là giáo pháp tâm linh thì người đó chưa bao giờ thụ nhận được chân giáo pháp và chưa bao giờ tiếp cận với giáo pháp chân thật. Đức Phật đã nói thẳng điều đó. Vì vậy, Ngài chân thành khuyên bảo: “Đừng cuồng tín, ta không hoan hỷ nếu con trở nên cuồng tín mặc dù con là đệ tử rất tốt của ta, một thành viên rất tốt trong Tăng đoàn và là người thực hành tốt (trì giữ giới luật…). Ta không hoan hỷ và không muốn điều đó chừng nào con còn là một người cuồng tín.” Đó là thông điệp của Đức Phật.

Vì vậy, chúng ta có thể đạt được tâm linh thông qua các phương tiện của tôn giáo.

Tôn giáo là phương tiện, là phương pháp hoặc công cụ có thể hỗ trợ mọi người hòa nhập vào đời sống tâm linh. Điều đó nên như vậy nhưng đôi khi nó lại không được thực hiện. Đôi khi có hiệu quả, song điều này phụ thuộc vào mức độ hiểu biết và công đức hoặc nghiệp lực của mọi người. Mỗi người đều có nghiệp lực hoặc sự tích luỹ công đức khác nhau. Đôi khi có hiệu quả, đôi khi lại không. Tôn giáo được coi là công cụ có thể khuyến khích và hỗ trợ mọi người để mọi người thực hành tâm linh.

Khi nói về tôn giáo, hầu như tôi đều liên hệ đến đời sống nói chung

Khi tôi luận bàn về vấn đề tôn giáo, điều đó không nhất thiết được hiểu là về một tôn giáo nhất định nào đó như Đạo Hồi, Đạo Hindu, Đạo Phật. Không nhất thiết là tôi nói về các tôn giáo này. Khi nói đến tôn giáo, tôi muốn nói đến một cách nhìn tôn giáo theo nghĩa rộng như bất kỳ việc gì chúng ta làm. Mặc dù có thể mọi người không phải là tín đồ của một tôn giáo cụ thể nào và không tin vào bất kỳ tôn giáo nào (như Đạo Phật chẳng hạn), nhưng chúng ta vẫn có một tôn giáo! Dù cho mọi người có nhận ra điều đó hay không cũng không quan trọng. Chúng ta có tôn giáo, nếu không chúng ta không thể tồn tại. Chúng ta có một đức tin nào đó. Bạn tin là nước sẽ giúp bạn rửa sạch bụi khỏi đôi bàn tay, đối với tôi đó là tôn giáo. Bạn tin là lửa sẽ thiêu cháy đôi bàn tay nếu bạn đưa tay vào lửa, đối với tôi đó là tôn giáo. Khi tôi nói tới tôn giáo, đôi khi tôi liên hệ với tôn giáo chính thống nhưng nói chung hầu như tôi liên hệ với đời sống; tất cả mọi thứ quanh ta, đời sống hàng ngày, từ sáng đến tối, từ tối đến sáng và mỗi vòng quay của luân hồi. 

Mặc dù một người có thể nói: “Tôi không phải là một tín đồ, tôi không tin vào bất kỳ điều gì.” Vậy bạn có tin vào nước, vào thuốc chữa bệnh, vào hạnh phúc không? Dĩ nhiên mọi người tin vào những điều này. Mọi người tin rằng chiếc ghế mà họ đang ngồi sẽ nâng đỡ họ, nếu không thì chiếc ghế đó để làm gì? Chiếc ghế đó đang đỡ cho họ. Đó là tôn giáo! Nếu như bạn tin vào điều đó thì đó là tôn giáo.

Tuy nhiên, cùng lúc đó, bạn có thể sử dụng tất cả những khía cạnh của cuộc sống làm công cụ để hiểu được trí tuệ, hiểu được triết học, và hiểu được tâm linh. Bằng cách này hay cách khác, trực tiếp hay gián tiếp, những công cụ đó nên được sử dụng như vậy. Điều đó sẽ rất hữu ích bởi vì toàn bộ cuộc sống sẽ trở thành công cụ để hiểu về tâm linh. Đó là những gì tôi luôn nói tới nếu như ai đó muốn thực hành “Phật pháp” hay tôn giáo. Nếu có người thắc mắc: “Mình phải thực hành những gì, mình phải làm những gì?” thì hầu như tôi đều trả lời rằng: “Hãy là chính bạn. Đừng cuồng tín về cuộc sống của bạn. Hãy là chính mình và hiểu rõ quy luật sinh tử. Hãy cố gắng trưởng dưỡng triết lý này. Nếu được như vậy thì dù bạn ở đâu, bạn cũng đang thực hành và làm tốt.”

Điều này có nghĩa vào trong chính thời điểm này của cuộc đời, bạn cũng đang theo một tôn giáo cho dù bạn có tin vào điều đó hay không. Bạn đang ở trong một thế giới tương đối và tôi nói thế giới tương đối là một tôn giáo. Đó là một tôn giáo, nhưng nếu bạn sử dụng tôn giáo không đúng đắn thì sẽ đi chệch hướng. Tất nhiên, có thể hiểu rằng không chỉ mọi thứ trong cuộc sống hàng ngày diễn ra sai lệch mà còn có các khía cạnh đặc biệt khác trong đời thường, như Đạo Do Thái, Đạo Thiên chúa, Đạo Hindu, Đạo Phật. Tất cả những điều này đều sai lệch! Một vài Phật tử làm tổn hại đến cuộc sống của người khác, một vài tín đồ Cơ đốc giáo làm tổn hại đến đời sống và tinh thần của người khác và một vài tín đồ của Đạo Hồi cũng hành động như vậy. Chúng ta có thể thấy điều đó. Nhiều tín đồ của Đạo Phật, Đạo Hindu và của một số tôn giáo khác trở nên tồi tệ hơn so với những người được gọi là bình thường. Họ trở nên cuồng tín hơn, giận dữ hơn, cau có hơn và gây ra nhiều vấn đề không cần thiết cho thế giới này. Điều đó xảy ra nhân danh thần thánh, nhân danh tôn giáo, nhân danh truyền thống và nhân danh phong tục, tập quán. Họ thực sự đang làm hỗn loạn thế giới. Do vậy, điều đó đang xảy ra theo một cách rất tồi tệ.

Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta cũng vậy. Có những lối sống đặc biệt, độc đáo mà chúng ta nói tới khi bàn về tôn giáo, song cuộc sống đời thường của chúng ta (nghĩa là chuyện đứng ngồi, ăn uống, ăn trưa hoặc ăn tối, ngủ, đi bộ, nói chuyện và các mối quan hệ) có thể được thực hành theo cách đó. Đây là lý do tại sao cuộc sống hàng ngày cần được diễn ra một cách rất giản đơn, tựa như đang đi trên con đường Trung đạo. Trung đạo rất quan trọng để thực hành thường xuyên trong cuộc sống thường nhật. Chúng ta phải hiểu rằng thông điệp này không chỉ dành cho người thực hành tâm linh mà còn dành cho cả những người khác nữa. Đó là lý do tại sao tôi cho rằng chúng ta không chỉ đang nói về tôn giáo với nghĩa là “học thuyết” này hay “tôn giáo” nọ, mà còn cả về đời sống bình thường. Cho dù chúng ta không quan tâm tới bất kỳ loại “học thuyết” hoặc truyền thống nào, và chúng ta có thể tự cho mình là người không theo tôn giáo với việc không tin vào bất kỳ loại tôn giáo nào, chắc chắn chúng ta phải tìm ra một con đường Trung đạo!

Nghiệp hoặc con đường Trung đạo là những điều phổ biến

Nhiều người cho rằng nghiệp là một khái niệm của Đạo Phật và là điều vô nghĩa; nếu như bạn không tin vào Đạo Phật thì sẽ không có nghiệp, nhưng nếu bạn tin vào Đạo Phật thì sẽ có nghiệp! Nếu đúng như vậy thì bạn không nên tin vào Đạo Phật bởi vì bạn không muốn chịu chi phối và phải gánh nhận nghiệp chướng! Bạn không muốn bị báo ứng, vì vậy tốt nhất bạn nên tránh xa. Dĩ nhiên, tôi cũng muốn làm điều đó bởi nghiệp chướng là một vấn đề nan giải. Điều đó cũng đúng với con đường Trung đạo. Nếu như đây là một trong những khái niệm vô nghĩa của Phật giáo thì nó khiến mọi việc trở nên vô cùng nan giải. Nếu vậy, tôi sẽ không muốn lĩnh hội Đạo Phật hoặc con đường Trung đạo. Tuy nhiên lại không phải như vậy. Nghiệp hay con đường Trung đạo là quy luật hiển nhiên. Tất cả chúng ta ban đầu vốn đều ở trong một trạng thái của con đường Trung đạo, nhưng với những hoàn cảnh điều kiện nhất định, chúng ta lại rơi vào những thái cực. Đó là kết quả của những nhân duyên chúng ta gặp phải. Chúng ta ngụp lặn trong những thái cực như: tốt/xấu, dài/ngắn, vui vẻ/buồn chán... Chúng ta luôn chuyển từ thái cực này sang thái cực khác và phụ thuộc vào các điều kiện. 

Nhưng nếu bạn không có khái niệm về điều kiện thì bạn sẽ tự nhiên đi trên con đường Trung đạo. Khái niệm về điều kiện giống như chiếc gương phản ánh tất cả các khuôn mặt, các hình bóng khác nhau, và các thể hiện khác nhau... Đó là những gì mà tôi đã nói ở phần trước. Những sự phản chiếu về khái niệm, điều kiện của chúng ta cứ tiếp diễn; đó là sự luân hồi. Chẳng hạn, bạn có thể rất vui vẻ nhưng sau đó lại rất thất vọng. Những chuyện xảy ra thường ngày như vậy là một loại tôn giáo.

Nghiệp và con đường Trung đạo là những yếu tố tự nhiên. Con đường Trung đạo không phải là điều mà Đức Long Thọ đã tạo cho chúng ta, và nghiệp không phải là điều Đức Phật đã tạo ra. Nếu như nghiệp là sự sáng tạo của Đức Phật thì điều đó thực sự là nan giải. Khi ấy, chúng ta có thể đến gặp Đức Phật và nói rằng: “Này, Ngài biết không, Ngài cần phải cẩn thận!” Chắc chắn chúng ta có thể đề nghị Đức Phật giải thích và hỏi rằng: “Ngài đang làm gì vậy?” Chúng ta có thể tranh luận và gây khó cho Ngài. Nhưng Đức Phật không phải là người tạo ra nghiệp; quy luật tự nhiên đã tạo nên nghiệp. Cũng như vậy, con đường Trung đạo cũng là lẽ tự nhiên. Nhưng chúng ta không đạt được bản chất này. Tại sao? Đó là do sự phản ánh và là sự cố chấp của chúng ta về những điều đó. Một số sự phản chiếu của ánh sáng rất tuyệt vời nhưng chúng vẫn chỉ là sự phản chiếu và chúng khiến con người trở nên cuồng loạn. Vậy làm sao có thể đạt đến sự trung hoà giữa các khái niệm về điều kiện và sự phản chiếu? Dĩ nhiên câu trả lời nằm ở sự thư giãn, buông xả. Đó là lý do tại sao lúc đầu, tôi nói rằng việc buông xả mọi thứ là tốt, buông xả đi và đồng thời tôn trọng mọi thứ. Vậy đấy!

Hãy không chỉ tôn kính tôn giáo mà tôn kính cả cuộc sống hàng ngày của bạn nữa. Chẳng hạn, nếu như một người nào đó khóc là bởi vì người đó đau khổ. Bạn phải tôn trọng cảm xúc và nỗi khổ đau của người đó. Qua sự tôn trọng, bạn sẽ có khả năng cảm thông với những gì mà người đó đang trải qua, và rồi bạn phải giúp đỡ họ. Bạn phải gắng hết sức giúp đỡ họ vượt qua sự khổ ải đó. Bạn không thể nói: “Tôi đang thực hành con đường trung hòa, tôi là người tâm linh, nhưng tôi không quan tâm. Có lẽ anh đang vô cùng đau khổ nhưng xin lỗi, tôi không thể giúp được gì.” Bạn không thể nói như vậy và rồi bỏ đi. Từ tận trong sâu thẳm trái tim, bạn phải thực sự tôn trọng những gì mà người đó đã và đang trải qua. Bạn phải biết tôn trọng những trải nghiệm đó, cảm thông với những khổ đau đó và bạn phải giúp đỡ người đó. Đồng thời, bạn nên tôn trọng những gì chính bản thân bạn đang trải nghiệm. Và nghe có vẻ hiển nhiên, bạn nên cố gắng hết sức để giúp chính mình. Đơn cử, nếu như bạn phải chịu một cơn đau đầu kinh khủng, bạn có thể cần uống thuốc để chữa đau đầu. Bạn không thể nói: “Tôi là người thực hành tâm linh, vì vậy tôi không quan tâm đến cơn đau đầu.” Bạn không được phép nói như vậy; đó là điều vô nghĩa! Nếu như bạn đau đầu thì bạn nên chăm sóc bản thân. Điều này có nghĩa là bạn cần tôn trọng tình huống, nhưng đồng thời cũng buông xả đi bởi chẳng có lý do gì để quá lo lắng.

Trong kinh điển, Đức Phật đã từng nói về một trong những đệ tử của Ngài. Người đó rất hay buồn bởi vì ông rất thương những loài động vật, thậm chí gặp cảnh một con côn trùng hoặc con chim bị chết trên đường cũng làm ông buồn phiền suy nghĩ. Vì quá yêu thương những loài này mà ông thường dừng hẳn lại trên đường để giúp đỡ chúng. Rồi một lần, Đức Phật tiến lại phía ông và nói: “Đừng bi lụy về sự khổ ải của chúng sinh bởi vì đây chính là bản chất của luân hồi. Hãy đến đây đi với ta để tìm ra nguyên nhân và phương pháp thoát khỏi đau khổ!” Thông điệp của lời răn dạy này là phải buông xả sự việc bằng trí tuệ. Tôi biết rằng điều này là khó thực hành và cũng rất dễ gây nhầm lẫn.

Vậy chúng ta cần vừa buông xả vừa tôn trọng sự việc. Chẳng hạn như những người không có lòng bi mẫn sẽ chẳng có cảm xúc khi nhìn thấy một người đang chịu sự đau khổ. Họ sẽ thờ ơ đi qua. Họ đang phớt lờ những người khác với lòng hận thù và sự vô minh của mình. Đó không phải là điều mà chúng ta muốn. Chúng ta nên buông xả bằng trí tuệ của mình. Chúng ta nên buông xả đi những thứ tương đối, hoặc tôn giáo, nhưng ta cần giữ sự tôn trọng nhất định.

Sự tôn trọng luôn thể hiện phần tích cực: chân lý tối thượng. Sự buông xả luôn thể hiện phần tiêu cực: chân lý tương đối

Lòng kính trọng luôn thể hiện phần tích cực: chân lý tối thượng. Sự buông xả luôn thể hiện phần tiêu cực: chân lý tương đối. Vì vậy, tôi đang nói về con đường Trung đạo của “hai chân lý”. Có lẽ tôi đang sử dụng một ngôn ngữ mang tính kỹ thuật, nhưng tôi không muốn làm các bạn bối rối. Tôi muốn giúp các bạn phân biệt rõ ràng sự khác biệt giữa tôn giáo và tâm linh bởi vì trên thực tế, tất cả chúng ta đều có lòng tín ngưỡng trong một chừng mực nào đó, mặc dù chúng ta không thành công trong điều này cho lắm. Chẳng hạn, chúng ta có thể khuyên một người nương theo Đạo Phật hoặc trở thành tín đồ Cơ đốc giáo hoặc Hồi giáo, nhưng cùng lúc chúng ta lại không hề có ý thức về tâm linh. Điều này làm xấu đi hình ảnh của tôn giáo. Như tôi đã đề cập ở phần trước, điều này giống như một con người không có trái tim và bộ não. Thật là khó khăn và vô ích. Do đó, tôi đang nói về con đường Trung đạo với mục đích giúp các bạn hiểu về tầm quan trọng của tâm linh.

Mặt khác, tại sao chúng ta lại đề cập đến điều đó ngay bây giờ? Con đường Trung đạo luôn thường trực trong chủ đề này bởi vì nếu thiếu nó ta sẽ không tìm được sự cân bằng giữa tôn giáo và tâm linh. Trong đời sống, không có nhiều cơ hội giúp bạn cân bằng chính bản thân mình, do vậy con đường Trung đạo sẽ giúp bạn làm được điều đó. Con đường Trung đạo luôn xuất hiện trong bức tranh toàn cảnh này mặc dù nó dễ gây hiểu nhầm. Tôi không thích nói đến con đường Trung đạo lắm vì nếu nói sâu về chủ đề này, tôi sẽ khiến mọi người thấy rất bối rối không hiểu tôi đang nói về vấn đề gì. Bạn thường thích nghe “có” hoặc “không” hoặc một vấn đề là “đây” hoặc “kia”. Đó là lý do tại sao mà ngày nay nhiều tôn giáo lại khá phổ biến, bởi vì các tôn giáo đó tuyên thuyết rất thẳng thắn. Các tôn giáo đó nói “có” và “không”... và chỉ có thế thôi! Họ nói rằng nếu như mọi người đi theo một người nào khác thì cuộc đời của họ sẽ uổng phí nhưng nếu theo tôn giáo của họ thì cuộc đời của mọi người sẽ ổn. Nhất định bạn sẽ được lên Thiên đường, hoặc có được những thứ tương tự như vậy. Mọi thứ được tuyên thuyết trắng đen rõ ràng và mọi người đều thích điều đó.

Đáng tiếc là Đạo Phật lại không như vậy; Phật giáo có nhiều màu sắc phức tạp. “Có” và “không” luôn song hành. Đạo Phật nói rằng: “có tức là không”, và “không tức là có”. Những yếu tố này luôn có sự hòa trộn. Đạo Phật là như vậy bởi vì thế giới là như vậy. Vạn vật vũ trụ là như vậy. Chân lý cứu kính cho rằng: “có” và “không” cùng tồn tại. Một ví dụ thường được sử dụng, chúng ta có thể xem xét xem một người mà chúng ta biết là người tốt hay xấu. Anh ta có thể rất tốt đối với tôi, vì vậy tôi xem người đó như một người tốt hoặc thậm chí một con người hoàn hảo. Nhưng đối với người khác thì anh ta lại là người xấu, hư hỏng và rất tiêu cực. Chúng ta đang bàn về cùng một người, nhưng tôi có hình ảnh đẹp về anh ta trong khi đó người kế bên thì ngược lại. Điều này có nghĩa là anh ta vừa “có” lại vừa “không.” Người đàn ông này cùng một lúc biểu hiện rằng mình vừa là người tốt vừa là người xấu. Đối với tôi thì anh ta là tốt nhưng với người khác thì không. Do đó tôi sẽ nói gì đây?

Đây là bản chất của vạn vật. Mọi thứ đều đồng thời có mặt tốt và mặt xấu. Vì vậy, mọi thứ cùng một lúc đều là “có” và “không.” Đây là điều chúng ta gọi là sự hợp nhất. Do đó, mọi thứ đều có nhiều màu sắc. Điều này có vẻ phức tạp, nhưng theo tôi hiểu thì việc có nhiều màu sắc đó thực sự rất thú vị. Nếu như, chỉ có màu đen và trắng thì mọi chuyện khá tẻ nhạt, có phải vậy không? Nếu cuộc sống có nhiều màu sắc thì tôi thấy thú vị hơn rất nhiều. Nhưng có thể sẽ rất phức tạp khi bạn phải quyết định lựa chọn màu sắc nào. Trong trường hợp này, tôi khuyên các bạn hãy nên bình tĩnh. Sự lầm tưởng chỉ xuất hiện khi bạn cuồng tín; khi bạn bắt đầu trở nên cuồng tín thì sự lầm tưởng sẽ gia tăng. Nếu như, bạn không để mình trở nên cuồng tín thì sẽ không có sự lầm tưởng. Thế giới là thế giới. Bất kể những gì đang diễn ra, mọi việc đều ổn. Hãy tôn trọng tất cả mọi việc, đồng thời buông xả chúng. Đó là tâm linh. Tâm linh chẳng là gì khác ngoài điều đó. Ngay khi, bạn trở nên cuồng tín về các màu sắc này, tâm linh trở thành tôn giáo và nó cuốn bạn xa rời khỏi tâm linh.

Không nên có bất kỳ sự cố chấp hoặc cách nhìn nhận cuồng tín nào về tâm linh

Chúng ta đã nói về tầm quan trọng của con đường Trung đạo giữa hai thái cực này. Đó là cách đi vào tâm linh. Nhưng nếu cùng lúc bạn cố chấp với tên gọi “tâm linh” thì cũng sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy, không nên có bất kỳ sự cố chấp hoặc sự cuồng tín nào khi xem xét một vấn đề tâm linh. Nếu bạn nhìn nhận tâm linh một cách cuồng tín, một lần nữa, điều đó sẽ đưa bạn quay trở lại lãnh địa cực đoan. Một lần nữa, điều đó không phục vụ cho mục đích của chúng ta bởi vì chúng ta đang nói về một điều tự do hoàn toàn. Chúng ta bắt đầu buổi trò chuyện này bằng việc nói về sự buông xả. Làm sao chúng ta có thể duy trì sự thư giãn khi không thể giải thoát bản thân khỏi sự cuồng tín? Bạn không thể thư giãn. Điều này thực sự là lý do tại sao chúng ta không thể thoải mái; chúng ta có rất nhiều điều cố chấp. Còn cố chấp thực sự có nghĩa chúng ta là người cuồng tín. Cho dù có tin hay không thì bạn vẫn là một người cuồng tín. Một vài người cuồng tín nhiều hơn. Một vài người khác thì cuồng tín ít hơn nhưng bất kỳ ai trong thế giới này đều có vài điều cuồng tín. Ngay khi, chúng ta có suy nghĩ cuồng tín về sự tồn tại của tất cả sự sống, đó là sự đối lập với sự thư giãn, bạn không thể thư giãn. Do vậy, tất cả những gì mà chúng ta đang bàn tới trong lúc này là chúng ta phải được tự do, không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì.

Tất nhiên, chúng ta có thể nói rằng việc tạo ra tâm linh trong đời sống của bạn là rất cần thiết, nhưng nếu bạn gắn chặt vào tên gọi tâm linh thì một lần nữa đây lại là cái bẫy. Nếu bạn nói rằng: “Tôi đang thực hành tâm linh, không phải tôn giáo. Tôi là người có tâm linh”, thì có nghĩa bạn đang tự đặt một cái mác cho chính mình. Bạn tự tạo cho mình một tên gọi khác, điều này có nghĩa là bạn đang trói buộc mình vào một chiếc lưới. Bạn không giải phóng cho bản thân. Thay vì việc giải phóng bản thân, một lần nữa bạn lại đang đưa mình vào bẫy. Dù nhân danh tâm linh hay chủ nghĩa vật chất, bạn vẫn bị mắc bẫy. Nhưng chúng ta không muốn điều đó xảy ra. Chúng ta đã từng chịu nhiều sự ràng buộc của thế giới vật chất, tư duy vật chất và khái niệm vật chất. Trên hết, chúng ta không muốn bị trói buộc về mặt tâm linh. Chúng ta đã có đủ những điều vô nghĩa này. Chúng ta không muốn có thêm sự trói buộc. Chiếc bẫy thứ hai mà tôi đang nói đến chính là chiếc bẫy tâm linh. Tôi không muốn tạo cho bạn thêm sự ràng buộc nào lên những ràng buộc bạn đang sẵn có. Chúng ta bị ràng buộc bởi thế giới vật chất và trên hết, giờ đây bạn có thể phát hiện ra một sự ràng buộc khác: sự ràng buộc tâm linh. Bạn biết đấy, đó không phải là điều tốt.

Chúng ta phải được tự do về tâm linh và đương nhiên, chúng ta phải được tự do về vật chất

Bạn không muốn bị ràng buộc. Tôi cũng vậy. Tất cả chúng ta đều không muốn bị ràng buộc. Chúng ta muốn tự do. Chúng ta phải được tự do về mặt tâm linh và đương nhiên, chúng ta phải được tự do về vật chất. Vậy nếu bạn không có tự do hoặc không được giải phóng thì sẽ có ích gì? Tu tập mọi thứ sẽ chẳng có ích gì! Do đó tâm linh được mọi người lấy làm giải pháp và rất tôn kính, nhưng tâm linh phải được hiểu là một lĩnh vực của tự do. Bản thân tâm linh đã là một sự tự do và giải phóng. Đây là điều chúng ta phải hiểu. Chừng nào, chúng ta chưa được giải phóng khỏi những điều phức tạp hoặc các nhãn mác, chúng ta chỉ tạo thêm cho mình nhiều nhãn mác hơn và sống với “các chân lý nhãn mác.” Vì vậy, chân lý theo kiểu nhãn mác thực sự là một chân lý tương đối. Đáng tiếc là, việc sống với nhãn mác và ngôn ngữ đầy khái niệm lại đúng là lối sống của chúng ta, nhưng thực ra chúng ta không muốn bị những điều này trói buộc.

Một lần nữa, tôi lại trở lại chủ đề về lòng tôn kính. Chúng ta nên tôn kính các ngôn ngữ khái niệm bởi chúng có ích cho cuộc sống của chúng ta. Vì vậy, chúng ta nên tôn trọng các ngôn ngữ khái niệm như đây là “ông A” và đó là “bà B” hoặc “tôi hạnh phúc” hoặc “tôi không hạnh phúc.” Những ngôn ngữ khái niệm này phải được tôn trọng nhưng đồng thời bạn không được để chúng trói buộc mình. Việc có những loại khái niệm gì không thành vấn đề. Tất nhiên, một tên gọi vật chất là điều rất tồi tệ và cả tên gọi tâm linh cũng vậy. Ngày nay, đặt danh tôn giáo đang đặc biệt trở nên rất nguy hiểm. Có lẽ cách đây một ngàn năm, nó không nguy hại như vậy, nhưng hiện tại thì nó là như vậy. Một tên gọi tâm linh được cho là cao đẹp và phải được tôn trọng, nhưng chấp thủ vào nó là điều rất nguy hiểm.

Vì vậy, trước khi định danh cho một người, bạn cần phải hết sức cẩn thận, nghĩa là bạn phải bắt đầu toàn bộ quá trình với sự hiểu biết và kiến thức sâu sắc về con đường Trung đạo. Điều này rất quan trọng. Bạn sẽ tự động định danh cho mọi thứ nhưng những danh hiệu này không nên được duy trì và kính trọng một cách quá cuồng tín. Chúng ta đang bàn say sưa về vấn đề tâm linh, nhưng đồng thời chúng ta không nên thiên chấp vào tâm linh. Mọi người đừng bao giờ nên cố chấp với tên gọi tâm linh hoặc với ý tưởng cho rằng mình là người có tâm linh. Và đừng bao giờ tự xưng mình là người có đức tin sâu sắc.

Tâm chí thành sâu sắc hơn niềm tin, nằm ngoài sự tưởng tượng của chúng ta và không thể diễn đạt bằng ngôn từ

Một số người đã hỏi tôi rằng, sự chí thành và đức tin là gì, tôi đã trả lời rằng, hai phẩm hạnh này có sự khác nhau. Có thể tôi sai, nhưng tôi sẽ phân biệt sự khác nhau giữa tâm chí thành và đức tin. Nếu như bạn có niềm tin mãnh liệt vào việc bạn là người thực hành tâm linh thì đó là đức tin, và điều này có nghĩa là bạn có niềm tin mãnh liệt vào tôn giáo. Đó là niềm tin nhưng ta không coi đó tâm chí thành. Tâm chí thành không phải là một kiểu niềm tin, nó vượt trên niềm tin, nằm ngoài sự tưởng tượng của chúng ta và không thể diễn đạt bằng ngôn từ. Tâm chí thành thực tế đang hòa nhập trong đời sống của chúng ta nhưng chúng ta lại không hiểu nhiều về bản chất của tâm chí thành. Đó là trải nghiệm mà bạn thực sự không thể mô tả được.

Đức tin là một điều gì đó thuộc về bề nổi hơn là bạn nghĩ. Ví dụ, bạn là một người yếu đuối hay tốt bụng tới mức cả tin, và có ai nói với bạn một điều và bạn tin vào điều đó. Bạn sẽ cảm thấy hứng khởi, đó là đức tin. Nếu có người bảo bạn rằng có một thứ đang rơi xuống từ trên mái nhà và bạn nên chạy đi, bạn sẽ làm như vậy mà không nhìn lại hoặc không đưa ra bất kỳ câu hỏi nào. Đó là đức tin. Điều đó tốt; không có gì sai trái cả. Tương tự như vậy, tôn giáo dạy chúng ta rất nhiều điều và nhiều huyền thoại như: “Các thiên nhân đang nhảy múa tại đây trên đầu chúng ta. Tôi có thể nhìn thấy họ. Bạn có nhìn thấy họ không?” Nếu bạn tin vào điều đó, đó là đức tin. Không có điều gì sai trái cả. Tôi không hề đề nghị bạn đừng tin vào thần tiên, vì bản thân tôi cũng kính trọng họ.

Điểm cơ bản trong bài nói chuyện của tôi là, chúng ta nên tôn trọng và cùng lúc đó buông xả mọi thứ. Kính trọng thần tiên và Thượng đế nhưng cũng hãy buông xả họ đi. Đó là điều tôi muốn chia sẻ. Đây là nguyên tắc bạn nên nắm được. Nếu như có một thiên nhân đang bay trên đầu bạn, bạn có thể nói: “Nếu tôi không nhìn thấy vị thần đó thì cũng không quan trọng, tôi vẫn sẽ tôn kính họ.” Điều đó rất tốt và không có gì sai lệch cả. Nhưng ngay cả khi có sự sai lệch..., vậy thì sao? Bạn biết đấy, đây là một chủ đề mà bạn nên tiếp nhận một cách thoải mái. Đừng quá cuồng tín về điều đó. Bạn không nên cố chấp với bất kỳ danh hiệu nào, lời nói nào, khía cạnh tôn giáo nào hoặc bất kỳ điều gì trong thế giới này. Hãy đừng cố chấp hoặc cho mình một hiểu biết sai lệch.

Nếu bạn giải thoát được bản thân thì không nghi ngờ gì, bạn sẽ hạnh phúc

Điều cơ bản là, chúng ta nên nghĩ về việc liệu chúng ta có đang tạo nên cho mình sự tự do hay không. Việc chúng ta hạnh phúc hay không là vấn đề thứ hai. Tất cả chúng ta đều gắn bó và có xu hướng rất mãnh liệt trong việc kiếm tìm hạnh phúc. Tất nhiên, mọi người đều như vậy. Tất cả các chúng sinh, không riêng loài người, đều có khao khát được hạnh phúc. Nhưng đây chỉ là chuyện thứ yếu. Đáng tiếc là, ngay lúc này nó lại thường là ưu tiên hàng đầu của chúng ta, dù nó nên là điều thứ yếu. Ưu tiên hàng đầu là việc liệu chúng ta có tạo được cho mình sự tự do hay không. Nếu như, bạn cố gắng tạo ra sự tự do cho bản thân, không nghi ngờ gì: bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc. Không nghi ngờ gì về điều này, và bạn sẽ không hạnh phúc cho đến khoảnh khắc bạn được tự do, khoảnh khắc tự do xuất hiện. Đây là lý do tại sao tôi nói tự do là ưu tiên hàng đầu.

Tự do tôi đang nói tới là sự tự do trong chính bạn. Nhưng nó không phải là kiểu tự do của việc không quan tâm đến bất kỳ ai và bất kỳ điều gì và làm bất cứ điều gì mà bạn muốn, để rồi sau đó nghĩ rằng “tôi đang tự do” - đây là điều nhảm nhí! Điều này chỉ khiến bạn đánh mất tinh thần của mình mà thôi. Tôi có thể nghĩ rằng, nếu như tự do là ưu tiên hàng đầu của tôi, tôi có thể tự do không cảm nhận được sự xấu hổ hoặc đạo đức, và vì thế có thể làm bất kỳ điều gì mình muốn. Tôi có thể uống vài chai whisky hoặc có thể ăn bất kỳ cái gì mà mình thích, hoặc nói những gì muốn nói và làm những gì muốn làm bởi vì đó là sự tự do của tôi. Nếu tôi coi tự do là một ưu tiên, tôi có thể cảm thấy mình được tự do để làm bất kỳ điều gì vì tôi phải được tự do. Nhưng không, điều này không phải là cốt lõi của vấn đề! Một lần nữa, sự tự do mà chúng ta đang nói tới chính là sự tự do nội tại - sự tự do thực sự trong tư tưởng. Nếu chúng ta không có sự tự do trong tư tưởng hoặc tâm linh, sẽ không có sự an bình, hạnh phúc. Sẽ rất khó để đạt được hạnh phúc toàn mỹ.

Hạnh phúc đích thực cần được trải nghiệm ngay từ bây giờ

Đôi khi, chúng ta phát hiện rằng hạnh phúc mang tính mâu thuẫn và không thường xuyên. Chẳng hạn, các tôn giáo khác nhau đem lại cho bạn những hạnh phúc nhất định, và tình yêu thương, niềm tin và lòng bi mẫn có thể giúp bạn hạnh phúc! Đây là những điều rất tốt. Nhưng khi các bạn quên không nhớ về lòng bi mẫn, tình yêu thương và đức tin, tôi cho rằng một cốc rượu cũng có thể làm cho bạn cảm thấy vui! Tôi không uống rượu (và chưa bao giờ uống). Tôi không hề có kinh nghiệm về điều này, nhưng một số người uống rất nhiều nên chắc hẳn họ phải nhận được một niềm vui gì đó từ việc uống rượu. Nếu không, họ đã chẳng dành nhiều thời gian và tiền bạc cho việc uống rượu. Chắc chắn họ nhận được một cái gì đó. Đó là hạnh phúc nhưng niềm hạnh phúc này rất ngắn ngủi. Đó không phải là kiểu hạnh phúc mà những người thực hành tâm linh như chúng ta thực sự mong muốn. Chúng ta khao khát một hạnh phúc đích thực, nhưng hạnh phúc đích thực không nên được hiểu là hạnh phúc tuyệt đối hoặc hạnh phúc ở tương lai. Không nên nghĩ rằng cứ đi mãi những chặng đường dài, chúng ta sẽ đạt được hạnh phúc. Không phải bây giờ, chính trong lúc này bạn đang chìm đắm trong đau khổ. Sự thực không phải như vậy! Hạnh phúc đích thực nên được trải nghiệm ngay từ bây giờ. Đó là chân hạnh phúc.

Nhiều người hiểu nhầm giữa hạnh phúc đích thực và hạnh phúc tuyệt đối. Họ nói: “Ôi, còn lâu, lâu lắm, phải qua một hành trình dài đầy khó khăn bạn mới có thể tìm được hạnh phúc. Đó là hạnh phúc đích thực.” Tuy nhiên, điều đó không giống như vậy và bạn cũng không nên nghĩ như vậy. Hạnh phúc đích thực phải được xây dựng từ bây giờ trở đi, trong từng ngày, từng phút trong cuộc sống của bạn. Nhưng cuộc sống đích thực phải được xây đắp thông qua việc tạo ra tự do cho chính bạn. Tự do khỏi điều gì? Tự do khỏi các danh định. Tự do thoát khỏi việc định danh cho chính bản thân bạn với bất kỳ đức tin sâu sắc nào. Nói cách khác, bạn phải tự do thoát khỏi niềm tin cuồng tín. Xin lỗi, tôi đang sử dụng vốn tiếng Anh nghèo nàn của mình và thêm thắt những thuật ngữ riêng (cười)! Nhưng, dẫu sao, tôi đang cố gắng hết sức để chuyển tải kiến thức và kinh nghiệm của mình bằng việc sử dụng những cách khác nhau để giải thích mọi việc.

Cố chấp là việc định danh cho một người hoặc một việc, rồi kiên cố tin vào danh định đó

Sự ràng buộc là việc định danh cho một người hoặc một việc và rồi bám chấp vào danh định đó. Ở phần trước, tôi đã nói rằng đối với tôi, bạn tôi có thể là người tốt nhất trên thế giới. Đó là bức vẽ của tôi về người đó. Nhưng người đang đứng ngay cạnh tôi lại có thể có một hình ảnh xấu về người bạn của tôi. “À, người này vừa xấu, lùn lại béo.” Đây có lẽ là khái niệm của người kia, nhưng tôi không bận tâm dù người bạn của tôi có hơi béo hay không. Điều này không là vấn đề vì tôi có một hình ảnh tuyệt vời về người bạn đó, vậy nên tôi quý mến anh ấy. Tôi thấy bạn tôi là người rất tốt và ưa nhìn. Tôi tôn trọng quan điểm của mình và người bên cạnh cũng nên tôn trọng tôi. Tôi nên tôn trọng cách nhìn của anh ta và anh ta nên tôn trọng cách nhìn của tôi, mặc dù hai chúng tôi có cách nhìn khác nhau. Chúng ta không đồng nhất về cách nhìn bởi vì chúng ta có sự cố chấp vào những khái niệm khác nhau của riêng mình. Nhưng cả hai chúng tôi không nhận thức rõ điều đó. Tôi sẽ nói: “Bạn của tôi là người ưa nhìn, vậy bạn đang nói rằng có vấn đề gì vậy? Bạn đang nói điều nhảm nhí!” Tôi sẽ cáu giận với anh ta. Rồi anh ta sẽ đáp lại: “Bạn của Ngài vừa béo vừa lùn”, và cứ chọc tôi và làm cho tôi giận. Sẽ không có cách nào mà tôi và chàng trai đó có thể sống hòa bình với nhau bởi sự cố chấp của chúng tôi. Anh ta cố chấp với nhận định về người bạn của tôi là thấp và béo, điều này làm anh ta cảm thấy rất phiền lòng. Điều đó làm phiền tôi vì tôi tin hoàn toàn rằng bạn tôi là người rất đẹp. Tôi không đồng ý với anh ta vì tôi có sự nhận định cố chấp của tôi. Điều này có nghĩa là sự cố chấp của chúng tôi là sự hiểu lầm. Tôi hiểu sai người bạn mình là người ưa nhìn và chàng trai cũng hiểu nhầm người bạn của tôi. Vì vậy, thay vì tức giận thì chúng ta hãy mỉm cười với nhau. Dẫu sao thì chuyện người bạn của tôi hoàn hảo trong mắt tôi và không hoàn hảo trong mắt bạn cũng là chuyện bình thường. Chúng ta hãy cùng thưởng thức một ly trà và mỉm cười với nhau, chấm dứt mọi điều vô nghĩa.

Tại sao chúng ta lại giận dữ với nhau? Sự nhìn nhận khác biệt giữa chúng ta chỉ phục vụ cho mục đích tranh luận mà thôi, song điều đó không quan trọng. Nếu ai đó nói rằng, bạn tôi rất xấu xí, có nhân cách tồi tệ, tôi sẽ chấp nhận điều đó bởi vì người đó có cách nhìn của riêng họ. Mặc dù, cách nhìn này sai lệch song tôi vẫn sẽ chấp nhận nó. Những gì tôi đang cố gắng làm sáng tỏ là nếu chúng ta có niềm tin mãnh liệt và kiên cố vào quan điểm của mình thì sẽ là một hiểu biết sai lệch. Niềm tin này gần giống với định kiến; tôi cho rằng đó chắc chắn là một định kiến. Đó là điều chúng ta không muốn có. Nó gây ra một vấn đề, mặc dù vấn đề đó có thể không xảy ra trong giai đoạn trước mắt. Chẳng hạn, hiện tại việc coi người bạn của tôi là người ưa nhìn thì chấp nhận được, nhưng về sau này, điều đó có thể dẫn đến một vấn đề lớn hơn. Có thể, tôi sẽ cãi cọ với người bạn đó nếu như anh ta bắt đầu nói những điều tôi cho là phi lý. Sau đó thì, tôi sẽ không bằng lòng với người đó. Thay vì khoảng thời gian vui vẻ bên người bạn của mình, tôi sẽ có thời gian buồn rầu. Điều này sẽ dẫn đến một vài sự xáo trộn cho định kiến trước đó của tôi.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng nói định kiến là điều không tốt. Một trong những lời huấn từ cơ bản của Ngài là về vô chấp. Không bao giờ nên có định kiến. Nếu người nào đó đề nghị tôi lựa chọn giữa tôn giáo và tâm linh thì tôi sẽ chọn tâm linh. Nhưng như tôi đã nói, tâm linh không thể được thực hành nếu thiếu sự trợ giúp của tôn giáo, bởi vì tôn giáo là một công cụ để hỗ trợ hiểu biết về tâm linh. Tuy nhiên, chúng ta không nên chấp chặt vào tâm linh cũng như tôn giáo.

Không chấp thủ vào định kiến là nguyên lý của tâm linh

Điều quan trọng nhất cần nhấn mạnh là bạn không được có tư tưởng định kiến, bởi vì không định kiến là một nguyên lý của tâm linh. Nếu như bạn cố chấp vào tư tưởng tâm linh thì điều đó không phải là tâm linh. Nó là cái sẽ khiến bạn xa rời tâm linh. Tâm linh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống của chúng ta, nhưng sẽ không có hiệu quả nếu như chúng ta gắn nó với định kiến. Về cơ bản, tôi đang nói rằng niềm tin và định kiến là giống nhau. Khi chúng ta nói về việc không nên có định kiến, các bạn không nên hiểu sai lệch. Điều này thực chất có nghĩa là bạn phải hiểu rằng bạn không nên trói buộc mình vào hiểu biết sai lệch.

Khi chúng ta nói “hiểu biết”, thực sự chúng ta muốn nói điều gì? Chúng ta chỉ muốn nói điều duy nhất cần hiểu là chẳng có gì để hiểu. Đó là vấn đề! Nếu như bạn có điều cần hiểu thì đó là định kiến. Chẳng có gì cần hiểu là hiểu biết vĩ đại. Đó là lý do tại sao Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói: “Không nhìn thấy là nhìn thấy nhiều nhất. Không thực hành là thực hành nhiều nhất.” Đây là những cụm từ Ngài đã nêu bật. Đó là những lời thuyết giảng tâm linh cô đọng nhất mà Đức Phật đã dạy tất cả chúng ta. Nhưng tôi không quan tâm ai nói về điều đó, Đức Phật hay Đức Jesus. Điều này không quan trọng vì đây là một điều thuộc về chân lý phổ quát. Có thể điều đó được thuyết giảng trong Đạo Phật, Đạo Do Thái hoặc Đạo Hồi. Điều đó không quan trọng và tôi không quan tâm, miễn là chính bản thân chúng ta có thể giải thoát bản thân khỏi những điều vô nghĩa! Đó là thông điệp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, nhưng tôi đoán rằng đó cũng là thông điệp của Chúa Jesus. Có lẽ là các bậc đại sư thường truyền đạt những thông điệp giống nhau từ những góc độ khác nhau. Tuy nhiên, đáng tiếc là bởi vì những góc độ khác nhau này nên chúng ta nhìn thấy những khác biệt lớn bị nhầm lẫn, và rồi và bị ràng buộc vào khuynh hướng bè phái. Có thể tôi đi qua cánh cửa này, trong khi đó bạn đi qua cánh cửa khác và người khác nữa lại đi qua cánh cửa thứ ba. Mọi người trở nên cố chấp bởi vì họ đi qua những cánh cửa khác nhau, nhưng đó là điều vô nghĩa! Trên thực tế, cái cửa chỉ là cái cửa. Bạn chỉ đi qua một lỗ hổng, còn cửa đó thuộc loại gì là điều vô nghĩa. Chẳng có gì đáng để quan tâm, nhưng nhiều người lại vô cùng giận dữ vì điều đó. Sau đó thì chủ nghĩa bè phái và vấn đề “của tôi”, “của anh” bắt đầu xuất hiện.

Bạn có thể trở nên rất cuồng tín

Một vài người có thể nói: “Tôi là Phật tử. Tôi là thế này hoặc tôi là thế kia. Mẹ của tôi là người tuyệt vời nhất nhưng mẹ anh là người không tốt.” Tuy nhiên, đừng nói về xấu hay tốt, hãy tạo dựng cho bản thân sự tự do. Đó là vấn đề. Tạo cho mình sự tự do thoát khỏi tất cả những điều vô nghĩa. Đừng nói về bất cứ điều gì. Đó là tâm linh. Đó là tinh hoa của tôn giáo. Các bạn có đồng ý không?

Điều cốt yếu ở đây là tinh hoa của tôn giáo, bất kể chúng ta đang nói tới loại tôn giáo nào. Chẳng hạn, trong Kim Cương thừa Phật giáo, chúng ta có rất nhiều hoạt động nghi lễ. Có rất nhiều Phật và Bồ tát: có những nữ Phật, nữ Bồ tát, nam Phật và nam Bồ tát. Có hàng trăm vị Bồ tát khác nhau, mỗi vị có hình thức và hoạt động nghi lễ khác nhau và câu chân ngôn riêng để trì tụng. Tất cả các công cụ này được sử dụng để phát triển sự hiểu biết nội tại rằng chẳng có gì để hiểu cả! Đó là điều căn bản. Chúng ta nên thực hành những loại chân ngôn khác nhau. Đồng thời, tôi cũng khuyên mọi người thực hành nghi quỹ Tara hay Guru Yoga hay câu chân ngôn “Om Mani Padme Hung.” Tuy vậy, điều này không có nghĩa là bạn phải chấp chặt vào đức Tara hay câu chân ngôn “Om Mani Padme Hung.” Không, thực sự là ngược lại. Những công cụ này nên được sử dụng để giúp các bạn đạt được sự tự do; cắt đứt bản ngã và tạo ra tự do cho chính bạn. Những pháp thực hành này giống như một con dao hay dụng cụ mà bạn có thể sử dụng để cắt bỏ chiếc lưới đang trói buộc mình.

 

HỎI VÀ ĐÁP 

 

Câu hỏi: Kính bạch Đức Pháp Vương, chúng ta đều là con người và dường như tất cả chúng ta đều có cố chấp. Chúng ta sinh ra là như vậy. Vậy, mục đích được sinh ra với tất cả những cố chấp đó là gì? Chúng ta là một phần của tự nhiên nhưng trong chừng mực nào đó chúng ta lại có những cố chấp này. Tôi hiểu rằng tốt hơn là không có cố chấp, nhưng tại sao chúng ta lại có những cố chấp đó? Thưa Ngài, vấn đề này nên được giải thích như thế nào?

Trả lời: Đây là một câu hỏi thú vị. Chúng ta được sinh ra như vậy. Tôi không biết lý do tại sao (cười)! Đó là những điều chúng ta phải tự nghiên cứu trải nghiệm, có phải không? Cá nhân tôi thực sự không biết tại sao lại như vậy, nhưng chúng ta có xu hướng đó, và tôi đoán có lẽ xu hướng hay thiên hướng này được phát triển qua nhiều kiếp và nhiều thế hệ, kể từ vô thủy luân hồi tới tận ngày nay. Do vậy, xu hướng này mới mãnh liệt đến nỗi dường như nó trở thành thuộc tính của chúng ta. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta thực sự đang có cơ hội để có được sự hiểu biết về điều đó, và vì thế chúng ta cần tinh tiến chuyên cần trong quá trình tìm cầu hiểu biết vĩ đại này. Trên lý thuyết thì điều này có vẻ dễ dàng nhưng trên thực tế thì lại không. Điều đó khó lý giải vì nó đã tồn tại từ bao đời nay.

Câu hỏi: Kính bạch Đức Pháp Vương, nếu có nhỡ va đầu vào một cánh cửa, thông thường chúng ta lập tức nổi sân. Con cho rằng việc cảm thấy tức giận vào thời điểm đó là chuyện tự nhiên song vẫn muốn thỉnh Ngài giải thích thêm về điều này ạ!

Trả lời: Đúng, theo quan điểm của chúng ta, điều đó là rất tự nhiên (cười)! Tuy nhiên, điều đó tự nhiên nhưng không phải là tự nhiên, bạn có hiểu không? Trên thực tế, bất kể khi nào bạn trở nên tức giận với những điều này, thì theo quan điểm của tự nhiên, điều đó không tự nhiên. Nhưng theo quan điểm tương đối của chúng ta thì điều đó là tự nhiên. Đấy là những điều tôi muốn nói.

Câu hỏi: Kính bạch Ngài, nhiều người trong số chúng ta đang vật lộn với tâm linh. Có những phương thức nào tốt nhất để nhận thấy một số hoạt động không tốt của chúng ta trên thế giới phải được dừng lại? Chẳng hạn, chúng ta có nên cấm săn bắn, cấm vũ khí hạt nhân và cấm chiến tranh… Chúng ta cần cấm mọi thứ đến mức độ nào ạ?

Trả lời: Tôi không cấm điều gì cả (cười) ! Nhưng vào thời điểm hiện tại việc cấm săn bắn, hoặc cấm điều này hay điều kia là một ý tưởng rất hay. Điều này rất tốt, nhưng nó sẽ không có ích gì ! Nó không bao giờ là điều cốt yếu bởi vì mọi người cần có tri thức thực sự. Họ cần tìm ra cái đích trong chính bản thân họ, tôi sẽ nói đó là tâm linh. Có thể tôi đang nghĩ vị kỷ, nhưng họ phải ngăn cấm tất cả những điều không nên làm từ trong bản thân họ thông qua sự hiểu biết. Nếu không, tôi không biết cần phải cấm điều này hay điều kia đến mức nào. Tôi không thể trả lời được câu hỏi này nhưng dẫu sao việc phát triển tâm linh là phương thức cấm có hiệu quả nhất! “Việc cấm có hiệu quả” là sự giải thoát cho chính bạn và tạo cho bạn sự tự do. Đó là mấu chốt vấn đề ! Bạn sẽ thấy một khi chúng ta hoàn toàn giải phóng bản thân thì bạn sẽ không đi săn nữa, cũng như sẽ không làm điều gì tiêu cực. Bạn sẽ thành tựu giác ngộ như Đức Phật. Đức Phật không làm những điều vô nghĩa này bởi Ngài không có nhu cầu. Việc cấm đoán là bởi vì những hành động vô nghĩa như vậy được tạo ra từ cạm bẫy của vô minh.

Câu hỏi: Ngài có cho rằng khả năng thực hành tâm linh của chúng ta và việc vô chấp phụ thuộc vào đời sống trong quá khứ hay nghiệp không? Bởi vì dường như một số người thấy việc thực hành và cư xử theo cách này dễ dàng hơn? Điều đó có đúng không?

Trả lời: Điều này phụ thuộc rất nhiều vào sự chuẩn bị mà bạn đã làm trong đời trước hay là trong thời gian trước đây của kiếp này. Nếu ai đó trong chúng ta thấy việc thực hành tâm linh rất dễ dàng thì ắt hẳn người này đã có sự chuẩn bị trước đó. Dẫu sao, tất cả chúng ta đều đang trải qua quá trình chuẩn bị đó. Một số người phải đỉnh lễ hàng trăm, hàng triệu lần, và phải làm điều này hoặc điều kia. Tuy nhiên, nếu như bạn không hướng đến một mục đích nào thì sự thực hành tâm linh có ý nghĩa gì? Ngay lúc này, có thể có người sẽ hỏi: “Thực hành tâm linh có ý nghĩa gì? Tại sao con phải lễ lạy và đâu là ý nghĩa của việc cúng dàng Mandala hay những nghi thức như thiền định hoặc trì tụng?” Nhưng bạn có một mục đích - đó là để hiểu rằng thực sự chẳng có gì cần phải hiểu! Vậy thôi (cười) !

Câu hỏi: Hầu hết những người thực hành tâm linh đều có sự chấp thủ với các bậc Thầy. Ngài có thể chỉ dạy về vấn đề đó theo một cách tích cực không?

Trả lời: Đó là một câu hỏi khó, một câu hỏi phức tạp nhất (cười) ! Tôi sẽ cố gắng tìm một câu trả lời đơn giản. Thành thực mà nói, tôi không có chấp thủ với các bậc Thượng sư của mình. Đó là sự thật và cũng là lý do tại sao tôi không hiểu được tại sao các học trò của mình lại có sự chấp thủ với tôi lớn đến vậy. Trên thực tế, tôi không trải nghiệm theo cách đó. Khi tôi gặp bậc Thầy, ngay lập tức bậc Thầy chuyển hóa thành Đại thủ ấn (Mahamudra), Đại toàn thiện (Dzogchen) và Trung đạo (Madyamika). Vậy, không có điều gì có thể khiến tôi chấp thủ. Bởi vậy, thật khó hiểu tại sao và bằng cách nào mọi người lại chấp thủ. Tôi chỉ có thể đoán được lý do những người thực hành khác lại chấp thủ là bởi vì có thể đối với họ, bậc Thầy giống như một người bạn đồng hành. Đồng thời cũng có bậc Thầy được coi là người làm tất cả mọi điều để hoàn thành tâm nguyện của những người khác. Thật tội nghiệp! Bậc Thầy phải làm tất cả mọi điều theo ý bạn, phải trở thành người cha, người bạn, đồng nghiệp..., mọi thứ!

Thuật ngữ “Guru” có nghĩa là một người gánh nhiều trách nhiệm nặng nề trên vai. Tôi nghĩ điều này là sự thật; bậc Thầy có rất nhiều thứ phải đảm trách. Giờ phút được hạnh ngộ hay lân mẫn Ngài, bạn không nên coi Ngài như một con người thế tục, mà cần thấy Ngài là Trung đạo, là Đại toàn thiện. Khoảnh khắc mà bạn thấy hình ảnh con người phàm tục của bậc Thầy, đó là lúc bạn chấp thủ - không phải nói thêm gì nữa. Đó chính là chấp thủ và tôi nói rằng đó không phải cách hoàn toàn phù hợp để tiếp cận với bậc Thầy. Đó là lý do tại sao trong Mật thừa hay Kim Cương thừa chúng ta luôn nói rằng bậc Thầy cần được coi là Đức Phật Kim Cương Trì, Đức Phật A Di Đà hay Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Có rất nhiều cách để diễn đạt vấn đề này. Điều này thực sự có nghĩa là bậc Thầy cần được coi như lý Trung đạo hay Đại toàn thiện. Tuy nhiên, với chúng ta sẽ rất khó để ngay lúc này có thể hiểu được lý Trung đạo, Đại toàn thiện hay Đại thủ ấn là gì. Vậy, tạm thời các bạn sẽ được giới thiệu để nhìn được bậc Thầy là Đức Phật Kim Cương Trì. Điều này không có nghĩa là bậc Thầy phải có da màu xanh như hình tướng của Đức Phật, với một chiếc vương miện, cầm trong tay những vật lạ. Tôi không tin các bậc Thầy có màu xanh da trời, màu trắng hay màu đỏ (giống như Đức Phật A Di Đà). Tôi không biết là tại sao chúng ta lại thích bậc Thầy có da màu đỏ hoặc màu xanh, nhưng đó là phương tiện thiện xảo để dẫn bạn đến với Đại thủ ấn, đến ý tưởng rằng bậc Thầy là Đại thủ ấn. Đó là cách đúng đắn để tiếp cận bậc Thầy. Vậy bạn hãy luôn nhớ đừng bao giờ coi bậc Thầy là một con người. Dĩ nhiên, hiện tại thì chúng ta chưa ý thức ngay được điều đó, vì vậy, chúng ta vật lộn với suy nghĩ, nghi ngờ và nhầm lẫn rằng bậc Thầy là một người thế tục, vẫn chấp vào việc Ngài mang hình tướng loài người.

Nếu bạn đã trải qua điều đó, thì trên đây là vài lời khuyên: bậc Thầy có hình tướng của con người nhưng thực sự chỉ vì mục đích giúp bạn giác ngộ.

Rốt cuộc đó là toàn bộ vấn đề. Tôi hy vọng rằng điều này sẽ giúp một vài người trong số các bạn nhận ra và thực sự tiến bộ để trưởng dưỡng chính bạn và cuộc sống của bạn. Phật, Pháp, hay tâm linh thực ra là quá trình phát triển lối sống của con người, và tiến trình này có thể được thực hiện từ đời này sang đời khác. Đó là điều chủ yếu mà bạn phải hiểu. Bạn đừng bao giờ bám chấp vào tâm linh, tôn giáo, Trung đạo, thực hành tâm linh hay bậc Thầy. Là đệ tử, chúng ta đừng bao giờ thiên chấp mà hãy luôn cố gắng biết giữ quân bình. Đó là những gì mà tôi luôn muốn chia sẻ. Đôi khi có người nói với tôi rằng: “Ngài là người rất đặc biệt. Ngài thực sự vĩ đại !” hay thế này thế khác. Tôi không muốn nghe điều đó! Làm ơn đừng nói như vậy! Tôi muốn các bạn nói rằng: “Ngài là người rất bình thường.” Điều đó rất tốt. Tôi thích là người bình thường. Bạn nên có thái độ bình thường đối với mọi việc. Điều này rất quan trọng. Qua việc coi mọi chuyện là bình thường, bạn sẽ có khả năng trưởng dưỡng cuộc sống hàng ngày của bản thân, từ sáng đến tối, từ tối đến sáng trong vòng quay sinh tồn của bạn. Đó là những điều tôi mong muốn từ tận đáy lòng mình.

Sau khi nghe bài giảng của tôi, hoặc bạn có thể gọi là gì cũng được, sẽ có những điều đọng lại trong tâm trí khi bạn trở về nhà. Tôi cho rằng điều này sẽ hỗ trợ cho sự tiến bộ hàng ngày trong cuộc sống của bạn và giúp các bạn tìm ra cách sống trong nhân gian. Đó là mong nguyện của tôi và tôi đề nghị các bạn hãy giành thời gian suy nghĩ tường tận về những gì tôi đã nói. Nhất định điều đó sẽ có ích cho bạn. Nếu điều đó không giúp ích gì thì ít nhất nó cũng không gây hại. Đó là tất cả những gì tôi muốn nói hôm nay.

Xin cảm ơn các bạn rất nhiều và nếu như tôi vẫn hiển diện trên thế gian này, tôi mong nguyện sẽ có dịp tái ngộ các bạn vào một dịp khác. Mọi thứ không bền vững, chẳng có gì là vĩnh cửu. Có thể chúng ta sẽ gặp lại nhau hoặc có thể không, nhưng điểm cốt yếu không phải là các bạn gặp tôi bao nhiêu lần, mà là bạn phải biết suy ngẫm. Nếu bạn suy ngẫm thấu đáo về chủ đề này thì việc gặp gỡ và nghe tôi nói chỉ duy nhất một lần cũng là đủ cho cả đời này của bạn rồi. Các bạn không nhất thiết phải gặp lại tôi mà chỉ cần nói chào tạm biệt! Điều đó không quan trọng vì giáo pháp ở đâu, tôi luôn ở đó. Nếu giáo pháp và sự suy ngẫm đồng thời có mặt thì sẽ không có sự tách biệt. Nếu như bạn không suy ngẫm thì thậm chí nếu như bạn ở ngay cạnh tôi, hoặc bạn đang ngồi trên nệm của tôi hoặc tôi đến ngồi lên nệm của bạn, thì cũng không có ích gì. Sẽ chẳng có nghĩa lý gì nếu sự suy ngẫm về giáo pháp không hiện diện. Bạn phải biết sử dụng trí tuệ, phải biết quán chiếu tư duy theo pháp, và chừng nào bạn thực hành được như vậy, sẽ không bao giờ có khoảng cách hoặc vấn đề gì giữa chúng ta.

(Nguồn: “Sprituality without Religion”,
tạp chí “The Dragon”, Số mùa đông năm 2005)

Gyalwang Drukpa Xii

Theo: Thuvienhoasen

1,203

Thế nào gọi là niệm Phật Nhất Tâm bất loạn ?

Câu "Nhất tâm bất loạn" có ở trong kinh A-di-đà. Trong kinh "Di giáo" cũng có nói tới "Chế ngự tâm tại một nơi thì không có việc gì là không làm

1,124
PHẬT TÂM – LONGCHEN RABJAM

NHỮNG TRÍCH DẪN TỪ KINH ĐIỂN HIỂN BÀY PHẬT TÁNHKinh Arya-atyayjnana nói:Nước ở trong đấtVẫn trong sạch nguyên vẹn.Trong những nhiễm ô phiền não, trí huệ bổn nguyênVẫn không nhiễm ô cũng

1,096
KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA - Phẩm An Lạc Hạnh

Vị Bồ-Tát thường ưaAn-ổn nói kinh phápỞ nơi chỗ thanh-tịnhMà sắp đặt sàng tòaDùng hương dầu xoa thânTắm gội các bụi dơMặc y mới sạch-sẽTrong ngoài đều sạch thơmNgồi an nơi pháp-tòaTheo

563
GIỚI NGUYỆN ATISHA (982-1054) - GYALWANG DRUKPA

Trên phương diện tuyệt đối, giới nguyện Kim Cương thừa là cấp giới nguyện khó trì giữ bởi giữ được giới nguyện này tức là hành giả đã an trụ được trong

747
NGHIÊN CỨU TỰ NGÃ - Shohaku Okumura

“Nghiên cứu Phật đạo là nghiên cứu tự ngã. Nghiên cứu tự ngã là quên mất tự ngã. Quên mất tự ngã là được chứng nhận bởi mọi sự. Được chứng nhận

20,522
Top Bài Viết
Quan Hệ Thầy Trò
Niệm Tự Bạch

QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,

33,360
Giữ giới là lựa chọn tự do
Phật học Ứng Dụng

Giữ giới là lựa chọn tự do  Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc

32,782
Đạo Phật là gì?
Niệm Tự Bạch

Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí

32,690
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa
Tìm Hiểu & Học và Hành

Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt

32,474
Chùa Việt
Sách Đọc