Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (14)


Xem mục lục

Tôi đã nhận sự truyền thọ Bhodicharyavatara (Bồ tát hạnh) từ Tenzin Gyaltsen, vị Rinpoche Kunu,(1) chính người đã nhận nó từ một đệ tử của Rinpoche Dza Patrul,(2) ngày nay được xem là một trong những người kế thừa tâm linh chính của giáo lý ngài. Có kể lại rằng khi Patrul Rinpoche giảng giải bản văn này, những điềm lành xuất hiện, như hoa vàng nở, những cánh hoa của chúng nhiều thật khác thường. Tôi cảm thấy rất may mắn khi có thể đến phiên mình đưa cho một bình giải về tác phẩm Phật giáo cổ điển vĩ đại này.

Shantideva(3) tạo ra bản văn này trong hình thức một đối thoại nội tâm. Ngài xoay những vũ khí của ngài vào chính ngài, chiến đấu với những tình cảm tiêu cực của ngài. Bởi thế, khi chúng ta dạy hay nghe bản văn này, điều quan trọng là chúng ta làm thế để tiến bộ về tâm linh, hơn là xem nó chỉ là một chủ đề nghiên cứu hàn lâm. Với điều này trong tâm, chúng ta bắt đầu mỗi buổi giảng dạy bằng sự bày tỏ lòng tôn kính với Phật và đọc tụng những đoạn trích từ các kinh.

Bỏ đi các điều xấu
Thực hành tốt đức hạnh ;
Chinh phục tâm của mình :
Đó là lời Phật dạy

Như một ngôi sao, một ảo ảnh, hay một ngọn lửa,
Một huyễn hóa, một hạt sương, hay một bong bóng,
Như một giấc mộng, một tia chớp, hay một đám mây –
Người ta phải xem thấy mọi sự hợp thành là như thế.

Khi đọc tụng những lời này, chúng ta nên nghĩ về tính vô thường và không có thực tại trong những hiện tượng và kết luận với một lời cầu nguyện và hồi hướng:

Bằng công đức này, nguyện chúng ta đạt được toàn giác
Và chiến thắng kẻ thù của chúng ta, những hành vi có hại của chúng ta
Và nguyện cho chúng sanh, bị nhồi dập bởi những ngọn sóng của sanh, già, bệnh, chết,
Được giải thoát khỏi đại dương sanh tử.

Tiếp theo chúng ta đọc tụng Bát Nhã Tâm Kinh, Ngợi Ca đức Văn Thù, và dâng cúng mạn đà la.(4) Những ai trong các bạn không thể đọc tụng những bài này, có thể đơn giản nghĩ đến lòng tốt của đức Phật và quán chiếu về cái thấy tánh Không, nó là ý nghĩa của những Kinh Bát Nhã Ba La Mật.

Cuối cùng chúng ta cần lập lại những lời nguyện, quy y và phát tâm Bồ đề của chúng ta ba lần :

Trong Tam Bảo Phật, Pháp và Tăng
Chúng ta quy y cho đến lúc giác ngộ.
Bằng công đức thực hành bố thí, trì giới…
Nguyện chúng ta đạt đến Phật tánh vì sự lợi lạc cho chúng sanh.

Bây giờ chúng ta bắt đầu sự nghiên cứu của mình về Bồ Tát Hạnh.

Đức Phật, đạo sư của những lời dạy này, bắt đầu bằng phát sinh mong muốn giác ngộ. Bấy giờ ngài góp chứa những việc lành qua nhiều đời trong ba vô số kiếp. Cuối cùng, trong thời đại khi tuổi trung bình của con người là một trăm năm, ngài đi vào thế giới này và đạt đến giác ngộ trên Tòa Kim Cương ở Bồ đề Đạo tràng, Ấn Độ. Trong hai mươi lăm thế kỷ từ khi ngài lần đầu tiên chuyển Bánh Xe Pháp(5) về những giáo lý rộng và sâu, con đường Phật giáo đã là một trong những truyền thống tâm linh quan trọng nhất của thế giới.

Tôi thường nhìn những giáo lý của Phật dưới hai chủ đề : hoạt động và cái thấy. Hoạt động nghĩa là dừng lại sự làm hại những người khác. Đây là một điều có ích một cách phổ biến, một điều mà tất cả mọi người đều tán thưởng dù họ có là tôn giáo hay không. Cái thấy ám chỉ đến nguyên lý phụ thuộc lẫn nhau (duyên sanh). Hạnh phúc và đau khổ, và những chúng sanh trải nghiệm chúng, không phải khởi ra mà không có nguyên nhân cũng không phải chúng được gây ra bởi một đấng sáng tạo vĩnh cửu nào. Thật vậy, mọi sự khởi từ những nguyên nhân tương đương với chúng. Ý tưởng này được mọi tông phái Phật giáo chủ trương, và như vậy tôi thường nói rằng quan kiến của chúng ta là cái thấy phụ thuộc lẫn nhau.

Cái thấy phụ thuộc lẫn nhau tạo cho một sự khai mở lớn lao của tâm thức. Nói chung, thay vì thấu hiểu rằng điều chúng ta trải nghiệm khởi sanh từ một mạng phức tạp những nguyên nhân, chúng ta lại có khuynh hướng đổ gán vui hay buồn, chẳng hạn, cho những nguồn gốc đơn lẻ, cá nhân. Nhưng nếu là như thế, ngay khi chúng ta tiếp xúc với cái mà chúng ta cho là tốt, đáng lẽ chúng ta vui một cách tự động, và ngược lại, trong trường hợp những cái xấu, chắc chắn phải buồn. Những nguyên nhân của vui vẻ và phiền muộn thì dễ dàng để nhận ra và nhắm tới. Thật hoàn toàn đơn giản, và có lý do chắc chắn cho sự giận dữ và luyến ái của chúng ta. Ngược lại, khi chúng ta xem mọi sự khi chúng ta trải nghiệm tạo thành từ một tương tác phức tạp của những nhân và duyên, chúng ta thấy rằng không có sự vật đơn lẻ nào để ham muốn hay ghét bỏ, và càng khó hơn cho những phiền não luyến ái hay ghét bỏ nảy sanh. Theo cách này, cái thấy phụ thuộc lẫn nhau làm cho tâm thức chúng ta thư giãn và mở ra hơn.

Bằng cách tu hành tâm thức chúng ta và quen thuộc với cái thấy này, chúng ta thay đổi cách nhìn về các sự vật, và như một kết quả, chúng ta dần dần thay đổi thái độ và ít làm hại cho những người khác. Như có nói trong kinh :

Bỏ đi các điều xấu ;
Thực hành tốt đức hạnh ;
Chinh phục tâm của mình :
Đó là lời Phật dạy.

Chúng ta cần tránh ngay cả những hành động xấu nhỏ nhất, và cần thực hiện ngay cả những hành động tốt rất tầm thường mà không hạ thấp giá trị của chúng. Lý do cho điều này là hạnh phúc mà tất cả chúng ta đều muốn và khổ đau mà tất cả chúng ta đều tránh được tạo ra một cách chính xác bởi những hành động của chúng ta, hay là nghiệp. Mỗi sự việc chúng ta nếm trải đã và đang được lập chương trình bởi những hành động của chúng ta, và những hành động ấy lại tùy thuộc vào thái độ của chúng ta. Bất cứ điều gì chúng ta làm, nói hay nghĩ trong thời trẻ là nguyên nhân của hạnh phúc và khổ đau chúng ta trải nghiệm trong tuổi già. Hơn nữa, điều chúng ta làm trong đời này sẽ quyết định hạnh phúc hay khổ đau của đời kế tiếp. Và những hành động của kiếp (kalpa) này sẽ thành tựu trong những trải nghiệm của kiếp tương lai. Đây là cái mà chúng ta hiểu là định luật của nghiệp, định luật nhân quả.

Trên căn bản này, một hành động được gọi là tiêu cực hay xấu nếu nó đưa đến khổ đau, là cái mà chúng ta muốn tránh. Nó được gọi là tích cực hay tốt nếu nó đưa đến hạnh phúc, là điều chúng ta mong muốn. Chúng ta xem một hành động là tốt hay xấu không phải theo phần của nó mà theo việc nó dẫn đến vui vẻ hay buồn rầu. Điều này hoàn toàn tùy thuộc vào động lực, và bởi thế, kinh nói, “Chinh phục tâm của mình.” Một tâm thức không có kỷ luật sẽ trải nghiệm khổ đau, nhưng một tâm thức có được sự kiểm soát sẽ vui vẻ và an bình.

Biết tất cả những phương pháp để điều phục tâm thức qua những lời dạy về con đường rộng lớn và sâu xa là điều quan trọng. Cái đối nghịch với giận ghét là thiền định về tình thương. Để chinh phục sự luyến ái, chúng ta cần tham thiền về cái xấu xí của điều hấp dẫn chúng ta. Cái đối nghịch với kiêu hãnh là thiền định về những hợp uẩn. Để chống lại vô minh chúng ta cần tập trung vào cử động của hơi thở vào tính phụ thuộc lẫn nhau. Gốc rễ của sự huyên náo của tâm thức thật ra là vô minh, vì mà nó chúng ta không hiểu được bản tánh thực sự của sự vật. Tâm thức được kiểm soát bằng cách tịnh hóa quan niệm sai lầm của chúng ta về thực tại. Đây là lời dạy của Phật. Chính là qua sự tu hành tâm thức mà chúng ta có thể chuyển hóa cách thức chúng ta hành động, nói năng hay suy nghĩ.

Đến đây cần nói vài điều về lời dạy của Phật trong tổng quát. Theo Đại thừa, sau khi đạt đến giác ngộ, đức Phật chuyển Bánh Xe Pháp, nêu lên giáo lý của ngài trong ba giai đoạn. Đầu tiên, ngài dạy Bốn Chân Lý Cao Cả, trên đó toàn bộ giáo lý Phật giáo đặt nền. Những cái ấy là chân lý về sự khổ, chân lý về nguồn gốc của khổ, chân lý dừng dứt sự khổ, và chân lý về con đường. Với lần chuyển hóa thứ hai (hay ở giữa), ngài ban cho những lời dạy về tánh Không và những phương tiện sâu xa và chi tiết của con đường, chúng làm thành những Kinh Bát Nhã Ba la mật. Với lần chuyển bánh xe pháp thứ ba, ngài trình bày những lời dạy về tánh Không trong một cách dễ thâm nhập hơn. Trong những kinh như Kinh về Phật tánh, ngài nói đến một bản tánh tuyệt đối, nó vắng bặt mọi ý niệm nhị nguyên chủ thể và đối tượng. Đây cũng là chủ đề của Dòng tương tục thiêng liêng.

Nguồn gốc của khổ – có tên là những tình thức tiêu cực hay những phiền não – có thể được hiểu với nhiều cấp độ tinh vi khác nhau, và điều này đòi hỏi một sự hiểu biết về bản tánh của những hiện tượng. Trong lần chuyển bánh xe pháp thứ hai, đức Phật giảng giải chi tiết chân lý dừng dứt sự khổ. Ngài bày tỏ rằng một sự phân tích càng lúc càng vi tế những hiện tượng dẫn đến một quán thấy tinh tế hơn vào bản chất của tánh Không. Sự thấy rõ đó lại dẫn đến một thấu hiểu sâu xa hơn chân lý về con đường.

Trong lần chuyển bánh xe pháp thứ ba, chúng ta thấy một giải thích chi tiết về con đường để đạt đến giác ngộ. Tiềm năng này, gọi là Như Lai tạng, hay Phật tánh, là một cái gì chúng ta vẫn luôn luôn có từ vô thủy. Khi chúng ta nói đến chân lý của con đường, chúng ta không đang nói về một cái gì hoàn toàn xa lạ với bản tánh của chúng ta, nó thình lình xuất hiện như một cây nấm, như thể không có một hạt giống hay nguyên nhân. Chính vì chúng ta có cái nền tảng này hay khả năng này cho sự toàn trí tối hậu mà chúng ta có thể đạt đến giác ngộ.

Những bản văn thuộc thời chuyển pháp thứ hai bày tỏ bản tánh trống không của những hiện tượng, trong khi Kinh về Phật Tánh và những lời dạy khác thuộc thời chuyển pháp thứ ba nhấn mạnh trí huệ, phương diện trong trẻo và sáng ngời của tâm.

Đức Phật dạy trước tiên Bốn Chân Lý Cao Cả, như là nền tảng của toàn thể giáo lý của ngài. Khi ngài nói lên những lời dạy, lời nói của ngài thích hợp với những nhu cầu và khả năng tâm thức. Cách ngài dạy chuyển biến đáng kể, và điều ngài nói sâu xa nhiều hay ít tùy theo những người ngài nói với. Bởi thế, quan trọng là phải biết lời dạy nào biểu thị ý nghĩa tối hậu và lời dạy nào tùy theo những khả năng riêng biệt của các đệ tử của ngài. Nếu trên phân tích, chúng ta thấy những lời đức Phật khi hiểu theo nghĩa đen có vẻ không có luận lý hay đưa đến những mâu thuẫn, chúng ta phải hiểu rằng những lời dạy ấy là một phát biểu tương đối về chân lý cần thiết phải thích ứng với sự hiểu của những người riêng biệt. Ngược lại, nếu những lời của ngài có thể hiểu theo nghĩa đen và không có mâu thuẫn nào hay khuyết điểm nào, chúng ta có thể chấp nhận những lời dạy đó như phát biểu chân lý tối hậu.

Niềm tin thì rất quan trọng trong Phật giáo, nhưng trí huệ thì còn quan trọng hơn. Niềm tin chân thật phải đặt nền tảng trên luận lý. Chỉ nói, “Tôi quy y,” hay “Tôi sùng mộ,” một cách mù quáng và không suy nghĩ, thì không có giá trị. Không có sự cứu xét hợp luận lý, thì không thể phân biệt hoặc là đức Phật đang nói trong một nghĩa thích ứng hay tương đối hay là lời ngài phải được hiểu y nguyên như phát biểu chân lý tối hậu. Đó là vì sao kinh điển nói đến bốn sự nương y :

Không y vào cá nhân, mà y vào lời dạy.
Không y vào lời nói, mà y vào ý nghĩa.
Không y vào nghĩa thích ứng, mà y vào nghĩa rốt ráo.
Không y vào hiểu biết trí thức, mà y vào trí huệ.

Trái với sự hiểu biết trí thức thông thường, bản tánh thực sự của tâm thì trong sáng và thấu hiểu và không hề bị che phủ bởi những ngăn chướng. Sự thực hành của Đại thừa hoàn toàn đặt nền trên cái hiểu này.

Ở Tây Tạng, mọi lời dạy của đức Phật, từ Bốn Chân Lý Cao Cả đến những tantra yoga tối thượng, đều được giữ gìn và thực hành trong trật tự truyền thống sau đây. Giai đoạn đầu là Thanh Văn thừa, hay Căn Bản thừa, con đường của Bốn Chân Lý Cao Cả. Bắt đầu với Giới,(6) nó dạy sự tu hành giới luật, người tiến bộ nhờ ba mươi bảy thực hành dẫn đến giác ngộ, nhờ đó phát triển hai sự tu hành về định và huệ. Ba sự tu hành này là căn bản cho hai thừa kia.

Giai đoạn thứ hai là Đại thừa, cốt ở thực hành sáu ba la mật : rộng lượng, giới luật, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ. Giai đoạn thứ ba là Kim Cương thừa, thừa của những mật chú, nó nêu lên những phương cách phi thường để thành tựu sự tập trung thâm sâu qua sự hợp nhất của an định của tâm thức và quán chiếu sáng tỏ (shamatha và vipashyana) và để tiến bộ qua bốn loại tantra : krya, upa, yoga và anuttara.

Phật giáo nở hoa trong hàng thế kỷ trong nhiều quốc gia nhưng chính ở Tây Tạng mà cả ba con đường này, Thanh Văn thừa, Đại thừa, và Kim Cương thừa, được giữ gìn trọn vẹn. Thật vậy có thể đi qua cả ba giai đoạn này trong giáo trình của chỉ một buổi. Hơn nữa, những học giả Tây Tạng không bao giờ không biết phương diện thực hành, và những hành giả đầy kinh nghiệm không hề xao lãng việc nghiên cứu. Điều này đối với tôi là một cách thức rất tốt cho công việc.

Theo dòng thời gian, những dòng phái khác nhau xuất hiện trong truyền thống trọn vẹn này, được ảnh hưởng bởi những đạo sư phi thường, các ngài ở những thời điểm và nơi chốn khác nhau đã diễn bày những giáo lý theo những cách thức có hơi khác biệt.(7) Bởi thế chúng tôi có truyền thống cổ Nyingma và những truyền thống mới Kadam, Sakya, và Kagyu. Truyền thống Gelug hiện tại tiến hóa từ dòng Kadam. Mặc dù những khác biệt giữa những dòng phái này, chúng đều hiện thân đầy đủ những lời dạy của đức Phật, phối hợp những sự thực hành của Kinh thừa và Đại thừa. Truyền thống Bon, đã có ở Tây Tạng trước khi Phật giáo đến, cũng tiến tới chỗ có một bộ đầy đủ những lời dạy của đức Phật.

Bồ Tát Hạnh được những vị thầy của mọi trường phái Tây Tạng đánh giá cao, và có lẽ có cả trăm vị đã viết những bình giải về nó. Khi tôi nhận được sự chỉ dạy về Bồ Tát Hạnh từ Kunu Rinpoche, ngài thường nhắc đến một bình giải tuyệt hảo được viết bởi Minyak Kunzang Sonam,(8) một đệ tử của Jamyang Khyentse Wangpo.(9)

Bồ Tát Hạnh cô đọng giáo lý của ba lần chuyển bánh xe pháp của đức Phật. Tôi sẽ đọc nó to lên để các bạn nhận được sự trao truyền tâm linh, nó là một nguồn ân phước. Tôi sẽ không giải thích bản văn theo từng từ, mà sẽ bình giải về những điểm chính yếu.

Khi nhận những lời dạy, quan trọng là phải có thái độ đúng đắn. Không phải thực hành Pháp một cách thích hợp khi nghe với ý định có được lợi lộc vật chất hay danh tiếng. Mục tiêu của chúng ta không phải là một tái sanh cao hơn trong đời sau, như chẳng hạn một vị trời hay một con người quyền năng. Cũng không phải chúng ta chỉ muốn sự giải thoát riêng cho chúng ta khỏi vòng sanh tử. Đây là những thái độ chúng ta cần từ chối. Thay vào đó, chúng ta hãy nghe những lời dạy với mong muốn cương quyết đạt đến trạng thái toàn giác vì tất cả chúng sanh, họ thì nhiều vô cùng. Để thành tựu mục tiêu này, cần thiết thực hành con đường sâu xa và bao la được diễn tả trong bản văn này. Nếu chúng ta có thể duy trì động lực này, bất cứ hành động tốt nào chúng ta làm sẽ trở thành nguyên nhân cho giác ngộ tối thượng. Dầu nếu một mong muốn như thế không đến với chúng ta một cách tự nhiên, ít nhất chúng ta cũng cố gắng phát triển một thái độ tích cực khi nghe.

 

Xem mục lục