Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

“Thiền Tông Bất Lập Văn Tự” là tuyển tập các bài viết về Thiền của tác giả Nguyên Giác. Một số bài đã được công bố trên báo, trên các website Phật Giáo, cũng có bài chưa được công bố.

Với những nghiên cứu cẩn trọng và kinh nghiệm sâu sắc từ nhận thức đến thực hành, đặc biệt trong cuốn sách này, tác giả giới thiệu đến bạn đọc pháp Thiền mà Đức Thế Tôn đã giảng dạy cho các đệ tử của Ngài trong những năm đầu giảng pháp, khi Ngài còn sinh tiền, cách đây hơn 2.500 năm.

Ngược lại với các sử liệu Phật Giáo từ xưa đến nay đều cho rằng Thiền tông được sinh ra trong khoảng thế kỷ thứ 6, thứ 7, khi Bồ Đề Đạt Ma đưa phép Thiền của đạo Phật vào Trung Quốc; Tác giả cho rằng Thiền tông và cả hệ thống Bát Nhã của Bồ Tát Long Thọ, đều xuất phát từ những lời dạy đầu tiên của Đức Phật trong những năm đầu Thế Tôn hoằng pháp.

Nói Thiền Tông là bất lập văn tự, vì văn tự thuộc về tương đối, không dùng lời nói hết được, vì lời nào cũng vướng vào nhị nguyên đối đãi đúng/sai, có/không. Chỉ duy Đức Phật mới đủ biện tài để dùng lời siêu vượt mọi vướng mắc ở ba cõi.

Nội dung sách gồm 18 bài viết với phân nửa phần đầu nói về các thông tin liên quan đến thiền. Phân nửa phần sau, trình bày về cái cốt tủy của Thiền. Thiền ở đây không phải là một triết học, hay giáo lý mà là lời dạy trực tiếp, nói thẳng vào tâm người của Đức Phật, mà hành giả phải thâm nhập bằng cả thân tâm mình, đạt đến và thể hiện kinh nghiệm Thiền (tức là giác ngộ). Cốt tủy của Thiền ở đây không gì xa lạ hơn chính là xa lìa cả Có và Không, buông bỏ sắc thọ tưởng hành thức ở cả ba thời, quá khứ, hiện tại và vị lai, giữ tâm vô sở trụ, thấy các pháp là vô ngã, là vô thường, là Không, và là như huyễn.

Hãy thấy các pháp là như huyễn, Đức Phật nói như vậy cách nay trên 2.500 năm và hơn 2.500 năm sau các nhà khoa học, như nhà khoa học vật lý Albert Einstein cũng nói tương tợ. Ông cho rằng “phân biệt giữa quá khứ, hiện tại và vị lai là ảo giác và rằng ảo giác quang học của ý thức đã phóng chiếu ra kinh nghiệm của từng người”. Họ cũng cho rằng cái chúng ta thấy và gọi là thế giới chỉ là những hạt nguyên tử và hạt nguyên tử hợp lại mà thành, xuống thấp hơn nữa thì chỉ còn là năng lượng không hình không tướng. Cái chúng ta thấy là thế giới chỉ là những hợp tạo, những duyên sinh tạm thời; thực chất không có cái gì gọi là thế giới, con người và vạn sự vạn vật. Thế giới, con người và vạn sự vạn vật là không thật, là như huyễn.

Nhờ quán sát kỹ mọi pháp hữu vi đều là mộng huyễn, là bóng bọt, là sương mù điện chớp, như lời Phật dạy, ta mới lần lần cảm nhận sự hư ảo không thực của chúng. Thấy như huyễn đến đâu thì giải thoát đến đó.

Tác giả không những dẫn chứng từ các kinh tạng nguyên thủy Pali mà còn dẫn chứng cả các kinh Bắc truyền và lời của chư Tổ Phật giáo từ Tây Trúc đến Việt Nam.

Như trong Kinh Pali Tương Ưng Bộ Sn 22.95 Phật nói rằng tất cả các pháp trong thế gian đều như huyễn. “Hãy tu như lửa đang cháy trên đầu, hãy tỉnh giác đêm ngày nhìn thấy các uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều rỗng rang, và hãy xả ly tất cả các pháp, rồi sẽ chứng được cảnh bất động, bất khả hư hoại.”

Tác giả viết: “Kinh rất mực đơn giản, yêu cầu ngày đêm giữ tâm nhìn tất cả các pháp như ráng nắng, như trò ảo thuật, trong đó phần đầu y hệt Bát Nhã Tâm Kinh, phần sau là giữ tâm xả ly, y hệt lời dạy “buông xả cả thân tâm” (thân tâm phóng hạ) trong Thiền Tào Động. Pháp xả ly này cũng có nghĩa là tâm vô sở trụ, nghĩa là, như Kinh Kim Cương để thấy không có chỗ nào cho tâm an trụ, hay như Kinh Tiểu Không ghi lời Đức Phật rằng nhờ an trú Không cho nên an trú rất nhiều….”

Tác giả còn đối chiếu nhiều đoạn kinh văn khác của hai kinh hệ Pali và Sanskrit, đặc biệt là nhóm kinh rất cổ xưa “Kinh Nhật Tụng Sơ Thời” được chư tăng ni tụng hàng ngày trong thời Đức Phật sinh tiền, nhưng do giới hạn của bài viết, không thể trình bày thêm mà để dành cho quý độc giả đọc tiếp.

Chúng tôi xin chúc mừng Cư sĩ Nguyên Giác về tác phẩm này với những khám phá rất mới, rất cẩn trọng của ông về Thiền tông, về nhà khoa học Vật Lý Albert Einstein nói về như huyễn. Cũng ước mong độc giả, qua tác phẩm này sẽ có được nguồn cảm hứng để dễ dàng thấy tất cả các pháp trong thế gian đều như huyễn.

Trân trọng kính giới thiệu,

Tâm Diệu | Nhà xuất bản Ananda Viet Foundation

Quý độc giả yêu thích đọc sách in trên giấy có thể tìm sách trên mạng Amazon bằng cách gõ chữ không dấu tên sách. Thí dụ: "thien tong bat lap van tu" hay click vào đây để link trực tiếp tới trang mạng Amazon. Riêng độc giả ở Việt Nam xin xem chú thích dưới đây:

Chú thích:

Độc giả trong Việt Nam không mua trực tiếp từ Amazon được, nhưng có thể mua sách trên Amazon thông qua một trong 3 Công ty sau đây. Xin độc giả trực tiếp liên lạc và tìm hiểu quy trình cũng như giá cả trước khi tự mình quyết định có xử dụng dịch vụ nầy hay không. Thông tin nầy chỉ có tính cách tham chiếu mà thôi:

1- VietAir Cargo: https://vietaircargo.com/tin-deal/mua-ho-sach-tren-amazon-gia-re-va-van-chuyen-ve-viet-nam/
2-  Phong Duy: http://phongduy.com/mua-hang-tren-amazon/
3-  Fado: http://fado.vn/nhan-dat-mua-ho-ship-sach-tu-tren-amazon-ve-viet-nam-gia-re.n522/

Mong muốn pháp được lưu truyền rộng rãi, tác giả và nhà xuất bản không giữ bản quyền sách. Giá bán khi độc giả đặt mua là giá thành tối thiểu của Amazon nhằm trang trải chi phí in ấn cho một quyển theo hình thức POD (Print on Demand).

Quý độc giả cũng có thể download phiên bản PDF về máy nhà đọc trước:


pdf_download_2
Thien_Tong_Bat_Lap_VCSP_Proof050418


Các sách khác do Ananda Viet Foundation xuất bản:
Ananda Viet Foundation Books from Amazon

Xem mục lục