…Với ánh mắt được tĩnh lặng nhờ năng lượng sâu sắc của sự hòa hợp và niềm vui của hạnh phúc, chúng ta thấy được sự sống trong vạn vật. (William Wordsworth).
-------💝💝💝-------
Có lần chúng tôi đưa một vị Thầy của chúng tôi từ Ấn Độ sang Hoa Kỳ. Sau một thời gian ông ở đây, chúng tôi hỏi ý kiến ông về sự tu tập Phật pháp của các thiền sinh bên này. Phần lớn, ông ta rất lạc quan về những điều ông thấy, duy có một điều ông phê bình rõ rệt. Thầy tôi bảo, sự tu tập ở Tây phương làm ông nhớ đến hình ảnh của những người chèo thuyền. Họ dùng hết công sức, cố gắng tinh tấn chèo và chèo và chèo. Nhưng chỉ có điều là họ đã quên tháo mở sợi dây cột thuyền vào bến. Ông bảo, ông thấy người ta rất kiên nhẫn và nỗ lực tu tập để đạt đến những trạng thái thiền định cao. Những trạng thái siêu việt, thoát ra ngoài mọi ý niệm của không gian, thời gian, của thân và tâm. Nhưng ông không thấy người ta tha thiết gì đến cách họ đối xử với nhau trong đời sống hàng ngày. Họ sẽ từ bi đến đâu đối với một người thợ sửa ống nước đến muộn, hay một đứa bé bày bừa bẩn thỉu? Họ có thật sự có mặt trong những hoàn cảnh khó chịu ấy không? Con đường tu tập có thể đưa ta đến những trạng thái siêu việt và thăng hoa. Nhưng con đường ấy phải bắt đầu ở ngay nơi này, bằng sự tiếp xúc của ta trong đời sống hàng ngày.
Mọi chúng sinh, tất cả chúng ta, đều mong muốn được hạnh phúc. Nhưng ít ai biết phương cách để đạt được việc ấy. Như tôi đã nói, đó cũng chính là lý do khiến Đức Phật quyết định đi truyền bá giáo pháp của ngài. Hãy nhìn cuộc sống chung quanh ta, bạn có thấy biết bao nhiêu người muốn được hạnh phúc, nhưng suốt đời họ lại cứ đi làm những việc mang đến cho mình khổ đau!
Trong những buổi đầu đi truyền bá giáo pháp, Đức Phật chỉ dạy cho người ta biết rộng lượng, và cẩn thận trong lời nói và hành động của họ. Nếu chúng ta muốn có hạnh phúc, điều thiết yếu đầu tiên là gìn giữ giới luật. Đức Phật dạy, một con tim đầy tình thương trong nội tâm, sẽ biểu lộ ra ngoài bằng một thái độ chăm sóc. Đó chính là cơ bản của giới luật. Cả hai chỉ là những khía cạnh khác nhau của cùng một sự tỏa chiếu.
Giới luật, tiếng Pali là sila, cộng với sự rộng lượng, là nền tảng cần thiết cho sự giải thoát. Nó vừa là bước đầu tiên của con đường tu tập, và cũng vừa là quả trái kì diệu cuối cùng của nó. Đức Phật dạy, giới luật là nguồn gốc của một cái đẹp chân thiện nhất, vượt lên trên hết mọi cái đẹp tầm thường, tương đối và hư dối khác.
Giới luật là phản ánh của một tình thương sâu sắc nhất trong ta. Khi ta thật sự biết thương mình, ta sẽ không dám làm hại một ai khác, vì tất cả chúng ta đều có liên hệ mật thiết với nhau. Bảo vệ kẻ khác cũng là bảo vệ chính ta. Giới luật có thể được thực thi trên mọi lĩnh vực: trong mối liên hệ với chính ta, trong mối liên hệ với kẻ khác và với cả môi trường chung quanh.
Tất cả mọi việc trên đời này đều gắn bó chặt chẽ với nhau. Những gì chúng ta nghĩ, chúng ta làm, dầu nhỏ nhoi đến đâu cũng đều có ảnh hưởng đến một cái lớn hơn. Vì vậy, nếu chúng ta muốn tâm mình được tĩnh lặng, muốn thấy được sự sống trong tất cả, ta cần phải biết sống trong sự hòa hợp.
Ta không thể nào ban ngày hành động bất chấp hậu quả, rồi buổi tối ngồi kiết già trên tọa cụ, và muốn kinh nghiệm được sự giải thoát. Mỗi phần trong sự sống của ta đều phải ăn khớp với tất cả những phần khác. Ta không thể nào bỏ phần này và chỉ giữ phần kia. Đó là lý do vì sao chúng ta xem “chánh mạng”, sống chân chánh, một chi phần trong bát chánh đạo, là một thực chất rất quan trọng của con đường giải thoát. Chúng ta không thể nào đi làm 8 tiếng mỗi ngày, nói dối, lừa lọc và rồi vẫn cảm thấy nguyên vẹn, không hao tổn, khi ngồi xuống thiền. Muốn được giải thoát, chúng ta cần phải tiếp xúc được với sự sống một cách trọn vẹn, và thấy được sự liên hệ giữa mình và mọi sự sống khác.
Đức Phật là một biểu tượng của một con người toàn vẹn nhất. Từ bi, thành thật và tuệ giác lúc nào cũng có mặt trong Ngài, cho dù Đức Phật có ở một mình, ở với kẻ khác, đi đây đó hay là ngồi yên. Chúng ta cũng có thể được nguyên vẹn như Đức Phật. Và chúng ta đạt được điều ấy bằng sự thực tập giới luật, tức là sila.
Trong truyền thống Phật giáo, giới luật dành cho hàng cư sĩ có 5 điều:
1. Nguyện không giết hại sinh mạng hoặc hành xử bạo động đối với kẻ khác.
2. Nguyện không lường gạt, và trộm cắp. Không lấy những gì không phải do mình tạo ra.
3. Nguyện không ăn nằm với những người không phải vợ hay chồng của mình. Tôn trọng những cam kết của mình và kẻ khác để bảo vệ hạnh phúc gia đình.
4. Nguyện không nói những điều sai với sự thật, không nói những lời gây chia rẽ và căm thù, không loan truyền những tin không biết chắc là có thật, và không phê phán hoặc lên án những điều mình không biết chắc.
5. Nguyện không uống rượu, không sử dụng các chất ma túy và những chất có tính cách độc tố.
Đa số trong chúng ta, ai cũng đều nghĩ rằng mình là một người tốt. Thật ra, tôi tin đa số chúng ta thật sự là những người tốt. Vì vậy, khi chúng ta nghe nói hay đọc về 5 giới của cư sĩ, ta tự nghĩ, đó là chuyện dĩ nhiên thôi, ta đâu có giết hại ai, ta đâu có trộm cắp của ai, ta đâu có xúc phạm ai, nói xấu ai, hoặc say sưa chuyện gì đâu! Nhưng dù vậy, trên con đường tu tập, tôi khám phá rằng, lúc nào ta cũng cần phải xem xét lại những gì mình thật sự hiểu về các giới luật này. Càng thực tập giữ giới, ta lại càng khám phá thêm sâu sắc hơn, các mức độ năng lượng khác nhau và sự bảo vệ do giới luật mang lại.
Chúng ta thường quan niệm rằng, giá trị của sự sống lệ thuộc vào kích thước của một sinh vật. Ví dụ, ta có thể dễ dàng đập chết một con ruồi bé nhỏ .Vì không thấy được mình có một sự nối liền nào với con ruồi, nên tay có thể ra tay dễ dàng. Nhưng sự sống có mặt trong con ruồi có khác biệt gì lắm với sự sống có mặt trong chúng ta không? Khi ta cảm thấy xa cách với những sự sống khác hình dạng với ta, ta có hạnh phúc hơn không, nó có giúp ta cảm thấy nguyên vẹn hơn không?
Nếu nhìn cho thật sâu, ta sẽ thấy được tính cách đồng nhất của mọi sự sống. Đức Phật dạy: Tất cả mọi chúng sinh đều mong muốn được hạnh phúc. Mọi sinh vật, dầu mang bất cứ một hình dạng nào, cũng đều muốn có hạnh phúc. Khi chúng ta kinh nghiệm được lẽ chung này, quan niệm về sát sinh của chúng ta cũng sẽ tự nhiên thay đổi, và sự hiểu biết của ta về giới thứ nhất cũng sẽ được sâu sắc hơn.
Giới không trộm cắp cũng rất là thâm thúy. Nó không chỉ có nghĩa là ta không lấy những gì không phải là của mình, nhưng còn cần phải thận trọng với đồ vật của mình nữa. Nếu lòng tham khiến ta lúc nào cũng nghĩ đến việc trộm cắp, ta sẽ xem mọi kẻ khác, mọi trách nhiệm và bổn phận đối với người khác, đều là những chướng ngại cho sự chiếm đoạt của mình. Ta sẽ bất chấp và gạt hết chúng qua một bên, miễn là đạt được những gì mình muốn. Ngay trong những hành động rất nhỏ nhặt, như là sử dụng kem đánh răng, xà bông gội đầu của ai mà không hỏi trước, cũng hàm chứa thái độ bất chấp này của ta đối với kẻ khác. Bạn hãy thử chú ý việc gì xảy ra trong tâm mình lúc ấy – một cảm giác cách rời với những kẻ khác. Giới không trộm cắp, thực tập cho sâu, sẽ giúp ta ý thức được tính chất tương quan, sự liên hệ lẫn nhau của mọi vật trên thế giới. Vì vậy, chúng ta cần phải biết chia sẻ nhau những gì mình có.
Mặc dù có thể trong lúc đang hành động, chúng ta chưa hoàn toàn ý thức được rằng mình đã làm hại, đã gieo trồng một hạt giống khổ đau cho ta và kẻ khác. Nhưng ta vẫn biết!
Và giới thứ ba có liên quan đến vấn đề tình dục cũng thế. Một trong những câu chuyện của ngài Sayadaw U Pandita mà tôi yêu thích nhất là “Tình dục làm hư bộ óc”. Trong cuộc đời, ta đã thấy có biết bao nhiêu người sẵn sàng đánh đổi cả sự nghiệp, gia đình, tình yêu, hoặc bằng hữu của mình, chỉ để được thỏa mãn dục tình trong chốc lát. Chúng ta sẵn sàng hi sinh một hạnh phúc dài lâu để đổi lấy một thú vui tạm thời. Và khi ta bất chấp mọi sự để thỏa mãn lòng tham muốn của mình, chắc chắn khổ đau sẽ có mặt. Trong cuộc đời, chúng ta thấy nhan nhản đầy dẫy những câu chuyện ngoại tình, phản bội, lường gạt và chiếm đoạt. Những câu chuyện ấy minh họa cho ta thấy những tai hại của một năng lượng dục tình không được kiềm chế.
Chúng ta cố gắng không làm hại kẻ khác trên phương diện vật chất, như là không sát sanh, không trộm cắp và không tà dâm. Và chúng ta cũng tránh không gây thương tổn cho kẻ khác bằng lời nói của mình nữa. Ta ý thức rằng lời nói của mình có một năng lực rất lớn. Đâu phải lời nói của ta thoát ra khỏi miệng rồi sẽ tự nhiên tan biến mất! Nó có một ảnh hưởng rất to tát đến cuộc đời này. Đặc biệt, chúng ta thực tập không nói sai sự thật, vì nó chỉ làm tăng thêm sự vô minh trong cuộc đời này mà thôi.
Và giới chót của năm giới, nói về việc cố gắng làm giảm sự si mê của mình, bằng mọi hình thức. Ta nguyện sẽ không dùng những chất có tính cách làm mê mờ tâm trí hoặc khiến ta trở nên vô ý. Quan điểm này bao giờ cũng là một đề tài tranh luận sôi nổi đối với người Tây phương. Thế nào là “làm mê mờ tâm trí hoặc khiến ta trở nên vô ý”? Nếu như ta chỉ muốn uống một hớp rượu nhưng không say sưa, như vậy có phạm giới không? Nói chung thì tôi hiểu được câu hỏi ấy! Chúng ta mỗi người phải tự tìm lấy câu trả lời cho chính mình, cho hoàn cảnh của mình. Con đường ta đi là con đường Trung Đạo, ta cần phải thấy được những gì mình cần phải làm, trong quân bình, trong mỗi giây phút, khi đối diện với những trường hợp khác nhau.
Trong vấn đề giữ giới, nếu ta chịu thực hành thử, việc ấy tuy đơn giản nhưng sẽ có một ảnh hưởng rất lớn. Chúng ta sẽ khám phá rằng, mình lúc nào cũng phải cải tiến, vì sự hiểu biết về giới luật mỗi ngày lại càng sâu sắc hơn, và chúng sẽ mang lại cho ta nhiều hạnh phúc hơn.
Trong vấn đề giữ giới, ta cũng cần hiểu rõ hơn về luật Nghiệp quả. Thật ra Đức Phật dạy: Ta sẽ không bao giờ hoàn toàn hiểu được luật Nghiệp quả. Ngài gọi đó là một trong bốn điều bất khả tư nghì, bốn điều mà ta không thể nghĩ bàn được. Nhưng dù vậy ta vẫn có thể chứng nghiệm được phần nào của quy luật tự nhiên này.
Luật Nghiệp quả không phải chỉ là một năng lực tạo nên những biến cố trong cuộc đời chúng ta mà thôi. Nó còn là một năng lực mạnh mẽ nhất. Không hiểu được luật Nghiệp quả, ta dễ cảm thấy mình chỉ là nạn nhân của cuộc đời: “Tại sao lại là tôi?”. Chúng ta có thể cảm thấy may mắn hoặc bất hạnh, nhưng ta vẫn cho rằng hoàn cảnh này sẽ đến với mình, thay vì ta là một phần của chúng. Ý thức được luật Nghiệp quả tức là ta dám đứng ra nhận lãnh trách nhiệm về tâm linh cũng như về luân lý của mình.
“Mọi chúng sinh đều là chủ nhân nghiệp quả của họ”. Tài sản thật sự của ta thật ra chỉ có bấy nhiêu thôi. Nghiệp quả là những gì ta sẽ mang theo từ đời này sang đời khác. Màu sắc của tác ý ta, tức những động lực đứng phía sau lời nói và hành động, là những hạt giống chúng ta đang gieo trồng trong giờ phút này. Tác ý của ta là hạt giống, và khi nào đủ duyên, sớm hay muộn gì rồi nó cũng sẽ kết thành hoa trái. Tác ý muốn cứu giúp kẻ khác, sẽ mang lại quả trái hạnh phúc. Và tác ý muốn làm thương tổn kẻ khác, chắc chắn sẽ mang lại cho ta quả trái khổ đau.
Ta cũng nên nhớ rằng luật Nghiệp quả không hề vận hành theo một đường lối máy móc cứng nhắc. Đây không phải là một tiến trình nhất định bày sẵn, mà nó cho phép rất nhiều yếu tố bất định khác, ảnh hưởng đến sự chín muồi của quả trái.
Đức Phật dạy, vì những tác dụng hỗ tương phức tạp của các điều kiện ảnh hưởng lẫn nhau, ta không thể nào đơn giản nói rằng, một hành động này chắc chắn sẽ mang lại một quả trái kia. Một quan niệm phổ thông về luật Nghiệp quả sẽ nói rằng, nếu bạn giết một con muỗi, thì trong đời này hoặc đời sau, bạn sẽ bị giết hại lại bởi một đàn muỗi. Nếu như luật Nghiệp quá cứng nhắc như vậy, Đức Phật dạy, ta sẽ không thể nào có cơ hội giải thoát được, ta sẽ không bao giờ chuyển hóa được những khổ đau của mình. Nhưng nếu ta biết rằng nghiệp quả của một hành động có thể thay đổi được, tùy theo những nhân duyên và điều kiện khác ảnh hưởng đến chúng, ta sẽ giải thoát và chấm dứt được những khổ đau của mình.
Vào trong cuộc sống, lúc nào ta cũng đang tạo dựng một môi trường chuyển hóa. Sự huân tập những nghiệp thiện và bất thiện trong quá khứ của một người, cũng như cá tính của người ấy, sẽ ảnh hưởng đến cái kết quả sau cùng. Cùng một hành động nhưng sẽ có những kết quả khác nhau, tùy theo trong môi trường nào ta đã tạo nên. Nếu như ta là một điều bất thiện và rồi nói dối để che dấu, ta sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường ấy. Và ngược lại, nếu ta sống trong giới luật, chánh niệm và từ bi, môi trường của ta sẽ là một không gian rộng lớn và bao la. Và nếu như ta có lỡ làm một việc gì bất thiện, nghiệp quả của nó cũng sẽ được chuyển hóa nhờ sự rộng lớn và cởi mở của môi trường ấy.
Vì vậy, giáo pháp của Đức Phật, sự tu tập, sẽ bảo vệ ta. Sự bảo vệ ấy - tạo một môi trường bao la, rộng lớn cho những hành động và nghiệp quả của mình - cũng chính là con đường tu tập Tứ vô lượng tâm. Chúng ta tập phát triển năng lực của từ, bi, hỷ và xả, như Đức Phật dạy, cho đến một ngày tâm ta trở nên như không trung, không bị nước sơn làm dơ bẩn, hoặc như một dòng nước trong không lửa nào đốt cháy được. Mặc dù ta có thể chui vào hang động, trốn vào rừng sâu, hoặc kéo mền đắp kín, để trốn tránh nghiệp quả của mình, nhưng ta vẫn có thể chuyển hóa nó bằng tình thương và chánh niệm.
Đức Phật dạy, sự hành trì với lực sẽ mang lại cho ta và kẻ khác một thái độ vô úy. Chúng ta sẽ thoát ly ra khỏi mọi điều sợ hãi. Ta không còn phải phập phồng lo sợ những hậu quả xấu do hành động của mình đem lại. Và ta cũng giúp kẻ khác bớt sợ hãi hơn nhờ niềm tin của họ vào ta. Khi nhìn thấy rõ được chính mình, ta sẽ muốn phục vụ hết mọi chúng sinh. William Butler Yeats viết: “Chúng ta có thể làm tâm mình trở thành một mặt hồ tĩnh lặng để người khác quây quần chung quanh, và họ sẽ thấy được hình bóng của chính họ. Vì vậy, hãy sống một cuộc đời trong sáng hơn, và có lẽ mãnh liệt hơn, với sự tĩnh lặng của mình.”
Nhưng sống với tâm từ và hành trì giới luật, không có nghĩa là từ đây về sau sẽ không còn một khổ đau nào xảy đến cho ta nữa. Bởi vì khổ đau lúc nào cũng có mặt, và có thể xảy đến cho bất cứ ai, trong bất cứ lúc nào. Nhưng nó có nghĩa là ta vẫn có thể sống hạnh phúc và không sợ hãi dẫu cho bất cứ một việc gì xảy ra.
Khi ta biết hộ trì Pháp, Dharma, thì Pháp sẽ hộ trì ta. Khi ta biết nâng đỡ và gánh vác nó, nó sẽ nâng đỡ và gánh vác ta. Khi ta ôm chặt chân lý, chân lý sẽ ôm chặt và bảo vệ ta. Chúng ta tìm một nơi nương tựa bằng cách tạo nên những điều kiện cho nơi ấy có mặt. Đó là luật Nghiệp quả. Và con đường dẫn ta đến hạnh phúc phải là con đường hành trì giới luật. Dharma, tức con đường giải thoát, cũng giống như một bức ảnh toàn diện (hologram) mà trong bất cứ một phần nhỏ nào ta cũng thấy được cái toàn phần. Cũng vậy, trong Tứ vô lượng tâm: Từ, bi, hỷ, xả ta tìm thấy con đường bất hại; và trong những hành động bất hại ta lại thấy được Tứ vô lượng tâm, Tứ thiên trú, Bốn cõi hạnh phúc. Và đó chính là một con đường hạnh phúc chân thật đang dành sẵn cho ta.
Trích: “Thiền Tập Về Thương Yêu” Tác giả: Sharon Salzberg
Dịch giả: Nguyễn Duy Nhiên - NXB: Phương Đông
Hợp nhất là sức mạnh... khi có làm việc nhóm và hợp tác, những sự việc kỳ diệu có thể được hoàn thành. _ Mattie Stepanek.✨ Lạc quan là niềm tin dẫn
Dòng Truyền Thừa Kagyu Kagyu là dòng Khẩu Truyền (hoặc có khi còn được gọi là Nhĩ Truyền) do chư đạo sư trực tiếp truyền lại cho đệ tử, từ miệng của Thầy qua
THIỀN SƯ LÂM TẾ có nói :Đạo lưu ! Tâm pháp không hình thông suốt mười phương, ở mắt gọi thấy, ở tai gọi nghe, ở mũi gọi ngửi, ở miệng nói
Dharmsala, Ấn Độ - Ở mức độ cơ bản, là người thì ai cũng giống nhau, đều muốn hạnh phúc và không muốn khổ đau. Đây là lý do tại sao bất
***Giải thoát khỏi tâm thức nhiễm ô, hay tịnh hóa tâm thức nhiễm ô nghĩa là giải thoát khỏi tư tưởng. Bởi vì toàn bộ tâm thức do tư tưởng hợp thành
QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,
Giữ giới là lựa chọn tự do Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc
Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt