CHỈ QUẢN ĐẢ TOẠ
Hakuun Yasutani (An Cốc Bạch Vân 1885-1973)
Chỉ quản đả toả (chỉ việc ngồi thiền) cần có một vị thầy thẩm quyền đích thân dạy cho các bạn. Khi tự mình thực hành chỉ quản đả toạ mà chỉ căn cứ trên điều bạn đã đọc thì ít tai hại hơn tham cứu công án, những giáo huấn đúng cách thì rất hiếm.
Phổ khuyến toạ thiền nghi (Fukanzazengi) của Đạo Nguyên là giáo huấn tốt, nhưng rất khó hiểu. Đặc biệt khó hiểu là làm sao làm việc với tâm và làm sao sự thực hành liên hệ với giác ngộ. Tôi sẽ giải thích ngắn gọn làm thế nào thực hành chỉ quản đả toạ.
Nói chung, ngồi thiền có thể diễn tả có ba phần: thứ nhất, điều thân; thứ hai, hơi thở; và thứ ba, tâm. Cái thứ nhất và thứ hai giống nhau trong cả Thiền công án và chỉ quản đả toạ. Tuy nhiên cái thứ ba, điều chỉnh tâm, thì rất khác nhau trong hai loại thực hành.
Để làm chỉ quản đả toạ, người ta phải có một lòng tin vững chắc sự thật là tất cả chúng sanh đều vốn là những vị Phật. Đạo Nguyên nói trong chương chín của Học đạo dụng tâm tập (GakudoY-ojin-shu – Những cảnh giới về học đạo):
Các ông cần thực hành theo Đạo. Những người tin Phật phải tin rằng tự ngã của họ từ vô thuỷ đã ở giữa Đạo, thế nên không làm gì có mê mờ, lầm lạc, không có tà kiến, không tăng không giảm và không lỗi lầm. Có niềm tin như vậy, hiểu như vậy và thực hành phù hợp với nó, đó là phương diện nền tảng nhất của việc học Đạo. Các ông cố gắng cắt đứt gốc rễ của thức bằng cách ngồi. Tám, thậm chí chín, trong mười sẽ có thể thấy Đạo – kiến tánh – một cách thình lình.
Đây là chìa khoá của thực hành ngồi thiền. Nhưng hoàn toàn chẳng có nghĩa người ta phải tin rằng đời sống ích kỷ, hẹp hòi của người ta phải tin rằng đời sống Phật – ngược lại! Vất bỏ mọi thứ ích kỷ và làm cho mình sạch như một tờ giấy trắng; hãy ngồi, chỉ ngồi một cách kiên định. Hãy ngồi một cách vô điều kiện, biết rằng bản thân sự ngồi là sự thể hiện Phật tánh – đây là nền tảng của chỉ quản đả toạ. Nếu đức tin người ta không vững, chỉ quản đả toạ của người ta cũng lung lay.
Khi thực hành chỉ quản đả toạ, bạn phải duy trì chánh niệm tỉnh giác, điều này đặc biệt quan trọng đối với người mới bắt đầu – và dù những người đã thực hành mười năm cũng vẫn là người mới bắt đầu! Thường do tập trung yếu, người ta trở nên tự để ý đến mình hay rơi vào những loại xuất thần là một trạng thái của tâm. Thực hành kiểu đó có thể ích lợi để tự thư giản nhưng nó sẽ không bao giờ đưa đến ngộ và không phải là thực hành của Phật đạo.
Khi bạn thực hành triệt để chỉ quản đả toạ, bạn sẽ đổ mồ hôi, dù vào mùa đông. Sự cảnh giác cao độ và mãnh liệt như vậy khó duy trì được trong những thời gian dài. Bạn có thể nghĩ rằng bạn duy trì nó được lâu hơn, nhưng trạng thái này sẽ tự nhiên lỏng bớt. Thế nên hãy ngồi nửa giờ đến một giờ, rồi đứng dậy làm một thời kinh hành, thiền đi.
Khi kinh hành, hãy để tâm thư thả một chút. Hãy làm tươi mới lại mình. Rồi ngồi xuống và tiếp tục chỉ quản đả toạ.
Hành chỉ quản đả toạ không có nghĩa trờ thành không có tư tưởng, nhưng chớ để tâm mình đi lang thang. Chớ quán tưởng về giác ngộ hay trở thành Phật. Khi nào những tư tưởng như vậy sanh khởi, bạn hãy ngưng chỉ quản đả toạ. Đạo Nguyên nói rất rõ ràng: “Chớ tìm cách thành Phật”.
Hãy ngồi với tập trung cao, kiên nhẫn và tỉnh giác như thể nếu có người chạm đến bạn khi bạn đang ngồi, thì sẽ phát ra một tia lửa điện! Ngồi như vậy, bạn tự nhiên trở lại Phật bổn nguyên, bản tánh sâu thẳm nhất của con người bạn.
Rồi hẳn như cái gì cũng có thể đẩy bạn vào sự chứng ngộ thình lình rằng tất cả chúng sanh vốn xưa nay là Phật và mọi hiện hữu vốn toàn thiện từ vô thuỷ. Kinh nghiệm điều này thì được gọi là giác ngộ. Việc đích thân kinh nghiệm điều này thì sống động như một vụ nổ. Bất kể bạn có biết về lý thuyết những bùng nổ như thế nào, chỉ một bùng nổ hiện thực sẽ thành tựu tất cả. Cũng như vậy, bất kể bạn biết bao nhiêu về giác ngộ, trừ phi bạn thực sự kinh nghiệm nó, còn không bạn sẽ không biết sâu sắc chính mình là Phật.
Tóm tắt, “chỉ ngồi thiền” là thực hành hiện thực hoá bản thân Phật tánh từ thời sơ thuỷ - và khi chuyên cần thực hành chỉ ngồi thiền, khi đúng thời tiết, người ta chứng ngộ sự kiện hiển nhiên này.
Tuy nhiên, thực hành theo cách này có thể đòi hỏi thời gian lâu để giác ngộ, và sự thực hành ấy không bao giờ nên bị gián đoạn cho đến khi giác ngộ hoàn toàn. Dù sau khi đại ngộ và dù người ta đã trở thành một lão sư (roshi, thiền sư), người ta phải tiếp tục làm chỉ quản đả toạ mãi mãi, chỉ bởi vì chỉ quản đả toạ là chính sự hiện thực hoá giác ngộ.