1. Chữ Sanskrit Avalokitesvara có thể dịch là Quán Thế Âm hay Quán Tự Tại. Đây là ý chỉ của ngài Huyền Trang khi dịch Quán Thế Âm thành Quán Tự Tại. Thực ra hai danh hiệu đều giống nhau, một bên là nghe, một bên là thấy. Với Bát-nhã Tâm Kinh, căn được sử dụng nhiều nhất là con mắt (chiếu kiến năm uẩn đều không). Ngài Huyền Trang thay vì dịch Nghe âm thanh của thế giới (Quán Thế Âm) lại dịch là Thấy Tự Tại, thấy chân lý, Thấy Đạo. Bởi vì như kinh Lăng Nghiêm nói, một vị Bồ-tát đã diệt trừ được năm ấm ngăn che thì các căn có thể đổi lẫn cho nhau, nên nghe cũng là thấy, thấy cũng là nghe.
Quán Tự Tại có nghĩa là thấy cái Tự Tại, thấy một cách tự tại. Thấy Thực Tại, thấy chân lý. Quán Tự Tại là cái Thấy được thực tại, Thấy Đạo. Ở đây, chữ Quán Tự Tại vừa chỉ riêng Đức Quán Thế Âm vừa chỉ cho đặc tính của tất cả hành giả Bồ-tát tu theo căn con mắt để thấy được Đạo. Như ngài Quán Thế Âm tu theo nhĩ căn viên thông là lỗ tai nên có danh hiệu là Nghe Tiếng Thế Gian. Vậy thì hành giả muốn thấy Đạo, muốn thấy Tánh Không, phải Quán Tự Tại, nếu Quán Tự Tại rốt ráo thì thành Quán Tự Tại Bồ-tát.
Thấy thực tại là gì? Thấy thực tại là một cái thấy trùm khắp, trong đó chủ thể và khách thể đều tiêu vong như một cái gương sáng rộng vô hạn trong đó hiện đồng thời tất cả hình tướng sắc màu mà không phân biệt. Cái thấy này vượt lên mọi sự phân biệt của thức (từ nhãn thức đến ý thức), cho nên cái Thấy này tự nó là bản thể của thức, tức là Trí Huệ Bát-nhã. Do đó, cái thấy này không nằm trong trường vọng động của thức, mà là Tánh Thấy, như Đức Phật giảng trong kinh Lăng Nghiêm.
Quán Tự Tại là Bồ-tát đạt đến Tánh Thấy, như Quán Thế Âm là Bồ-tát viên thông được tánh nghe. Tánh thấy này không động, không đến, không đi, mặc cho các hình tướng có đến, có đi. Tánh Thấy này được gọi là Chân Như, ở Tâm Kinh gọi là Không, không sanh không diệt, không cấu không tịnh, không tăng không giảm.
2. Quán Tự Tại là Tự Tánh. Quán là chiếu soi. Tự Tại là bất động, tịch diệt. Quán Tự Tại là thường tịnh mà thường chiếu, vừa thường tịnh lặng (Định) vừa thường sáng soi (Huệ), vừa thường Chỉ lại vừa thường Quán. Vừa tịch vừa chiếu, vừa Định vừa Huệ, vừa Chỉ vừa Quán là Tự Tánh. Như gương lớn bao gồm mọi hình tượng, vốn hằng bình an bất động mà vẫn hằng hiện bày mọi hình tướng.
Kinh Kim Cang nói: “Thấy tất cả mọi tướng đều chẳng phải tướng, tức là thấy Như Lai.” (Kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai.) Cái thấy đó, Thiền gọi là thấy Tánh. Trong Tự Tánh trùm khắp pháp giới, chỉ có Tự Tánh độc chiếu không có thân tâm và cảnh giới, không có tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh và tướng thọ mạng.
Đây là tông chỉ của ngài Bá Trượng:
“Linh quang độc diệu
Vượt thoát căn trần
Thể lộ chân thường
Không trệ ngữ ngôn.
Tâm tánh không nhiễm
Vốn tự viên thành
Chỉ lìa vọng duyên
Tức Như Như Phật.”
3. Thế nào là Quán Tự Tại?
* Một Thiền sư nói: “Suốt ngày xem núi”
* Tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông nói:”Mù mắt ngươi đi”
* Tại sao các Thiền sư được gọi là Sa-môn một mắt?
* Một Thiền sư nói: “Mây tại trời xanh, nước tại bình”
* Xuyên Thiền sư nói: “Trời ở trên trời, đất dưới đất. Khúc ca gì mà vui khoái cả muôn năm”
* Ngài Mã Tổ nói: “Ngày thấy Phật, đêm thấy Phật” (Nhật diện Phật, nguyệt diện Phật.)
* Một Thiền sư nói: “Cùng tột pháp giới là một con mắt của Sa-môn”
4. Muốn diệt trừ thức phân biệt để biểu lộ cái Thấy không phân biệt, đừng để cho nhãn thức hoạt động theo lề thói của nó. Nhãn thức không phân biệt, thì đó là Tánh Thấy. Cho nên, suốt ngày thấy mà chẳng thấy, suốt ngày nghe mà chẳng nghe, đi đứng nằm ngồi đều một vị bình đẳng. Đó là Nhất Hạnh tam muội.