Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

E. THU THỨC ẤM 

Kinh : “Anan, ví như có người lấy bình tần gia(62) bịt cả hai lỗ, rồi vác cái bình đầy hư không đi xa ngàn dặm đem cho nước khác. Nên biết rằng Thức Ấm cũng lại như thế.

“Anan, cái hư không ấy không phải đến từ phương kia, cũng không phải nhập vào phương này. Thật vậy, Anan, nếu đến từ phương kia, thì trong cái bình đã đựng hư không đem đi, ở phương kia lẽ ra phải thiếu một bình hư không! Nếu đưa vào phương này thì khi mở miệng bình trút ra, lẽ ra phải thấy hư không ra !

“Vậy, nên biết rằng : Thức Ấm hư vọng, vốn không phải tánh Nhân Duyên, không phải tánh Tự Nhiên.

Thông rằng : Bộ Tông Cảnh Lục nói “Nếu chấp là có Thức, theo thân mà qua lại, nơi này Thức Ấm diệt, qua nơi kia Thức Ấm sanh thì cũng giống như đem hư không của xứ này qua cho xứ khác ở xa. Nếu ở nơi này Thức Ấm thật diệt mất, thì chỗ này phải thiếu hư không. Nếu ở nơi kia Thức Ấm lại sanh ra, thì khi mở nắp đổ bình, phải thấy hư không chảy ra. Bởi thế nên biết rằng : hư không bất động, Thức không đến-đi, Thức Ấm là hư vọng vậy. 

Tổ Ôn Lăng nói : “Cái Tánh Không Chơn Giác cùng khắp pháp giới một khi đã mê thì là Thức, Thức cũng như hư không ở trong bình. Trong ngoài đều là một hư không : ví dụ cho Tánh và Thức vốn là một Thể. Bịt cả hai đầu : ví dụ cho hư vọng phân ra là Đồng, là Khác. Hư không không có sự đến-đi : ví dụ cho Tánh không có sanh, không có diệt. Cái bình : ví dụ cho cái nghiệp hư vọng. Hư không trong bình : ví dụ cho Thức hư vọng. Nghiệp mang Thức đi, như cái bình mang hư không. Đi qua nước khác : ví dụ cho sự luân chuyển hư vọng trong sáu nẻo luân hồi”.

Kinh Pháp Cú nói : “Cái tinh thần ở trong hình hài như con chim sẻ nhốt trong bình. Bình vỡ thì chim bay mất”. 

Cái bình tần già này cũng giống như hình hài, hai ý giống nhau.

Quan Đại Phu Lục Tuyên hỏi Tổ Nam Tuyền : “Người xưa có nuôi trong bình một con chim, dần dần lớn lên, không ra khỏi bình được. Nay nếu không được hủy bình, không được làm hư hao chim, làm sao ra được ?”

Tổ Nam Tuyền kêu lớn : “Đại Phu !”
Ông Lục Tuyên ứng tiếng dạ.
Tổ Tuyền nói : “Ra rồi vậy”.
Ông Lục Tuyên do chỗ đó mở tỏ, bèn lạy tạ.

Một hôm, lại hỏi Tổ Nam Tuyền : “Đệ tử theo Lục Hợp mà đến, trong ấy lại còn có thân chăng ?”
Tổ Tuyền nói : “Phân minh nhớ giữ, cử động tựa chủ nhân”.

Ông Lục Tuyên nói : “Hòa Thượng thật không thể nghĩ bàn, đến chỗ nào thế giới thành tựu chỗ đó”.
Tổ Tuyền nói : “Thật ra, đều là chuyện của phần ông đó !”
Hòa Thượng Báo Ân Minh hỏi hai vị thiền khách : “Thủ Tòa vừa rời chỗ nào ?”
Đáp : “Kinh đô”.

Tổ Minh nói : “Thượng Tọa rời kinh đô đến núi này, thì kinh đô thiếu Thượng Tọa mà núi này dư Thượng Tọa ! Dư tức là ngoài tâm có pháp; thiếu thì tâm, pháp chẳng cùng khắp ! Nói được lý đạo thì nên ở, chẳng hiểu thì nên đi”.
Hai vị này không đáp được.

Như thiền sư Thiên Y Hoài, chỗ thấy tự rành rẽ. Tổ Thiên Y đến ngọn núi Sam, được mời vào chùa, thượng đường nói : “Suốt hai mươi năm mến mộ núi này, hôm nay mừng đã đến được, quả là đầy đủ nhân duyên. Sơn tăng chưa đến núi này mà thân đã đến trước. Kịp tới khi đến đây, thì núi Sam đã ở trong thân của sơn tăng”.

Ở chỗ này mà mỗi mỗi đều thấu triệt, mới tin Thức Ấm là hư vọng, vốn chẳng hề có đến, có đi. Như bọt nước sanh ra, diệt mất, không lìa ngoài biển cả. Bọt nước là biển cả, thì Thức lại chẳng phải là Tánh Diệu Chân Như đó ư.

------------------------

01 Rỗng lặng. 
02 Thần Trường Thọ. 
03 Nhị kiến có hai thứ : Đoạn Kiến và Thường Kiến. 
 - Đoạn Kiến : cái thấy sai lầm (vọng kiến), chấp chặt thân tâm con người dứt diệt (chết) Rồi chẳng còn nối sanh nữa, tức Vô Kiến. 
  - Thường Kiến : cái thấy sai lầm chấp chặt thân người các đời còn hoài, không dứt, tức Hữu Kiến. 
04 Bụi dơ. 
05 Mudra, còn gọi là Kiết Tường Thủ. Tức là kiết cái ấn quyết định (Quyết Định Ấn). 
06 Cái Dụng. 
07 Đường chim, chỉ địa vị đến chỗ khó trên đường tu thiền : Hiểm khổ như đường chim. Lại còn chỉ địa vị đến đường rộng lớn mênh mông, không bờ cõi (như trên trời rộng lớn), như dấu vết con chim trong thinh không. 
 Động Sơn Lục : Tôi có ba đường rước người : Điểu đạo (đường chim), huyền đạo (đường bí mật), triển thủ (xòe tay). 
 Huyền Trung Minh Tự : Nhờ đường chim nên trống trải rộng lớn. Nhân nẻo nhiệm mà gồm tất cả. Nhưng, tuy thế không lặng lẽ vậy. Chẳng nghịch bày dao động. 
 Tổ Đình Sự Vản Tự : Đường chim giống như hư không vậy.
 Nam Trung Nhập Chí : Đường chim bốn trăm dặm, nhân sự hiểm trở, tuyệt bặt thú vật, không có lối đi. Riêng trên có đường chim bay. 
08 Cái xưa nay trước mắt. 
09 Không biết Bổn Tánh. 
10 Vũ trụ, thế giới, tất cả sự vật ở thế gian thân tâm dựa nương ở. Nhân bởi nghiệp đời trước cảm ứng ra. 
11 Căn thân. Theo nguyên nhân của nghiệp đời trước cảm ứng ra (thường gọi là trả báo) ngay nơi thân thể. 
12 Quá khứ, hiện tại và vị lai. 
13 Tu Di. 
14 Thức Tinh Vốn Sáng. 
15 Cung vua.
16 Không tranh cãi. 
17 Thói nhà. 
18 Đại Điên Hòa Thượng. Được mối thiền Tào Khê, nối pháp Tổ Thạch Đàu, ở Ấp Tây U Lãnh, dưới chân núi lập thiền viện Linh Sơn, truyền pháp cho đệ tử cả ngàn người. 
19 Cái Thấy Vốn Sáng. 
20 Chân Tâm. 
21 Chỉ Phật.
22 Nghiêng. 
23 Vào dòng
24 Vạn tượng chi trung độc lộ thân. 
25 Nhà chú giải Trang Tử Nam Hoa Kinh. 
26 Dối trá, lộn xộn. 
27 Xem rõ ở Quyển X. 
28 Kinh Đại Bát Nhã. 
29 Tức là. 
30 Chẳng phải. 
31 Ca Diếp. 
32 Con ba ba lỗ mũi rắn. 
33 Nô nhi, tỳ nữ. 
34 Từ ngọn chỉ gốc. 
35 Phật. 
36 Tâm Tánh. 
37 Thuộc ngoại đạo. 
38 La hán tiểu thừa. Hoặc vào phép Hỏa Định (ngồi định mà chết, lấy lửa phép đốt tiêu cái thức đầu thai và cái nghiệp luân hồi) ; hoặc do thiêu xác (dùng giàn hỏa) Nên sắc thân tiêu dứt ra tro. 
39 Thấy Sông : xem Quyển I, phần II ...
40 Người ngọc. 
41 Máy then. 
42 Kiến kiến chi thời, kiến phi thị kiến. Kiến do ly kiến, kiến bất năng cập.
43 Không, Giả và Trung. 
44 Dã hỏa. 
45 Tự Tâm thường trụ. 
46 Giao thiệp. 
47 Nhược Tồn : nếu còn.. 
48 Chí Hư : rỗng không.. 
49 Mười Một. 
50 Haklena. Lặc Na : âm tiếng Phạn. Hạc : âm tiếng Hán; tôn giả sau khi sanh ra, có bầy hạc cảm mến bay theo nên gọi vậy. 
51 A Lại Da Thức còn có nhiễm ô. 
52 A Lại Da Thức không còn nhiễm ô, gọi là Bạch Tịnh Thức. 
53 Chứng Đạo Ca. 
54 Cái xưa nay vốn Không. 
55 Điạ vị Thập Trụ, Thập Hành, Thập Hồi Hướng thuộc về Tam Hiền, gọi là Thánh Thai. Do chỗ tự dùng mình gieo làm nhân, bạn lành làm duyên, nghe chánh pháp mà tu tập nuôi lớn đến bậc Sơ Địa, thấy được Đạo, sanh trong nhà Phật. 
56 Năm Lừa : năm không có trong mười hai chi. 
57 Thức A Lại Da, Thức Thứ Tám. 
58 Cái Thức thi hành âm thầm. 
59 Cái Có. 
60 Được Có. 
61 Tiếng xưng hô của thiền tông, chỉ kẻ thật có chỗ then chốt. Nghiã là tông sư; như Triệu Châu gọi là tác gia. 
62 Bình giống hình chim Tần Già (Kalavinka - Ca lăng tần già). Phật dùng làm thí dụ không có sự qua lại của cái không, không có sự sống chết của cái thức (tâm thức hay uẩn thức). 

Xem mục lục