III. TRAI ĐUỜNG
Phong thái trong bữa ăn ở Trai đường còn đượm một vị Thiền riêng nên xin lược tả ở đây.
Buổi ăn được báo hiệu bằng tiếng bảng; nghe ba tiếng bảng, chư tăng rời Thiền đường, mỗi người mang bát đến Trai đường. Tại đây, kê sẵn một dãy bàn thấp chũn, và trống trơn. Chuông rung, chư tăng ngồi vào bàn. Chén sắp thành chồng - chén gỗ hoặc giấy ngoài phủ lớp sơn mài, mỗi chồng có chừng bốn năm chiếc, xếp vào nhau. Trong khi chén đĩa được đặt ra, và chờ ông tăng chấp sự đi quanh bàn bới cơm và múc canh, mọi người cùng tụng Bát Nhã Tâm Kinh[5], tiếp theo là “năm điều quán tưởng” liên quan đến bữa ăn, đại khái là:
1 Tôi xứng đáng gì không? Bát cơm này do đâu mà có?
2. Nhận bát cơm, tôi phải xét lại đức hạnh của tôi.
3. Tôi phải ngăn lòng đừng phạm phải những lỗi lầm như tham sân si.
4 Cơm này là thuốc tốt để giữ thể xác tôi được khỏe mạnh.
5. Để cầu đạo quả, tôi xin nhận lãnh.
Sau phần quán tưởng là phần phát nguyện :
- Miếng cơm đầu, nguyện dứt hết điều dữ,
- Miếng cơm sau, nguyện làm tất cả điều lành,
- Miếng cơm chót, nguyện độ tất cả chúng sanh thành Phật đạo.
Bây giờ đến lúc cầm đũa, nhưng trước khi hưởng bửa ăn “thịnh soạn” còn phải tưởng niệm ma quỹ thần tiên khắp ba cõi, nên mỗi vị lấy ra trong chén mình độ bảy hột cơm rắc lên bàn cúng chư vị khuất mặt và tụng bài biến thực: “Nguyện cơm này cúng cho quỷ thần sẽ biến khắp mười phương thế giới để tất cả được thọ hưởng”
Trong khi ăn, hoàn toàn im lặng, không khua chén dĩa, không nói năng, trò chuyện. Ăn, với họ, cùng là một việc làm trang nghiêm như bất cứ pháp hạnh nào. Người nào muốn ăn thêm chén nữa thì chấp tay trước ngực. Ông tăng dọn cơm biết rõ, rê nồi cơm đến trước đương sự. Ông này trước khi đưa chén bới cơm, cầm chén lên, đưa tay chùi qua đáy chén, cử chỉ ấy cốt soát kỹ lại không còn chút dơ bẩn nào dính chén có thể làm hoen ố tay ông tăng dọn bàn. Trong khi ông này bới cơm, đương sự chắp tay trước ngực. Nếu đương sự không muốn bới cơm đầy thì xoa nhẹ đôi tay, cử chỉ ấy có nghĩa là : “Mô Phật, vừa rồi”.
Không gì được phép bỏ thừa lại khi ăn xong. Chư tăng dùng sạch tất cả nhưng gì dọn ra, “lượm tất cả những gì còn rơi rớt”. Đó là pháp hạnh của họ. Thường, sau bốn lần mời cơm là xong bửa ăn. Vị cầm đầu gióng lên một tiếng bảng và vị dọn cơm mang nước nóng vào. Mỗi ông tăng múc đầy vào chén lớn, nhúng những chén nhỏ vào đó rửa sạch, rồi lấy khăn mang theo mình lau lại. Rồi một thùng cây được chuyển quanh bàn hứng lấy tất cả nước dơ rửa chén[6].Mỗi vị tự gom chén lại, vừa gói cột vừa niệm: tôi đã dùng trai xong, cơ thể tôi giờ đây khỏe khoắn. Tôi tưởng như khí lực của tôi có thể chuyển được mười phương thế giới, chế ngự hết quá khứ hiện tại và vị lai; chuyển cả nhân quả làm lợi lạc cho tất cả chúng sanh, nguyện cho tất cả chúng tôi quyết định tăng trưởng phép thần thông quảng đại!”. Dãy bàn giờ đây trống trơn như trước, trừ những hột cơm rắc cúng quỷ thần từ đầu bữa ăn. Một tiếng bảng lại gióng lên, và sau nghi lễ tạ ân thường lệ, chư tăng rời trai phòng từng đoàn, có thứ tự, lặng lẽ ra như đã lặng lẽ vào.