Kinh Lăng Nghiêm dạy, Như Lai Tạng thì trùm khắp pháp giới, tùy theo nghiệp chúng sanh mà ứng hiện, Như Lai Tạng ứng hiện ra thất đại: đất, nước, gió, lửa, thức không, kiến; là toàn thể thế giới vật chất mà chúng ta đang sinh sống hoạt động bằng thân tâm này đây.
Nhưng tại sao lại có chúng sanh ở trong mê lầm và có những vị Phật hoặc đệ tử của ngài giác ngộ? Nguyên do, Như Lai Tạng thì luôn luôn ứng hiện ra thất đại, còn chúng sanh trên thất đại sanh tâm nắm bắt chia chẽ phân biệt cho nên “Tri kiến lập tri tức vô minh bổn” trên thấy biết mà lập thấy biết, trở thành vô minh và cứ như thế xoay vòng từ đời này qua đời khác, luân hồi trong sanh tử. Còn Phật và các vị Bồ Tát thì thấy cái toàn thể, tất cả là Như Lai Tạng, Như Lai Tạng vốn giải thoát cho nên dù ứng hiện ra thế giới hình tướng như thế nào nó cũng giải thoát, tánh giải thoát thì tướng cũng giải thoát.
Từ nguyên lý này, chúng ta sẽ thấy tại sao Đại Thừa Phật giáo lại có rất nhiều tông phái? Vì tất cả đều lưu xuất từ Như Lai Tạng, tông phái là phương tiện để trở về, mà phương tiện ngay lúc đầu nó cũng chính là cứu cánh, cho nên phương tiện nào phổ thông, dễ thực hành, phù hợp với căn cơ của nhiều người thì phương tiện đó phổ độ được nhiều người.
Chúng ta cũng nhìn nhận là không có pháp môn cao hay thấp mà chỉ có phương tiện nào phù hợp với người tu hành mà thôi, khi pháp môn nào hợp với mình thì pháp môn đó là cao nhất, các pháp môn thì bình đẳng vì nó là phương tiện, nhưng dù pháp môn nào, ngay đó nó cũng thể hiện cứu cánh là Như Lai Tạng, là nền tảng luôn ứng hiện ra nó. Vì vậy với một pháp môn tu hành nhanh hay chậm là do nghiệp thức của đương sự bị che chướng nhiều hay ít, tất cả phương tiện bình đẳng, vì phương tiện nào cũng đưa người tu trực nhận Như Lai Tạng, không hạn định thứ lớp, lâu hay mau.
Trên nguyên lý này, chúng ta thấy rằng tu hành Phật giáo là trở lại cái Một, cái mà trong Kinh Hoa Nghiêm gọi là Pháp giới một tướng, trong Kinh Kim Cương gọi là tất cả pháp đều là Phật pháp. Tức là tu hành là tịnh hóa những che chướng dính mắc, để hoàn nguyên nó về Như Lai Tạng, Như Lai Tạng chính là tâm giải thoát.
Con đường chung hay kết quả chung nhất trong tu hành của bất kỳ tông phái nào cũng dựa trên: không, vô tướng, vô tác là tam pháp ấn để ấn định sự thật người đó đã hoàn toàn vô ngã hay không.
Do đó việc thực hành tu hành Phật giáo có hai hướng tương đối và tuyệt đối.
Tương đối,
Là tịnh hóa những dơ nhiễm của tâm thức chấp trước dính mắc của mình, làm cho nghiệp thức của mình thay đổi phai dần để sớm phát hiện ra Như Lai Tạng luôn có sẵn. Đó là con đường tu hành để chỉnh sửa nghiệp, lập những hạnh có khi đối trị với những che chướng để phá trừ nó. Con đường này khá dài và gian nan.
Tuyệt đối,
Là khi nhận ra Như Lai Tạng thì tiếp tục làm quen và sống với cái thấy này, tạo công hạnh tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh bằng Bồ Tát hạnh cho đến viên mãn thành Phật. Con đường này là con đường trực chỉ nhân tâm, khi đã trực chỉ được Như Lai Tạng rồi an trú trong nó, thì nghiệp bao nhiêu đời cũng bị soi sáng và người tu ở trình độ này rất dễ dàng trong thực hành, vì vậy người xưa dạy: tùy duyên tiêu nghiệp cũ hồn nhiên mặc áo xiêm.
Con đường này đòi hỏi có một vị hướng dẫn đã có nhiều kinh nghiệm, một vị thiện tri thức.
Bài thứ nhất:
TỊNH ĐỘ TÔNG
Tịnh Độ Tông lấy đại nguyện của Phật A Di Đà làm nền tảng để lập tông, dựa vào đại nguyện này mà tông chỉ của tịnh độ tông được lập ra. Tông này dựa vào ba yếu tố chính để tu là: tín, nguyện, hành; về chi tiết có ba bộ kinh:
Kinh Vô Lượng Thọ, kinh này ghi bốn mươi tám lời nguyện lập ra cảnh giới Cực Lạc để độ tất cả những ai hướng về cõi này nguyện vãng sanh về đó, của Đức Phật A Di Đà.
Kinh Quán Vô Lượng Thọ: dạy 16 pháp quán và chín phẩm để dạy người vãng sanh về tịnh độ.
Kinh Tiểu Bổn A Di Đà, kinh này lược tả cảnh giới cực lạc trang nghiêm, làm cho người tu sanh lòng kính ngưỡng mà tha thiết thực hành niệm Phật cho đến nhất tâm bất loạn mà sanh về cõi đó.
Phương tiện tu hành của pháp môn này có sâu có cạn, cho nên nó đáp ứng với đa số căn cơ của người thực hành. Tuy nhiên yếu chỉ của pháp môn này là tín, nguyện, hành.
Thứ nhất là Tín,
Là tin sự giới thiệu của Phật Thích ca về cõi Cực Lạc và phương pháp tu hành của Phật A Di Đà, tin vào cõi Cực Lạc mà Phật A Di Đà lập ra để độ sanh dựa trên bốn mươi tám đại nguyện của ngài là hiện thực.
Khi niềm tin càng lớn, thì việc tu hành của Phật tử càng có lợi ích lớn, vì kinh nói: tin là mẹ của mọi công đức.
Thứ hai là nguyện,
Nguyện là sự tha thiết của tâm hành giả hướng về tịnh độ, tự xét tâm mình chúng ta rất dễ cảm nhận điều này, chúng ta cứ nhìn vào tâm mình, nếu thấy tâm lúc nào cũng hướng về tịnh độ hơn là bị chi phối bởi các yếu tố khác, trong suốt một ngày, trong suốt một tháng, trong suốt một năm, trong nhiều năm, tự nghiệm xem mình sống, nghĩ nhớ bao nhiêu cõi tịnh độ so với bao nhiêu ham thích cõi ta bà này? Tự mình cho điểm và tự biết, nếu trong tâm mình nguyện vãng sanh đã hình thành không bị các tác nhân khác chen vào, thì trong đời tu này ưu tiên với chỗ về của tâm ta chính là Cực Lạc.
Thứ ba là hành,
Trong thực hành niệm Phật này có tất cả năm phương pháp là: trì danh, quán tượng, quán tưởng, truy cứu, và thực tướng. (Dựa vào sự phân chia từ: Phật Học Phổ Thông của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa biên soạn)
Chữ niệm Phật chúng ta hiểu thông thường là niệm danh hiệu Phật thành tiếng hay niệm bằng ý không thành tiếng, tuy nhiên hiểu rộng ra niệm Phật là niệm sự hiện diện của vô lượng quang, vô lượng thọ, hay thực tướng niệm Phật.
Khi hiểu như vậy thì niệm Phật lúc này là sự bày hiện của tự tánh hay niệm Phật là hiển hiện cảnh giới cực lạc ngay trước mắt, mặc dù hành giả chưa thật sự cảm nhận điều này nhưng sự thật là như vậy. Cho nên không có sự ngăn ngại khi thực hành: trì danh, truy cứu, quán tượng, quán tưởng; bốn pháp này không ngăn ngại với thực tướng niệm Phật, vì vậy đang khi thực hành bốn phương pháp này chúng ta cũng có thể bất cứ lúc nào chứng ngộ được thực tướng niệm Phật. Tức là niệm thực tướng, là niệm biểu hiện của Phật tánh, và ngay đây là cõi cực lạc.
Vì giữa thật tướng niệm Phật và niệm Phật thông thường chỉ khác nhau là có cái ta chen vào hay không khi đang niệm mà thôi. Vấn đề của chúng ta khi niệm Phật là thực hành miên mật cho đến lúc nào tiêu mất cái ta này, khi không còn có người niệm Phật và câu Phật hiệu, năng sở đều bặt, lúc đó cũng niệm Phật nhưng không có ai niệm, thì niệm Phật chính là niệm thật tướng, thật tướng niệm Phật là trực tiếp từ bản tâm niệm Phật chớ không phải là một người nào cụ thể niệm Phật, hay lúc đó chúng ta nhận ra Như Lai Tạng đang ứng hiện ra các pháp, chúng ta thấy trực tiếp ánh sáng vô lượng quang đang ứng hiện ra câu niệm Phật vì vậy niệm Phật lúc đó đồng một vị với vô lượng quang, cho nên nó là thật tướng niệm Phật, niệm Phật và vô lượng quang không khác.
Chúng ta phải kinh nghiệm điều này trong thực hành của mình.
Trì danh niệm Phật
Con đường thứ nhất
Trì danh niệm Phật là phương pháp dễ thực hành nhất, trì danh là đọc thầm trong tâm hay đọc thành tiếng câu Nam Mô A Di Đà Phật, lục tự, hay A Di Đà Phật, bốn chữ. Con đường của trì danh niệm Phật cứu cánh là tới Nhất Tâm Bất Loạn, muốn vậy phải tuân thủ các nguyên tắc sau: thứ nhất trong thực hành niệm Phật phải có cả chỉ và quán, hay có cả định và huệ.
Định là khi niệm phải tập trung hết tâm lực của mình vào câu niệm Phật mà mình hạ thủ. Huệ là phải nhận thấy ánh sáng của tâm mình (sự nhận biết) luôn luôn có mặt lúc niệm Phật. Hai yếu tố này thiếu một thì khi tâm an định sẽ không thể an vào tự tánh Di Đà được.
Vấn đề chúng ta cũng phải hiểu là muốn chứng ngộ tự tánh Di Đà, chúng ta phải tha thiết công phu, để có thể nhận ra tâm an định, tâm an định thì vượt thoát khỏi tầng tâm thức chấp ngã mà chúng ta đang chấp trước và đang sống bằng sự chấp trước này đây. Muốn như vậy, khi niệm danh hiệu thì danh hiệu phải hợp nhất với tâm, hay khi niệm phải có cả chỉ và quán, hay định và huệ.
Tin phương pháp này, với thực hành đầu vào như vậy, tu miên mật trong một thời gian hành giả sẽ định được tâm. Và định đầu tiên là nhận ra tâm thanh tịnh khi đang niệm Phật hay khi xả thời niệm Phật hành giả sẽ nhận ra tâm thanh tịnh. Đây là con đường chứng ngộ không khác gì người tu thiền. Tâm thanh tịnh là tâm không còn bị ngũ uẩn ngăn che, tâm khi đó không có tư tưởng, trong sáng rỗng rang tỏ rõ.
Định tâm là một trạng thái mới mẽ không ngờ tới, nó khác với tâm thức đang đeo bám thông thường, mặc dù chúng ta là một Phật tử, chúng ta đang tu niệm Phật, nhưng tâm dính mắc vẫn làm chủ trong mọi hoạt động của tâm. Còn tâm thanh tịnh là nó thoát ra khỏi những dính mắc này, nó chính là tâm thật là nền của mọi thứ tâm.
Chúng ta phải thực hành miên mật, niệm Phật phải thật thiết tha thì mới mong thoát khỏi cái ta và cái của ta luôn luôn làm chủ đằng sau sự tu hành này của mình.
Chúng ta phải niệm Phật để nhiều lần làm quen và xác quyết tâm thanh tịnh này, có sự hướng dẫn của một vị thầy hay một thiện tri thức đi trước chỉ dạy thì việc tu hành của chúng ta có niềm tin và lợi ích hơn.
Khi nhận ra tâm thanh tịnh và làm quen với tâm này, niệm Phật lúc này không là tâm chấp trước dính mắc như trước nữa, mà chính tâm thanh tịnh đang niệm Phật. Hay tâm Vô niệm mà niệm, khi đó niệm Phật sẽ là cái dụng của tâm thanh tịnh, hay thanh tịnh khởi dụng, khi tâm thanh tịnh này được làm quen và chúng ta sống nhuẫn nhuyễn với nó trong niệm Phật rồi, chúng ta sẽ nhận ra tâm thanh tịnh này không chỉ bày ra khi công phu niệm Phật, mà nó bày ra trong mọi niệm khác, như khi ăn, khi nói, khi đi, khi đứng, khi chạy xe, khi làm việc…
Chúng ta lấy câu niệm Phật để nhận ra sự khởi dụng của tâm thanh tịnh, dần dần chúng ta thấy, có niệm hay không niệm Phật thì tâm thanh tịnh cũng bày hiện, nó ứng hiện ban đầu qua câu niệm Phật và dần dần hành giả thấy nó ứng hiện ra mọi hoạt dụng của đời sống, như vậy chúng ta đã nhận ra bản tánh của tâm hay tự tánh Di Đà Duy Tâm Tịnh Độ trong thực hành niệm Phật.
Con đường thứ hai
Tuyệt đối ở trong pháp môn trì danh. Hành giả niệm Phật tương tục, câu niệm Phật lưu vào tàng thức cho đến lúc nào chủng tử niệm Phật đưa vào đủ thì theo nguyên tắc: huân tập đủ thì tàng thức sẽ phát ra lại, gọi là hiện hành. Khi đó chúng ta gọi là niệm phật thành phiến, hay bất niệm tự niệm, đến đây hành giả đã có công phu tương đối khá, vì tâm đã nhiếp vào câu niệm Phật dễ dàng.
Cứ niệm Phật tiếp tương tục như vậy, không có tạp niệm xen vô trong một thời gian tâm sẽ dừng lại, trần cảnh: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; tâm không còn duyên theo. Trong quên thân, ngoài quên cảnh, tâm đứng lặng, bặt đường ngôn ngữ, dứt chỗ tâm hành, là chứng được nhất tâm bất loạn về sự.
Tại sao gọi là tam muội sự?
Vì mọi biểu hiện mà người thực hành đều chú trọng vào sự tướng, cho dù đạt đến mức nhất tâm bất loạn nhưng vẫn là sự tướng đang biểu hiện. Ở mức độ nhất tâm bất loạn, chỉ có một tâm trong niệm Phật tam muội, nhưng hành giả vẫn kinh nghiệm tâm này qua sự tướng là câu niệm Phật, mặc dù khi đó tâm dơ nhiễm, tâm chấp trước đã bặt, chỉ còn duy nhất câu niệm Phật.
Bước kế tiếp là phải nhận ra bản tánh của tâm, điều này rất khó nếu không được hướng dẫn của một vị thầy có kinh nghiệm, hay một vị thiện tri thức.
Hành giả ở giai đoạn nhất tâm bất loạn về sự phải tự mình nhận ra tự tánh Di Đà Duy Tâm Tịnh Độ, hay phải nhận ra tâm tức Phật, Phật tức tâm; phải tự mình phát hiện ra người niệm Phật chính là Phật chớ không ai khác, phải nhận ra điều đó, xác quyết điều đó là hành giả kiến tánh. Việc này là dành cho người nào công phu tới đây, tự mình nhận ra bản tánh của tâm, thì đó là công sức của mình, vị thầy hay thiện tri thức chỉ gợi ý mà thôi, còn ngộ thì ông tự ngộ.
Nói về vị thầy trong Phật giáo.
Chúng ta tu hành dù tu bất kỳ pháp môn nào cũng phải có một vị thầy có kinh nghiệm, dòng truyền thừa của Tịnh Độ tông có những vị Tổ sư, và các ngài là người đã kiến tánh, cho nên một vị thầy hay một thiện tri thức đối với mình khi tu hành là rất quan trọng.
Với pháp môn Tịnh độ cũng đòi hỏi một vị thầy đã chứng đắc tự tánh Di Đà.
Hòa thượng Thiện Hoa viết trong quyển Phật học Phổ Thông là: pháp môn niệm Phật như con mọt đục thẳng vào lõi của ống tre, đây là cách nhìn của một người đã ở trong tự tánh. Với các ngài, tướng và tánh là một, đang khi niệm Phật chính là Phật niệm cho nên với những bậc tác gia như vậy, việc hướng dẫn tu hành rất hiệu quả, vì người này dạy phương tiện tu hành luôn luôn phù hợp với căn cơ, khi nào cần tiệm tu thì tiệm tu, khi nào cần tu tắt thì cho tu tắt, cho nên một vị thầy sáng mắt, hay một thiện tri thức có kinh nghiệm trong khi tu niệm Phật là rất cần thiết.
Cuối cùng vấn đề vãng sanh. Như đã nói ở trên, chúng ta dễ dàng biết sau khi chết chúng ta đi về đâu. Vì đương thời nếu chúng ta luôn luôn nhớ nghĩ về cõi cực lạc mà chúng ta được học được giới thiệu, chúng ta tha thiết nghĩ về nơi đó, nó chiếm phần lớn tâm thức của mình hơn là bận bịu với dính mắc thế gian thì chúng ta chắc chắn sẽ vãng sanh, còn phẩm vị thì tùy vào sự thực hành, của mỗi hành giả, tâm thức càng thanh tịnh thì phẩm vị càng cao, tâm thức thoát khỏi mọi chấp trước của: tâm, ý, và ý thức thì phẩm vị cao nhất.
MẤY NGUỒN SUỐI PHÁT SINH RA TRIẾT LÝKARL JASPERS (1883-1969)Khởi điểm hay nguồn suốiNếu nói về khởi điểm thì triết lý đã khởi phát thành lịch sử có hệ thống từ hai
Cơ hội để Phật Tử Việt Nam tiếp cận với Phật Giáo Tây Tạng ngày càng nhiều. Kim Cang Thừa đã quen thuộc với một số Phật Tử hữu duyên.Hàng trăm Phật
TÔI HÉT LÊNTôi mệt nhọc với cuộc đời, Tôi khò khè với cuộc sống!Tôi làm hãng cam, làm anh cai.Tôi đếm tiền.Tôi, vợ đẹp.Tôi, con khôn.Tôi ung thư.Tôi hét lên!...Hai mươi năm
Thứ Hai, 10/10/2011, 06:11 (GMT+7) 12 triệu người Việt mắc các chứng tâm thầnTT - Tại VN, số người mắc các triệu chứng bệnh về tâm thần là 15% (khoảng 12 triệu người), đối
1. Tín-ngưỡng ở Giao-châuTrước khi các tông-giáo tràn vào, người Việt chắc đã tôn-sùng những mãnh-lực thiên-nhiên, như núi sông, sấm chớp. Những di-tích còn lại không những ở trong tập-tục của
QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,
Giữ giới là lựa chọn tự do Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc
Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt