Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (22)


Xem mục lục

Cách bạn cảm nhận bản chất của mình quyết định những gì bạn cho là nhu

cầu cần thiết và những gì là quan trọng đối với bạn trong đời sống – và những

thứ quan trọng đó sẽ có năng lực tạo nên những bất ổn, hoặc gây xáo trộn cho

bạn. Ta có thể xem những thứ này là tiêu chuẩn để đánh giá khả năng bạn tự hiểu

mình sâu sắc đến đâu. Những gì quan trọng đối với bạn không nhất thiết là những

thứ mà bạn tin tưởng hay thường nói ra, mà đó còn là những gì mà bạn làm và

phản ứng của bạn đối với chúng. Vì thế bạn có thể tự hỏi mình: Cái gì có thể tạo

ra trạng thái bất ổn cho tôi? Nếu những thứ nhỏ nhặt mà có khả năng gây ra sự

xáo trộn cho bạn thì bạn tin rằng mình là những gì nhỏ nhặt. Đó là niềm tin vô

thức của bạn. Vậy cái gì là những thứ nhỏ nhặt? Rốt cuộc, hầu hết mọi thứ đều là

nhỏ nhặt, vì mọi thứ đều chóng hiện, chóng tàn.

    Bạn có thể nói: “Tôi biết rằng tôi là một linh hồn bất tử” hay “Tôi chán cõi

đời điên rồ này lắm rồi, tôi chỉ cần sự bình an”. Nhưng khi vừa có tiếng chuông

điện thoại reo vang báo tin xấu: có thể là thị trường chứng khoán sụp đổ, có thể

là hợp đồng của bạn vừa bị hủy bỏ, hay chiếc xe hơi của bạn vừa bị đánh cắp, bà

mẹ vợ của bạn sẽ ghé đến thăm bạn, hoặc đối tác từ chối hợp đồng với bạn vì họ

cần thêm tiền,… thì nỗi ưu tư bỗng trỗi dậy ở trong bạn và bạn cảm thấy muốn

nổi điên lên. Giọng bạn đanh lại: “Tôi hết chịu đựng nổi những thứ này nữa!”.

Rồi bạn lên giọng tố cáo, trách móc, bào chữa cho mình, và tất thảy đều xảy ra

một cách tự động. Giờ thì quá rõ ràng cái gì là thực sự quan trọng đối với bạn. Sự

bình yên ở nội tâm mà chỉ trong mấy phút trước đây là tất cả những gì bạn mong

muốn đã không còn nữa, và đấng bất tử ở trong bạn cũng vừa bỏ đi đâu mất. Sự

bình yên không quan trọng bằng các hợp đồng, tiền bạc, đối tác… Những thứ này

quan trọng đối với ai, đối với đấng bất tử ở trong bạn? Không, chúng chỉ quan

trọng đối với cái “Tôi” của bạn. Cái “Tôi” nhỏ bé luôn cố tìm cầu sự yên ổn hay

trọn vẹn qua những thứ chỉ đến rồi đi, và cảm thấy âu lo hay giận dữ nếu nó

không có được những thứ đó. Bây giờ thì ít ra bạn cũng biết được những gì mà

bạn cho là có giá trị.

    Nếu quả thật bạn muốn có sự yên bình, thì bạn sẽ chọn để có sự bình yên

trong tâm hồn. Nếu yên bình là thứ quan trọng với bạn hơn bất cứ điều gì khác,

và nếu bạn biết mình là một người đang thực tập để đi trên con đường tâm linh

hơn là một “cái Tôi nhỏ bé”, thì bạn sẽ không phản ứng và rất tỉnh táo khi đối

diện với những thách thức do một tình huống hay người khác gây ra. Ngay lập

tức, bạn biết chấp nhận tình huống đó và ngay lập tức trở thành một với tình

huống đó1, bạn không có ý nghĩ để tránh né, tách ly mình khỏi tình huống đó.

Rồi từ mức độ tỉnh thức và chấp nhận đó mà bạn sẽ có cách đáp ứng và làm

những gì mình cần làm để hóa giải tình huống. Lúc này bản chất chân chính của

bạn (tức là nhận thức) sẽ đáp ứng với tình huống, chứ không phải những khái

niệm mà bạn gán cho mình (“cái Tôi nhỏ bé”) sẽ đáp ứng. Như thế cách ứng xử

của bạn sẽ có hiệu quả và mạnh mẽ hơn, và qua đó bạn sẽ không biến một tình

huống hay người khác thành kẻ thù của bạn.

    Về lâu về dài, đời sống luôn giúp cho bạn để bạn không tự lừa gạt chính mình

trong chuyện cái gì thực sự có giá trị đối với bạn, bằng cách tạo ra những tình

huống để chỉ ra những gì bạn thật sự cho là quan trọng. Cách bạn phản ứng với

một tình huống hay với người khác, khi có thử thách lớn, là chỉ số tốt nhất để

giúp bạn hiểu chính mình sâu sắc2 đến mức nào.

    Khi bạn càng nhìn đời sống với con mắt hạn hẹp của bản ngã thì bạn càng

quan tâm và phản ứng với những hạn hẹp có tính bản ngã, những khía cạnh thiếu

nhận thức ở người khác. “Sai lầm” ở họ hay những thứ mà bạn cho là sai lầm ở

họ, sẽ trở thành giá trị con người của họ. Điều này có nghĩa là bạn chỉ thấy

những biểu hiện của bản ngã ở trong họ, do đó bạn vô tình làm mạnh thêm bản

ngã ở trong chính mình. Thay vì nhìn “xuyên qua” những biểu hiện tiêu cực đó

của bản ngã ở trong họ, bạn lại “nhìn vào” cái bản ngã đó của họ. Vậy cái gì ở

trong bạn chỉ muốn nhìn vào những biểu hiện xấu xí trong bản ngã của người

khác? Đó là bản ngã của bạn.

    Những người rất mê muội thường chỉ có thể cảm nhận bản ngã của họ qua

hình ảnh của nó trong của bản ngã của người khác. Khi bạn nhận ra rằng những

gì mà bạn khó chịu ở người khác, thì những khiếm khuyết đó cũng có sẵn ở trong

bạn3 (lắm khi, chỉ riêng bạn là người có khiếm khuyết này), thì bạn bắt đầu nhận

diện được khuôn mặt trần trụi của bản ngã ở trong mình. Ở vào giai đoạn đó, bạn

nhận thức rằng bạn chính là người đang gây khổ cho người khác, trong khi trước

đây, lúc còn mê mờ, bạn từng nghĩ rằng chính họ đã gây khổ cho bạn. Do đó, bạn

không còn xem mình là nạn nhân của những tình huống đó.

   Nhưng bạn không phải là bản ngã, nên khi bạn ý thức được bản ngã ở trong

mình, không có nghĩa là bạn sẽ biết mình là cái gì. Lúc đó điều mà bạn biết là:

Tôi không phải là những thứ này. Nhưng nhờ biết mình “không phải” là cái gì,

bạn tháo gỡ được chướng ngại lớn nhất để bắt đầu thực sự ý thức được chính

mình.

   Không ai có thể nói cho bạn biết bản chất chân thực của bạn là gì. Vì như vậy

chỉ là cho bạn thêm một khái niệm mới vào kho khái niệm có sẵn của bạn, và

điều này sẽ không giúp bạn thay đổi được gì. “Bản chất bạn là gì" không thể do

lòng tin mà có. Thật ra mọi lòng tin đều là chướng ngại. Thậm chí điều này

không đòi hỏi bạn phải đi tìm, vì chính bạn đã là cái đó rồi. Tuy nhiên, nếu bạn

không nhận thức được, thì bản chất chân thật của bạn sẽ không chiếu soi qua thế

giới này. Và khi bạn không biết bạn là gì thì bản chất chân chính đó vẫn còn nằm

im trong cõi Vô Tướng, tức là căn nhà thực sự của bạn. Lúc đó bạn sẽ như một

anh nhà nghèo không biết mình có 100 triệu đô la trong tài khoản ngân hàng, vì

thế mà tài sản của bạn vẫn còn là một khả năng chưa được biểu hiện.

Xem mục lục