Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

Một Viên Ngọc Sáng
(Ikka Myōju)

Tiểu luận này nhấn mạnh sự nhất thể toàn bộ của hiện hữu, một chủ đề dai dẳng của những tác phẩm và lời nói của Đạo Nguyên. Nó căn cứ vào một lời nói nổi tiếng của một vị thầy danh tiếng thời xưa, rằng toàn thể thế giới, hay tất cả những thế giới, toàn thể vũ trụ, là “một viên ngọc sáng”.

Khi một học trò hỏi vị thầy ấy làm sao để hiểu lời nói này, ngài nói, “Nó có liên hệ gì với chuyện hiểu ?” hay “Tại sao ông lại muốn hiểu ?” hay “Ích gì cái hiểu ?” Mỗi điểm này đáng để suy nghĩ, nhưng một thông điệp tiềm ẩn bên dưới dù chúng ta có đọc sự trả lời này theo cách nào có vẻ là sự nhất thể của hiện thể là như vậy dù người ta có hiểu nó một cách ý thức hay không ; hiện thể hay cái đang là thì không do ai làm ra nhờ cái hiểu. Hơn nữa, cái hiểu ý niệm, với sự phân biệt vốn có của nó, có thể che tối thêm hơn là phát hiện nhất thể này, sẽ khiến người ta “lầm cây cho là rừng”.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa chỉ có vô minh là sự thay thế duy nhất : trong câu chuyện, khi học trò hỏi lại thầy cùng câu hỏi đó trong ngày hôm sau, vị thầy nêu một nhận xét gợi ý rằng học trò đang bám chấp vào cái không hiểu, hay chỉ bám vào một khẩu hiệu thay vì cái hiểu chân thật. Suốt tiểu luận này Đạo Nguyên bày tỏ làm sao tránh hiểu lầm cho những phần tử là cái toàn thể trong khi đồng thời vẫn chấp nhận sự sai khác vô cùng của những cái đặc thù như là “những trang hoàng” của cái toàn thể, như “những ánh sáng” của “viên ngọc độc nhất”.

Một Viên Ngọc Sáng

Đại sư Huyền Sa Sư Bị ; tên đời là Sa. Khi chưa xuất gia ngài thích câu cá và thường thả thuyền trên sông Nam Đài, theo cách những người đánh cá. Ngài đã phải có, không chờ mong, con cá vàng tự đến mà không đánh bắt. Vào đầu đời Đường, thình lình ngài muốn từ bỏ thế gian ; ngài bỏ thuyền và vào núi. Lúc ấy ngài ba mươi tuổi. Hiểu ra hiểm họa của cuộc đời phù du, ngài nhận ra giá trị của Phật đạo. Cuối cùng ngài leo lên núi Tuyết Phong, đến đại thiền sư Tuyết Phong và hành đạo ngày đêm.

Một lần, để học Thiền triệt để hơn như đang được dạy trên khắp nước, ngài mang bị và rời núi, nhưng trên đường ngón chân vấp vào đá đau điếng, và ngài thình lình có một cái nhìn thấu suốt mạnh mẽ, và nói, “Thân này không có, cái đau đến từ đâu ?” Thế rồi ngài trở lại Tuyết Phong. Tuyết Phong hỏi, “Ai là đầu đà Sư Bị ?” Huyền Sa nói, “Con không bao giờ thách thức kẻ ngu.” Tuyết Phong đặc biệt thích câu nói này, và nói, “Ai không có lời nói này ? Ai có thể thốt ra lời nói này ?” Tuyết Phong hỏi tiếp, “Đầu đà Sư Bị, tại sao ông không hành cước để học ?” Ngài trả lời, “Bồ Đề Đạt Ma chưa từng đến Trung Hoa, nhị tổ chưa từng đi Ấn Độ.”(1) Tuyết Phong đặc biệt khen ngợi ngài vì lời nói này. Bởi vì ngài lớn lên làm một người đánh cá, ngài chưa hề đọc kinh, luận, tuy nhiên nguyện vọng ngài sâu xa rộng lớn, nên có một tinh thần cương quyết vượt hơn những người khác. Tuyết Phong nghĩ ngài trổi vượt trong chúng và khen ngài như một tiêu chuẩn trong các đệ tử của mình. Ngài mặc áo vải thô, và không hề thay y khác, nó cũ rách. Ngài dùng giấy làm áo lót, và cũng mặc cả lá. Ngài không đến với vị thầy nào khác ngoài Tuyết Phong. Tuy nhiên ngài đã đủ năng lực để thừa hưởng đạo của thầy.

Sau khi đắc đạo, ngài nói với người, “Toàn thể thế giới trong tất cả mười phương là duy nhất một viên ngọc sáng.” Rồi có một nhà sư hỏi, “Tôi nghe sư có một lời nói rằng toàn thể thế giới trong tất cả mười phương là một viên ngọc sáng ¬¬– một học trò hiểu cái ấy thế nào ?” Thiền sư nói, “Toàn thể thế giới trong tất cả mười phương là một viên ngọc sáng – nó có dính dáng gì đến chuyện hiểu ?” Ngày hôm sau thiền sư hỏi nhà sư, “Toàn thể thế giới trong tất cả mười phương là một viên ngọc sáng – ông hiểu nó thế nào ?” Nhà sư trả lời, “Toàn thể thế giới trong tất cả mười phương là một viên ngọc sáng – nó có dính dáng gì đến chuyện hiểu ?” Thiền sư nói, “Ta biết ông tìm kế sinh nhai trong một hang quỷ trong núi tối đen.”(2)

Lời nói này, toàn thể thế giới trong tất cả mười phương là một viên ngọc sáng, bắt đầu với Huyền Sa. Thông điệp căn bản là toàn thể vũ trụ thì không lớn, không nhỏ, không tròn hay vuông, không quân bình và chính đúng, không sống động và linh hoạt, không di dời. Hơn nữa, nó không sanh và tử, đến và đi, nó là sanh và tử, đến và đi. Như thế, đi vào quá khứ từ đây, bây giờ nó đến từ đây. Nghiên cứu triệt để người ta phải thấy suốt qua nó như là không trọng lượng, người ta phải tìm ra nó là nhất tâm.

Tất cả mười phương là sự không ngừng đuổi theo sự vật như là tự ngã, đuổi theo tự ngã như là sự vật. Thành ngữ “khi xúc tình sanh khởi thì trí huệ bị cách ngăn” thì cách ngăn nghĩa là xoay đầu, thay đổi khuôn mặt, đó là biết đến những sự kiện, gặp gỡ hoàn cảnh. Bởi vì đuổi theo tự ngã như là sự vật, đó là tất cả mười phương không dứt. Bởi vì nó là nguyên lý phôi thai, tượng hình, nên có sự dư dả trong việc làm chủ trục cốt của tác dụng.

Là một viên ngọc sáng, dù chưa là một cái tên, là sự diễn đạt. Nó đến để nhận một cái tên. Về phần một viên ngọc sáng, nó thậm chí mười ngàn năm ; vì nó trải qua thời thái cổ, nhưng chưa dứt, nó trải qua thời hiện tại, lại đã đến. Dù có cái hiện tại của thân và hiện tại của tâm, nó là một viên ngọc sáng. Nó không phải là cỏ và cây của ở đây và ngay tại, không phải là núi và sông của trời và đất – nó là một viên ngọc sáng.

Một học trò hiểu cái ấy thế nào ? Về câu nói này, mặc dù có vẻ nhà sư đang nằm trong thức, nó là đại dụng biểu lộ là một đại phép tắc. Tiến tới, người ta cần đề cao một thước nước, một thước sóng.(3) Đây là cái gọi là mười thước ngọc, mười thước sáng. Để diễn đạt điều muốn nói, Huyền Sa nói, “Toàn thể thế giới trong tất cả mười phương là một viên ngọc sáng – nó có dính dáng gì đến chuyện hiểu ?” Câu nói này là một diễn đạt của chư Phật truyền cho chư Phật, chư Tổ truyền cho chư Tổ, Huyền Sa truyền cho Huyền Sa. Khi cố gắng trốn thoát sự trao truyền này, dù không phải không có chỗ để trốn thoát, thậm chí người ta có rõ ràng trốn thoát được một lúc, bao giờ sự diễn bày này khởi lên, nó bao trùm cả thời gian ấy.

Ngày hôm sau Huyền Sa hỏi nhà sư, “Toàn thể thế giới trong tất cả mười phương là một viên ngọc sáng – ông hiểu nó thế nào ?” Điều này nói, hôm qua tôi đã nói một nguyên lý xác định ; hôm nay, dùng một lớp thứ hai, ngài lộ năng lực(4) – hôm nay tôi nói nguyên lý bất định – ngài xô ngã hôm qua, gật đầu và cười. Nhà sư nói, “Toàn thể thế giới trong tất cả mười phương là một viên ngọc sáng – nó có dính dáng gì đến chuyện hiểu ?” Chúng ta có thể gọi điều này là cưỡi con ngựa của tên trộm để rượt theo tên trộm. Trong một giải thích xưa cổ của Phật cho các ông, nó là làm việc giữa các loại hình tướng khác nhau.(5) Các ông nên hồi quang phản chiếu một lúc – có bao nhiêu cấp độ của nó có dính dáng gì đến chuyện hiểu ? Cố gắng nói, dù người ta có thể nói nó là bảy bánh sữa, năm bánh bột, đây vẫn là lời dạy và thực hành của nam Sở, bắc Tần.(6)

Huyền Sa nói, “Ta biết ông tìm kế sinh nhai trong một hang quỷ trong núi tối đen.” Hãy biết rằng khuôn mặt mặt trời, khuôn mặt mặt trăng(7) không hề thay đổi từ sơ thủy. Khuôn mặt mặt trời xuất hiện cùng với khuôn mặt mặt trăng, và khuôn mặt mặt trăng xuất hiện cùng với khuôn mặt mặt trăng. Thế nên nếu tháng sáu ông nói chỉ mới đúng thời, thì ông không thể nói bản tánh của ông hoàn toàn hiển lộ.(8) Bởi thế từ vô thủy viên ngọc sáng này không có điểm quy chiếu – nó là toàn thể thế giới trong tất cả mười phương là một viên ngọc sáng. Ngài không nói hai hay ba – toàn thân (của viên ngọc) là một con mắt độc nhất của chân lý, toàn thân là hiện thân của thực tại, toàn thân là một câu, toàn thân là ánh sáng, toàn thân là toàn thân. Khi đang là toàn thân, toàn thân không chướng ngại – nó hoàn toàn tròn, nó lăn tròn bằng phẳng. Bởi vì những phẩm tính của viên ngọc sáng biểu lộ như vậy, có Quan Âm và Di Lạc của hiện tại thấy sắc và nghe thanh, có chư Phật cũ và chư Phật mới hiện thân thuyết pháp. Vào chính lúc đó, dù treo trên trời, hay ở trong áo người ta, hay ở dưới hàm, hay trong búi tóc, trường hợp nào nó cũng là toàn thể thế giới trong tất cả mười phương là một viên ngọc sáng.

Mắc nó vào trong áo được xem là đạo (con đường, cách) – chớ nói các ông treo nó ở ngoài. Mắc nó trong búi tóc hay dưới hàm được xem là đạo – chớ cố gắng chưng diện nó ra ngoài búi tóc hay hàm. Có một người bạn thân thiết cho các ông viên ngọc khi các ông say rượu – viên ngọc nên được cho một người bạn thân thiết. Vào lúc viên ngọc được đeo, người ta luôn luôn say rượu. Đang là như vậy là một viên ngọc sáng nó là toàn thể thế giới trong mười phương. Cái đang là này, dù nó có vẻ thay đổi những khuôn mặt, quay hay không quay, nó vẫn là một viên ngọc sáng. Nó biết chính xác rằng viên ngọc vốn xưa nay bản thân là viên ngọc sáng như vậy. Viên ngọc sáng có sắc và thanh nghe ra như vậy. Vốn như vậy, nhưng càng lo rằng mình không phải là viên ngọc sáng, người ta sẽ nghi ngờ rằng nó không phải là viên ngọc. Lo âu và nghi ngờ, lấy và bỏ, làm và không làm, tất cả đều là cái thấy tạm thời của lượng nhỏ hẹp. Thú vị là nó không phải vậy – những vẻ vang và ánh sáng của viên ngọc sáng là vô hạn. Mỗi lóe sáng, mỗi tia sáng, mỗi lộng lẫy, mỗi ánh sáng là một phẩm tính của toàn thể thế giới trong tất cả mười phương. Ai có thể lấy chúng đi được ? Không có ai liệng một tấm ngói ngoài chợ.(9) Chớ phiền hà về không rơi vào hay không mê mờ(10) nhân quả của những hiện hữu thế gian – viên ngọc sáng bổn nguyên không vết mờ hoàn toàn chân thật là khuôn mặt ; viên ngọc sáng là mắt.

Tuy nhiên, với cả tôi và các ông, việc nghĩ đến mọi sự và không nghĩ đến sự nào đều không biết cái gì là viên ngọc sáng và cái gì không phải là viên ngọc sáng. Đó chỉ là việc gom cỏ khô cho thêm một chút ánh sáng. Nhưng nếu chúng ta, nhờ câu nói của Huyền Sa, cũng đã nghe, đã biết, đã hiểu thân và tâm là viên ngọc sáng giống như cái gì, tâm không phải là tự ngã, có ai để chúng ta phải lo toan lấy bỏ thành và hoại là viên ngọc sáng hay không phải là viên ngọc sáng ? Mà dù chúng ta có nghi ngờ và lo toan, điều đó cũng không thể làm cho nó không phải là viên ngọc sáng. Bởi vì có hành động gì, tư tưởng gì gây ra bởi cái gì, thì hành động, tư tưởng đó vẫn là viên ngọc sáng, sự kiện đơn giản là những bước tới và những bước lui trong hang quỷ nơi hang núi tối đen chỉ là một viên ngọc sáng.

Chú thích

1. Ý nghĩa bao hàm trong điều này là thực tại thì toàn khắp.

2. “Hang quỷ trong núi tối đen” thường được dùng trong Thiền để ám chỉ sự chìm đắm trong tĩnh lặng, định không có hình tướng, “không biết”. Nó cũng được gọi là rơi vào trong tánh không một chiều hay tánh không hư vô. Đây là sự thường dùng để ám chỉ thiền định ; nó cũng được dùng để ám chỉ sự bám chấp vào những ý niệm cứng đọng, rập khuôn.

3. “Nước” chỉ cho tinh túy, tánh không, bản thể ; “sóng” chỉ những đặc tính, những hình tướng, những hiện tượng. “Một thước nước, một thước sóng” ám chỉ sự hòa nhập hoàn hảo trong chứng ngộ của tánh không và hiện hữu.

4. “Lộ năng lực” hay “biểu lộ sự sống” thường ám chỉ tác dụng sinh động hay tính mềm dẻo, không kẹt trong một vị trí hay sự sáo rỗng.

5. “Làm việc giữa các loại hình tướng khác nhau” (dị loại trung hành) là một từ kỹ thuật trong phái Tào Động gốc Trung Hoa và thường có nghĩa hành động trong thế giới trong bất kỳ hình tướng thích hợp nào. Tào Sơn, vị khai tổ của Tào Động, viết, “Sự đồng hóa của Bồ tát với những loại hình khác nhau nghĩa là trước hết hiểu chính mình, rồi sau đó đi vào những loại khác nhau trong sanh tử để cứu giúp những người khác ; đã chứng ngộ niết bàn, họ không bỏ sanh linh trong sanh tử – tự giúp mình và những người khác, họ phát nguyện rằng tất cả sanh linh sẽ đạt đến Phật quả.” Tào Sơn bàn luận nhiều loại hay khía cạnh của “làm việc giữa các loại hình tướng khác nhau”, nhưng tổng quát “các loại khác nhau” nghĩa là thế giới của sai biệt, mọi loại hình tướng và trạng thái khác nhau.

6. “Bảy bánh sữa, năm bánh bột” nghĩa là “mọi sự”, và “nam Sở, bắc Tần”, nghĩa là “khắp nơi” (Bích Nham Lục, tắc 18). Mọi sự là “viên ngọc sáng”, mọi sự khắp nơi là như vậy – những sự hiểu hay diễn tả có chỗ dùng của chúng, nhưng bản chất là manh mún và không nắm được cái toàn thể. Tuy nhiên bởi vì nguyên lý này trải rộng cho tất cả mọi đặc thù, như triết lý Hoa Nghiêm nhấn mạnh, một là tất cả và tất cả là một. Trong nhãn quan của Thiền, bất kỳ sự vật đặc thù nào cũng có thể dùng để tiêu biểu cho tất cả cái đang là.

7. Bích Nham Lục, tắc 3.

8. Một vị thầy thời xưa nói, “Mỗi ngày đều là ngày tốt.” Bích Nham Lục, tắc 6.

9. “Liệng một tấm ngói” để lấy về một mảnh ngọc bích có nghĩa là cho cái ít lấy cái nhiều. Có lần một người viết hai dòng thơ trong một ngôi chùa nơi một thi sĩ lừng danh thường đến, cho thi sĩ phải làm cho trọn bài. Những dòng thơ thi sĩ thêm vào là tuyệt hảo, và người viết hai câu đầu được nói là liệng một tấm ngói để lấy một mảnh ngọc.

10. Trong một chuyện Thiền nổi tiếng, một cụ già nói với thiền sư Bách Trượng rằng ông xưa kia là một vị thầy, nhưng khi một học trò hỏi người tu hành thiền định cao thì có rơi vào lãnh vực nhân quả không, ông bác bỏ nó – nghĩa là nói, không rơi vào nhân quả – và trở thành một con “chồn hoang”. Rồi ông lão đặt cùng câu hỏi với Bách Trượng ngài trả lời người tu hành cao “không mê mờ nhân quả”.

Xem mục lục