Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

Thiền thì đốn ngộ Tự Tánh tức Phật Tánh rồi tiệm tu (Diệu tu). Giáo thì đạt đến Nhất Tâm và tu trong Nhứt Tâm đó.

Hành giả Giáo môn thực hành theo lời Phật dạy trong Kinh để đạt được tâm chuyên nhất. Nơi tâm chuyên nhất, tu tập qua nhiều từng bực, nếm từng phần mùi vị của Pháp, hướng đến cứu cánh toàn giác. Hành giả tu Thiền theo lời dạy của Thầy, Tổ để có được cái thấy ban đầu gọi là đốn ngộ hay thấy Tánh, sau đó tiệm tu, giữ gìn và vận dụng cái thấy đó cho đến khi hoàn toàn sáng tỏ, hoàn toàn nhuần nhuyễn.

Giáo như bản đồ đường bộ vẽ con đường dẫn lên đỉnh núi. Thiền như bức không ảnh cho thấy khung cảnh đỉnh núi. Dù dùng bản đồ đường bộ hay không ảnh, cả hai đều cùng hướng về một đỉnh núi, theo con đường Giới-Định-Huệ của Giáo, hay Huệ-Định-Hạnh của Thiền. Nơi Giáo môn, Giới-Định-Huệ hiển bày trong Một Vị, hay Nhất Tâm. Nơi Thiền, Huệ-Định-Hạnh toàn chứa trong Thấy Tánh hay Vô Niệm. Lúc nào cũng ở trong Nhất Tâm là lúc nào cũng ở trong Giới-Định-Huệ, lúc nào cũng Thấy Tánh là lúc nào cũng ở trong  Huệ-Định-Hạnh. Nơi Nhất Tâm hay Một Vị, Giới-Định-Huệ là một. Trong Thấy Tánh hay Vô Niệm, Huệ-Định-Hạnh là một. Đó là ba thời bình đẳng.

Theo ngài Tây Sơn Đại Sư, Giáo là Lời của Phật, Thiền là Tâm của Phật. Giáo môn theo lời dạy của Phật mà đi vào Tâm Phật, Thiền theo sự khai mở của Tổ mà vào ngay Tâm Phật. Cả hai đều có cùng một đích là tỏ bày cái không lời, cùng đi đến một cứu cánh là cái không thể gọi tên tả hình, vượt ngoài tri giải. Cái đó chính là Tánh Phật cũng là Tánh Không.

Giáo và Thiền do đó không phải là hai cánh cửa, hai con đường hoàn toàn biệt lập, không thể hổ trợ cho nhau.

Đặc biệt trong phần Tế Hạnh, Tây Sơn Đại Sư dạy rõ về những hạnh mà người tu Thiền thường không coi trọng. Đó là những hạnh như: Bố thí, Giữ giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Trì chú, Lễ bái, Niệm Phật, Nghe Kinh v.v.

Thiền Gia Quy Giám được ngài Tây Sơn Đại Sư, một vị Thiền Sư ngộ đạo lại học rộng nhớ nhiều, từng hoạt động trong nhiều môi trường và hoàn cảnh, viết ra để dạy đệ tử thuộc nhiều căn cơ. Do đó, ngài đã dùng những phương tiện thiện xảo để dẫn vào Nhứt Vị hay Nhứt Tâm của Phật, Kiến Tánh của Tổ, mở cửa cho sự thành tựu Giới Định Huệ và lục độ, vạn hạnh.

Nội dung của Thiền Gia Quy Giám có thể được tóm tắt bằng lời của Đại sư viết trong phần kết luận cuốn sách: “Toàn giáo pháp bắt đầu với cái không thể gọi tên tả hình, kết thúc với việc không còn tri giải. Bao nhiêu vướng mắc, một câu phá hết” và “Trước sau một nghĩa, giữa nêu vạn hạnh.”

Trong nhiều thế kỷ cho đến ngày nay, Thiền Gia Quy Giám đã được coi như cẩm nang tu học của tăng, ni và cư sĩ ở Đại Hàn, Trung Hoa, Nhật Bản cả trong Thiền lẫn Giáo.

Tôi mạo muội dịch ra tiếng Việt cuốn sách nhỏ vô giá nầy, trước là để tự học hỏi, sau là hy vọng có thể góp một phần nhỏ vào kho tàng Phật học, nhất là Thiền học nước nhà. Nếu có được chút ít công đức, xin hồi hướng cho tất cả chúng sanh và nguyện được gặp nhau trong Pháp Hội Long Hoa của Đức Di Lặc.

Bản tiếng Việt nầy được dịch theo bản dịch tiếng Anh The Mirror of Zen của Thiền sư Hyon Gak Sunim và bản chữ Hán Thiền Gia Quy Giám của Tây Sơn Đại Sư do CBETA (Trung Hoa Điện Tử Phật Điển Hiệp Hội) phổ biến. Để tiện cho sự tham khảo của độc giả, trong phần chú thích, tôi để thêm âm Hán Việt những câu chủ đề của mỗi chương và  những câu trích dẫn trong ngoặc kép, và kèm theo bản Hán văn.

Bản dịch chắc chắn không tránh khỏi những sai sót. Kính mong chư thiện trí thức chỉ giáo.

Xin sám hối chư Phật, chư Tổ, bổn sư Thượng Tịch Hạ Chiếu, anh em bạn đạo và chư thiện trí thức về việc thêm sóng trên nước, vẽ hoa trong không nầy.

Thành phố Calgary, AB Canada Mùa Thu 2010 - Thị Giới.

(Sửa lần 1: Tháng 12 năm 2016.)

Xem mục lục