Con xin tán dương Bồ tát Mạn thù, tướng mạo trẻ trung.
1. Với lòng tôn kính
con xin tán dương
Phật, là những đấng
đại hùng của khắp
mười phương ba thời;
Pháp, là giáo pháp
do Phật truyền lại;
Tăng, là những vị
bước theo Phật Pháp.
Đáp lời thỉnh cầu
đệ tử cao trọng
tên Jangchub O,
con xin thắp sáng
ngọn đèn soi đường
dẫn đến giác ngộ.
2. Căn cơ người tu
vốn có ba loại
thấp, vừa và cao,
Vì vậy thầy sẽ
nói rõ căn cơ
của từng loại người.
3. Có người vận dụng
đủ loại phương tiện
để tìm cho mình
lạc thú thế gian,
những người như vậy
là bậc sơ căn.
4. Lại có người vì
an lạc cá nhân
mà từ bỏ hết
lạc thú thế gian,
hết thảy ác nghiệp,
họ đều không làm,
những người như vậy
là bậc trung căn.
5. Lại có những người
đã từng phải chịu
rất nhiều khổ não
nên mang tâm nguyện
tận diệt khổ đau
cho mình, cho người,
những người như vậy
là bậc thượng căn.
6. Vì bậc thượng căn
hướng về thượng Pháp,
thầy sẽ nói về
phương tiện tuyệt hảo
do các đạo sư
ân cần truyền dạy.
7. Đối trước tranh vẽ
hay trước hình tượng
của đấng vô thượng
chánh đẳng chánh giác,
đối trước bảo tháp
và trước kinh điển,
các con hãy tùy
khả năng bày biện
hương hoa cúng dường.
8. Thành tâm hiến cúng
Thất chi Phổ hiền
theo hạnh nguyện vương,
lập chí kiên quyết
nguyện không quay lại
nếu chưa đến được
bến bờ nẻo giác.
9. Lòng tin kiên định
đặt nơi Tam bảo,
hãy quì một chân,
và chắp hai tay,
đọc câu phát nguyện
qui y ba lần.
10. Rồi hãy để cho
tâm Từ rộng mở,
yêu thương hết thảy
các loài chúng sinh.
Nhìn rõ chúng sinh
vướng trong khổ não,
khổ trong ác đạo,
khổ vì sinh tử.
Hãy nhìn cùng khắp,
đừng sót một ai.
11. Vì mong chúng sinh
thoát hết tất cả
khổ khổ, hoại khổ
cùng với hành khổ,
thoát cả nguyên nhân
tạo nên nỗi khổ,
nên lập đại nguyện
phát tâm bồ đề
quyết không thoái chuyển.
12. Phát tâm như vậy
mang ý nghĩa gì,
đều đã được đức
Di lạc Từ tôn
giải thích rõ trong
Kinh Thân Tỏa Rộng.
13. Nhờ đọc kinh này,
hay nhờ nghe giảng,
mà hiểu tường tận
lợi ích vô lượng
phát tâm bồ đề.
Hiểu rồi phải gắng
liên tục phát tâm,
cho tâm bồ đề
ngày thêm tỏa rạng.
14. Trong bộ Vira-
datta Vấn Kinh
có giải thích về
công đức bồ đề.
Nay thầy nói lại
tóm lược ý kinh.
15. Công đức bồ đề
nếu như có thân,
thân ấy nhất định
đầy ắp không gian,
và còn tỏa rộng
quá hơn vậy nữa.
16. Ai mang châu báu
lấp đầy cõi Phật
nhiều bằng số cát
có trong sông Hằng
để mà hiến cúng
chư Phật Thế tôn,
17. thì công đức ấy
vẫn không thể sánh
với đôi tay chắp
tâm hướng bồ đề,
vì công đức này
bao la vô tận.
18. Tâm nguyện bồ đề
một khi đã phát,
phải hằng ghi nhớ
phát triển không ngừng;
đời này kiếp sau
không bao giờ xa
giới hạnh bồ tát.
19. Nhưng tâm bồ đề
sẽ không phát sinh
nếu không dấn thân
phát tâm thọ giới.
Vậy con hãy gắng
thọ giới bồ tát
cho bồ đề tâm
bắt rễ đâm chồi.
20. Muốn đủ điều kiện
thọ giới bồ tát
thì phải thọ giữ
một trong bảy bộ
giới ba la đề (Praktimosha).
21. Chư Như lai thuyết
về bảy bộ giới,
cao nhất là giới
dành cho tỷ kheo
và tỷ kheo ni.
22. Làm theo lời kinh
Thập Địa Bồ Tát
trong chương “Giới Luật”,
con hãy đi tìm
vị thầy có đủ
khả năng truyền giới.
23. Thầy đủ khả năng
phải là vị thầy
khéo biết nghi thức
truyền giới bồ tát,
trang nghiêm giới hạnh,
đầy đủ tự tín
và tâm từ bi
truyền giới cho người.
24. Nếu tìm không gặp
vị thầy như vậy,
vẫn còn một cách
thọ giới bồ tát.
25. Trong Kinh Trang Nghiêm
Văn Thù Tịnh Độ
có kể tường tận
câu chuyện xưa kia
khi ngài Văn thù
còn là quốc vương
Am-ba-ra-da [Ambaraja],
đã từng phát tâm
theo phương pháp này.
Bây giờ thầy sẽ
giải thích rõ ràng
phương pháp phát tâm
đúng theo như vậy.
26. “Con xin đối trước
các bậc Hộ pháp,
nguyện xin phát tâm
vô thượng bồ đề.
Mời chúng sinh về
chứng giám cho con.
Nguyện sẽ quảng độ
chúng sinh thoát khỏi
ràng buộc luân hồi”.
27. “Từ nay đến ngày
con đạt giác ngộ,
nguyện từ bỏ hết
tâm lý ô nhiễm,
ác ý, giận dữ
keo bẩn, ganh ghen.
28. “Nguyện giữ giới hạnh
từ bỏ ác, tham,
vui việc giữ giới
nối gót chư Phật.
29. “Nguyện không vì mình
mà ham mau chóng
thành tựu giác ngộ.
Nguyện luôn ở lại
làm người sau cùng.
30. “Nguyện sẽ làm sạch
vô lượng cõi giới,
làm nên tịnh độ
không thể nghĩ bàn.
nguyện vì những ai
gọi đến tên con,
mà khắp mười phương
con đều có mặt.
31. “Nguyện làm thanh tịnh
hết thảy ác nghiệp
từ thân ngữ ý
mà phát sinh ra.
mọi việc bất thiện,
con đều không làm.
trang nghiêm giữ gìn
giới hạnh bồ tát.”
32. Lấy tâm bồ đề
mà khéo giữ gìn
ba loại giới luật,
tâm sẽ kiên định
vững tin nơi giới.
Đây chính là nhân,
khiến thân ngữ ý
trở nên thanh tịnh.
33. Bồ tát phát tâm,
kiên trì giữ giới,
sẽ gom đầy đủ
tất cả tư lương
thành tựu bồ đề.
34. Chư Phật dạy rằng
nhân duyên giúp ta
gom đủ phước, tuệ,
chính là thần thông.
35. Tựa như chim non
không thể cất cánh
vút lên trời rộng;
người thiếu thần thông
không thể làm việc
lợi ích chúng sinh.
36. Chưa đạt thần thông
dù tu trăm kiếp,
được bao công đức
vẫn không thể sánh
công đức một ngày
khi có thần thông.
37. Ai muốn nhanh chóng
tích lũy phước, tuệ,
thành tựu viên mãn
vô thượng bồ đề,
thì đừng biếng nhác,
siêng tu lục thông.
38. Muốn đạt thần thông,
tâm phải an trụ.
Vậy phải không ngừng
nỗ lực tu chỉ [samatha].
39. Nhân duyên tu chỉ
nếu chưa gom đủ
thì dù tọa thiền
kiên trì vạn năm
vẫn không thể nào
khiến tâm an trụ.
40. Vậy phải cố gắng
gom đủ nhân duyên
như đã ghi trong
Công Đức Thiền Chỉ.
Hãy chọn đề mục
để mà nhiếp tâm.
41. Bao giờ đạt chỉ
sẽ đạt thần thông.
Nhưng nếu thiếu tuệ,
vẫn chẳng thể nào
tận diệt tất cả
các loại chướng ngại.
42. Muốn dẹp tất cả
chướng ngại ngăn che
giải thoát, giác ngộ,
phải luôn tu tuệ
phối hợp cùng với
phương tiện thiện xảo.
43. Tuệ thiếu phương tiện,
phương tiện thiếu tuệ
đều thành dây trói
ràng buộc luân hồi.
Vì vậy cần phải
phối hợp cả hai.
44. Để tan nghi vấn
về ý nghĩa của
trí tuệ, phương tiện,
thầy sẽ nói rõ
về sự khác biệt
giữa hai điều này.
45. Chư Phật dạy rằng
ngoài hạnh thứ sáu
là Tuệ Toàn Hảo,
năm hạnh còn lại,
kể từ hạnh Thí
cho đến hạnh Định
đều là phương tiện.
46. Lấy tâm thuần thục
phương tiện thiện xảo
để mà tu tuệ
sẽ chóng thành tựu
vô thượng bồ đề;
chứ không thể dựa
vào quán vô ngã
mà thành tựu được.
47. Thấy uẩn, giới, xứ
đều là vô sinh,
nhờ đó chứng được
tất cả các pháp
đều không tự tánh:
đó là trí tuệ.
48. Nếu như tự tánh
của một vật gì
là thật sự có
thì chính vật ấy
vốn không làm sao
có thể phát sinh.
Nếu như tự tánh
của một vật gì
là thật sự không
thì giống như hoa
hiện ra giữa trời,
vốn không có gì
để mà nói tới.
Cả hai điều này
phi lý như nhau.
Sự vật khởi sinh
vốn không như vậy.
49. Sự vật sinh ra
không phải tự sinh;
cũng không phải do
yếu tố bên ngoài
mà phát sinh ra;
cũng không phải từ
hai điều nói trên
mà phát sinh ra;
cũng không phải là
không có nguyên nhân
mà phát sinh ra.
Sự vật sinh ra,
vốn không tự tánh.
50. Quán chiếu tận tường
tất cả các pháp
xem là đồng nhất
hay là dị biệt,
sẽ không thể thấy
có một pháp nào
hiện hữu độc lập.
Nhờ đó thấy rõ
các pháp hoàn toàn
không có tự tánh.
51. Bảy Mươi Luận Tụng
nói về tánh Không
hay Luận Trung Quán
của ngài Long thọ
đều giải thích rằng
chân tánh các pháp
chính là tánh Không.
52. Biển luận văn này
vô cùng phong phú
thầy không thể trích
hết cả ra đây,
chỉ xin tóm lược
đôi câu kết luận
xác định tông môn,
tiện cho các con
thiền quán tu hành.
53. Quán về vô ngã,
thấy ra sự vật
không có tự tánh:
đó là tu tuệ.
54. Vận dụng trí tuệ
quán chiếu vạn pháp,
sẽ không thể thấy
pháp có tự tánh.
Tương tự như vậy,
quán chiếu trí tuệ
sẽ thấy tuệ này
cũng không tự tánh.
Các con hãy gắng
siêu việt khái niệm
mà quán như vậy.
55. Toàn bộ cõi sống
do tâm khái niệm
mà phát sinh ra,
vì vậy cõi sống
vốn thật chỉ là
khái niệm phân biệt.
Tách lìa phân biệt
là đại niết bàn
56. Đức Phật nói rằng
khái niệm phân biệt
là đại vô minh,
ném chúng ta vào
luân hồi sinh tử.
Tách lìa phân biệt,
trụ trong vô niệm,
khi ấy cảnh giới
siêu việt khái niệm
tựa như không gian
hiện ra trong sáng.
57. Trong Đà la ni
Nhập Tâm Vô Niệm,
Đức Phật dạy rằng;
“Nếu chư bồ tát
lìa tâm phân biệt
để mà quán chiếu
thì dù khái niệm
khó vượt đến đâu
cũng sẽ từng phần
vượt qua được cả,
bước vào cảnh giới
siêu việt khái niệm.
58. Nhờ văn và tư,
hiểu rằng các pháp
không từng khởi sinh,
không có tự tánh,
khi ấy các con
từ sự hiểu này
tu thiền chỉ quán
siêu việt khái niệm.
59. Quán chiếu cảnh giới
chân thật như vậy
sẽ tiến từng phần
trên đường giác ngộ
thành tựu “nội hỏa”
thành tựu “đại lạc”
cùng những điều khác.
Rồi chẳng bao lâu
sẽ thành tựu được
vô thượng bồ đề.
60. Nếu muốn dễ dàng
tích đủ phước tuệ
thành tựu bồ đề,
có thể nương nhờ
năng lực minh chú,
hành trì các pháp
hàng phục, tăng trưởng.
61. Đồng thời nương vào
năng lực của tám
thành tựu vĩ đại,
hay thành tựu khác,
như là “Bình Quí”,
nếu muốn bước vào
con đường tu Mật,
thuận theo hành mật
và thiện xảo mật
62. Và nếu muốn nhận
đại pháp quán đảnh
Đạo sư Kim Cang,
phải đối với Thầy
hết lòng tận tụy,
phụng sự, cúng dường,
chăm chỉ làm theo
những điều Thầy dạy.
63. Đạo sư hoan hỉ
ban cho đại pháp
Quán Đảnh Đạo Sư,
bấy giờ tất cả
ác nghiệp chướng ngại
đều tiêu tan cả.
tâm sáng thanh tịnh,
đồng vị niết bàn.
64. Trong Đại Mật Kinh
Đức Phật Bản Lai
hết lòng nghiêm dạy
các vị tỷ kheo
và tỷ kheo ni
giữ giới thuần tịnh
tuyệt đối không được
nhận hai mật pháp
quán đảnh kín mật,
quán đảnh trí tuệ.
65. Là người giữ gìn
phạm hạnh thanh tịnh
mà nhận hai pháp
quán đảnh nói trên
là phá giới hạnh.
66. Nếu như đang giữ
phạm hạnh nghiêm mật
mà nhận pháp này
là phá hủy giới,
sa đọa trầm luân
tận cùng ác đạo,
không thể có được
chút thành tựu nào.
67. Tuy vậy nếu là
nhận pháp quán đảnh
Đạo Sư Kim Cang
thể hội chân như
thì vẫn có thể
nghe giảng mật pháp,
hay tự mình giảng,
thi hành nghi lễ
thiết lập đạo tràng,
cúng lửa, sám hối,
mà không phạm lỗi.
68. Thầy là trưởng tử
Shri Dipamkara,
đã học điều này
từ nơi kinh luận.
Vì lời yêu cầu
Của Jangchub O
mà viết ra đây
bài giảng ngắn gọn
vạch ra con đường
tuần tự giác ngộ.
Đến đây chấm dứt bài kệ Đèn Soi Đường Giác Ngộ do đại đạo sư Atisha Dipamkara Shri Jnana soạn và đích thân dịch sang Tạng ngữ với sự góp sức của vị tỷ kheo dịch giả người Tây tạng tên Geway Lodro. Bài pháp này được viết tại tu viện Tholing ở Zhang Zhong.
Hồng Như Thubten Munsel chuyển Việt ngữ tháng 07/2005, dựa trên bản dịch Anh ngữ của Dr. Thubten Jinpa trong Illuminating the Path (tác giả: đức Đalai Lama, xuất bản: Thubten Dhargye Ling Archive, Long Beach, California), tham khảo với bản dịch của Ruth Sonam.
CÁC KHÁI NIỆM CHỦ YẾUTRONG PHẬT GIÁO Fabrice Midal(Hoang Phong chuyển ngữ) Lời giới thiệu của người dịch : Trong một quyển sách nhỏ « Phật Giáo Nhập Môn » (ABC du Bouddhisme,
Trong việc nghiên cứu Phật Pháp, chúng ta cần hiểu rằng có một cách thế đúng đắn để thực hiện điều đó. Khi bạn nghe giảng những giáo lý Phật giáo này,
Bồ Đề Tâm và Chấp ThủCó rất nhiều loại cảm xúc khác nhau, và chúng đều là sự phóng chiếu của tâm. Các cảm xúc vốn không tách rời khỏi tâm, nhưng
Với atiyoga chúng ta đến đỉnh điểm của những con đường chứng ngộ: Dzogchen, hay “toàn thiện toàn thể”, con đường đặc trưng của nó đặt nền trên hiểu biết của tự
Khuê Thất Đế Thành (圭室諦成, Tamamuro Taijo)I. Tìm cầu chân lý** Thời đại của Đạo NguyênĐạo Nguyên (道元, Dogen) ra đời vào năm 1200 (niên hiệu Chánh Trị [政治] thứ 2). Vậy thì
QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,
Giữ giới là lựa chọn tự do Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc
Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt