Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (17)


Xem mục lục

1. Samsāra : Vòng sinh tử vô tận, bao gồm cuộc đời hiện tại này, nó tràn ngập nỗi đau khổ.

2. Một tertưn (gter-ston) hay “người khám phá kho tàng” là một hiện thân của Guru Padma-sambhava hay của một vị trong các đệ tử mà ngài đã ban cho các lễ quán đảnh và các giáo huấn ở Tây Tạng hay các nơi khác. Khi ấy trong từng thời điểm, ngài giao phó cho một trong các đệ tử của ngài để làm người trì giữ một giáo lý đặc biệt và tiên tri liên quan tới sự tái sinh trong tương lai của đệ tử và các điều kiện (duyên) nhờ đó người ấy (nam hay nữ) sẽ khám phá các giáo lý này. Như thế Guru Rinpoche đã cất dấu giáo lý, trong hình thức của một loại chữ Dākinī tượng trưng, trong các tảng đá, hồ nước v.v…, và giao cho một Hộ Pháp bảo vệ nó. Sau này, khi tới lúc các giáo lý này mang lại lợi lạc cho chúng sinh, vị tertưn sẽ có các linh kiến hay dấu hiệu chỉ rõ cách khám phá giáo lý. Trong trường hợp của “Kho Tàng Tâm,” các giáo lý không được phát hiện một cách vật lý nhưng xuất hiện trong tâm của vị tertưn nhờ sự ban phước của Guru Rinpoche. Vị tertưn đầu tiên là Sangye Lama (1000?-1080?), và năm vị tertưn “như vua” là Nyangral Nyima Ưser (1124-1192), Guru Chưwang (1212-1270), Dorje Lingpa (1346-1405), Pema Lingpa (1450-?), và Pema Ưsel Do-nga Lingpa (Jamyang Khyentse Wangpo, 1820-1892).

3. Rigdzin Jigme Lingpa (1729-1798) là một hiện thân của Đại học giả Vimalamitra, vua Trisong Detsen, Gyalse Lharje, và Ngari Panchen Pema Wangyal (xem chú thích 9), cũng như tái hiện thân trực tiếp của Rigdzin Chưje Lingpa, cũng được gọi là Dakpo Rogje Lingpa (1682-1725). Sự hiển lộ của ngài trong thế giới này đã được tiên tri bởi các đại tertưn Guru Chưwang (1212-1270), Sangye Lingpa (1340-1396), Chưling, và những vị khác.
Trong thời thơ ấu ngài đã có nhiều linh kiến về các vị thánh trong quá khứ. Năm lên sáu tuổi ngài vào tu viện Palgi Riwo, “Núi Huy Hoàng” và thọ nhận danh hiệu Pema Khyentse Ưser. Năm mười ba tuổi ngài gặp vị Guru gốc của ngài là Rigdzin Thekchog Dorje, người ban cho ngài các giáo huấn thuần thục tinh túy. Trong đời sau này Jigme Lingpa có nhiều linh kiến về vị Thầy của mình. Ngài cũng nhận lãnh các giáo huấn về các truyền thống Kama và Terma từ nhiều vị Thầy khác. Không phải nghiên cứu miệt mài, nhờ sự chứng ngộ nội tâm, ngài có thể thấu suốt và diễn đạt toàn bộ giáo lý Phật giáo. Vào năm hai mươi tám tuổi, ngài làm một cuộc nhập thất-ba năm trong ẩn thất Thigle Nyakchik, “Tinh Túy Duy Nhất,” gần Tu viện Palri, lấy Drolthik Shitro của Drodul Lingpa làm thực hành chính, và ngài có nhiều dấu hiệu thành tựu. Khi ngài đang thiền định về Hayagrīva, con ngựa trên đầu Hayagrīva hí lên, và Guru Rinpoche hiện ra với ngài và ban cho ngài danh hiệu Pema Wangchen. Rồi ngài có các linh kiến trong đó kho tàng tâm linh Longchen Nyingthig được tiết lộ cho ngài. Như được mô tả phần Dẫn nhập, ngài thực hiện cuộc nhập thất-ba năm khác tại Động Hoa ở Chimphu, phía trên Samye. Sau thời gian này, theo một linh kiến và tiên tri của Tsele Natsok Rangdrol (1608-?), ngài đi tới Tsering Jong, không xa lăng mộ của Vua Songtsen Gampo ở Chongye, và tại đó thành lập ẩn thất Pema Ưsel Thekchog Chưling, nơi vô số đệ tử đến từ khắp nơi ở Tây Tạng và các xứ lân cận. Các đệ tử chính của ngài, Jigme Trinle Ưser, Jigme Gyalwe Nyugu, Jigme Kundrol, Jigme Gocha, và những vị khác, đã truyền bá các giáo lý của ngài đến các biên giới Trung Hoa, Bhutan, và Ấn Độ.
Nhờ năng lực của lòng bi mẫn và các lời nguyện của ngài, Longchen Nyingthig của Jigme Lingpa đã trở thành một trong những giáo lý thực hành rộng lớn nhất, và vẫn còn tồn tại trong thời đại của chúng ta. Giáo khóa terma được khám phá lại cùng các tác phẩm khác của ngài đã được tuyển tập trong chín quyển sách. Trong số này có Yưnten Rinpoche Dzư, trong đó là tinh túy cô đọng của Phật đạo. Ở tuổi bảy mươi, khi đã hoàn thành tất cả các ước nguyện làm lợi lạc chúng sinh và giáo lý, ngài rời bỏ thế giới này về cõi Phật Liên Hoa Quang giữa các dấu hiệu kỳ diệu. Các tái hiện thân trực tiếp của ngài là Jamyang Khyentse Wang-po (1820-1892), hiện thể về thân của ngài; Patrul Rinpoche Orgyen Jigme Chưkyi Wangpo (1808-1887), hiện thể về ngữ; và Do Khyentse Yeshe Dorje (1800-?), hiện thể về tâm của ngài. Có năm hiện thể chính của Jamyang Khyentse Wangpo và Do Khyentse được phối hợp, trong những vị đó Jamyang Khyentse Chưkyi Lordư (1893-1959) và H. H. Dilgo Khyentse Rinpoche (1910-1991) đã hiển lộ hoạt động trùm khắp và không ngừng nghỉ vì lợi lạc của chúng sinh và giáo lý.

4. Urgyen (TT. O-rgyan): Đức Phật thứ hai, Guru Pemajungne (TT. Padma ‘Byung-gnas; Phạn. Padmākara hay Padmasambhava), vị “Đạo Sư Sinh từ Hoa Sen” là đấng phù hợp với điều tiên tri của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đã hóa hiện từ trung tâm tim của Đức Phật A Di Đà và xuất hiện một cách huyền diệu trên một hoa sen trong thân tướng của một em bé tám tuổi. Ngài dạy tất cả chín thừa, bao gồm các loại tantra khác nhau, là giáo lý Đức Phật chỉ giảng dạy hết sức hy hữu và ở mức độ thông thường.

5. Yeshe Tsogyal (TT. Ye-shes mtsho-rgyal): Công chúa xứ Karchen, hiện thể của Jetsun Drolma, người trở thành đệ tử và người phối ngẫu lỗi lạc nhất của Guru Rinpoche. Bà ghi chép hầu hết các giáo lý của Guru Rinpoche được cất dấu như các terma.

6. Palri Thekchogling (TT. dPal-ri theg-mchog-gling): Một tu viện được Tertưn Trengpo Sherap Ưser (1517-?) sáng lập ở Chongye, trong thung lũng Yarlung (ở phía đông nam Samye miền trung Tây Tạng).

7. Một trăm Bổn Tôn hòa bình và phẫn nộ (TT. Zhi-khro dam-pa rigs-rgya) tượng trưng cho các phương diện thuần tịnh của các hiện tượng và tri giác thông thường bên trong và bên ngoài. Ví dụ như, năm uẩn (sắc, thọ v.v…) là các vị Phật nam của Ngũ bộ Phật, và năm nguyên tố (đất, nước v.v…) là các vị Phật nữ của Ngũ bộ Phật.

8. Jampal She-nyen (Phạn. Manjusrīmitra): Dòng truyền thừa Đại Viên Mãn, hay Ati Yoga, bắt đầu với Phật nguyên thủy Samantabhadra (Phổ Hiền), và sau đó tiếp tục với Vajrasattva, Garab Dorje – vị Guru đầu tiên trong loài người – và Jampal She-nyen. Theo một tiên tri được ban cho trong một linh kiến của Đức Văn Thù, Jampal She-nyen đi tới gặp Guru của mình là Garab Dorje, và theo hầu ngài trong bảy mươi lăm năm. Khi Garab Dorje thành tựu thân ánh sáng và biến mất vào bầu trời, và khi Jampal She-nyen than khóc trong sự hoàn toàn tuyệt vọng thì bàn tay của Garab Dorje lại xuất hiện trong bầu trời và thả xuống cho Jampal She-nyen một cái hộp đựng các giáo huấn cốt tủy của “Ba Lời đánh vào điểm trọng yếu” (TT. Tshigs gsum gnad rdegs). Jampal She-nyen là Đạo Sư của Srī Simha, là người trở thành Đạo Sư của Guru Padmasambhava và Vimalamitra.

9. Ngari Panchen Pema Wangyal (1487-1542) (TT. mNgá-ris panchen pad-ma dbang-rgyal): Một trong năm vị hiện thể tertưn của Vua Trisong Detsen. Ngài cũng là tác giả của tác phẩm nổi tiếng Domsum Namnge (TT. sDom gsum rnam nges), nó giảng giải ba giới nguyện prāti-moksa (giải thoát cá nhân), Bồ Tát, và Mật thừa, và cách chúng tương quan với nhau.

10. Dorje Drolư (TT. rDo-rje gro-lod): Trong nhiều dịp, Guru Padmasambhava hiển lộ trong tám phương diện khác nhau, được gọi là Guru Tsen Gye (Gu-ru mtshan brgyad). Trong những phương diện này, Guru Dorje Drolư, thường cưỡi trên một con hổ cái, là một thân tướng phẫn nộ mà Guru Rinpoche đã hiển lộ khi điều phục các thế lực tiêu cực và khi cất dấu vô số kho tàng tâm linh ở Paro Tak-tsang và các nơi khác.

11. Damchen Dorje Lekpa (TT. Dam-can rdo-rje legs-pa): Cùng với Mamo Ekajatī và Rāhula, Damchen Dorje Lekpa là một trong ba Hộ Pháp chính của truyền thống Nyingma.

12. Yidam (TT. yi-dam): Trong ba cội gốc – Lama, Yidam, và Khandro – Yidam hay Bổn Tôn bảo hộ, là cội gốc của thành tựu tâm linh. Đó có thể là một Bổn Tôn hòa bình hay phẫn nộ được (hoặc không được) vây quanh bởi một mạn đà la và một đoàn tùy tùng, mà người ta thiền định. Tính chất tượng trưng của nó được giải thích trong các thực hành liên quan. Bài kệ được Damchen Dorje Lekpa nói ra là một bài kệ cầu nguyện “Sampa Lhundrup”, bài nguyện “Sự Hoàn thành Tự nhiên Mọi Ước nguyện”, được tìm thấy trong terma của Rigdzin Gưdem.

13. Núi Huy Hoàng Màu-Đồng-Đỏ (TT. Sangdo-palri [Zang mdog dpal ri]): Cõi Cực Lạc của Guru Padmasambhava, trên tiểu lục địa Ngayab, ở hướng tây nam.

14. Jarungkashor (TT. Bya-rung bka’-shor): Tháp (stupa) nổi tiếng được một người đàn bà nuôi gà vịt và bốn con trai của bà xây dựng ở Nepal để bảo vệ một vài xá lợi của Đức Phật Ca Diếp (xem Huyền thoại của Đại Bảo Tháp). Bốn người con trai này, do năng lực của sự cầu nguyện họ đã thực hiện sau khi hoàn thành công trình, đã được tái sinh là Guru Padmasambhava, Tu viện trưởng Sāntaraksita, Vua Trisong Detsen, và Ba Mi Trisher (một thượng thư Phật tử).

15. Dākinī (TT. khandro [mkha-’gro]) là phương diện nữ, tượng trưng cho trí tuệ của tánh Không. Theo nghĩa đen, khandro có nghĩa là “người du hành trong pháp giới,” và biểu thị việc chuyển động trong phạm vi trí tuệ.

16. Vua Trisong Detsen (790-844) (TT. Khri-srong ldeu-btsan): Pháp Vương vĩ đại, người đã thỉnh cầu Tu viện trưởng Sāntaraksita (TT. Shi-watso) – cũng được gọi là Khanchen Bodhisatto – và Guru Padmasambhava từ Ấn Độ để xây dựng tu viện Samye và thiết lập Phật giáo Tây Tạng. Sau đó, ngài cầu thỉnh một trăm lẻ tám đại học giả Ấn Độ dưới sự dẫn dắt của Vimalamitra để dịch thuật tất cả các Kinh điển Phật giáo sang tiếng Tây Tạng, đồng thời với số học giả Tây Tạng tương tự do ngài Vairocana hướng dẫn. Cùng với hai mươi lăm đệ tử chính yếu khác của Guru Rinpoche, ngài nhận lãnh lễ quán đảnh đầu tiên do Guru Rinpoche ban cho ở Tây Tạng, tại tu viện Samye Chimphu. Về sau, ngài liên tiếp tái sinh làm nhiều vị thánh và tertưn vĩ đại, trong đó có Rigdzin Jigme Lingpa và Jamyang Khyentse Wangpo.

17. Samantabhadra (TT. Kun-tu bzang-po): Đức Phật Phổ Hiền, Phật nguyên thủy, là đấng khi hiển lộ từ nền tảng nguyên thủy, đã trở thành một vị Phật nhờ nhận ra sự sanh khởi này không là gì khác hơn là sự phô diễn của tự tánh ngài. Vì thế ngài không trở thành một vị Phật nhờ sự tích tập công đức và trí tuệ – nghĩa là, nhờ nguyên nhân và hoàn cảnh (nhân và duyên).

18. Rāhula (TT. gZa’): xem chú thích 11.

19. Đấng Bi Mẫn Vĩ Đại (TT. Thugs-rje chen-po): Một danh hiệu phổ biến của Đức Quán Thế Âm (TT. sPyan ras gzigs; Phạn. Avaloki-tesùvara), vị Phật của lòng bi mẫn.

20. Samye (TT. bSam-yas): Tu viện đầu tiên ở Tây Tạng do Guru Padmasambhava xây dựng, nơi những Kinh điển Phật giáo được dịch ra tiếng Tây Tạng và là nơi Guru Rinpoche ban nhiều giáo lý và những lễ nhập môn sâu xa.

21. Kunkhyen Longchen Rabjam (1308-1363) (TT. Kunmkhyen klong-chen rab-’byams): Bậc xuất sắc nhất trong tất cả các học giả và các vị thánh Nyingmapa, người đầu tiên biên soạn các ý nghĩa của mười bảy tantra của Ati Yoga (rDzogs-chen rgyud bcu-bdun), trong tác phẩm nổi tiếng Bảy Kho Tàng (mDzod-bdun) của ngài, nó cũng chứa đựng một trình bày hoàn hảo về chín thừa. Trong các linh kiến, ngài gặp Guru Rinpoche và Khandro Yeshe Tsogyal, và bản thân ngài đã đạt tới cấp độ của Đức Phật nguyên thủy Samantabhadra (Phổ Hiền).

22. Vimalamitra (TT. Dri-me she-nyen [Dri-med bshes-bsnyen]): Học giả vĩ đại người Ấn Độ, hiện thân của Đức Văn Thù, vị Phật của trí tuệ, và là đệ tử của Srī Simha và Jnānasūtra. Ngài tới Tây Tạng, phô diễn vô số điều huyền diệu, và hướng dẫn các học giả Ấn Độ tham dự vào việc dịch thuật Kinh điển Phật giáo. Sự truyền dạy các giáo lý Dzogchen của ngài, Vima Nyingthig, được phó thác cho Nyang Wen Tingdzin Zangpo (Nyang-wen ting-’dzin bzang-po).

23. Drati Rikpe Dorje, vị “yogi khùng điên ở Kongpo” (TT. bKra-ti rig-pa’i rdo-rje): Một hiện thể của Gelong Namkhe Nyingpo (Nam-mkha’i snying-po), một trong những người lỗi lạc nhất trong hai mươi lăm đệ tử của Guru Rinpoche. Ngài là đệ tử thân cận của Jigme Lingpa. Ngài cũng thỉnh cầu Jigme Lingpa sáng tác bài cầu nguyện nổi tiếng về “Nền tảng, Con Đường và Quả” của Đại Viên Mãn.

24. Đại Viên Mãn hay Đại Toàn Thiện (TT. rDzogs-pa chen-po): Thừa thứ chín và tối hậu. Nó ám chỉ sự thuần tịnh nguyên thủy của tất cả các hiện tượng và sự hiện hữu tự nhiên các phẩm tính của Phật trong tất cả chúng sinh. Nó được gọi là Đại Viên Mãn bởi mọi hiện tượng được bao gồm trong sự viên mãn nguyên thủy này. Đại Viên Mãn có ba dòng truyền thừa chính: dòng Khandro Nying-thig (mKha-’gro snying-thig), đến từ Guru Rinpoche; dòng Vima Nyingthig (Bi-ma snying-thig), đến nhờ Vimalamitra; và Vairo Nying-thig (Bai-ro snying-thig), đến nhờ Vairocana.

25. Kinh mạch: Các mạch vi tế (TT. rtsa), trong đó luân chuyển các năng lực khác nhau (rlung) của thân thể, các năng lực chuyên chở dọc theo những mạch này các tinh chất trắng và đỏ (thig-le). Trong trạng thái mê lầm, ba thứ này được liên kết với ba độc là tham, sân và si; trong trạng thái trí tuệ chúng được liên kết với ba kāya (ba thân) (xem chú thích 29).

26. Tư thế bảy điểm của Vairocana (TT. rNam-snang chos bdun):
(1) Chân xếp chéo trong tư thế kim cương, chân phải ở trên chân trái.
(2) Hai bàn tay nắm lại thành nắm đấm, với ngón tay cái ép vào gốc ngón thứ tư, được đặt trên bắp đùi nơi khớp nối với xương chậu và khuỷu tay khi ấy được khóa chặt lại. (Hai biến thể của tư thế này là đặt lòng bàn tay ngửa lên, tay phải trên tay trái nơi chỗ trũng, với khuỷu tay hướng về phía sườn, hoặc đặt cả hai lòng bàn tay úp xuống, thư giãn, trên đầu gối.)
(3) Hai vai giương ra và hơi ngả về phía trước.
(4) Xương sống cần giữ thẳng, “giống như một cọc tiền vàng.”
(5) Cằm hơi gập xuống hướng về cổ họng.
(6) Đầu lưỡi nên uốn cong lên chạm vào vòm miệng.
(7) Mắt nên giữ bất động tập trung vào một khoảng cách bằng bề rộng mười hai ngón tay ở phía trước đầu mũi, không nháy mắt.

27. Nước có tám phẩm tính (TT. chu yan-lag brgyad ldan): Nước mát, ngọt, thanh, dịu, trong, tinh khiết, và làm dạ dày khó chịu cũng không làm đau cổ họng.

28. Tám thức:
(1) Thức căn bản không có tính quyết định và vô định hình, đã bị vô minh che chướng, nhưng không có tính quyết định đối với thiện hạnh và ác hạnh.
(2-6) Thức liên kết với mỗi một trong năm giác quan.
(7) Ý thức hay nhận thức về các thức.
(8) Mạt na thức là thức bị ô nhiễm chủ yếu là bởi các phiền não (Phạn. klesùas).
Sáu thức đầu không tích tập nghiệp, trong khi hai thức sau thì có.

29. Các kāya: Các phương diện khác nhau của Phật Quả. Ta nhận ra hai, ba, bốn, hay năm kāya.
Hai kāya: Dharmakāya (Pháp Thân), thân tuyệt đối; và Rūpakāya (Sắc thân), thân sắc tướng.
Ba kāya: Dharmakāya hay thân tuyệt đối ; Sambhogakāya (Báo Thân), hay thân hỉ lạc thiêng liêng; và Nirmānakāya (Hóa Thân), hay thân hiển lộ. Các thân này tương ứng với tâm ngữ, và thân của một vị Phật Giác ngộ và được biểu lộ như năm trí tuệ.
Bốn kāya: Svabhāvikakāya, hay thân cốt tủy, được thêm vào cho ba kāya và tượng trưng cho tính bất khả phân của chúng.
Năm thân: đối với ba kāya, người ta thêm vào Avikāravajrakāya, “Thân Kim cương bất biến,” và Abhisambodhikāya, “Thân Toàn Giác.”

30. Các trường phái và dòng truyền thừa: Tám trường phái đầu được gọi là “tám thừa của dòng thành tựu,” trong khi trường phái thứ chín là Geluk cũng được gọi là Kadam Sarpa, Tân Kadam. Các chi tiết về tám thừa này có thể được tìm thấy trong tuyển tập Damnga Dzư (TT. gDams-ngag mdzod), trong đó các giáo huấn chính yếu của tám dòng này đã được ngài Jamgưn Kong-trul Lodrư Thaye (’Jam-mgon kong-sprul blo-gros mtha-yas) thâu thập lại thành mười tám quyển.

31. “Xứ sở của Đấng Cao Quý” (Phạn. Āryāvarta) ám chỉ xứ Ấn Độ, được gọi như thế vì ở nơi đó Đức Phật đã sống và thành tựu sự Giác ngộ.

32. Tīrthika nghĩa đen là “những người cư ngụ trên bờ sông,” như nhiều nhà khổ hạnh người Ấn Độ hoặc sống gần các bờ những con sông linh thiêng hoặc thường đi hành hương tới đó. Nói rộng ra, thuật ngữ này ám chỉ một người trung thành với bất kỳ lý thuyết nào khác hơn là Phật Pháp.

33. Ba lời nguyện (TT. sdom gsum) :
(1) Các lời nguyện prātimoksa liên quan tới tất cả các giới luật cư sĩ và tu sĩ về hạnh kiểm đạo đức được Đức Phật giảng dạy trong Luật.
(2) Các giới nguyện bodhisattva (Bồ Tát) trong thực chất là ước nguyện phát triển, nuôi dưỡng, và giữ gìn giới nguyện để hồi hướng mọi tư tưởng, lời nói, và hành động của ta độc nhất vì lợi lạc của những người khác. Một cách tương đối, các giới nguyện này có nghĩa là sự thực hiện lòng từ ái, lòng bi mẫn, và sáu ba la mật, cuối cùng dẫn dắt tất cả chúng sinh tới sự Toàn Giác.
(3) Các giới nguyện samaya là các mối liên hệ có tính chất nghi lễ được tạo nên khi một đệ tử phụng sự một Đạo Sư tâm linh và nhận từ ngài một lễ nhập môn. Mặc dù có nói rằng có một trăm ngàn samaya trong Mật thừa, chúng có thể được cô đọng lại thành các samaya liên quan với thân, ngữ, và tâm của Guru.

34. Bardo hay “trạng thái trung gian” thường ám chỉ trạng thái và khoảng thời gian xảy ra giữa cái chết và sự tái sinh kế tiếp. Chính xác hơn, người ta có thể nhận thức sáu bardo: bardo ï sinh ra và đời sống, bardo thiền định, bardo giấc mộng, bardo vào lúc chết, bardo bản tánh tuyệt đối, và bardo khi tìm kiếm một hiện hữu mới.

35. Thanh Văn và Phật Độc Giác, “những bậc nghe” và “những đấng tự mình thành Phật,” tạo thành Tăng đoàn hay cộng đồng của Tiểu thừa.

36. Ba nơi chốn hay các mặt phẳng trong không trung, trên mặt đất, và dưới lòng đất.

37. Ở đây cũng như ở chỗ khác, các bài kệ cốt lõi được bàn rộng nhờ luận giải do Đức Dilgo Khyentse Rinpoche ban cho.

38. Năm bộ Phật: Pháp Thân, trạng thái tuyệt đối, tự biểu lộ thành năm trí tuệ và năm bộ Phật – Phật bộ, Kim Cương bộ, Bảo Sanh bộ, Liên Hoa bộ, và Nghiệp bộ – của Báo Thân, thân vi tế của sự hỉ lạc thiêng liêng. Chỉ có chư Phật giác ngộ mới hoàn toàn nhận thức được Báo Thân này. Chư vị Bồ Tát an trụ trong một trong mười cấp bậc hay bhūmi (địa) nhận thức được một phần.

39. Mười hai nhánh giáo lý :
(1) mdo-sde: Các kinh điển trong đó ý nghĩa cô đọng (mdor-bsdus) được sắp xếp thành các tiết đoạn (sde).
(2) dbyangs-bsnyad: trong đó các giáo lý trước đây được trình bày trong một cách thức rất chi tiết và bằng văn xuôi, thì nay được tuyên thuyết (bsnyad) thành các bài thi kệ (dbyangs).
(3) lung-bstan: trong đó các tiên tri được ban cho liên quan tới các thời đại tương lai.
(4) tshigs-bcad: là loại được viết thành kệ từ lúc đầu.
(5) chad-du brjod-pa: các giáo lý được trình bày (brjod-pa) có chủ đích (chad-du) để giữ gìn giáo thuyết, mà không có bất kỳ ai đặc biệt thỉnh cầu chúng.
(6) gleng-gzh: trong đó các giáo lý phức tạp được ban cho trên nền tảng (gzhi) của một thuyết giảng (gleng) đã được ban cho như một giới luật theo sau một vài hành động không đúng đắn do người nào đó mắc phạm.
(7) rtogs-brjod: trong đó các câu chuyện được Đức Phật kể lại về những hành vi đương thời do những người khác làm.
(8) de lta-bu byung-ba: ý nghĩa đã xảy ra như vậy, trong đó thuật lại các câu chuyện trong quá khứ.
(9) skye-rabs: trong đó thuật lại những chuỗi (rabs) những sự sinh ra đời (skye) trong quá khứ của Đức Phật khi Ngài là những vị Bồ Tát.
(10) shin-tu rgyas-pa: trong đó các giáo lý rộng lớn và sâu xa được trình bày cực kỳ chi tiết.
(11) rmad-byung: trong đó trình bày các giáo lý kỳ diệu và phi thường chưa bao giờ được tiết lộ trước đó.
(12) gtan la dbab-pa: trong đó ý nghĩa của Luật và Kinh được thiết lập với sự chính xác nhờ các phân loại (rab-dbye) về các uẩn, các nguyên tố (đại), các chủ thể và đối tượng của sự nhận thức, và các Pháp khác về luân hồi sinh tử; sự mô tả (rnam-bzhag) các giai đoạn, con đường, các sự thiền định, và các Pháp khác của con đường; sự liệt kê (rnam-grangs) về các kāya (thân), các trí tuệ, và các Pháp khác về quả.

40. Năm kāya: Xem chú thích 29.

41. Kama (TT. bKa’-ma): Sự khẩu truyền dài, được truyền lại không đứt đoạn từ thời Đức Guru Rinpoche. Nó bao gồm các sự thực hành chính, các nhập môn, giáo huấn, và các luận giảng của truyền thống Nyingma. Trước tiên nó được tập hợp thành một tuyển tập các giáo lý bởi Minling Terchen Gyurme Dorje (cũng được gọi là Rigdzin Terdak Lingpa; TT. Rig-’dzin gter-bdag gling-pa [1646-1714]), vị tertưn và sáng lập vĩ đại của Mindroling (TT. smin grol gling) và đã được trao truyền như thế mãi cho tới thời đại của chính chúng ta. Được kể đến là dòng truyền thừa dài, so với dòng ngắn hay trực tiếp của Terma.

42. Xem chú thích 30.

43. Trekchư và thưgal (TT. khregs-chod và thod-rgal): Những thực hành về việc cắt đứt tính vững chắc của sự bám chấp và về cái thấy trực tiếp, hai thực hành này liên quan tương ứng với sự thuần tịnh nguyên thủy (ka-dag) và sự thành tựu tự nhiên (lhun-drup).

44. Yeshe Lama (TT. Yeshes bla-ma): Các giáo lý từ Longchen Nyingthig trình bày các thực hành trekchư và thưgal.

45. Bốn hoạt động (TT. las-bzhi): Làm an định (tức tai), làm tăng trưởng (tăng ích), làm chủ (kính ái), và làm hàng phục với sự phẫn nộ (hàng phục).

Xem mục lục