Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (20)


Xem mục lục

 

Thầy giáo


 

125. Này bạn ơi! Bạn là thầy dạy của chính mình đó. Tìm kiếm một vị thầy không giúp bạn giải tỏa hoài nghi. Tìm hiểu chính mình để thấy sự thật bên trong, không phải bên ngoài. Tự hiểu mình là điều quan trọng nhất.

  

125. Một vị thầy của tôi ăn rất nhanh, khi ăn gây ra tiếng động ồn ào; thế mà thầy lại dạy chúng tôi phải ăn chầm chậm và chánh niệm. Quán sát thầy, tôi lấy làm thất vọng và buồn nản. Tôi đau khổ trong khi ông ta vẫn tự nhiên. Thật ra, tôi đã quán sát bên ngoài mà không quán sát chính tôi. Sau này, tôi mới hiểu rõ điều đó. Có nhiều người lái xe rất nhanh, nhưng cẩn thận. Trong khi một số người khác lái xe rất chậm, nhưng gây nhiều tai nạn. Đừng dính mắc vào những qui luật có sẵn. Đừng dính mắc vào hình thức bên ngoài. Nên nhìn người ngoài mười phần trăm và để chín mươi phần trăm nhìn lại chính mình.

 

127. Rất khó dạy giới luật. Một số hiểu nhưng không thèm thực hành. Một số không hiểu nhưng không chịu tìm hiểu. Tôi chẳng biết phải dạy họ như thế nào. Tại sao lại có những người như vậy? Không biết là đã tệ hại rồi, nhưng ngay cả khi tôi dạy họ, họ cũng không nghe. Họ nghi ngờ pháp thực hành. Họ luôn luôn hoài nghi. Họ muốn đến Niết bàn nhưng không muốn thực hành. Thật là trở ngại. Khi bảo họ hành thiền, họ sợ hãi; và nếu không sợ thì họ chỉ ngồi ngủ. Phần lớn đều thích làm những điều mà tôi không dạy. Đó là cái khổ của kẻ làm thầy.

 

128. Nếu có thể thấy chân lý của Đức Phật một cách dễ dàng thì chúng ta không cần phải có nhiều thầy dạy. Khi hiểu những lời dạy của Đức Phật thì chúng ta chỉ cần làm những gì cần làm. Những điều làm thầy khó khăn là học trò không chấp nhận giáo pháp, tranh biện với giáo pháp và tranh biện với thầy. Trước mặt thầy, họ làm như họ tốt đẹp, nhưng sau lưng thầy họ là những tên trộm. Dạy đạo khó khăn thật!

 

129. Tôi chẳng bao giờ dạy học trò sống và thực hành một cách tùy tiện, thiếu chánh niệm. Nhưng đó là những điều họ làm khi tôi vắng mặt. Nếu hỏi cảnh sát là quanh đây có trộm không thì họ trả lời là không, bởi vì cảnh sát không thấy. Nhưng khi không có cảnh sát thì trộm lại hoành hành. Vào thời Đức Phật cũng vậy. Bởi thế, hãy tự quán sát, theo dõi chính mình, đừng quan tâm gì đến chuyện người khác.

 

130. Vị chân sư thường chỉ dạy những cách hành thiền khó khăn, đòi hỏi nhiều nỗ lực của bạn để loại bỏ tự ngã. Dầu có gì xảy ra cũng đừng bỏ thầy. Hãy để thầy hướng dẫn bạn, bởi vì bạn rất dễ quên đường thực hành.

 

131. Mối hoài nghi đối với thầy có thể giúp bạn. Hãy nhận từ thầy những gì tốt đẹp và hãy ý thức việc thực hành của chính mình. Trí tuệ sẽ đến khi chính bạn tự quán sát và phát triển.

 

132. Không phải thầy bảo trái cây ngon ngọt là tin ngay mà không cần biết gì nữa. Tự mình nếm thử để biết hương vị thật sự thì mọi nghi ngờ sẽ tiêu tan.

 

133. Thầy là người chỉ cho ta con đường. Thành công hay không do chính sự thực hành của ta.

 

134. Đôi khi việc dạy dỗ thật khó khăn. Nhà sư chẳng khác nào một cái giỏ rác để người ta vất bỏ mọi vấn đề bực dọc và phiền toái vào. Càng dạy nhiều học trò thì rác bẩn càng nhiều. Nhưng dạy dỗ là một cách thực hành tốt đẹp. Dạy dỗ giúp ta phát triển kiên nhẫn và hiểu biết.

 

 

135. Thầy không thể giải tỏa nổi khó khăn của chúng ta. Thầy chỉ là nơi để học đạo. Thầy không thể làm cho đạo sáng tỏ hơn. Những điều thầy dạy là để thực hành chứ không phải chỉ để nghe suông. Đức Phật chẳng bao giờ tán dương sự tin tưởng vào người khác. Phải tin tưởng chính mình. Điều này thật khó khăn. Nhưng phải như vậy. Chúng ta nhìn bên ngoài nhưng chẳng bao giờ thấy. Phải thật sự thực hành. Hoài nghi không tiêu tan do học hỏi nơi kẻ khác mà do liên tục thực hành.

Xem mục lục