Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

Câu hỏi: Rõ ràng là từ ông, tôi hiểu được rằng học hỏi và hiểu biết là những cản trở. Chúng là những cản trở cho cái gì?

Krishnamurti: Rõ ràng hiểu biết và học hỏi là một cản trở cho sự hiểu rõ cái mới mẻ, cái không-thời gian, cái vĩnh hằng. Phát triển một phương pháp kỹ thuật hoàn hảo không làm cho bạn sáng tạo. Bạn có lẽ biết cách vẽ tuyệt vời, bạn có lẽ có kỹ thuật; nhưng bạn có lẽ không là một họa sĩ sáng tạo. Bạn có lẽ biết cách viết những bài thơ, theo kỹ thuật là hoàn hảo nhất; nhưng bạn có lẽ không là một thi sĩ. Muốn là một thi sĩ hàm ý có khả năng thâu nhận cái mới mẻ, nhạy cảm trọn vẹn để phản ứng đến cái gì đó một cách mới mẻ, trong sáng, đúng chứ? Đối với hầu hết chúng ta hiểu biết và học hỏi đã trở thành một nghiện ngập và chúng ta nghĩ rằng qua hiểu biết chúng ta sẽ được sáng tạo. Một cái trí bị chất đầy, bị bao phủ trong những sự kiện, trong hiểu biết – liệu nó có thể thâu nhận cái gì đó mới mẻ, bỗng nhiên, tự phát? Nếu cái trí của bạn bị nhét đầy cái đã được biết, liệu còn bất kỳ không gian nào trong nó để thâu nhận cái gì đó mà thuộc về cái không biết được? Chắc chắn hiểu biết luôn luôn thuộc về cái đã được biết, và với cái đã được biết chúng ta đang cố gắng hiểu rõ cái không biết được, cái gì đó vượt khỏi sự đo lường. 

Ví dụ, một sự việc rất thông thường mà xảy ra cho hầu hết chúng ta: những người theo tôn giáo – dù hiện nay từ ngữ đó có lẽ có ý nghĩa như thế nào – cố gắng tưởng tượng Thượng đế là gì hay cố gắng suy nghĩ Thượng đế là gì. Họ đã đọc vô số những quyển sách, họ đã đọc về những trải nghiệm của vô số những vị thánh, những bậc Thầy, những đấng Mahatma và tất cả những người còn lại, và họ cố gắng tưởng tượng hay cố gắng cảm thấy trải nghiệm của một người khác là gì; đó là với cái đã được biết bạn cố gắng tiếp cận cái không biết được? Bạn có thể thực hiện được việc đó hay sao? Bạn có thể suy nghĩ về cái gì đó mà không thể biết được? Bạn chỉ có thể suy nghĩ về cái gì đó mà bạn biết. Nhưng có khuynh hướng lạ lùng này đang xảy ra trên thế giới tại thời điểm hiện nay: chúng ta nghĩ rằng chúng ta sẽ hiểu rõ nếu chúng ta có nhiều thông tin hơn, nhiều quyển sách hơn, nhều sự kiện, nhiều báo chí hơn.

Muốn nhận biết được điều gì đó mà không là sự chiếu rọi của cái đã được biết, phải qua hiểu rõ, xóa sạch qui trình của cái đã được biết. Tại sao cái trí lại cứ luôn luôn muốn bám vào cái đã được biết? Không phải bởi vì cái trí liên tục đang tìm kiếm sự chắc chắn, sự an toàn hay sao? Chính bản chất của nó là cố định trong cái đã được biết, trong thời gian; làm thế nào một cái trí như thế, mà chính nền tảng của nó được đặt trên quá khứ, trên thời gian, có thể trải nghiệm được cái không-thời gian? Nó có thể hình dung, tạo tác, vẽ lên cái không biết được, nhưng tất cả việc đó đều vô lý. Cái không biết được có thể hiện diện chỉ khi nào cái đã được biết được hiểu rõ, được xóa sạch, được tan biến. Điều đó khó khăn cực kỳ bởi vì khoảnh khắc bạn có một trải nghiệm về bất kỳ cái gì, cái trí diễn giải nó thành thuật ngữ của cái đã được biết, và dẫn dắt nó vào quá khứ. Tôi không biết bạn có nhận thấy rằng mọi trải nghiệm ngay tức khắc được diễn giải thành cái đã được biết, cho một danh tánh, lên danh sách và được ghi chép. Vì vậy chuyển động của cái đã được biết là hiểu biết, và chắc chắn hiểu biết, học hỏi như thế, là một cản trở.

Giả sử bạn đã chưa từng đọc một quyển sách, thuộc tôn giáo hay tâm lý, và bạn phải tìm ra sự quan trọng, ý nghĩa của sống. Làm thế nào bạn khởi sự nó đây? Giả sử không có những bậc Thầy, không có những tổ chức tôn giáo, không có Phật, không Chúa, và bạn phải khởi sự từ nơi khởi đầu. Làm thế nào bạn khởi sự nó đây? Trước hết bạn sẽ phải hiểu rõ về qui trình suy nghĩ của bạn, đúng chứ? – và không tự-chiếu rọi chính bạn, những tư tưởng của bạn vào tương lai và tạo tác một Thượng đế mà làm hài lòng bạn; điều đó sẽ quá trẻ con. Vì vậy trước hết bạn sẽ phải hiểu rõ về qui trình suy nghĩ của bạn. Đó là cách duy nhất để khám phá bất kỳ điều gì mới mẻ, đúng chứ?

Khi chúng ta nói rằng học hỏi hay hiểu biết là một cản trở, một ngáng trở, chúng ta không nên bao gồm hiểu biết kỹ thuật – cách lái một chiếc xe hơi, cách vận hành máy móc – hay những hiệu quả như thế mà hiểu biết mang lại. Chúng ta có trong cái trí một sự việc hoàn toàn khác hẳn: ý thức của hạnh phúc sáng tạo đó mà không số lượng hiểu biết hay học hỏi nào sẽ mang lại. Để sáng tạo trong ý nghĩa trung thực nhất của từ ngữ đó là được tự do khỏi quá khứ từ khoảnh khắc sang khoảnh khắc, bởi vì chính quá khứ đang liên tục tỏa bóng vào hiện tại. Chỉ bám vào thông tin, trải nghiệm của những người khác, điều gì người khác đã nói, dù tuyệt vời đến chừng nào, và cố gắng phỏng chừng hành động của bạn đến điều đó – tất cả nó là hiểu biết, đúng chứ? Nhưng muốn khám phá bất kỳ điều gì mới mẻ bạn phải tự khởi hành; bạn phải bắt đầu một chuyến hành trình trơ trụi, đặc biệt khỏi hiểu biết, bởi vì qua hiểu biết và niềm tin, rất dễ dàng để có được những trải nghiệm; nhưng những trải nghiệm kia chỉ là những sản phẩm của tự-chiếu rọi và vì vậy hoàn toàn không thực tế, giả dối. Nếu bạn muốn khám phá cho chính bạn cái gì là mới mẻ, không tốt đẹp gì khi vác theo gánh nặng của cái cũ kỹ, đặc biệt là hiểu biết – hiểu biết của một người khác dù tuyệt vời đến chừng nào. Bạn sử dụng hiểu biết như một phương tiện của tự-chiếu rọi, an toàn, và bạn muốn hoàn toàn được bảo đảm rằng bạn có cùng những trải nghiệm như Phật hay Chúa hay X. Nhưng một con người liên tục đang tự-phòng vệ chính anh ấy qua hiểu biết chắc chắn không là một người tìm kiếm-sự thật.

Bởi vì khám phá sự thật không có con đường. Bạn phải đi vào đại dương chưa được vẽ trên bản đồ – mà không có nghĩa chán nản, mà không có nghĩa may rủi. Khi bạn muốn tìm ra một cái gì đó mới mẻ, khi bạn đang thử nghiệm cái gì đó, cái trí của bạn phải rất yên lặng? Nếu cái trí của bạn bị chất đầy, ngập ứ những sự kiện, hiểu biết, chúng hành động như một cản trở đến cái mới mẻ; đối với hầu hết chúng ta việc khó khăn là cái trí đã trở nên quá quan trọng, có ý nghĩa chi phối, đến độ nó liên tục ngăn cản bất kỳ cái gì có lẽ mới mẻ, bất kỳ cái gì có lẽ tồn tại cùng lúc với cái đã được biết. Vậy là, hiểu biết và học hỏi là những cản trở cho những người muốn tìm kiếm, cho những người muốn cố gắng hiểu rõ cái không-thời gian. 

Xem mục lục