Bản dịch Kinh Duy Ma Cật này căn cứ vào bản Hán dịch của ngài Cưu Ma La Thập, có tham khảo bản Hán dịch của ngài Huyền Trang và bản tiếng Anh (The Holy Teaching of Vimalakirti – Motilal Banasidass, 1991) của Robert A. F. Thurman dịch từ bản tiếng Tây Tạng của Dharmatasila (TT. Chos Nid Tshul Khrims). Ngoài ra khi dịch ra tiếng Việt, chúng tôi tham khảo các bản Việt dịch của cư sĩ Đoàn Trung Còn, Hòa thượng Thích Huệ Hưng và Hòa thượng Trí Quang – theo thứ tự xuất bản.
Như tựa đề sách, Thực Hành Con Đường Bồ Tát, phần giảng chú trọng vào sự thực hành hơn là giảng từng câu, và chú ý vào ý nghĩa để thực hành hơn là những khía cạnh khác như giáo lý và triết học. Hơn nữa, đối với một câu kinh, khó mà bình giảng cho trọn vẹn. Người ta chỉ có thể khai thác vài ý nghĩa, vài phương diện nào của nó để đem lại lợi lạc trực tiếp cho mình mà thôi, vì câu kinh là để chỉ thẳng thực tại, mà thực tại thì không thể nào nói cho hết, nhìn cho hết mọi khía cạnh của nó trong một khoảng đường ngắn ngủi. Như thế, sự bình giảng có thể nói là một sự gợi ý về đường lối thực hành.
Nền tảng của cuộc đời Bồ tát là pháp tánh (hay còn gọi là pháp tướng, thật tướng của tất cả các pháp), tức là bản tánh của tất cả các pháp, bản tánh của thân tâm và thế giới. Con đường của Bồ tát (còn gọi là Bồ tát hạnh) là y cứ trên nền tảng pháp tánh này, một mặt đi sâu vào nền tảng, mặt khác làm lợi lạc cho những người khác. Đi sâu vào nền tảng là sự tích tập trí huệ và làm lợi lạc cho những người khác là sự tích tập phước đức. Quả của con đường Bồ tát là thành Phật.
Bản tiếng Hán của Kinh, phân làm ba quyển: Thượng, Trung, Hạ. Một cách đại thể, quyển Thượng (phẩm 1-4) giới thiệu nền tảng; quyển Trung (phẩm 5-9) chỉ bày con đường và quyển Hạ (phẩm 10-14) nói về sự thành tựu của con đường Bồ tát là quả Phật.
Với quyết tâm đi tìm cho cuộc đời cạn cợt và chóng vánh của mình một nền tảng, một ý nghĩa đích thực để sống, chúng ta chỉ cần một câu kinh, một đoạn kinh để khai mở cho chúng ta ý nghĩa đó. Bởi thế, với động lực thành thật và quyết tâm, mong rằng mỗi người chúng ta đều tìm được phần nào đời sống đích thực trong bản kinh này, và như vậy công việc của chúng ta, người dịch giảng và người đọc, không là điều vô ích.
Phổ Quang tự, 2001
Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết Cũng gọi là: Kinh Bất Khả Tư Nghị Giải Thoát
Diêu Tần Tam Tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập phụng chiếu dịch