141. Rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì
"Bạn em 15 tuổi, học lớp 9; sau khi có kinh nguyệt lần đầu (trong khoảng 4 ngày) thì mất luôn, mấy tháng nay không thấy nữa. Cô giáo nói ai đang tuổi có kinh mà không thấy nữa nghĩa là có thai, bạn em rất lo. Vậy bạn em có thai hay không? Hay nó không có khả năng sinh con, và phải chữa bằng thuốc gì?".
Trong một số trường hợp, những kỳ kinh đầu tiên trong đời người con gái có thể không đều đặn, số lượng và thời gian thay đổi. Dần dà nó sẽ ổn định bình thường. Không thể vội vàng "chụp mũ" là không có khả năng sinh con.
Còn về chuyện kia thì các em nên nhớ rằng: Người phụ nữ chỉ có thể mang bầu sau khi sinh hoạt tình dục với nam giới hoặc thụ tinh nhân tạo. Kết quả được xác định rất sớm và dễ dàng tại phòng khám thai.
Trường hợp của bạn em, nếu có hiện tượng chậm kinh thì nên đi khám tại một cơ sở phụ khoa có trang bị tốt.
Các em nên ghi chép đều đặn tình hình kinh nguyệt vào một cuốn sổ riêng, làm tài liệu cho mình và khi cần thì đưa cho bác sĩ tham khảo để hỏi ý kiến.
142. Kinh nguyệt không đều
"Cháu là con gái, năm nay gần 17 tuổi, bắt đầu hành kinh từ năm 15 tuổi. Từ một năm rưỡi nay, kinh nguyệt không đều, lượng kinh lần nhiều lần ít, có khi 2-3 tháng mới có một lần".
Cháu hãy chữa theo cách đơn giản, ít tốn kém sau (theo kinh nghiệm của Lương y Hoàng Duy Tân): Ích mẫu tươi 40-50 g, nhẹ tay rửa sạch (tránh làm giập), thái nhỏ. Gà giò 1 con (700-800 g) làm sạch lông, mổ bụng bỏ hết lòng, phổi và hai cục sáp trên phao câu, không bỏ hai hạt cà (tinh hoàn). Cho ích mẫu vào bụng gà, khâu kín lại, chưng cách thủy (không luộc) cho đến khi chín nhừ.
Ngay trong ngày hành kinh đầu tiên, ăn 1 con (chia thành 2 lượt). Sau đó, cứ 2-3 ngày lại ăn 1 con. Kỳ kinh sau, nếu thấy đỡ thì ăn thưa dần ra cho đến khi hoàn toàn bình thường thì thôi.
143. Khi nào thì đáng lo?
"Cháu là con gái, 19 tuổi. Trong tai nạn cách đây 3 năm, cháu bị khung xe đạp đập mạnh vào vùng bẹn, không chảy máu, từ đó đến nay sức khỏe mọi mặt vẫn bình thường. Vậy chấn thương đó có ảnh hưởng đến chuyện sinh nở sau này không, và cháu có nên lấy chồng không?".
Nên lấy chồng quá đi chứ. Chấn thương vùng bẹn dạo đó không gây ảnh hưởng gì đâu; nếu "có việc gì" thì ngay sau đó nhất thiết phải cháy máu nhiều hay ít.
Chỉ có chấn thương nghiêm trọng làm vỡ xương chậu (sau đó xương liền lại trong trạng thái lệch vẹo, gây hẹp khung chậu) mới ảnh hưởng đến sinh nở. Trong trường hợp này, thai phụ phải được bác sĩ phụ sản theo dõi sát để có thể mổ lấy thai đúng lúc, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cả mẹ lẫn con.
144. Hành kinh và vận động thể lực
"Việc đánh cầu lông, lên xuống cầu thang... trong khi hành kinh có ảnh hưởng gì đến việc sinh sản sau này không?".
Sau khi sạch kinh, niêm mạc dạ con bắt đầu dày lên, đến ngày thứ 14 (ngày thứ nhất là ngày đầu tiên thấy kinh), nó đã "tích lũy" được một lượng máu tối đa, sẵn sàng cho trứng tới làm tổ và phát triển. Nếu không gặp trứng, số máu này biến chất dần, niêm mạc dạ con bong ra và được đào thải ra ngoài cùng với số máu đó, sau khoảng 3-5 ngày thì hết; đó là những ngày có kinh.
Người phụ nữ đang độ tuổi sinh sản mỗi tháng mất một lượng máu nhất định, nhưng không sao, trời đã phú cho họ khả năng bù đắp nhanh chóng sự "mất mát" thường xuyên đó.
Lượng máu bị mất này đã ở mức tối đa ngay sau ngày thứ 14 của vòng kinh, chứ không phải chờ đến ngày thứ 28 là ngày nó được đào thải ra ngoài. Cảm giác mệt của chị em vào những ngày này là do ấn tượng chủ quan (thấy ra máu), chứ không phải do mất máu (đây là máu cũ đã biến chất, không phải máu mới). Nói là cảm giác khó chịu thì đúng hơn.
Mọi phiền phức có thể được giải quyết tốt bằng băng vệ sinh nhỏ gọn có khả năng thấm hút lớn. Nhờ vậy, các nữ vận động viên điền kinh, bóng đá, nữ diễn viên xiếc, trượt băng nghệ thuật... vẫn tập luyện, biểu diễn không ngưng nghỉ. Chơi cầu lông và lên xuống cầu thang so với các môn thể thao kia đã thấm vào đâu.
Tuy nhiên, trong những ngày hành kinh, niêm mạc cũ của dạ con vừa rụng, niêm mạc mới thay thế còn non, rất dễ bị bệnh nếu nhiễm khuẩn. Do đó, vào thời điểm này, chị em không nên đầm mình vào nước bẩn, khi làm vệ sinh không để dòng nước mạnh phụt ngược mang chất bẩn lên theo. Sau khi đại tiện, nên dùng nước rửa hậu môn, không chùi bằng giấy vì dễ quệt phân sang âm hộ.
145. Ngực nhỏ
"Năm nay em đã 20 tuổi rồi mà ngực vẫn rất nhỏ. Có một anh ngỏ lời yêu em, nhưng em nghĩ rằng đàn bà không vú lấy gì nuôi con nên đã trốn tránh anh ấy. Bố mẹ mắng em vì lối cư xử đó. Xin cho em một lời khuyên".
Cư xử như em, bị bố mẹ mắng cho là đúng. Em có yêu anh chàng đó không? Nếu yêu thật lòng thì đừng trốn tránh nữa! Sao em lại nói là em không có vú? Vú em phát triển hơi kém thôi, đừng lo. Với tình yêu nồng thắm, sống trong hạnh phúc lứa đôi, chắc chắn cơ thể em sẽ khác xa hiện nay. Đừng dại dột mà tự tạo ra cho mình một sự mặc cảm không đáng có. Em có thể tham khảo thêm Mục 73.
146. Cứ như người mang bầu
"Cháu 17 tuổi, hành kinh từ tháng hai năm nay, 7 ngày sau thì sạch, nhưng từ đó không thấy có kinh. Ngoài ra, bụng cháu cứ to dần, đến nay đã như người có thai 3-4 tháng! Cháu chưa hề quan hệ nam nữ, chắc chắn không có bầu, nhưng mẹ cháu lại nghi ngờ và mắng cháu, làm cháu rất khổ tâm. Xin cho biết cháu phải làm gì bây giờ?".
Cháu nói sơ sài quá, nên trước tiên phải loại trừ những tình huống không thể có, sau đó nêu lên vài khả năng để cháu liên hệ xem.
- Trước hết, cần loại trừ hiện tượng ứ máu kinh trong tử cung. Đây là tình trạng lỗ cổ tử cung bị bít lại từ trước, khiến máu kinh hằng tháng tích tụ lại, tử cung cứ to dần, sờ bụng dưới thấy có một khối nhẵn, ấn tay vào thấy căng và hơi tưng tức. Cháu đã có kinh một lần nên không phải bị chứng này.
- Cháu cũng không bị rối loạn kinh nguyệt do béo phì vì nếu bị béo phì, không chỉ bụng mà toàn thân đều to ra (rõ nhất là mông, đùi). Hơn nữa, bụng cũng to vừa phải thôi.
Chỉ còn hai hướng chẩn đoán khả dĩ đối với cháu:
- Có thể tin lời cháu nói là "chưa hề có quan hệ nam nữ" vì cháu chưa xây dựng gia đình. Tuy nhiên, trong thực tế, không ít thiếu nữ khi gần gũi bạn trai đã cho phép bạn mình thực hiện những động tác gây ra nguy cơ mang bầu, nhưng bản thân họ lại ngộ nhận là an toàn và tưởng như không có mảy may cái gọi là quan hệ tình dục.
Nếu cháu đã có bạn trai như vậy, cần mua ngay que thử thai. Nếu phản ứng dương tính, cháu nên nói thật với mẹ để có hướng xử trí.
- Cháu bị u nang buồng trứng, và u này đã khá to, cần phẫu thuật cắt bỏ.
147. Hiện tượng vô mao
"Em là nữ, 18 tuổi, cơ thể phát triển bình thường, nhưng ở nách và ở nơi khác đều không phát triển lông mao. Tại sao vậy? Điều này có ảnh hưởng gì đến tương lai không?".
Ở nữ, hiện tượng vô mao (lông nách, lông mu ở bộ phận sinh dục thưa thớt hoặc không có) thường do yếu tố di truyền, hiện chưa có cách khắc phục, kể cả thuốc men. Tuy nhiên, nó không ảnh hưởng gì đến quan hệ tình dục hoặc việc sinh con đẻ cái.
148. Những trục trặc về giới tính
"Cháu đã 17 tuổi nhưng ngực không phát triển và chưa có kinh nguyệt; giọng nói lại ồm ồm như con trai, thân hình to lớn, mũi cao. Cháu rất mặc cảm, không biết sau này có xây dựng gia đình được không. Xin cho cháu một lời khuyên".
Những gì cháu ghi trong thư chưa đủ để khẳng định là ở cháu có hiện tượng bất thường về nhiễm sắc thể giới tính (NSTGT) nhưng cũng làm ta khó bỏ qua hiện tượng này. Vì vậy, xin cung cấp một số điểm về lý thuyết để bản thân cháu và gia đình liên hệ, xem xét thêm:
Ta biết rằng NSTGT của nam là Y, NSTGT của nữ là X. Người nam có 22 cặp nhiễm sắc thể bình thường và cặp thứ 23 là XY). Còn người nữ có cặp nhiễm sắc thể thứ 23 là XX.
Các hiện tượng sau được coi là bất thường:
- Nữ, có 46 nhiễm sắc thể, cặp thứ 23 là XX (gọi tắt là 46, XX), vẫn có buồng trứng nhưng bị nam tính hóa do bị trục trặc trong việc tổng hợp các hoóc môn. Trường hợp này rất hay gặp trên thế giới.
- Nam 46, XX (mang X của nữ, tinh hoàn không có tế bào tinh), chiếm tỷ lệ từ 1/20.000 đến 1/5.000 (ở châu Âu).
- Nam 46, XY nhưng bị nữ tính hóa (vẫn có tinh hoàn, có trường hợp thêm cả dạ con), chiếm từ 1/40.000 đến 1/10.000.
- Nữ 46, XY (mang Y của nam), rất hiếm.
Một số trường hợp (hy hữu): Nam 47, XXY (có 3 nhiễm sắc thể giới tính); Nữ 47, XXX (có 3 nhiễm sắc thể giới tính); Nữ 45, X (chỉ có 1 nhiễm sắc thể giới tính).
Vấn đề của cháu rất hệ trọng và tế nhị. Tốt nhất là nhờ cha mẹ đưa đến khoa phụ sản của một bệnh viện trung ương để được xác định rõ. Qua khám xét lâm sàng và cận lâm sàng, bác sĩ sẽ biết được tình hình cụ thể của cơ quan sinh dục ngoài cũng như trong (nghiêng về giới nào), biết được bệnh của cháu thuộc dạng nào, từ đó sẽ quyết định chữa trị bằng thuốc hay phẫu thuật.
149. Có phải u vú không?
"Cháu 21 tuổi, chưa xây dựng gia đình. Từ tuổi dậy thì, hai bên vú đã có cục hơi rắn, chúng lớn lên theo sự phát triển của ngực. Cứ gần đến ngày hành kinh, các cục này trở nên rắn hơn và chạm tay vào rất đau. Cháu rất lo đây là triệu chứng của bệnh ung thư".
Những cục hơi rắn xuất hiện ở ngực cháu từ tuổi dậy thì chính là tuyến vú. Sau này, khi cháu xây dựng gia đình và có con, những cục này sẽ còn to hơn nữa để tiết sữa cho bé bú.
Còn việc những cục này trở nên rắn hơn, chạm vào thấy đau lúc sắp hành kinh là do lúc đó, cơ thể thiếu hoóc môn progesterone. Cách chữa đơn giản nhất là thường xuyên dùng thuốc mỡ Progestogen (bán tại các nhà thuốc) bôi lên vú. Tốt nhất là bôi vào ban đêm, trước khi đi ngủ để khỏi vướng víu và không bị mồ hôi làm trôi mất thuốc (thuốc sẽ thấm qua da). Thường một tuýp thuốc mỡ dùng được khoảng 3 tuần.
Nếu là u vú thì thường chỉ có một khối, sờ nắn không đau, mức độ rắn không thay đổi, kích thước chỉ lớn lên (chậm hay nhanh) chứ không bé lại hoặc mất đi, không diễn biến theo chu kỳ kinh nguyệt. Chính vì u vú không đau nên nhiều chị em coi thường, không chịu đi khám sớm để phát hiện và chữa trị kịp thời. Đến khi nắn vào thấy da nhăn nheo như vỏ cam (chứng tỏ đã có những sợi xơ chạy từ khối u đến dưới da, kéo mặt da xuống từng điểm, làm cho da chỗ đó nhăn nheo khi nắn) thì sự phát hiện này không còn sớm nữa!
150. U xơ tuyến vú
"Cháu đã xây dựng gia đình và có một con 7 tuổi. Gần đây, cháu thấy đau ở vú phải, sờ vào thấy một cục cứng, bác sĩ cho xét nghiệm chẩn đoán là viêm xơ tuyến vú, kê đơn thuốc và bảo không việc gì. Cháu dùng thuốc thấy đỡ, nhưng sắp đến ngày hành kinh lại thấy cục đó to lên và đau; khi hết kinh lại bình thường. Cháu nên uống thuốc tiếp hay phẫu thuật, và liệu nó có trở thành ung thư vú không?".
Đơn thuốc của cháu có mục đích vừa điều trị vừa thăm dò (thư cháu không nói nhưng chắc là bác sĩ đã cho cháu uống Orgametril viên 5 ml, mỗi ngày 2 viên trong 15 hôm, sau đó dùng tiếp mỗi ngày 1 viên 5 mg trong 15 hôm), và hiệu quả của nó đã giúp bác sĩ khẳng định cháu bị u xơ tuyến vú.
Về chữa trị thì tùy tình hình, có thể có hai hướng:
- Nếu dùng đơn thuốc nói trên thấy tình trạng tốt lên (mức độ đau không tăng, khối đó không lớn hơn trước...), nên nhờ bác sĩ cho chữa và theo dõi tiếp. Thường xuyên bôi lên vú phải thuốc mỡ Progestogen mỗi ngày 1 lần, vào buổi tối trước khi đi ngủ. Cháu nên tới bệnh viện xin chụp vú tiêu chuẩn xem có gì bất thường không, nhất là nếu trong gia tộc có những người bị bệnh ở vú.
- Triệt để và gọn gàng nhất là phẫu thuật cắt bỏ khối đó, ngay sau đó bác sĩ sẽ cho làm xét nghiệm giải phẫu bệnh để khẳng định thêm chẩn đoán. Mổ xong, cháu vẫn nên bôi đều mỡ Progestogen lên vết sẹo.
Sau này, nếu chẳng may bị lại ở vị trí khác (tuy khả năng này không nhiều), cháu cũng nên xin mổ lại sớm, khi khối đó còn nhỏ, mọi việc sẽ đơn giản hơn nhiều.
Nên nhớ rằng, u xơ tuyến vú là một chuyện, còn ung thư vú là lại chuyện khác. Vả lại, ở vú, "cục gì đau đau" thường không đáng sợ bằng "cục gì không đau". Cháu cứ yên trí.