Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

Đối với hầu hết chúng ta, toàn sống của chúng ta đều được đặt nền tảng trên nỗ lực, một loại ý muốn nào đó. Chúng ta không thể hình dung được một hành động mà không có ý muốn, mà không có nỗ lực; sống của chúng ta được đặt nền tảng trên nó. Sống kinh tế, xã hội và tạm gọi là tinh thần của chúng ta là một chuỗi của những nỗ lực, luôn luôn đạt được một kết quả nào đó. Và chúng ta nghĩ rằng nỗ lực là cần thiết, cốt lõi.

Tại sao chúng ta tạo ra nỗ lực? Nói một cách đơn giản, không phải rằng bởi vì mục đích đạt được một kết quả, trở thành cái gì đó, đến được một mục tiêu hay sao? Nếu chúng ta không tạo ra một nỗ lực, chúng ta nghĩ rằng chúng ta sẽ bị trì trệ. Chúng ta có một ý tưởng về mục đích mà chúng ta liên tục đang cố gắng hướng đến, và cố gắng này đã trở thành bộ phận thuộc sống của chúng ta. Nếu chúng ta muốn thay đổi chính chúng ta, nếu chúng ta muốn tạo ra một thay đổi cơ bản trong chính chúng ta, chúng ta thực hiện một nỗ lực khủng khiếp để loại bỏ những thói quen cũ kỹ, để kháng cự lại những ảnh hưởng của quy định sống theo thói quen và vân vân. Thế là, chúng ta quen thuộc với chuỗi nỗ lực này vì mục đích tìm được hay thành tựu cái gì đó, vì mục đích để sống. 

Liệu mọi nỗ lực như thế không là hoạt động của cái tôi hay sao? Liệu nỗ lực không là hoạt động tự cho mình là trung tâm hay sao? Nếu chúng ta tạo ra một nỗ lực từ trung tâm của cái tôi, chắc chắn nó phải sinh ra nhiều xung đột hơn, nhiều hỗn loạn hơn, nhiều đau khổ hơn. Tuy nhiên chúng ta cứ tiếp tục tạo ra nỗ lực này tiếp nối nỗ lực kia. Chẳng mấy người trong chúng ta nhận ra rằng, hoạt động tự cho mình là trung tâm của nỗ lực không dọn dẹp bất kỳ vấn đề nào của chúng ta. Trái lại, nó chỉ gia tăng sự hỗn loạn, đau khổ và phiền muộn của chúng ta. Chúng ta biết điều này; và vẫn vậy chúng ta tiếp tục hy vọng, trong chừng mực nào đó, sẽ phá vỡ hoạt động tự cho mình là trung tâm của nỗ lực này, hành động của ý chí này.

Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ hiểu rõ ý nghĩa của sống, nếu chúng ta hiểu rõ tạo ra một nỗ lực có nghĩa gì. Bạn có khi nào cố gắng để được hạnh phúc hay chưa? Không thể được, phải không? Bạn đấu tranh để được hạnh phúc, và không có hạnh phúc, đúng chứ? Hân hoan không đến qua kiềm chế, qua kiểm soát hay buông thả. Bạn có lẽ buông thả, nhưng tại khúc cuối bạn sẽ gặp gỡ sự cay đắng. Bạn có lẽ kiềm chế hay kiểm soát, nhưng luôn luôn có xung đột ẩn nấp đâu đó. Vì vậy hạnh phúc không hiện diện nhờ vào nỗ lực, hân hoan cũng không xảy ra qua kiềm chế và kiểm soát; và cũng vậy tất cả sống của chúng ta là một chuỗi của những kiềm chế, một chuỗi của những kiểm soát, một chuỗi của những buông thả đầy hối tiếc. Cũng có một khắc phục liên tục, một đấu tranh liên tục chống lại những đam mê của chúng ta, sự tham lam của chúng ta và sự dốt nát của chúng ta. Thế là chúng ta đấu tranh, chiến đấu, tạo ra nỗ lực, trong hy vọng tìm ra hạnh phúc, tìm ra một cái gì đó mà sẽ cho chúng ta một cảm thấy của hòa bình, một ý nghĩa của tình yêu? Vẫn vậy tình yêu hay hiểu rõ hiện diện qua xung đột hay sao? Tôi nghĩ, hiểu rõ điều gì chúng ta có ý qua những từ ngữ đấu tranh, xung đột, hay nỗ lực là điều rất quan trọng. 

Nỗ lực không có nghĩa một đấu tranh để thay đổi cái gì là thành cái gì không là, hay thành cái gì nên là hay nên trở thành, hay sao? Đó là, chúng ta đang liên tục đấu tranh để lẩn tránh đối diện cái gì là, hay chúng ta đang cố gắng tẩu thoát hay chuyển đổi hay bổ sung cái gì là. Một người thực sự mãn nguyện là người hiểu rõ cái gì là, đưa ra ý nghĩa đúng đắn cho cái gì là. Đó là sự mãn nguyện trung thực; nó không liên quan đến việc có ít hay nhiều tài sản, nhưng liên quan đến hiểu rõ toàn ý nghĩa của cái gì là; và điều đó chỉ có thể hiện diện khi bạn nhận ra cái gì là, khi bạn tỉnh thức được nó, không phải khi bạn đang cố gắng bổ sung nó hay thay đổi nó. 

Vì vậy chúng ta thấy rằng, nỗ lực đó là một xung đột hay một đấu tranh để chuyển đổi cái gì là thành cái gì đó mà bạn ao ước nó là. Tôi chỉ đang nói về sự đấu tranh tâm lý, không phải sự đấu tranh về vấn đề vật chất, giống như công việc khoa học hay một vài khám phá hay thay đổi mà thuần túy thuộc kỹ thuật. Tôi chỉ đang nói về sự đấu tranh tâm lý đó mà luôn luôn chi phối sự đấu tranh kỹ thuật. Bằng sự cẩn trọng lớn lao, bạn có thể thiết lập một xã hội tuyệt vời, sử dụng hiểu biết vô hạn mà khoa học đã trao tặng cho chúng ta. Nhưng chừng nào sự xung đột và đấu tranh và tranh luận thuộc tâm lý còn không được hiểu rõ, và những thái độ lẫn cảm xúc thuộc tâm lý còn không được khắc phục, cấu trúc của xã hội, dù được xây dựng tuyệt vời bao nhiêu, chắc chắn sẽ bị sụp đổ, như nó đã xảy ra lặp đi lặp lại.

Nỗ lực là một xao nhãng khỏi cái gì là. Khoảnh khắc tôi chấp nhận cái gì là, không còn đấu tranh. Bất kỳ hình thức nào của đấu tranh hay xung đột là một thể hiện của xao nhãng; và xao nhãng, mà là nỗ lực, phải tồn tại chừng nào thuộc tâm lý tôi còn ao ước thay đổi cái gì là thành điều gì đó nó không là.

Trước hết chúng ta phải được tự do để thấy rằng hân hoan và hạnh phúc không hiện diện qua nỗ lực. Sáng tạo xảy ra qua nỗ lực, hay có sáng tạo chỉ theo cùng sự kết thúc của nỗ lực? Bạn viết, vẽ hay hát khi nào? Bạn sáng tạo khi nào? Chắc chắn khi không có nỗ lực, khi bạn hoàn toàn khoáng đạt, khi trên mọi mức độ bạn hiệp thông trọn vẹn, hòa hợp trọn vẹn. Vậy thì có hân hoan, và vậy thì bạn bắt đầu hát, hay viết một bài thơ, hay vẽ một bức tranh, hay làm ra cái gì đó. Khoảnh khắc của sáng tạo không được sinh ra từ đấu tranh.

Có lẽ khi hiểu rõ ý nghĩa của trạng thái sáng tạo chúng ta sẽ có thể hiểu rõ chúng ta có ý gì qua từ ngữ nỗ lực. Liệu sáng tạo là kết quả của nỗ lực, và chúng ta nhận biết được trong những khoảnh khắc chúng ta sáng tạo? Hay sáng tạo là một ý thức của tự-xóa sạch hoàn toàn cái tôi, ý thức đó khi không còn hoang mang, khi người ta hoàn toàn không nhận biết được chuyển động của tư tưởng; khi chỉ có một hiện diện tràn đầy, trọn vẹn? Trạng thái đó là kết quả của lao dịch, của đấu tranh, của xung đột, của nỗ lực? Tôi không hiểu bạn có khi nào nhận thấy rằng, khi bạn làm việc gì đó một cách dễ dàng, mau lẹ, không-nỗ lực, có sự kết thúc hoàn toàn của đấu tranh; nhưng bởi vì hầu hết sống của chúng ta là một chuỗi của những đấu tranh, những xung đột và những nỗ lực, chúng ta không thể tưởng tượng một sống, một trạng thái của hiện diện, trong đó xung đột hoàn toàn kết thúc.

Muốn hiểu rõ trạng thái của hiện diện không-xung đột, trạng thái của hiện diện sáng tạo đó, chắc chắn người ta phải tìm hiểu toàn vấn đề của nỗ lực. Qua từ ngữ nỗ lực, chúng ta có ý sự cố gắng tự-thành tựu, trở thành cái gì đó, phải không? Tôi là điều này, và tôi muốn trở thành điều kia ; tôi không là điều kia, và tôi phải trở thành điều kia. Trong trở thành ‘điều kia’ có xung đột, đấu tranh, mâu thuẫn, nỗ lực. Trong đấu tranh này rõ ràng chúng ta quan tâm đến sự thành tựu qua sự đạt được một mục đích; chúng ta tìm kiếm tự-thành tựu trong một vật, trong một con người, trong một ý tưởng, và việc đó đòi hỏi đấu tranh, xung đột liên tục, nỗ lực để trở thành, để thành tựu. Vì vậy chúng ta chấp nhận nỗ lực này như điều tự nhiên; và tôi tự hỏi liệu nó có là tự nhiên – đấu tranh này để trở thành cái gì đó? Tại sao có đấu tranh này? Nơi nào có ham muốn cho thành tựu, ở bất kỳ mức độ nào và ở bất kỳ tầng bậc nào, phải có đấu tranh. Thành tựu là động cơ, sự thúc đẩy đằng sau nỗ lực; dù nó là người giám đốc, người nội trợ hay người nghèo khổ, có đấu tranh này để trở thành, để thành tựu, đang xảy ra.

 Bây giờ tại sao lại có ham muốn để thành tựu cho chính mình? Rõ ràng, ham muốn để thành tựu, để trở thành cái gì đó, nảy sinh khi có sự nhận biết của ‘không là gì cả’. Bởi vì tôi không là gì cả, tôi thiếu thốn, trống không, nghèo khó bên trong, tôi đấu tranh để trở thành cái gì đó; phía bên ngoài hay bên trong tôi đấu tranh để thành tựu cho chính tôi trong một con người, trong một sự việc, trong một ý tưởng. Lấp đầy sự trống không đó là toàn qui trình của sự tồn tại của chúng ta. Ý thức được rằng chúng ta trống rỗng, nghèo khó phía bên trong, chúng ta đấu tranh hoặc để thâu lượm những sự vật bên ngoài, hoặc để bồi đắp sự phong phú phía bên trong. Có nỗ lực chỉ khi nào có một tẩu thoát khỏi sự trống không bên trong đó qua hành động, qua suy nghĩ, qua thâu lợi, qua thành tựu, qua quyền hành, và vân vân. Đó là sự tồn tại hàng ngày của chúng ta. Tôi ý thức được sự thiếu thốn của tôi, sự nghèo khó bên trong của tôi, và tôi đấu tranh để chạy trốn khỏi nó hay để lấp đầy nó. Chạy trốn này, lẩn tránh này, hay cố gắng lấp đầy trống không, gây ra đấu tranh, xung đột, nỗ lực.

Bây giờ nếu người ta không tạo ra một nỗ lực để chạy trốn, điều gì xảy ra? Người ta sống cùng cô độc đó, trống không đó; và trong chấp nhận trống không đó người ta phát hiện rằng, kia kìa hiện diện một trạng thái sáng tạo không dính dáng với xung đột, không dính dáng với nỗ lực. Nỗ lực tồn tại chỉ khi nào chúng ta còn đang cố gắng lẩn tránh sự trống không, cô độc bên trong đó, nhưng khi chúng ta nhìn ngắm nó, quan sát nó, khi chúng ta chấp nhận cái gì là mà không lẩn tránh, chúng ta sẽ tìm ra một trạng thái của hiện diện mà trong đó tất cả đấu tranh đều kết thúc. Trạng thái của hiện diện đó là trạng thái sáng tạo, và nó không là kết quả của đấu tranh.

Nhưng khi có sự hiểu rõ về cái gì là, mà là trống không, thiếu thốn bên trong, khi người ta sống cùng thiếu thốn đó và hiểu rõ nó trọn vẹn, kia kìa hiện diện sự thật sáng tạo, thông minh sáng tạo, mà tự chính nó mang lại hạnh phúc.

Vì vậy thật ra, hành động như chúng ta biết là phản ứng, nó là một trở thành không ngừng nghỉ, mà là sự phủ nhận, sự trốn tránh cái gì là; nhưng khi có nhận biết được trống không mà không-chọn lựa, không-chỉ trích hay không-bênh vực, vậy thì trong hiểu rõ cái gì là đó liền có hành động, và hành động này là ‘đang hiện diện sáng tạo’. Bạn sẽ hiểu rõ điều này nếu bạn nhận biết được về chính bạn trong hành động. Hãy nhìn ngắm về chính bạn khi bạn đang hành động, không những phía bên ngoài nhưng còn cả thấy chuyển động của cảm thấy và suy nghĩ của bạn. Khi bạn nhận biết được chuyển động này, bạn sẽ thấy rằng qui trình suy nghĩ, mà cũng là cảm thấy và hành động, được đặt nền tảng trên một ý tưởng của trở thành. Ý tưởng của trở thành nảy sinh chỉ khi nào có một ý thức của không-an toàn, và ý thức không-an toàn đó đến khi người ta nhận biết được sự trống không bên trong. Nếu bạn nhận biết được qui trình suy nghĩ và cảm thấy đó, bạn sẽ thấy rằng có một trận chiến liên tục đang xảy ra, một nỗ lực để thay đổi, để bổ sung, để biến đổi cái gì là. Đây là nỗ lực để trở thành, và trở thành là một lẩn tránh trực tiếp khỏi cái gì là. Qua hiểu rõ về chính mình, qua tỉnh thức liên tục, bạn sẽ thấy rằng mâu thuẫn, đấu tranh, xung đột của trở thành, dẫn đến phiền muộn, đau khổ và dốt nát. Chỉ khi nào bạn nhận biết được ‘sự nghèo khó phía bên trong’ và sống cùng nó mà không chạy trốn, thâu nhận nó trọn vẹn, khi đó bạn sẽ khám phá một yên lặng lạ thường, một yên lặng không bị xếp đặt vào chung, bị cấu thành, nhưng một yên lặng theo cùng hiểu rõ cái gì là. Chỉ trong trạng thái yên lặng đó, có ‘đang hiện diện sáng tạo’.

Xem mục lục