Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (11)


Xem mục lục

LXXI. KHÔNG CHỊU HỌC GIỚI[396]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cù-sư-la tại nước Câu-thiểm-tỳ. Lúc ấy, tỳ-kheo Xiển-đà[397] được các tỳ-kheo khác như pháp can gián, mà lại nói: «Nay tôi không học giới này. Tôi sẽ hỏi các tỳ-kheo trì luật có trí tuệ khác đã.»

Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách tỳ-kheo Xiển-đà: «Tại sao các tỳ-kheo như pháp can gián, thầy lại nói rằng, ‹Nay tôi không học giới này, tôi phải hỏi các tỳ-kheo trì luật có trí tuệ khác đã.›?»

Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo Xiển-đà:

«Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tỳ-kheo Xiển-đà, tại sao các tỳ-kheo như pháp can gián, ông lại nói, ‹Nay tôi không học giới này, tôi phải hỏi các tỳ-kheo trì luật có trí tuệ khác đã.›?» 

Dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo Xiển-đà rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo:

«Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo nào,[398] khi được các tỳ-kheo khác như pháp can gián lại nói như vầy: ‹Tôi nay không học giới này, tôi sẽ nạn vấn các tỳ-kheo trì luật có trí tuệ khác đã›, ba-dật-đề. Nếu vì muốn biết hay vì muốn học thì mới nên nạn vấn.

B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Như pháp: là như pháp, như luật, như lời Phật dạy.

Tỳ-kheo kia như pháp can gián tỳ-kheo này, tỳ-kheo này nói: «Nay tôi không học giới này. Tôi sẽ nạn vấn các tỳ-kheo trì luật có trí tuệ khác.» Nếu nói rõ ràng thì phạm ba-dật-đề, nói không rõ ràng phạm đột-kiết-la.

Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: tỳ-kheo can gián kia ngu si, không hiểu rõ; tỳ-kheo này nên nói: «Thầy trở về hỏi Hòa thượng, A-xà-lê của thầy đã. Thầy phải học hỏi thêm, tụng kinh thêm.» Hoặc là sự thật đúng như vậy. Hoặc nói vui đùa, nói gấp vội, nói một mình, nói trong mộng, hoặc muốn nói việc này nhầm nói việc khác. Thảy đều không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. 

 

LXXII. KHINH CHÊ HỌC GIỚI [399]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Một thời đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Lúc ấy, có số đông tỳ-kheo tập hợp lại một chỗ tụng chánh pháp, tụng tỳ-ni.[400] Nhóm sáu tỳ-kheo cùng bảo nhau rằng: «Các tỳ-kheo này tập họp một chỗ tụng chánh pháp, tụng tỳ-ni. Các tỳ-kheo kia tụng luật thông suốt, tất sẽ thường xuyên cử tội ta. Nay, ta nên đến nơi chỗ các tỳ-kheo kia nói rằng, ‹Trưởng lão, tụng các giới vụn vặt[401] này làm gì? Nếu muốn tụng thì nên tụng bốn sự. Nếu quyết muốn tụng nữa thì tụng bốn sự và mười ba sự. Còn lại, không nên tụng. Tại sao vậy? Nếu các trưởng lão tụng những giới này thì khiến cho người hoài nghi, ưu não.›»

Rồi Lục quần bèn đến nói với tỳ-kheo kia rằng:

«Trưởng lão, tụng các giới vụn vặt này làm gì? Nếu muốn tụng thì nên tụng bốn sự. Nếu quyết muốn tụng nữa thì tụng bốn sự và mười ba sự. Còn lại, không nên tụng. Tại sao vậy? Nếu các trưởng lão tụng những giới này thì khiến cho người hoài nghi, ưu não.»

Các tỳ-kheo quan sát liền biết, nhóm sáu tỳ-kheo này muốn diệt pháp nên nói như vậy.

Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao, các thầy muốn diệt pháp, nên nói như vậy phải không?»

Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:

«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao, các ngươi muốn diệt pháp, nên nói như vậy phải không?» 

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo:

«Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười [686a1] cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo nào, khi thuyết giới,[402] nói như vầy: ‹Đại đức, thuyết những giới vụn vặt như vậy để làm gì? Khi nói các giới ấy, khiến cho người sanh ra hoài nghi, phiền muộn xấu hổ;› vì khinh chê giới, ba-dật-đề.

B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Tỳ-kheo kia, khi tự mình nói giới hay người khác nói giới, hoặc khi tụng giới mà nói như vầy: «Trưởng lão, tụng những giới vụn vặt này để làm gì? Nếu muốn tụng nên tụng bốn việc; nếu quyết tụng nữa thì chỉ nên tụng bốn việc và mười ba việc. Tại sao vậy? Vì khi tụng các giới này thì khiến cho người sanh lòng hoài nghi, phiền não xấu hổ.» Nói như vậy mà rõ ràng, thì phạm ba-dật-đề, không rõ ràng phạm đột-kiết-la. 

Chê bai tỳ-ni ba-dật-đề. Chê bai A-tỳ-đàm, đột-kiết-la, chê bai các thứ khế kinh khác, đột-kiết-la.

Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: Nếu nói trước tụng A-tỳ-đàm, sau đó mới tụng luật, trước tụng các khế kinh, sau mới tụng luật. Hoặc có bệnh, đợi cho lành, sau đó mới tụng luật. Đối trong Phật pháp phải cần cầu phương tiện, đắc bốn quả A-la-hán, sau đó sẽ tụng luật. Nói lời nói cố tâm không cho chánh pháp bị tiêu diệt, hoặc nói vui giỡn, hoặc nói gấp vội, nói trong mộng, nói một mình, muốn nói việc này nhầm nói việc khác thì không phạm. 

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng loạn tâm, thống não, bức bách. 

 

LXXIII. VÔ TRI HỌC GIỚI [403]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Một thời đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây kỳ-đà nước Xá-vệ. Có một tỳ-kheo trong nhóm lục quần, khi đang nghe giới, phạm tội và tự biết mình phạm tội, sợ tỳ-kheo thanh tịnh phát giác nêu lên, bèn đến trước vị thanh tịnh tỳ-kheo nói:

«Nay tôi mới biết, pháp này chép trong giới kinh, mỗi nửa tháng, nửa tháng nói một lần, rút ra từ giới kinh.»

Các tỳ-kheo xét biết, đây là khi đang thuyết giới nhóm sáu tỳ-kheo phạm tội, tự mình biết rõ tội chướng, sợ tỳ-kheo thanh tịnh phát giác nêu tội nên tự đến trước tỳ-kheo thanh tịnh nói: «Nay tôi mới biết, pháp này chép trong giới kinh, mỗi nửa tháng, nửa tháng nói một lần, rút ra từ giới kinh.»

Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao, các thầy, khi đang thuyết giới, phạm tội, tự mình biểt rõ tội chướng, sợ tỳ-kheo thanh tịnh phát giác nêu tội nên tự đến trước tỳ-kheo thanh tịnh nói: ‹Nay tôi mới biết, pháp này chép trong giới kinh, mỗi nửa tháng, nửa tháng nói một lần, rút ra từ giới kinh.›?»

Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:

«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao khi nói giới, tự biết có phạm tội, sợ tỳ-kheo thanh tịnh phát giác nêu tội nên tự đến trước tỳ-kheo thanh tịnh nói: ‹Nay tôi mới biết, pháp này chép trong giới kinh, mỗi nửa tháng, nửa tháng nói một lần, rút ra từ giới kinh.›?»

Lúc bấy giờ, đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách một vị trong nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo:

«Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo nào, khi thuyết giới, nói như vầy: ‹Nay tôi mới biết, pháp này ghi trong giới kinh mỗi nửa tháng tụng một lần, xuất từ trong giới kinh.› Các tỳ-kheo khác biết tỳ-kheo này không những hai, ba lần mà nhiều lần có ngồi trong chỗ thuyết giới. Tỳ-kheo kia, không phải do vì không rõ.[404] Nếu có phạm tội thì nên xử trị như pháp, lại chồng thêm tội vô tri,[405]bảo rằng: ‹Trưởng lão, thật không ích lợi, không có sở đắc tốt đẹp nào cho ngài, vì khi tụng giới ngài không dụng tâm suy nghĩ, không một lòng nhiếp niệm để nghe pháp. Vị kia, là kẻ vô tri,[406] ba-dật-đề.[407]

B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Tỳ-kheo kia: Khi chính mình thuyết giới, hay người khác thuyết giới, hoặc khi tụng giới, nói như vầy: «Này, trưởng lão! Nay tôi mới biết pháp này có ghi trong giới kinh, mỗi nửa tháng tụng một lần xuất từ trong giới kinh.› Các tỳ-kheo biết tỳ-kheo này không những hai, ba lần mà là nhiều lần dự Bố-tát. Tỳ-kheo kia không phải do vì không biết rõ, mà tuỳ theo chỗ phạm tội mà xử trị như pháp, lại tăng thêm tội vô tri, rằng,[408] «Trưởng lão! Thật không lợi, không có sở đắc tốt đẹp nào cho ngài, vì khi tụng giới ngài không khéo dụng ý tư duy, không một lòng nghe pháp.» Vì vô tri cho nên bị tác pháp chồng thêm, ba-dật-đề. Nếu không tác pháp, tỳ-kheo đó phạm đột-kiết-la.

Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: Vị ấy chưa từng nghe nói giới, nay mới nghe; hoặc chưa từng nghe nói rộng, nay mới nghe; hoặc nói vui đùa, nói gấp vội, nói một mình, nói trong mộng; muốn nói việc này nhầm nói việc khác; thảy đều không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. bức bách

 

LXXIV. PHỦ NHẬN YẾT-MA [409]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, tại thành La-duyệt. Lúc ấy, tôn giả tỳ-kheo Đạp-bà-ma-la Tử được chúng Tăng sai phụ trách giường nằm, chỗ ngồi, ngọa cụ của chúng Tăng, và phân phối ẩm thực. Tôn giả bận lo việc của Tăng, việc của tháp, nên những lễ hội bố thí của các gia chủ bên ngoài, nhân xây cất chùa mới, xây cất phòng mới, đào ao mới, đào giếng mới, Tôn giả không rảnh để đến dự. Do vậy, y phục của tôn giả bị rách nát, cáu bẩn, không sạch sẽ.

Một hôm, có người dâng cho chúng Tăng một chiếc y quý giá. Chúng Tăng cùng bảo nhau rằng, «Tôn giả tỳ-kheo Đạp-bà-ma-la Tử được chúng Tăng sai phụ trách giường nằm, chỗ ngồi, ngọa cụ của chúng Tăng, và phân phối ẩm thực. Tôn giả bận lo việc của Tăng, việc của tháp, nên những lễ hội bố thí của các gia chủ bên ngoài, nhân xây cất chùa mới, xây cất phòng mới, đào ao mới, đào giếng mới, Tôn giả không rảnh để đến dự. Do vậy, y phục của tôn giả bị rách nát, cáu bẩn, không sạch sẽ. Chúng ta nên đem y này trao cho tôn giả.» 

Rồi chúng Tăng, sau khi tác bạch nhị Yết-ma, đem y trao cho Tôn giả.

Trong lúc bạch yết-ma, nhóm sáu tỳ-kheo cũng có mặt trong chúng. Khi trao y cho tôn giả rồi, nhóm sáu tỳ-kheo lại nói:

«Các tỳ-kheo này, theo chỗ quen thân của mình, mà lấy y của chúng đem cho.»

Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo rằng:

«Sao, các thầy cùng có mặt trong chúng khi tác yết-ma trao y cho vị kia; sau lại nói, ‹Các tỳ-kheo, theo chỗ quen biết riêng của mình, lấy y của chúng tăng đem cho.›?»

Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:

«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao các ông cùng tập hợp một chỗ tác bạch yết-ma đem y trao cho vị kia. Sau khi y đã được trao, các ông lại nói, ‹Các tỳ-kheo, theo chỗ quen biết riêng của mình, lấy y của chúng tăng đem cho.›?»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo:

«Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm [687a1] mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo nào, sau khi cùng chung yết-ma rồi, lại nói như vầy: ‹Các tỳ-kheo theo chỗ thân hậu mà lấy vật của chúng Tăng đem cho,› ba-dật-đề.

B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Thân hậu: đồng Hòa thượng, đồng A-xà-lê; cùng ăn, ở, chuyện trò, gần gũi với nhau.

Vật của Tăng: như trên đã nói.

Vật: Y, bát, ống đựng kim, ni-sư-đàn, cho đến đồ uống nước.

Tỳ-kheo kia, trước cùng chúng Tăng yết-ma rồi, sau hối hận, nói: «Các tỳ-kheo, theo chỗ thân hậu, lấy y vật của Tăng cho người thân hậu của mình.» Nói rõ ràng, phạm ba-dật-đề, không rõ ràng phạm đột-kiết-la.

Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: sự việc thật như vầy: lấy vật của Tăng đem cho người quen biết của mình, thì nói mà không phạm. Hoặc là nói vui đùa, nói gấp vội, nói một mình, nói trong mộng, hoặc muốn nói việc này nhầm nói việc kia, tất cả đều không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. 

 

LXXV. KHÔNG DỮ DỤC [410]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Lúc ấy, có số đông tỳ-kheo tập hợp lại một chỗ cùng nhau luận bàn pháp Tì-ni.

Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo nói với nhau rằng: «Hãy xem các tỳ-kheo này cùng nhau tập hợp lại một chỗ, hình như muốn vì chúng ta tác yết-ma.» Tức thì, nhóm sáu người liền đứng dậy bỏ ra đi. Các tỳ-kheo nói rằng:

«Các Thầy ở lại, chớ nên đi. Chúng Tăng hữu sự, mà lại cố ý bỏ đi, không chịu ở lại.»

Trong số các tỳ-kheo, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Chúng Tăng đang tập hợp, muốn luận pháp sự. Sao các thầy lại đứng dậy bỏ đi?»

Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:

«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao, chúng Tăng tập hợp muốn luận pháp sự, các ông lại đứng dậy bỏ đi?»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách lục quần xong, bảo các tỳ-kheo:

«Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo nào, khi Tăng đoán sự chưa xong, đứng dậy bỏ đi, ba-dật-đề.

Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Các tỳ-kheo, hoặc có vị bận việc của Tăng, hoặc bận việc của tháp, hoặc bận việc chăm sóc tỳ-kheo bệnh, nghi. Đức Phật dạy: 

«Từ nay cho phép dữ dục.» 

Từ nay nói giới như vầy:

Tỳ-kheo nào, khi tăng đoán sự chưa xong, không dữ dục mà bỏ đi,[411] ba-dật-đề.

B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Tăng: cùng một thuyết giới, cùng một yết-ma.

Sự: có mười tám sự phá Tăng: Pháp, phi pháp… cho đến thuyết, phi thuyết.[412] Nếu tỳ-kheo đoán sự chưa xong mà bỏ đứng dậy đi ra, chân bước ra khỏi cửa, ba-dật-đề; một chân ngoài cửa, một chân trong cửa, phương tiện muốn đi mà không đi; hẹn đi mà không đi, tất cả đều phạm đột-kiết-la.

Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la, Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: có bận việc Tăng, việc tháp, việc chùa chăm sóc người bệnh, dữ dục thì không phạm. 

Hoặc bị câm không nói dữ dục[413] được. 

Hoặc yết-ma phi pháp, yết-ma phi tì-ni. 

Hoặc đang phương tiện tác yết-ma không trụ xứ, tổn giảm, không lợi, liên hệ sự việc Tăng, sự việc chùa Tháp; nhắm đến Hòa thượng, đồng Hòa thượng, A-xà-lê, đồng A-xà-lê, tri thức thân hậu; [414] các trường hợp như vậy, không dữ dục mà bỏ đi, không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. 

 

LXXVI. DỮ DỤC RỒI HỐI[415]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Khi ấy, trong nhóm sáu tỳ-kheo có sự vi phạm, sợ chúng Tăng cử tội, nên sáu người cứ đi chung với nhau. Trong giờ đại thực, tiểu thực, khi chúng Tăng tập hợp thuyết pháp, hoặc lúc nói giới, sáu người không xa rời nhau, khiến cho các tỳ-kheo không do đâu để tác pháp yết-ma được.

Sau đó một thời gian, vào lúc nhóm sáu tỳ-kheo may y. Các tỳ-kheo cùng bảo nhau, «Nhóm sáu tỳ-kheo hiện đang ở đây may y. Nếu cần tác pháp yết-ma thì nay chính là lúc.»

Các tỳ-kheo liền sai một vị đến kêu:

«Chúng Tăng hữu sự. Mời các thầy đến.»

Nhóm sáu tỳ-kheo hỏi:

«Tăng có việc gì? Chúng tôi không thể ngưng việc may y để đến được.»

Tăng trả lời:

«Nếu các thầy không thể đến được, thì cử một hai vị mang dục đến.»

Nhóm sáu tỳ-kheo liền sai một tỳ-kheo nhận dục mang đến. Chúng Tăng tác pháp yết-ma cho một tỳ-kheo này. Tác pháp yết-ma xong, tỳ-kheo ấy liền trở về chỗ nhóm sáu tỳ-kheo. Lục quần hỏi:

«Chúng Tăng làm việc gì?»

Tỳ-kheo này đáp:

«Bất lợi cho bản thân tôi.»

Lục quần hỏi:

«Chuyện gì mà bất lợi cho bản thân thầy?»

Vị ấy nói:

«Chúng Tăng tác yết-ma nhắm đến tôi.»

Nhóm sáu tỳ-kheo, trước đó dữ dục rồi, sau lại hối hận, nói:

«Chúng Tăng tác yết-ma như vậy, chẳng phải là yết-ma. Yết-ma không thành. Chúng tôi dữ dục việc kia chứ không dữ dục việc này.»

Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo:

«Tại sao các thầy dữ dục rồi, sau lại ăn năn nói: Chúng tôi dữ dục việc kia, chứ không dữ dục việc này?»

Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:

«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông trước đã dữ dục sau lại ăn năn nói: Tôi dữ dục việc này chứ không dữ dục việc kia?» 

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo:

«Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo nào, dữ dục rồi, sau lại hối hận, ba-dật-đề.

B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Nếu tỳ-kheo dữ dục rồi sau ăn năn nói: «Các thầy tác yết-ma, phi yết-ma, yết-ma không thành. Tôi dữ dục việc kia chứ không dữ dục việc này;» nói rõ ràng, ba-dật-đề; nói không rõ, phạm đột-kiết-la.

Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: Sự thật là như vậy, phi yết-ma, yết-ma không thành cho nên nói như thế. Phi yết-ma không thành thì không phạm. Hoặc nói giỡn chơi, nói gấp vội nói một mình, nói trong mộng, muốn nói việc này, nhầm nói việc kia, tất cả đều không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. 

 

LXXVII. NGHE LÉN ĐẤU TRANH[416]
A. DUYÊN KHỞI
[688a1] Một thời, đức Một thời đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Khi ấy, nhóm sáu tỳ-kheo nghe những lời đấu tranh của các tỳ-kheo rồi đem đến nói với người kia, khiến cho Tăng chưa có việc tranh cãi thì khởi lên việc tranh cãi, đã có việc tranh cãi thì không trừ diệt được.

Các tỳ-kheo nghĩ như vậy: «Vì nguyên nhân nào khiến cho Tăng chưa có việc tranh cãi thì phát khởi việc tranh cãi; đã có việc tranh cãi thì không trừ diệt được?» Các tỳ-kheo quán sát, liền biết điều đó là do nhóm sáu tỳ-kheo nghe những lời đấu tranh của các tỳ-kheo, rồi đem đến nói với người kia, cho nên như vậy.

Các tỳ-kheo nghe việc này, trong số đó có vị thiểu dục, tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo:

«Tại sao các Thầy nghe những lời đấu tranh của các tỳ-kheo, rồi đem đến nói với ngươì kia, khiến cho Tăng chưa có việc tranh cãi thì phát khởi việc tranh cãi; đã có việc tranh cãi, thì không trừ diệt được?»

Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:

«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông nghe những lời đấu tranh của các tỳ-kheo, rồi đem việc ấy đến nói với người kia, khiến cho Tăng chưa có sự tranh cãi, khởi lên sự tranh cãi; đã có sự tranh cãi thì không trừ diệt được?»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo:

«Đây là những người ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người ban đầu phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo chế giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới nên nói như vầy: 

Tỳ-kheo nào, sau khi các tỳ-kheo cùng tranh cãi nhau, nghe[417] lời người này đem qua nói với người kia, ba-dật-đề.

B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Đấu tranh: có bốn loại. Đó là ngôn tránh, mích tránh, phạm tránh và sự tránh.

Nghe: lén nghe người kia nói.

Nếu tỳ-kheo nào đến nghe những lời tranh cãi của tỳ-kheo khác, từ đường này đến đường kia; từ đạo đến phi đạo; từ phi đạo đến đạo; từ cao đến thấp, từ thấp đến cao, đến mà có nghe, phạm ba-dật-đề, không nghe phạm đột-kiết-la.

Nếu phương tiện muốn đi mà không đi, hoặc hẹn đi mà không đi, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Hoặc hai người nói chuyện ở chỗ tối; nên búng ngón tay hay tằng hắng để cảnh giác họ, không làm vậy thì phạm đột-kiết-la. Hoặc hai người ở chỗ kín nói, cũng phải khảy móng tay hay tằng hắng, không làm như vậy thì phạm đột-kiết-la.

Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: Nếu hai người nói chuyện với nhau ở chỗ tối tằng hắng hay búng ngón tay, hoặc hai người ở chỗ kín nói chuyện, búng ngón tay, tằng hắng. Trên đường đi, hai người đi trước cùng nói chuyện, mình từ sau đi đến, tằng hắng, búng ngón tay. Hoặc muốn tác yết-ma phi pháp, yết-ma phi tì-ni, các yết-ma không trụ xứ, tổn giảm, không lợi liên hệ chúng Tăng, liên hệ tháp, liên hệ Hòa thượng, đồng Hòa thượng hoặc A-xà-lê, đồng A-xà-lê, thân hậu tri thức. Đối với các yết-ma như vậy, muốn được biết nên đến nghe thì không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. 

 

LXXVIII. SÂN ĐÁNH TỲ-KHEO [418]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, trong nhóm sáu tỳ-kheo có một vị vì sân nhuế đánh (người) nhóm mười bảy tỳ-kheo. Người bị đánh lớn giọng kêu rằng:

«Thôi, thôi, đừng đánh tôi!»

Lúc ấy tỳ-kheo ở phòng gần nghe hỏi rằng:

«Chuyện gì mà la to thế?»

Tỳ-kheo bị đánh nói:

«Vừa rồi tôi bị tỳ-kheo kia đánh.»

Bấy giờ, có các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách người nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao lại sân nhuế đánh đập (người) nhóm mười bảy tỳ-kheo?»

Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:

«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông lại đánh (người) nhóm mười bảy tỳ-kheo?» 

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo.

«Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo nào, vì nóng giận, không hoan hỉ, đánh tỳ-kheo, ba-dật-đề.

B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Đánh: hoặc dùng tay, đá hay gậy.

Tỳ-kheo dùng tay, đá hay gậy đánh tỳ-kheo, tất cả đều phạm ba-dật-đề.[419] Ngoài cây, tay, đá ra, dùng các thứ khác như chìa khóa cửa, móc câu, cán phủ phất, cán thủ lư, tất cả đều phạm đột-kiết-la.

Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: Hoặc có bệnh cần đấm bóp; hoặc ăn bị nghẹn cần vuốt cho xuống; hoặc nói không nghe cần đụng vào người, khiến cho họ nghe; hoặc lúc ngủ mà đụng phải; hoặc khi đi kinh hành tới lui mà đụng nhau; hoặc khi quét đất, đầu cán chổi dài đụng nhầm phải; tất cả đều không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. 

 

LXXIX. NHÁ ĐÁNH TỲ-KHEO[420]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Khi ấy, nhóm sáu tỳ-kheo dùng tay tát nhóm mười bảy tỳ-kheo. Vị bị tát,[421] lớn tiếng la rằng:

«Thôi, thôi đừng làm vậy!»

Tỳ-kheo ở phòng gần nghe, liền hỏi:

«Vì sao kêu la lớn tiếng như thế?»

Nhóm mười bảy nói:

«Tỳ-kheo này khoa tay đánh tôi, nên tôi phải la lớn.»

Các tỳ-kheo nghe, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách vị nhóm sáu tỳ-kheo rằng: «Tại sao thầy khoa tay đánh nhóm mười bảy tỳ-kheo?»

Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:

«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông dùng tay đánh nhóm mười bảy tỳ-kheo?»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo:

«Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo nào, vì giận hờn không vui, dùng tay (nhá) đánh[422] tỳ-kheo, ba-dật-đề.

B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Tay: chỉ cho hai bàn tay.

Tỳ-kheo kia vì giận hờn lấy tay đánh tỳ-kheo khác ba-dật-đề. Trừ tay ra, nếu dùng then cửa, phất trần, thủ hương, tất cả đều phạm đột-kiết-la.

Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: Người khác muốn đánh, đưa tay chận lại. Hoặc voi đến, giặc cướp đến, ác thú đến, kẻ cầm gai nhọn [689a1] đến, lấy tay ngăn chận lại thì không phạm. Hoặc muốn qua sông; hoặc muốn vượt qua chỗ bùn lầy, nước đọng, gần nhau đưa tay ngoắt tỳ-kheo khác đến, chạm trúng họ thì không phạm. Hoặc người kia không nghe, mình dùng tay ra hiệu khiến cho họ nghe; hoặc khi ngủ; hoặc khi tới lui qua lại, hay quét đất; hoặc quơ cây gậy đụng nhầm, chớ không cố ý làm, tất cả đều không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. 

 

LXXX. VU KHỐNG TĂNG TÀN. [423]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xa Vệ. Khi ấy, nhóm sáu tỳ-kheo vì giận hờn, vu khống nhóm mười bảy tỳ-kheo bằng pháp Tăng-già-bà-thi-sa không căn cứ.[424]

Khi ấy, các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo, «Tại sao các thầy vì giận hờn, vu khống nhóm mười bảy tỳ-kheo bằng pháp Tăng-già-bà-thi-sa không căn cứ?»

Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:

«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông vì giận hờn lại dùng tăng-già-bà-thi-sa vô căn cứ để hủy báng nhóm 17 Tỳ-kheo?»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo:

«Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo nào, vì giận hờn, vu khống (tỳ-kheo khác) bằng pháp tăng-già-bà-thi-sa không căn cứ, ba-dật-đề.

B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Căn cứ : có ba: chứng cứ do thấy, do nghe, do nghi.

- Chứng cứ do thấy: thật thấy vị ấy lộng âm xuất tinh, hoặc thấy cùng phụ nữ thân xúc chạm nhau, hoặc thấy cùng phụ nữ nói thô ác, hoặc thấy đối trước người phụ nữ tự khen thân mình, hoặc thấy khi đang cùng nhau làm môi giá. Hoặc là người khác thấy, rồi nghe từ người đó. Đó gọi là chứng cứ do thấy.

- Chứng cứ do nghe: nghe vị ấy lộng âm xuất tinh, hoặc cùng phụ nữ thân gần gũi nhau, hoặc nghe cùng phụ nữ nói thô ác, hoặc nghe đối trước người phụ nữ tự khen thân mình, hoặc nghe cùng nhau môi giá. Hoặc là người khác nghe, từ người đó mà nghe. Đó gọi là chứng cứ do nghe.

- Chứng cứ do nghe nghi: có hai nhân duyên sanh nghi: Do thấy sanh nghi, và do nghe sanh nghi. 

* Thế nào là thấy sanh nghi? Thấy người kia cùng người phụ nữ, khi từ trong rừng đi ra, hay khi vào trong rừng, hoặc trần truồng không có y, đồ bất tịnh tiết ra nhớp thân; hoặc thấy cùng ác tri thức hành sự, hoặc cùng vui đùa. Đó gọi là do thấy sanh nghi. 

* Thế nào là nghe sanh nghi? Hoặc nghe nơi chỗ đó, nghe tiếng động nơi giường, nghe tiếng nệm cỏ, nghe tiếng thở mạnh, nghe tiếng nói, nghe tiếng giao hội; hoặc nghe người kia tự nói: «Tôi phạm xuất tinh. Tôi cùng người nữ thân chạm nhau. Tôi cùng người nữ nói lời thô ác. Tôi đối trước người nữ tự khen thân mình. Tôi làm mai môi nam nữ.» Trong khi nghe những việc như vậy mà sanh nghi.

Ngoài ba căn ra, dùng các việc khác vu khống. Đó gọi là không căn cứ. Tỳ-kheo nào, vì giận hờn, vu khống bằng pháp tăng-già-bà-thi-sa không căn cứ, nói rõ ràng phạm ba-dật-đề; nói không rõ ràng phạm đột-kiết-la.

Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: có thấy, có nghe, có nghi, nói đúng sự thật, muốn khiến cho người kia ăn năn mà không vu khống; hoặc nói vui, nói gấp vội, nói một mình, nói trong mộng, hoặc muốn nói việc này nhầm nói việc khác thì không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. 

Xem mục lục