Hiện nay, Phật giáo đang phát triển hưng thịnh ở một số quốc gia và phải đối mặt với những khó khăn ở các quốc gia khác. Ví dụ, Phật giáo Nguyên thủy (Theravada) phát triển mạnh nhất ở Tích Lan (Sri Lanka), Thái Lan và Miến Điện (Burma/Myanmar), nhưng suy yếu nghiêm trọng tại Lào, Cao Miên (Cambodia) và Việt Nam. Từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19, Phật giáo ở Tích Lan đã bị suy yếu vì sự đàn áp, trước tiên là của Tòa Án Dị Giáo, sau đó là các nhà truyền giáo của lãnh đạo thực dân Cơ Đốc giáo. Phật giáo Nguyên thủy ở Tích Lan đã được phục hưng vào cuối thế kỷ 19, với sự giúp đỡ của các học giả và nhà Thông Thiên học người Anh. Kết quả là Phật giáo Tích Lan đôi khi được mô tả như Phật giáo "Tin Lành" ("Protestant" Buddhism), chú trọng vào việc nghiên cứu học thuật, hoạt động mục vụ của các tăng sĩ dành cho giới cư sĩ, và hướng dẫn thiền hành cho cư sĩ, chứ không chỉ dành riêng cho những người đắp y. Giới cư sĩ có niềm tin mạnh mẽ, nhưng đôi khi phàn nàn về việc thiếu thốn các vị sư có sự cân bằng giữa việc tu học và hành trì.
Các tăng sĩ Tích Lan đã và đang giúp đỡ cho việc khôi phục Phật giáo Nguyên thủy tại Bali, những vùng khác ở Nam Dương (Indonesia), Mã Lai (Malaysia), những nơi mà Phật giáo Nguyên thủy đã chết dần từ cuối thế kỷ 15. Hoạt động này có quy mô rất hạn chế. Những người quan tâm ở Bali là những người theo đạo truyền thống của người Bali, kết hợp Ấn Độ giáo (Hinduism), đạo Phật và tôn giáo thần linh địa phương; trong khi ở các vùng khác tại Nam Dương và Mã Lai, những người hưởng ứng là cộng đồng Phật giáo Đại thừa Trung Quốc hải ngoại. Ngoài ra, còn có một số giáo phái Phật giáo nhỏ và mới mẻ của người Nam Dương, là sự lai ghép giữa các xu hướng của Phật giáo Nguyên thủy, Trung Quốc và Tây Tạng.
Căn cứ theo chính sách "pancasila" của chính phủ Nam Dương, tất cả các tôn giáo phải khẳng định niềm tin vào Thượng Đế (God). Mặc dù Phật giáo không chấp nhận Thượng Đế như một cá thể riêng rẽ, do đó đôi khi được mô tả là vô thần, nhưng Phật giáo được chính thức thừa nhận nhờ sự xác nhận A Đề Phật (Adibuddha). Theo nghĩa đen, đây là “Đức Phật Đầu Tiên” và được thảo luận trong Mật Điển Thời Luân (The Kalachakra Tantra), vốn rất hưng thịnh ở Nam Dương, trong một thiên niên kỷ trước. A Đề Phật là đấng sáng tạo toàn trí của mọi hiện tướng, vượt cả thời gian, ngôn từ và các giới hạn khác. Mặc dù được miêu tả bằng một hình ảnh tượng trưng, bản thân ngài không phải là một chúng sinh thực sự. A Đề Phật mang tính trừu tượng nhiều hơn và được tìm thấy trong tất cả chúng sinh như là bản tính quang minh của tâm. Trên cơ sở này, Phật giáo được chấp nhận cùng với Hồi giáo (Islam), Ấn Độ giáo, các hình thức Công giáo (Catholic) và Tin Lành (Protestant) của Cơ Đốc giáo (Christianity), là năm quốc giáo của Nam Dương.
Vào khoảng thế kỷ 17, Phật giáo suy tàn dần ở các vùng tiểu Hy Mã Lạp Sơn, (Himalaya) thuộc về Ấn Độ. Tuy nhiên, cuối thế kỷ 19, với sự giúp đỡ của các học giả người Anh, dân Tích Lan đã thành lập Hội Maha Bodhi (Maha Bodhi Society), nhằm khôi phục các khu thánh địa hành hương của Phật tử ở Ấn Độ. Họ rất thành công và hiện có nhiều ngôi chùa có chư tăng trú ngụ, cùng một vài truyền thống Phật giáo khác cũng có mặt ở những địa điểm này.
Trong thập niên 50, Ambedkar đã khởi đầu một phong trào Phật giáo mới trong giai cấp tiện dân ở miền Tây Ấn Độ. Hàng trăm ngàn người đã tham gia, chủ yếu là để tránh sự kỳ thị, vì họ thuộc giai cấp thấp nhất. Mục tiêu chính của họ là đòi hỏi quyền lợi chính trị và xã hội. Ambedkar qua đời không lâu sau khi khởi xướng sự phục hưng này. Kể từ đó, phong trào này do Sangharakshita lãnh đạo. Ông là một người Anh đã sáng lập Hội Thân Hữu Phật Giáo Tây Phương như một hình thức mới của Phật giáo, được thiết kế đặc biệt dành cho các hành giả Tây phương.
Tại Thái Lan, do ảnh hưởng của mô hình chế độ quân chủ Thái, các cộng đồng tăng lữ có một Đức Tăng Thống và Hội Đồng Trưởng Lão, có trách nhiệm bảo tồn sự thuần khiết của truyền thống. Có hai nhóm tăng lữ, một nhóm sống trong rừng và một nhóm sống trong các làng mạc. Cả hai đều rất được giới cư sĩ tôn kính và cúng dường. Những vị khất sĩ theo truyền thống thịnh hành, sống trong các khu rừng biệt lập và hành thiền miên mật. Truyền thống này tuân thủ giới luật nghiêm ngặt, vốn là trọng tâm của việc tu học. Các nhà sư trong làng mạc thực hiện nhiều nghi lễ để tạo lợi lạc cho người dân địa phương. Tuy nhiên, việc tu học của họ chủ yếu là học thuộc lòng kinh kệ. Để phù hợp với văn hóa tín ngưỡng về thần linh của Thái Lan, các nhà sư cũng cung cấp bùa hộ mạng cho giới cư sĩ. Có một trường đại học Phật giáo dành cho tăng lữ, chủ yếu là đào tạo chư tăng chuyên chuyển dịch kinh điển của Đức Phật từ tiếng Pali cổ điển sang tiếng Thái hiện đại.
Tại Miến Điện, chế độ quân sự đã kiểm soát Phật giáo một cách chặt chẽ thông qua Bộ Tôn Giáo. Chế độ này đã phá hủy các tu viện, nơi những người không quy phục chế độ đang sinh sống, đặc biệt là ở miền Bắc Miến Điện. Hiện tại, chính phủ đang cung cấp một khoản tiền lớn cho các tăng sĩ còn lại để nỗ lực tranh thủ sự ủng hộ của họ, cũng như để dập tắt mọi sự chỉ trích. Miến Điện có truyền thống lâu đời về sự chú trọng quân bình, đồng đều đối với việc hành thiền và tu học, nhất là về các môn tâm lý học, siêu hình học và luân lý học Phật giáo trong “A Tỳ Đạt Ma” (“Abhidharma”). Hiện nay, nhiều tu viện theo hướng tiếp cận này vẫn còn hoạt động, và giới cư sĩ duy trì được niềm tin lớn lao. Từ cuối thế kỷ 19, có lẽ do ảnh hưởng của sự chiếm đóng của thực dân Anh, nước này có nhiều trung tâm thiền viện, nơi các giảng viên là tăng sĩ và cư sĩ, hướng dẫn pháp hành thiền cơ bản cho thiện nam tín nữ người Miến Điện, nhằm phát triển chánh niệm.
Tại miền Nam Bangladesh, trên các ngọn đồi dọc theo biên giới Miến Điện, có nhiều ngôi làng biệt lập có truyền thống theo Phật giáo Miến Điện. Tuy nhiên, vì bị tách rời với Miến Điện, trình độ hiểu biết và thực hành của họ khá thấp.
Tại Lào, theo truyền thống, Phật pháp vẫn được giảng dạy và thực hành trong bối cảnh nông thôn, nhưng các tu viện lâm vào tình trạng nghèo nàn vì chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam. Cư sĩ ở Lào vẫn cúng dường thực phẩm cho khất sĩ khi các thầy đi khất thực, và đi chùa vào ngày rằm. Tuy nhiên, truyền thống hành thiền rất yếu ớt. Trước đây, các tăng sĩ phải học và giảng dạy chủ nghĩa Mác, nhưng hiện tại thì không còn nữa. Người dân ngày nay chỉ cần ca ngợi chế độ cộng sản để dễ dàng trở thành một tăng sĩ hơn.
Ở Cao Miên (Kampuchea/Cambodia), Phật giáo đang hồi sinh sau chế độ tàn phá và khủng bố của Pol Pot, đặc biệt với nhà vua là Hoàng tử Sihanouk, những hạn chế đang được nới lỏng dần. Tuy nhiên, một người phải trên 30 hay 40 tuổi mới được xuất gia, vì đất nước cần nhân lực lao động. Maha Ghosananda, vị Sư trưởng người Khmer, đã học thiền ở Thái Lan vì hầu hết các pháp thiền đã bị thất lạc ở Cao Miên, và ông đang cố gắng phục hồi việc hành thiền ở Cao Miên. Những gì còn sót lại từ truyền thống tu tập trong rừng ở nước này đều liên quan đến việc tu luyện thần thông nhiều hơn là thiền định.
Mặc dù chưa từng có sự kiện tương tự như một cuộc Cách Mạng Văn Hóa ở Việt Nam, Phật giáo vẫn thuộc quyền kiểm soát của nhà nước. Chỉ có một số ít tu viện được mở cửa và người dân không dễ gì xuất gia. Chế độ được nới lỏng hơn đối với các tăng sĩ ở miền Bắc, nơi mà các học viện Phật giáo đã tồn tại đồng thời với người cộng sản trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Chế độ vẫn giám sát chặt chẽ chư tăng ở miền Nam hơn.
Truyền thống Phật giáo Đại thừa Đông Á bắt nguồn từ Trung Quốc là truyền thống mạnh nhất tại Đài Loan (Taiwan), Hồng Kông và Nam Hàn (South Korea). Đài Loan có giới tăng ni lớn mạnh và được các cư sĩ hỗ trợ một cách rộng rãi. Có các trường đại học Phật giáo và chương trình Phật sự hoạt động vì phúc lợi xã hội. Hồng Kông cũng có một cộng đồng tăng lữ phát triển. Điểm nhấn trong các cộng đồng Phật giáo Trung Quốc hải ngoại ở Mã Lai, Singapore, Nam Dương, Thái Lan và Phi Luật Tân (Philippines) là các lễ cầu nguyện cho phúc lợi của tổ tiên, cho sự thịnh vượng và giàu có của người còn sống. Có nhiều đối tượng trung gian mà các vị thánh Phật giáo sử dụng để ban những lời tiên tri, khi những người này ở trong trạng thái lên đồng, và họ được các cư sĩ tham vấn ý kiến về vấn đề sức khỏe và tâm lý. Các doanh nhân Trung Quốc, vốn là chủ lực của những nền kinh tế được mệnh danh là “Con hổ châu Á”, thường xuyên cúng dường rộng rãi cho chư tăng để các thầy thực hiện các nghi lễ, giúp họ thành công về mặt tài chánh.
Phật giáo ở Hàn Quốc (Korea) vẫn còn mạnh mẽ, dù phải đối mặt với sự thách thức ngày càng lớn mạnh từ các phong trào của tín đồ Cơ Đốc Phúc Âm (Evangelic Christian). Nhiều cộng đồng tăng ni nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ dân chúng. Truyền thống hành thiền đặc biệt phát triển, nhất là Son, một hình thức Zen của người Hàn Quốc. Ngược lại, ngoại trừ một tu viện mở cửa một cách tượng trưng cho mục đích tuyên truyền ở Bắc Hàn, Phật giáo bị đàn áp nặng nề.
Nhật Bản có nhiều ngôi chùa tráng lệ được bảo tồn cho dân du lịch và khách tham quan, nhưng nhiều chùa trong số đó bị thương mại hóa. Mặc dù cũng có một số hành giả nghiêm túc, nhưng đa số các truyền thống trở nên cực kỳ yếu kém và nghi thức hóa. Từ thế kỷ 13, người Nhật đã có truyền thống các vị sư trong chùa có thể kết hôn và không bị cấm uống rượu. Các vị sư này dần dần thay thế truyền thống tăng sĩ độc thân. Hầu hết người Nhật theo sự kết hợp của Phật giáo và đạo thần linh Shinto truyền thống của Nhật Bản. Họ có các thầy tu thực hiện các phong tục và nghi lễ Shinto cho các đám cưới và khi trẻ em chào đời, và nghi thức Phật giáo trong các đám tang, mà ít có sự hiểu biết về các truyền thống này. Có một số chuyển biến trong việc áp dụng các phương pháp của đạo Phật để giảm áp lực công việc trong các công ty lớn, và một giáo phái Phật giáo lớn của Nhật Bản có một chương trình xây dựng các Ngôi Chùa Hòa Bình (Peace Pagodas) mở rộng trên khắp thế giới. Ngoài ra, còn có một số giáo phái cuồng tín về ngày tận thế, tự gọi mình là Phật tử, nhưng thực chất không có nhiều liên hệ với giáo lý của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Trong lịch sử, một số truyền thống Phật giáo Nhật Bản theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, dựa trên niềm tin rằng Nhật Bản là thiên đường Phật giáo. Điều này xuất phát từ giáo phái Shinto của vua chúa và tầm quan trọng của việc phụ thuộc vào tổ quốc. Những truyền thống đó đã sản sinh các đảng phái chính trị Phật giáo mang tính chủ nghĩa dân tộc và trào lưu chính thống cực đoan.
Ở vùng Nội Trung Quốc, cụ thể là ở khu vực người Hán (Han Chinese) của Trung Quốc, phần lớn các tu viện Phật giáo đã bị phá hủy, hầu hết các tăng ni, giảng sư lão luyện đã bị hành quyết hay giam cầm trong suốt thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa, vào thập niên 60 và 70. Tuy nhiên, tình trạng này không tệ hại bằng các khu vực không thuộc về người Hán như Tây Tạng (Tibet), Nội Mông Cổ (Inner Mongolia) và Tân Cương (Xinjang). Ngày nay, một số lớn người Hán ở mọi lứa tuổi sống trong vùng Nội Trung Quốc quan tâm đến Phật giáo, nhưng vấn đề chính là thiếu giảng sư. Nhiều thanh niên đã thọ giới xuất gia, nhưng phẩm chất của họ lại thấp kém. Hầu hết các thanh niên có trình độ học đại học thích làm việc và kiếm tiền hơn, trong khi những người gia nhập tu viện chủ yếu là người nghèo và/hoặc xuất thân từ gia đình ít học, chủ yếu từ vùng nông thôn. Chỉ có một vài vị tăng ni cao tuổi có trình độ, là những người còn sống sót sau cuộc đàn áp của cộng sản và có thể giảng dạy, ngoài ra thì không một ai ở độ tuổi trung niên có trình độ tu học. Tại nhiều thành phố lớn của Nội Trung Quốc và các địa điểm hành hương, có các trường đại học Phật giáo của chính phủ, với chương trình từ hai đến bốn năm, trong đó, môn giáo dục chính trị là một phần của chương trình đào tạo. Số người Hán vừa xuất gia tham dự các khóa học này tương đối ít.
Nhìn chung, trình độ giáo dục Phật giáo rất thấp ở các tu viện của người Hán. Người ta chủ yếu tập trung vào việc trùng tu Phật giáo về mặt vật chất như các ngôi đền, chùa, tượng Phật, v.v... vào thời điểm này. Công việc này đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực trong việc quyên góp tịnh tài và xây cất. Trong một số trường hợp, chính phủ Trung Quốc đang tài trợ cho công cuộc tái thiết. Kết quả là nhiều ngôi chùa hiện nay đang hoạt động như các viện bảo tàng hay điểm thu hút du lịch, với các tu sĩ là người soát vé và phục vụ. Điều này tạo ra một vẻ bề ngoài “tự do tôn giáo”, hình ảnh mà chính quyền Bắc Kinh (Beijing) cố gắng xây dựng. Tuy nhiên, hầu hết các công trình xây dựng là do người dân địa phương tài trợ, đôi khi, với sự bảo trợ của các mạnh thường quân nước ngoài, thường thì do chính các tu viện tài trợ. Một số phong tục tập quán thờ cúng tổ tiên được thực hiện trong chùa trước khi cuộc đàn áp của người cộng sản xảy ra, nay đang được khôi phục lại. Tuy nhiên, có một vài tu viện Trung Quốc ở các nơi khác nhau trong vùng Nội Trung Quốc đang hoạt động và đạt được trình độ tu học, hành trì ở một mức độ nào đó.
Sau cuộc nổi dậy của quần chúng chống lại việc quân đội Trung Quốc chiếm đóng Tây Tạng vào năm 1959, trong số các truyền thống Tây Tạng tại Trung Á, mạnh mẽ nhất là cộng đồng Tây Tạng tị nạn sinh sống chung quanh Đức Dalai Lama lưu vong ở Ấn Độ. Họ đã xây dựng lại từ đầu đa số các tu viện và một số ni viện Tây Tạng, có đầy đủ chương trình tu học truyền thống cho các nhà sư học giả, thiền sư và giảng sư. Có các phương tiện giáo dục, nghiên cứu và xuất bản nhằm bảo tồn mọi khía cạnh trong từng trường phái của truyền thống Phật giáo Tây Tạng.
Những người Tây Tạng lưu vong đã mang lại sức sống cho Phật giáo trong các vùng Hy Mã Lạp Sơn của Ấn Độ, Nepal và Bhutan, kể cả Ladakh và Sikkim, bằng cách gửi các giảng sư và tái trao truyền các dòng truyền thừa. Nhiều tăng ni ở các vùng này đang thọ nhận nền giáo dục và đào tạo trong các tu viện và ni viện của người Tây Tạng tị nạn.
Mặc dù người Sherpa ở phía Đông Nepal và người Tây Tạng tị nạn ở miền Trung Nepal theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng, hình thức truyền thống của Phật giáo Nepal vẫn còn tồn tại ở mức độ hạn hẹp trong cộng đồng người Newari ở thung lũng Kathmandu. Vì tu tập theo sự pha trộn giữa sắc thái Ấn Độ của Phật giáo Đại thừa và Ấn Độ giáo, họ là xã hội Phật giáo duy nhất còn duy trì sự phân biệt đẳng cấp trong các tu viện. Kể từ thế kỷ 16, các tăng sĩ được phép kết hôn và có một đẳng cấp kế thừa việc gìn giữ các ngôi chùa và chủ xướng nghi lễ. Những ai đảm nhận những công việc này phải xuất thân từ đẳng cấp này.
Tình hình Phật giáo ở Tây Tạng, nơi mà Trung Quốc đã phân chia thành năm tỉnh bao gồm Tây Tạng, Thanh Hải (Qinghai), Cam Túc (Gansu), Tứ Xuyên (Sichuan) và Vân Nam (Yunnan), vẫn còn rất ảm đạm. Trong số 6500 tu viện và ni viện trước năm 1959, ngoài 150 tu viện và ni viện còn sót lại, tất cả đã bị phá hủy, hầu hết là trước cuộc Cách Mạng Văn Hóa. Đại đa số các tăng sĩ có học thức đều bị hành quyết hoặc chết trong các trại tập trung. Hầu hết các tăng sĩ nói chung đều bị bắt buộc phải hoàn tục. Bắt đầu từ năm 1979, Trung Quốc đã cho phép người Tây Tạng trùng tu các tu viện của họ, và khá nhiều tu viện đã được xây dựng lại. Chính phủ Trung Quốc đã giúp họ xây dựng hai hoặc ba tu viện trong số đó, còn phần lớn đều do sự nỗ lực và tài trợ của các cựu tăng sĩ, người dân địa phương và người Tây Tạng lưu vong ở hải ngoại. Hàng ngàn thanh niên đã trở thành tăng ni, nhưng giờ đây chính phủ Trung Quốc lại áp đặt những giới hạn và hạn chế nghiêm trọng một lần nữa. Nhiều cảnh sát và điệp viên của chính phủ cải trang thành sư sãi và giám sát các tu viện một cách chặt chẽ. Chư tăng ni thường dẫn đầu các cuộc biểu tình chống lại chính sách đàn áp nhân quyền của Trung Quốc, đòi hỏi quyền tự chủ và tự do tôn giáo thực sự.
Nỗ lực kiểm soát Phật giáo ở Tây Tạng của chính quyền cộng sản Trung Quốc đã lộ rõ hơn bao giờ hết trong sự kiện tìm thấy vị hóa thân của Ban Thiền Lạt Ma (Panchen Lama). Vị Ban Thiền Lạt Ma thứ Nhất, sinh tiền trong thế kỷ 17, là vị trợ giáo của Đức Dalai Lama thứ Năm và được xem là lãnh tụ tinh thần thứ hai của người Tây Tạng, sau Đức Dalai Lama. Sau khi Ban Thiền Lạt Ma hay Đức Dalai Lama viên tịch, người kế nhiệm được chọn sẽ là một đứa trẻ được công nhận là hóa thân của vị tiền nhiệm. Đứa trẻ được tìm thấy sau cuộc tham vấn với các vị tiên tri và kiểm tra kỹ lưỡng ký ức chính xác của đứa bé về người thân và vật dụng của mình trong tiền kiếp.
Kể từ thời của Đức Dalai Lama thứ Năm, mặc dù các vị Dalai Lama đều là lãnh tụ về cả hai mặt tinh thần và thế tục của Tây Tạng, Ban Thiền Lạt Ma chưa bao giờ giữ vai trò chính trị. Tuy nhiên, kể từ đầu thế kỷ 20, người Trung Quốc đã cố gắng, nhưng không thành công trong việc chia rẽ người Tây Tạng bằng cách hỗ trợ Ban Thiền Lạt Ma thành một đối thủ chính trị của Đức Dalai Lama.
Người Mãn Châu (Manchus) ở vùng Đông Bắc Á, vốn không thuộc thành phần người Hán, đã cai trị Trung Quốc từ giữa thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20. Họ đã cố gắng thu phục lòng dân Mông Cổ và Tây Tạng để những người dân này chịu sự ảnh hưởng từ đế chế của họ, bằng cách hỗ trợ Phật giáo Tây Tạng bên ngoài, nhưng bên trong thì lại luôn luôn nỗ lực thao túng và kiểm soát các tổ chức Phật giáo, di chuyển trung tâm quyền lực Phật giáo từ Lhasa sang Bắc Kinh. Giữa thế kỷ 18, họ tuyên bố rằng chỉ có Hoàng Đế Mãn Châu mới có quyền lựa chọn và công nhận vị hóa thân của các Đức Dalai Lama và Ban Thiền Lạt Ma, bằng hệ thống rút thăm từ một chiếc lư vàng. Người Tây Tạng đã làm ngơ đối với lời tuyên bố đó, và việc chọn lựa hóa thân của Ban Thiền Lạt Ma luôn luôn do các vị Dalai Lama xác nhận.
Chính quyền cộng sản Trung Quốc đã công khai thừa nhận họ là người vô thần, lẽ ra họ sẽ không can thiệp vào vấn đề tôn giáo và hoàn toàn lên án tất cả các chính sách của những triều đại vua chúa trước đó đã cai trị Trung Quốc. Tuy nhiên, vào năm 1995, chính quyền này công bố họ là người thừa kế hợp pháp của triều đại Mãn Châu trong việc có thẩm quyền tìm kiếm và xác nhận hóa thân của Ban Thiền Lạt Ma thứ Mười, người đã viên tịch vào năm 1989. Việc này xảy ra một thời gian ngắn sau khi vị trụ trì tu viện của Ban Thiền Lạt Ma xác định được nơi sinh sống của vị hóa thân và Đức Dalai Lama chính thức ban sự xác nhận cho cậu bé. Sau đó, cậu bé và gia đình cậu đã được đưa tới Bắc Kinh, rồi từ đó không có thêm tin tức gì nữa. Vị trụ trì bị bắt giam và tu viện của Ban Thiền Lạt Ma bị người cộng sản kiểm soát một cách nghiêm ngặt. Kế đó, nhà chức trách Trung Quốc ra lệnh cho tất cả các vị Lama cao cấp tụ họp trong một buổi lễ mà họ đã chọn riêng một vị hóa thân của Ban Thiền Lạt Ma. Sau đó, Chủ tịch Trung Quốc đã gặp cậu bé sáu tuổi và chỉ thị rằng cậu phải trung thành với đảng cộng sản Trung Quốc.
Bên cạnh sự can thiệp của chính phủ Trung Quốc, vấn đề chính mà Phật giáo Tây Tạng phải đối diện là việc thiếu giảng sư có trình độ. Chỉ có một số ít các đạo sư cao tuổi còn sống sót sau cuộc đàn áp của người cộng sản, và một vài vị giảng sư hiện có thì chỉ trải qua hai hoặc tối đa là bốn năm tu học trong chương trình đào tạo rất hạn chế tại các trường đại học Phật giáo của chính phủ, vốn được thành lập nhờ nỗ lực của Đức Ban Thiền Lạt Ma quá cố. Nói chung, mặc dù có sự tu học nhiều hơn vùng Nội Trung Quốc, nhiều tu viện ở Tây Tạng mở cửa như các điểm thu hút khách du lịch, các tăng sĩ phải làm việc như nhân viên soát vé và phục vụ. Nhìn chung, giới cư sĩ có niềm tin rất mạnh mẽ, nhưng một số đông thanh niên đang bị sa ngã do nạn thất nghiệp, vì dân số di cư khổng lồ người Hán và nguồn cung cấp các mặt hàng như rượu rẻ tiền, ma túy, sách báo khiêu dâm và bàn bida để cá cược ngày càng gia tăng từ vùng Nội Trung Quốc.
Hầu hết các tu viện của người Mông Cổ Kalmyk ở miền Đông Turkistan (Tân Cương, Xinjiang) đã bị phá hủy trong suốt cuộc Cách Mạng Văn Hóa. Một số hiện nay đã được xây dựng lại, nhưng sự thiếu thốn giảng sư thậm chí còn nghiêm trọng hơn cả ở Tây Tạng. Các tăng sĩ trẻ mới xuất gia rất chán nản vì thiếu phương tiện tu học và nhiều người đã bỏ đi.
Tuy nhiên, tình trạng tồi tệ nhất đối với Phật tử Tây Tạng dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc là ở Nội Mông Cổ (Inner Mongolia). Hầu hết các tu viện ở miền Tây đã bị phá hủy trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa. Ở miền Đông, vùng trước đây là địa phận người Mãn Châu, nhiều tu viện vốn đã bị quân đội của Stalin phá hủy vào cuối cuộc Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai, khi người Nga giải phóng Bắc Trung Quốc khỏi sự chiếm đóng của Nhật Bản. Cuộc Cách Mạng Văn Hóa chỉ đơn giản hoàn tất sự hủy hoại này mà thôi. Trong số 700 tu viện trước đây ở Nội Mông Cổ, nay chỉ còn lại 27 tu viện. Tuy nhiên, không giống Tây Tạng và Tân Cương, hầu như không có sự nỗ lực nào để tái thiết các tu viện này. Một số lượng lớn người Hán đã di cư đến Nội Mông Cổ và kết hôn với dân địa phương, khiến cho phần lớn người Mông Cổ địa phương, đặc biệt là ở các thành phố, ít còn quan tâm đến ngôn ngữ của họ, đến truyền thống văn hóa hay đạo Phật. Một vài tu viện hoạt động như các điểm du lịch và có một số ít các nhà sư trẻ, nhưng họ hầu như không được đào tạo trong lớp tu học. Ở những vùng rất xa xôi ở sa mạc Gobi, một hoặc hai tu viện còn sót lại với các tăng sĩ vẫn thực hiện nghi lễ truyền thống, nhưng không có vị sư nào dưới bảy mươi tuổi. Không như các vùng ở Tây Tạng, nơi những đồng cỏ rất trù phú và dân du mục có điều kiện để hỗ trợ việc tái thiết các tu viện và cúng dường các vị tăng mới, những người du mục Nội Mông Cổ nào ở Gobi vẫn còn đức tin thì lại rất nghèo.
Tại Mông Cổ (Ngoại Mông Cổ), có hàng ngàn tu viện. Theo lệnh của Stalin, tất cả đều bị phá hủy phần nào hoặc toàn bộ vào năm 1937. Năm 1946, một tu viện ở thủ đô Ulaan Baatar đã được mở cửa trở lại như một biểu tượng, và vào đầu thập niên 70, một chương trình cao đẳng 5 năm dành cho các tăng sĩ đã bắt đầu tại đây. Chương trình đào tạo rất vắn tắt, nhấn mạnh vào việc nghiên cứu chủ nghĩa Mác. Các tăng sĩ được phép thực hiện một số nghi lễ hạn chế cho công chúng, sau khi chính quyền đã cẩn thận tra vấn những người dân này. Với sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản vào năm 1990, Phật giáo đã hồi sinh mạnh mẽ với sự giúp đỡ của những người Tây Tạng lưu vong ở Ấn Độ. Nhiều tăng sĩ mới được gửi đến Ấn Độ để được đào tạo và 150 tu viện đã được mở cửa trở lại hoặc tái thiết với quy mô khiêm tốn, với một số giảng sư người Tây Tạng đến từ Ấn Độ. Không giống như ở Tây Tạng, nơi các cựu tăng sĩ bị ép buộc phải hoàn tục đã không trở lại tu viện, mà chỉ làm việc để xây dựng lại và hỗ trợ cho tu viện, nhiều cựu tăng sĩ ở Mông Cổ đã gia nhập tu viện trở lại. Do hầu hết các vị sư này đều chưa từ bỏ việc sống ở nhà với vợ vào buổi tối và uống rượu vodka, điều này là một vấn đề lớn liên quan đến giới luật của tăng sĩ.
Tuy nhiên, vấn đề nghiêm trọng nhất mà Phật giáo Mông Cổ phải đối diện ngày nay chính là các nhà truyền giáo tích cực đạo Mặc Môn người Mỹ (American Mormon) và Báp-tít Cơ Đốc (Baptist Christian). Ban đầu, họ đến để dạy tiếng Anh, cung cấp tiền bạc và trợ giúp cho con em của người dân đi du học ở Mỹ, nếu họ chịu cải đạo. Họ phân phát các tập sách nhỏ miễn phí, được in ấn đẹp đẽ về Chúa Giêsu (Jesus) bằng tiếng Mông Cổ thông tục và trình chiếu phim. Phật tử không thể cạnh tranh lại họ. Hiện chưa có sách vở đạo Phật nào bằng ngôn ngữ thông tục, chỉ có sách bằng ngôn ngữ cổ điển mà ít ai có thể phiên dịch, thậm chí không có chi phí để in sách nếu chúng được phiên dịch. Do đó, thanh niên và những người trí thức đang bị lôi kéo từ đạo Phật sang đạo Cơ Đốc.
Có ba khu vực truyền thống Phật giáo Tây Tạng ở Nga: Buryatia ở Siberia gần hồ Baikal, Tuva cũng ở Siberia, thuộc về phía Bắc của Tây Mông Cổ, và Kalmykia ở phía Tây Bắc của biển Caspian. Dân Buryats và Kalmyk là người Mông Cổ, còn dân Tuvinians là người Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoại trừ vùng Buryatia chỉ có ba tu viện bị thiệt hại, toàn bộ tu viện ở các vùng kia đều bị Stalin phá hủy vào cuối thập niên 30. Cuối thập niên 40, Stalin mở cửa lại hai tu viện tượng trưng ở Buryatia, dưới sự giám sát nghiêm ngặt của KGB. Các tăng sĩ đã hoàn tục khoác y trở lại như đồng phục ban ngày và thực hiện một vài nghi lễ. Một số nhà sư tu học tại các trường cao đẳng ở Mông Cổ. Sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ vào năm 1990, Phật giáo đã hồi sinh mạnh mẽ ở cả ba vùng. Người Tây Tạng lưu vong đã gửi giảng sư, và các tăng sĩ trẻ đang tu học trong các tu viện Tây Tạng ở Ấn Độ. Hiện nay, có mười bảy tu viện được tái thiết ở Buryatia. Giống như ở Mông Cổ, nước Nga cũng có vấn đề đối với rượu và các cựu tăng sĩ đã từng có vợ. Nhưng khác với Mông Cổ, các nhà sư ở đây không tự cho mình là tăng sĩ sống độc thân. Nhiều kế hoạch đang được tiến hành để mở các tu viện ở Kalmykia và Tuva. Các nhà truyền giáo đạo Cơ Đốc đang hoạt động trong cả ba khu vực, nhưng không mạnh mẽ như ở Mông Cổ.
Người Á châu thuộc các truyền thống Phật giáo khác cũng rất quan tâm đến Phật giáo Tây Tạng. Nhiều đạo sư Tây Tạng từ cộng đồng lưu vong ở Ấn Độ đã được mời sang thuyết giảng tại Đông Nam Á, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản và Hàn Quốc. Người ta nhận ra rằng sự giảng giải rõ ràng về giáo huấn của Đức Phật trong truyền thống Tây Tạng là sự bổ sung hữu ích cho sự hiểu biết về truyền thống riêng của họ. Các nghi lễ Tây Tạng tinh vi nhằm kiến tạo sự thịnh vượng và sức khỏe cũng lôi cuốn người dân.
Tất cả các hình thức của Phật giáo cũng được tìm thấy trên toàn thế giới, ở các nước không theo đạo Phật truyền thống. Có hai nhóm chính, bao gồm: người nhập cư châu Á và các hành giả không phải là người châu Á. Người nhập cư châu Á, đặc biệt ở Hoa Kỳ và Úc, có nhiều ngôi chùa dân tộc. Canada, Ba Tây (Brazil), Peru và một số quốc gia Tây Âu, đặc biệt là Pháp, cũng thuộc vào trường hợp này, nhưng quy mô của các ngôi chùa dân tộc nhỏ hơn. Trọng tâm là việc thực hành lòng mộ đạo và có một trung tâm cộng đồng để giúp cho các cộng đồng di dân duy trì nền văn hóa riêng biệt và bản sắc dân tộc của họ.
"Trung tâm Phật pháp" của tất cả các truyền thống giờ đây được tìm thấy ở hơn tám mươi quốc gia trên thế giới, thuộc mọi lục địa. Hầu hết những ai đến các trung tâm này không phải là người Á châu, và các trung tâm Phật giáo chú trọng vào pháp hành thiền, tu học và hành trì các nghi lễ. Phần lớn các trung tâm này xuất phát từ các truyền thống Tây Tạng, Zen và Nguyên thủy. Các giảng viên tại các trung tâm này gồm có người phương Tây lẫn Phật tử từ châu Á. Số trung tâm Phật giáo lớn nhất được tìm thấy ở Hoa Kỳ, Pháp và Đức. Các học viên nghiêm chỉnh thường đến châu Á để tu học ở trình độ sâu hơn. Hơn nữa, có những chương trình nghiên cứu Phật giáo ở nhiều trường đại học trên khắp thế giới, những cuộc đối thoại cũng như trao đổi ý tưởng giữa đạo Phật và các tôn giáo khác, giữa đạo Phật và các ngành khoa học, tâm lý học và y học đã gia tăng. Đức Dalai Lama giữ vai trò quan trọng nhất trong lĩnh vực này.
Alexander Berzin
Cairo, Ai Cập, tháng Sáu 1996
Trần Ngọc Phú chuyển Việt ngữ; Lozang Ngodrub hiệu đính
Viện Lưu Trữ Phật Pháp Berzin
Tôi không thể đưa cho bạn một công thức chắc chắn để thành công nhưng tôi có thể cho bạn một công thức để trở nên thất bại: Làm hài lòng tất
Hôm ấy Phật sang đến rừng Ôn Tuyền với dáng vẻ thật uy nghiêm. Thật là hoàn toàn bất ngờ đối với La Hầu La! Chú vội vàng chỉnh đốn y áo
Để bắt đầu, hãy bắt đầu. __Words Worth🍀 Bạn không bao giờ thành công nếu bạn không bao giờ bắt đầu. __Helen Rowland🍀 Bắt đầu thì dễ, kiên trì là nghệ thuật.
"Cho dù thảm họa là vô cùng to lớn, nhưng sự kiện đáng buồn này về phần nào đó đã thể hiện được những đặc tính rất đáng ngưỡng mộ của Nhật
Thôi Hiệu (704-754), người Biện Châu, huyện Khai Phong, nay là một thành phố lớn thuộc tỉnh Hà Nam. Thôi Hiệu đi chơi tỉnh Vũ Xương, trèo lên lầu Hoàng Hạc tức
QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,
Giữ giới là lựa chọn tự do Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc
Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt