Tin Tức (680)


TÂM CHE CHƯỚNG VÀ TÂM THANH TỊNH VỐN SẴN

623

Chúng ta tu hành nhiều khi cứ nghĩ là tìm kiếm cái gì xa xôi ở bên ngoài, nhưng thật ra tất cả mọi cái nó đã có sẵn ở nơi mình.

Vì sống bình thường qua nhiều đời cuộc sống mình đã tạo nên những màn che, gọi là phiền não chướng và sở tri chướng. Phiền não chướng là những phiền não hằng ngày diễn ra là một lớp màn che, sở tri chướng là những cái hiểu biết sự việc sai lầm của mình. Ví dụ như cái mê tín của mình cũng là những màn che; cho nên, tu hành là mình tham dự tất cả những thời khóa thực tập ở chùa để cho tâm mình nó rơi rụng đi những màn che, và khi tâm rơi rụng những màn che thì tâm trở lại thanh tịnh.

Cho nên từ Phật và các vị Bồ tát cho tới chúng sanh khác nhau ở tâm thanh tịnh hoàn toàn hay chưa hoàn toàn mà thôi.

Trong kinh Pháp Hoa có nói: “Như người có viên ngọc trong chéo áo mà không biết, rồi lang thang vất vơ vất vưởng đi ăn xin” nhưng thiệt ra nó có sẵn trong này nhưng mà nó bị che chướng nhiều quá nên mình không biết.
Có lần thầy về Cái Bè thầy nói: “Mình phải biết mình bình đẳng ngang với Chư Phật, cái sự thanh tịnh trong bản tâm sâu xa của mình là nó bình đẳng với chư Phật, nhưng mà mình còn hơn chư Phật được một điều, là tâm mình rác nhiều lắm”.

Thành ra tu hành là để làm cho tâm nó thanh tịnh, nó tịnh hóa; con mắt mình mà thanh tịnh được cỡ nào, thì mình sẽ thấy những cảnh giới như trong kinh điển nói chớ không có gì lạ. Niết bàn, hay Phật tánh, hay Pháp thân hay muốn nói thường, lạc, ngã, tịnh… Tất cả là bình đẳng với mọi người, mà mình không thấy được, không hưởng thụ được; bởi vì mình bị nhiều che chướng, mà nếu không khéo tu mỗi ngày nó lại càng che chướng thêm nữa; Thí dụ ngày hôm qua mình chưa biết nước mía chỗ đó ngon, bây giờ biết là ngày mai tới giờ này cũng nhớ nước mía ngon đặc biệt; cho nên, thêm những kinh nghiệm không khéo lại thêm che chướng.

Vì vậy, tham dự những buổi ngồi thiền, những buổi tụng kinh là để làm cho che chướng lần lần nó bớt ra, cái bất tịnh trong tâm mình nó xả ra.

Cho nên tu hành không phải là mình đọc sách nhiều, đọc sách là một cách để kích thích mình tu hành, chớ mình không cần bắt chước ai; đừng bắc chước thầy, khi thấy thầy nói hay quá thôi bắt chước thầy; không phải, sở dĩ thầy nói là thầy không nói nằm trong kinh điển, nhưng mà thầy nói được bởi vì nó có ở trong tâm nó lưu xuất ra; y như cái giếng nước, múc là tự nhiên có nước; chớ nó không phải từ học hành hay từ trí nhớ; nhiều khi nó ra một cách bất ngờ lắm; kinh điển là nói trong hoàn cảnh nào đó, còn thầy nói là nói trong hoàn cảnh đời thường, thành ra nó ra một cách bất ngờ, nhưng cái đó cũng là nói khác đi của kinh điển thôi.

Thành ra không phải là học nhiều hơn, không phải đọc sách nhiều hơn, không phải ăn nói nhiều hơn; mà vì thầy đào sâu vô cái tâm của thầy; đơn giản, như khi xưa đọc kinh mình thấy nói đến tháp bảy báu, hôm qua mình cũng đọc kinh có nói tháp bảy báu; à, khi nào sự che chướng của tâm mình vơi bớt tâm mình thanh tịnh rồi mình sẽ thấy khi mình ngồi thiền chính là cái tháp bảy báu đó; mình không có ngờ được da thịt này chết nó hôi rùm, tại sao có tháp bảy báu?

Nhưng mình ngồi thiền mình sẽ thấy thân này chính là tháp bảy báu, không những tháp bảy báu mà nó còn phóng ánh sáng tùm lum túa lua nữa, vấn đề là khi dơ bẩn hết thì mình sẽ thấy được chuyện này; thành ra trong kinh điển nói mình tưởng xa xôi lắm, thật ra mình có tháp bảy báu; và khi là tháp bảy báu thì nó lưu xuất ra cái gì cũng là bảy báu hết, chớ không phải học hành ở đâu hết.

Cũng như ngày hôm qua ai hỏi cái bàn này trong kinh nói chẳng phải cái bàn, mà chỉ là cái bàn, phải hông? Khi tâm mình bất tịnh thì mình thấy lung tung, rồi mình lý luận, lý luận không ra; nhưng mà tới một lúc nào đó mình thấy chuyện đó là dĩ nhiên, dĩ nhiên chớ không có tu hành gì hết. Khi mà con mắt mình đã sạch rồi thì mình nhìn là mình thấy, chớ đức Phật đâu đặt ra kinh điển này để đánh đố mình; rồi bắt mình ngồi thiền, rồi tu hành chi mà cực khổ vậy? Chẳng qua mình cực khổ vì mình đã tự làm cho áo của mình, thân tâm mình nó dơ nhiều; bây giờ mình phải lo giặt lo tắm rửa cho sạch là nó khỏe liền.

Như bữa trước mình nói về đầu đề “Bình thường tâm”, phải hông? Nhưng mà tâm mình không bình thường, mà tâm mình bất thường, tâm mình thậm chí vọng tưởng điên đảo tùm lum; thành ra, nó dòm cái bàn, nghe đức Phật nói là nó thấy khó khăn, rồi tưởng đức Phật đánh đố mình. Phật giáo không đánh đố ai hết, nó đầy dẫy khắp hết; mà chẳng qua mình không thấy được, mình không cảm nhận được, mình không thọ hưởng được; bởi vì mình nhiều bất tịnh. Và hễ cái bất tịnh đó mà bớt đi bao nhiêu thì cái tâm mình càng thanh tịnh bấy nhiêu, và tâm càng thanh tịnh thì cấp bậc Thánh tăng lên, từ ông Thánh Bồ tát, rồi tới Đại Bồ tát; cấp bậc có chia như vậy là khác biệt ở tâm thanh tịnh mà thôi.

Trong kinh Duy Ma Cật ngài Xá Lợi Phất nói, đức Phật nói cõi này là cõi tịnh độ của đức Thích Ca mà sao con thì thấy toàn là chỗ này thì nó lõm, chỗ kia thì nó lồi, chỗ thì sỏi đá, chỗ thì đất đá tùm lum, thấy dơ bẩn chớ có gì thanh tịnh? Đức Phật mới nói, bởi vì tâm ông không thanh tịnh, cho nên ông thấy cõi này không thanh tịnh; còn nếu tâm ông thanh tịnh, thì thấy cõi này là tịnh độ của Phật. Bởi vậy trong kinh nói là: “Tùy kỳ tâm tịnh, tức Phật độ tịnh”, tùy cái tâm mình mà thanh tịnh bao nhiêu thì cái cõi Phật nó thanh tịnh hay không, tu hành là làm sao rơi rụng cái bất tịnh đó.

Như hôm qua mình đọc kinh Kim Cương thấy kinh nói một chuyện rất tầm thường là: “Tới giờ rồi đức Phật và những vị tỳ kheo cầm bình bát đi khất thực, khất thực xong về rửa chân ngồi ăn”, phải hông? Đức Phật làm những chuyện mình thấy sao mà tầm thường đến vậy? Nhưng với cặp mắt thanh tịnh thì mình sẽ thấy cảnh giới đó là cảnh giới Niết bàn; kinh điển đã nói xong từ khi Phật rửa chân ngồi dùng bữa, tất cả đều thanh tịnh như vậy đó. Đức Phật không có biểu diễn theo cách nào khác, mà chỉ là việc bình thường hằng ngày của Phật, nhưng là biểu hiện của tâm thanh tịnh.

Thật sự đối với người cao cấp thì bài thuyết pháp của cuốn kinh đã xong từ khi đức Phật dùng bữa ăn rồi, chớ không phải đợi có người hỏi gì nữa, bởi vì tất cả đều thanh tịnh rồi thì mắc gì phải hỏi như thế nào là hàng phục vọng tâm, như thế nào là an trụ tâm?
Nên nhớ kinh điển không có dư thừa chỗ nào hết, đừng tưởng kinh tả cảnh y như trong báo chí nó nói đâu; đó, mình thấy rõ ràng nó tả cảnh, tới giờ thì Đức Phật và các tỳ kheo đi khất thực, khất thực xong về rồi đức Phật để bình bát xuống, ngài rửa chân ngồi lên bắt đầu dùng ăn.

Tất cả đều thanh tịnh, tất cả cuốn kinh chỉ gói gọn trong mấy câu đó thôi; bởi vì mình không thanh tịnh mình không thấy được cái đó; rồi ngài Tu Bồ Đề mới hỏi, làm sao hàng phục vọng tâm? Nghĩa là tất cả cuốn kinh Kim Cương là làm sao để thảy bới cái dơ bẩn trong tâm mình đi, dơ bẩn hết thì mình sẽ thấy cảnh nó thanh tịnh, chớ không cần đức Phật thuyết pháp, phải hông?

Đó, thành ra tu hành chiến lược của nó là làm sao thảy bớt cái bất tịnh trong tâm mình đi, thảy bớt ngã nhân chúng sanh thọ giả; vì có ta người thành ra cái pháp giới nó vốn không có kẻ nứt nào hết, bây giờ nó nứt ra nó phân ra, rồi tâm phân biệt, tâm bất tịnh nó càng nhiều chừng nào thì sự phân chia càng nhiều chừng đó, nó thành ra thế giới chúng sanh, còn phân biệt nữa thì đánh lộn nhau vậy thôi.

Thật sự ra nó chỉ có một vị thôi, tất cả như đại dương một vị, trong kinh hay nói “Đại dương không chứa xác chết” là vậy đó, nó chỉ có một vị thôi chớ nó không có xác chết nào hết; còn tâm mình thì quá nhiều xác chết cho nên mình không thể thấy đại dương; cho nên tu hành là để thảy hết những cái bất tịnh đó ra.

Cũng như mình phóng sanh để làm gì? Để tâm mình nó bắt đầu mở ra, tâm mình nó vốn là từ bi, nhưng mà thường mình sống không có chút từ bi nào hết; bây giờ mình tập từ bi với mấy con cá; cũng như ông nào đó nói ông thấy cuộc đời vui vẻ nhất là khi đi thả cá, thấy nó quay lại y như nó mừng rỡ nó chào mình rồi nó mới đi; thì đó là kinh nghiệm nho nhỏ về tâm từ bi nó thiệt ở nơi mình chớ không phải là nói chơi trong chữ nghĩa đâu.

Rồi ngài Đạt Lai Lạt Ma, tâm từ bi của ngài hiển lộ ra nhiều đến độ mà người ta thấy ngài luôn luôn hoan hỷ, mát mẻ; tâm từ nó tạo ra mát mẻ. Cho nên trong kinh Phổ Môn dạy: “Nhảy vô lửa, lửa không cháy” là vậy đó, bởi vì nó mát mẻ; mà cái đó nó sẵn ở nơi mình rồi, không phải chạy tìm vất vả ở đâu hết. Ngoài kia nó có sẵn không gian, bầu trời xanh, vườn cây, gió mát… Tất cả nó có sẵn như vậy chớ không có ai hơn ai hết; vấn đề là mình có chịu mở cửa hay không mà thôi. Khi mình mở tất cả những cánh cửa để thoát khỏi những che chướng thì mình sẽ thành các vị thánh, còn không chịu mở cửa thì nghe kinh điển diễn tả mình thấy như thần thoại lắm; nghe người ta diễn tả đời này có ánh sáng, ờ mình tin thì mình mở cửa thử thấy có ánh sáng thiệt, rồi mình mở nhiều cánh cửa mình mới thấy trong ngoài đều là ánh sáng, cây lá cảnh vật không có gì lạ lùng hết.

Mình đừng có biến cuộc đời tu hành của mình thành một sự kiếm tìm vất vả ở đâu, không phải như đi làm việc thì phải đậu cái bằng nào đó; đó, cái này nó có sẵn hết rồi, chẳng qua là mình phải bỏ những màn ngăn che của mình đi; chớ đừng nói là tôi thiếu ánh sáng, ánh sáng thì nó có sẵn, hãy coi con mắt mình có bị bịt lại hay không, đừng nói ông kia nhiều ánh sáng hơn tôi. Thầy cũng thường hay nói, ngay cả các vị Phật các vị Bồ tát cũng không nhiều ánh sáng hơn mình đâu.

Chư Phật, chư đại Bồ tát không có độc quyền ánh sáng, độc quyền chân lý. Rồi mở ra đại công ty, rồi đòi bản quyền, không có cái chuyện này, tất cả mọi cái đều là nó sẵn; ai cũng xài được hết, như đất nước gió lửa ai cũng có hết; nhưng mà mình không thấy được nó bởi vì mình bị che chướng, cho nên, tu hành là để làm gì? Để giảm che chướng, chớ trong tu hành không có ông kia cao hơn tôi, kể cả thầy cũng không cao hơn mấy ông.

Sở dĩ tôi thua ông bởi vì tôi nhiều rác hơn ông, tôi nhiều thứ che chướng hơn chớ không có ai cao hơn ai trong cái ánh sáng này. Bên này cũng sáng, bên này cũng sáng, trước này tất cả là ánh sáng, không ai hơn ai chỗ nào hết; chẳng qua mình che lại, che lại, càng che càng vô minh.

Không có ai cao hơn mình hết, chỉ có mình bịt mắt mình nhiều hơn thôi; trên đời này không có cái gì bình đẳng hơn đạo Phật hết, Phật và các vị Bồ tát không hơn mình chỉ có mình hơn mấy vị đó là mình rác nhiều hơn.

Trong kinh điển đức Phật nói là ngài không khám phá ra cái gì hết, đức Phật chỉ đi lại con đường mà ngày xưa chư Phật đã từng đi; bởi vì, nó có sẵn hết rồi; thành ra tất cả các pháp môn của Phật giáo là để cho mình rơi rớt đi những cái bất tịnh đó thôi.

Dầu có quán vô thường, vô ngã, hoặc tất cả các pháp môn; nhưng đừng nói pháp môn tui cao hơn pháp môn anh; không có pháp môn nào cao hơn pháp môn nào hết; cái nào nó hợp để nó gỡ cho mình ra khỏi những che chướng thì đó là tốt, vậy thôi; không có pháp môn nào cao hết, giống như ở đời thuốc bổ là tốt, nhưng cũng tùy người, người cao huyết áp uống vô nhiều lên tăng-xông là chết.

Ôm các pháp môn vô mình tu không khéo mình lại phân biệt; ở ngoài đời nó phân biệt nó chia đẳng cấp, đủ thứ hết rồi; bây giờ vô tu hành cũng phân biệt ông này cao ông này thấp, rồi mình phải ganh đua như ông này ngồi một tiếng rưỡi mình phải ngồi hơn ông, thật ra ông kia ông ngồi nhiều tại vì ông bệnh nhiều, mình tìm cách hơn ông mình lại bệnh khác nữa.

thành ra tu hành rất nhiều người sai lầm khi nghĩ tới đạo Phật là một cái gì khó khăn, y như ở đời là cạnh tranh nhau để thi tuyển; à, ông nào Bồ tát thì được vô trường Harvard gì đó, còn mình là chúng sanh tầm thường thì không. Đức Phật không có độc quyền, không có thi tuyển, không gây khó khăn cho chúng sanh; chỉ có mình tự gây khó khăn cho mình. Đức Phật không gây khó khăn; ờ, mình cứ làm sao cho tụi nó bớt thành Phật đi thì mình mới ngon, tụi nó mà thành Phật hết thì mình còn giá trị gì nữa? (Mọi người đều cười)

Mình thấy trong kinh tụng: “Phật chúng sanh tánh thường rỗng lặng, cảm ứng đạo giao chẳng nghĩ bàn”, hai bên nó bình đẳng với nhau hết. Bởi vì hai bên tánh thường rỗng lặng nó không khác nhau, chẳng qua mình ôm đồm cho lắm rồi mình thấy không rỗng lặng, rồi mình kêu la làm sao mà Phật khó Phật bày đặt ra chi mấy cái Phật giáo cho nó làm khổ tui, mà nó làm khổ biết bao nhiêu năm, bao nhiêu tháng này rồi; thật ra đức Phật đặt ra nhiều bởi vì mình bị quá nhiều bệnh.

Đó, thấy như ở cõi A Di Đà hông? Đức Phật có thuyết pháp bao nhiêu đâu, ngồi cười với nhau thôi chớ có gì đâu? Bởi nó thanh tịnh rồi còn dạy dỗ gì nữa? Thành ra mình đừng có đỗ thừa những khó khăn này cho các vị Bồ Tát, đỗ thừa cho Phật. Đó chỉ là những phương thuốc để trị bệnh. Nếu như anh hết bệnh thì Phật giáo đâu còn gì để nói nữa? Ngồi cười với nhau thôi chớ có gì đâu!

Thành ra thầy thấy có nhiều người vậy đó, họ mê mờ đến cái độ họ nói tui biết pháp môn này pháp môn kia. Anh không biết, thật sự ra mấy cha nội đó, mấy cha bệnh mấy cha mới khoe toa thuốc; chớ người không có bệnh lấy đâu mà khoe toa thuốc, thành ra con người mình nó bi đát lắm, bi thảm lắm; đức Phật đâu bảo mình làm chuyện đó, chẳng qua là mình bệnh nhiều cho nên nói tôi biết pháp môn này cao pháp môn kia thấp…

Chỉ là khoe toa thuốc thôi; chớ mấy cái cõi kia hết bệnh rồi nó đâu có thấy; có cõi đức Phật dạy nháy mắt là xong; còn cõi Hương Tích là mùi hương thôi. Ở đây cô Minh An cứ mỗi lần lên cổ xông nhan hương đồ, chừng đó đủ rồi, cần gì lời nói!

Thành ra càng tham chừng nào càng hại mình chừng đó, càng gấp chừng nào càng làm hại mình chừng đó, thầy nói vậy đó chỉ đơn giản tu hành đừng làm hại mình thôi; chớ đừng ăn thuốc độc để rồi phải uống thuốc xổ, vậy thôi.

(Trên là lược trích lời giảng của thầy cuối kỳ tám)
Tánh Hải Kính ghi

623

THIỀN QUÁN - Tánh Hải

Tôi chơi Facebook cũng hơn một năm, được tiếp xúc với rất nhiều bạn bè, tôi nhận ra nhiều người bạn chưa nhận rõ kiến tánh là như thế nào, phần lớn

788
TÔN GIÁO

Bạn không thể tin vào Thượng đế trừ phi bạn tin vào chính bạn._ Swami Vivekananda🍁 Mục tiêu của tôn giáo là để điều phục chính bạn, không phải để chỉ trích

965
THỰC HÀNH SAU KHI ĐÃ KINH NGHIỆM ĐƯỢC BẢN TÂM TỰ NHIÊN (1)

Hôm qua tới giờ 24 tiếng là mình tham thiền về bản tâm tự nhiên đó. Rồi bây giờ mình có cần tổng kết lại, có vị nào hỏi để gom lại

600
Không Đắc Không Thuyết - Đương Đạo, Thiện Tri Thức

Do bị ràng buộc trong tướng và tưởng, tất cả chúng sanh trời người đều nghĩ đức Phật đã đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, và ngài đã thuyết pháp để

1,875
CÁC MỐI TƯƠNG QUAN - Gerald Corey & Marianne Schneider Corey

Các Dạng Tương Quan Có Tính Cách Mật ThiếtThách đố về việc thiết lập các mối quan hệ thân tình chính là phận sự chính yếu đối với lứa tuổi thanh niên

869
Top Bài Viết
Quan Hệ Thầy Trò
Niệm Tự Bạch

QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,

33,336
Giữ giới là lựa chọn tự do
Phật học Ứng Dụng

Giữ giới là lựa chọn tự do  Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc

32,755
Đạo Phật là gì?
Niệm Tự Bạch

Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí

32,666
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa
Tìm Hiểu & Học và Hành

Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt

32,437
Chùa Việt
Sách Đọc