Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (8)


Xem mục lục
CHƯƠNG 16
GIẢI THÍCH: XÁ-LỢI-PHẤT NHÂN DUYÊN
            KINH: Phật bảo Xá-lợi-phất (Śāriputra).
            LUẬN: Hỏi:  Bát-nhã Ba-la-mật là pháp của Bồ-tát Ma-ha-tát, vì sao Phật bảo Xá-lợi-phất mà không bảo Bồ-tát?
            Đáp: Xá-lợi-phất là vì trí tuệ bậc nhất trong tất cả đệ tử,[1] như Phật có bài kệ nói:
                      “Trí hết thảy chúng sanh,

                      Chỉ trừ Phật Thế Tôn,
                      Muốn sánh Xá-lợi-phất,
                      Trí tuệ và đa văn,
                      Ở trong mười sáu phần,
                      Còn không bằng được một.”[2]
            Lại nữa, Xá-lợi-phất có trí tuệ đa văn và công đức lớn. Năm mới tám tuổi, đã tụng mười tám bộ kinh, thông hiểu hết thảy kinh sách nghĩa lý. Khi ấy ở nước Ma-kiệt-đà có anh em Long vương, một tên là Cật-lợi, một tên là A-già-hòa-la. Trời mưa xuống đúng thời, nước không bị mất mùa, nhân dân cảm phục, thường chọn tháng trọng xuân, tất cả họp lại để đi đến chỗ ở của Rồng, mở đại hội, tấu nhạc, luận nghĩa trọn một ngày. Từ xưa đến nay, sự tập hội ấy chưa bõ, bèn lấy tên
 

[1] Tăng chi bộ kinh I, chương 1: một pháp, 14: Phẩm người tối thắng, tr. 23: Trong các đệ tử Tỷ-kheo đã lâu ngày của Ta, này các Tỷ-kheo, tối thắng là Aññā Kondañña (A-nhã Kiều-trần-như). Trong các vị đại trí tuệ... tối thắng là Sàriputta (Xá-lợi-phất). Trong các vị có thần thông... tối thắng là Mahāmoggalāna (Mục-kiền-liên)…;  T. 2: Tăng nhất a-hàm kinh (Ekottarikāgama-增壹阿含經), quyển 3, đệ tử phẩm (弟子品), kinh số 2, tr. 557b4-7: Trong số đệ tử Thanh-văn của Ta trí tuệ vô cùng, giải quyết rõ ràng các nghi ngờ, đó là tỳ-kheo xá-lợi-phất. Thần thông nhẹ nhàng, bay đến mười phương đó là tỳ-kheo Mục-kiền-liên.
[2] T. 2: Tạp a-hàmkinh (Saṃyuktāgama-雜阿含經), quyển 23, kinh số 604, tr. 167c21-25: Trí hết thảy chúng sanh, muốn sánh Xá-lợi-phất, một trong mười sáu phần, chỉ trừ Phật Thế Tôn, Như-lai chuyển pháp luân, có khả năng tuỳ chuyển, kia (Xá-lợi-phất) có vô lượng đức, lại có thể tuyên thuyết. (一切眾生智, 比於舍利弗, 十六之一分,  以除如來智, 如來轉法輪, 是則能隨轉, 彼有無量德 誰復能宣說).
 

* Trang 416 *
device

Rồng để đặt tên hội này. Lệ thường trong ngày ấy, trải bốn tòa cao, một cho Quốc vương, một cho Thái tử, một cho Đại thần, một cho Luận sư. Bấy giờ Xá-lợi-phất với cái thân tám tuổi, hỏi mọi người rằng: “Bốn cao tòa ấy đặt ra cho ai?”
            Mọi người đáp: “Cho quốc vương, thái tử, đại thần, Luận sĩ.”
            Khi ấy Xá-lợi-phất quán sát người đương thời Bà-la-môn v.v... thấy thần tình, đỡm lược, chí hướng của họ, không ai hơn mình, bèn bước lên tòa dành cho luận sĩ, kiết-già phu tọa. Mọi người thấy vậy nghi ngờ lấy làm lạ, hoặc bảo đó là nhỏ dại vô tri, hoặc bảo là có trí tuệ hơn người. Tuy khen cho là thần dị, nhưng vẫn ôm lòng kiêu căng, sợ xấu hổ với tuổi nhỏ kia, không tự mình nói với; mà sai đệ tử niên thiếu chuyển lời để hỏi. Xá-lợi-phất đáp lại đúng chỉ thú, lời lẽ nghĩa lý siêu tuyệt. Khi ấy các Luận sư tán thán là chưa từng có. Không luận kẻ ngu người trí, lớn nhỏ tất cả đều phục. Vua rất hoan hỷ, liền ra lệnh quan Hữu ty phong tặng một làng để cung cấp thường xuyên. Vua cỡi xe Voi, rung linh tuyên cáo cho tất cả đều rõ. Trong mười sáu đại quốc, sáu đại thành thảy đều vui mừng.
            Khi ấy, với người con thầy bói tên là Câu-luật-đà, họ Đại Mục-kiền-liên, Xá-lợi-phất kết làm bạn thân. Xá-lợi-phất thì tài trí thông minh được quý, Mục-kiền-liên thì sáng suốt khoáng đạt được trọng. Hai người này tài trí ngang nhau, đức hạnh tương đồng, đi thì cùng đi, ở thì cùng ở, nhỏ lớn quyến luyến, giao ước chung thủy. Về sau cả hai nhàm chán việc

* Trang 417 *
device

đời, xuất gia học đạo, làm đệ tử của Phạm-chí. Tinh cần cầu đạo, đã lâu mà chẳng có chứng nghiệm, mới đem hỏi Thầy. Thầy tên là Sằn-xà-gia (Sānjaya) trả lời rằng: “Từ khi Ta cầu đạo, trải bao nhiêu năm, chẳng biết là đạo quả không có chăng hay Ta không phải là người cầu đạo chăng mà Ta cũng chẳng được gì?”
            Một ngày kia ông Thầy mắc bệnh, Xá-lợi-phất đứng ở phía trên đầu, Mục-kiền-liên đứng ở phía dưới chân, thấy thở hổn hển, mạng sắp chết, thương xót mà cười. Hai người đồng lòng cùng hỏi cười vì ý gì? Ông Thầy trả lời: “Người đời không có mắt, bị ân ái bức bách, Ta thấy vua nước Kim Địa chết, đại phu nhân của ông tự nhảy vào đống lửa, mong cùng ở một chỗ, nhưng hai người ấy hành nghiệp và quả báo khác nhau, nơi sanh đến cũng khác nhau. Khi ấy hai người lấy viết ghi lại ý thầy, muốn để nghiệm xem hư thật.”
            Sau có người khách buôn nước Kim Địa, từ xa đi đến nước Ma-kiệt-đà, hai người lấy sự thật xét nghiệm, quả đúng như lời Thầy nói, mới bùi ngùi than rằng: “Chúng ta chẳng phải là hạng người cầu đạo chăng? Hay là Thầy còn giấu chúng ta chăng?”
            Hai người cùng nhau thề rằng: “Nếu ai gặp được vị cam lồ trước,  phải cho nhau cùng nếm!”
             Lúc ấy, Phật đã độ cả ngàn anh em ông Ca-diếp, đang lần lượt đi qua các nước, đến thành Vương-xá, dừng chân lại ở vườn Trúc. Hai thầy Phạm-chí nghe Phật ra đời, cùng nhau đi vào thành Vương-xá để biết tin tức. Bấy giờ có một Tỳ-

* Trang 418 *
device

kheo tên là A-thuyết-thị (Assaja- một trong 5 thầy Tỳ-kheo được Phật độ đầu tiên) mặc y cầm bát, vào thành khất thực. Xá-lợi-phất trông thấy dung nghi y phục khác thường, các căn tịch tịnh, trầm mặc, đi đến hỏi rằng: “Ngài đệ tử ai? Người nào là thầy của ngài?” Đáp: “Thái tử dòng họ Thích nhàm chán sự khổ, già, bệnh, chết, xuất gia học đạo, chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, là Thầy của tôi.” Xá-lợi-phất nói: “Thầy ông dạy thế nào nói cho tôi biết với?” Tỳ-kheo đáp kệ:
                            “Tuổi tôi còn trẻ nhỏ,

                            Ngày thọ giới mới mẻ,
                            Đâu thể diễn chí chơn,
                            Nói rộng nghĩa Như Lai.”
            Xá-lợi-phất nói: “Xin ngài hãy lược nói nghĩa cốt yếu.” Bấy giờ Tỳ-kheo A-thuyết-thị nói kệ:

                            “Các pháp nhân duyên sanh,
                            Pháp ấy là nhân duyên,
                            Pháp ấy nhân duyên diệt,
                            Đại sư nói như vậy.”[1]
            Xá-lợi-phất nghe kệ xong liền chứng được Sơ quả, trở về để báo lại với Mục-liên. Mục-liên trông thấy nhan sắc từ hòa vui vẻ, nghinh tiếp và hỏi: “Anh được vị Cam lồ ư? Nói cho tôi biết?” Xá-lợi-phất liền nói lại cho bài kệ vừa được nghe. Mục-liên nói: “Hãy nói lại cho lần nữa”, liền nói lại. Mục-liên nghe xong cũng chứng Sơ quả.
            Hai Thầy cùng hai trăm năm mươi đệ tử, đều đi đến
 

[1] Tham khảo T. 46: Chỉ quán phụ hành truyền hoằng khuyết (止觀輔行傳弘決), quyển 6, tr. 334c12-17: Các pháp nhân duyên sanh, pháp ấy là nhân duyên, pháp ấy nhân duyên diệt, Đại sư nói như vậy. Tôi nghe pháp này chứng được sơ quả … ấy là lược nói ba đế trong tứ đế. Các pháp nhân duyên sanh là khổ đế, pháp ấy là nhân duyên tập đế, pháp ấy nhân duyên diệt là diệt đế. (諸 法 從 緣 生, 是 法 說 因 緣, 是 法 緣 及 盡, 我 師 如 是 說. 身 子 聞 已 而 得 初 果 … 是 故 略 說 四 諦 中 三. 諸 法 從 緣 生 苦 諦 也, 是 法 說 因 緣 集 諦 也, 是 法 緣 及 盡 滅 諦 也.)
 

* Trang 419 *
device

chỗ Phật. Phật từ xa thấy hai người cùng với đệ tử đi đến, bảo các Tỳ-kheo rằng: “Các ông đã từng thấy hai người ấy ở trước các Phạm-chí chăng?” Các Tỳ-kheo thưa: “Bạch Thế Tôn, đã thấy.” Phật nói: “Hai người ấy là đệ tử trí tuệ đệ nhất trong hàng đệ tử của Ta.”
            Hai người cùng đại chúng đệ tử đi dần đến gần Phật, đến rồi cúi đầu và đứng qua một bên, cùng bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Chúng con muốn được xuất gia thọ giới ở trong Phật pháp.” Phật nói: “Thiện lai Tỳ kheo!”, tức thời râu tóc tự rụng, áo pháp mặc vào thân (saṃghātīprāvṛta), y bát đầy đủ-(pātrakaravyahasta), thọ giới thành tựu.[1]
            Qua nửa tháng sau, lúc Phật thuyết pháp cho Trường Trảo Phạm-chí, Xá-lợi-phất chứng đắc đạo qủa A-la-hán. Sở dĩ nửa tháng sau mới đắc đạo ấy là vì người sẽ làm Thầy theo Phật Chuyển pháp luân, thì phải ở Học địa, phải hiện tiền tự chứng nhập các pháp, mỗi mỗi biết đầy đủ, thế nên nửa tháng sau mới chứng đắc đạo qủa A-la-hán.
            Có các thứ công đức như vậy rất nhiều, thế cho nên Xá-lợi-phất tuy là A-la-hán, mà Phật đem pháp Bát-nhã Ba-la-mật sâu xa để nói cho.
            Hỏi: Nếu vậy, tại sao lúc đầu ít vì Xá-lợi-phất nói, về sau nhiều vì Tu-bồ-đề nói? Nếu vì trí tuệ bậc nhất, thì nên vì Xá-xợi-phất nói nhiều; cớ sao lại vì Tu-bồ-đề nói nhiều?
            Đáp: Xá-lợi-phất là vị trí tuệ đệ nhất trong hàng đệ tử Phật, Tu-bồ-đề là vị được Vô tránh tam muội đệ nhất trong hàng đệ tử Phật.[2] Tướng trạng của Vô tránh tam muội là
 

[1] Tham khảo T. 3: Phật bản hạnh tập kinh (Buddhacarita-佛本行集經), quyển 48, tr. 878a16-23.
[2] T. 1: Trung a-hàm kinh (Madhyamāgama-中阿含經), quyển 43, tr. 703c; Tăng chi bộ I, tr. 24; T. 27: Đại tỳ-bà-sa  luận (Abhidharma-mahāvibhāsā-śāstra-大毘婆沙論), quyển 179, tr. 898a.
 

* Trang 420 *
device

thường quán sát chúng sanh, không để tâm sinh phiền não, phần nhiều hành theo tâm lân mẫn. Các Bồ-tát là người mở rộng thệ nguyện lớn để độ chúng sanh, thương xót đồng đều, thế nên Phật sai nói Bát-nhã Ba-la-mật.
            Lại nữa, Tu-bồ-đề ưa tu Không tam muội. Như Phật ở cung trời Đao-lợi, hạ an cư, thọ tuế xong, trở xuống lại Diêm-phù-đề.[1] Bấy giờ Tu-bồ-đề đang ở trong hang đá,[2] tự suy nghĩ: “Phật từ trời Đao-lợi đi xuống, ta nên đi đến chỗ Phật ư? Hay không nên đi đến chỗ Phật ư?” Lại nghĩ: “Phật thường nói, nếu người dùng con mắt trí tuệ để quán Phật pháp thân, thời trong sự thấy Phật đó là hơn cả.”
            Lúc ấy, vì Phật từ trời Đao-lợi xuống, cho nên bốn bộ chúng trong Diêm-phù-đề tập họp, do đó mà chư thiên thấy người, người cũng thấy chư thiên. Ngồi ở giữa có Phật và Chuyển luân Thánh vương, chư thiên, đại chúng. Chúng hội trang nghiêm, từ trước chưa từng có. Tâm Tu-bồ-đề suy nghĩ: “Nay đại chúng này tuy là thù diệu đặc biệt, nhưng thế không thể lâu bền, pháp sanh diệt đều trở về vô thường.” Nhân bước đầu của phép quán vô thường này, mà biết được tất cả các pháp đều là không (sarvadharma śūnyatā), không có thật. Khi tu phép quán ấy, liền được chứng đạo.
            Bấy giờ, tất cả mọi người đều mong muốn thấy Phật để lễ kính cúng dường. Có Tỳ-kheo-ni Hoa Sắc muốn trừ sự xấu của cái tiếng nữ, bèn hóa làm Chuyển luân Thánh vương và bảy báu, ngàn đứa con. Mọi người trông thấy đều đứng dậy khỏi chỗ ngồi.  Hóa vương đi đến chỗ Phật xong, trở lại thân
 

[1] T. 2: Tăng nhất a-hàm kinh (Ekottarikāgama-增壹阿含經), quyển 28, Thính pháp phẩm (聽法品), kinh số 5, tr. 707c15-708a28; T. 4: Nghĩa túc kinh (義足經), kinh số 14, tr. 185c; T. 16: Đại thừa tạo tượng công đức kinh (大乘造像功德經), tr. 792c-793a; T. 25: Phân biệt công đức luận (分別功德論), quyển 3, tr. 38a-38a; T. 51: Tây vực ký (西域記), quyển 4, tr. 893b.
[2] Tham khảo T. 2: Tăng nhất a-hàm kinh (Ekottarikāgama-增壹阿含經), quyển 6, lợi dưỡng phẩm (利養品), kinh số 7, tr. 575b1-2; quyển 28, Thính pháp phẩm (聽法品), kinh số 5, tr. 707c12.
 

* Trang 421 *
device

như cũ, làm Tỳ-kheo-ni trước tiên đảnh lễ Phật.
            Khi ấy, Phật nói với Tỳ-kheo-ni: “Chẳng phải ngươi trước tiên đảnh lễ Ta, mà chính Tu-bồ-đề trước tiên đảnh lễ Ta, vì cớ sao? Vì Tu-bồ-đề quán các pháp Không, ấy là thấy Phật pháp thân, thành chơn cúng dường, hơn hết trong các cúng dường, chẳng phải do cung kính sanh thân là cúng dường vậy.
            Vì vậy, nên nói Tu-bồ-đề thực hành Không tam muội, cùng tương ứng với tướng Bát-nhã Ba-la-mật. Thế nên Phật sai Tu-bồ-đề thuyết Bát-nhã Ba-la-mật.
            Lại nữa, vì chúng sanh tin kính vị A-la-hán, các lậu đã sạch hết, nên Phật sai thuyết, để chúng sanh tâm tịnh tín. Các Bồ-tát, chưa hết lậu, nếu vì các người mà nói thì họ không tin. Vì vậy nên Phật đối với cả Xá-lợi-phất và Tu-bồ-đề mà thuyết Bát-nhã Ba-la-mật.
            Hỏi: Sao gọi là Xá-lợi-phất? Đó là tên do cha mẹ đặt? Hay dựa vào hành vi công đức mà đặt?
            Đáp: Đó là tên do cha mẹ đặt. Ở trong Diêm-phù-đề, nơi an lạc nhất có nước Ma-kiệt-đà, trong nước đó có thành lớn tên là Vương-xá, vua tên là Tần-bà-sa-la, có vị luận nghị sư dòng Bà-la-môn tên là Ma-đà-la. Vì người ấy luận nghị giỏi nên vua phong cho một ấp, cách thành lớn không xa. Ma-đà-la còn có gia đình, vợ sanh một người con gái, có con mắt giống mắt chim Xá-lợi, liền đặt tên con gái ấy là Xá-lợi. Lần thứ hai sinh một người con trai, mà xương đầu gối thô to, nên đặt tên là Câu-hy-la (có nghĩa là đầu gối to lớn).

* Trang 422 *
device

            Bà-la-môn Ma-đà-la đã có gia đình, phải nuôi nấng con trai con gái, nên sở học về kinh sách đều bị cũ xưa không còn được trau dồi mới.
            Lúc ấy ở Nam Thiên Trúc có một thầy đại luận nghị Bà-la-môn, đối với mười tám thứ đại kinh, thảy đều thông lợi. Người này đi vào thành Vương-xá, trên đầu đội lửa, lấy nịt sắt nịt bụng. Người ta hỏi lý do, bèn nói: “Sở học kinh sách của tôi quá nhiều, sợ bụng bị vỡ ra, cho nên nịt nó lại.” Lại hỏi: “Trên đầu vì sao đội lửa?” Đáp: “Vì tối quá.” Mọi người nói: “Mặt trời mọc chiếu sáng, tại sao lại tối?” Đáp: “Tối có hai thứ: Một là ánh mặt trời không chiếu đến, hai là ngu si che tối. Nay tuy có mặt trời sáng mà ngu si còn đen tối.” Mọi người nói: “Chỉ vì ông chưa gặp Bà-la-môn Ma-đà-la, nếu ông gặp thì bụng ông sẽ teo, sáng sẽ tối.”
            Vị Bà-la-môn ấy đi ngay đến bên chiếc trống, đánh trống luận nghị lên. Quốc vương nghe hỏi: “Ấy là người nào?” Các quan thần đáp: “Ở Nam Thiên Trúc có một Bà-la-môn tên Đề-xá, là một đại luận nghị sư, muốn tìm luận xứ, cho nên đánh trống luận.”
            Đại vương hoan hỷ, liền họp mọi người mà cáo rằng: “Ai có thể vấn nạn, hãy cùng người ấy luận nghị?” Ma-đà-la nghe vậy tự nghĩ: “Ta vì đã cũ xưa, không còn tập luyện đổi mới, không biết nay có thể cùng người ấy luận chăng?”, gắng gỗ mà đi đến. Giữa đường thấy hai con Trâu đực đang húc bạng nhau, trong tâm khởi ý tưởng tượng: “Con Trâu này là ta, con Trâu kia là người. Lấy đó bói xem biết được ai thắng.”

* Trang 423 *
device

Nhưng con Trâu này không bằng, bèn sầu lo quá, mà tự nghĩ rằng: “Cứ như tướng trạng ấy, ta sẽ không bằng.”
            Khi sắp đi vào giữa chúng, thấy có người mẹ, ôm một bình nước đứng ngay ở trước, bị khoéo chân té đất bình vỡ. Lại nghĩ rằng: “Đây cũng là điềm không tốt nữa.” Ma-đà-la hết sức không vui.
            Khi đã đi vào giữa chúng, thấy luận sư kia, nhan mạo ý chí, khí sắc tướng tốt đầy đủ, tự biết mình không bằng. Nhưng việc chẳng đặng ngừng, phải cùng chung luận nghị. Luận nghị đã giao ước, liền bị thua. Đại vương hoan hỷ là có được người đại trí sáng suốt từ xa đi vào nước ta, còn muốn phong cho một ấp. Quần thần nghị bàn: “Một người thông minh đi đến, liền phong cho một ấp, công thần thì chẳng tưởng thưởng, chỉ ưa thích ngữ luận, sợ rằng đó không phải là cái đạo an quốc toàn gia. Nay Ma-đà-la bị thua, thì phải dành lại phong ấp để cho người thắng. Nếu lại có người khác thắng thì lại dành lại để phong cho.” Vua chấp dụng lời ấy, liền dành lại đem phong cho người sau.
            Khi ấy Ma-đà-la nói với Đề-xá rằng: “Ông là người thông minh, ta gả con gái cho, con trai chỉ làm lụy nhau. Chi bằng nay ta muốn đi xa đến nước khác để cầu bổn chí.”
            Đề-xá nhận người con gái kia làm vợ. Người vợ mang thai, nằm mộng thấy một người thân mặc áo giáp, đầu đội mũ trụ, tay cầm Kim-cang, xô phá các núi mà đứng một bên núi lớn. Thức dậy nói lại với chồng: “Tôi mộng như vậy.” Đề-xá nói:  “Bà sẽ sanh con trai, tồi phục hết thảy các luận nghị sư,

* Trang 424 *
device

chỉ không hơn được một người, lại sẽ làm đệ tử người đó.”
            Xá-lợi mang thai. Vì đứa con trong thai mà mẹ cũng thông minh, rất có khả năng luận nghị. Em trai là Câu-hy-la, cùng với chị luận nghị, mỗi lần luận nghị đều bị thua, không bằng, biết đứa con trong thai chị, chắc chắn là đại trí tuệ, chưa sanh mà đã như vậy, huống gì sanh ra? Liền bỏ nhà đi học vấn, đến Nam Thiên Trúc, không rảnh để cắt móng tay, chuyên đọc mười tám  thứ kinh thơ, đều thông suốt, cho nên người thời bấy giờ gọi là Phạm-chí móng tay dài (Trường Trảo Phạm-chí). Con của chị đã sanh, bảy ngày sau, bọc trong giạ trắng, đem chỉ với cha nó. Cha nó suy nghĩ: “Ta tên Đề-xá, vậy theo tên ta mà đặt tên là Ưu-ba-đề-xá (Ưu-ba Tàu dịch Trụ, có nghĩa là theo, Đề-xá là tên ngôi sao). Ấy là tên do cha mẹ đặt. Mọi người vì thấy người kia do bà Xá-lợi sanh ra, nên đều gọi là Xá-lợi-phất (Phất nghĩa là con, tử).
            Lại, Xá-lợi-phất đời đời có bản nguyện, làm người đệ tử bậc nhất của Phật Thích-ca Mâu-ni, tự là Xá-lợi-phất. Đó là tên do nhân duyên bản nguyện. Do các lẽ đó nên gọi là Xá-lợi-phất.
            Hỏi: Nếu như vậy, sao không gọi là Ưu-ba-đề-xá mà chỉ nói Xá-lợi-phất?  
            Đáp: Người thời bấy giờ quý trọng người mẹ kia, thông minh bậc nhất trong chúng nữ nhân. Do nhân duyên ấy cho nên gọi là Xá-lợi-phất.
            KINH: Bồ-tát Ma-ha-tát muốn đem Nhất thiết chủng trí biết Nhất thiết pháp, thì phải tập hành Bát-nhã Ba-la-mật.

* Trang 425 *
device

            LUẬN: Nghĩa chữ Bồ-tát Ma-ha-tát, trước đã nói ở trong chương Tán thán Bồ-tát.
            Hỏi: Sao gọi là nhất thiết chủng? Sao gọi là nhất thiết pháp?
            Đáp: Cửa trí tuệ gọi là chủng. Có người do một cửa trí tuệ để quán, có người do hai, ba, mười, trăm, ngàn, vạn, cho đến hằng hà sa A-tăng-kỳ cửa trí tuệ để quán các pháp. Nay do nhất thiết cửa trí mà vào nhất thiết chủng loại, quán nhất thiết pháp, cho nên gọi là Nhất thiết chủng. Như người phàm phu có ba thứ quán. Muốn cầu lìa dục, lìa sắc, nên quán Dục giới, Sắc giới là thô ác, dối hoặc, ô trược, nặng nề. Còn Phật đệ tử thì có 8 thứ quán, là quán vô thường, khổ, không, vô ngã, như bệnh, như ung nhọt, như mũi tên cắm vào thân, bức não hoạn nạn. Tám thứ Thánh quán ấy vào trong bốn Thánh đế trở thành bốn hành tướng trong mười sáu hành tướng.
            Mười sáu hành tướng (ṣoḍaśākārāḥ) là : Quán Khổ đế có bốn hành tướng: Vô thường (anitya), khổ (duḥkha), không (śūnya), vô ngã (anātman). Quán khổ nhân (Tập đế) có bốn hành tướng: Tập (samudaya), nhân (hetu), duyên (pratyaya), sanh (prabhava). Quán khổ tận (Diệt đế) có bốn hành tướng: Tịnh (śānta), diệt (nirodha), diệu (Pranīta), xuất (niḥsaraṇa). Quán đạo đế có bốn hành tướng: Đạo-mārga, chánh, hành, tích (dấu).
            Trong phép quán hơi thở ra vào lại có mười sáu hành tướng: 1- Quán hơi thở vào, 2- Quán hơi thở ra, 3- Quán hơi thở dài, thở ngắn, 4- Quán hơi thở chạy khắp thân, 5- Trừ các thân hành (hơi thở), 6- Thọ hỷ, 7- Thọ lạc, 8- Thọ các tâm hành, 9- Khởi tâm mừng, 10- Tâm khởi thu nhiếp, 11- Tâm khởi  giải  thoát,  12- Quán vô thường,  13- Quán rã hoại, 14-

* Trang 426 *
device

Quán lìa dục, 15- Quán diệt, 16- Quán vứt bỏ.
            Lại có sáu niệm: Niệm Phật là niệm đức Phật là đấng Như Lai, Ứng cúng, Chánh đẳng giác. Như vậy đủ mười hiệu. năm niệm khác như sau sẽ nói.
            Thế trí, xuất thế trí, A-la-hán, Bích-chi Phật, Bồ-tát, Phật trí. Trí tuệ như vậy biết rõ các pháp gọi là Nhất thiết chủng.
            Nhất thiết pháp là: Pháp của thức duyên, là Nhất thiết pháp. Đó là nhãn thức duyên sắc, nhĩ thức duyên tiếng, tỷ thức duyên mùi, thiệt thức duyên vị, thân thức duyên xúc, ý thức duyên pháp. Duyên mắt, duyên sắc, duyên nhãn thức cho đến duyên ý, duyên pháp, duyên ý thức, ấy gọi là Nhất thiết pháp, là pháp của thức duyên.
            Lại nữa, pháp của trí duyên là Nhất thiết pháp. Đó là khổ tri biết khổ, tập tri biết tập, tận tri biết tận, đạo tri biết đạo. Thế trí biết khổ, tập, tận, đạo và hư không, chẳng phải thường duyên Diệt đế.[1] Ấy là pháp của trí duyên.
            Lại nữa, hai pháp[2] thu nhiếp hết thảy pháp (sarvadharma) là: Pháp sắc, pháp vô sắc. Pháp có thể thấy, pháp không thể thấy; pháp có đối ngại, pháp không đối ngại; hữu lậu, vô lậu, hữu vi, vô vi; tương ưng với tâm, không tương ưng với tâm; tương ưng với nghiệp, không tương ưng với nghiệp (trong tâm pháp, trừ tư tâm sở, tất cả đều tương ưng, vì nghiệp tức là tư cho nên trừ), pháp gần, pháp xa[3] v.v... Các loại hai pháp như thế thu nhiếp hết thảy pháp (hiện tại và vô vi là pháp gần, vị lai, quá khứ là pháp xa).
 

[1] Tham khảo T. 27:  A-tỳ-đạt-ma đại tỳ-bà-sa luận (Abhidharma-mahāvibhāsā-śāstra-阿毘達磨大毘婆沙論), quyển 31, tr. 161a14-19; T. 29: A-tỳ-đạt-ma câu-xá luận (Abhidharmakośa-śāstra-阿毘達磨俱舍論), quyển 1, tr. 161a26-b2.
[2] Tham khảo T. 26: Chúng sự phần a-tỳ-đàm luận (眾事分阿毘曇論), quyển 4, tr. 644b8-646b24.
[3] T. 26, A-tỳ-đạt-ma phẩm loại túc luận (Abhidharmaprakaraṇa-śāstra-阿 毘 達 磨 品 類 足 論), quyển 2, tr. 716a6-7: Thế nào là pháp xa? Nghĩa là quá khứ, vị lại. Thế nào là pháp gần? Nghĩa là hiện tại và vô vi phátr. 
 

* Trang 427 *
device

            Lại nữa, ba pháp thu nhiếp hết thảy pháp, đó là: Thiện, bất thiện, vô ký; học, vô học, phi học phi vô học; kiến đế đoạn, tư duy đoạn, bất đoạn.
            Lại có ba pháp thu nhiếp hết thảy pháp là: Năm uẩn, mười hai nhập, mười tám giới. Đem các loại ba pháp như thế thu nhiếp hết thảy pháp.
            Lại có bốn pháp thu nhiếp hết thảy pháp, đó là: Pháp quá khứ, vị lai, hiện tại, pháp chẳng phải quá khứ, vị lai, hiện tại. Pháp ràng buộc ở Dục giới, pháp ràng buộc ở Sắc giới, pháp ràng buộc ở Vô sắc giới, pháp không ràng buộc. Pháp từ nhân thiện, pháp từ nhân bất thiện, pháp từ nhân vô ký, pháp chẳng phải từ nhân thiện, bất thiện, vô ký. Pháp duyên duyên, pháp duyên không duyên, pháp duyên duyên không duyên, pháp chẳng phải duyên duyên chẳng phải duyên không duyên. Các loại bốn pháp như vậy thu nhiếp hết thảy pháp.
            Lại có năm pháp thu nhiếp hết thảy pháp, đó là: Sắc, tâm, tâm tương ưng, tâm không tương ưng và pháp vô vi. Các loại như vậy thu nhiếp hết thảy pháp.
            Lại có sáu pháp thu nhiếp hết thảy pháp, đó là: Pháp thấy khổ đoạn, pháp thấy tập, tận, đạo đoạn, pháp tư duy đoạn và pháp chẳng đoạn. Các loại sáu pháp như vậy, cho đến vô lượng, thu nhiếp hết thảy pháp. Ấy là Nhất thiết pháp.
            Hỏi: Các pháp sâu xa vi diệu không thể nghĩ bàn, hết thảy chúng sanh còn không thể biết được, huống gì một người mà muốn biết hết tất cả pháp? Thí như có người, muốn

* Trang 428 *
device

lường đại địa và đếm giọt nước của biển cả, muốn cân núi Tu-di, muốn biết ranh giới của hư không, những điều như vậy còn không thể biết được. Tại sao muốn dùng nhất thiết chủng để biết hết thảy pháp?
            Đáp: Ngu si che tối rất là khổ, trí tuệ sáng suốt rất là vui. Hết thảy chúng sanh đều không cầu đến khổ, chỉ muốn tìm vui, cho nên Bồ-tát cầu hết thảy đại trí tuệ bậc nhất mà quán hết thảy chủng để biết hết thảy pháp. Bồ-tát ấy phát đại tâm khắp vì hết thảy chúng sanh mà cầu đại trí tuệ, cho nên muốn biết hết chủng hết thảy pháp. Cũng như thầy thuốc vì một người hai người thì dùng một thứ thuốc hai thứ thuốc là đủ, còn nếu muốn trị bệnh của hết thảy chúng sanh thì phải dùng hết thảy thứ thuốc. Bồ-tát cũng như vậy. Muốn độ hết thảy chúng sanh cho nên muốn biết hết thảy chủng hết thảy pháp. Như các pháp sâu xa vi diệu vô lượng, thì trí tuệ của Bồ-tát cũng sâu xa vi diệu vô lượng. Trước đây trong đoạn đáp lại vấn nạn phá bác về “người Nhất thiết trí” đã nói rộng. Cũng như cái hòm lớn thì nắp cũng lớn.
            Lại nữa, nếu không lấy lý nghĩa để cầu hết thảy pháp, thời không thể được. Nếu lấy lý nghĩa để cầu thời không có điều gì không được. Thí như dùi lửa với cây thời lửa bật ra, chẻ củi tìm lửa, lửa không thể có. Cũng như đại địa có ranh giới, chẳng phải người Nhất thiết trí, người không có đại thần lực thời không thể biết được. Nếu có sức thần thông lớn thời biết được ranh giới đại địa của ba ngàn đại thiên thế giới. Nay đại địa này ở trên Kim-cương,[1] bốn phía của ba ngàn đại thiên
 

[1] Tham khảo T. 11: Phụ tử hợp tập kinh (父子合集經), quyển 16, tr. 964c17-20: Đại địa dày tám vạn bốn ngàn du-thiện-na,  rộng sáu vạn du- thiện- na. Lại sanh luân, đại luân bao quanh núi, an trú kiên cố đồng với kim cương.
 

* Trang 429 *
device

thế giới là hư không. Như vậy gọi là ranh giới đại địa. Muốn cân núi Tu-di cũng như vậy. Muốn lường hư không, chẳng phải không lượng được, nhưng hư không thì không có gì cả, cho nên không thể lường.
            KINH: Xá-lợi-phất bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Bồ-tát Ma-ha-tát tại sao muốn dùng hết thảy chủng biết hết thảy pháp thì phải tập hành Bát-nhã Ba-la-mật?”
            LUẬN: Hỏi: Phật muốn thuyết Bát-nhã Ba-la-mật nên hiện các thứ thần biến, hiện rồi thì nên thuyết liền, cớ sao để Xá-lợi-phất hỏi rồi sau mới thuyết?
            Đáp: Hỏi rồi mới đáp, cách thức của Phật là phải như vậy.
            Lại nữa, Xá-lợi-phất biết Bát-nhã Ba-la-mật là pháp sâu xa vi diệu vô tướng, khó hiểu khó biết, tự dùng trí lực suy nghĩ nhiều cách, như  quán các pháp vô thường, đó là Bát-nhã Ba-la-mật ư? Hay không là Bát-nhã Ba-la-mật ư? Vì không thể tự hiểu được cho nên hỏi.
            Lại nữa, Xá-lợi-phất chẳng phải là người Nhất thiết trí, đối với trong trí tuệ của Phật, chỉ như bé con. Như trong kinh A-bà-đàn-na nói:[1] “Phật trú ở Kỳ Hoàn, đi kinh hành lúc xế chiều, Xá-lợi-phất theo Phật kinh hành. Khi ấy có con chim Cắt đuổi chim Bồ câu. Bồ câu bay đến bên Phật, Phật kinh hành ngang qua, bóng phủ lên Bồ câu, thân Bồ câu an ổn, sợ hãi tiêu mất, không còn tiếng kêu. Sau có bóng của Xá-lợi-phất đến, Bồ câu liền kêu lên và sợ hãi như lúc đầu. Xá-lợi-phất bạch Phật: “Thân Phật và thân con, đều không có ba
 

[1] T. 3: Đại phương tiện phật báo ân kinh (大方便佛報恩經), quyển 6, tr. 156b6-15; T. 27: A-tỳ-đạt-ma đại tỳ-bà-sa luận (Abhidharma-mahāvibhāsā-śāstra-阿毘達磨大毘婆沙論), quyển 83, tr. 430b28-c7; T. 53: Kinh luật dị tướng (經律異相), quyển 48, tr. 254b-c.
 

* Trang 430 *
device

độc, vì nhân duyên gì bóng của Phật phủ lên Bồ câu thì Bồ câu im tiếng không còn sợ hãi, còn bóng của con phủ lên, thì Bồ câu kêu lên, sợ hãi như lúc đầu?” Phật nói: “Tập khí ba độc của ông chưa hết, cho nên khi bóng của ông phủ lên thì sợ hãi không trừ. Ông quán xem nhân duyên trước của Bồ câu này mấy đời làm Bồ câu?”
            Xá-lợi-phất liền nhập vào tam muội Túc mạng trí, quán thấy Bồ câu ấy chính từ trong loài Bồ câu đến. Như vậy một, hai, ba đời, cho đến tám vạn đại kiếp, thường làm thân Bồ câu. Quá đây trở về trước không còn thấy được nữa. Xá-lợi-phất từ tam muội dậy bạch Phật rằng: “Bồ câu ấy trong tám vạn đại kiếp thường làm thân Bồ câu, quá đó về trước, con không còn biết được nữa.” Phật nói: “Ông nếu không biết được hết đời quá khứ, thử quán xem đời vị lai, Bồ câu ấy đến lúc nào thì thoát được?”
            Xá-lợi-phất liền nhập vào tam muội Nguyện trí, quán thấy bồ câu ấy một, hai, ba đời, cho đến tám vạn đại kiếp, chưa thoát khỏi thân Bồ câu. Quá đó trở đi, cũng không còn biết được nữa. Từ tam muội dậy, bạch Phật: “Con thấy Bồ câu ấy từ một, hai, ba đời, cho đến tám vạn đại kiếp, chưa thoát khỏi thân Bồ câu. Quá đây trở đi không còn biết được nữa. Con không biết giới hạn quá khứ, vị lai. Vậy không hiểu Bồ câu ấy lúc nào sẽ thoát khỏi?” Phật bảo: “Xá-lợi-phất! Bồ câu ấy trừ hạng mức mà các Thanh-văn và Bích-chi Phật biết được, lại còn trải qua trong hằng hà sa đại kiếp, làm thân Bồ câu, khi tội hết mới được thoát khỏi, xoay vần mãi trong năm

* Trang 431 *
device

đường, sau được làm thân người, trải qua trong năm trăm đời mới được lợi căn. Lúc ấy có Phật, độ vô lượng vô số chúng sanh, sau đó vào Vô dư Niết-bàn. Giáo pháp để lại ở đời, người ấy (hậu thân Bồ câu) thọ năm giới Ưu-bà-tắc, theo các Tỳ-kheo nghe tán thán công đức Phật, bấy giờ mới phát tâm, nguyện được làm Phật, vậy sau ba A-tăng-kỳ kiếp, thực hành sáu Ba-la-mật, mười địa đầy đủ, được làm Phật, độ vô lượng chúng sanh xong mà vào Niết-bàn.
             Khi ấy, Xá-lợi-phất hướng đến Phật sám hối, bạch Phật rằng: “Đối với một con chim, con còn không thể biết gốc ngọn của nó, huống gì các pháp? Con nếu biết trí tuệ của Phật như vậy, thì vì trí tuệ Phật mà con thà vào địa ngục chịu vô lượng khổ, không cho là khó.”
            Như vậy v.v... đối với các pháp vì không hiểu cho nên hỏi.
___________

* Trang 432 *
device

Xem mục lục