Sư họ Nguyễn, người làng Cổ Pháp (thuộc tỉnh Hà Bắc ngày nay). Cha Ông đều theo đạo Phật. Từ nhỏ đã tỏ ra thông minh xuất chúng, học thông Tam Giáo (Phật, Lão, Nho), đã đọc hàng trăm pho kinh sách Phật giáo, xem phú quý ở đời như cỏ rác. Năm 21 tuổi ngài xuất gia và tu ở chùa Lục Tổ dưới sự chỉ dạy của Thiền sư Thiền Ông, ở làng Dịch Bảng, phủ Thiên Ðức. Ngài thuộc thế hệ thứ 12 phái Thiền tỳ Ni Ða Lưu Chi, là một phái Thiền đầu tiên ở nước ta do ngài Tỳ Ni Ða Lưu Chi, đắc pháp với ngài Tăng Xáng, truyền dạy.
Chẳng những là một cao tăng đắc đạo, Thiền sư Vạn Hạnh còn là một nhà tiên tri và là một nhà chính trị lỗi lạc. Ngài đã giúp nhiều ý kiến trong việc quân quốc cho Vua Lê Ðại Hành, đóng góp ý kiến chống ngoại xâm. Ngài cũng là người đắc lực nhất trong việc đưa Lý Công Uẩn lên ngôi.
Vào năm 90, nhà Tống sai Hầu Nhân Bảo đem binh sang đánh nước ta, vua Lê Ðại Hành hỏi Ngài về việc thắng bại, ngài trả lời: "Trong ba bảy ngày thì giặc rút." Lời đoán quả nhiên ứng nghiệm.
Nói về việc vận động đưa Lý Công Uẩn lên ngôi, Thiền sư Vạn Hạnh tiếp nối và thành tựu ý chí độc lập, xây dựng quốc gia và hưng long Phật pháp của Thiền sư Ðịnh Không.
Thiền sư Ðịnh Không là người đầu tiên tạo niềm tin về sự độc lập quốc gia bằng một bài sấm, cho rằng làng ngài ở sẽ có minh vương xuất hiện. Khi sắp viên tịch, Ngài dặn đệ tử là Thông Thiện giữ gìn sự phá hoại long mạch. Ðệ tử của Thông Thiện là Thiền sư La Quí An tiếp nối ý chí của Thầy Tổ bằng hai việc: Ðúc tượng Lục Tổ bằng vàng để dùng khi có bậc minh vương ra đời và trồng cây gạo ở chùa Minh Châu để trấn giữ cuộc đất và dặn đệ tử đắp nền xây tháp ở đây để có thể cất giữ tượng vàng.
Ngài Vạn Hạnh, bằng kỹ thuật sấm vĩ và tài chính trị, đã thành tựu ý chí đó bằng cuộc cách mạng ôn hòa đưa Lý Công Uẩn lên ngôi vào năm 1010, lúc ấy Ngài đã ngoài bảy mươi tuổi.
Vạn Hạnh được vua Lý Thái Tổ phong làm Quốc sư.
Ngài mất năm 1112.
Về sau, vua Lý Nhân Tôn có bài thơ tán dương như sau:
Vạn Hạnh dung tam tế
Chân phù cổ sấm cơ
Hương quan danh Cổ Pháp
Trụ tích trấn vương kỳ
(Hành tung thấu triệt ba đời
Ngữ ngôn phù hợp muôn lời sấm xưa
Quê hương Cổ Pháp bây giờ
Dựng cây tích trượng, kinh đô vững bền)
(Nguyễn Lang dịch)
Trích thơ:
Thị Đệ Tử
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô.
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy,
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
Dịch nghĩa:
Dặn Đệ Tử
Thân người như ánh chớp có đó rồi lại trở về không,
Cũng giống như cây cối, mùa xuân xanh tươi rồi thu đến liền tàn tạ.
Khi đối diện với cuộc thịnh suy lòng không hề sợ hãi,
Cuộc thịnh suy cũng giống như giọt sương trên đầu ngọn cỏ.
Dịch thơ:
Thân như bóng chớp, có rồi không,
Cây cối xuân tươi, thu héo hon.
Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi,
Thịnh suy ngọn cỏ giọt sương trong.
Chú thích:
Thiền sư Vạn Hạnh đứng trên lập trường tuệ giác Tánh Không để quán chiếu các pháp thế gian cũng như xuất thế gian. Quán chiếu rằng tất cả các pháp đều vô thường, không thật, giống như điện chớp, như sương mai. Khi quán chiếu như vậy thâm sâu, sẽ thấy được tánh chân thật của các pháp là huyễn, là không, và khi đó, dù đứng trước bao nhiêu sự đổi thay, biến dịch, được mất, hơn thua, tâm không còn sợ hãi. Tâm kinh Bát nhã ba la mật đa dạy: "Bồ tát nương vào Bát nhã ba la mật đa, tâm không sợ hãi." Nương vào bát nhã ba la mật đa là như một bài kệ trong kinh Kim Cang Bát nhã dạy:
Hết thảy pháp hữu vi
Như mộng huyễn bào ảnh
Như sương, như điện chớp
Nên quán chiếu như thế.
(Nhứt thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn bào ảnh
Như lộ diệc như điện
Ưng tác như thị quán.)
Những hình ảnh bóng chớp, giọt sương mai trên đầu ngọn cỏ trong bài kệ chắc chịu ảnh hưởng từ bài kệ này.
Trong suốt cuộc đời hành đạo, giúp nước, Vạn Hạnh đã đứng trên lập trường này để hành xử. Trước khi qua đời, ngài dặn đệ tử: "Các vị nên nương tựa và đâu? Tôi thì tôi không nương tựa vào nơi có thể nương tựa và cũng không nương tựa vào nơi không thể nương tựa."
Không biết tên thật và năm sinh của Ngài. Ngài thuộc thế hệ thứ bảy phái Vô Ngôn Thông, đệ tử của Thiền sư Ða Bảo, tức đồng sư với Thiền sư Thiền Lão, tu ở chùa Kiến Sơ. Cơ duyên ngộ đạo của ngài như sau:
"Một hôm ngài hỏi Ða bảo Thuyền sư:
- Thế nào là tìm thấy chơn tâm của mình?
- Thì ngươi cứ tìm đi!
Ngài nghe thầy nói thế, trong lòng bâng khoâng, một hồi lâu nói:
- Hết thảy mọi người cũng đều như thế cả, phải gì một đệ tử này.
- Thế người đa hiểu chưa?
- Khi đệ tử hiểu rồi thì cũng như chưa hiểu.
- Người nên giữ gìn cái tâm ấy.
Nghe thầy dạy thế, ngài liền chắp tay và xây mình lại. Ða Bảo liền quát to lên rằng:
- Ði đi!
Ngài vội sụp xuống lạy. Ða Bảo Thuyền sư bảo:
- Từ nay ngươi tiếp người nên coi mình như người mắt mờ tai điếc vậy!"
(Thích Mật Thể - Việt nam Phật giáo sử lược).
Ngài tịch năm 1050.
Trích thơ:
Nguyên văn:
Bản lai vô xứ sở,
Xứ sở thị chân tông.
Chân tông như thị huyễn,
Huyễn hữu tức không không.
Dịch nghĩa:
Vạn vật từ xưa đến nay chưa hề có nơi chốn
Nơi chốn thật là cái giềng mối chân thật.
Giềng mối chân thật đó là cái như huyễn,
Hiện hữu trên cái huyễn thì cũng không phải là ngoan không.
Dịch thơ:
Xưa nay không xứ sở,
Xứ sở chính chân tông.
Chân tông như thị huyễn,
Huyễn có tức không không.
Chú thích:
Chân tông: nguồn gốc chân thật.
Như Thị Huyễn: Bản tánh chân thật của mọi sự vật, mọi hiện tượng. Sự hiễn lộ của mọi sự vật là trong từng sát na (đơn vị thời gian nhỏ nhất theo Phật Giáo), qua sát na sau thì sự hiễn lộ đã khác. Sự hiễn lộ trong mỗi sát na đó là "sự hiễn lộ như chính thật" (như thị), sự hiễn lộ nầy không bao giờ cố định nên gọi là huyễn)
Câu cuối cùng, "Huyễn hữu tức không không", ý nói tuy vạn vật chỉ hiện hữu một cách giả tạo (huyễn), nhưng cái không cũng là không rốt. Nếu nhìn thấu được mỗi sát na sinh diệt, sẽ nhìn thấy được sự hiễn lộ chân thật của vạn vật. Như vậy, tuy nói rằng huyễn nhưng qua cái huyễn đó, là một sự hiện hữu mầu nhiệm.
Phương pháp quán sát ở đây là quán huyễn và quán không. Không mà không phải đoạn vì là huyễn, huyễn mà không phải thường vì là không. Vạn vật xưa nay tuy là không có nơi chốn, nhưng nếu quán chiếu sâu xa vào không và huyễn thì sẽ thấy nơi chốn chân thật chính là chỗ siêu việt cả có và không.
Cũng như Lã Ðịnh Hương, Thiền Lão thuộc đời thứ bảy dòng Thiền Vô Ngôn Thông. Ngài theo học đạo với Thiền sư Ða Bảo ở chùa Kiến Sơ, sau về tu ở chùa Trùng Minh, núi Thiên Phúc, huyện Tiên Du. Sau lại về dạy ở núi Từ Sơn, đồ chúng theo học rất đông. Vua Lý Thái Tông thường vào thăm và hỏi đạo. Ngài mất năm 1037.
Thiền Lão là một trong những vị Thiền Sư Việt Nam dùng những hình ảnh qua thi ca để hiễn lộ chân lý Thiền trong những cuộc đối thoại về Thiền. Phương pháp này đầu tiên được sử dụng do Thiền Sư Tuyết Ðậu (Trung Hoa).
Có một cuộc vấn đáp giữa sư và vua Lý Thái Tông được ghi lại như sau:
Vua:
Ngài ở đây từ bao lâu rồi?
Thiền Lão:
Sống trong giờ hiện tại,
Ai hay năm tháng xưa.
(Ðản tri kim nhật nguyệt,
Hà thức cựu xuân thu.)
Vua: Ngài làm gì hàng ngày ở đây?
Thiền Lão:
Trúc biếc hoa vàng đâu ngoại cảnh,
Trăng trong, mây trắng lộ toàn chân.
Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh,
Bạch vân, minh nguyệt hiện toàn chân.)
Chú thích:
Theo Phật giáo, chân lý là cái gì thực tại nhất, đơn thuần nhất và sơ khởi nhất. Thực tại sơ khởi và đơn thuần đó phải là cái vừa khởi lên. Do đó, thế giới siêu việt và thế giới hiện tượng không ở ngoài nhau.
Tên ngài là Lý Phật Mã, sinh năm 1000, là con trưởng của Lý Thái Tổ. Thời gian ngài ở ngôi là giai đoạn thịnh trị trong lịch sử dân tộc. Ngài rất thông minh, thích sách vở, văn chương, chú trọng việc mở mang kinh tế, rất lưu tâm đến đời sống nhân dân. Về binh lược, Ngài cũng rất rành và cũng tạo được nhiều chiến công.
Ngài là một Phật tử thuần thành thuộc thế hệ thứ bảy phái Thiền Vô Ngôn Thông, đệ tử của Thiền sư Thiền Lão và ngộ đạo, được truyền tâm ấn. Ngài đã cho xây 95 ngôi chùa và điện Liên hoa. Một hôm, nhân nhân nằm mơ thấy đức Quan Thế Âm Bồ tát dẫn ngài vào điện Liên hoa, ngài bèn cho xây điện Liên hoa hình hoa sen nổi trên mặt nước để thờ Bồ tát Quán Âm. Về sau, điện này được gọi là Chùa Một Cột.
Ngài mất năm 1054, ở ngôi được 27 năm.
Trích thơ:
Nguyên văn:
dữ chư kỳ túc giảng cứu thiền chỉ
Bát nhã chân vô tông,
Nhân không ngã diệc không.
Quá, hiện, vị lai Phật,
Pháp tính bản tương đồng.
Dịch nghĩa:
cùng các bậc lão thành bàn về nghĩa thiền
Trí Tuệ thật ở nguồn không (vô tông),
Người không, mình cũng không.
Các Phật trong quá khứ, hiện tại và tương lai,
Ðều cùng một bản thể là nguồn không ấy.
Dịch thơ:
Bát nhã vốn gốc không,
Người không, mình cũng không.
Quá, hiện, vị lai Phật,
Pháp tính vốn chung đồng.
Chú thích:
Bát Nhã: Trí Tuệ, phiên âm từ chữ pràjnã của Ấn độ (chữ Sanscrit). Nghĩa Trí Tuệ ở đây vượt ngoài sự hiểu biết của lý trí (suy lường, phân biệt...)
Vô tông: Lấy vô làm nền tảng, nguyên ủy. Cũng đồng nghĩa với chữ "Bản vô" ngài Tăng Triệu dùng trong các luận của ngài (xem Triệu Luận.)
Pháp tính: Pháp là chỉ tất cả sự vật trong vũ trụ, hữu hình hoặc vô hình, vật chất hay tinh thần. Mọi sự vật này đều có chung một thể tính. Thể tính này được gọi là pháp tính.
Ðại ý bài thơ:
Trí tuệ Phật giáo (Bát Nhã) đặt nền tảng trên không (vô tông), cả khách thể và chủ thể đều rốt ráo là không, và chân lý (pháp tánh) chứng được bằng sự thể nhập vào Trí tuệ về không ấy là chân lý mà tất cả các Phật trong ba thời gian đã, đang và sẽ chứng đắc.
Nguyên văn:
truy tán pháp vân tự tỳ ni da lưu chi thiền sư
Sáng tự lai Nam quốc,
Văn quân cửu tập thiền,
Ưng khai chư Phật tín,
Viễn hợp nhất tâm nguyên
Hạo hạo Lăng già nguyệt,
Phân phân Bát nhã liên,
Hà thì lâm diện kiến,
Tương dữ thoại trung huyền.
Dịch nghĩa:
truy tán thiền sư tỳ ni đa lưu chi ở chùa pháp vân
Lần đầu đến nước Nam,
Ðược nghe ngài tu tập thiền đã lâu
Ðã mở mang tín ngưỡng nhà Phật
Hòa nhập được vào nguồn tâm.
Trăng Lăng già vằng vặc,
Sen Bát nhã ngát hương.
Bao giờ được diện kiến
Cùng trao đổi về lẽ đạo thẳm sâu.
Dịch thơ:
Lần đầu sang Nam quốc,
Nghe thắm đượm mùi Thiền
Rộng tuyên dương Phật đạo
Khéo hòa nhập tâm nguyên.
Trăng Lăng già sáng rỡ,
Sen Bát nhã ngát hương.
Khi nào được gặp gỡ
Cùng trao đổi nghĩa huyền.
Chú thích:
Thiền Sư Tỳ Ni Ða Lưu Chi: Ngài được coi như người đầu tiên truyền pháp môn Thiền Trung Quốc vào Việt Nam. Theo Thiền Uyển Tập Anh, Tỳ Ni Ða Lưu Chi gốc thuộc dòng dõi Bà La môn, người Nam Thiên Trúc, vân du qua Trung Hoa, gặp Tổ Tăng Xáng trong lúc Tổ tỵ nạn tại đất Nghiệp và được ấn chứng. Tam tổ Tăng Xáng bảo Ngài nên về phương Nam hoằng hóa. Ngài đi lần về Nam và cuối cùng vào nước ta vào năm 50, ở tại chùa Pháp Vân.
Lăng Già: Theo Kinh Lăng Già Tâm Ấn, "Lăng Già là tên núi, núi này do sản xuất châu Lăng Già nên lấy tên châu mà gọi tên núi." Nơi đây là chỗ đức Phật thuyết kinh Lăng Già. Ðại ý của Kinh này là: "Người đạt được ngoại cảnh vốn không thì tâm vắng lặng. Tâm cảnh đều lặng thì việc gì cũng sáng tỏ, ví như biển cả lặng gió thì mặt trời mặt trăng và vạn vật hiện hình rõ ràng." Tác giả bài thơ dùng hình ảnh trăng Lăng già để ám chỉ cảnh giới nầy của tâm.
Trùng Huyền: Hai lần huyền diệu, ý nói rất huyền diệu. Trong Ðạo Ðức Kinh, Lão Tử dùng câu "huyền chi hựu huyền" để diễn tả lẽ mầu nhiệm không cùng của đạo.
Nội dung bài thơ là tán dương đức độ và tiếng tăm của thiền Sư Tỳ Ni Ða Lưu Chi.
Ngài tên thật là Lâm Khu, người làng Ðông Phù Liệt, huyện Long Ðàm. Ngài thuộc thế hệ thứ 13 dòng Tỳ Ni Ða Lưu Chi, đệ tử của Thiền sư Ðịnh Huệ. Ngài theo Thiền sư Ðịnh Huệ lúc đã gần bảy mươi tuổi. Vua Lý Thái Tông nghe tiếng rước ngài về cung hỏi han về Phật pháp, rồi phong chức Nội cung phụng tăng, sắc ở chùa Vạn tuế gần Thăng long. Ðến đời Lý Thánh Tông ngài được phong chức Tăng Thống. Ngài thị tịch năm 1063.
Trích thơ:
Nguyên văn:
Pháp bản như vô pháp,
Phi hữu diệc phi không.
Nhược nhân tri thử pháp,
Chúng sanh dữ Phật đồng.
Tịch tịch lăng già nguyệt,
Không không độ hải chu.
Tri không, không giác hữu,
Tam nuội nhậm thông chu.
Dịch thơ:
Pháp vốn như không pháp,
Không có cũng không không.
Nếu thấu được pháp đó,
Chúng sanh với Phật đồng.
Trăng Lăng già lặng lặng,
Thuyền vượt biển không không.
Thấu không, không biết có,
Ðịnh huệ khắp dung thông.
Trí Tuệ Phật là trí tuệ chỉ vào được bằng con đường trung đạo, không chấp vào có mà cũng không kẹt vào không, có nghĩa là siêu vượt cả có và không. Trí tuệ ấy được ví như ánh trăng trên biển lớn. Một chiếc thuyền không trôi trên mặt biển đối với ánh trăng đang tỏa chiếu là có chăng? là không chăng?
Về nguồn gốc bài thơ trên, có sách nói như sau:
Một hôm vua Lý Thái Tông thiết trai tăng trong triều. Nhân dịp này, vua xin các vị sư bày tỏ chỗ sở ngộ. Trong khi các vị sư đang suy nghĩ thì vua Lý Thái Tông ứng khẩu đọc bài "Cùng các bậc lão thành bàn về nghĩa Thiền" (đã được trích dịch ở trước). Sau khi nhà vua đọc xong, Thiền sư Huệ Sinh ứng khẩu đọc bài thơ này, ý nói cái không mà Lý Thánh Tông nói đến đó chưa phải là chân lý cứu cánh. Khi cả có và không đều được vượt qua, sẽ hiển lộ một sự hiện hữu nhiệm mầu.
Ngài tên thật là Ðàm Khí. Xuất gia năm 19 thuộc thế hệ thứ chín phái thiền Vô Ngôn Thông, là đệ tử đắc pháp của Thiền sư Quảng Trí. Sau khi đắc pháp, ngài vào núi Ninh sơn ẩn tu. Ngài tịch vào năm 1088, hưởng thọ 70 tuổi.
Trích thơ:
Nguyên văn:
thị tịch
Diệu tính hư vô bất khả phan,
Hư vô tâm ngộ đắc hà nan.
Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận,
Liên phát lô trung thấp vị càn.
Dịch nghĩa:
dặn đệ tử trước khi mất
Tính hư vô huyền diệu không thể với tới được,
Nhưng khi tâm hư vô thì thấu đạt được không gì khó.
Trong chỗ đó, giống như viên ngọc bị thiêu trên đỉnh núi, sắc vẫn tươi nhuận,
Như hoa sen nở trong lò lửa mà vẫn ướt không hề bị khô.
Dịch thơ:
THỊ TỊCH
Tính diệu hư vô chẳng thể dò,
Tâm vô liền thấu đạt căn do.
Ngọc thiêu trên núi màu luôn thắm,
Sen nở trong lò vẫn tốt tươi.
Chú thích:
Hư vô tâm: Tâm hư vô, là tạm dùng từ ngữ của Lão giáo để nói đến tâm vô niệm của Thiền. Ở đây, chúng ta không nên lầm lẫn hư vô của Lão với vô niệm, vô tâm của Phật giáo, vì hai khái niệm hai sở ngộ hoàn toàn khác nhau, một bên thuận theo tự nhiên, một bên soi vào Tự Tánh.
Ðại ý bài thơ:
Khi tâm an trú nơi vô tâm thì việc thấu đạt đến chỗ huyền nhiệm nhất của vũ trụ tức tính hư vô không phải là khó. Khi tâm đã thấu đạt đến chỗ này rồi thì dầu cho ba cõi là nhà lửa thì cũng không vì thế mà sợ hãi, mà chối từ đại nguyện lấy ba cõi làm nhà của Ðại thừa.
Tên tục của ngài là Mai Trực, người huyện Long Ðàm, con người anh của thái hậu Linh Cảm (vợ của vua Lý Thái Tôn). Thuở nhỏ thông minh, chăm học. Có vị trưởng lão tiên đoán rằng nếu Ngài xuất gia thì sẽ trở nên vị Thiện Bồ tát.
Ngài xuất gia theo học và đắc pháp với thiền sư Ðịnh Hương, và thuộc thế hệ thứ 8 dòng Vô Ngôn Thông. Về sau, ngài cất một ngôi chùa ở Thăng Long và trụ trì ở đó, học trò theo học rất đông.
Ngài là một vị thiền sư thi sĩ, tác giả nhiều tập thơ văn, trong đó có bài Tán Viên Giác Kinh, Tham Ðồ Hiển Quyết, Thập Nhị Bồ Tát Hạnh Tu Chứng Ðạo Trường và Dược Sư Thập Nhị Nguyện Văn. Cuốn Dược Sư Thập Nhị Nguyện Văn bàn giải về mười hai lời nguyện trong Kinh Dược Sư, được vua Lý Nhân Tông cho sứ đem qua vua Triết Tôn nhà Tống. Các vị đại sư ở chùa Tướng quốc bên Tàu xem qua tâu vua Tống: "Ðây là đấng hóa thân đại sĩ ra đời ở phương Nam, giảng giải kinh nghĩa rất tinh vi, bọn phàm tăng chúng tôi đâu dám thêm bớt một chữ nào nữa." Tham Ðồ Hiển Quyết là một bài văn gồm những đề án về Thiền được giải bằng những hình ảnh dưới hình thức những câu kệ, có thể rút làm công án tu tập. Xin trích ra đây đoạn đầu của bài này để độc giả có một khái niệm:
Một hôm, ngồi trước nhà, bỗng có tăng hỏi:
- Phật với Thánh, nghĩa ấy thế nào?
Sư đáp:
- Trùng dương cúc dưới dậu
Xuân ấm oanh trên cành.
Lại hỏi: Xin cảm ơn thầy. Kẻ học trò này không hiểu, xin thầy dạy lại.
Sư đáp:
- Ngày kim ô chiếu rạng
Ðêm về thỏ ngọc soi.
Tăng lại hỏi:
- Hiểu được chân ý thầy
Huyền cơ như thế nào?
Sư nói:
- Bất cẩn mâm đầy bưng nước đến
Một lần vấp ngã hối làm sao!
Tăng nói: Xin cảm ơn thầy.
Sư dạy:
- Ðừng chết đuối trong sóng
Ðem thân đến tự trầm.
Lại hỏi: ..........
Thiền sư Viên Chiếu tịch vào năm 1090, thọ 92 tuổi.
Trích thơ:
Nguyên văn:
Thân như tường bích dĩ đồi thì,
Cử thế thông thông thục bất bi.
Nhược đạt tâm không vô sắc tướng,
Sắc không ẩn hiện nhậm thôi di.
Dịch nghĩa:
Thân người như vách tường đến lúc hư hoại,
Cả thế gian đều vội vã, không ai không lo buồn.
Nếu đạt được tâm không, thì mọi hình sắc và tướng trạng cũng thảy đều là không
Thì có và không khi ẩn khi hiện mặc cho sự đổi dời.
Dịch thơ:
Thân như tường vách đến ngày suy,
Thế sự vội vàng, ai chẳng bi.
Nếu rõ tâm không, không sắc tướng,
Có không còn mất để lòng chi.
Chú thích:
Tâm không: Theo Phật giáo, tánh chân thật của vạn vật là không. Khi tâm soi rọi thấu vào bản tánh chân thật ấy của vạn vật thì vượt ra khỏi những bám víu sai lầm, rỗng rang vô niệm, gọi là tâm không.
Sắc tướng: Chỉ mọi sự vật có hình trạng. Sắc là một trong năm yếu tố tạo nên vạn vật trong vũ trụ. Bốn yếu tố kia là: thọ (cảm nhận), tưởng (ghi nhớ), hành (bám giữ), thức (chủ quan).
Sắc không: Sắc là có hiện hữu, không là không hiện hữu, là hai khái niệm đối nghịch nền tảng của thế gian, tạo ra mọi sự phân biệt.
Ðại ý bài thơ: Thân thể người ta cũng giống như bức tường đến hồi rã mục, thế mà cả thế gian này người người đều bôn ba cho nó, tạo ra mọi sự lo buồn. Nếu thấu được chân lý tức đạt được tâm không thì sẽ thấy rõ hết thảy các loại sắc tướng đều không thật có, khi đó thì dù có dù không, dù đến dù đi cũng không làm cho bận lòng.
Sư tên tục là Lý Trường, người Lũng Triều, làng An Cách. Sư thuộc thế hệ thứ 9 dòng Vô Ngôn Thông, đệ tử của Thiền Sư Quảng Trí, tu tại chùa Giáo Nguyên. Vào năm 1096, ngài ngồi kiết già thị tịch, để lại một bài kệ.
Trích thơ:
Nguyên văn:
cáo tật thị chúng
Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tòng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Ðình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Dịch nghĩa:
có bệnh bảo với mọi người
Xuân đi trăm hoa rụng,
Xuân đến trăm hoa nở.
Sự đời đuổi nhau qua mau trước mắt,
Cái già theo trên đầu (tóc bạc) mà đến.
Ðừng cho rằng mùa xuân tàn rồi thì hoa rụng hết,
Sân trước đêm hôm qua (có nở) một cành mai.
Dịch thơ:
Xuân đi trăm hoa rụng,
Xuân đến trăm hoa tươi.
Việc đời qua trước mắt,
Trên đầu già đến nơi.
Ðừng bảo xuân tàn hoa rụng hết,
Ðêm qua sân trước nở cành mai.
Ðọc bài thơ này, ta nhớ lời Thiền sư Chân Không trả lời câu hỏi của một vị tăng: Khi thân xác hư hoại thì như thế nào? Câu đáp của Thiền là:
Xuân đến xuân đi ngờ xuân hết
Hoa tàn hoa nở vẫn là xuân.
(Xuân lai xuân khứ nghi xuân tận
Hoa lạc hoa khai chỉ thị xuân).
Xin xem thêm đoạn nhận xét về bài thơ này trong chương 3.
Ngài tên tục là Vương hải Thiềm, người làng Phù Ðổng, huyện Tiên du. Từ nhỏ đã ham đọc sách, biết rất nhiều sử sách, không thích chuyện đời, ưa ngao du học hỏi với các vị tăng, về sau xuất gia, thuộc thế hệ 16 dòng Tỳ Ni Ða Lưu Chi, rất rành về Kinh Pháp Hoa. Ngài mất vào năm 1100.
Tác phẩm còn để lại là một đoạn đối đáp với đệ tử và một bài kệ.
Ðoạn đối đáp với đệ tử xin trích dịch ra đây:
Thường có tăng hỏi: Thế nào là diệu đạo?
Sư nói: Giác ngộ sẽ biết.
Lại hỏi: Lời dạy trước học trò chưa chưa rõ, giờ đây xin dạy làm sao hiểu được?
Sư nói:
Vào đến động tiên sâu thẳm ấy
Hoàn đan đổi cốt thuốc mang về.
Hỏi: Thế nào là hoàn đan?
Sư đáp:
Bao kiếp mịt mờ không rõ biết
Giờ đây phút ngộ được khai minh.
Hỏi: Thế nào là khai minh?
Sư đáp:
Khai minh soi khắp cõi bà sa
Hết thảy chúng sinh chung một nhà.
Lại hỏi:
Tuy không thấy được rõ
Nơi nơi đều gặp nó.
Nó là cái gì?
Sư đáp:
Kiếp hỏa khắp thiêu đến mảy may
Núi xanh như cũ, mây trắng bay.
Lại hỏi: Khi thân xác đã suy hoại thì thế nào?
Sư đáp:
Xuân đến xuân đi, ngờ xuân hết
Hoa tàn hoa nở vẫn là xuân.
Khi vị sư đang suy nghĩ thì sư hét:
Ðất bằng sau trận lửa
Cây cỏ càng tốt tươi.
Tăng lễ bái.
Trích thơ:
Nguyên văn:
cảm hoài
Diệu bản hư vô nhật nhật khoa,
Hòa phong xuy khởi biến sa bà.
Nhân nhân tận thức vô vi lạc,
Nhược đắc vô vi thủy thị gia.
Dịch nghĩa:
cảm hoài
Cái hư vô huyền diệu hằng ngày vẫn phơi bày,
Như gió mát thổi khắp cõi sa bà.
Mọi người ai cũng có thể hiểu niềm vui vô vi,
Nếu được vô vi thì ấy chính là nhà.
Dịch thơ:
cảm hoài
Hư vô huyền diệu vẫn bày ra,
Gió mát thổi trùm cõi bà sa.
Tịch lạc vô vi nào ai thiếu,
Vô vi quay lại chính là nhà.
Chú thích:
Sa bà: Ngày nay thường gọi là Ta bà có nghĩa là gánh chịu sự khổ. Trong Phật giáo thường dùng chữ ta bà để chỉ thế giới mà chúng sanh phải sống trong đau khổ, là thế giới chúng ta đang sống.
Ðại ý bài này nói rằng tự tánh tịch lạc vốn có sẵn đủ trong mọi người cũng như gió mát thổi trùm khắp cõi ta bà đâu đâu cũng có. Chỉ khi con người trở về được với con đường vô vi thì là trở lại cái tính chân thật vốn có thường hằng của mình.
Theo Phật giáo Ðại thừa, tánh chân thật vốn có của mọi loài là Phật tánh bình đẳng. Và các đức Phật ra đời chỉ với một mục đích là khai mở Phật tánh đó nơi mọi người, mọi loài. Ở đây nói con đường trở về Phật tánh đó là con đường vô vi, tức con đường thiền quán tánh Không.
Thiền sư họ Ðào, người làng Cửu Ông, quận Tế Giang, là đệ tử của thiền sư Quang Tịnh và thuộc thế hệ 12 dòng Thiền Tỳ Ni Ða Lưu Chi. Sư mất năm 1101.
Trích thơ:
Nguyên văn:
Chân tính thường vô tính,
Hà tằng hữu sinh diệt.
Thân thị sinh diệt pháp,
Pháp tính vị tằng diệt.
Dịch nghĩa:
Tính chân thật là cái "tính vô" thường còn,
Chân tính đó chưa bao giờ có sinh và diệt.
Thân người vốn thuộc về pháp sinh diệt,
Còn pháp tính thì chưa từng hoại diệt.
Dịch thơ:
Tính thật là không tính,
Chưa từng có sinh diệt.
Thân là pháp sinh diệt,
Pháp tính chưa từng diệt.
Chú thích:
Chân tính: tính chân thật, bản thể của sự vật.
Thường vô tính: Tính không thường còn.
Sinh diệt pháp: Những sự vật có sinh có diệt, có thành có hoại, chỉ tấtcả các pháp thế gian.
Pháp tính: Tính chân thật của các pháp, mọi sự thể, hiện tượng. Cũng như Chân tính.
Cái gì có sanh có diệt thì không phải là chân thật. Như thân thể này đây, sinh ra rồi hoại diệt, đó đều thuộc vào phạm trù của các pháp sinh diệt của thế gian, không phải là chân thật. Tính chân thật thì không sinh nên không diệt, vì vô tính nên thường còn.
Chỉ biết ông đã từng làm đến Thượng Thư Bộ Công dưới thời Lý Nhân Tông. Thân thế và sự nghiệp của ông đều không biết rõ.
Trích thơ:
Nguyên văn:
tặng quảng trí thiền sư
Trụ tích nguy phong bãi lục trần,
Mặc cư huyễn mộng vấn phù vân.
Ân cần vô kế tham Trừng Thập,
Sách bạn trâm anh tại lộ quần.
Dịch nghĩa:
tặng quảng trí thiền sư
Chống gậy trên núi cao rũ bỏ sáu trần,
Lặng lẽ ở trong mộng huyễn, đối thoại cùng đám mây trôi.
Lòng tuy thiết tha nhưng không có cách nào được tham bái hai ngài Trừng và Thập,
Bởi vì đã trót vướng vào trâm anh trong bầy cò.
Dịch thơ:
Chống gậy núi cao bỏ sáu trần,
Ở trong huyễn mộng, hỏi phù vân.
Muốn về nương bóng bên Trừng, Thập,
Trót vướn bầy cò nợ mũ khăn.
Chú thích:
Trụ tích : gậy của các thiền sư, cũng còn gọi là tích trượng.
Lục trần: Sáu đối tượng của nhận thức: sắc (hình tướng), thanh (âm thanh), hương, vị, xúc (cảm giác va chạm), pháp (đối tượng củ ý thức).
Phù vân: Mây nổi. Chỉ sự vô thường, tụ tán, biến dạng không ngưng nghỉ.
Trừng, Thập: Hai vị cao tăng đã dịch rất nhiều kinh điển Phật giáo ở Trung hoa. Tên hai ngài là Phật Ðồ Trừng và Cưu Ma La Thập.
Trâm anh: Trâm cài tóc và giải mủ, chỉ những người làm quan lớn.
Lộ quần: Bầy cò. Chỉ hàng ngũ quan lại.
Bài này nói về đạo hạnh của thiền sư Quảng Trí. Thiền sư đã rũ sạch được mọi ràng buộc của thế gian, Ngài có thể tịch mặc ngay trong huyễn mộng của thế gian, tự tại trước cái vô thường như mây nổi của các pháp. Ðạo hạnh của Ngài có thể so sánh với hai ngài Phật Ðồ Trừng và Cưu Ma La Thập ngày xưa, tác giả muốn theo ngài để học đạo nhưng trót đã vướn vào con đường công danh.
Ngài Quảng Trí thuộc thế hệ thứ 8 phái Thiền Vô Ngôn Thông. Ngài là anh của hoàng phi Chương Phụng. Ngài tham học với Thiền sư Thiền Lão, và tịch vào năm 1090.
Nguyên văn:
vãn quảng trí thiền sư
Lâm loan bạch thủ độn kinh thành,
Phất tụ cao sơn viễn cánh hinh.
Kỷ nguyện tĩnh cân xu trượng tịch,
Hốt văn di lý yểm thiền quynh.
Trai đình u điểu không đề nguyệt,
Mộ tháp thùy nhân vị tác minh.
Ðạo lữ bất tu thương vĩnh biệt,
Viện tiền sơn thủy thị chân hình.
Dịch nghĩa:
viếng quảng trí thiền sư
Bỏ chốn kinh thành, vào ẩn trong rừng cho đến khi đầu bạc,
Phủi tay áo trên núi cao, ở chốn xa càng thơm ngát.
Ta có ước nguyện đội khăn nhà tu kề cận bên chiếu,
Bỗng nghe tin treo giép, cửa Thiền khép kín.
Trước sân nhà ăn, tiếng chim kêu vẩn vơ dưới trăng,
Tháp mộ kia ai là người viết bài minh?
Người bạn đạo thôi đừng xót xa vì vĩnh biệt,
Non nước trước chùa chính là bóng hình chân thật.
Dịch thơ:
Bỏ thành vào núi trắng tóc xanh,
Rủ áo non cao ngát tiếng thanh.
Những muốn đội khăn hầu bên chiếu,
Bỗng nghe treo giép, khóa thiền đình.
Sân trai vơ vẩn chim kêu bóng
Tháp mộ đâu người viết khúc minh.
Bạn đạo thôi đừng đau vĩnh biệt,
Trước chùa non nước ấy chân hình.
Chú thích:
Di lý: Nghĩa đen là chiếc dép còn sót lại, ý chỉ sự viên tịch. Sau khi Sơ Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma thị tịch, có người sứ giả trở về tâu với vua Lương Võ Ðế rằng có gặp Tổ trên đường về Thiên trúc, quảy một chiếc dép trên vai. Vua cho đào mộ Ngài lên xem thì thấy chỉ còn lại một chiếc dép.
Trai đình: nhà ăn của chùa.
(Xin xem đoạn nói về bài thơ này trong chương 3)
Nguyên văn:
điệu chân không thiền sư
Hạnh cao triều dã chấn thanh phong,
Tích trụ như vân mộ tập long.
Nhân vũ hốt kinh băng tuệ đống,
Ðạo lâm trường thán yển trinh tòng
Phần oanh bích thảo, thiêm tân tháp,
Thủy trám thanh sơn nhận cựu dung.
Tịch tịch thiền quan thùy cánh khấu,
Kinh qua sầu thính mộ thiên chung.
Dịch nghĩa:
truy điệu thiền sư chân không
Ðức hạnh lớn lao, trong triều ngoài nội đều nghe tiếng thanh cao
Vây quanh cây tích trụ của ngài, người đến tìm học như mây buổi chiều tụ lại với rồng.
Nhà nhân hốt hoảng vì cây trụ trí tuệ đổ vỡ,
Rừng đạo thương tiếc biết bao cho cây tùng cứng gảy ngã.
Cỏ xanh quấn quanh mộ, lại thêm ngôi tháp mới,
Nước soi núi xanh như nhận ra bóng dáng ngày xưa.
Cửa thiền quạnh quẽ còn ai đến gõ cửa,
Qua đây buồn nghe tiếng chuông chiều.
Dịch thơ:
Thanh cao vang tiếng khắp nơi nơi,
Người học nương về tợ rồng mây.
Thương tiếc cây tùng rừng đạo ngã,
Kinh hoàng cột tuệ gốc lung lay.
Quanh mồ cỏ biếc chen bên tháp,
Non nước soi hình nhớ dáng ai.
Vắng lặng cửa thiền ai viếng hỏi,
Chuông chiều buồn dạ khách qua đây.
Chù thích:
Tích trụ: Cũng như tích trượng, là cây gậy của các thiển sư dùng đánh đệ tử để khai ngộ hay khi ngồi thiên ngũ gục.
Không rõ năm sinh và mất của thiền sư. Chỉ biết ngài là một người học vấn uyên thâm, sồng đồng thời và đã từng đàm đạo về Thiền học với Thiền sư Từ Ðạo Hạnh.
Trích thơ:
Nguyên văn:
Ngọc lý bí thanh diễn diệu âm,
Cá trung mãn mục lộ thiền tâm.
Hà sa cánh thị bồ đề đạo,
Nghĩ hướng bồ đề cách vạn tầm.
Dịch nghĩa:
Âm thanh trong ngọc diễn ra tiếng huyền diệu,
Trong mỗi tiếng, tâm thiền hiển lộ đầy đủ.
Cảnh giới vạn tượng thảy đều là đạo bồ đề,
Tìm cách để đến thì đạo bồ đề cách xa vạn tầm.
Dịch thơ:
Trong ngọc phô ra tiếng diệu huyền,
Mỗi âm đều vốn đủ tâm thiền.
Sum la vạn tượng: bồ đề đạo,
Tìm kiếm bồ đề xa cách thêm.
Chú thích:
Diệu âm: Vi diệu âm: âm thanh mầu nhiệm, ý chỉ Phật pháp, chân lý. Trong Kinh A Di Ðà có câu: "Cõi nước Phật ấy, gió dìu dịu thổi, rung hàng cây báu, và tầng lưới báu, phát tiếng vi diệu..., nghe âm thanh ấy, tự nhiên đều vui..." Tiếng vi diệu tức diệu âm.
Bồ đề đạo: Ðạo Phật. Bồ đề có nghĩa là trí tuệ. Ðạo Phật là đạo lấy trí tuệ làm con đường và cũng là cứu cánh giải thoát, nên cũng được gọi là đạo bồ để.
Tầm: Ðơn vị đo chiều dài, bằng 8 thước Tàu.
Ðại ý bài thơ nói rằng chân lý ở khắp mọi nơi. Ngay lúc hiện tiền nếu không trực nhận được chân lý mà cố tìm kiếm bên ngoài thì ngày càng xa cách.
Bài này là bài kệ trả lời câu hỏi cầu đạo của ngài Từ Ðạo Hạnh. Câu hỏi cũng bằng một bài kệ như sau:
Phàm trần lăn lộn mãi không thôi
Mờ mịt chân tâm chẳng thấy nơi.
Phương tiên những mong thương chỉ lối,
Ðể thôi lưu lạc giữa bụi đời.
(Xin xem về Thiền sư Từ Ðạo Hạnh)
Tên tục của ngài là Từ Lộ, con Tăng quan đô án Từ Vinh. Ngài tu ở chùa Thiên phúc, thuộc vào thế hệ thứ 12 dòng thiền Tỳ Ni Ða Lưu Chi. Ngài Từ Lộ đã từng lên đường đi Ấn độ để cầu đạo, nhưng chỉ đi đến Miến điện rồi trở về. Sử sách không ghi nhiều về hành tích của ngài, chỉ biết ngài có làm bạn với sư Giác Hải và sư Minh Không, và có khuynh hướng Mật tông. Có lần Ngài tìm đến Thiền Sư Trí Huyền, và Sùng Phạm để hỏi đạo.
Theo truyền thuyết, cha của sư Từ Ðạo Hạnh là Từ Vinh dùng tà thuật làm mích lòng Duyên Thành Hầu, Hầu nhờ Ðại Ðiên dùng pháp thuật đánh chết. Ngài Từ Lộ vào trong núi Từ Sơn, lấy hiệu là Ðạo Hạnh, trì luyện chú Ðại Bi. Sau khi pháp thuật đã cao, Ngài về giết được Ðại Ðiên. Duyên Thành Hầu sợ lắm nhờ Giác Hoàng Ðại Pháp sư đánh nhau với Ðạo Hạnh. Có lần Ðạo Hạnh đánh thua suýt chết, Duyên Thành Hầu can thiệp cho được sống. Nhớ ơn đó, khi phu nhân Duyên Thành Hầu có thai, Từ Ðạo Hạnh nhập thai làm con, sau là vua Lý Thần Tông.
Từ Ðạo Hạnh tịch vào năm 1112.
Trích thơ:
Nguyên văn:
Tác hữu trần sa hữu,
Vi không nhất thiết không.
Hữu không như thủy nguyệt,
Vật trước hữu không không.
Dịch nghĩa:
Cho là có thì có cả từ hạt bụi, hạt cát,
Cho là không thì hết thảy đều là không.
Có không như bóng trăng dưới nước,
Cũng đừng bám vào tư tưởng cho rằng cả có và không cũng đều là không.
Dịch thơ:
(1)
Có thì có tự mảy may,
Không thì cả thế gian này cũng không.
Kìa xem bóng nguyệt lòng sông,
Ai hay không có, có không là gì.
(Vô danh)
(1)
Có: có từng hạt bụi,
Không: không khắp thế gian.
Có, không trăng in nước,
Không không, có: mơ màng.
Chú thích:
Trần sa: Bụi cát, chỉ đơn vị vật chất rất nhỏ trong vũ trụ.
Thủy nguyệt: Trăng trong nước, dụ cho sự không thật có.
Ðại ý bài này nói lên tư tưởng có, không trong hệ thống Bát Nhã, và diệu hữu trong Hoa Nghiêm. Nói rằng không thì lớn như núi tu di, hay cả vũ trụ cũng là không, nói có thì một hạt bụi cũng là có. Chân lý siêu việt ngoài có và không, không nên chấp vào có cũng không dính vào không. Mà cho rằng cả có và không đều là không cũng là một kiến chấp sai lầm.
Nguyên văn:
Nhật nguyệt xuất nham đầu,
Nhân nhân tận thất châu.
Phú nhân hữu câu tử,
Bộ hành bất kỵ câu.
Dịch nghĩa:
Mặt trời, mặt trăng lúc nào cũng thay nhau xuất hiện trên đỉnh núi,
Nhưng tất cả mọi người đều là người mất ngọc báu.
Như người nhà giàu có con ngựa quý,
Mà phải đi bộ không sử dụng được ngựa.
Dịch thơ:
Nhật nguyệt soi đầu núi,
Người người mất bảo châu.
Như ai kia có ngựa,
Ði chân đến bạc đầu.
Chú thích:
Thất châu: Mất ngọc châu. Trong Kinh Pháp Hoa, có câu chuyện về một người trong lúc say rượi, người bạn vì có việc đi gấp may trong chéo áo người ấy một viên ngọc quý. Khi người say rượi tỉnh dậy, thấy không có bạn, bèn bỏ đi. Trải qua bao năm lang thang đói khổ, làm đủ mọi nghề để kiếm sống một cách khó khăn, một hôm gặp lại người bạn, người bạn ngạc nhiên về sự khốn khổ của anh ta, và nói cho anh ta về việc đã may viên ngọc trong áo. Người nghèo khổ mới biết rằng chính là mình vẫn giàu có, viên ngọc quí luôn đeo bên mình mà lâu nay không từng biết đến.
Ðại ý bài này nói rằng mọi người đều có đủ cái cao quí nhất là Phật Tánh và Phật tánh đó vẫn luôn luôn hiện hữu, cũng như người có ngọc châu nơi áo. Thế mà mọi người đều không biết là mình rất giàu có. Do đó cũng giống như anh nhà giàu có ngựa mà không cởi được ngựa.
Nguyên văn:
Cửu hỗn phàm trần vị thức kim,
Bất tri hà xứ thị chân tâm.
Nguyện thùy chỉ đích khai phương tiện,
Liễu kiến như như đoạn khổ tầm.
Dịch nghĩa:
Lâu nay vẫn mãi còn lăn lộn trong bụi phàm tục chưa biết được vàng,
Không biết chân tâm ở chỗ nào.
Xin cúi xuống chỉ cho nơi đến, mở bày phương tiện,
Ðể thấy rõ cái như như, chấm dứt sự khổ công tìm kiếm.
Dịch thơ:
Phàm trần lăn lộn vẫn không thôi,
Mờ mịt chân tâm chẳng thấy nơi.
Phương tiện những mong thương chỉ lối,
Ðể thôi lưu lạc giữa bụi đời.
Chú thích:
Chân tâm: Tâm chân thật, chỉ tâm giác ngộ, Phật tánh.
Phương tiện: Những phương pháp các vị bồ tát dùng để khai mở sự giác ngộ cho người được gọi là phương tiện.
Như như: Tướng chân thật của vạn vật. Như như có nghĩa là y như vậy. Chúng ta nhìn thấy sự vật luôn luôn bị bóp méo qua những điều kiện riêng. Sự vật như thật là chính nó trong Phật giáo được gọi là như như.
Ðại ý bài này nói rằng tác giả tuy đã tu hành lâu năm nhưng vẫn chưa thấy được tâm chân thật nên vẫn là người lăn lộn trong phàm trần. Và tác giả ngỏ ý cầu xin Thiền Sư Trí Huyền mở ra phương tiện để tác giả nhìn thấy được chân tâm, chấm dứt những khổ nhọc tìm kiếm.
Ðây là bài kệ ngài đã đọc để hỏi đạo Thiền Sư Trí Huyền. Sau khi nghe bốn câu kệ trả lời của Ngài Trí Huyền:
Trong ngọc phô ra tiếng diệu huyền
Mỗi âm đều hiển lộ tâm thiền
Sum la vạn tượng: bồ đề đạo,
Tìm kiếm bồ đề, xa cách thêm.
Ngài nghe bài kệ tâm hoang mang. Khi đến nghe Sùng Phạm giảng Kinh ở chùa Pháp Vân, ngài hỏi: "Thế nào là chân tâm?" Sư Sùng Phạm hỏi lại: "Cái gì không phải là chân tâm?" Sư liền tỏ ngộ, hỏi: "Làm thế nào để gìn giữ?" Sùng Phạm trả lời: "Ðói thì ăn, khát thì uống."
Thiền sư tên tục là Nguyễn Cảm Thành, cũng có hiệu là Minh Không. Ngài thuộc thế hệ thứ 10 dòng thiền Vô Ngôn Thông. Ngài đã từng đi Ấn độ học về Mật giáo, và từng làm bạn với Từ Ðạo Hạnh và Giác Hải. Tương truyền Ngài đã chữa được bệnh hóa hổ của vua Lý Thần Tông và được phong làm Quồc Sư, và được coi như người đã tạo ra tứ đại khí là tháp chùa Báo Thiên, tượng Phật A Di Ðà chùa Quỳnh Lâm, đỉnh chuông chùa Phổ Minh và chuông chùa Phả Lại. Ngài tịch năm 1141.
Trích thơ:
Nguyên văn:
ngôn hoài
Trạch đắc long xà địa khả cư,
Dã tình chung nhật lạc vô dư.
Hữu thời trực thượng cô phong đỉnh,
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.
Dịch nghĩa:
ngôn hoài
Ðất có hình rồng rắn là nơi có thể ở,
Tình thôn dã suốt ngày vui không hết.
Có lúc leo thẳng lên đỉnh núi trơ trọi,
Kêu dài một tiếng làm lạnh cả thái hư.
Dịch thơ:
Ðất hình rồng rắn chốn ẩn cư,
Ý nước, tình non chẳng để dư.
Có lúc thẳng lên đầu núi thẳm,
Kêu dài một tiếng lạnh không hư.
Chú thích:
Ðất hình rồng rắn: một thế đất trong khoa phong thủy.
Bài này tác giả nói lên sự tràn đầy, siêu xuất trong sự ẩn cư của mình.
(Xin xem thêm đoạn phẩn bình ở chương 3)
Nguyên văn:
ngư nhàn
Vạn lý thanh giang vạn lý thiên,
Nhất thôn tang giá nhất thôn yên.
Ngư ông thụy chước vô nhân hoán,
Quá ngọ tỉnh lai tuyết mãn thuyền.
Dịch nghĩa:
ngư ông nhàn
Vạn dặm sông xanh, vạm dặm trời,
Một thôn trồng dâu, một thôn khói tỏa.
Ông chài ngủ say không ai gọi,
Ðến quá trưa tỉnh lại thì tuyết đã đầy thuyền.
Dịch thơ:
Vạn dặm sông xanh, vạn dặm trời,
Một thôn dâu biếc, một thôn mây.
Ông chài say giấc không ai gọi,
Tỉnh dậy ngoài ghe tuyết phủ đầy.
(Xem đoạn phẩm bình ở chương 3)
Sư họ Nguyễn, người làng Hải thanh. Lúc nhỏ theo nghề đánh cá, đến năm 25 tuổi xuất gia, thuộc thế hệ thứ 11 dòng Thiền Vô Ngôn Thông, có lẽ là đệ tử của Không Lộ, cả hai cùng học với Thiền sư Lôi Hà Trạch. Ngài có khuynh hướng Mật giáo và luyện được thuật "ứng chân thần túc", để lại nhiều huyền thuyết cũng như Không Lộ và Từ Ðạo Hạnh. Các vua nhà Lý rất tín phục. Có lần vua Lý Nhân Tông mời ngài vào cung cùng với đạo sĩ Thông Huyền. Ngài dùng pháp chú mục ngưng thần và đạo sĩ dùng pháp niệm chú làm rơi xuống hai con cắt kè, được nhà vua khen ngợi:
Tâm Giác Hải như biển
Ðạo Thông huyền rất hyền
Thần thông và biến hóa
Một Phật, một Thần tiên.
Vua Lý Thần Tông cũng nhiều lần triệu thỉnh nhưng ngài cáo bịnh không vào.
Không biết được năm sinh và mất của ngài là năm nào.
Trích thơ:
Nguyên văn:
Xuân lai hoa điệp thiện tri thì,
Hoa điệp ưng tu cộng ứng kỳ.
Hoa điệp bản lai giai thị huyễn,
Mạc tu hoa điệp hướng tâm trì.
Dịch nghĩa:
Xuân đến hoa và bướm khéo biết thời tiết (mà xuất hiện),
Hoa và bướm đều nên tương ứng thích đáng với thời kỳ (đến và đi đúng lúc).
Nhưng hoa và bướm vốn thảy đều là huyễn,
Ðừng nên giữ chi chuyện hoa bướm trong lòng.
Dịch thơ:
Hoa bướm Xuân về vui với Xuân,
Ðến đi hoa bướm hẹn thời gian.
Bướm hoa vốn thảy đều như mộng,
Ðừng bận lòng chi giữa tiếng vang.
Chú thích:
Theo thuyết nhân duyên của Phật giáo, mọi sự việc khi hội đủ nhân duyên thì xuất hiện, khi hết nhân duyên thì tan rã. Biết như thế thì đừng nên lưu luyến với một cơn mơ.
Thiền sư họ Nguyễn, người làng Long Biên, từ nhỏ đã ham mộ đạo Phật. Lớn lên, ngài xuất gia với thiền sư Bản Tịch, và thuộc vào thế hệ thứ 14 dòng Thiền Tỳ Ni Ða Lưu Chi. Ngài có soạn cuốn Ngộ Ðạo thi Ca Tập. Ngài tịch vào năm 1142, còn để lại một bài kệ.
Trích thơ:
Nguyên văn:
đáp pháp dung sắc, không, phàm, thánh chi vấn
Lao sinh hưu vấn sắc kim không,
Học đạo vô qua phỏng tổ tông.
Thiên ngoại mịch tâm nan định thể,
Nhân gian thực quế khởi thành tùng.
Kiền khôn tận thị mao đầu thượng,
Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung.
Ðại dụng hiện tiền quyền tại thủ,
Thùy tri phàm thánh dữ Tây Ðông.
Dịch nghĩa:
đáp pháp dung hỏi về sắc, không, phàm, thánh
Mệt nhọc chi cả đời với câu hỏi về sắc với không,
Muốn học đạo thì không gì hơn theo về nơi nguồn gốc.
Tìm kiếm tâm ở ngoài trời khó nhìn thấy được cái thể của tâm,
Cũng như người đời trồng quế thì làm sao có thể mọc thành khóm.
Cả trời đất đều chỉ ở trên đầu một sợi lông,
Mặt trời, mặt trăng cũng bao hàm trong hột cải.
Sự thể hiện lớn lao vốn ngay trước mắt như nắm tay ở trên bàn tay,
Có ai biết được phàm thánh với tây đông.
Dịch thơ:
Luận bàn chi mệt sắc cùng không,
Học đạo nên về với tổ tông.
Tâm kiếm ngoài trời sao thấy được,
Nhân gian trồng quế khá nên tùng?
Ðất trời gom lại trên đầu cỏ,
Nhật nguyệt không ngoài hạt cải mòng.
Trước mắt rành rành chơn diệu dụng,
Chẳng màng phàm thánh, mặc tây đông.
Chú thích:
Sắc, không: là hai phạm trù chính trong tư tưởng Bát Nhã. Sắc thuộc hình nhi hạ, không thuộc hình nhi thượng, sắc là thế gian, không là ngoài thế gian, v.v....
Kiền khôn: hai quẻ trong kinh Dịch, tượng cho trời (càn) và đất (khôn). Càn khôn là ý chỉ toàn thể trời đất, vũ trụ.
Ðại dụng: Sự thể hiện, biểu hiện của chân lý.
Bài này khuyên người học đạo đừng nên dính mắc vào những phạm trù bên ngoài. Chân lý là cái gì cụ thể, hiện tiền, ngay nơi sự chính là lý, và lý không tách rời khỏi sự, ngay trên đầu ngọn cỏ có thể thấy cả đất trời, trong lòng một hột cải chứa đủ cả mặt trời mặt trăng. Ðó là giáo lý trùng trùng duyên khởi của Hoa Nghiêm.
Thiền sư Tịnh Không thuộc thế hệ thứ 11 phái Thiền Vô Ngôn Thông. Ngài gốc người Phúc Châu, Trung quốc, họ Ngô. Ngài sang Việt nam lúc 30 tuổi tu tại chùa Khai Quốc. Ngài trước tu theo hạnh đầu đà, mỗi ngày chỉ ăn một hạt mè hay một hạt đậu, khi tham thiền thì ngồi lâu hàng năm bảy ngày. Về sau ngài đến tham học với thiền sư Ðạo Huệ rồi trở về hoằng hóa tại chùa Khai Quốc. Ngài tịch vào năm 1170, còn để lại một bài vấn đáp về đạo Thiền như sau:
Một ngày nọ, sư hội chúng nói kệ rằng:
Trên không mảnh ngói che
Dưới không đất cắm dùi
Hoặc mặc áo đi đến
Hoặc cầm gậy tìm lại
Trong chuyển động tiếp xúc
Như rồng nhảy đớp mồi.
Có vị tăng hỏi: Lời chỉ dạy trên là gì vậy?
Sư nói:
Ngày ngày đều gặt hái
Giờ giờ kho trống không.
Vị tăng nói: Con vẫn không rõ.
Sư nói:
Nhật nguyệt sáng hoài
Mây nổi che khuất.
Có kệ rằng:
Người trí không ngộ đạo,
Ngộ đạo tức người ngu.
Người nằm đưa chân lên,
Chẳng cần biết thực giả.
Hỏi: Thế nào là Phật?
Sư đáp:
Nhật nguyệt bao trùm muôn ức cõi
Ai hay sông núi đẫm mây mưa.
Lại hỏi: Làm sao để hiểu?
Sư đáp:
Mục đồng quen thói lưng trâu ngũ
Ðất có anh hùng tỏ được sao?
Hỏi: Ý Tổ và ý trong giáo lý giống nhau hay khác nhau?
Sư đáp:
Vạn dặm đường xa đều xuôi Khuyết.
Hỏi: Hòa thượng có sự kỳ đặc, vì sao không nói cho học trò?
Sư đáp: Ngươi thổi lửa, ta lo gạo,
Ngươi khất thực, ta ôm bát.
Ai đâu phụ ngươi?
Vị tăng khai ngộ.
thiền sư bảo giám
Thiền sư tên tục là Kiều Phù, người làng Trung Thụy. Lúc nhỏ, ngài theo Nho học, thông hiểu ngũ kinh, có tài vẽ và viết chữ rất đẹp, đã từng làm quan trong triều Lý Anh Tông. Ngài xuất gia lúc 30 tuổi, thuộc thế hệ thứ 10 dòng Thiền Vô Ngôn Thông. Ngài mất vào năm 1173.
Trích thơ:
Nguyên văn:
tương viên tịch
Ðắc thành chánh giác hãn bằng tu,
Chỉ vị lao lung trí huệ ưu.
Nhận đắc ma ni huyền diệu lý,
Chính như thiên thượng hiển kim ô.
Trí giả do như nguyệt tại thiên,
Quang hàm trần sát chiếu vô thiên
Nhược nhân yếu thức tu phân biệt,
Lĩnh thượng phù sơ tỏa mộ yên.
Dịch nghĩa:
sắp viên tịch
Ít khi dựa vào việc tu sửa mà đạt được chánh giác,
Mà chỉ là giam hãm sự ưu thắng của trí tuệ.
Một khi nhận thấy được lý huyền diệu ma ni,
Thì liền như mặt trời xuất hiện trong bầu trời.
Bậc giác ngộ ví như ánh trăng trong bầu trời,
Ánh sáng chiếu soi hết thảy các cõi nước nhiều như bụi mà không nơi nào bị bỏ sót (không thiên lệch).
Nếu có người muốn rõ thì nên phân biệt,
Trên đỉnh núi cao, phủ nhẹ áng mây chiều.
Dịch thơ:
Khổ nhọc tu hành khó đến nơi,
Chỉ riêng giam hãm huệ quang thôi.
Ma ni soi rõ nơi huyền diệu,
Liền giữa không trung hiện mặt trời.
Giác ngộ như trăng sáng giữa trời,
Sáng soi thế giới chẳng phân nơi.
Ai người muốn rõ nên phân biệt,
Ðỉnh núi chiều mây khói đầy vơi.
Chú thích:
Chính giác: Sự hiểu biết chân chánh, thuật ngữ Phật giáo để chỉ trí tuệ Phật giáo.
Ma ni: Một loại ngọc quí có tỏa ra ánh sáng, chỉ tuệ giác nhà Phật.
Kim ô: Nghĩa đen là gà trống vàng, dùng chỉ mặt trời.
Trần sát: Thuật ngữ Phật giáo có nghĩa là cõi nước nhiều như bụi. Theo Phật giáo, vũ trụ có vô số thế giới không thể đếm được, nên lấy bụi làm ví dụ chỉ số nhiều.
Vô thiên Không thiên lệch. Ý chỉ không có sự phân biệt, hoàn toàn bình đẳng.
(Xin xem đoạn nói về bài thơ này trong chương 3)
Thiền sư họ Âu, người làng Chân hộ, Như nguyệt. Ngài xuất gia năm 25 tuổi, thuộc thế hệ thứ 10 dòng thiền Vô Ngôn Thông. Ngài có trên một ngàn đồ chúng, là một Thiền sư tiếng tăm thờ Lý. Ngài mất vào năm 1172.
Trích thơ:
Nguyên văn:
Ðịa thủy hỏa phong thức,
Nguyên lai nhất thiết không.
Như vân hoàn tụ tán,
Phật nhật chiếu vô cùng.
Sắc thân dữ diệu thể,
Bất hợp bất phân ly.
Nhược nhân yếu chân biệt,
Lô trung hoa nhất chi.
Dịch nghĩa:
Ðất nước gió lửa và thức,
Vốn hết thảy là không.
Như mây hợp rồi tan, tan rồi hợp,
Mặt trời Phật chiếu sáng không cùng.
Thân thể vật chất và bản thể vi diệu,
Không hợp cũng không phân ly.
Nếu có người tỏ rõ được sự lý,
Trong lò lửa nở ra một cành hoa.
Dịch thơ:
Ðất nước gió lửa thức,
Vốn thật thảy đều không.
Như đám mây tan hợp,
Trí tuệ chiếu vô cùng.
Xác phàm và tính diệu,
Không một cũng không hai.
Nếu có người thấu rõ,
Trong lò, hoa mãn khai.
Chú thích:
Ðịa thủy hỏa phong thức: Ðất, nước, lửa, gió, sự bíết là chỉ cho năm yếu tố tạo thành con người, đó là yếu tố cứng, yếu tố ướt, yếu tố nóng, yếu tố hơi, yếu tố tri giác.
Phật nhật: Mặt trời Phật, mặt trời trí tuệ (tuệ nhật). Chỉ cho trí tuệ Phật giáo.
Sắc thân: Thân thể vật chất.
Diệu thể: Thể vi diệu, chỉ cho tự tánh, chân tánh của mỗi người đều có. Trong Phật giáo thường gọi là tự tánh, Phật tánh.
Lô trung hoa nhất chi: Trong lò lửa nở một cành hoa. Lò lửa là chỉ cho thế gian. Cành hoa chỉ cho sự giác ngộ chân tánh. Ngay trong thế gian này cũng thấy được chân tánh. Ngay trong xác thân phàm trần nầy mà không rời giác ngộ.
Ðại ý bài này nói rằng những yếu tố tạo thành con người hết thảy đều là không. Nếu thấy được pháp không đó, như mây hợp tan, như trò huyễn hóa, thì đó là trí tuệ Phật. Cũng thế, Trí tuệ Phật với sắc thân không phải là một mà cũng không phải là hai (bởi vì pháp tánh hiện hữu trong từng hạt bụi, và bao trùm toàn thể). Nếu biết được lý này thì dù ở trong thế gian mà thường giác ngộ.
Thiền sư họ Nguyễn, quê ở làng Chân hộ, huyện Phù Cầm. Ngài thuộc thế hệ thứ 11 dòng Thiền Vô Ngôn Thông, chuyên tu phạm hạnh, ẩn dật cho đến trọn đời, đệ tử ngài có trên trăm người. Ngài mất năm 1174.
Trích thơ:
Nguyên văn:
Liễu ngộ thân tâm khai huệ nhãn,
Biến hóa linh thông hiện thực tướng.
Hành trụ tọa ngọa độc trác nhiên,
Ứng hiện hóa thân bất khả lượng.
Tuy nhiên sung tắc biến hư không,
Quan lai bất kiến như hữu tướng.
Thế gian vô vật khả tỷ huống,
Trường hiện linh quang minh lãng lãng.
Thường thời diễn thuyết bất tư nghì,
Vô đắc nhất ngôn dĩ vi đáng.
Dịch nghĩa:
Hiểu thấu được thân tâm, mở con mắt trí tuệ,
Thì sự biến hóa linh thông sẽ hiển lộ thực tướng.
Ði đứng ngồi nằm đều ra ngoài sự thường tình,
Hóa thân tùy chỗ mà hiện ra không thể đếm.
Tuy rằng đầy khắp cả hư không,
Xem ra không thấy như có hình tướng gì cả.
Không có vật gì ở thế gian có thể so sánh,
Ánh sáng mầu nhiệm hiện ra không dứt và sáng vằng vặc.
Luôn luôn diễn thuyết không thể nghĩ bàn,
Nhưng không có một lời nào nói cho hết.
Dịch thơ:
Rõ thấu thân tâm mắt tuệ khai,
Linh thông tướng thực khắp phơi bày.
Ðứng, đi, ngồi, ngủ đều siêu xuất,
Ứng hiện thân ra khắp mọi loài.
Ðầy cõi hư không thân hóa hiện,
Tuy nhiên không một vết hình hài.
Thế gian chẳng lấy gì so sánh,
Chiếu sáng vô cùng quá, hiện, lai.
Diệu pháp cao sâu thường tuyên thuyết,
Chưa từng chạm đến mảy then cài.
Chú thích:
Hóa thân: Thuật ngữ Phật giáo, có nghĩa là thân do ý muốn sinh ra.
Bất tư nghì: Hay bất khả tư nghì, có nghĩa là không thể suy nghĩ, chỉ giáo pháp và trí tuệ Phật giáo rất cao sâu, không thể dùng lý trí thường tình mà hiểu được.
Chân lý và tâm giải thoát biến mãn khắp vũ trụ, và trong mọi sự việc hàng ngày. Thế nhưng dùng lời nói để diễn tả, lý trí để tìm kiếm, suy lường thì không thể được. Ðây là giáo lý không, vô tướng, vô tác của Bát nhã.
Sư họ Kiều, quê ở Phù Diễn, quận Vĩnh Khang. Lúc nhỏ đã chuyện tâm học Phật, là học trò của Thiền sư Mãn Giác, trí huệ rất thâm sâu. Ngài thuộc thế hệ thứ 10 dòng Thiền Vô Ngôn Thông. Ngài mất năm 1177.
Trích thơ:
Nguyên văn:
Huyễn thân bản tự không tịch sinh,
Do như kính trung xuất hình tượng.
Hình tượng giác liễu nhất thiết không,
Huyễn thân tu du chứng thực tướng.
Dịch nghĩa:
Thân huyễn ảo vốn sinh ra từ nơi không tịch,
Giống như trong kính hiện ra hình tượng.
Khi thấu rõ thì hình tượng rốt ráo là không,
Thân huyễn ảo ngay trong phút giây liền chứng thực tướng.
Dịch thơ:
Huyễn thân vốn tự không tịch sinh,
Như ở trong gương hiện bóng hình.
Khi rõ bóng hình đều chẳng thật,
Thân phàm liền chứng đạo không sinh.
Chú thích:
Không tịch: Chỗ tịch lặng rỗng không. Chỗ này ở nơi các pháp là pháp tánh, ở nơi chúng sanh là tự tánh, giác tánh.
Thực tướng: Hình tướng chân thật của vạn vật.
Từ nơi không tịch mà hiện ra hình tượng cũng như trong gương mà hiện ra bóng hình. Tất cả đều huyễn ảo. Tuy nhiên, khi biết được như vậy thì liền thấy chân lý ngay nơi những hình tượng.
Thiền sư họ Lê, người Phong Châu. Năm 27 tuổi, về Từ Sơn chuyên tu thiền. Sư thuộc thế hệ 16 dòng Tỳ Ni Ða Lưu Chi. Năm sinh và mất đều không rõ. Vua quan trong triều rất tôn kính.
Trích thơ:
Nguyên văn:
Ký hoài xuất tố dưỡng hung trung,
Văn thuyết vi ngôn ý doãn tòng.
Tham dục truất trừ thiên lý ngoại,
Hy di chi lý nhật bao dung.
Dịch nghĩa:
Ôm ấp trong lòng niềm mong muốn thoát ra ngoài cõi tục,
Khi nghe lời vi diệu thì ý liền tin hiểu theo.
Trừ bỏ lòng tham dục ra ngoài ngàn dặm,
Ngày ngày ôm ấp trong lòng lý nhiệm mầu.
Dịch thơ:
Ôm ấp đà lâu chí xuất trần,
Vừa nghe lời diệu rõ nguồn tâm.
Tham sân dũ bỏ xa ngàn dặm,
Nuôi duỡng không rời tự tính chân.
Chú thích:
Vi ngôn: Lời vi ẩn, huyền diệu.
Hi di: Vi ẩn, huyền diệu. Hi di chi lý là lý vi ẩn, huyền diệu.
Bài này có lẽ là một bài kệ ấn chứng cho hai ông Tô Hiến Thành và Ngô Hòa Nghĩa. Vì hai ông đã nuôi dưỡng chí thoát tục lâu ngày nên khi nghe qua diệu lý thì liền khai ngộ. Thiền sư khuyên hai ông từ nay bỏ mọi tham dục để nuôi dưỡng chỗ sơ ngộ đó. Phương pháp tu hành của Thiền đốn ngộ là trực nhận được chỗ vô sanh của tự tâm, hộ trì chỗ thấy đó là tu.
Ngài họ Nguyễn, người đất Ðan Phượng, Hà Ðông. Sư mồ côi, từ nhỏ theo học với cậu là thiền sư Bảo Nhạc, sau khi Bảo Thiền mất, ngài theo học với thiền sư Bảo Thiền. Sư thuộc thế hệ thứ 12 dòng Thiền Vô Ngôn Thông. Ngài tịch năm 1190.
Trích thơ:
Nguyên văn:
thị tịch
Ly tịch phương ngôn tịch diệt khứ,
Sinh vô sinh hậu thuyết vô sinh.
Nam nhi tự hữu xung thiên chí,
Hưu hướng Như Lai hành xứ hành.
Dịch nghĩa:
Thoát ly ra khỏi sự tịch diệt mới nói chuyện tịch diệt,
Sống lại từ chỗ vô sinh mới nói chuyện vô sinh.
Người nam nhi tự mình có chí tung trời,
Ðừng đi theo bước đi của Như Lai.
Dịch thơ:
Thoát tịch diệt rồi bàn tịch diệt,
Rời vô sinh mới nói vô sinh.
Trượng phu có chí tung trời thẳm,
Chớ bám Như lai một lộ trình.
Chú thích:
Tịch diệt: Trạng thái tĩnh lặng của tâm thức, còn gọi là Niết Bàn.
Vô sinh: Không sinh khởi. Trạng thái thanh tịnh tuyệt đối, tính chất của tâm giác ngộ.
Như Lai: Phật. Có nghĩa là đến mà chưa từng đến, đi mà chưa từng rời.
Ðại ý bài này là khuyên đừng chấp vào Niết Bàn, đừng bám vào vô sinh. Khi còn bám níu tức chưa thực sự giác ngộ. Sự giác ngộ vượt khỏi mọi sự chấp trước, phá vở mọi phạm trù. Cũng không thể bám víu vào giáo pháp của Phật mà có thể thông đạt được chân lý.
Bài thơ này dạy về sự phá chấp của Phật giáo Ðại thừa, giáo pháp này rốt ráo phá bỏ mọi bám víu, mọi sở đắc để đạt đến một tâm không tuyệt đối.
Thiền sư họ Tô, người đất Phù Cầm, trước có hiệu là Thiền Trí, sau đổi lại là Minh Trí. Ngài thuộc thế hệ 11 dòng Thiền Vô Ngôn Thông, là đệ tử của Thiền sư Ðạo Huệ. Ngài mất năm 1190.
Trích thơ:
Nguyên văn:
Giáo ngoại khả biệt truyền,
Hi di Tổ Phật uyên.
Nhược nhân dục biện đích,
Dương diệm mịch cầu yên.
Dịch nghĩa:
Ngoài giáo có thể truyền riêng,
Là suối nguồn mầu nhiệm của Phật và Tổ.
Nếu có người muốn phân tích rạch ròi,
Cũng như trong nắng mà tìm khói.
Dịch thơ:
Ngoài giáo khá truyền riêng,
Chư Phật Tổ căn nguyên.
Nếu để tâm phân biện,
Khói nắng mất công tìm.
Chú thích:
Giáo ngoại khả biệt truyền: Giáo ngoại biệt truyền: Truyền riêng ngoài giáo, là tông chỉ của Thiền tông. Câu này là câu nhì trong bài kệ sau đây:
Bất lập văn tự,
Giáo ngoại biệt truyền.
Trực chỉ nhân tâm,
Kiến tánh thành Phật.
(Không căn cứ vào văn tự,
Truyền riêng ngoài giáo lý.
Ði thẳng vào tâm người,
Thấy tánh thành Phật.)
Ðại ý bài này nói rằng cái gọi là truyền riêng ngoài giáo chính là cái tâm giác ngộ vi diệu của Phật và Tổ. Sự giác ngộ chỉ có thể đạt đến một cách trực tiếp bằng vô niệm, không thể lấy tâm phân biệt, suy lường mà thấy được.
Nguyên văn:
Tùng phong thủy nguyệt minh,
Vô ảnh diệc vô hình.
Sắc thân giá cá thị,
Không không tầm hưởng thanh.
Dịch nghĩa:
Gió thổi qua cây thông, trăng sáng dưới nước,
Không có ảnh cũng không có hình.
Sắc thân cũng như vậy,
Nơi không không mà tìm tiếng vang.
Dịch thơ:
Trăng soi đáy nước, gió qua thông,
Nào biết bóng hình có với không.
Thân thể khác gì trăng với gió,
Tiếng vang tìm kiếm giữa vô cùng.
Chú thích:
Ðại ý bài này nói xác thân chỉ là huyễn ảo, giống như trăng soi dưới nước, gió thổ trên cây. Tìm kiếm sự có thật của sắc thân cũng như đi tìm tiếng vang giữa không trung.
Ngài họ Phạm, người làng Phù Minh. Tuổi trẻ làm quan, sau bỏ đi tu, học đạo với Thiền sư Quảng Nghiêm. Sư thuộc thế hệ 13 dòng Thiền Vô Ngôn Thông. Sau khi đắc pháp ngài từ giả thầy để ẩn tu. Ngài mất năm 1203.
Trích thơ:
Nguyên văn:
Tại thế vi nhân thân,
Tâm vi Như Lai Tạng,
Chiếu diệu thả vô phương,
Tầm chi cánh tuyệt khoáng.
Dịch thơ:
Tại thế là thân người,
Tâm là Như Lai Tạng,
Chiếu sáng khắp mọi nơi,
Kiếm tìm không bóng dáng.
Chú thích:
Như lai tạng: Kho tàng Như lai, chỉ trí tuệ Phật.
Vì thể hiện ra nơi thế gian làm thân người với tất cả mọi sự ràng buộc, tù túng, nhưng Tâm chân thật của mọi người chính ra là trí tuệ sáng ngời tràn khắp của Như Lai, thẳm sâu không thể dò tìm.
Nguyên văn:
Ðạo bản vô nhan sắc,
Tân tiên nhật khoa.
Ðại thiên sa giới ngoại,
Hà xứ bất vi gia.
Dịch thơ:
Ðạo vốn không nhan sắc,
Vẻ mới ngày ngày phô.
Ðại thiên vô số cõi,
Nơi đâu chẳng phải nhà?
Chú thích:
Ðại thiên: Ðạo Phật cho rằng vũ trụ gồm ba ngàn (nhiều vô số) đại thiên thế giới, mỗi đại thiên thế giới gồm ba ngàn trung thiên thế giới, mỗi trung thiên thế giới gồm ba ngàn tiểu thiên thế giới, mỗi tiểu thiên thế giới gồm ba ngàn thế giới.
Ðại thiên sa giới: Số thế giới đại thiên nhiều như cát, chỉ toàn khắp vũ trụ.
Ðạo vốn sinh động, không ngưng trệ vào một hình tướng nào nên lúc nào cũng phơi bày sự mầu nhiệm, mới mẽ. Người sống với đạo thì không bị ngăn ngại cả lý lẫn sự, nơi nơi đều là nhà, xứ xứ đều là đạo tràng.
Tên tục của sư là Chu Hải Ngung, người làng Giang Mão. Thuở nhỏ theo học đạo Nho, đến 26 tuổi, sau một trận đau kịt liệt, ngài xuất gia, chuyên về Luật. Sư thuộc thế hệ 11 dòng Vô Ngôn Thông. Ngài mất năm 1207.
Trích thơ:
Nguyên văn:
Thu lai lương khí sảng hung khâm,
Bát đẩu tài cao đối nguyệt ngâm.
Kham tiếu thiền gia si độn khách,
Vị tương hà ngữ tác truyền tâm.
Dịch nghĩa:
Mùa thu đến khí trời mát mẽ làm cho sảng khoái trong lòng,
Những người có tài làm thơ tám đấu đối diện với trăng mà ngâm thơ.
Còn khách thiền chỉ là kẻ si độn thật đáng cười,
Biết lấy lời nào mà truyền tâm ấn cho đệ tử.
Dịch thơ:
Thu sang khí mát khỏe thân tâm,
Danh sĩ ngâm thơ dưới bóng trăng.
Chỉ có khách thiền sao ngớ ngẩn,
Không lời mở miệng để truyền chân.
Chú thích:
Bát đẩu: Tám đấu. Chỉ người có tài làm thơ. Tạ linh Vận đời Lục Triều nói: "Tài làm thơ trong thiên hạ có mười đấu. Tào tử Kiến lấy tám đấu, ta một đấu, còn một đấu chia cho thiên hạ."
Truyền tâm: Thuật ngữ nhà Thiền. Thày truyền pháp cho đệ tử là lấy tâm truyền vào tâm.
Sự chứng ngộ chân lý chẳng liên can gì với sự học rộng tài cao. Người dù học rộng tài cao đối với sự chứng ngộ thiền cũng như người thi sĩ đối dưới bóng trăng mà ngâm vịnh, chẳng ăn nhằm gì đến mặt trăng thật ở trên cao. Bài này nói lại đạo lý "không nương vào văn tự, truyền riêng ngoài giáo" của Thiền tông Ðông độ.
Ngài họ Nguyễn, người làng Cẩm, Nghệ an. Năm 30 tuổi, Ngài xuất gia với một vị kỳ lão trong làng, về sau thờ Thiền sư Viên Thông làm thầy, và thuộc thế hệ 19 phái Thiền Tỳ Ni Ða Lưu Chi. Ngài hăng say hoằng pháp và thực hành hạnh bố thí. Mất năm 1213, hiện còn lại 2 bài kệ.
Trích thơ:
Nguyên văn:
Chân thân thành vạn tượng,
Vạn tượng tức chân thân.
Nguyệt điện vinh đan quế,
Ðan quế tại nhất luân.
Dịch nghĩa:
Chân thân hiện ra thành tất cả hiện tượng,
Tất cả hiện tượng tức là chân thân.
Như cung trăng nuôi tốt tươi cây quế đỏ,
Cây quế đỏ vẫn ở trong một vòng tròn (mặt trăng).
Dịch thơ:
Chân thân biến hóa khắp nơi nơi,
Vạn vật, chân thân chẳng khác nhau.
Cành quế tốt tươi trong cung nguyệt,
Nguyệt cung, cành quế chẳng trong ngoài.
Chú thích:
Chân thân: Thân chân thật, trong Phật giáo là bản thể của vạn vật, của vũ trụ, của con người.
Vạn tượng: Chỉ tất cả mọi sự vật trong vũ trụ.
Ðan quế: Cây quế đỏ. Tương truyền có cây quế màu đỏ lớn lên trong cung trăng.
Bài này nói lên triết lý nhất thể của vạn vật và sự bất phân ly giữa chân và tục, giữa lý và sự. Tất cả đều hiển hiện trong toàn ánh sáng của một toàn thể tràn đầy. Ðây là đạo lý Bất Nhị của Bát Nhã và Trùng trùng duyên khởi của Hoa Nghiêm.
Sư tục danh là Lê Thuần, quê Thăng Long. Năm 11 tuổi được thiền sư Thường Chiếu đem về nuôi. Thiền sư Thường Chiếu mất sớm, ngài theo học và đắc pháp với Thiền sư Pháp Giới. Ngài thuộc thế hệ 15 dòng Thiền Vô Ngôn Thông. Ngài tịch năm 1221, còn lại 2 bài kệ.
Trích thơ:
Nguyên văn:
đáp tăng vấn
Ná dĩ Hứa Do đức,
Hà tri thế kỷ xuân?
Vô vi cư khoáng dã,
Tiêu dao tự tại nhân.
Dịch thơ:
Theo đức người Hứa Do,
Xuân qua chẳng mệt lo.
Vô vi nơi thôn dã,
Ngày tháng tiêu dao hoài.
Chú thích:
Hứa Do: Ẩn sĩ thời vua Nghiêu. Vua Nghiêu biết ông là người hiền, muốn truyền ngôi, ông không nhận.
Ðời sống của người tu đạo, sống vô vi, không dính líu vào những hơn thua được mất của thế sự, nên lúc nào cũng tiêu dao, an nhàn.
Anh Chánh anh yêu cầu là mình bàn về chủ đề nhẫn. Mà anh có nói trước là đức Thích Ca nhẫn ngồi dưới cội bồ đề bốn mươi chín ngày đêm.Nhẫn
Bộ ảnh “Mùi và Phả” của Justin MaxonĐây chính là bộ ảnh gây được tiếng vang lớn của tác giả Justin Maxon, đoạt giải nhất ảnh báo chí TG 2008 ở hạng
Tên thường gọi: Viên Quang.Địa chỉ: 82 Đốc Phủ Thu, thị xã Châu Đốc, An Giang.ĐT: 076 866988.Chùa toạ lạc tại số 82 Đốc Phủ Thu, thj xã Châu Đốc, tỉnh An
Hành trình hiếm có của người đầu tiên thỉnh xá lợi Phật Câu chuyện về cuộc hành hương của một Phật tử người Việt đầu tiên đến quê hương Phật tổ hồi đầu
Emma Seppala - Tiến sĩ Đại học Stanford chứng minh lòng tốt dẫn đến thành côngĐại học Stanford có hẳn một trung tâm dành cho ngành khoa học về tình thương và
QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,
Giữ giới là lựa chọn tự do Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc
Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt